Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Là ta, ta hát bằng lời của ta

Là ta, ta hát bằng lời của ta

- Nguyễn Duy / Thế Thanh — published 25/01/2016 00:05, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20

Trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Duy


Là ta,
ta hát bằng lời của ta…


Thế Thanh thực hiện


Nguyễn Duy là nhà thơ nổi tiếng thành công trong thể thơ lục bát. Ông cũng thành công với các hoạt động thơ, đưa thơ tới công chúng qua những phương tiện nghệ thuật khác: người đầu tiên làm triển lãm sắp đặt - thơ, chép thơ lên đồ vật dân giã như thúng, mủng, giần, sàng, rổ, rá…; người đầu tiên triển lãm ảnh nghệ thuật đề thơ in trên giấy Dó truyền thống bằng máy in kỹ thuật số; người đầu tiên làm lịch thơ. Và bây giờ, người đầu tiên có riêng chương trình diễn thơ do những nghệ sĩ hàng đầu của ca nhạc dân tộc hát thơ ông bằng các làn điệu cổ: xẩm, tuồng, chèo, ca trù, chầu văn, hát ví… Sau đêm diễn “Xẩm Ngọng-Lời Ru-Tre Xanh với Thơ đương đại của Nguyễn Duy ” tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội) cuối năm 2015, nhà thơ đã dành cho Người Đô Thị cuộc trò chuyện thân tình.


Trên sàn tập (từ phải):
Nhà thơ Nguyễn Duy, NSND Minh Gái, NSND Xuân Hoạch, NSND Thanh Hoài, NSUT Thanh Bình
Ảnh:
Dũng Nguyễn


- Thưa nhà thơ, tôi đã bay hơn nghìn cây số ra Hà Nội chỉ để xem cuộc chơi thơ độc đáo của ông. Phải nói rằng, đêm diễn thành công hơn mong đợi, sôi nổi mà sâu lắng, vừa có tiếng vỗ tay, tiếng cười, vừa có nước mắt, cảm động những tâm tư thời cuộc. Ông có thể hé lộ về mối nhân duyên huyền bí đưa đẩy và kết nối thơ ông với giọng ca, ngón đàn đỉnh cao của các nghệ sĩ dân nhạc bậc thầy?

- Một câu hỏi thú vị, chỉ xoay quanh nó thôi đủ xong cuộc chuyện. Trước hết xin nhà báo nghe lại bài thơ này nhé.

Một bài thơ đồng quê êm ả đã ra đời trong cánh rừng đại ngàn đạn bom dữ dội, mặt trận Đường 9-Nam Lào, 1971. Hiếm hoi phút tĩnh lặng nơi chiến trường, thoáng hiện trong tâm trí mình toàn những cảnh yên bình vườn ruộng, câu hát ru dịu dàng, điệu cò lả thiết tha, thảnh thơi cuộc sống đời thường. Đó mới là đất nước trong mơ. Thanh thản. Giản dị. Hạnh phúc. Hình như có ông bà phù trợ, mình quyết nuôi thơ lục bát của ca dao và hy vọng nhiều người cùng chung tay nuôi nấng. Mối nhân duyên bạn hỏi khởi nguồn từ bài thơ này đây.


- Khúc Dân Ca là tiết mục mở đầu chương trình hát thơ Nguyễn Duy, chắc chắn không tình cờ, cũng không ngẫu nhiên. Ông có thể cho biết thêm cảm nghĩ về sự sắp xếp ý tứ đó?


- Mỗi khi nghe giọng ca vàng Thanh Hoài ngân vang là ta, ta hát bằng lời của ta… mình lại mây mây nhớ về nỗi nhớ. Chính bà Hoài là người đầu tiên hát Khúc Dân Ca, một trong 9 khúc ca do mình viết lời cho tác phẩm múa đương đại Hạn Hán và Cơn Mưa của biên đạo múa Ea Sola. Không dừng ở Hà Nội và Sài Gòn, khúc ca ấy còn theo Hạn Hán và Cơn Mưa qua nhiều sân khấu quốc tế, Á, Âu, bắc Mỹ, suốt cuối thập niên 1990. Bà Hoài hát đến rã cả mồm. Mình hỏi chán chưa, bà lắc đầu, chưa, lời hát chỉ bám ở mồm thì chán, nhập vào hồn thì không bao giờ chán. Nhưng lời hát phải có hồn thì mới nhập vào hồn người hát được.

NSND Thanh Hoài, thầy nghề trong nghệ thuật hát chèo, ngâm thơ cổ và nhiều thể dân ca. Từng là trụ cột Nhà hát Chèo Việt Nam, nay sắp nhập hội “thất thập” với bề dày nửa thế kỷ ca hát chuyên nghiệp, bà vẫn sáng ngời trên sân khấu, giọng chuông vàng vẫn vang, sức diễn vẫn bền dẻo. Bà tự chọn các bài thơ lục bát của mình để hát với làn điệu phù hợp, làm riêng CD Ta Hát Bằng Lời Của Ta gồm những Tre Việt Nam – ngâm thơ, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa – hát chầu văn, Lời ru mùa thu – hát ru Bắc bộ, Thật Thà – hát chèo, v.v… Tất cả đều chung cái hồn Khúc Dân Ca.


- Phải chăng, mối nhân duyên huyền bí ở đây chính là sự se kết cái hồn của lời hát và người hát?

- Đúng thế. Nhưng chả có gì huyền bí cả. Đơn giản thôi, hồn dân hồn nước vốn sẵn có trong mỗi người, mối nhân duyên là sự đồng cảm.


- Sau Thanh Hoài, còn những ai tri kỉ hát thơ ông?

- Người hát lẻ tẻ một vài bài thì nhiều lắm, mình không thể biết hết. Còn hát nhiều, kỹ thuật chuẩn, chất lượng cao, có NSND Xuân Hoạch, nhạc sĩ kiêm nhạc công số 1 trong giới nhạc truyền thống Việt Nam hiện nay. Ông này từng góp sức đáng kể vào việc phục dựng các bộ môn ca nhạc cổ như ca trù, hát xẩm. Rầu lòng trước hiện trạng những cây đàn Việt cổ cùng phong cách chơi đàn thuần Việt dần dần bị “Tàu hóa”, ông lao vào nghiên cứu và tái tạo kì được sợi dây đàn bằng tơ tằm tự nhiên, trả lại âm thanh gốc cho một số nhạc cụ dân tộc như đàn bầu, đàn đáy, đàn nguyệt, nhị, hồ. Ông còn dạy nhiều thế hệ học trò học đàn, hát chầu văn, hát xẩm…


Vớ được bài Xẩm Ngọng, Xuân Hoạch đàn, hát như trút cả hồn vía vào đó, biến điệu xẩm bình dân thành “siêu xẩm”. Rồi xẩm Cơm Bụi Ca, tuyệt chiêu. Đến Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, điệu chầu văn cứ như là của riêng ông, đan xen hơi Bắc hơi Trung, uyển chuyển biến hóa theo ngón đàn nguyệt dây tơ mê hoặc người nghe. Ông Hoạch cùng NSUT Thanh Bình vừa cho ra lò CD chung của hai người, Tiếng thơ trong cõi nhạc, tập luyện và thu âm mất khoảng ba năm, gồm 12 bài thơ lục bát của mình, những Tre Việt Nam, Xẩm Ngọng, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Cơm bụi ca, Thơ tặng người xa xứ... Ông bảo, những lời hát này thành của ông rồi, tự nó vang lên từ trong gan ruột. Ấy là đồng cảm. Ấy là nhân duyên.


- Tôi đã nghe trực tiếp bà Thanh Bình hát rất hay mấy bài thơ của ông, giọng ca trong sáng, điêu luyện, đặc biệt ấn tượng là bài ca trù Thơ tặng người xa xứ và bài chầu văn Mỗi. Xin ông giới thiệu thêm đôi nét về nữ nghệ sĩ này.


- NSUT Thanh Bình nguyên, giảng viên trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Việt Nam, là nghệ sĩ dòng ca nhạc dân tộc chính tông, cháu nội của NSND hát chèo Cả Tam; là học trò đích truyền về ca trù, hát khuôn của nghệ nhân Phó Thị Kim Đức. Với chất giọng trong sáng, mượt mà và kĩ thuật thanh nhạc tinh tế, bà được coi là giọng hát mẫu mực trong làng Chèo và một giọng ca vàng của ca nhạc cổ. Chính Thanh Bình đã được nghệ sĩ Ea Sola mời tiếp vai bà Hoài hát những khúc ca mình viết trong Hạn Hán và Cơn Mưa. Nay, bà Bình lại hát thơ mình cùng với nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc …


- Thật sự mới lạ trong đêm diễn là tiết mục phối hợp đọc thơ với hát tuồng, hình như lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu ca nhạc. Bài thơ gai góc Nhìn Từ Xa…Tổ Quốc của ông, cứ đọc bình thường thôi đã thấy dữ dội, điểm thêm nhịp trống tuồng dồn dập, tiếng kèn tuồng thét ré, nhất là khúc phụ diễn bi tráng của nghệ sĩ tuồng Minh Gái, tạo nên hiệu quả mạnh bất ngờ khiến hội trường lặng đi, rồi sôi lên. Hẳn phải tốn nhiều công tập luyện?

- Ngược lại, tiết mục này tốn ít công sức nhất, chỉ một lần tập và một lần dượt. NSND Minh Gái tuổi U60, trẻ hơn nhưng đẳng cấp nhà nghề bình đẳng với các nghệ sĩ bậc cụ U70 kể trên, thuộc hàng đầu trong làng Tuồng hiện nay. Tay nghề cao, vốn nghề dày, trí nhớ tốt, Minh Gái vào vai được ngay sau khi đọc văn bản, tự luyện hát khớp với múa. Diễn, như bạn thấy đó, xuất thần.

Công bằng mà nói, có được tiết mục thơ-tuồng ấy, công lớn thuộc về chú em Đàm Minh, người bạn vong niên của mình và của cả nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc. Mình đã thân hoặc quen riêng lẻ từng người từ lâu, với bà Hoài, bà Bình qua Hạn Hán và Cơn Mưa, đi hát xẩm cửa chợ Đồng Xuân với Xuân Hoạch, Thanh Ngoan…Nhưng Đàm Minh mới là người kết nối họ thành một nhóm hát thơ của mình, gọi vui là “Gánh Xẩm”. Chàng nảy ra ý tưởng quái đản thơ-tuồng và giới thiệu mình gặp NSND Minh Gái…


- Sao không thấy tên và hình Đàm Minh trong tờ chương trình cũng như trên truyền thông? Anh ấy là nghệ sĩ hay là người quản lí “Gánh Xẩm”?

- Chả là gì mà lại là tất cả, Đàm Minh như một người vô danh làm từ thiện văn hóa, bảo trợ nghệ thuật. Là dân Hà thành chính gốc, Minh thừa kế tài sản của ông nội bên Pháp, đã sang ở Paris nhiều năm, giỏi tiếng Việt lẫn tiếng Pháp, tự học để am hiểu cả hai nền văn hóa. Mình gặp Minh năm 1996 khi theo đoàn Hạn Hán và Cơn Mưa lưu diễn châu Âu đã trú trong khách sạn của gia đình chàng tại Paris do chàng quản lí. Bẵng năm sáu năm, gặp lại ở Hà Nội mới biết chàng hồi hương, làm chủ một khách sạn được thừa kế trong khu phố Cổ.

Yêu nghệ thuật dân tộc đến mê đắm, Đàm Minh đem cho thuê khoán cả cái khách sạn ấy để có tiền và thì giờ rong chơi, giao du cùng các nghệ sỹ và các nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực này. Chơi thôi, cho thỏa lòng yêu. Không chỉ thông hiểu các thể loại hát xưa, các ngón nghề cổ nhạc, Minh còn trực tiếp ra sân khấu cầm chầu cho hát ca trù chuẩn. Theo Minh, nền nghệ thuật truyền thống của nước mình rất phong phú, tinh tế và sâu sắc không thua kém các nền nghệ thuật dân tộc lớn trên thế giới, càng hiểu càng tự hào về tầm cao và chiều sâu của nó. Tiếc rằng, còn rất nhiều người, kể cả một số vị lãnh đạo quốc gia, chưa cảm được điều đó.



- Trong không khí hội nhập quốc tế nhộn nhịp như hiện nay, “Gánh Xẩm”của các vị có dự định gì cho tương lai? Và theo ông, tương lai của nghệ thuật ca nhạc dân tộc nước nhà sẽ như thế nào?

Nguyễn Duy : Nghĩ cho cùng, lịch sử mỗi dân tộc là lịch sử của một nền văn hóa, trong đó có văn học, nghệ thuật. Càng hội nhập thì cái gốc của mỗi nền văn hóa càng cần rõ nét giá trị riêng, không thể đồng hóa. Ấy là lí sự. Còn thực tế, nhìn cách hành xử với văn hóa như nước ta hiện nay, dẫu hi vọng tràn trề mình cũng không thể đoan chắc được tương lai của nghệ thuật dân tộc sẽ đi về đâu.

Riêng “Gánh Xẩm”, chơi cuộc chơi nhóm nhỏ ngắn hạn thôi, cứ tử tế mà chơi, nắng được ngày nào thì cứ nắng. Chúng tôi dự tính dựng chương trình Ta Hát Lời Ta trên chiếu xẩm sân đình - Xẩm Đình, trước mắt vào đình cổ còn sót trong phố cổ Hà Nội; rộng dần ra đình xứ Đông, xứ Đoài, và các tỉnh; rộng hơn, đến trường học với học sinh, sinh viên, như đã làm tại Đại học Văn hóa, Đại học Sư phạm, Đại học Xã hội và Nhân văn v.v…Để giải trí ư? Để mua vui cũng được một vài trống canh ư? Có như vậy, nhưng không phải chỉ có vậy. Còn chút ý nghĩa gì để lại đằng sau chứ, cổ vũ cái đẹp, cổ vũ tình người, cổ vũ yêu nước. Yêu nước, không chỉ yêu phần xác, hết lòng yêu hồn nước mới trọn tình!


Thế Thanh : Xin chân thành cảm ơn nhà thơ.


Hát điệu cò lả, bài Lời ru con cò biển (thơ Nguyễn Duy).
Từ phải: NSND Minh Gái, NSND Xuân Hoạch, NSND Thanh Hoài, NSUT Thanh Bình.
Ảnh: Dũng Nguyễn


Nguồn: Báo Người Đô thị số Xuân Bính Thân

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us