Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / LÁ XANH RỤNG, GỢI Ý THƠ. VÀ...

LÁ XANH RỤNG, GỢI Ý THƠ. VÀ...

- Nguyễn Thị Kim Thoa — published 28/11/2018 16:00, cập nhật lần cuối 28/11/2018 16:00

LÁ XANH RỤNG, GỢI Ý THƠ. VÀ...


Nguyễn Thị Kim Thoa


Lá xanh rụng, gợi ý thơ.
Lá vàng còn nuối, lơ mơ làm người.
Làm người khó lắm tôi ơi
Trừ gian diệt bạo mới ra Con Người.


la-1

Trời Đà Nẵng nóng như rang suốt cả tuần. Tôi đến phòng hồi sức đúng 11 giờ 30 phút. Y tá Nguyễn Thị Tâm chờ sẵn có ý mong. Tâm nói: “Bác Thoa ơi, cháu em lại vào viện, bệnh trở rất nặng. Thằng bé tội nghiệp quá, cứ gọi bác Thoa hoài”.

Tôi vội chỉnh đốn y trang nghề nghiệp. Nhìn quanh không thấy bác sĩ trực kèm, nhìn tổng thể các giường bệnh, các bảng minitoring không thấy có gì trở ngại, tôi bắt đầu khám từ giường số 1... Đến giường số 4, tôi nhận ra Nho Khôi, cháu của Tâm, và cũng là cháu của thi sĩ Nguyễn Nho Sa Mạc. Nho Khôi là bệnh nhân của khoa nhi hơn nửa năm rồi. Cháu ra vào viện liên tục và trở nên thân thiết với tôi. Tôi quan tâm nhiều đến Nho Khôi vì bệnh cháu khó chữa và cũng vì những câu hỏi ngộ nghĩnh khó trả lời, những ví von, biểu hiện lạ lùng đến quặn thắt tâm can. Nho Khôi bị suyễn mãn tính. Sáng nay sau giờ ra chơi, Nho Khôi lên cơn khó thở, nhà trường liên hệ với gia đình và đưa cháu vào viện lúc 11 giờ. Các bác sĩ hồi sức đã cho cháu thở oxy ngắt quãng với liều lượng 1 lít/phút, Ventolin khí dung mặt nạ 0,10mg/kg lặp lại sau 30 phút, nhưng không cắt được cơn.

Tôi bắt mạch kiểm tra, đếm nhịp thở rồi ra lệnh cho y tá Tâm:

– Aminophillin (250mg) 1/3 ống + glucoza 5% 200 ml chuyền tĩnh mạch 30 giọt/phút. Nho Khôi nắm chắc một bàn tay tôi, nở nụ cười khô khốc. Khoảng 10 phút sau, cơn vật vã của Nho Khôi có giảm, nhưng tình trạng khó thở không cải thiện chút nào. Cháu nói trong cơn thở hổn hển:

– “Bác sĩ ơi, con nóng quá, con ngạt thở quá, con muốn... con muốn... làm con trâu ...mẹp trong vũng nước”

Tôi sờ trán cháu, cảm giác mát lạnh; tôi sờ chân cháu, chân cháu lạnh ngắt. Kiểm tra thân nhiệt thấy cháu không sốt. Tôi hỏi y tá Tâm nhiệt độ trong phòng. Tâm bảo 27 độ.

Tôi cởi nút áo cổ cho Khôi, bảo cháu nằm yên để tôi lau mát cho cháu.

Tôi vào nghề đã hơn 20 năm. Đây là ca suyễn ác tính thứ hai tôi gặp. Lần đầu một cháu bé 14 tuổi tên Táo ra đi trong đêm 23 Tết tại bệnh viện Daklak. Cái tên Táo và đêm 23 tháng chạp làm tôi nhớ mãi. Ảo giác thiếu khí là một triệu chứng báo bệnh trầm trọng. Tỷ lệ tử vong các trường hợp suyễn ác tính rất cao. Tôi nhìn Nho Khôi với lòng quặn thắt.

– “Khát nước, khát nước, cô ơi cho cháu uống nước”. Nho Khôi cầm tay tôi chắc hơn nói tiếp:

– “Bụng con căng quá, con ngạt thở quá”. Tôi khám bụng, bụng cháu xẹp lép, chỉ cảm nhận mấy làn nhu động ruột nhẹ. Nho Khôi nói từng tiếng đứt quãng:

– “Bụng con căng, căng như cái trống ở hiên trường. Cái trống... cái trống bị ràng chặc... ràng chặc bởi những sợi dây thừng. Ước gì... ước gì ai đó đánh thật mạnh... đánh thật mạnh để sợi thừng bung ra”. Khôi vừa nói vừa đưa tay bứt nút áo ở bụng.

Tôi bất lực trước cơn vật vã liên tục và bồi hồi cảm xúc trước những liên tưởng ví von của Khôi.

Một ca trầm trọng nữa ập vào phòng hồi sức. Tôi rời Nho Khôi để đến với một cháu 17 tháng tuổi bị sặc cháo ở nhà trẻ. Tôi cùng các chị y tá làm các thủ thuật cần thiết để cứu chữa. Nhưng cơn khó thở tím tái của bệnh nhân này quá trầm trọng. Tôi hỏi y tá bác sĩ Khánh trực kèm đã đến chưa? Có tiếng trả lời của Khánh:

– “Em đến rồi đây, xin lỗi chị. Em đến trễ vì ngồi ăn trưa với đứa bạn quá lâu”. Bác sĩ Khánh nói xong liền đi đến bàn điện thoại gọi chồng ở nhà:

– “Anh ơi cho con ăn cơm trưa chưa, nhớ cho con đi ngủ đúng giờ...”

Bác sĩ Khánh vẫn như thế, từ hơn ba năm làm việc tại khoa nhi, trước cái sống, cái chết của bệnh nhân, mặc kệ, cô chỉ quan tâm đến bản thân mình, gia đình, bạn bè trước đã. Chồng cô là một ông lớn bên thành ủy. Chúng tôi, những bác sĩ gốc “miền Nam”, góp ý, cô chẳng coi ra gì. Các đảng viên lãnh đạo khoa cũng chỉ nói qua loa cho có chuyện. Do vậy mà cô vẫn thong dong sinh hoạt và chữa bệnh theo ý riêng của mình.

...

Càng về chiều những cơn khó thở của Nho Khôi càng gia tăng. Chúng tôi đã dùng qua hết các thuốc dãn phế quản của các nhóm Adrenalin, Theophilline, Corticoid cả uống, chích và khí dung, nhưng chẳng có chút hiệu quả. Dùng thuốc và theo dõi suốt 6 tiếng mà không cắt được cơn suyễn ác tính. Bệnh nhân có dấu hiệu của toan hô hấp, dần đi vào hôn mê. Hội chẩn viện được triệu tập. Thông khí nhân tạo được thực hiện với sự trợ giúp của phòng hồi sức trung tâm.

Điều trị toan hô hấp là một thủ pháp khó đối với các bác sĩ nội khoa, nhất là nhi khoa, vì liều lượng phải chính xác đến từng milimol. Tôi vào phòng trực mở hai cuốn Harrison’s principles of internal medecine và Nelson Textbook of Pediatrices đọc lại phần điều trị toan hô hấp ở bệnh suyễn rồi nói với bác sĩ Khánh:

– “Em đọc kỹ hai phần này. Tối nay hai chị em mình vất vã rồi đó. Đây là một trường hợp khó ít khi gặp. Em cần theo dõi sát bệnh nhân để rút kinh nghiệm. Khánh đáp lại:

– “Dạ vâng thưa chị ạ”. Khánh trả lời với tiếng ạ kéo dài mà không đá động gì đến sách, nhìn bệnh nhân qua loa rồi đi gọi điện thoại về nhà...

Theo qui định của khoa mỗi đêm có hai bác sĩ trực. Thông thường cô bác sĩ phó khoa chia một người vững tay nghề và một bác sĩ non tay hơn vì được đào tạo và học tập qua loa hoặc mới ra trường chưa có kinh nghiệm. Những đêm không có bệnh nặng chúng tôi ngầm chia nhau một người thức, một người ngủ nửa đêm để có đủ sức làm việc cho nửa ngày hôm sau. Trong trường hợp có bệnh nặng cả hai cùng thức. Nhưng Khánh không muốn thức mặc dầu cô ấy biết hôm đó phòng hồi sức của chúng tôi có hai ca trầm trọng: Một Nho Khôi bị suyễn ác tính và một bé 17 tháng tuổi sặc cháo từ nhà trẻ.

Mặc dù đã nghe tôi nói như thế, nhưng Khánh vẫn hỏi tôi: “Chị đi tua đầu hay tua sau (9 giờ tối đến 2 giờ sáng, 2 giờ đến 7 giờ sáng hôm sau).

Tôi nói:

– “Đêm nay chúng ta cùng thức, không chia tua; bệnh nặng, phải chịu khó thôi”. Lời nói của tôi không tác động gì đến Khánh. Cô ấy lẳng lặng bỏ đi vào phòng nghỉ. Từ ba năm qua, tôi và các số bác sĩ khác trong khoa đã quen với thái độ như vậy của Khánh, bởi vì cô là vợ của một ông lớn bên thành ủy. Đêm đó hầu như tôi trực một mình.


la

11 giờ, bệnh nhân 17 tháng tuổi sặc cháo qua đời. 2 giờ 15 phút sáng, Nho Khôi ra đi. Tôi mệt nhoài, buồn bã và thất vọng với chính mình.

Thông thường sau đêm trực, hai bác sĩ cùng tổng kết tình trạng trong đêm, cùng đi kiểm tra, rà soát các giường bệnh để báo cáo trước khoa trong buổi giao ban sáng. Sáng hôm đó không thấy Khánh ở đâu, tôi làm tất cả một mình. Khi nghe tôi báo cáo có hai bệnh nhân tử vong trong đêm, bác sĩ chủ nhiệm khoa ngạc nhiên hỏi:

– “Sao khi nãy gặp bác sĩ Khánh trên hành lang, tôi hỏi về hai trường hợp bệnh nặng, bác sĩ Khánh trả lời đều ổn cả”. Cả phòng giao ban nhìn về phía chúng tôi cười òa. Có tiếng rì rầm: “Bác sĩ trực mà không biết trong đêm có bệnh nhân tử vong sao?”.

Tôi với Nho Khôi không chỉ gắn bó trong ngày cuối của đời cháu. Như trên đã nói: Nho Khôi là bệnh nhân của khoa nhi hơn sáu tháng trước đó. Nhiều lần trong sáu tháng đó, tại phòng hô hấp, chúng tôi trở nên bầu bạn. Cháu đặc biệt muốn hỏi han và trò chuyện cùng tôi. Còn tôi thì bị thu hút bởi những câu hỏi khó trả lời, những ý tưởng xa xôi, những ví von đầy thi vị, những câu chuyện kỳ lạ nho nhỏ; và ba tiếng gọi “bác sĩ ơi” của Khôi nhiều lần làm tôi thương cảm:

– “Bác sĩ ơi, khi khó thở con mơ về những con bướm bay lượn trong nắng sớm. Mơ làm bướm, nhưng con rất sợ mùi của nhụy hoa”.

– “Bác sĩ ơi, gió mưa lớn quá, tiếng rít hú qua các khung cửa nhôm làm con ngột thở. Con nhớ tiếng hú của bầy sói trong truyện cổ tích. Ước gì sói và con cùng chơi”.

...

Bác sĩ ơi, bác sĩ ơi,...,ba tiếng đơn sơ trìu mến ấy vẫn vang vọng trong tâm thức tôi suốt mấy chục năm trời. Nó thường xuyên khiến tôi giằng xé vì đã không giúp được cháu vượt qua cái chết, và cũng không trả lời thỏa đáng những câu hỏi chẳng bao giờ dứt của một tâm hồn phong phú đầy ý thơ; và cả ý...thức.

