Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Lạc loài ư ? Không !

Lạc loài ư ? Không !

- Lê Minh Hà — published 05/01/2009 01:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19


  Lạc loài ư ?
  Không !




                         ký

                                Lê Minh Hà




Có một vùng đất tôi đã sống qua vài năm thơ ấu. Rất nhiều hồi ức về nó bây giờ thật lòng tôi không biết đã có từ đâu. Từ sự sống thực của một con bé con hay từ những câu chuyện rầm rì không đầu không cuối của mấy bà già đũng quần khai sực bên đống lửa khơi giữa nhà ngày tháng chạp rét nẻ gót chân. Nằm ngay bên một ngã ba sông mà hai bề có những hai cái lô cốt  cực kì kiên cố, một thời có những họng súng nhòm ra từ các lỗ châu mai. Cái lô cốt có những lỗ châu mai tăm tối ấy tôi từng thuộc lòng những ngăn, những khoang, những cửa khi chen chúc trốn tìm cùng mấy con bò to họng bao nhiêu trưa làng. Những ban trưa xưa lắm. Vừa xôn xao vừa êm ả. Trong tiếng con cồ cộ kêu váng ngọn xoan đào. Trong tiếng vườn chuối tự quật mình tướp lá. Trong tiếng chao chát của mấy bà rỗi việc xăm xắn chải chuốt cho mình ngoài dốc bến. Bên kia sông xa về Hà Nội là Ba la Bông đỏ, gần là bốn làng Vân, là Vác, xuôi về Vân Đình - một địa danh quen lắm với bao người một thời mang ba mươi sáu phố phường đi kháng chiến. Phía ấy là căn cứ địa của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Phải Hai người đàn bà xóm Trại của ông đã mướt mát, đã khô héo đi cùng hơi xuân sông nước nơi chốn ấy? Chéo bên sông dọc bờ sông Nhuệ bãi dâu mươn mướt là Lưu Xá. Cách nhau có một ngã ba sông nhưng lại không cầu, phiên chợ tết họp bên bãi sông phía Ứng Hòa còn phải nhắm mắt quên câu „đò đầy chớ qua“, Lưu Xá có bao nhiêu là tập tục khác lạ làm mắt bọn nhóc làng tôi mở không nhắm được. Khác nhất là tục tang ma. Con cháu xô gai rũ rượi thay nhau quăng mình đánh huỵch xuống đất trước hàng đô tùy khênh nhà táng, suốt dọc con đường đưa người chết ra đồng. Bên này sông, về làng, qua những Yên Phụ, Vĩnh Xương, Vĩnh Lạc, Kinh Đào, xuôi về những Xuy Xá, Phù Lưu Tế, Khu Cháy, cũng là những tên đất một thời lại thỉnh thoảng quẫy lên trong tâm hồn những kẻ từng ngược xuôi dặm dài kháng chiến cho một ngày về xuôi chân ghé Thăng Long buồn. À, nhớ chục năm trước nghe bài hát Có phải em mùa thu Hà Nội, túm được câu này, cứ yên tâm rằng người viết lời phải là người Hà Nội sắp hoặc đã trong độ tuổi xưa nay hiếm. Ai  ngờ hóa ra mới qua tuổi hai mươi, chẳng phải người gần sông Hồng mà là sông Hàn. Ngẫm càng thấy đất Rồng bay ám ảnh hồn người và tài nhân thì không nệ tuổi.

 

Sống ở đó bao lăm nhỉ? Hình như chưa được năm năm, từ thủa lên ba tháng tuổi. Vài ba tháng lại ra Hà nội một lần. Nó là chốn dừng của đứa trẻ suốt đời ốm yếu là tôi khi gia cảnh khó. Năm năm, và những quãng ngừng, đánh dấu bằng trọn vẹn ba cuộc chiến tranh đánh phá của Mỹ.

Năm ngoái, ông Đặng Tiến vô tình gửi qua mạng một bức ảnh. Ông nhà phê bình này có thói quen chia sẻ tất cả cho đồng bọn, chỉ là để vui thôi mà. Tin rằng những người nhận tấm ảnh (ai chụp thế cho tôi gửi lời…) không cảm động đậy giống tôi đâu. Chụp ở đúng chốn đó, Ba Thá, của tôi. Một cây cầu, do Pháp xây, không đẹp, xây vì mục tiêu quân sự ai lấy sự đẹp làm đầu, càng thô kệch sau bao nhiêu lần sửa chữa. Nguời con gái cằn cỗi trước tuổi, ngồi bên đống mía, duỗi cả bàn chân đi đất, (cũng không đẹp, không có lấy một mảy nõn nà) vào mặt người xem. Chắc là cô ấy lấy công làm lãi đây, buôn bán thế này biết đến bao giờ hết khó. Chỉ thế thôi mà tôi như bị sốc điện. Chính cây cầu ấy đấy, năm nào còn lát gỗ vênh gần khắp các nhịp, từng để lọt của tôi đồng năm xu quý báu bà cho để theo đò sang Lưu Xá nghe hát chèo, và cũng vì thế mà tôi đã bắt buộc phải nếm trải nông nỗi dạt vòm từ lúc còn tấm bé. Hình như vào khuya đêm chèo vãn mọi người mới tìm ra tôi ở chân đống rơm nhà hàng xóm, nhà Thủy Ánh. Hình như chính ông Thủy Ánh tìm thấy tôi tít thò lò trong cái hũm nhà ông thường rút rơm, bế tôi về giả bà để bà hôm sau tra khảo và chán nản nhìn mặt ranh con tôi đực ra như ngỗng ỉa. Tôi không nhớ gì về cuộc dạt vòm đầu tiên ấy. Nhưng lại nhớ ông Thủy Ánh, người phải gọi bà tôi vợ liệt sĩ kháng chiến là cô, người từng là một ông cai ông đội lính dõng gì đó, người mỗi bận Mỹ tìm cách đưa miền Bắc trở lại thời kì đồ đá bằng bom lại chụp cái mũ lá lên đầu, cần cù đi tù, trong khi anh Bảo anh cái Lệ học toán hạng siêu mà lại không được tự tính toán cho đời mình cũng con một ông bộ đội tây núp lô cốt thì lại khăn gói từ trường đại học về làng sống thầm lặng không giống bất cứ anh trai làng nào. Ba lần chiến tranh, ba lần anh làm kĩ sư thiếu tháng, rồi buông xuôi cam phận làm chồng một cô thợ may màu mỡ có cái hiệu may trấn ở đầu cầu. Chính chỗ ấy đấy, tôi với mấy đứa gái nhà quê cởi trần không cởi truồng bám thành cầu cố nhìn mấy thằng ôn con cùng tuổi lao bạt mạng xuống nước, xem chúng nó cắm đầu xuống thì bòi có chổng ngược lên không. Chân cầu ấy, bao ngày Hà Nội đi qua những đêm không ngủ, tôi một mình trốn ra đó khóc thầm, đầu óc quẩn quanh tiếng còi báo máy bay Mỹ tới rú lên từ Nhà Hát Lớn, và một phố nhỏ chiều chiều chớp trắng những cánh cò có những số nhà thân thuộc. Sông Đáy thao thiết về xuôi, lắng dưới lòng sâu đời cát. Nặng.

Vùng đất ấy, với xóm Gianh, cải cách ruộng đất rồi hợp tác xong thì được đánh số thành xóm Bảy nghe trung tính đến thành vô cảm, với ngõ Đồng, với cây đa cầu Đồng Bán, vào sâu trong chân núi Miếu Môn là những Chân Chim, Đồng Mít, Thượng Lâm, Tuy Lai, biền biệt mãi một ấu thời tôi. Xóm cuối làng, nghèo nên mới có cái tên gốc rễ rạ gianh như thế, vậy mà lại có nhà có máu mặt nhất làng, chia nhau làm tới nghị viên Bắc Kì, chánh tổng, chánh hội, con cháu ra Hà Nội học không trường Bưởi cũng trường tây. Những chuyện cường hào ác bá kiểu Bá Kiến ở đâu xa, chứ về mấy gia đình này, từ bé tôi toàn nghe các ông các bà già cả trong làng nói điều tử tế. Có lẽ thế nên sang thời cách mạng, cải cách ruộng đất, ông nghị Móm cũng khốn đốn do mấy lời tố điêu ngoa, trong tình thế oái oăm là con trai thứ đang chỉ đạo cải cách ruộng đất tổng Hà Đông, nhưng con cháu ông sau này phương trưởng và thành đạt cả. Chắc nhờ có học đến đũa đến đầu, chẳng cứ chữ nghĩa mà là cái đạo ở đời. Mà sung sướng nhất, là bà Móm Trẻ của ông, người con gái nhan sắc mặn mà ông cưới về do bàn tay thu xếp của bà vợ cả, được đội cải cách cùng rễ với chuỗi giải phóng đủ kiểu vẫn nhất định không bỏ ông chồng già đang bị nhốt chuồng trâu. Họ đó phải buổi đất nước bão giông, cũng nhiều người phiêu dạt. Xa nhất hiện giờ hình như là ông anh họ tôi, từng liều cả tuổi học trò vượt tuyến, từ bắc vào nam, rồi lại từ nam ra bắc mười mấy năm trời trong thân phận kẻ chiến bại, rồi giờ thì ở Mỹ. Nghe nói trước ngày đi anh có về thăm lại quê hương. Bà cô tôi kể lể mãi vẫn ngỡ ngàng cái nỗi cái anh Anh con bác thơ kí Úy thậm giỏi. Đi mấy chục năm ròng về làng nhận không sai mặt nhầm tên một ai. Ông bác này đây, người nhỏ thó, ăn nói chẳng ra dáng một ông già nào tôi vẫn quen nhìn thấy sau buổi làm đồng tồng ngồng vai vác cái cày sáng choang, tay che che phía trước đi dọc đường đê, cả làng quen gọi là ông Thơ, nghe nói ngày xưa từng chịu chơi mở một hiệu sách to đùng ở Hà Nội, chỉ vì nỗi trót lụy Tự lực văn đoàn, và ông lang Mạch có hàm râu trắng nhà đầu ngõ, ngày xưa lúc nào cũng làm tôi chờn chợn khi trót dại điều gì. Như chặt trộm cây chuối tơ làm phao theo chúng bạn ra sông vùng vẫy. Như rồ dại đuổi con gà mái đang cuống cuồng tìm chỗ đẻ. Chao ôi là năm tháng! Nếu không phải là còn trong tuổi bé, được nhênh nhàng như thế, có lẽ suốt đời tôi sau này sẽ bị ám ảnh cái nỗi xa nhà. Hoặc nếu không có bà tôi… Sẽ mãi mãi, bà ơi, con sóng nhỏ chiều xuân vờn quanh ống chân hai bà cháu bên bến nước khi con thuyền đinh khẳm cát ngược dòng. Sẽ mãi mãi, đăng đắng ngọt, cọng cỏ ấu nhổ từ bãi bồi phơ phất cờ ngô mưa bụi. Sẽ mãi mãi một niềm gì phơi phới khi đứng giữa bãi tha ma chiều áp tết chờ bọn trẻ trâu chia cho nửa củ khoai lùi. Tôi đã lớn lên như thế đấy, không hẳn như một con bé thị thành, dù toàn bị trẻ làng bắt nạt chế con Hà Nội quần phăng tóc ngắn đầu ngôi lệch, mà cũng không ra một con bé nhà quê, dù cũng xắn quần móng trâu con cón ra đồng theo chúng bạn mò cua bắt ốc hót phân trâu, đủ cả.

Vùng đất ấy quen thuộc biết bao nhiêu với tôi. Từ Hà Nội qua Hà Đông, Ba la Bông đỏ, Thạch Thất, Bình Đà. Chỗ Vác, rẽ hơi xuôi về phía trái sẽ tới Vân Đình. Vân Đình thịt chó, Vân Đình cà phê của bao người Hà Nội nghe lời núi sông ra đi một thuở. Một con đường trải đá dăm nắng mưa đã đào xới tới cả phần đá hộc dẫn qua bốn làng Vân về Ba Thá. Từ Ba Thá xuôi theo sông Đáy là những làng ngày xưa rất âm thầm, vì xa trục đường quốc lộ. Đây, sông Đáy, trôi qua những đồng Bương Cấn mạn thành Sơn hiện ra êm đềm qua một vòng bánh xe đạp lăn về phía trước. Đây, một triền đê cỏ lơ thơ dưới mõm trâu bò mùa đông khổ ải. Đây, những mảng tường gạch vỡ, mái rạ xám ỉu dưới mưa sát bên đôi ba dáng xoan tơ. Tiếng gà ban trưa báo trời mưa tạnh dẫn ngọn khói bay lên, nâng dần bầu trời phù thũng. Và tiếng người quê. Đất tằm đất lụa mà giọng tằm giọng lụa thì chưa thấy bao giờ nhẹ cả. Vùng đất ấy bây giờ được gọi là Hà Nội Mới. Tôi vẫn chưa bao giờ hiểu nổi làm thế nào cái quá trình đô thị hóa theo nghị quyết hôm nay làm được việc hồi sức văn hóa xứ Đoài và cấy ghép nó vào văn hóa kinh kì bao nhiêu đời. Và, cũng không hình dung được, qua những đời đời nào nữa, người của Hà Nội Cũ và Mới hôm nay sẽ có một giọng nói riêng làm của chung.

Thì vậy. Dân phố phường như tôi có ai lại nói cái chân thành cái chưntấm gương thành tấm hương, thanh huyền thành thanh không, âm 'e' ra khỏi miệng nghe bẹt dí dị, có lẽ còn chẳng hiểu đằng rừng chỉ phương nào. Phải về nơi ấy! Nơi Ba Vì tím mờ sau bao nhiêu ngày bị nổ mìn phá đá làm đường cứ mỗi ban trưa nắng ngời lại chớp bạc lên một vạt vừa bị xẻ. Người quê, chẳng biết tới cái bản đồ, nên có cách định hướng riêng. Đi về phía tây thì nói là vào đằng rừng, vào Chân Chim, Đồng Mít, vào Miếu Môn chẳng hạn. Về hướng bắc lại nói là lên, lên mạn ngược, lên Khảm Lâm, Hạ Dục, lên Cốc, lên Sẽ, lên Nguồn, lên Sơn (tây). Xuôi phương nam thì thành ra xuống, xuống Yên Phụ, Kinh Đào, Xuy Xá, Tế Tiêu, sang sông rồi thì xuống Vân Đình. Còn ngoảnh đi về hướng đông thì lại nói ra, ra Chuông, ra Vác, ra Khe Tang, ra Bình Đà, ra tỉnh, ra Hà Nội. Chỉ có tôi, cái đứa dân phố lại thấy mình quê một cục mới có kiểu lúc nào cũng đau đáu một chữ vềra Hà Nội cũng là về, vào Ba Thá cũng là về. Tội thế.

Từ ngôi nhà của bà, cách ngã ba sông vài mươi mét, có vết rạn từ mái tới chân tường, do chấn động của trận bom máy bay Mỹ thả chệch khỏi cầu, tôi đã xuống, đã lên, đã vào, đã ra. Ra Hà Nội thì dĩ nhiên rồi. Vào là chạy lụt năm bảy mốt, chạy tuốt vào trong chân núi, nhưng không được vào tận sân bay quân sự Miếu Môn, dù trẻ con khờ khạo chưa biết lo biết tiếc những mất còn qua cơn giặc nước đã tí tửng tưởng thế. Xuống là xuôi đê về làng Yên Phụ, sát làng tôi. Cùng một triền sông bên này lao xao hồn ngô mía, bên kia sông Đáy lững lờ, cùng một triền sông, nhưng làng Yên Phụ có hơn làng tôi một nhà thờ, và những tiếng chuông sớm chuông chiều, nghe, xao xuyến, lạ, khác hẳn cảm giác tiếng chuông nhà thờ vẫn nghe từng ngày giữa trời Âu. Ở mé làng đó có một nếp nhà mái rạ, lớp một của tôi. Tình thực, tôi quên sạch đôi ba buổi vào ra lớp một, hỗn hào đến mức giờ chịu không nhớ nổi người thầy đầu tiên của mình là thầy hay cô. Nhưng miên man trong trí, hình như…  có một đồng dâu ngút ngát, có con rẽ giun chốc chốc vụt bay ra. Hình như … có bờ mương đôi ba khi lại có con rắn hoa nằm vắt ngang dậm dọa sát bãi phân trâu đầy hấp dẫn, có những bụi hoa muồng muồng vàng dại, có cánh chuồn chuồn bão lộng lẫy màu cam đỏ chớp sáng những cô độc trưa chiều. Và những gì nữa nhỉ? Cái mũ rơm nặng trịch chị Lễ nhà bác Oánh bện cho, chiếc túi cứu thương đầy đủ bông băng thuốc đỏ, túi áo bông luôn lưng lửng một cái gì ăn được. Nhớ, sao thèm quá thể, trời ơi. Thèm, sao nhớ thế, hai đứa bạn gái ngày xưa. Hình như một đứa là Lương con ông Tư Lỉnh, hình như một đứa là Dung con bác Công lùn. Bác Công lùn nổi tiếng thời làng còn là làng tề, làm du kích vác dao phay nhảy lên xe giặc chém sả tay thằng Tây đồn trưởng lô cốt đầu cầu. Cả hai bác Công trai Công gái vừa xấu vừa tốt. Xấu tướng, tốt tính. Thế mà cái Dung thì mỏng mày hay hạt, lông mày dài, môi đỏ, khác kiểu con gái nhà quê, y như con hai bác nuôi hộ ai. Hình như nhà nó ngay đầu cổng bệnh viện tâm thần bây giờ, xưa là doanh trại bộ đội. Hình như cái Dung đẹp người thế mà một đời cô khổ. Hình như cái Lương cũng vậy, lam lũ cả đời. Tôi nhớ tôi cứ bỏ rồi chơi lần lượt với hai đứa, tùy theo sự phát triển quá trình cạnh tranh viện trợ lương thực và thực phẩm của chúng nó cho tôi. Cà chua, khoai lang sống/ chín, bỏng ngô, thóc rang hay nướng cả bông, hay một con muồm muỗm béo. Chao ôi, hóa ra tôi xấu thói ngay từ ngày đó nhỉ. Mà hình như, hồi ức này có thật hay không ?

Xuống, gần là Yên Phụ. Lên, gần là Khảm Lâm. Cũng chỉ vì cây cầu mục tiêu đánh phá của Mỹ một thời mà chị em tôi phải từ nhà bà sơ tán thêm lần nữa. Cách nhau có mỗi một đỗi đường đê, mà bốn mươi năm trời tôi vẫn chưa một lần về lại. Trong kí ức mờ mịt của tôi, lỗi nửa phần ở tuổi ngây ngô chưa biết nhớ, nửa phần ở tuổi sắp già lẩn thẩn chóng quên, có một dải đê vắng ngơ ngẩn cả người, có những ngõ nhỏ mát rượi vì nắng khó nhọc lắm mới xuyên qua được vòm lá xanh đan dệt bên trên, có những ngôi nhà cách nhau thửa vườn to như ruộng, trồng su hào vừa bén rễ, lá nhỏ xanh bạc chiều đông. Sao có những ngày có những người rộng lòng đến vậy. Bốn bà cháu lốc tha lốc thốc cùng cả gà qué lên ở nhờ, mà vẫn có ngay chỗ đậu. Bác chủ nhà tên là Lau. Riêng điều này tôi nhớ kĩ. Hình như bác cụt một tay, hình như bác gái hơi lé mắt. Hai bác không con. Vậy mà cũng chịu được cảnh cửa nhà trẻ mỏ luôn ầm ĩ, chịu được cả cảnh con em họ tôi quái tính, cứ buồn ị là chạy ra gốc xoan đầu ngõ chổng mông. Hình như bác là cán bộ xã, vì sau này tôi con được gặp bác đôi lần, đeo xà cột đi xe đạp ghé qua thăm bà cháu tôi. Hai bác đã sẻ đã chia cho bà cháu tôi nhà cửa, miếng ăn, là tất cả của nả của con người một thời. Củ su hào nhổ từ ruộng sau nhà. Vỉ cá nướng bằng đống rấm đầu ngõ chiều tháng chạp. Con thiểu, con trôi, con chày mắt đỏ, khô cong rồi lại đem kho khô với riềng và thìa mỡ nước ăn ngày sau tết, ngon thủng nồi trôi rế. Bây giờ, mua con cá chép suýt soát năm cân, béo phù mình, lừ đừ như sắp ngất trong bể, lại tiếc, tiếc một cái tên, những từ những ngữ, như tên mấy loài cá sông kia, trẻ thành phố có lẽ chẳng bao giờ nghe thấy. Mà người lớn ở tuổi tôi, rằng cũng đêm nằm năm ở, nhưng bao nhiêu bận bịu cơm áo hàng ngày, hẳn cũng quên rồi.

Hồi đó tôi lên mấy nhỉ ? Hình như bốn tuổi. Tôi nhớ có những chiều chiều bà cháu mang thúng ra bãi vải quét lá về thổi cơm. Bãi vải là rẻo đất nằm thoi loi triền sông, ít người lai vãng. Sông chảy dưới kia có âm vang gì không nhỉ? Nhưng tiếng gió lùa qua bãi vải, tôi nhớ khô khô. Hình như ở gần đó hay ngay trong đó có một ngôi chùa, lớp học đầu tiên, vỡ lòng vỡ ruột của chị tôi. Mấy chục cái đầu trẻ con cúi trên cuốn vở trong ánh sáng âm u. Còn tôi lũn cũn theo ông giáo làng lang thang trong hậu điện. Tôi biết ông Cu Lo gầy xiêu vẹo, bà Di Lặc béo phề rốn là nhờ ông. Hình như đó là bài học đầu tiên của tôi, bài học ông không dạy cho đám học trò chính danh. Sau này, vãng mỗi cảnh chùa, biết sự tích chư Phật rồi, biết thì cứ biết, mà tôi vẫn muốn giữ mãi cho mình những lời kể thực hư kia. Hình như tôi biết viết biết đọc cùng với học trò ông. Vì sao thì không biết. Bởi chỉ có mấy bà cháu sống cùng nhau, không sách không vở ngoài một cuốn vỡ lòng và dăm ba cuốn Bình dân học vụ, không gì cả, ngoài  tấm lòng bà mong một ngày yên hàn đưa cháu về làng, ra Hà Nội.

Rất lâu sau này, khi đường về quê qua Vác khó đi hơn đường qua Mai Lĩnh mới làm, mỗi bận về quê, tôi đều đi qua những Cốc, Sẽ, Nguồn, rồi tới Khảm Lâm, thêm một đỗi đường đê nữa đã là cây gạo đầu làng Ba Thá. Nhưng chưa khi nào hai chị em tôi có dịp rẽ qua thăm hai bác Lau gái Lau trai. Sau này, lớn lên, già đi, mỗi bận về làng là lại vội vội vàng vàng bao nhiêu việc, cũng chẳng làm sao thu xếp được. Thì như tôi, mấy năm mới một lần về lại Việt Nam, hết thăm người đã khuất lại lo thăm người đang sống, vèo cái hết ngày. Nhưng có hẳn là khúc mắc chuyện thời giờ. Hay tại lòng mình vợi, cạn? Chứ ngẫm như dân xứ đạo, một tuần có được ngày chủ nhật, mình chỉ chăm chăm những chuyện đâu đâu, họ thì thành kính tới nhà thờ mất béng nửa ngày, không toàn tâm ý không thể nào thu xếp được đời mình như vậy.

Không, tôi không về lại nơi ấy được, nhưng chưa bao giờ quên. Trí tưởng tượng sẽ bù đắp cho trí nhớ mù mờ của tôi. Chưa bao giờ tôi quên hai bác Lau, chưa bao giờ tôi quên dáng bác xà cột đeo lệch bên người, khó nhọc dựng xe đạp bên thềm nhà bà tôi bằng một cái tay còn lại. Cũng như hóa ra chưa bao giờ các bác quên chị em tôi. Mới hôm trước, chat với bà chị gái ở Hà Nội,  chị tôi kể vô tình quen một người Khảm Lâm vẫn hay đi chợ cùng khu, hỏi ra, ông ấy kể là họ hàng của bác Lau, và bác vẫn nhắc tới hai con bé con Hà Nội ngày nào. Mà đã bốn mươi năm có lẻ rồi. Hóa ra bác vẫn còn đang sống. Nhưng thế thì già lão lắm rồi. Chị tôi buồn buồn bảo thế nào tết này về quê thăm mộ bà xong cũng sẽ lên Khảm Lâm, thăm bác, không thì quá muộn.

Không thì quá muộn! Bỗng dưng mũi cay sè.

Vèo cái, trở về chốn cũ, thấy chẳng còn gì quen thuộc nữa, hồ nghi không biết „đến“ hay về. Vẫn biết cái eo sèo hẩm hút một thời không thể và không nên còn nữa, nhưng cảnh làng xóm lổn nhổn mái bằng, cảnh bãi tha ma làng người chết quay đầu bốn phương tám hướng tranh hơn từng phân gạch xây chân mộ, cảnh giai gái làng mặc toàn đồ thị thành hết mốt ra tỉnh kiếm ăn quanh hôm nay vẫn làm lòng buồn bã. Như mất hẳn một cái gì nằm trong cội rễ riêng mình. Bãi vải đầu làng Khảm Lâm kia, nay không còn nữa. Hàng phi lao che chắn cho cả phiên chợ huyện chạy máy bay một thời, cũng mất. Sông Đáy chậm nguồn chẳng phải vì tự tình gì với đất với người mà vì người trồng rau muống thả. Triền đê êm ả xưa vừa đi vừa nhảy nhẫng, nửa vì trẻ con đói ăn mà vẫn rồ dại, nửa vì cát bỏng chân đứa trẻ thị thành đua đòi theo chúng bạn nhà quê chân đất, giờ rỗng ruột vì máy hút cát sùng sục đêm ngày. Lá cỏ bợ ngày nào đi làm đồng về cô láng giềng vẫn gọi cầm rổ ra sẻ cho một nửa bây giờ được đóng gói vào bao nilon bán thành rau đặc sản…. Như…, không phải là như nữa, mà thực mất hẳn một cái gì làm nên cội rễ của riêng mình.

Vèo cái, từ con bé con con đã thành ra mẹ mướp  bốn mươi có lẻ rồi. Tuổi nhi bất hoặc đây. Mà nhiều lúc tức tối chán vẫn phải công nhận chồng thường đúng khi méo miệng lắc đầu cười vợ cô mình rằng cô mình ơi – khi nào thì hết dở hơi. Thực lòng, càng sống, càng thấy dại. Dại nhất là cứ ham hố đâu đâu, cứ thán phục những ai ai, không biết chăm chút những ân cần, thương qúy mình nhận được từng ngày từ những người bình thường đến độ như vô danh tính. Bao nhiêu cái tặc lưỡi đủ làm mòn đi rất nhiều thương nhớ trong đời. Cứ tưởng là vụn vặt. Mà hóa ra nhờ đó mình níu được mình khỏi bao nhiêu va đập đời thường, khi không biết còn phải bám víu vào cái gì để mà sống tiếp.

 

 

Thằng con sinh ở đất này đứng sau lưng đánh vần trộm được mấy dòng vừa hỏi mẹ viết hồi kí đấy à. Ới dào, mẹ mày ngốc thành ra mày cũng ngốc. Mẹ danh phận mọn, cả đời chẳng nên cơm cháo gì, thành công lớn nhất trong đời là lấy được bố mày, viết hồi kí có gì mà kể, kể ai nghe.

Nhưng con ạ, một chút gì để nhớ, để yêu thương thì ai cũng có. Cái chút gì đó luôn luôn là của nả đáng giá nhất đời người.

Nhận ra điều đó sớm thì chỉ có nghĩa là người già sớm.

Mình già sớm.

Thôi. Kệ !

Sau tháng chạp là tháng giêng.

Là xuân.

 

Lê Minh Hà


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us