Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Lan man chuyện thế giới đại đồng

Lan man chuyện thế giới đại đồng

- Cổ Ngư — published 01/11/2021 00:00, cập nhật lần cuối 01/11/2021 21:57

Số đặc biệt Diễn Đàn 30 tuổi


Lan man chuyện thế giới đại đồng


Cổ Ngư



Có lẽ từ khi, để trừng trị loài người ngạo mạn rủ nhau xây tháp Babel đòi đưa tay vói trời, Thượng Đế láu lỉnh chia rẽ họ bằng cách tặng cho mỗi kẻ trần tục một thứ tiếng nói khác nhau. Thế là sinh cãi cọ, ẩu đả vì bất đồng ngôn ngữ, tháp chọc trời (!) đâu chưa thấy, đã thấy ly tán, loạn lạc triền miên. Ở những nơi có giống người đặt chân đến, từ thế kỷ này qua thế kỷ nọ, nào tộc chiến, nội chiến, ngoại chiến, đại chiến, thế chiến, đạo chiến, thánh chiến… Đâu đâu cũng có cảnh máu chảy đầu rơi, kẻ mạnh đô hộ, áp bức người yếu, không hẳn vì khác ngôn ngữ, màu da, tôn giáo, tập tục... mà vì Thượng Đế cao dày còn cẩn thận gài thêm một con chip tên "ông trời con" (made in heaven, nhãn hiệu cầu chứng tại toà) sâu trong óc từng 'tiểu tử', nên ai cũng tưởng mình là siêu nhân, bọn tôm tép chung quanh không đáng xách dép, lại còn ghen tương ganh tị, cứ tìm cách hại 'thiên tử' cho bõ ghét. Anh chị em cùng cha mẹ vì thế lăn xả vào xâu xé, bạn bè đâm bị thóc thọc bị gạo, quân thần, đồng chí truy tố, ám sát, băm vằm, tru di tam tộc, cửu tộc lẫn nhau không thương tiếc, tín hữu cùng tín ngưỡng chia phái lập phe, ai cũng vỗ ngực coi mình là chính thống, lũ còn lại là tà đạo, tả đạo, phản thần, dị giáo…


Có người cũng động lòng trước cảnh nồi da xáo thịt, bèn nặn óc tìm một thứ quốc tế ngữ, mong nhờ đó mà các dân tộc trên thế giới xích lại gần nhau hơn khi dùng chung một tiếng nói. Nhưng, thay vì vùi đầu vào việc sáng tạo một ngôn ngữ mới cho toàn nhân loại, ông chỉ cần bước chân ra khỏi tháp ngà (Babel ?), thong thả đi dạo một vòng, sẽ thấy mộng lớn ấp ủ đã lâu chỉ là chuyện không tưởng : khối Ả-rập, khối Anh ngữ, khối Pháp ngữ sờ sờ ra đó, có mèo nào chịu mỉu nào đâu, gắng gượng đoàn kết được hai ngày rồi cũng sẽ gấu ó, dè bỉu nhau suốt năm ngày còn lại của tuần. Esperanto, vì thế, không hy vọng vượt qua khỏi ngưỡng cửa thềm nhà các đại học sĩ để thẩm thấu vào khối quần chúng nhân dân đông đảo.


Ông Zamenhof không thực hiện được giấc mơ của mình khi Quốc tế ngữ, tồn tại hơn trăm năm, vẫn chỉ quanh quẩn mươi triệu người sử dụng, học hỏi, nghiên cứu. Nếu ngôn ngữ này không làm cho loài người xích gần lại với nhau hơn, ít ra, nó cũng vô hại, không áp đặt, không tìm cách triệt tiêu các ngôn ngữ cùng thời. Song song với nó, một giấc mơ đại đồng khác đã nuốt trửng gần trăm triệu nhân mạng suốt thế kỷ XX, và cái đuôi nanh nọc còn tiếp tục tạo những cơn bão rớt hung hãn đầu thế kỷ XXI tại vài ba nước Á châu "thành trì (trệ) cách mạng". Bị nhử trước cái bả "làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu - của cải xã hội là chung, chia đồng xẻ đều cho mọi người, mọi giới - xây dựng một thế giới mới, không còn biên giới quốc gia, xoá nhoà ranh giới giàu nghèo, không còn đấu tranh giai cấp, không còn thực dân, đế quốc, phong kiến, áp bức, bóc lột - hạ giới biến thành một vườn hoa khổng lồ, tươi đẹp như thiên đường ("dân Liên-xô vui hát trên đồng hoa, đây Trung Hoa bên luống hoa muôn màu, hoa lan sang Triều Tiên khói lửa, hoa ươm trong lòng người Việt Nam…")...", triệu triệu người sập bẫy, háo hức muốn đập tan, hạ gục, cào bằng mọi thứ hiện có để xây dựng một trật tự mới, trật tự cộng sản, chói ngời mặt trời chân lý. Khốn thay, đó lại là một thứ mặt trời làm loà mắt người, một trật tự xã hội không tưởng, huyễn mơ, chẳng những không khá hơn, mà còn tệ hại gấp trăm lần những giềng mối cũ. Lũ người dại dột, cả tin, mơ mộng đại đồng ấy rủ nhau đưa chân nhắm mắt lao vào những "dòng thác cách mạng", để rồi, nếu không chới với tự chìm, thì cũng dìm đồng bạn xuống đáy nước để ngoi lên chiếm chút dưỡng khí, hay ngược lại. Chỉ có lợi cho những kẻ cơ hội, hưởng vinh quang trên xương máu đồng chí, đồng đảng : trong suốt hơn năm mươi năm qua, người ta thấy xuất hiện nào sa hoàng đỏ, hoàng đế đỏ, tư sản đỏ, địa chủ đỏ, tập đoàn mafia đỏ…, những kẻ ưỡn ngực phất cao cờ máu nhưng lại được xếp hàng đầu trong số vài trăm người giàu có nhất thế giới. Đại đồng ư ? Còn khuya ! Chỉ là bánh vẽ, cá gỗ cả đấy thôi. Thế là người người lại tiếp tục chiếm, đoạt, tranh, giành, truy, tố, hãm, hại, giết, tróc, chia năm xẻ bảy, phân tả-hữu, rồi cánh tả của phe tả, cánh hữu của phe tả, cánh tả của phe hữu, cánh hữu của phe hữu, cộng thêm phái trung dung hữu, phái trung dung tả, phái trung dung… trung dung. Chia, rẽ đến vô cùng tận. Nhức cả đầu, hoa cả mắt !


Ấy thế mà đùng một cái, tất cả ngôn ngữ, chữ viết trên thế giới lại đồng loạt dồn hết vào chừng hai ba chục từ : Vũ Hán - đại dịch - ổ bệnh - phong toả - giới nghiêm - tình trạng khẩn cấp - hạn chế di chuyển - kiểm duyệt thông tin - thuyết âm mưu - viêm phổi - ho - khẩu trang - giãn cách xã hội - rửa tay - trực tuyến - thiên thần áo trắng - xét nghiệm - tiếp xúc - cách ly - tẩy trùng - lây nhiễm - dương tính - tử vong… Nhờ 'đại ân' của con 'tiểu vi trùng' Covid mà nhân loại đoàn kết lại với nhau để chống kẻ thù chung chăng, như trong các phim khoa học giả tưởng, khi mọi quốc gia, mọi dân tộc đồng lòng dốc sức tìm cách chống thiên thạch, siêu bão, cực đại cuồng phong hay lũ quái vật ngoài trái đất ? Nhưng, tưởng vậy mà không phải vậy ! Đã bảo đừng có mơ giấc mơ đại đồng mà lị ! Nước này lập tức nỏ ngay mồm kết án nước nọ, hàng xóm cùng một chung cư hung hăng xua đuổi nhau vì sợ nhiễm bệnh, người da trắng chỉ mặt người da vàng (mày, da vàng, tức Tàu, tức Vũ Hán) hài tội. Một mặt, người ta vỗ tay ca ngợi những 'thiên thần áo xanh, áo trắng' xả thân vì bệnh nhân, quên ăn, quên uống, quên ngủ, quên mệt. Một mặt, người ta khăng khăng nhất quyết không đeo khẩu trang, tổ chức, tham gia các 'Covid party', tu tập vài chục ngàn người để biểu dương lực lượng, ra oai với con vi khuẩn li ti mắt thường còn không thèm thấy. Phía này, giới khoa học, y học kêu gào thống thiết, cầu xin mọi người thận trọng khi giao tiếp, phải tuân chỉ hết mình các quy tắc ngăn, ngừa. Phía kia, vài vị quyền cao chức trọng tai lớn mặt dày phẩy tay, coi đó là trò lừa đảo, tin nguỵ tạo, là thứ bệnh riêng dành cho bọn đồng tính luyến ái đực rựa, chẳng có gì mà phải bấn xúc xích lên cả ! Ngay cả các phương pháp áp dụng trong mùa phong toả cũng 'mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh', chẳng đâu giống đâu. Có nơi buộc dân chúng phải mua một lần bốn, năm ổ bánh mì để ăn dần, tránh chuyện sáng, chiều cứ xồng xộc ra đường xếp hàng mua bánh. Có vùng, vài người léng phéng rời nhà trong giờ giới nghiêm đã bị phơ không thương tiếc. Có xứ thiết quân luật 24/7 hẳn hòi, ai nấy cửa đóng then cài, quân đội lo việc phân phát thực phẩm cho từng gia đình. Có nước nhận được lệnh của chính phủ : đàn ông ra đường thứ hai, tư, sáu, đàn bà xuống phố ngày ba, năm, bảy, chủ nhật cấm chợ, hết thảy ngồi nhà ! Nước khác, thay vì giới tính, lại chia lứa tuổi để định việc hạn chế di chuyển… Từ phạt vạ đến bắn bỏ, từ việc hướng dẫn qua điện thoại, đưa xe cấp cứu đến tận nhà chở người vào bệnh viện đến chuyện quây rào cô lập từng khu phố, từng xóm làng, nêu tên người nhiễm khuẩn trên hệ thống truyền thanh, truyền hình quốc gia như kẻ vừa phạm trọng tội, đáng tử hình…, cách 'giải quyết vấn đề' theo luật nước, lệ làng của nhân loại thật thiên hình vạn trạng !


-oOo-


Sau mùa phong toả, như chim sổ lồng, thiên hạ túa ra bay nhảy trong mấy tháng hè, rủ rê, đàn đúm, ăn nhậu, ca hát 'cho bõ những ngày gian khổ'. Để thưởng cho mấy đứa nhỏ chịu khó học trực tuyến hơn ba tháng, vợ chồng chúng tôi tổ chức một buổi họp mặt tại nhà. Gia chủ gồm bốn người, tây gốc Việt. Khách mời có tám vị : một gia đình bố-mẹ-con-cái tây gốc Cam-pu-chia-Tàu, hai cô ả-rập, một tây trắng rặt, thêm một đầm trắng đảo Corse. Đúng là "tứ hải giai huynh đệ"!


Sau màn chào hỏi, tự giới thiệu cùng với đồ nhắm và rượu, nước trái cây khai vị, rồi rau củ bọc bột chiên giòn, món ăn được chủ nhà bày ra là gỏi cuốn. Mạnh ai, nấy cuốn ! Mỗi người tự chọn nhân rồi cuốn riêng cho mình. Ai ngại thịt có thể dùng tôm, ngại cả tôm cứ cuốn rau cỏ. Ai dị ứng đậu phộng, cà-rốt, đã có sà-lách, dưa leo. Người nào cũng hài lòng với món ăn tự chọn, và có vẻ như hai cô ả-rập khéo tay cuốn bánh tráng hơn hai chàng tây gốc Á một bậc ! Chuyện trò rôm rả, sau chuyện covid, chuyện học hành, chuyện công ăn việc làm, rốt cuộc, chuyện phong tục-tập quán lại trở thành chủ đề chính của 'hội nghị bàn chữ nhật'. Hai cô bắc Phi, một Maroc, một Algérie, đả kích thói trọng nam khinh nữ của người ả-rập, từ việc học hành, hôn nhân, đến mục chia gia sản, cũng không quên lôi các thói ỳ tật chướng của mấy ông anh, ông bố ra châm biếm, cười cợt. Hai gia đình da vàng cũng hùa vào góp phần, với những "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô", "đàn ông ăn trên, ngồi trước, đàn bà ăn xó bếp, chết gầm chạn"... Chỉ có anh tây trắng mê nước mắm và cô bé dân cùng đảo với đại đế Napoléon là ngồi chống đũa vểnh tai nghe mà không nói được lời nào.


Phần tráng miệng được chuẩn bị chu đáo với nhiều loại trái cây, sương sa, sương sáo, thêm ổ bánh không trứng để ai ăn kiêng vẫn có thể thưởng thức được. Câu chuyện dần chuyển hướng sang một đề tài khá nhạy cảm : sự phân biệt đối xử theo nguồn gốc. Cô bé đảo Corse cho rằng dân xứ cô kỳ thị khủng khiếp, họ tỏ ra hiếu khách đối với người phương xa đến du lịch, vì đó là nguồn thu nhập chính của "hòn đảo ngọc" này, nhưng lại sẵn sàng lạnh nhạt, xa lánh, thậm chí khủng bố tinh thần hay đốt nhà, phá cửa những ai muốn đến cắm dùi, lập nghiệp tại đây, dù đó là người Pháp, người Âu, chứ đừng nói đến dân các châu lục khác. Cô bé Maroc nhắc đến các sắc dân cùng quốc tịch của đất nước cô : dân berbère mắt trong tóc nhạt miền núi Atlas-Rif, dân ả-rập da ngăm chiếm lĩnh vùng đồng bằng cùng nhóm da đen có nguồn gốc nô lệ Đông Phi, chưa kể một dúm do thái mọc rễ từ vài ngàn năm và các bộ lạc du mục sahraoui lang thang vùng sa mạc. Họ sống chung, nhưng không đụng, ai cũng có khoảnh sân chơi riêng của mình. Rồi quay sang bạn, cô véo yêu, cười khanh khách : "Chỉ có hai anh láng giềng Maroc - Algérie là thích móc lò, đá giò lái, chọc quê nhau dài dài mà thôi !"

Chúng tôi, bốn người lớn, đưa mắt nhìn nhau. Đã từ bao thế hệ, lịch sử đưa đẩy khiến người-Tàu-ghét-người-Việt-khinh-người-Campuchia-thù-người-Việt-hận-người-Tàu-oán-người-Việt-sợ-người-Campuchia-ngại-người-Tàu. Cái vòng luẩn quẩn ấy in sâu vào tâm khảm của triệu triệu con người vùng Đông Á. Bây giờ, chúng tôi ngồi bên nhau, trên một mảnh đất cách xa cố quốc vạn dặm, nhưng tâm vẫn động khi nghĩ đến những 'mối thù truyền kiếp' đã gieo rắc bao tai ương cho ba dân tộc từ thời cổ đại cho đến mãi tận hôm nay. Hai vị khách của chúng tôi có gia đình gốc gác Trung Hoa đến lập nghiệp nơi xứ chùa tháp. Chỉ mới ở cấp tiểu học, họ đã nghe báo chí nhắc đến chuyện "cáp duồn" người Việt thời Lon Nol. Chưa kịp trưởng thành, họ đã cận kề cái chết dưới chế độ diệt chủng của Pol Pot. Thoát được đến Việt Nam, yên thân chưa bao lâu, họ lại phải theo đoàn Hoa kiều lênh đênh vượt biên 'bán chính thức' bằng đường biển, khi chiến tranh Việt-Trung đang hồi dữ dội. Con cái bốn chúng tôi thân thiết với nhau từ tấm bé, vì người lớn đã ý tứ không gieo cấy xuống tâm hồn trong trắng của chúng những mầm mống thù hận, mà chính bản thân chúng tôi đã trải, đã thấm, đã thấu. Bây giờ, ở đây, chúng, những đứa trẻ gốc Á, phải đương đầu với nhiều áp lực khác, từ người bản xứ đến các sắc dân nhập cư, ưu ái cũng nhiều, nhưng nghi kỵ lại không thiếu, nhất là từ khi dịch covid bùng nổ, chúng đã tai nghe mắt thấy tiếng bấc tiếng chì, mặt nghênh mắt liếc của vài người trên phố dành cho mình...


Học giỏi nổi tiếng ở trường, với số điểm xếp thứ nhì toàn tỉnh trong kỳ thi tú tài, cô bé Algérie huyên thuyên so sánh những cảm nhận khi qua lại giữa hai tổ quốc, khi có thể dùng hai quyển sổ thông hàng để bay đi bay về hai bờ Địa Trung Hải, cuối cùng đi đến kết luận : sống tại Pháp thoải mái hơn, dù ở cả hai nơi, cô đều không thấy đâu thực sự là quê nhà của mình, vì, ở cả hai nơi, cô đều không được người chung quanh hoàn toàn chấp nhận là con dân của xứ sở. Con cái chúng tôi không có nỗi khổ tâm này. Nước Pháp là nơi chúng sinh ra và lớn lên. Nước Việt là xứ sở của ông bà cha mẹ, là nơi chúng đến để du lịch, khám phá, như đã từng thăm thú nhiều vùng đất khác trên thế giới. Yêu thích hơn hay không, là cảm nhận riêng, không thể áp đặt lên chúng được. Như bố mẹ tôi không thể bắt tôi yêu Hà Nội, nơi bố mẹ lìa xa, hơn Sài Gòn, nơi tôi sinh ra và lớn lên được. Chỉ một điều, mà chúng tôi đã cố gắng thực hiện hàng ngày trong mười mấy năm qua, là bắc cho bằng được chiếc cầu ngôn ngữ : về Việt Nam, các con của chúng tôi đã không gặp chút trở ngại nào trong vấn đề giao tiếp với người trong gia đình, người ngoài đường phố. Vừa lan man sang đến đề tài ngôn ngữ này, anh tây trắng gà tồ liền tố nước Pháp mãi đến gần cuối thế kỷ XX mới cho phép trường học dạy lại các thổ ngữ Breton, Oc của vùng phía tây và nam, khiến tôi nhớ đến mảng lịch sử thời thuộc địa, khi học trò "Mẫu Quốc", Bắc Phi, Trung Phi, Đông Dương… lúc đến trường phải hoàn toàn dùng tiếng phú-lang-sa, phải thuộc lòng bài 'quốc ca' La Marseillaise và học như vẹt "tổ tiên chúng ta là người gaulois…" Kết quả là sau bao năm 'khai hoá', con cháu người gaulois bây giờ tản lạc khắp nơi trên thế giới và có đủ các màu da mà loài người có thể có được ! Người Pháp từ thế hệ chúng tôi trở về trước khá bảo thủ trong vấn đề ngôn ngữ, nhất định hạn chế việc dùng tiếng Anh (lại chuyện thù hằn, ganh tị từ thế kỷ này qua thế kỷ nọ của hai anh hàng xóm !) Nhưng cùng với khuynh hướng 'toàn cầu hoá' ngày càng sâu rộng, bọn trẻ nói lưu loát thứ tiếng của chú Sam hơn hẳn cha ông, lại chịu khó học thêm tiếng Hoa, tiếng Hàn, tiếng Nhật, song song với những ngoại ngữ đã được giảng dạy từ bao nhiêu năm nay ở bậc trung học, như La-tinh, Hy Lạp cổ, Tây Ban Nha, Đức, Ý… "Con hơn cha, nhà có phúc", mong sẽ đúng được như thế !


-oOo-


Quanh quẩn thế nào mà chuyện ẩm thực lại trở về vào cuối bữa ăn. Không kể các món hamburger Mỹ, pizza, mì Ý, sushi, maki Nhật, kim chi Đại Hàn, hoành thánh, sủi cảo Tàu, cà-ri gà, bánh chiên samoussa Ấn… người lớn con nít gốc Việt sống tại Pháp, cũng như đa số các cộng đồng dân nhập cư khác, bắt đầu mặn mà với món couscous thịt cừu Bắc Phi, đĩa bắp cải chua thịt nguội choucroute gốc Đức, cơm hải sản thịt gà paëla Tây Ban Nha, nẻm Lào, gỏi đu đủ Thái hay vài chục trong số hàng trăm loại fromage đặc sản bản xứ. Có qua, cũng có lại, sau nem rán/chả giò, gỏi cuốn, phở, bánh cuốn…, bún các loại lên ngôi, đứng đầu là 'bò bún chả giò', thấy ở khắp nơi, kể cả trong thực đơn một số tiệm ăn Pháp, Tàu, Thái, Nhật. Sau chả giò đông lạnh chừng chục năm, giò lụa bắt đầu tấn công khu bán thịt nguội của các đại siêu thị Pháp, được biết đến nhờ thường xuyên xuất hiện trong 'ổ bánh mì thịt kiểu Việt Nam' đậm đà đồ chua, nước mắm. Chất tinh tuý này của loài cá cơm cũng đã nghiễm nhiên bước vào tự điển Larousse, được một số đầu bếp thượng thặng Pháp dùng thay muối để nêm nếm món ăn, khiến nhiều 'nạn nhân' (trong đó có chú Tây gà tồ cao gần thước chín ngồi đây) đâm nghiện, chỉ muốn ăn cơm trộn với nước mắm ba mươi lăm độ đạm mà thôi ! Bên cạnh chuyện ăn uống, lại bàn sang việc kiêng khem. Chẳng những không dùng thịt heo theo tín ngưỡng hồi giáo và do thái giáo, cô bé Algérie, để bày tỏ lòng yêu thương loài vật, nhất định ăn chay trường như một phật tử thuần thành từ vài năm nay. Không thịt, không cá cua sò ốc, không cả trứng và sữa. Nhìn khuôn mặt tươi sáng của cô bé khi khoe chiếc gỏi cuốn chay cho tôi chụp ảnh hay khi thưởng thức dĩa trái cây, ly sương sáo, tôi chợt nghĩ, biết đâu ở kiếp trước, cô bé này từng là một tăng, ni từ bi, đạo hạnh ?


Sau giờ ăn, đến giờ chơi ! Già trẻ lớn bé, mười hai chia ba, mỗi nhóm đủ bốn người. Nghe nói trò chơi đầu tiên là "Nhảy theo điệu nhạc", hai cô ả-rập hứng chí kéo ngay trên Youtube xuống một đoạn cổ nhạc Bắc Phi rộn rã rồi ôm nhau lắc lư, uốn éo. Không khí chưa cần hâm đã sôi sùng sục. Các nhóm thi nhau thực hiện cho thật giống mấy động tác múa trên màn hình, ai nấy cố gắng vung vẩy thanh điều khiển (manette) thật nhuyễn để hy vọng máy sẽ tính điểm cao. Hai cô bé gốc Á ý tứ ít nói ít cười từ đầu buổi trở nên linh hoạt hẳn, múa may quay cuồng chẳng kém gì ai. Bốn vị phụ huynh cùng ngả, nghiêng, nhảy, lắc đùng đùng. Ồn ào cười nói, khen chê, cổ vũ loạn cào cào ! Đến đây thì những lằn ranh tuổi tác, giới tính, màu da, dân tộc đã hoàn toàn bị xoá nhoà, nhường chỗ cho tinh thần đồng đội, để đoạt bằng được danh hiệu "kẻ chiến thắng". Hiệp đầu, bất phân thắng bại : máy rộng rãi tặng điểm cá nhân, người nhấp nhổm cộng lại theo nhóm, rốt cuộc, huề cả làng ! Qua trò chơi thứ hai, lỉnh kỉnh giấy bút, kẻ hàng, chia cột, lập bảng tung, hoành. Điện thoại di động vừa cho một mẫu tự ngẫu nhiên, ai nấy vò đầu bóp trán tìm rồi vội hí hoáy ghi xuống những thông tin vừa nghĩ ra : tên đất, tên người, động vật, thực vật, món ăn, môn thể thao, nghề nghiệp…, nhất loạt đều phải bắt đầu bằng mẫu tự đã định. Ai điền xong trước tiên có quyền buộc mọi người buông bút. Bắt đầu tính điểm. Được 2, nếu là người duy nhất tìm ra thông tin. Chỉ được 1, nếu có từ hai người trở lên tìm ra cùng kết quả. Zéro, dĩ nhiên, nếu bí ý. Lại cãi nhau như mổ bò. Một tên hoa Maroc, được tính điểm không ? Tra Larousse, có thì ok. Một món ăn Nhật Bản ? Tra Larousse, có thì ok. Với mẫu tự C, coronavirus được tính điểm không, nếu xếp vào cột… 'động vật' ? Người bênh, kẻ chống, ồn ào, náo loạn. Tự điển năm nay, làm gì có ! Báo, đài đang ầm ĩ thế kia, Larousse ấn bản 2021 thế nào sẽ chẳng thêm vào ! Covid là tên riêng, không cho vào cột 'động vật' được, nó là virus, bắt đầu bằng chữ V, không phải C : zéro ! Tầm bậy, coronavirus/covid-19 đâu có viết hoa mà kêu là tên riêng, mình tui nghĩ ra, tui phải được 2 điểm ! Kèo nài tới lui, cuối cùng, anh chàng theo sát thời cuộc, tóc rễ tre, mắt mảnh như sợi chỉ được 1 điểm ân huệ, cười toe toét ! Chơi trò có tên "Hàn Lâm Viện" này, không nhiều thì ít, mỗi người tham dự đều học thêm được vài điều mới, lạ từ nhóm bạn chơi cùng : nhạc cụ ả-rập, loài chim đảo Corse, trái cây đông phương...


Như thế, qua một bữa ăn, qua một trò chơi, có thể nhận thấy, trong cái chung tổng thể, vẫn lóng lánh từng nét riêng đặc thù, không hề lẫn trộn vào nhau, và, từng mảnh riêng, lẻ ấy, khi đồng thời tương tác, kết hợp lại, sẽ tạo nên một khối toàn bích, vẹn tròn.


Từ "tiểu dị", nảy "đại đồng". Giữa "đại đồng", tồn "tiểu dị". Có thể xem đó là một định nghĩa khác của "thế giới đại đồng"... hay không ?

Cổ Ngư

Paris-Thiais 10-11.2020


Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Kỷ yếu 30 năm
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13
Yda: Un court-métrage Hanoi - Warszawa 29/11/2024 19:00 - 21:00 — Médiathèque Jean-Pierre Melville, 79 rue Nationale, Paris 75013, M° Olympiades
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us