Có một lần, tại phòng hô hấp, lúc bệnh chưa chuyển nặng, Nho Khôi nói với tôi lời tự sự khá dài và đặc biệt “rắc rối” làm tôi sửng sốt:

– “Bác sĩ ơi, nhiều lúc trời đột ngột đổ mưa, ngồi trong phòng học, nhìn qua cửa sổ, con thấy lá cờ rủ trên đỉnh cột cờ. Con buồn quá. Lá cờ trông giống một đứa bạn đứng xuôi vai, thõng tay, mặt mày bí xị vì bị thầy cô mắng do không thuộc bài hay vi phạm kỷ luật. Những lúc trời nắng con thấy lá cờ bay trên đỉnh cột cờ. Lá cờ bay trông giống bạn khác nhơn nhơn tự đắc được thầy cô khen, hay khi đánh thắng thằng bạn trên sân trường. Con không thích cờ rủ hay cờ bay kiểu đó. Con thích lá cờ thoát khỏi sự trói buộc của sợi dây và cái ròng rọc trên đỉnh cột cờ bay tự do lên tận trời xanh.”

Cờ rủ. Cờ bay. Suốt mấy trăm năm nay, nhân dân Việt Nam cay đắng cảm nhận về những lá cờ. Ôi, Nho Khôi, Nho Khôi. Cháu đã ra đi để nhập vào hồn thiêng của Dân tộc.

Một lần khác, cháu đưa ra câu hỏi làm tôi làm tôi sửng sốt hơn:

– “Bác sĩ ơi, trên bức tường trước phòng hội đồng của trường con có câu khẩu hiệu màu đỏ chữ thật lớn “Tiên học lễ hậu học văn”. Con hỏi thầy, hỏi cô, con cũng hỏi mẹ cha, mọi người trả lời, nhưng con không hiểu gì hết: Lễ là gì? Văn là gì? Tại sao học lễ trước học văn sau?”

Tôi chỉ gượng cười, không trả lời câu hỏi của Khôi. Lý do gần là chúng tôi đang ở trong phòng bệnh không thể “bàn luận” một vấn đề nghiêm túc như thế. Lý do xa là tôi cũng lúng túng chưa hiểu hết các từ lễ, văn và tại sao lễ trước văn sau?


la3b


Câu hỏi của Nho Khôi làm tôi trăn trở mãi đến lúc này. Bài này tôi viết để gởi tới Nho Khôi và thế hệ của cháu (trong đó có con tôi) như một lời xin lỗi, và cũng để nhắc nhở chính mình rằng sống không thể không có lễ không có văn. Có điều nội hàm của từng khái niệm như thế nào và phương cách vận dụng chúng ra sao trước những chuyển động của đất nước và thế giới?

Tiên học lễ, hậu học văn – thành ngữ này tôi đã nghe cha mẹ tôi căn dặn anh chị em chúng tôi khi còn học ở trường tiểu học Thế Dạ. Tôi cũng nghe thầy cô nào đó nhắc nhở một bạn học nào đó thiếu lễ phép. Lên trung học Đồng Khánh, tôi không nghe ai nói nữa. Trong nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa (ở miền Nam 1945 – 1975) thành ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn” không biến thành khẩu hiệu kẽ trên tường ở bất kỳ trường lớp nào. Có lẽ trong nền giáo dục đó: văn, lễ nằm trong các tiêu chí Nhân bản – Dân tộc – Khai phóng, và được thể hiện qua các môn Đức dục, Công dân, Văn học (Việt Nam và thế giới: các bài tập đọc, chính tả, học thuộc lòng, tập làm văn, giảng văn, luận văn...), Sử địa (Việt Nam và thế giới), Triết học (Tây – Đông: Luân lý học, Tâm lý học, Đạo đức học, Siêu hình học, Triết học Đông phương). Đặc biệt tất cả các môn học này từ sách giáo khoa cho đến các bài giảng của thầy cô giáo có thể chưa đầy đủ chứ không bị làm méo mó, lệch lạc theo ý thức hệ chính thống của chính quyền. Sách giáo khoa khá hoàn chỉnh, thầy cô giáo tự do soạn giảng bài, học sinh, sinh viên tự do tranh luận. Đại thể như thế, nhưng vẫn có một số trường hợp cá biệt hai chữ tự do được thể hiện với sự khéo léo, tinh tế. Nền giáo dục Việt Nam Cộng Hòa un đúc được những con người lương thiện, những nhà chuyên môn vững tay nghề và có lương tâm nghiệp vụ; một số trong họ có khả năng quan hệ bình đẳng với các nhà chuyên môn thế giới, và hầu hết hội nhập được với nhân dân.

Theo thiển ý của tôi: thành ngữ “Tiên học lễ – hậu học văn” xuất phát từ nền giáo dục thời nhà Nguyễn. Trong nền giáo dục này:

Chữ lễ là phép tắc ứng xử trong mọi quan hệ ở đời. Người đàn ông thì Tam cương, Ngũ thường. Tam cương (quân, sư, phụ) là ba giềng mối phải tuân thủ suốt đơi: trung thành với vua, nhớ ơn tôn trọng thầy, hiếu với cha. Ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí. Tín) là 5 việc phải làm hằng ngày, không ngừng nghỉ cho đến hơi thở cuối cùng. Người đàn bà thì Tam tòng, Tứ đức. Tam tòng là ba người phải theo (phụ thưộc): lúc còn ở nhà thì theo cha, lúc đi lấy chồng thì theo chồng, lúc chồng chết thì theo con. Tứ đức là bốn đức tính (công, dung, ngôn, hạnh) phải học hành un đúc: quán xuyến, đảm đang việc nhà, chăm sóc nhan sắc, chú trọng lời ăn tiếng nói, trau dồi cách ăn ở để thành ngườ tử tế nhân hậu. Nói gọn: học lễ là học làm Người trong ý thức hệ Nho – Việt.

Chữ văn là văn chương, chữ nghĩa, là kinh sách thánh hiền, là tứ thư, ngũ kinh, lịch sử và văn học Trung Quốc: Những lý thuyết chính trị và xã hội được đúc kết từ thời thượng cổ bên Trung Quốc bởi Khổng Tử, Mạnh Tử...,và được chú giải, sáng tác bởi các triết gia học giả đời sau, được vận dụng theo nhu cầu tồn tại của nền quân chủ chuyên chế và hệ thống quan liêu thư lại triều Nguyễn. Người đi học cốt yếu giành một mảnh bằng, một chức vụ nào đó do triều đình ban cấp. Nền giáo dục theo trình tự “Tiên học lễ hậu học văn” đó đã đào tạo được những con người tinh tế, một vài ông vua văn trị, yêu nước, một số quan lại thanh liêm cần mẫn và rất nhiều nhà nho trở thành kẻ sĩ gắn bó máu thịt với đất nước và nhân dân.

Những thành tựu đó đáng kể. Tuy nhiên, những thành tựu đó không đủ sức để đương cự trước một tình thế thù trong giặc ngoài. Ở trong, nhân dân, 90% là nông dân, lực lượng sản xuất chính của nền kinh tế, phải gánh chịu gần hết mọi nhu cầu của đất nước (thuế khóa, lao dịch, binh dịch) được áp đặt bởi nền quân chủ chuyên chính với hệ thống quan liêu ngày càng thiển cận, hẹp hòi, khép kín, bất động và lần hồi trở nên xơ cứng, bất lực, tham nhũng, cửa quyền. Không thể tiếp tục chịu đựng được nữa, đó đây nông dân đã nổi dậy, nhóm này với sự đồng tình ủng hộ của một số nho sĩ, nhóm khác với sự xúi dục của ngoại nhân. Ngoại nhân lần này đến từ phương Tây. Phương Tây sau cách mạng Mỹ 1772, cách mạng Pháp 1789, nhiều nước đã trở nên giàu mạnh nhờ những thành tựu vượt bậc trong các lãnh vực khoa học kỹ thuật, triết học, giáo dục và tư tưởng chính trị tân tiến. Phương Tây có nhu cầu, có khả năng, có tham vọng bành trướng và xâm lược. Vua quan, sĩ phu và cả nhân dân vào thời điểm đó (đầu thế kỷ 19), mãi đến đầu thế kỷ 20 thiếu hiểu biết về chính mình, về thế giới, không chịu chuyển biến để thích ứng với thời đại mới, không biết nhìn xa trông rộng, chỉ bị ám ảnh bởi một phương Tây “mọi rợ” và xâm lược, mà không hề biết đến một phương Tây khác với những tinh hoa của thế kỷ ánh sáng (thế kỷ 18),

Đất nước bị đô hộ, nhân dân nghéo đói, dốt nát và nô lệ là hệ quả tất yếu của nền chính trị chuyên chế và sách lược giáo dục lạc hậu, lỗi thời dẫn đến phản động với thành ngữ “Tiên học lễ hậu học văn”.

Tôi không nhớ chính xác thành ngữ “Tiên học lễ, hậu học văn” của triều đình nhà Nguyễn đã được đảng Cổng sản biến thành khẩu hiệu treo dán khắp các trường trung, tiểu học từ lúc nào sau khi làm chủ đất nước từ Nam chí Bắc (1975). Nếu tôi nhớ không lầm thì một ngày chủ nhật nào đó gần cuối năm1990, khi đi họp phụ huynh cho con gái Hảo Nhiên ở trường Trần Cao Vân (cơ sở 2 trên đường Hoàng Hoa Thám Đà Nẵng) tôi đã thấy câu khẩu hiệu đó trên tường và nghe bà hiệu trưởng nhắc nhở chúng tôi nhiều lần trong buổi họp hai câu ca dao: Muốn sang thì băt cầu kiều / Muốn con hay chữ phải yêu mến thầy. Hai câu ca dao này tôi cũng đã nghe ông giám đốc sở giáo dục nói qua đài truyền hình mấy ngày trước.

Từ năm 1975 đến 1990 là 15 năm. Mười lăm năm đảng Cộng sản làm chủ đất nước với bốn cuộc cải tạo ở miền Nam (Cải tạo Ngụy quân – Ngụy quyền, Cải tạo công thương nghiệp và kinh tế tư sản, Cải tạo giáo dục và văn hóa tư tưởng, Cải tạo nông thôn), củng cố hệ thống xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đương đầu với hai cuộc chiến tranh ở hai đầu đất nước (1979) vơi hai nước vốn là đồng chí: Campuchia ở phía Nam và Trung Cộng ở phía Bắc.

Chủ trương bốn cuộc cải tao và đương đầu với hai cuộc chiến tranh, đảng Cộng sản đã đẩy đất nước đến tình trạng suy sụp, bế tắc trầm trọng. Ở trong (đặc biệt ở miền Nam) nhân dân bị cướp bóc, đày đọa lầm than, đói khổ, phẫn nộ và tuyệt vọng. Ở ngoài, ngoại trừ Liên Xô, cả thế giới trở nên thù địch, hoặc thờ ơ xa lánh.

Đứng trước tình thế đó, riêng trong lãnh vực giáo dục, đảng Cộng sản cùng lúc tiến hành hai biện pháp: (1) Siết chặc hơn nữa hệ thống quản lý đảng, đoàn, đội tại các trường, (2) Ru ngủ giáo viên và cưỡng ép học sinh bằng khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” nhằm biến nhiều thế hệ tuổi trẻ Việt Nam thành công cụ phục vụ chế độ lâu dài.

Vậy thì học lễ, học văn là cái gì? Tại sao học lễ trước học văn sau trong chế độ Cộng sản? Đây là ba câu mà cháu Nho Khôi 13 tuổi đặt ra cho tôi tại phòng nhi hô hấp mấy chục năm trước.


Học lễ là gì?


Trong chế độ Cộng sản: học lễ là học vâng lời và trung thành. Vâng lời ai? – Nho Khôi ơi, vâng lời “bác Hồ” qua thầy cô giáo và các cán bộ đoàn đội. Trung thành với ai? – Nho Khôi ơi, trung thành với đảng Cộng sản.

Bác Hồ dạy thiếu niên nhi đồng 5 điều: (1)Yêu tổ quốc, yêu đồng bào. (2) Học tập tốt, lao động tốt. (3) Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt. (4) Giữ gìn vệ sinh thật tốt.(5) Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.

Theo “Bác Hồ” và đảng Cộng sản: Tổ quốc gắn liền với Xã hội chủ nghĩa. Không yêu Xã hội chủ nghĩa là không yêu Tổ quốc, là phản động.

Theo “Bác Hồ” và đảng Cộng sản: Thiếu niên nhi đồng chỉ yêu đồng bào thuộc liên minh Công – Nông – Binh. Những ai không thuộc Công – Nông – Binh không phải đồng bào.

Đoàn kết tốt là đoàn kết với bạn bè thuộc các gia đình nông công binh theo sự hướng dẫn của thầy cô và đoàn đội.

Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm cũng nằm trong hệ thống đạo lý Cộng sản do thầy cô, đoàn đội truyền đạt. Mà thầy cô, đoàn đội là công cụ của đảng Cộng sản.

Trong 5 điều bác Hồ dạy, không có điều nào dành cho gia đình (Tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em và bà con dòng họ). Đối với thầy cô thì trong thời kháng chiến, đảng Cộng sản chủ trương ở trường học chỉ có quan hệ anh em đồng chí – không có qua hệ thầy trò (vì thầy trò trong chế độ cũ là quan hệ phong kiến).

Từ 1990 trở về sau, do tình trạng đói khổ tràn lan, đảng Cộng sản muốn vỗ yên các công cụ là “cán bộ giáo dục” nên đã phát động rầm rộ phong trào đền đáp ơn nghĩa trong trường học. Thực chất là thủ đoạn tạo điều kiện cho thầy cô kiếm chác để cải thiện phần nào cuộc sống từ quà cáp của học trò và hối lộ của phụ huynh để việc học của con em suôn sẻ. (xem thêm “Bé Hoàng Sa và đôi dép màu Hồng” diendan.org, baothoavantho.blogspot.com)

Tóm lại, học lễ trong chế độ Cộng sản là học làm công cụ, làm tay sai.


Học văn thì sao?


Trong chế độ Cộng sản, học văn trước hết là học chủ nghĩa Mác, Lê Nin, tư tưởng Mao Trạch Đông (sau này, tư tưởng Hồ Chí Minh), lịch sử đảng Cộng sản, văn học, lịch sử Việt Nam và thế giới trong khuôn khổ ý thức hệ Xã hội chủ nghĩa. Những môn học mà, nói như Lý Chánh Trung, một trí thức miền Nam hoạt động kháng chiến trong quỹ đạo Cộng sản: “ thầy không muốn dạy, trò không muốn học”. Các môn học chính xác như khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên ( vật lý, hóa học, sinh vật) và toán, tuy được xem là then chốt, nhưng thành tựu cao nhất vẫn là của “phe ta”(đứng đầu là Liên Xô, Trung Quốc); bởi vì: “ Đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ / Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ”(*). Trong nhà trường, tuyệt đối học sinh, sinh viên không được học triết học phương Tây và các thể loại “văn học nghệ thuật phản động Tư sản và Mỹ Ngụy”. Và cũng tuyệt đối học sinh, sinh viên không được đưa ý kiến nào khác ngoài sách giáo khoa, giáo trình và lời giảng của thầy cô, cho dù sách giáo khoa và lời giảng của thầy cô sai trật và dối trá như thế nào. Học sinh, sinh viên chẳng khác nào cái máy ghi âm ghi vào, phát ra trong quá trình học tập và thi cử. Mà học tập, thi cử và “xin việc” thì “thi đua” và gian lận theo lợi ích bất chính của hệ thống quản lý chính quyền từ trung ương xuống địa phương, Việc mua bán kết quả học tập, bằng cấp giả là tình trạng phổ biến. (Thực tế này không tuyệt đối, vì còn có một thiểu số Thầy, Cô, Học sinh, Sinh viên và Phụ huynh còn có lương tri và bản lĩnh, biêt lợi dụng những kẽ hở và huyền thoại tuyên truyền của chế độ, tự phấn đấu giữ mình và vươn lên làm Người chân chính với bản sắc đặc thù.)


Học lễ trước – học văn sau?


Mục tiêu của “giáo dục” trong chế độ Cộng sản là đào tạo công cụ. Mà công cụ là những chi tiết, hay những chiếc máy con trong bộ máy hay trong guồng máy. Yêu cầu của người điều khiển guồng máy (đảng Cộng sản) là các công cụ phải triệt để tuân thủ kỹ luật nhằm duy trì hoạt động của guồng máy (chế độ). Yêu cầu đầu tiên của đảng Cộng sản đối với các thế hệ học sinh, sinh viên là sự vâng lời và trung thành (học lễ). Để đạt mục tiêu này, các thế hệ học sinh, sinh viên không được học hỏi bất cứ cái gì khác ngoài sách giáo khoa, giáo trình và lời giảng của thầy cô giáo như đã trình bày ở trên (học văn). Tiên học lễ, hậu học văn trong chế độ Cộng sản là như thế.

Thực tế, trong chế độ Cộng sản không có lễ, cũng không có văn gì hết. Bởi vì “lễ” “văn” kiểu ấy là nô lệ Con Người với các giá trị phổ biến, hiện đại trên nền tảng triêt lý: Nhân bản, Dân tộc và Khai phóng. Để thành tựu nguyên lý ấy, Con Người phải được hưởng các quyền tự do và được sống trong chế độ Dân chủ Cộng hòa tam quyền phân lập (lập pháp, tư pháp, hành pháp). Những mục tiêu này không xa lạ với lời hứa hẹn mà chủ tich Hồ Chí Minh đã công bố trong tuyên ngôn Độc lập năm 1945:

“Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”

Đảng Cộng sản không nên tiếp tục biến chủ tịch Hồ Chí Minh thành kẻ nói dối đến muôn đời.


la-4


Nếu hiểu được “văn” là ánh sáng dẫn đường thì Nguyễn Phú Trọng và đảng Cộng sản nên nhanh chóng thay đổi trình tự câu khẩu hiệu trên: biến “Tiên học lễ - hậu học văn” thành “Tiên học văn – hậu học lễ”. Bởi vì, đơn giản thôi, người ta không thể ứng xử phải phép (lễ) với một đối tác mà chẳng biết (văn) y là ai?

Học trò không thể “tôn sư trọng đạo” với một chuyên gia đầu ngành “chế tác công cụ” kiêm quản lý “dịch vụ bán dâm” .

Nhân dân không thể tâm đồng ý hợp với một “nàng Kiều” “Nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn” mà ngang nhiên giành lấy hai chức vụ Tổng bí thư đảng và Chủ tịch nước để một mình một chợ “thay trời đảm đương quốc gia đại sự”.

Chắc chắn nhân dân không bị lừa mị bởi thủ đoạn gian dối “chống quốc nạn tham nhũng” của Nguyễn Phú Trọng và đảng Cộng sản. Chống tham nhũng cũng như chống dịch bệnh, không chỉ chống từ ngọn mà phải chống từ gốc. Cái gốc của quốc nạn tham nhũng là guồng máy chuyên chính toàn diện và tuyệt đối của đảng Cộng sản. Không giải quyết tận gốc thì chẳng bao giờ tiêu diệt được quốc nạn cả.

Chống tham nhũng như Nguyễn Phú Trọng và đảng Cộng sản đang hô hào chẳng khác nào chống sốt rét mà không vận động nhân dân làm sạch môi trường và phun thuốc diệt muỗi.

Lại nữa, khi đã lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối mà các đảng trưởng, đảng phó của đảng Cộng sản chẳng bao giờ chịu trách nhiệm trước tình trạng tham nhũng tràn lan từ cơ sở lên đến bộ chính trị cả.

Nhân dân cũng không ngu dốt đến nỗi không hiểu ý đồ chống “diễn biến hòa bình” do Nguyễn Phú Trọng và đảng Cộng sản phát động từ nhiều năm qua. Người Mát Xít mà chống diễn biến là chuyện động trời. Cuộc sống mà không vận động (diễn biến) có còn là cuộc sống không? Phải chăng đảng Cộng sản muốn nhân dân và đất nước trở nên bất động và vô tri ?

Đất nước, Dân tộc sẽ đi về đâu khi đảng Cộng sản làm giáo dục và cai trị như thế?

N.T.K.T



(*) Hai câu thơ này trích trong bài “Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi”, Việt Phương sáng tác năm 1969. Bài thơ phản ảnh nỗi tuyệt vọng và giằng xé trước sự băng hoại của miền Bắc trong chế độ Cộng sản mà ông tham dự. Hai câu thơ trích dẫn có ý châm biếm não trạng của xã hội đó


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss