Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Lang thang qua chiến tranh

Lang thang qua chiến tranh

- Thanh Thảo — published 19/12/2017 00:05, cập nhật lần cuối 19/12/2017 00:05
những trang hay trích từ tác phẩm mới của nhà thơ Thanh Thảo


   


LANG THANG QUA CHIẾN TRANH



THANH THẢO



Lão nhà văn Tô Hoài có lần nhận xét, thơ tôi giống như nhật ký được viết bằng thơ. Đúng như vậy. Tôi lang thang. Và thơ tôi ghi lại những khoảnh khắc trong cuộc lang thang kéo dài ấy. Từ Trường Sơn tới Đồng Tháp. Từ Gặp lá cơm nếp tới Một người lính nói về thế hệ mình – bài thơ dài đã làm khổ tôi không ít, nhưng cũng khiến tôi hạnh phúc tới tận bây giờ, dù tôi chỉ dám Thử nói về hạnh phúc chứ không dám nói, hạnh phúc là thế nào. Trước tôi, nhà thơ Bùi Minh Quốc đã có Bài thơ về hạnh phúc rất nổi tiếng. Nhưng thật ra, bài thơ ấy của anh Quốc viết về nỗi bất hạnh của vợ chồng anh, và của cả dân tộc này trong chiến tranh, chứ không phải niềm hạnh phúc bình thường như bây giờ chúng ta thỉnh thoảng có dịp trải nghiệm. Ở một đất nước mà niềm hạnh phúc nhỏ nhoi nhiều khi là vô giá như ở Việt Nam, thì “hạnh phúc là gì?” vẫn là “câu hỏi chưa bao giờ nguôi được”.


Tôi rất mê giọng hát của ca sĩ Kiều Hưng. Mỗi khi nghe Kiều Hưng hát Vàm Cỏ Đông hay Anh ở đầu sông em cuối sông tôi lại cảm thấy cái mát rượi của dòng nước Vàm Cỏ Đông vỗ về mình. Đơn giản, vì có thời gian gần cả năm trời, từ 1974 tới 1975, gần như ngày nào tôi cũng bơi lội trên Vàm Cỏ Đông, đoạn sông giáp giới Campuchia ở bến Tháp – bên dưới Lò Gò khoảng 3 km. Bơi lội và bứt lục bình về cho cả nhóm ăn rau sống. Hồi ở Mỹ Tho, tôi đã biết món đọt lục bình chấm mắm quẹt ngon đến thế nào ! Giờ về chiến khu tìm đâu ra mắm quẹt, nên chỉ ăn lục bình chấm nước cá kho. Cá ấy cũng được chúng tôi câu lên từ sông Vàm Cỏ, hầu hết là cá nhỏ. Người nhỏ chỉ nên câu cá nhỏ, và hãy bằng lòng về kết quả ấy. Dù sao, được bơi lội trên một dòng sông rất nổi tiếng trong thơ ca và âm nhạc như sông Vàm Cỏ cũng là một niềm tự hào của tôi. Nếu không lang thang vào chiến trường, đến bao giờ tôi mới biết sông Vàm Cỏ. Nhớ đoạn sông này, lại nhớ cuộc rượu tưng bừng bên bờ sông. Mà nhớ cuộc rượu, lại nhớ Tám Hùng. Còn nhớ Tám Hùng, thì lại nhớ khẩu súng K54 của mình. Tôi vốn không có ý thức gì về súng đạn. Khi đi chiến trường, Tổng cục chính trị cấp cho khẩu K54 thì đeo vậy thôi, chả bắn bao giờ. Trên đường xuống chiến trường Mỹ Tho, không biết ai đó cho tôi một quả lựu đạn Mỹ, loại tròn và nhỏ. Tôi đeo suốt bên mình, có vẻ hãnh diện lắm : “Trái lựu đạn giắt lưng, anh lội về dưới đó”. Cho tới khi đã ở vùng ven lộ 4 khá lâu, mấy cậu du kích địa phương mới nói với tôi là loại lựu đạn Mỹ này hay tự nổ bất tử lắm. Không an toàn. Vậy là tôi cất hẳn “quả ổi” vào thùng đại liên, và giấu dưới một con kênh, cùng quyển sổ ghi những bài thơ tôi viết từ hồi đi Trường Sơn. Nghĩa là với tôi, đó là thứ quí. Nhưng vì phải thay đổi chỗ ở liên tục, lại sợ lựu đạn nổ bất tử, nên đành giấu tạm. Không ngờ, sau này mất luôn. Để thay thế quả lựu đạn, có ai đó lại cho tôi một khẩu carbine M2 – loại bắn “la-phanh” – một loại carbine khá hiện đại so với hồi ấy. Kèm một bì đạn. Tôi sướng lắm, đi đâu cũng vác kè kè khẩu carbine trên vai, trong khi lưng vẫn đeo khẩu K54 làm… kiểng. Ở chiến trường Mỹ Tho lúc ấy, anh em du kích nhà mình là chúa thích súng ngắn, bất kể là K54 hay K59. Với K59, họ không dám đeo, vì súng này chỉ dành cho chỉ huy cấp “côi”. Còn với K54, họ có thể đeo thoải mái, do loại súng ngắn này khá “bình dân”, chỉ cần đại đội phó trở lên là được cấp. Nhiều bạn du kích sẵn sàng đãi tôi những bữa rượu hoành tráng, chỉ với nguyện vọng là được tôi cho khẩu K54. Ban đầu, tôi cũng hơi ngại, vì súng của mình được cấp trên phát, nhỡ cho rồi sau biết ăn nói với cấp trên thế nào ? Nhưng rồi một đêm, dự một cuộc rượu vui quá, lại có Tám Hùng nhóm trưởng ủng hộ : Mày cho thằng… X khẩu súng đi ! Nó “được” lắm đó ! “Được” đây vừa có nghĩa đánh giặc được, vừa có nghĩa tổ chức các cuộc nhậu “được”. Tôi hào hứng tháo ngay khẩu K54 tặng anh bạn “du kích đồng bằng sông Cửu Long” mà không một chút áy náy. Từ đó, tôi chỉ còn khẩu carbine M2. Tôi đã vác khẩu carbine về tận chiến khu, và lại Tám Hùng gạ tôi : Mày đưa tao khẩu carbine, tao đi bắn chim, anh em mình nhậu chơi ! Gì chứ nhậu thì tôi rất khoái. Vậy là đưa luôn khẩu súng cho Tám Hùng. Lúc mới về chiến khu, hình như trong một cuộc nhậu, ông Ủy viên ban tổ chức (to lắm) của Binh Vận có nói tôi phải nộp lại khẩu carbine. Tôi không chịu. Ông nói, như thế là tôi vô nguyên tắc. Ông không ngờ tôi nổi khùng lên, chửi luôn ông một cách tương đối hỗn láo, khiến các anh em cùng cuộc nhậu rất… sợ, và lo cho tôi sẽ bị “úm”. Tôi chả bị gì cả. Và khẩu súng vẫn thuộc sở hữu của Tám Hùng, khi về chiến khu chỉ là anh bảo vệ, dù Tám Hùng đã từng là đại đội trưởng lính chiến, đánh dư trăm trận, một người mà tôi luôn ngưỡng mộ vì sự can đảm và tính chịu chơi. Với tôi, Tám Hùng còn hơn là một người bạn : anh là một người cách mạng mà tôi tin cậy. Một người cách mạng hồn nhiên, ngây thơ nhưng trung thành tuyệt đối với lý tưởng của mình. Sau giải phóng mấy năm, tình cờ một lần vào Sài Gòn tôi đã đọc được một bài báo trên tờ Sài Gòn Giải Phóng viết về… Tám Hùng, khi ấy là “sếp trưởng” bến xe miền Đông hay miền Tây gì đó. Bài báo kể về đức tính liêm khiết, thẳng thắn của Tám Hùng. Hơn một lần, người ta hối lộ cho anh để nhờ đỡ gì đó, nhưng Tám Hùng đã kiên quyết từ chối không nhận quà biếu, dù hoàn cảnh gia đình anh rất khó khăn. Tôi đã khóc khi đọc bài báo ấy: tôi đã tin không nhầm người. Đây là chân dung Tám Hùng trong Những người đi tới biển. Anh mất sau giải phóng mấy năm vì bạo bệnh.

                          

Tám Hùng


“ cậu ở đâu lúc mình viết những dòng này

có khi nỗi vui của ta trào sóng trắng

và khi khác là nụ hoa thầm lặng

cậu bao giờ cũng nâng đỡ mình lên

bằng đôi tay bền như gỗ nặng

những cánh cửa mở ra đóng lại không ngờ

mình đọc thấy đôi lần trong mắt cậu

màu mắt đen dồn hết cho ánh sáng

như khoảng tối trong tay người họa sĩ

được nén chặt để nổ bùng ngọn lửa


chúng mình đã sống chúng mình đã đi

mà miệng cậu ngây thơ như là trẻ nhỏ

mà mắt cậu trong veo như buổi sáng mát trời

gió chướng xanh đến nỗi mình ngợp thở

ta vươn tới chân trời vô tận mãi

lòng khát khao ý nghĩ cháy trong đầu

những người anh em tay siết chặt tay nhau

hàng ngũ dồn lên muôn đợt sóng

tiếp tục sống tiếp tục làm cách mạng ”


Một buổi chiều, Tám Hùng qua “cứ” B6 (Tuyên truyền), rủ tôi : Tao với mày đi bắn cu xanh về nhậu chơi ! Tôi OK liền, lót tót theo Tám Hùng đi dọc sông Vàm Cỏ, tới một cây da thiệt to, vòm lá xanh đẫm tỏa rộng. Tám Hùng bảo tôi nấp một chỗ kín đáo, còn anh chọn một vị trí thuận lợi và ngồi bất động. Đang mùa trái da chín, chim cu xanh về rất đông. Cái giống anh cu xanh này, coi vậy mà rất thật thà. Chúng cứ đậu trên vòm cây da, mê mải tìm ăn trái chín. Tám Hùng nổ súng. Một chú cu xanh rớt. Tôi chạy ra lượm. Rồi lại chạy về chỗ núp. Tám Hùng lại ngồi im. Bầy cu xanh bị tiếng súng bất ngờ, bay vụt lên, bay tỏa ra. Nhưng chỉ một loáng sau, chúng lại tụ về trên ngọn cây da, “như chưa hề có cuộc chia ly”. Tám Hùng lại bình tĩnh nổ súng. Lại một chú cu xanh rớt. Tôi lại chạy ra nhặt. Cứ thế. Suốt buổi chiều kiên trì mai phục và nổ súng, Tám Hùng có tôi trợ lực đã hạ hơn hai chục em cu xanh. Chúng tôi hớn hở xách xâu chim ra về, khi trời đã hoàng hôn. Tôi hô mấy tên bạn ruột chuẩn bị vầy cuộc nhậu bên sông Vàm Cỏ, và kính cẩn mời ba ông bạn thân : một ông là bí thư chi bộ (tôi sẽ kể sau), hai ông vốn là sĩ quan quân đội Sài Gòn nhưng là cơ sở cách mạng, lên chiến khu từ hồi Mậu Thân, lại là hai nhà báo và nhà văn mà tôi rất hâm mộ. Các ông vui vẻ nhận lời “dự tiệc cu xanh bên sông Vàm Cỏ”. Bữa tiệc thật vui, thật hào hứng, có khoảng ngót hai mươi người tham dự. Giữa chừng, đang bốc thì hết rượu. Tôi với tên Hùng Nam bèn xung phong đi xuống làng mua rượu. Chúng tôi chạy bộ khoảng 3 km tới quán bán rượu, cả đi lẫn về khoảng 6 km. Nhưng do bốc, nên chạy rất nhanh. Hùng Nam vốn là tên lính rất lười biếng. Hắn dân Bến Tre Đồng Khởi, nhưng lên chiến khu có vẻ không ưng cái bụng lắm, nên... ngủ suốt ngày. Thủ trưởng cũng phải chịu, không nói được, vì Hùng Nam khá công thần. Hắn chỉ tích cực khi vầy cuộc nhậu. Vì thế, tôi chơi thân với hắn, dù tôi không ngủ nướng, và làm việc khá chăm chỉ. Sở dĩ gọi hắn là Hùng “Nam” để phân biệt với Hùng “Bắc”, dân Bắc chánh hiệu, cũng là lính, thương binh, về cơ quan tôi làm lính bảo vệ như Hùng Nam. Tôi sẽ kể về hai ông bạn “Nam”, “Bắc” này trong một đoạn khác. Về Hùng Nam, tôi nhớ có lần, trong một đêm trăng sáng ở rừng, hắn lang thang đi chơi ở “cứ” bên cạnh, lúc về, tự nhiên thấy giữa lối mòn một… con dúi (ngoài Bắc gọi là con tê tê). Một con dúi không “lật ngửa” như con rùa, nhưng cũng khá chậm chạp và lười biếng như hắn. Hùng Nam bèn ra chân đá con dúi một phát. Nó co rúm người lại, tròn một cục. Hùng Nam cứ thế ôm con dúi về, và hò chúng tôi vầy cuộc nhậu thịt dúi lúc nửa đêm. Rất ấn tượng.

Khi tôi và Hùng Nam chạy bộ ôm về hơn chục lít rượu đế nữa, cuộc nhậu càng hào hứng. Về khuya, sông Vàm Cỏ yên tĩnh. Còn ở cuộc nhậu thì như chợ vỡ. Đúng lúc cao trào tiệc cu xanh, chợt có tiếng xuồng máy trên sông Vàm Cỏ. Chúng tôi cũng không để ý, vì đoạn sông này thường có xuồng máy chạy qua. Nhưng hình như người trên xuồng nghe tiếng chúng tôi hò reo, họ biết ngay là trên bờ đang có cuộc nhậu, nên nhất loạt hò reo hưởng ứng. Rồi, như chưa thỏa mãn với lời chào của mình, họ hướng mũi súng AK lên trời và nổ một băng. Chúng tôi cũng sướng quá, bèn đáp lễ. Tám Hùng hay ai đó chơi một loạt tiểu liên, rồi sau đó cả súng carbine, cả súng ngắn K54 thi nhau nhả đạn… lên trời. Dưới xuồng máy cũng không hề chịu kém. Súng lại nổ như chào mừng, lại như thách thức. Trên bờ, anh em chúng tôi quá đã, đạn nổ càng dòn hơn. Đúng như một trận đánh trên cả mức tao ngộ chiến.

Toàn “cứ” Binh vận báo động !

Ai cũng nghĩ địch đang đột kích theo đường sông tấn công lên “cứ”. Khi lực lượng “bên mình” tiếp cận chúng tôi, họ mới biết không phải vậy !

Chết rồi !       

Lúc ấy, cả đám chúng tôi vừa say vừa… sợ. Mình đã gây ra một cuộc náo loạn nguy hiểm thực sự. Nên nhớ, bấy giờ đang chiến tranh, và cuộc nổ súng rầm trời như vậy cả ở dưới sông và trên bờ không ai nghĩ là nổ súng… chơi cả. Vậy mà, đúng là bắn súng… chơi thật ! Từ cả hai phía lính Việt Cộng.

Thôi, giải tán, đi ngủ, có gì mai tính.

Mai, cũng chẳng thấy ai tính gì. Hay họ tính, mà mình không biết ? Sau này, tôi mới nghe anh em kể lại, chuyện khá nghiêm trọng. Ban Binh vận phải báo cáo sang “các Cụ” bên R. Giải thích thế nào thì tôi không biết. Nhưng trong đám anh em tham gia “tiệc cu xanh” chưa thấy ai phải viết kiểm điểm hay bị kỷ luật gì. Phần tôi, không tham gia bắn súng (vì còn súng đâu mà bắn), nhưng có tội là “chủ xị” vầy tiệc cu xanh. Nếu Tám Hùng với tôi không đi bắn cu xanh thì làm sao có cái tiệc này ? Đã thế, giữa tiệc còn chạy bộ mua thêm can rượu, khiến cả hội “oắc cần câu”, mới nên nỗi. Nhưng, có lẽ cấp trên ngại làm lớn vụ việc. Vì có “hai khách mời đặc biệt” của “tiệc cu xanh” là hai nhà văn, nhà báo Hai Hoàng và Tư Xuân – nguyên là đại úy hải quân và trung úy không quân Sài Gòn lên R. Hai ông này là dân “Mặt trận 2” hay “Liên minh” gì đó nên luôn được coi là “khách quí” của VC, dù họ có thật là khách quí không thì chính họ cũng không biết. Nhưng họ luôn được nể trọng ngay ở cơ quan của tôi. Vì thế, vụ hai ông này có tham gia bắn súng thì tôi không rõ, nhưng hai ông đều khẳng khái nhận là đã dự tiệc và có uống khá nhiều rượu cùng anh em. Thế cũng là “bảo chứng bằng vàng” rồi! Cấp trên không muốn làm gì mất lòng hai ông, tôi thì ăn theo vào đó, đám anh em bảo vệ thì ăn theo tụi tôi, thành ra đều thoát nạn. Cái này mà bình thường là khó à nghe, kỷ luật nặng là cái chắc à nghe!

Tuy tôi thoát vụ này, nhưng các thủ trưởng bỗng dưng muốn… mệt, vì cái thằng lang thang là tôi. Họ đều biết tôi làm việc chăm chỉ và có hiệu quả, nhưng tính tôi lại quá lang bang, thiếu hẳn ý thức kỷ luật, lại ham vui quá trớn, lại hay “truyền lửa” tự do và tình chiến hữu bình đẳng cho các em cháu liên lạc và công vụ, những em cháu vốn được dạy bảo phải tôn sùng các vị thủ trưởng như Thánh. Tôi còn nhớ, mỗi khi gặp các em cháu trong rừng, tôi đều đưa tay lên và chào : “ Chào chiến hữu ! ”. Các em cháu thích lắm. Và học theo rất nhanh. Cứ nghĩ mà xem, có cháu liên lạc mới 14 tuổi, vốn coi các đấng bậc thủ trưởng như ông nội mình, bỗng một ngày đưa tay lên và chào thủ trưởng một cách rất hào sảng :  “ Chào chiến hữu ! ”, thì còn ra cái…thể thống…phong gì nữa ?

Lại nói, cái quán mà tôi với Hùng Nam chạy mua rượu nằm ở một địa danh rất nổi tiếng trong âm nhạc Việt : trảng Còng. Ai đã từng nghe bài hát Lên ngàn của nhạc sĩ Hoàng Việt, hẳn đều nhớ tên trảng Còng :  “ Em chèo thuyền đi lên rẫy trảng Còng…”. Hóa ra, căn cứ của chúng tôi ở cách trảng Còng nổi tiếng này không bao xa, vậy mà nếu không gặp được nhạc sĩ Xuân Hồng, chắc tôi vẫn không biết mình hay mua rượu ở một nơi đã vào “bài hát đi cùng năm tháng”. Một lần, Mao Trạch Phách (tức Cao Xuân Phách, bạn tôi, gọi như thế vì mặt hắn trông giống mặt Mao chủ xị) cùng nhạc sĩ Xuân Hồng đi công tác đâu đó qua trảng Còng, và tình cờ gặp tôi. Chính anh Xuân Hồng đã kể chuyện về Hoàng Việt và trảng Còng – một trảng rẫy nằm ven sông Vàm Cỏ Đông. Hồi kháng chiến chống Pháp, người dân từ “dưới ruộng” lên trảng này tăng gia sản xuất trồng lúa rẫy, gặp mùa bão lụt năm Thìn (năm 1952) cực khổ quá, phải vì thế mà có bài ca Lên ngàn bất tử của Hoàng Việt. Về tên gọi “ trảng Còng ”, dường như trảng rẫy này mùa nước ngập có rất nhiều con còng. Biết đâu chính từ đây đã sản sinh ra câu hò ngọt ngào :  “ Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng / Về sông ăn cá / Về đồng ăn cua ” mà người Nam Bộ nào cũng thuộc nằm lòng. Rẫy Còng – trảng Còng, sông Vàm Cỏ, còn đồng thì chắc là đồng Tây Ninh hay Long An rồi !  Nhạc sĩ Xuân Hồng trông tướng rất nông dân Nam Bộ, thiệt thà và cởi mở. Chính câu chuyện về trảng Còng của Xuân Hồng đã giúp tôi sau này khi viết trường ca Những người đi tới biển có được một đoạn thơ cảm động về nhạc sĩ Hoàng Việt và bài hát Lên ngàn.

                   “ bây giờ không còn anh

                     mỗi chúng tôi còn một cuộc đời

                     trên bàn tay mở ra cân nhắc

                     tôi chưa hề tin phép lạ

                     nhưng tôi tin kỳ diệu những lời cất lên từ trái tim

                     ngôi sao hát lúc tối trời

                     dòng sông miên man chảy

                     hai mươi năm vợ anh vẫn chèo xuồng ngược nước

                     lặng lẽ cứu từng bông lúa

                     đưa ta qua mắt nhìn thẳng những vực sâu

                     con người không thể thiếu bài ca

                     dù chỉ một lần một lần thôi đã hát

                                (Những người đi tới biển)


Nhân nói về bài hát Lên ngàn và nhạc sĩ Hoàng Việt, lại thêm một lần ngạc nhiên : sao thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ chúng ta có quá nhiều nhạc sĩ tài năng và tâm huyết như thế nhỉ ? Nếu tính, văn học nghệ thuật đã góp phần vào cuộc kháng chiến như thế nào, thì công đầu phải thuộc về âm nhạc. Thơ ca chỉ đứng thứ hai. Nếu không có “ nhạc Đỏ ”, làm sao chúng tôi vượt qua được Trường Sơn ? Chỉ nghe lại một giai điệu của Vũ Trọng Hối thôi : “ Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn / Đá mòn mà đôi gót không mòn ” là đã thấy hiện trước mắt mình cả Trường Sơn của một thời mãnh liệt, khổ đau, hùng vĩ.

Có lần, chuyện trò với nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, anh nói : một điều lạ, là suốt thời chiến tranh, âm nhạc của chúng ta gần như không có một bài ca nào về hạnh phúc, một niềm hạnh phúc bình dị của con người, kiểu như “ Tết Tết Tết Tết đến rồi…”. Đúng như thế ! Đất nước chúng ta, dân tộc chúng ta đã phải hy sinh quá nhiều, mà trong đó, hy sinh lớn nhất là hy sinh hạnh phúc cá nhân, hạnh phúc gia đình. Chúng ta không có hạnh phúc, không được hưởng hạnh phúc thật sự, mà chỉ “ nghĩ ” về hạnh phúc thôi, thì làm sao viết được những bài hát về niềm hạnh phúc giản dị nhỏ nhoi của con người ? Phải hiểu đến mức tận cùng đó để yêu thương hơn nhân dân mình. Âm nhạc thời chống Mỹ của chúng ta, dù không thể hiện được niềm hạnh phúc bình dị của con người, nhưng lại thể hiện rất cháy bỏng khát khao hạnh phúc. Một khát khao ghê gớm, nhất là khi con người chưa có nó nhưng bao giờ cũng mong có nó. Bài Tình ca bất tử của Hoàng Việt chính là bài hát về niềm khát khao hạnh phúc của cả một dân tộc. Có một câu chuyện, tôi nghe được từ GS Lê Hoài Nam – cháu ruột nhà thơ Bích Khê – một câu chuyện thật hay về NSND Quốc Hương – một giọng ca “hàng hiệu” của âm nhạc Cách mạng – gần như là “ca sĩ độc quyền” của bài hát Tình ca, dù thời ấy có rất nhiều ca sĩ “xịn” hát bài này. Sau giải phóng, chị Thu An – cháu ruột nhà thơ Bích Khê – một tù nhân chính trị Côn Đảo mới được trở về, làm bí thư chi đoàn, và chị Thu An tổ chức một buổi giao lưu văn nghệ trong chi đoàn mình, may mắn mời được nghệ sĩ Quốc Hương tham gia. Trong buổi giao lưu, chị Thu An đề nghị nghệ sĩ Quốc Hương hát bài Tình ca cho mọi người nghe. NSND Quốc Hương nói, nửa đùa nửa thật :  “ Bài Tình ca này, tôi chỉ hát cho người tôi yêu nghe thôi. Ở đây, ai là người tôi yêu nào ? ” Câu nói đùa ấy, hóa ra, thành chuyện thật. Sau đó, nghệ sĩ Quốc Hương và Thu An… yêu nhau, rồi cưới nhau, chắc chị Thu An đã tha hồ nghe anh Quốc Hương hát bài Tình ca dành riêng tặng chị. Đó là một kết thúc rất “có hậu” của bản Tình ca, mà khi viết, chắc chắn nhạc sĩ Hoàng Việt chỉ mong ước nó thành hiện thực như thế. Bởi nghe kỹ, trong bài hát đầy khát khao ấy vẫn có ẩn một nỗi đau sâu thẳm. Đó là Việt Nam. Đau khổ và kiêu hãnh. Từ hàng ngàn năm. Đọc Nguyễn Trãi: đau khổ và kiêu hãnh. Đọc Cao Bá Quát: đau khổ và kiêu hãnh. Đọc Nguyễn Đình Chiểu : đau khổ và kiêu hãnh. Đất nước chúng ta quả thật không may mắn. “Bao tai ương cứ dội xuống theo mùa” (Những người đi tới biển). Nhưng muốn khác cũng không khác được ! Định mệnh là cái gì đó ghê gớm, đúng như Nguyễn Du đã khẳng quyết trong Truyện Kiều.

Nhiều đêm mưa rừng, ngồi một chắc trong túp lều lợp lá trung quân, tôi cứ nghĩ lan man. Một nỗi “cô đơn hoàn tán” tràn ngập con người mình, nhưng đó là một cảm giác chịu được, chứ không đến nỗi gì tuyệt vọng. Có lẽ, đôi khi con người nên biết tự “làm sạch” mình bằng những giây phút cô đơn như vậy. Nó còn hơn cả ngồi Thiền hay nhịn ăn. Sống với nhu cầu tối thiểu cũng là kỹ năng tôi học được khi ở rừng chiến khu. So với ở chiến trường đồng bằng, thì ở rừng khả năng sống sót cao hơn. Nhưng chất lượng sống kém hơn, sống khổ hơn. Còn nhớ, ngày mới vào chiến khu, do không có tiền, nên tôi thường thiếu cả xà phòng giặt loại rẻ nhất. Nhiều bữa phải giặt quần áo bằng “nước trơn” ngoài suối, lại phơi nơi ẩm thấp trong rừng già, nên quần áo bốc mùi rất khó chịu. Còn nhiều nỗi khó chịu khác nữa mà tôi phải tập quen dần. Rồi cũng dần quen. Chơi thân với nhà văn Lưu Kiểng Xuân – nguyên trung úy lái trực thăng của quân đội Sài Gòn – là cơ sở cách mạng và lên chiến khu từ Mậu Thân, anh Tư Xuân “truyền” cho tôi một số kỹ năng sống trong điều kiện tối thiểu. Như cách kiên trì ăn cơm với… muối hột. Phải bình tĩnh, tư thế ngồi thoải mái, ăn từng miếng cơm một với vài hột muối, và nhai chậm, nhai kỹ. Ăn như thế, nhận thấy miếng cơm trong miệng rất ngọt, lại có thể giải quyết gọn khẩu phần của mình, và có cảm giác rất an lòng (tức là cảm giác khi đã “dằn được bụng”). Tư Xuân tuy là sĩ quan không quân, học hành bài bản, tiếng Anh tốt, lại là nhà văn, nhưng anh vẫn nguyên chất là một nông dân, con nhà nông ở Cần Đước, Long An. Tư Xuân có quá nhiều trải nghiệm, kinh nghiệm và kỹ năng của một nông dân Nam Bộ. Nhiều buổi tối, ngồi uống trà với anh, nghe anh kể chuyện bắt cá, phóng chĩa tôm càng xanh trên sông… cùng nhiều chuyện “hành nghề” của nông dân Nam Bộ, tôi nghe mê mải, cảm giác hết sức sảng khoái. Mỗi kiến thức, mỗi kỹ năng ta nghe được, học được, dù lớn dù nhỏ, đều khiến ta cảm thấy mình lớn lên, từng trải hơn. Là nhà văn, lại “nguyên” là nông dân, nên cách kể chuyện của Tư Xuân rất hấp dẫn, vừa cụ thể, vừa giàu hình ảnh, lại vừa khát quát. Các thủ trưởng hơi có vẻ dè chừng với Tư Xuân, còn tôi, chả có gì phải giữ kẽ với một đồng nghiệp mà tôi thích. Vậy mà sau giải phóng có vài ba năm, vào lúc các thủ trưởng đã bớt dè chừng với một người từng đồng cam cộng khổ với mình trên chiến khu, cũng vào lúc gia đình Tư Xuân làm ăn có vẻ nới hơn, mới tậu được máy làm nước đá, có đồng ra đồng vô, thì Tư Xuân và cả nhà… vượt biên. Trước thời điểm Tư Xuân vượt biên khoảng nửa tháng, tôi lang thang từ Đà Nẵng vào Sài Gòn, và gặp anh. Lâu ngày anh em gặp nhau, lúc nào chả làm vài xị đế. Nhưng lần này, Tư Xuân mời tôi đi nhà hàng. Nhà hàng Ngọc Lan hay Thanh Lan gì đó, khá tốt. Và uống bia Sài Gòn, không uống rượu đế. Tư Xuân kêu mấy món hơi bị khá so với hồi đó, và hai anh em tôi lai rai. Dĩ nhiên, tôi hoàn toàn không biết ý định và kế hoạch vượt biên của Tư Xuân. Chỉ thấy lần này gặp tôi, ngoài tình cảm anh em từ R, sau giải phóng vẫn mặn, thì gương mặt Tư Xuân có vẻ hơi trầm. Chỉ thế thôi. Sau giải phóng, Tư Xuân được chuyển về Ban Văn nghệ, rồi làm báo Văn nghệ thành phố theo nguyện vọng của anh, như thế là ổn. Trong câu chuyện bên ly bia, tôi không nghe Tư Xuân phiền hà gì về các thủ trưởng văn nghệ của mình, nên cũng không để ý. Tư Xuân vượt biên là một bất ngờ với tôi. Dù ai cũng biết, anh từng là sĩ quan không quân Sài Gòn. Nhưng anh đã theo VC bao nhiêu năm, trước là cơ sở cách mạng trong nội thành, sau lên hẳn chiến khu làm báo Binh vận, ăn phụ cấp cán bộ sơ cấp hay trung cấp gì đó, nghĩa là thuộc “ngạch VC”, chứ không phải “khách Liên minh”. Anh là người kháng chiến cũ. Nghe nói thời gian đầu mới định cư ở Úc, Tư Xuân có lái trực thăng rải phân (lái thuê, dĩ nhiên), còn sau đó anh làm gì thì tôi không được biết. Bẵng đi rất nhiều năm, tôi lại gặp Tư Xuân ở Sài Gòn. Anh về nước thăm bà con, anh em. Điều thú vị nhất với tôi là Tư Xuân vẫn y như vậy, anh gần như không thay đổi. Nhưng mà có thay đổi, khi nghe anh kể chuyện. Tư Xuân bây giờ ăn chay trường, anh theo đạo Hòa Hảo. Tư Xuân kể : sau một thời gian ở Úc, làm ăn cũng khá, anh sắm được nhà riêng. Theo đúng “truyền thống… nhậu” của anh em chúng tôi từ hồi ở Rừng, Tư Xuân quyết định trong ngôi nhà mới của mình phải có một tủ rượu thật hoành tráng. Anh đã thuê đóng xong tủ rượu, chưa kịp bày rượu vào thì… nằm mơ. Có người xưng “Thầy” báo mộng với anh : “ Con hãy biến tủ rượu của con thành tủ đựng Kinh Phật Thầy, và con hãy tiếp bước trên con đường hành Đạo mà Thầy đã đi.” Giấc mơ có lời phán truyền của Thầy khiến Tư Xuân đổ mồ hôi hột. Anh lập tức cho dẹp toàn bộ các chai rượu, và thay vào đó, anh bày Kinh Phật. Sau này là Kinh đạo Hòa Hảo. Anh quyết định ăn chay trường, và “an bần lạc đạo”. Tôi mời Tư Xuân, Hai Hoàng và Năm Chiêu ăn cơm ở nhà hàng Ba Miền, nhưng Tư Xuân nhất định không cho tôi trả tiền, mà giành trả. Tôi kêu rượu vang, nhưng chỉ tôi với Hai Hoàng và Năm Chiêu (cựu bí thư chi bộ, tôi sẽ kể sau) uống, còn Tư Xuân thì uống… nước lọc. Hay thật đấy ! Một người như Tư Xuân, sau giải phóng đã từng bán rượu Gò Đen - Cần Đước cho tất cả các văn nghệ sĩ ở chung cư 190 Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa), bản thân Tư Xuân cũng uống rượu rất chì, vậy mà… Con người ta vẫn có thể thay đổi bất ngờ khiến nhiều khi phát sửng sốt như thế. Và tôi cho đó là sự thay đổi tốt, ít nhất là với Tư Xuân, dù tôi vẫn chưa thật hiểu lắm về Đạo Hòa Hảo. Vì tôi thấy cách hành đạo của Tư Xuân là rất đẹp. Anh chính là người đã “lôi kéo” một người bạn thân quê Nam Bộ của mình, là chủ tiệm vàng giàu có ở Úc, bỏ ra một số tiền lớn để xây dựng tượng Phật Bà Quan Âm trên đảo Lý Sơn thuộc Quảng Ngãi quê tôi. Trước khi Lý Sơn - Quảng Ngãi có tượng Phật Bà cao to, thì Đà Nẵng đã có, pho tượng Phật Bà rất hoành tráng xây trên bán đảo Sơn Trà. Dân Đà Nẵng nói, từ ngày có tượng Phật Bà trên Sơn Trà, Đà Nẵng tránh được các cơn bão lớn. Trong đó có một cơn bão (bão số 9 năm 2009) trước định đổ bộ vào Đà Nẵng, nhưng tới phút cuối cùng, chợt quyết định đổi hướng và đổ vào… Quảng Ngãi, khiến quê tôi thiệt hại trăm bề. Sau cơn bão số 9 đó, Lý Sơn đã có tượng Phật Bà do người bạn của Tư Xuân xây tặng. Và đúng là từ bấy tới nay, Quảng Ngãi tránh được mấy cơn bão lớn (nhưng vừa rồi lại bị lụt lớn, do Phật Bà cũng không ngăn được mấy thằng cha thủy điện xả lũ). Nhân đây cũng nói, vì sao Tư Xuân có tình cảm với Quảng Ngãi. Số là hồi chiến tranh anh đã từng lái trực thăng cứu thương chở thương binh Sài Gòn, nhiều lần hạ cánh ở sân bay dã chiến gần bệnh viện Quảng Ngãi (cũ) thuộc đường Hùng Vương bây giờ. Sau những chuyến lái máy bay tải thương ấy, Tư Xuân viết được một loạt bút ký rất xúc động về tình cảnh bi thảm của người lính Sài Gòn khi bị thương. Tư Xuân trở thành nhà báo của Binh vận bắt đầu từ serie bút ký đó. Và cũng chính thức thành nhà văn khi còn chưa kịp cởi bộ đồ bay để lên…chiến khu. Là bạn của Tư Xuân, lại là dân Quảng Ngãi, tôi cảm thấy mình được ăn theo chút đỉnh trong mối liên hệ tình cảm này. Thỉnh thoảng Tư Xuân từ Úc gọi điện thoại cho tôi, nói sẽ gửi Kinh Phật Hòa Hảo để tôi đọc. Tôi rất vui, dù không hy vọng mình theo được Đạo Hòa Hảo. Nhưng tình bạn giữa tôi với Tư Xuân thì chắc chắn vẫn tiếp tục tốt đẹp. Đó là tình bạn giữa những người kháng chiến cũ, như tôi với Chim Trắng, Trang Thế Hy, Hai Hoàng hay Năm Chiêu và nhiều bạn khác. Chúng tôi đã cùng nhau qua chiến tranh, và may mắn còn sống sót (nhà thơ Chim Trắng đã qua đời gần 3 năm nay, do bạo bệnh). Nhắc đến lão nhà văn Trang Thế Hy, lại nhớ, hồi tôi mới về Binh vận, chính Tư Xuân đã rủ tôi đi xe đạp tìm sang “cứ” B2 - Văn Nghệ thăm nhà văn Trang Thế Hy. Tôi lúc ấy mới nghe danh Trang tiên sinh chứ chưa biết mặt ông. Còn Tư Xuân thì cứ mỗi lần đàm đạo với tôi về văn học lại nhắc đến Tư Sâm (bí danh Trang Thế Hy) mà anh coi như một bậc thầy của mình trong văn xuôi. Buổi sáng, chúng tôi đạp xe từ “cứ” Binh vận mất khoảng 1g30’ thì tới Ngã Tư Nước Đá thuộc đất Campuchia. Tên là lạ này do lính VC đặt cho cái ngã tư chẳng có gì đặc biệt, ngoài một quán nước lèo tèo, bán vài món giải khát rẻ tiền như sâm bổ lượng, thạch đen. Điều đặc biệt nhất ở quán này là… nước đá. Uống nước giải khát trên mảnh đất lúc nào cũng nóng ran mà có vài cục đá lạnh thì…. đã thiệt ! Tôi với Tư Xuân dĩ nhiên không bỏ qua cơ hội hiếm hoi này, mỗi người vô quán làm một cốc nước đá sâm bổ lượng cho…. mát mẻ, rồi mới chịu lên đường đi tiếp. Gần trưa mới tới B2 thì hay tin nhà văn Trang Thế Hy đã đi xuống chiến trường đồng bằng, hình như là đi Bến Tre quê ông. Chúng tôi buồn quá. May được gặp nhà văn Anh Đức vốn quen biết với Tư Xuân. Anh Đức là nhà văn nổi tiếng, tôi đã học tác phẩm của ông từ ngày còn ngồi trên ghế nhà trường, nhưng chưa được gặp ông bao giờ. Anh Đức tiếp Tư Xuân và tôi khá niềm nở, vợ chồng ông làm thịt con gà nhà nuôi đãi cơm trưa chúng tôi. Đúng ra là đãi Tư Xuân, anh mới là nhân vật chính, còn tôi chỉ ăn theo. Anh Đức cũng chẳng biết tôi là ai, ngoài là một cậu lính mê văn nghệ. Nhưng tôi rất vui, ăn theo mà được ăn theo…thịt gà thì quá tươm! Tôi ăn thịt gà rất nhiệt tình, có lẽ vì đó là món mà từ lâu lắm rồi tôi chưa được ăn. Buổi chiều, tôi với Tư Xuân lại lóc cóc đạp xe ra về, qua một trảng cỏ voi thiệt rộng. Chúng tôi đạp xe theo lối mòn, và tôi chợt để ý thấy chi chít những dấu chân người in trên lối mòn chưa kịp khô sau cơn mưa. Có lẽ một đơn vị bộ đội vừa hành quân qua đây để ra chiến trường. Buổi tối về “cứ”, tôi viết luôn được bài thơ Những dấu chân qua trảng cỏ, sau này thành tựa đề chung cho tập thơ đầu tay của tôi Dấu chân qua trảng cỏ. Tính ra, dù chưa được gặp nhà văn Trang Thế Hy, nhưng lại được gặp nhà văn Anh Đức, được ăn thịt gà do Anh Đức chiêu đãi, và nhất là, cuối cùng viết được bài thơ không đến nỗi nào. Với tôi, thế là thắng to rồi. Cái thắng này có được,  nhờ vía “nhẹ” của Tư Xuân.  

  

                 DẤU CHÂN QUA TRẢNG CỎ


buổi chiều qua trảng cỏ voi

ngước nhìn mút mắt khoảng trời long lanh

gió nghiêng ngả giữa màu xanh

tiếng bầy chim két bỗng thành mênh mang


lối mòn như sợi chỉ giăng

còn in đậm đặc vô vàn dấu chân

dấu chân ai đọc nên vần

nên nào biết ai đi gần, đi xa


cuộc đời trải mút mắt ta

lối mòn nhỏ cũng dẫn ra chiến trường

những người sốt rét đang cơn

dấu chân bấm xuống đường trơn, có nhoè ?


chiếc bòng con đựng những gì

mà đi cuối đất mà đi cùng trời

mang bao khát vọng con người

dấu chân nho nhỏ không lời không tên


thời gian như cỏ vượt lên

lối mòn như sợi chỉ bền kéo qua

ai đi gần ai đi xa

những gì gửi lại chỉ là dấu chân

vùi trong trảng cỏ thời gian

vẫn âm thầm trải mút tầm mắt ta


vẫn đằm hơi ấm thiết tha

cho người sau biết đường ra chiến trường


                                                                       1971


Bài thơ này về sau chiến tranh được in ở nhiều tuyển tập thơ Việt Nam. Nhưng ở vài tuyển tập, có lẽ do sự “nhạy cảm” thái quá của những người biên tập, câu thơ “ những người sốt rét đang cơn / dấu chân bấm xuống đường trơn, có nhòe ? ” được họ cẩn thận sửa một cái dấu sắc thành dấu hỏi ở chữ “có” – thành “cỏ” – “ dấu chân bấm xuống đường trơn, cỏ nhòe ? ” Biên tập như vậy là rất có nghề, chỉ có điều, nó lái ý của tác giả sang một hướng hoàn toàn khác, một cách vô nghĩa, mà tác giả không hề nghĩ tới. 

Có nhòe ? ” là một câu hỏi. Còn “ Cỏ nhòe ? ” là một danh từ kèm tính động từ, trong trường hợp đứng trước một dấu hỏi (?) như thế nó chả có nghĩa gì cả. Vì thế mới nên chuyện. Một lần, đi Hà Nội chơi, lúc chuẩn bị ra Nội Bài về Quảng Ngãi, buổi trưa tôi uống bia với bạn bè. Khá đông chiến hữu ra tiễn tôi tại quán bia, trong đó có một nhà thơ không hẳn còn trẻ, mà tuổi đã sốn sồn, có vẻ là cựu chiến binh. Cạn với tôi mấy ly bia, anh mới nói : “ Anh Thảo ơi, tôi thích bài thơ Những dấu chân qua trảng cỏ của anh, nhưng tôi chỉ thắc mắc một chữ, không biết có phải anh viết như thế không ? ” Tôi hỏi chữ gì, anh nhà thơ Hà Nội mới nói : “ Đó là chữ “cỏ nhòe?”, tôi thấy chữ này vô nghĩa. Tôi nghĩ, dường như anh viết “có nhòe?” thì đúng hơn, vì đó là một câu hỏi mang tính tiên báo. Tôi cũng từng là lính, nên tôi nghĩ như vậy.” Tôi nói đúng rồi, tôi viết “có nhòe?” là một câu hỏi : “ dấu chân bấm xuống đường trơn, có nhòe ? ”, vì tôi nghĩ, rồi sẽ tới lúc người ta quên ngay những “ dấu chân người lính ” này, chứ không viết “ cỏ nhòe ? ” vì đó là một miêu tả vô nghĩa, nhất là khi đứng sau nó là một dấu hỏi (?). Anh nhà thơ Hà Nội thích quá, cạn với tôi mấy ly bia nữa : “ Đúng quá ! Phải viết như thế mới đúng là anh ! Tôi yên tâm rồi ! ” Người Hà Nội thật kỹ, dù chỉ một cái dấu, họ cũng truy đuổi cho ra ngọn ngành, nếu thấy nó vô lý vô nghĩa. Khi tiễn tôi ra tắc-xi, anh bạn nhà thơ Hà Nội rút túi 120.000đ trả tiền xe tắc-xi cho tôi đi Nội Bài. Tôi từ chối, nói mình có tiền rồi, bạn đừng lo, nhưng anh bạn kiên quyết không chịu : “ Anh cứ coi đây là tiền nhuận bút tôi trả cho một cái dấu đúng trong một chữ của câu thơ anh. Một cái dấu đúng đáng với số tiền như vậy ! ” Tôi sướng quá, cười ha hả : “ Nếu nhà xuất bản nào cũng trả một chữ của tôi tới 120.000đ như bạn, thì tôi giàu to.” Tôi nghĩ, đây có thể là một bài học cho các nhà biên tập : đừng bao giờ tự tin thái quá khi biên tập thơ của người khác. Đây cũng là bài học cho chính tôi, vì tôi trong nhiều năm đã từng là biên tập viên, và cũng từng biên tập hàng nghìn bài thơ (đó là con số thật, vì nước mình nhiều thơ lắm !) Phải cẩn trọng trước bài thơ người khác như cẩn trọng trước bài thơ của chính mình, thì mới biên tập ổn được.

Thanh Thảo


Lời ban biên tập :

Với sự đồng ý của tác giả, chúng tôi trích đăng bài này từ tác phẩm vừa xuất bản của nhà thơ Thanh Thảo :
Lang thang qua chiến tranh
(nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2017, trang 49-70). Xin trân trọng cảm ơn anh
Thanh Thảo và giới thiệu với bạn đọc.




Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss