La Tour tiểu thuyết đầu tay của Đoan Bùi
Đọc sách
La Tour
tiểu thuyết đầu tay của
Đoan Bùi
Nguyễn Ngọc Giao
Doan Bui (họ tên Việt Nam đầy đủ, theo tôi nhớ, là Bùi Đoan Thuỳ) là “ phóng viên lớn ” của tuần báo Pháp OBS (Le Nouvel Observateur cũ) với những thiên phóng sự điều tra xuất sắc về người nhập cư, về những di dân vượt biển Địa Trung Hải, từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp, hay sống vất vưởng trong những cánh rừng ven biển miền bắc nước Pháp, đợi ngày sang Anh trong những thùng xe vận tải đi xuyên đường hầm hay trên những chiếu ca-nô vượt eo biển Manche, về những thanh niên Hồi giáo cực đoan rời những khu nhà hộp ngoại ô lên đường “ thánh chiến ” – những người trẻ, A rạp có, “ Pháp gốc ” có, thậm chí có cả vài thanh niên gốc Việt mà mặc cảm lớn nhất là... không có râu để sánh ngang vai đồng đạo râu xồm – những thiên phóng sự đã được giải báo chí Albert Londres.
Từ báo chí, Đoan Bùi bước sang văn học
với truyện Le silence de mon père
(Người cha im lặng, bản dịch
của Thuận), “điều tra về cha tôi, con
người xa lạ” (2016), rồi tập tranh minh họa FAKE NEWS, l‘info qui
ne tourne pas rond (Tin phịa, thứ thông tin khó tin; 2021). Tập
truyện là kết quả một cuộc điều tra về thân phụ tác giả, một bác sĩ bị
đột quỵ rồi á khẩu, không nói được gì nữa. Sự im lặng của người cha
thực ra bắt đầu từ lâu trước đó, ít nhất về quá khứ, gia đình, dòng họ,
quê hương. Điểm xuyết những trang điều tra của nhà báo là những tâm tư
một thiếu nhi, rồi thiếu nữ “ Pháp gốc Việt ”, sổng ở tỉnh lẻ (Le
Mans), xa cách cha bởi một “khoảng cách thế hệ”, hố sâu văn hóa sâu
thẳm. Sự “im lặng” đó, không chỉ Đoan Bùi trải nghiệm, mà là "nghiệp
chướng” của các “thế hệ thứ hai”, mà cha mẹ, ông bà là sinh viên du học,
hay thuyền nhân tị nạn. Tập tranh FAKE NEWS cũng là một cuộc điều tra toàn
cầu,từ Bắc Mỹ, qua Pháp, sang một thành phố nhỏ vùng Balkan, nơi sản
xuất những clip bịa đặt phục vụ cho Donald Trump trong cuộc “tranh cử
bị ăn gian”. Giọng văn và tranh vẽ dí dỏm, cho người đọc lớn bé trẻ già
hiểu được thuyết âm mưu, làn sóng lôi cuốn hàng chục hàng trăm triệu
người không tin vào những luồng thông tin “chủ lưu” để cuồng tin “tin
phịa”.
La Tour là tiểu
thuyết đầu tay của Đoan Bùi, thai nghén gần năm năm trời. Không gian
khởi điểm là Melbourne, cái tháp cao tầng (tên bịa), nằm trong sáu bảy
cái tháp có thực của khu Olympiades, quận 13 Paris (tức là Khu phố tàu
ở đông nam thành phố). Mặt bắc là một hình chữ nhật thẳng đứng, 37 tầng
lầu, mỗi tầng 8 cái cửa số, tổng cộng 296 cửa sổ, từng ấy con mắt trên
khuôn mặt một dị vật khổng lồ.
Khu Oympiades, Quận 13 Paris
Vào La Tour, chúng ta khám phá những nhân vật đủ mọi quốc tịch. Đầu tiên là gia đình họ Trương, tầng 2 (rồi sẽ nâng cấp lên tầng 5). Ông bố, Victor, như Victor Hugo, mà ông thuộc lòng những câu thơ Les contemplations, bà mẹ Alice (tại sao mang tên Pháp, xin đọc, sẽ biết), và cô con gái Anne-Mai. Ông bà Trương nghe nói tới khu Olympiades qua một Hoa kiều Chợ Lớn, ông Wu (tầng 9), và nhờ sự can thiệp đầy quyền lực của ông bà Trudaine (tất nhiên không ở quận 13, mà quận 16 tư sản), họ được cấp căn hộ F2. Việt, Lào, Khơ Me, nhất là Hoa, phần đông là người Hoa đến từ Lào và Campuchia – họ chiếm đa số cộng đồng châu Á ở quận 13, nơi diễn ra thương chiến giữa hai thế lực kinh tế Tang Frères (Triều Châu / Lào) và Paris Store (Ôn Châu / Campuchia). Nhưng không chỉ có người châu Á : Ileana, nghệ sĩ dương cầm, người Rumania, nay làm Chị Dậu cho gia đình con gái ông bà Trudaine. Cũng ở tầng 5, chàng Clément, nông dân Pháp thứ thiệt, mà định mệnh run rủi cho trùng tên với con chó Clément nổi tiếng của nhà văn Michel Houellebecq (cũng có một căn hộ ở khu Olympiades, ngoài “biệt phủ” ở tận Ireland) : Clément lạc lõng giữa thế giới những kẻ ngoại lai đến “thay thế người Pháp” (thuyết Le grand remplacement, bài tủ của Eric Zemmour, bạn thân của Houellebecq) đến mức anh ta tưởng mình là người-chó, rồi trở thành chó thực sự bằng cách cắn chết con chó Clément của Houellebecq. Chống bọn nước ngoài xâm phạm nền văn minh Pháp còn có một nhân vật tư sản, cũng ở tháp Melbourne, nhưng ở tít trên cao, dùng thang máy phục vụ các tầng 16-37, ít chung đụng với bọn ở tầng 1-15. La Tour đúng là một xã hội tôn ti trật tự, từ thấp lên cao (từ trên cao, tầng 37, mới thấy toàn cảnh Paris, từ tháp Eiffel tới Nhà thờ Đức Bà, qua thánh đường Montmartre). Và không quên một đẳng cấp mạt hạng, sống chui rúc dưới tầng hầm -2, với nhân vật người Sénégal, Virgile, bạn học của Anne-Mai ở bộ môn Văn học so sánh, Văn khoa Sorbonne, bị trục xuất vì giấy phép cư trú hết hạn, và trở thành nhập cư chui, “sáng tạo lý lịch, tiểu sử” cho đồng loại đang trông chờ quy chế tị nạn.
La
Tour đúng là một cái tháp Babel cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI,
bức tranh thu nhỏ của xã hội Pháp sau “ 30 năm vinh quang ” bước vào
thời kỳ nối tiếp khủng hoảng (khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng tài
chính, khủng hoảng covid 19), lát cắt của xã hội Pháp đương đại chìm
ngập trong một thế giới “toàn cầu hóa”. La Tour còn là một bức tranh
lịch đại, cho ta thấy lịch sử hình thành khu Olympiades, với giấc mơ “
thành phố thẳng đứng ” của thời Pompidou (nguyên thủy, khu này được xây
trên khu nhà thợ thuyền cũ, bị đẩy ra ngoại ô) nhắm vào tầng lớp trung
cao. Cuộc khủng khoảng nhiên liệu đầu thập niên 70 đã biến dự án cao
sang ấy thành khu nhà tiếp đón làn sóng tị nạn Đông Dương, được chào
đón hào phóng để làm bẽ mặt thế giới cộng sản sắp đến ngày sụp đổ (và
quên đi những người tị nạn châu Mỹ La tinh trốn tránh
Pinochet-Kissinger). Quá trình sinh tử lão bệnh của cư dân khu
Olympiades là trang sử mấy thập niên gối đầu hai thế kỷ của xã hội
Pháp.
Cuối cùng, La Tour kết thúc bằng mấy chương “ khoa học dã tưởng ” : vẫn những nhân vật ấy, vào năm 2045, khi Oympiades trở thành khu sinh thái cao sang kiểu mới, với ông chủ là một tỉ phú (con cháu ông Wu tầng 5) từ Trung Quốc sang thành lập mấy tập đoàn siêu quốc gia. Giấc mộng Trung Hoa của ông Tập đã trở thành ác mộng của nước Pháp ? Phần kết này hơi bị chê bởi mấy nhà phê bình văn học Pháp. Nhưng phần nào, nó là nối dài lôgic của lịch sử La Tour, theo xu hướng phát triển của bốn thập niên vừa qua. Lôgic, nêú nó không gặp một sự thức tỉnh của toàn xã hội. Đó lại là câu chuyện khác.
Trước mắt, chỉ xin nhấn mạnh : La Tour là cuốn tiểu thuyết đáng đọc trong những ngày tất niên Tân Sửu đầu năm 2022 này.
Nguyễn Ngọc Giao
Doan Bui : La Tour, roman,
Ed. Grasset, 2022.
Doan Bui : Le silence de mon père / Enquête sur mon père, cet inconnu, Ed. L‘iconoclaste, 2016 (Prix littéraire de la Porte Dorée 2016, Prix Amerigo Vespucci 2016).
Người cha im lặng, bản dịch của Thuận, Phương Nam Book & Nxb Hội Nhà Văn, 2018
Doan Bui (Leslie Plée minh họa) : FAKE NEWS, l‘info qui
ne tourne pas rond, album, Ed. Delcourt, 2021.
Các thao tác trên Tài liệu