Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Ký ức về một làng quê – I

Ký ức về một làng quê – I

- Nguyễn thị Kim Thoa — published 27/03/2014 10:05, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
Phần I – Gặp người Mỹ Lợi


Ký ức về một làng quê – Mỹ Lợi


Nguyễn thị Kim Thoa



Phần I – Gặp người Mỹ Lợi


Tên làng và người Mỹ Lợi tôi được nghe và tiếp xúc rất sớm. Năm lên bảy, tôi theo mẹ đến trường tiểu học Thế Dạ nộp đơn xin học. Chúng tôi đến văn phòng gặp thầy hiệu trưởng Hoàng Chương. Đọc hồ sơ thấy tôi đã lớn tuổi, đi học chậm, thầy bảo với mẹ tôi:

«Bà cho cháu đi học trễ, tôi sẽ kiểm tra trình độ của cháu, nếu được cho cháu vào thẳng lớp tư để khỏi mất một năm học.»

Thầy hỏi tiếp mẹ tôi là tôi đã đọc và viết được chưa. Mẹ tôi bảo tôi đã học qua lớp vỡ lòng ở trường làng, đã viết và đọc được những đoạn văn nhỏ do mẹ dạy ở nhà.

Thế rồi ngay lúc ấy thầy Hoàng Chương hỏi tôi đôi ba câu, bảo tôi đọc một đoạn văn nhỏ ở sách tập đọc, làm mấy phép cộng trừ trong giới hạn từ một đến mười, sau đó thầy ân cần cầm tay tôi và bảo:

«Thầy xếp con vào học lớp tư (lớp hai bây giờ) với cô Bổn, cố gắng học để theo kịp bạn bè

Mẹ tôi cám ơn thầy Hoàng Chương rối rít. Tôi vừa mừng vừa lo. Trên đường về, mẹ tôi nói:

«Thầy Hoàng Chương là người Mỹ Lợi và là cháu gọi bà Từ Cung – mẹ của vua Bảo Đại – bằng cô ruột

Sau khi đã là học sinh trường Thế Dạ, tôi biết thêm thầy Hoàng Chương là đồng tác giả (với hai thầy Tôn Thất Lôi, Tạ Thúc Thọ) của hai cuốn sách địa lý dành cho lớp nhì và lớp nhất (lớp bốn và lớp năm bây giờ).

Dáng người thanh cảnh, cử chỉ lời nói nhẹ nhàng thân ái của thầy Hoàng Chương và những thông tin về gia đình của thầy: Cháu gọi bà Từ Cung (Hoàng thị Cúc) bằng cô ruột, anh em cô cậu với vua Bảo Đại, tác giả sách… khiến tôi chú ý đến tên làng Mỹ Lợi – nơi bà Hoàng Thị Cúc (Từ Cung) và thầy Hoàng Chương đã sinh ra. Tôi hỏi mẹ, hỏi cha: Làng Mỹ Lợi ở đâu mà giọng nói của cư dân gần giống với giọng Quảng - Hội An của mẹ? Làng Mỹ Lợi như thế nào mà sinh ra những con người đặc biệt như thế? Trong tâm thức thơ dại của tôi bấy giờ cái gì thuộc về vua chúa, sách vở đều thiêng liêng, đẹp đẽ.


Những giải đáp của mẹ và cha cho tôi những hiểu biết đại khái:

Mỹ Lợi là một làng ven biển cách Huế khoảng 40 cây số về phía đông-nam, dân chúng đa phần sống về nghề làm vườn. Vườn Mỹ Lợi nổi tiếng cau trầu, cam quít, chuối thanh tiên, mãng cầu, thơm ổi… Từ đó, vườn cây trái, con người và ngôi làng có tên Mỹ Lợi đã quấn quít lấy tôi trọn cả đời. Không khó để nhận ra rằng: quê làng Vỹ Dạ của tôi và làng quê Mỹ Lợi từ cái tên gọi, đến vườn tược, cây trái và cả con người có cái gì đó rất gần và cũng rất chung trong tâm tưởng tôi từ buổi ấu thời. Sau này lớn lên làm dâu Mỹ Lợi, về thăm nhà và quê chồng năm mười chuyến, tôi mới nhận ra rằng trong cái chung của cảm nhận ban đầu, Mỹ Lợi có nhiều cái riêng chẳng lẫn lộn với bất cứ quê làng nào.


Người Mỹ Lợi sau thầy Hoàng Chương tiếp xúc với gia đình tôi là một phụ nữ đứng tuổi làm nghề buôn chuyến theo đò dọc đến nhà tôi qua ngã bến sông.

Sau vụ gạo miền Trung (1957), bị chính quyền của Ngô Đình Cẩn thu hồi môn bài bán gạo lẻ, gia đình tôi lâm vào tình thế cùng quẫn. Cha tôi phải đi làm thư lại ở Quảng Nam, mẹ tôi xoay xở bằng cách chuyển qua buôn hàng nằm (trữ hàng). Buôn hàng nằm là mua các sản phẩm nông nghiệp từ đầu vụ, trữ và bán ra ở cuối vụ, lời lỗ tùy theo năm và cũng tùy theo chất lượng của hàng hóa. Qua giới thiệu của bà Bửu Đáp, người phụ nữ buôn chuyến ở Mỹ Lợi đem đến cho mẹ tôi: dầu phụng, bánh dầu, thuốc lá, cau khô… mùa nào thức ấy. Bà ấy tên Khiêm, người tầm thước, mặt mày không đẹp nhưng đoan hậu, lúc nào cũng ăn mặc tươm tất (áo dài màu cổ đồng hay màu nâu sáng, quần lãnh đen, chiếc nón lá có quai bằng vải thao to bản), hàm răng đen và miệng luôn nhai trầu, nói cười dịu dàng, chậm rãi, chừng mực và tự tín. Không nói thách, không trao hàng kém phẩm chất, và chẳng bao giờ lời qua tiếng lại với mẹ tôi. Mẹ tôi thường nhận xét: Buôn bán và tiếp xúc với những người như bà Khiêm mình thấy yên tâm và dễ chịu. Ngoài việc buôn bán, mẹ tôi còn nhờ bà Khiêm đặt chằm những cái nón lá từ Mỹ Lợi. Cầm chiếc nón mẹ tôi thường trầm trồ: Vành lồ ô vót nhỏ, chuốt tròn, mũi chằm bằng sợi đoát mịn, đều, cái núm kết ở chóp đỉnh trong trông như một hoa cúc nhỏ. Nón lá đặt làm tại Mỹ Lợi không có bài thơ đỏm dáng như nón Huế, nhưng duyên dáng và bền hơn.

Mỗi lần theo đò dọc mang hàng đến cho mẹ tôi, bà Khiêm không bao giờ quên làm quà cho chúng tôi những trái cây đặc sản của Mỹ Lợi. Khi thì vài trái thơm, mươi trái quít. Khi thì mấy trái dừa và cả giỏ ổi hoặc mãng cầu.

Trái cây Mỹ Lợi thơm ngon hơn trái cây Vỹ Dạ. Đặc biệt là quít và chuối thanh tiên. Quít Mỹ Lợi thơm, giòn và ngọt tinh tế hơn quít Hương Cần. Đây là cảm nhận chủ quan của chúng tôi, nhưng chúng tôi cũng có một thực tế để so sánh. Nhà tôi có mấy sào ruộng ông nội để lại ở Hương Cần. Sau 1945, người làm ruộng rẽ không còn mang lúa nếp vào như thời ông nội còn tại thế, nhưng tình nghĩa vẫn còn lưu luyến cho đến những năm cuối đời của cha tôi. Con cháu người làm ruộng ở Hương Cần thường vào thăm gia đình chúng tôi với vài chục trái quít làm quà. Đó là những lúc để chúng tôi bình phẩm quít Mỹ Lợi - quít Hương Cần.

Sau những lần bà Khiêm đến nhà là dịp để chúng tôi bình phẩm, so sánh giọng nói của bà và của mẹ tôi. Chúng tôi cảm thấy gần gũi thân thiết với người phụ nữ buôn bán hàng chuyến người Mỹ Lợi này khi nhận ra rằng giọng nói của bà ấy gần giống giọng nói của mẹ tôi. Nhưng nghe lâu chúng tôi phát hiện những khác biệt rất buồn cười. Chúng tôi hay chọc bà bằng lời chào nhái Mỹ Lợi: “Dì lên khi nào vậy?”, hoặc : “Dì đi đâu mà Tết vừa rồi không lên vậy”?


Sau này, lấy chồng và làm dâu Mỹ Lợi, tôi mới có nhận xét sơ sài rằng giữa Mỹ Lợi và Quảng Nam có vài nét tương tự về âm giọng và khác biệt trong lời ăn tiếng nói cũng như phong tục tập quán: Trong giao tiếp hàng ngày, cũng như người Huế, người Quảng thường dùng các tiếng “mô” (đi mô, để mô, người mô…), “tê” (nơi tê, ngày tê, cái tê…), “rứa” (như rứa, rứa hà, rứa đó…), “răng” (làm răng, răng mà, răng rứa…), còn người Mỹ Lợi thì dùng “đâu” (đi đâu, để đâu, về đâu…), “sao, gì” (làm sao, làm gì…), “vậy” (như vậy, vậy đó, vậy là…), “kia” (ngày kia, đằng kia, thế kia…). “Kìa sao vậy” là câu hỏi người Mỹ Lợi hay dùng để phản đối nhẹ nhàng một điều gì đó không vừa ý. Trong chuyện ăn - uống: người Mỹ Lợi thích mắm nêm, ngươi Quảng sính mắm cái, người Quảng mê bánh tổ, bánh ú tro, bánh tráng, người Mỹ Lợi chẳng hề biết đến bánh tổ, bánh ú tro, còn bánh tráng thì gặp hay chăng chớ…


Sau thầy Hoàng Chương và bà Khiêm, làng Mỹ Lợi đến với chúng tôi qua nhà quí tộc láng giềng: ông bà Bửu Đáp. Gia đình Bửu Đáp giao tiếp với Mỹ Lợi sớm và nhiều hơn chúng tôi. Hình như thời kháng chiến, hai người con của ông bà Bửu Đáp (một trai, một gái) đã tới Mỹ Lợi an dưỡng hay công tác gì đó một thời gian. Và cũng có thể cả hai ông bà đã tới Mỹ Lợi đôi ba lần. Bà Bửu Đáp buôn bán hàng nằm với bà Khiêm trước mẹ tôi. Cứ theo câu chuyện của ông và bà Bửu Đáp với cha mẹ tôi (tôi nghe lóm được) thì Mỹ Lợi là một làng quê hiền hòa, dễ sống, dân chúng siêng năng cần cù, nương vườn sum suê cây trái. Người dân Mỹ Lợi trồng trầu cho leo thân cau như trong truyện cổ tích. Quít chín vàng sà ra đường không ai hái trộm. Đêm ngủ không đóng cửa. Chợ Mỹ Lợi sầm uất thua kém chợ Đông Ba chẳng bao nhiêu, tôm cá sông biển ê chề, rau dưa phong phú tươi ngon. Người Mỹ Lợi hết lòng với kháng chiến, tiếp đón, chăm nuôi bộ đội, cán bộ chu đáo tận tình.

*

Sau năm 1976, chị Hai tôi qua đời, anh Chu Sơn (là bạn của chị Hai) trở nên thân quen với gia đình chúng tôi. Biết anh Chu Sơn là người Mỹ Lợi tôi mới hỏi về những nhận xét nhiệt tình và thân thiện của ông bà Bửu Đáp. Anh Chu Sơn cười buồn, bảo:

«Những lời nhận xét ấy không sai, nhưng chỉ đúng vào một thời điểm đặc biệt. Đó là mấy năm Mỹ Lợi trở thành trung tâm của Khu Ba - Phú Lộc, là vùng tự do trong kháng chiến chống Pháp. Cái thời điểm đặc biệt ấy cũng giống như cái khoảnh khắc “nắng hàng cau nắng mới lên” tại Vỹ Dạ trong bài thơ của Hàn Mạc Tử. Sau cái khoảnh khắc tuyệt vời ấy, Mỹ Lợi cũng như rất nhiều làng quê khác, cũng như đất nước, chìm trong thù hận, chiến tranh, đói khổ, tối tăm với những ngày dài “buồn thiu” và những hoàng hôn “sương khói mờ mờ nhân ảnh”.

Cách mạng là giấc mơ. Đánh Tây là nghĩa cử cao đẹp. Sau cách mạng tháng Tám con người và cảnh vật Mỹ Lợi đi vào cuộc kháng chiến như tham dự một lễ hội. Đêm ngủ không đóng cửa. Quít chín vàng sà ra lối đi chẳng ai hái trộm. Con trai chưa đến tuổi tòng quân trốn nhà theo bộ đội xin làm anh Vệ quốc đoàn. Trẻ em tranh nhau sắm vai dũng sĩ và thương binh trong các vở kịch tự biên tự diễn ở góc miếu sân đình. Chưa sáng đã rộn rã tiếng kêu, tiếng hô lao động và tập luyện. Trời tối mịt con gái thắp đèn đi họp phụ nữ hay đến lớp bình dân học vụ. Tiếng hát, tiếng hò vang vọng cuối xóm đầu thôn. Cán bộ, bộ đội được sẻ chia từng củ khoai, con cá, nắm rau, lon gạo, thước vải… Chiến đấu và sản xuất, tất cả cho kháng chiến… những khẩu hiệu ấy biến thành hơi thở và động thái hàng ngày của người dân Mỹ Lợi.

Thiếu vải: người Mỹ Lợi phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm dệt vải. Thiếu lương thực: người Mỹ Lợi trồng khoai, sắn, môn, bắp, lúa ở bất cứ đâu có thể được (mua, thuê, làm rẻ đất ruộng ở Mỹ Á, Diêm Trường, Nghi Giang, Hà Trung, Đá Bạc, Truồi, Cầu Hai…). Thiếu đường: người Mỹ Lợi cải tạo vườn cau suy thoái thành rẫy mía. Thiếu chất béo: nhà nhà Mỹ Lợi nuôi heo, trồng đậu phụng, ép dầu. Tất cả cho kháng chiến. Tất cả vì chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Độc lập, Tự do, bình đẳng nam - nữ, công bằng xã hội, những mục tiêu cao đẹp ấy đã làm sạch, làm đẹp con người Mỹ Lợi, đã giảm thiểu sự ngăn cách giàu nghèo, sang bằng tầng lớp, giới tính. Đa phần các gia đình tầng lớp trên ở Mỹ Lợi đều tham gia cách mạng (từ những năm 1930) và kháng chiến. Ngoài trường tiểu học, Mỹ Lợi còn có trường trung học Lâm Mộng Quang – trường trung học kháng chiến duy nhất của tỉnh Thừa Thiên bấy giờ.

Nhiều thanh niên, trí thức Huế được về nghỉ dưỡng hoặc công tác ở Mỹ Lợi. Nhiều ông cha bà mẹ Huế về Mỹ Lợi thăm con. Bao vây kinh tế, túi tiền của người Huế cạn từ sau Nhật đảo chánh và sau cách mạng tháng Tám (vua Bảo Đại thoái vị, Nam triều giải thể), chiến tranh khiến giao thông hạn chế nên cá tôm đầm Cầu Hai và các làng biển An Bằng, Mỹ Á liền kề chạy về chợ Mỹ Lợi. Đó là chưa nói dân chài Mỹ Lợi cũng đánh bắt một lượng cá không nhỏ. Có lẽ gia đình ông bà Bửu Đáp tiếp xúc và cảm nhận Mỹ Lợi trong bối cảnh đó. Nhưng bối cảnh đó chỉ là khoảnh khắc trong chiều dài lịch sử của Mỹ Lợi và của cả đất nước...»

Biến cố mùa xuân 1975 (có người gọi là giải phóng miền Nam, có người gọi là mất nước) gia đình tôi buồn nhiều hơn vui. Anh Cả đi học tập, anh rể (chồng chị Ba) mất tích, chị Hai biệt vô âm tín. Vào đầu tháng Năm, tin chị Hai ở Đà Lạt vẫn bình yên vô sự và sẽ về nhà sau khi đường sá, xe cộ lưu thông trở lại. Tin là một mảnh thư nhỏ chị Hai nhờ một thanh niên ốm như cây sậy, mặt xanh như tàu lá, áo quần bầu nhầu, dáng vẻ mệt mỏi chứng tỏ là người về từ chiến tranh không như là kẻ chiến thắng. Mẹ tôi bảo trông thần sắc người đưa thư gần giống cha tôi năm 1948 bỏ chiến khu về lại nhà. Nghe giọng nói, mẹ tôi nói tiếp: anh ta có vẻ là người Mỹ Lợi.

Người Mỹ Lợi đưa tin chị tôi, “về từ chiến tranh không như là kẻ chiến thắng”, “trông thần sắc giống cha tôi năm 1948 rời bỏ chiến khu…” (như nhận xét của mẹ tôi) hai năm sau là chồng tôi – anh Chu Sơn.


Hai năm “tiếp cận” lẫn nhau là một chặng đường dài. Chặng đường ấy tôi biết nhiều hơn về đất nước, về cuộc chiến tranh, về làng Mỹ Lợi về bản thân anh và cả chính tôi. Chúng tôi quyết định cùng nhau đi hết cuộc trần ai.

Cuốn sách anh Chu Sơn tặng tôi không lâu trước khi chúng tôi làm đám cưới là một bản dịch từ một tiểu thuyết của tác giả người Nhật là Kobo Abe: “Người đàn bà trong cồn cát” (dịch giả Trùng Dương nhà xuất bản An Tiêm 1975).

Anh nói: «Mỹ Lợi là một cồn cát hẻo lánh.»

Tôi hỏi: «Cưới nhau rồi ở đâu?»

Anh trả lời: «Trong một chế độ bạo tàn, chẳng nơi nào xứng đáng cho anh ngoài nhà tù Thừa Phủ...»

Chúng tôi cưới nhau vào cuối thu 1977. Cưới xong anh Chu Sơn đưa tôi về Mỹ Lợi. Tôi về Mỹ Lợi trên dưới mươi lần trước khi đường ô tô đi qua làng và cầu Tư Hiền xây dựng kiên cố.

Đoạn đường từ Huế hay Đà Nẵng (chúng tôi cư trú tại Đà Nẵng từ 1980) đến Mỹ Lợi tôi không phải trèo “tam tứ núi,” cũng chẳng phải lội “thất bát sông”, nhưng hết lên xe đò ì ạch hư máy khô xăng, lại xuống đò máy thường trực trở chứng, còn phải đi bộ mấy cây số qua hai trảng cát từ bến Diêm Trường hay bến Nghi Giang trong nắng cháy, mưa dầm và cả trong đêm (tàu lửa khởi hành từ Đà Nẵng một giờ trưa đến Đá Bạc mười, mười hai giờ đêm là bình thường) với cái bụng lỏng lẻo, cái miệng khát khô và tay xách nách mang quả là cuộc trần ai của “Người Đàn bà trong cồn cát”.


Hai năm “tiếp cận” anh Chu Sơn cho tôi biết thêm về Mỹ Lợi và tình cảnh của quê làng và gia đình anh từ ngày Giải Phóng. Lời anh Chu Sơn tôi ghi chép lại chắc là không hoàn toàn chính xác:

«Mỹ Lợi sau cái khoảnh khắc “lễ hội” là những ngày dài “buồn thiu”. Tiếp nối những ngày “buồn thiu” là những hoàng hôn “mờ mờ nhân ảnh”

Mỹ Lợi no được là nhờ cần cù. Ruộng Mỹ Lợi rất ít và cằn cỗi, khoảng 80 mẫu cả bàu lẫn cạn. Ruộng bàu làm một vụ, năm được năm mất. Ruộng cạn làm hai vụ nhưng năng suất rất thấp, khoảng một tấn, một tấn rưỡi trên một ha. Lúa thu hoach được chia đều cho năm sáu ngàn dân, mỗi năm mỗi người được chừng 10 đến 20kg.

Mỹ Lợi nổi tiếng nhờ hai thứ: Bà Từ Cung (Hoàng Thị Cúc) và vườn cây trái. Cả hai đều có liên hệ xa gần với triều đình Huế và Tây. Bà Hoàng Thị Cúc vợ vua Khải Định, mẹ vua Bảo Đại, hai ông vua bù nhìn. Trực tiếp, gián tiếp có người Mỹ Lợi nhờ vả và hãnh diện. Nhưng đa phần thì dửng dưng, xem thường và căm giận. Dân Mỹ Lợi nổi tiếng chống Tây. Ngay cả trong họ Hoàng cũng có người đi kháng chiến. Người Mỹ Lợi hiểu rất rõ khi Bảo Đại về lại với Tây, máu của người Việt Nam chảy nhiều hơn, và kháng chiến khó khăn hơn.

Làng Mỹ Lợi thành lập khoảng 450 năm trước (trong cuộc Nam tiến do Nguyễn Hoàng cầm đầu – 1558). Nhưng người Mỹ Lợi thành lập vườn trong khoảng trên dưới 150 năm (tính đến thời điểm này – 1977). Những người Mỹ Lợi theo Nguyễn Ánh “tẩu quốc” mang mô hình vườn Nam bộ ra xây dựng trên quê hương mình khi Gia Long thống nhất sơn hà. Đất nước thống nhất là một bước ngoặc quan trọng đối với Mỹ Lợi. Người Mỹ Lợi bỏ ruộng quanh nhà làm vườn nhằm cung ứng cau cho miền Bắc và trái cây cho Huế và Thừa Thiên. Tuy nhiên, vườn Mỹ Lợi phồn thịnh và nổi tiếng khi đường bộ và đường sắt từ Huế đi Hà Nội xây dựng và thông thương (sau 1910). Nhu cầu cau tươi, cau khô của thị trường miền Bắc đối với Mỹ Lợi rất quan trọng. Bán cau được tiền, người Mỹ Lợi xây nhà rường để thờ phụng tổ tiên và nâng cao mức sinh hoạt, mua ruộng của các làng xã chung quanh để giải quyết vấn đề lương thực. Không có con số chính xác số ruộng người Mỹ Lợi sở hữu ở làng ngoài, nhưng chắc chắn là rất lớn, lớn hơn nhiều lần diện tích ruộng tọa lạc trong làng. Nhờ vậy mà trong những trận đói năm Thân, năm Dậu người Mỹ Lợi vẫn ấm lòng, và trong những năm chống Pháp người Mỹ Lợi có cái để nuôi cán bộ, bộ đội, đóng góp đầy đủ các chỉ tiêu cho kháng chiến.


Năm 1952 giặc Pháp tái chiếm Khu Ba - Phú Lộc, Việt Minh nổi rút lên chiến khu, Việt Minh chìm rút vào bí mật, Mỹ Lợi chấm dứt thời kỳ “lễ hội”. Rú và lùm bụi bị chặt đốn để tận diệt chỗ ẩn nấp của Việt Minh. Rú tan là làng nát. Người Mỹ Lợi chẳng ai không biết câu châm ngôn này. Đất bị nhiễm khuẩn, vườn tiếp tục suy thoái, sản lượng, chất lượng cau và trái cây giảm, nhưng nghề làm vườn vẫn còn sống được vì nhu cầu thị trường Huế và miền Bắc gia tăng do đường giao thông thuận tiện hơn. Nghề dệt và trồng dâu nuôi tằm chấm dứt do các sản phẩm thủ công của Mỹ Lợi như vải to, thao, lụa, đũi, không cạnh tranh nổi với vải vóc công nghiệp và giá cả thị trường. Nghề dệt chấm dứt, một bộ phận thiếu nữ Mỹ Lợi chuyển qua nghề chằm nón và đi buôn. Nón lá Mỹ Lợi cạnh tranh được với nón lá Huế. Một số người tiêu dùng ở Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Sài Gòn vẫn thích nón lá Mỹ Lợi hơn nón lá Huế.

Năm 1954 đất nước bị chia hai, người Mỹ Lợi tiếp tục những ngày dài buồn thiu. Một số thanh niên đi tập kết, các cựu kháng chiến được lệnh ở lại đấu tranh trong hòa bình bị đánh phá tan tành do các chiến dịch tố Cộng, diệt Cộng và Cần Lao Thiên chúa giáo hóa của Ngô Đình Diệm. Sự chia cắt Quốc - Cộng, Lương - giáo trong làng Mỹ Lợi trở nên trầm trọng. Cán bộ nằm vùng bị phát hiện, bắt bớ, tra tấn, mua chuộc. Có người chết, có người tù đày có người tìm đường sống ở địa phương khác, có người vượt tuyến ra Bắc hay lên xanh xây dựng lại chiến khu. Lại có kẻ phản bội, đầu hàng. Dân làng bị cai trị bởi những Việt Minh đầu hàng theo Cần Lao và những người mới theo đạo Thiên Chúa. Nhiều gia đình bị tan nát, bà con họ tộc chia lìa.


Đất vườn bị nhiễm khuẩn, nguồn phân bón chính là rong và bổi giảm sút do nước mặn tràn vào các đầm phá và rú tiếp tục bị đào bới, đất đai trở nên bán sa mạc, vườn tược suy thoái một phần do thiếu phân hữu cơ. Nghề làm vườn khó khăn thêm còn do một nguyên nhân khác là cau không bán ra được miền Bắc. Những sản phẩm nổi tiếng của Mỹ Lợi như cau trầu, thuốc lá, dầu phụng, bánh dầu, các loại trái cây, chỉ tiêu thụ được trong thị trường Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng. Rất nhiều phụ nữ Mỹ Lợi cứu được gia đình nhờ đi buôn chuyến.

Dân Mỹ Lợi không chỉ khó khăn kinh tế mà còn khó khăn cả văn hóa chính trị. Thanh niên phải đi quân dịch. Một số khác trốn lính. Nhiều gia đình nghèo phải theo đạo để có gạo mà ăn. Truyền thống thờ cúng tổ tiên, ông bà chung quanh các họ tộc bị thử thách. Trường học chưa xây dựng kịp nên mấy năm đầu dưới chế độ Ngô Đình Diệm học sinh phải học trong các nhà dân trước khi trường tiểu học được xây dựng. Xong tiểu học học sinh Mỹ Lợi thi vào trung học công lập ở Huế, đa phần học bán công ở trường làng. Xong trung học đệ nhất cấp (cấp 2 ), học sinh Mỹ Lợi học đệ nhị cấp (cấp 3) ở Quốc học, bán công Huế hay các trường tư thục Nguyễn Du, Bồ Đề… Nhà nghèo, giao thông cách trở, việc đi lại, ăn ở cực kỳ khó khăn, nhưng học sinh Mỹ Lợi không những học được mà còn học giỏi. Tú tài, cử nhân, kỹ sư, dược sĩ, bác sĩ không còn là ước mơ đổi đời mà là hiện thực. Nhiều thanh niên Mỹ Lợi tìm lối thoát cho gia đình thông qua con đường học vấn. Nhiều thiếu nữ, phụ nữ bỏ nương vườn, ruộng đồng đi buôn chuyến. Nghề buôn và công chức (đa phần trong ngành giáo dục, y tế) đã giúp nhiều gia đình vượt qua đói nghèo. Những người Mỹ Lợi bám nghề nông ngày càng điêu đứng vì đất đai bị nhiễm khuẩn trên diện rộng, đầm phá bị nhiễm mặn, rong chết, rú tan, việc chăn nuôi (heo) giảm sút nên phân hữu cơ là nguồn dinh dưỡng chính cho nương vườn, ruộng đồng Mỹ Lợi được thay thế bằng phân hóa học. Phân hóa học tràn ngập các chợ. Nông dân do trình độ hạn chế nên đã sử dụng bừa bãi thuốc trừ sâu, lạm dụng phân hóa học gây ra tình trạng đất bị hư hại, phẩm chất cây trái, hoa màu ngày càng xấu, người tiêu dùng ở các thị trường chê, cho nên các sản phẩm làm ra không bán được. Đã có mấy người Mỹ Lợi bị bệnh – chết do tiếp xúc nhiều với thuốc trừ sâu. Chiến tranh và sách lược kinh tế của các chế độ phụ thuộc Mỹ từ Ngô Đình Diệm đến Nguyễn Văn Thiệu đã đẩy nông dân Mỹ Lợi (và toàn bộ nông dân miền Nam) vào tuyệt lộ. Gần như tuyệt đối, thanh niên Mỹ Lợi không chọn binh nghiệp làm lẽ tiến thân. Chẳng có ai trong làng là sĩ quan cao cấp của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, bởi chẳng có ai tự nguyện vào các trường Võ bị. Khi bị động viên hay quân dịch, thanh niên Mỹ Lợi thường chọn giải pháp biệt phái để trở lại cuộc đời công chức, hay chạy chọt để làm lính kiểng, lính tạp dịch. Hai lý do dẫn đến tình trạng này: một là lý do văn hóa: người Mỹ Lợi trọng văn khinh võ và sợ chết bất đắc kỳ tử; hai là lý do chính trị: người Mỹ Lợi nghĩ rằng vào lính là bắn lại anh em mình ở đâu đó chung quanh. Tuy vậy, biến cố tết Mậu Thân đã lấy đi của Mỹ Lợi tám chín chục sinh mạng một cách đau đớn do tối tăm, thù hận chồng chất.


Sau hiệp định Paris ký kết, phần nhiều học sinh, sinh viên và trí thức Mỹ Lợi tại Huế và các đô thị miền Nam đều có quan hệ với Mặt Trận Giải Phóng. Qua trung gian của họ, Mỹ Lợi trở thành địa bàn di động của phong trào đô thị Huế. Có thể nói nhiều người Mỹ Lợi đã chờ đợi và tham dự tích cực vào biến cố mà họ gọi là Giải Phóng. Giải phóng là chấm dứt chiến tranh. Giải phóng là Nam - Bắc sum họp. Giải phóng là giải thoát khỏi áp bức, đói nghèo.

Những tháng đầu sau biến cố 1975, Mỹ Lợi có vẻ đông vui. Người kháng chiến trên núi xuống. Người tập kết ngoài Bắc vào. Người trốn tránh chiến tranh tha phương cầu thực từ các tỉnh trong Nam ra. Tất cả cho rằng từ đây cuộc sống của họ tại quê làng sẽ yên vui hạnh phúc. Tuy nhiên, trong lòng Mỹ Lợi vui còn có một Mỹ Lợi buồn rầu lo sợ. Không ai trong họ bị đi học tập lâu dài. Bởi Mỹ Lợi không có người làm lớn trong quân đội và chính quyền Việt nam Cộng hòa. Nhưng đã là Ngụy quân, Ngụy quyền thì dù đã được trả quyền công dân thì cũng chỉ là công dân loại hai, loại ba – những đối tượng bị canh chừng, là thành phần phải đi kinh tế mới đầu tiên – một số trong họ vượt biên hay tháo chạy tứ tán một lần nữa. Nước nhà thống nhất, xóm làng, gia đình tưởng chừng sum họp, nhưng lại đổ vỡ chia lìa theo một cách nhìn khác. Cuộc cách mạng Xã hội Chủ nghĩa đã từng bước dồn đẩy đại bộ phận người Mỹ Lợi về phía đối lập với một nhóm quyền lực mới: Chi bộ đảng Cộng sản.

80 mẫu ruộng, 100 mẫu vườn, những manh mún đất khô trồng hoa màu trên hai trảng cát (toàn bộ số ruộng người Mỹ Lợi mua được ở ngoài làng bị truất hữu), tất cả đã bị nhiễm khuẩn, bạc màu và bị hư hại vì phân hóa học và thuốc trừ sâu sử dụng bừa bãi. Mấy ngàn người Mỹ Lợi trông cậy vào chừng ấy diện tích sản xuất, bị điều khiển, nhũng lạm bởi một số cán bộ đảng viên cầm chịch các đội sản xuất, các hợp tác xã, các đoàn thể: Nông hội, Thanh niên, Phụ nữ, Mặt trận, trong bối cảnh ngăn sông cấm chợ, tự cung tự cấp. Không lâu sau ngày “Giải Phóng”, người Mỹ Lợi ăn trầu thay cơm, ít ra là 10 tháng trong năm, bởi số lúa và hoa màu chia được từ các đội sản xuất sau hai mùa xuống ruộng lên đồng theo lệnh kiểng không đủ cầm hơi vài tháng…»

*

Tôi về Mỹ Lợi trên dưới mười lần, ba lần từ Huế, những lần sau đi từ Đà Nẵng. Mỗi lần là một lộ trình và những phương tiện giao thông khác nhau. Ô tô, tàu lửa, thuyền máy (dân địa phương gọi là tàu), đò máy, xe đạp, xe hon đa và đi bộ.

– Lần thứ nhất vào cuối thu 1977 sau khi tôi và anh Chu Sơn cưới nhau. Từ sáng sớm chúng tôi lên xe đò ở bến An Cựu. Xe đò ì ạch, khập khùng, khi thì chết máy, khi thì thay lốp, mấy chục lần ngừng lại dọc đường để khách lên xuống, có lúc phải đợi năm, mười phút tại một ngã ba nào đó để đón khách từ trong làng ra. Đá Bạc cách Huế 35 cây số, 10 giờ rưỡi chúng tôi mới xuống xe. Từ Đá Bạc chúng tôi đi thuyền máy (một loại giao thông nửa đò nửa phà) băng qua đầm Cầu Hai đến bến Diêm Trường. Từ Diêm Trường, chúng tôi đi bộ 5 cây số qua hai trảng cát và một khu vực dân cư mới tới nhà vào khoảng hai giờ chiều.

– Lần thứ hai, mấy tháng sau, vào dịp Tết âm lịch (Đinh Tỵ). Cũng lên xe đò từ bến An Cựu, xe ì ạch ngừng, khập khùng chạy. Mười giờ chúng tôi mới đến Truồi – cách Huế 30 cây số. Từ bến sông Truồi, chúng tôi đi đò máy ra phá Cầu Hai, đến bến Nghi Giang, đi đò lòi (đò nhỏ đi theo con kênh nhỏ) vào chợ Mỹ Lợi. Từ chợ Mỹ Lợi chúng tôi đi bộ 2 cây số qua một trảng cát, một giờ trưa mới tới nhà.

– Lần thứ ba, vào tháng ba năm 1978, trước khi tôi đi nhận việc ở bệnh viện Buôn Mê Thuột. Từ sáng tinh mơ anh Chu Sơn đèo tôi bằng xe đạp, xuống Hương Thủy, rẽ trái ra Lương Văn, băng qua Hòa Đa - Phú Thứ, tới Hà Trung, người và xe đạp lên đò ngang, qua Diêm Trường, từ Diêm Trường vào Mỹ Lợi trên con đường đất đá dành cho xe thô sơ, có đoạn phải dắt đẩy xe đạp trên cát.

Những lần sau chúng tôi về Mỹ Lợi từ Đà Nẵng sau ba năm ở Buôn Mê Thuột (vào cuối năm 1980). Chúng tôi lên tàu lửa từ ga Đà Nẵng 6 giờ sáng hay một giờ trưa để đến Đá Bạc kịp tàu nước 11 giờ trưa hay 5 giờ chiều. Tàu lửa thời bấy giờ cũng chạy ì ạch, khập khùng như xe đò. Tàu sáng thỉnh thoảng mới tới Đá Bạc đúng 11 giờ, đa phần tàu tới chậm, vào 12 giờ trưa, hay 1 - 2 giờ chiều. Trong trường hợp ấy chúng tôi phải chờ đến 5 giờ chiều để đi chuyến tàu nước, về đến bến Diêm Trường hay Nghi Giang 6 - 7 giờ tối, 8 hay 9 giờ đêm chúng tôi mới vào đến nhà (ở Mỹ Lợi).

Tàu lửa khởi hành từ Đà Nẵng 1 giờ trưa ít khi đến Đá Bạc trước 5 giờ chiều để kịp chuyến tàu nước. Tàu thường đến ga Đá Bạc trễ, chúng tôi phải ngồi chờ qua đêm tại một hiên nhà ai đó và đợi đến 11 giờ trưa hôm sau xuống tàu nước qua làng.

Từ Mỹ Lợi trở lại Huế hay Đà Nẵng chúng tôi cũng đi theo lộ trình ấy nhưng ngược lại. Cũng xe tàu ì ạch, khập khùng, cũng đò thuyền cách trở, cũng lội bộ gập ghềnh. Cũng chậm. Cũng chờ. Cũng đợi. Cũng trễ. Cũng nắng nóng. Cũng mưa dầm. Cũng lạnh cóng. Cũng đói. Cũng khát. Có lần đi từ Mỹ Lợi từ 10 giờ sáng, đến Huế 10 giờ đêm.

Ba lần trước, về - lên, Huế - Mỹ Lợi, Mỹ Lợi - Huế, chúng tôi chỉ đi có hai vợ chồng, không mang xách gì nhiều (gia đình cha mẹ chồng chưa cần chi viện).

Những lần sau, ra - vô, Đà Nẵng - Mỹ Lợi, Mỹ Lợi - Huế - Đà Nẵng, chúng tôi có thêm con, một rồi hai đứa, và mấy túi hành lí, chủ yếu là những túi gạo chi viện để ông bà nội các cháu có cơm ăn thay trầu.

Về nhà, về làng gian nan cách trở như vậy mà chúng tôi vẫn thích, vẫn muốn về. Anh Chu Sơn về nhiều hơn tôi vì anh là người tự do, anh rời khỏi guồng máy từ 1977. Tôi về Mỹ Lợi vỏn vẹn có mươi lần, vì tôi không là người tự do, tôi là công chức, lệ thuộc guồng máy cho đến lúc về hưu. Nay tuổi già, sức yếu, đi lại khó khăn, con cháu gia đình riêng ở xa, nhưng tôi vẫn thích, vẫn muốn về. Tôi có nhiều người bạn và vài người bà con họ hàng không còn nhà, không còn làng, không còn nước, thậm chí thân xác chỉ còn lại nắm tro mà cũng muốn về. Ôi! Nhà là cái gì, Quê Làng là cái gì, Nước là cái gì mà níu kéo ta mãnh liệt, mà xui khiến ta nhớ nhung quay quắt, da diết đến thế?

Tôi đã lần theo cái ngược đời, cái kỳ lạ của anh Chu Sơn để về với Mỹ Lợi. Những ký ức về cái làng quê “hẻo lánh’ mà “nổi tiếng một thời” ấy là không đầy đủ và cũng không chính xác gì lắm, bởi Mỹ Lợi đã có hơn bốn trăm năm tuổi mà tôi chỉ về có mấy lần, tổng cộng những ngày tôi ở Mỹ Lợi không quá vài tháng, và tôi cũng chỉ ở trong một ngôi nhà, một gia đình, tiếp xúc với mấy con người trong đó có một người đã mang một phần của Mỹ Lợi cùng tôi đi hết cuộc trần ai, trong khi Mỹ Lợi có hàng bảy tám trăm gia đình với năm sáu ngàn cư dân.

Năm sáu ngàn cư dân Mỹ Lợi tập trung trong hai khu vực: “trong làng” và “ngoài chợ”

– “Trong làng” là một dãy thôn xóm chạy dài theo hướng bắc - nam ở giữa hai dãy cồn cát nằm song song. Dãy phía đông giáp biển. Dãy phía tây giáp sông. Sông là nói theo tập quán phát xuất từ khát vọng sông nước của người Mỹ Lợi. Thực tế chỉ là một con kênh rộng chừng 10 mét, dài chừng 15 cây số gồm ba khúc đoạn chạy giữa các cánh đồng lúa các thuộc làng Nghi Giang, Diêm Trường và Mỹ Lợi. Ba khúc đoạn của con kênh gặp nhau tại một chỗ phình là bến chợ Mỹ Lợi. Từ bến chợ Mỹ Lợi con kênh chạy về phía tây thông với đầm Cầu Hai qua một cái cống rộng chừng 3 mét. Đây là con đường thủy duy nhất để người Mỹ Lợi giao tiếp với các địa phương khác thuộc huyện Phú Lộc, Huế và các huyện khác của Thừa Thiên, Quảng Trị.

– “Ngoài chợ” là khu dân cư tập trung chung quanh chợ Mỹ Lợi nằm giữa đồng lúa và khu dân cư rìa phía nam của cồn cát phía tây.

“Trong làng” - “ngoài chợ” tại Mỹ Lợi có ý nghĩa gần giống như “trong nội - ngoài thành” tại Huế, hoặc như “trong họ - ngoài làng” tại bất cứ địa phương nào.

Trong làng gồm có 4 thôn (còn gọi là kỉnh): Một, Hai, Ba, Bốn (Tư) theo thứ tự từ trên xuống. Thôn Một trên cùng, thôn Tư ở cuối. Đây là khu vực dân cư lâu đời của Mỹ Lợi tập trung chung quanh các nhà thờ họ. Khởi đầu là các họ khai canh: Lê, Trương, Sào, Đỗ, Nguyễn (lớn), Nguyễn (nhỏ), Đoàn, Trần. Tám họ khai canh là họ của những người lính biên phòng gốc làng Lương Niệm, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa theo chúa Nguyễn nam tiến từ giữa thế kỷ XVI (1558). Những người lính gác biển lập đồn trên một gò cát cao sát biển (sau này gọi là xứ Khe Long) cạnh cửa khe nước ngọt chảy từ đầm La Hồng qua một vùng trũng sau này là ranh giới giữa thôn Hai và thôn Ba, băng qua rú, ra biển. Cuộc biển dâu đã làm khe và rú ngày càng mất dấu.

Ngày nay trên cái gò cát đã từng là điểm chốt của những người lính gác biển đồng thời là nơi cư trú đầu tiên của các ngài khai canh ra làng Mỹ Lợi còn sót lại hai cái miếu. Một cái thờ thổ thần đất đai, cái thứ hai thờ một bộ xương cá voi sau này gọi là Dinh Ông.

Những người lính gác biển sau thời gian nghĩa vụ đã làm đơn xin chúa Nguyễn cho phép thành lập làng, khai phá vùng trũng giữa hai dãy cồn cát làm nơi định cư lâu dài. Sau đó trở lại Lương Niệm, Quảng Xương, Thanh Hóa vài ba lần để đưa thân quyến, họ hàng và dân làng vào theo. Như thế là làng Mỹ Lợi chính thức được thành lập vào một thời điểm nào đó của nửa sau thế kỷ XVI, dân chúng sống bằng nghề chài lưới ven biển và trồng trọt các cây lương thực (lúa, khoai, săn, bắp, đậu, môn), thực phẩm (rau đậu, bầu bí) quanh khu vực cư trú và cả rìa cồn cát phía tây tiếp giáp với mép bờ đầm La Hồng. Dân số phát triển, khu vực cư trú mở rộng, bốn thôn Một. Hai, Ba, Bốn hình thành, nhà thờ các họ khai canh, đình làng và chùa được xây dựng (có lẽ bằng các vật liệu tại chỗ).

Cũng như dân Việt là nòng cốt, là trung tâm của 54 (?) dân tộc anh em trong đại gia đình Việt Nam, những người gốc Lương Niệm, Quảng Xương, Thanh Hóa là nòng cốt, là trung tâm của cộng đồng dân cư của Mỹ Lợi “trong làng”. Cộng đồng dân cư này ngày môt phát triển, cộng thêm những người thuộc các họ tộc khác đến sau từ nhiều quê làng khác nhau của Phú Lộc, của Thừa Thiên - Huế, của Quảng Nam, Quảng Trị và xa hơn nữa. Các họ đến sau là họ Lương, họ Cao, họ Trương, họ Mai, họ Tô, họ Hầu… và nhiều gia đình mang họ tộc khác. Tùy theo thời điểm đến sớm hay muộn và cũng tùy theo công lao đóng góp cho cộng đồng làng xóm mà nhiều họ được Hội đồng Hương chính và dân làng thừa nhận, tôn vinh là hậu khẩn, có vai vế trong thôn làng, tiếng nói của họ được lắng nghe.

“Ngoài chợ” là thôn Năm. Cộng đồng dân cư và đơn vị hành chánh này hình thành chậm hơn “trong làng” trên trăm năm. Hai họ Huỳnh (Hoàng), Phan được công nhận là hậu khẩn do đến sau nhưng có công lớn trong việc thành lập chợ và phân định giới mốc giữa Mỹ Lợi và các làng Nghi Giang, Diêm Trường qua việc qui hoạch và phân chia ruộng đất trưng canh từ đầm La Hồng.

Hơn trăm năm người Mỹ Lợi mua bán các nhu yếu phẩm ở chợ Diêm Trường. Từ khi thành lập, chợ Mỹ Lợi lần hồi trở thành trung tâm mua bán của các xã thuộc tổng Diêm Trường, sau này gọi là Khu Ba - Phú Lộc, đồng thời là thị trường cung cấp và tiêu thụ nhiều mặt hàng cho Huế và các huyện khác thuộc Thừa Thiên, Quảng Nam và Quảng Trị.

Lúc bấy giờ, người Mỹ Lợi “trong làng” và cả người Mỹ Lợi “ngoài chợ” thấm nhuần quan điểm trọng nông khinh thương với thang bậc giá trị là sĩ - nông - công - thương, nên chủ trương thành lập chợ mà công việc thương mại lại giao cho người từ xa đến. Do vậy, cộng đồng “Mỹ Lợi chợ,” ngoài cư dân thuộc các họ Huỳnh, Phan, Mai…, còn có thêm nhiều người đến từ tứ xứ: Mấy gia đình Tôn Thất và nhiều gia đình thuộc các họ khác, đặc biệt là ba “chú khách”: Chú Quang, chú Ta mở tiệm bán thuốc Bắc, chú Diếp bán tạp hóa (con cháu của các chú ngày nay đã hoàn toàn Mỹ Lợi hóa).

Do gốc gác từ nhiều quê làng khác của Thừa Thiên - Huế, nên cộng đồng người “Mỹ Lợi chợ” nói giọng “lai Huế” chứ không “lai Quảng” như nhiều người lầm tưởng. Nếu tôi là người “Mỹ Lợi chợ”, tôi sẽ phản đối bất cứ “nhà nghiên cứu” nào khẳng định một cách chung chung và thiếu chứng lí rằng người Mỹ Lợi nói giọng Quảng.

Như thế, sau khi thành lập chợ, Mỹ Lợi hình thành hai khu vực dân cư có hai giọng nói khác nhau: khu vực ngoài chợ nói giong pha Huế, khu vực “trong làng” nói giọng “trong làng” – mà nhiều người lầm tưởng là giọng Quảng.

Sau thời gian dài giao tiếp, có người Mỹ Lợi trong làng ra ở chợ, cũng có người Mỹ Lợi ngoài chợ vào ở trong làng vì lí do hôn nhân hay nghề nghiệp, nên giọng nói của con cháu họ lần hồi thay đổi. Yếu tố Mẹ và môi trường sống (nước uống và cộng đồng) có vai trò quyết định trong sự thay đổi này.

Từ sau 1975, những thanh thiếu niên nam nữ con nhà buôn chính danh tại chợ Mỹ Lợi đã tháo chạy tứ phương. Người “Mỹ Lợi trong làng” đã tràn ngập chợ, nên giọng nói “lai Huế” của cộng đồng “Mỹ Lợi chợ” ngày xưa đã “chuyển biến hòa bình”.


Nguyễn thị Kim Thoa



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss