Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Lê Vân

Lê Vân

- Linh Nghĩa Kiều — published 15/02/2007 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Đối với Linh Nghĩa Kiều, Lê Vân là "người đàn bà của năm 2006"


NGƯỜI ĐÀN BÀ CỦA NĂM

     

Linh Nghĩa Kiều


Lấy cái gương soi tự ngày xửa ngày xưa, lấy cái chuẩn mực một thời, lấy cả cái quan niệm thịnh hành về nhân phẩm và hiếu đạo làm người mà đo mà cân hình như thấy chẳng mấy ai chấp nhận một cô gái ba lần vướng nợ duyên tình với ba người đàn ông đã có gia đình, một đời người hai lần kết hôn, hai lần ly dỵ, hai lần mang thai một lần mang bụng với người này khi đang sống với người kia, và nữa, ăn ở sinh đẻ không hôn thú với một người đàn ông ngoại quốc khác cũng đã có gia đình. Và càng chẳng ai chấp nhận cho trên đời này có một đứa con lôi hết tháng ngày không yêu thương, cắn xé, hành hạ nhau rồi ly thân, ly dị của các bậc sinh thành cho người đời xem, và tệ hại hơn, không thể tha thứ được nữa khi có một đứa con công khai hất bố ra khỏi trái tim mình, hạ bệ ông trước cuộc đời, nhất đấy lại là những bậc danh giá của mọi người và hơn thế là của một nền nghệ thuật. Cứ như thế, theo cái cách ấy, xem ra nhân phẩm, đạo lý làm người, làm con không còn chỗ đứng trong tâm hồn và nhân cách của người ta nữa.

levan

Người đời luôn có lý và vĩnh viễn phi lý là cái chỗ ấy. Trong cái mớ bòng bong hư, thực, thật, giả, vàng, thau, sang, hèn, vinh, nhục, được, mất hôm nay, đi suốt 363 trang đời yêu và sống bạo liệt, bản lĩnh cùng bao hạnh phúc và nỗi đau của một người đàn bà và nhất là nỗi đau đời dai dẳng, da diết, sâu sắc đến thế là cùng của một nghệ sĩ, tôi không thể không viết những dòng này. Khi không thích, khi ý thức về phẩm giá thân xác, kể cả ống kính của một nền nghệ thuật không thể lật được tà áo lót của cô thiếu nữ mười năm trong bóng tối ấp ôm một người đàn ông không phải của mình; khi trái tim mách bảo sẵn sàng chấp nhận mọi khổ đau, mọi sự trừng phạt, mọi hy sinh, mất mát, chỉ cần giành được quyền sở hữu nửa giọt máu của người ta trong cơ thể mình; khi trái tim cất lên nốt nhạc của một bản tình ca thì sẵn sàng mời gọi kẻ lỡ gieo mầm những nốt nhạc ấy từ một quốc gia xa xôi về chén cái giấc mơ trần gian của người đời; khi vì tình yêu, vì quyền được có bố của sinh linh bé bỏng đang hoài thai chẳng hề nấn ná ăn gian cái gọi là phẩm hạnh nhờ vai ông bố hờ của kẻ sy tình; khi lật tẩy được con bài có bộ mặt đạo mạo, cao sang, danh giá rằng chỉ có hèn đớn, ngầy ngậy rượu bia và nhớp nháp những bán mua, đổi trao thân xác góc phía sau cánh gà, và chỉ biết lắng nghe và chịu sự dẫn dắt của một tiếng gọi cất lên từ đâu đấy, xa xăm lắm, hình như từ nơi chỉ có sự rung động của con tim cho và nhận, tặng và trao, trung trinh dâng hiến không hệ lụy, không hàm ơn, trắng trong và vô tư đến vô cùng; khi chợt nhận ra mình không xứng đáng với cái vinh quang do bởi người đời đói khát quên mất tiêu chí, đẳng cấp và đích đến của nghệ thuật cứ thế hồn nhiên yêu vì hào phóng tặng trao cho nghệ sỹ - những khi đó người đàn bà ấy không còn là nữ nhi thường tình nữa mà bước vào vai kẻ sĩ Hà Thành sẵn sàng chối bỏ danh lợi, chối bỏ vương miện, để chỉ quay về làm một người nữ, như bao nhiêu người nữ đã được số phận sinh ra cho làm đàn bà, bắt làm đàn bà. Cuộc “xuống tóc” với nghề, với vinh quang ấy, không ồn ào, không tuyên ngôn. Không mưu cầu là một nhẽ, không để hé lộ cái lòng tự trọng nghề nghiệp của riêng mình làm hổ ai, làm hệ lụy người nào suốt mấy chục năm, đó là sự trong sáng đến vô ngần của một nhân cách lớn. Chẳng cần cố đấm, người đàn bà ấy cũng dư thừa mâm cao cỗ đầy cùng những vòng nguyệt quế đẹp đẽ nhất trên khoảnh trần gian này, cái khoảnh trần gian mà bây giờ không ít con chiên của nó từng tặng trao vinh danh cho người đàn bà ấy lại phán bảo kẻ đội nguyệt quế ngày hôm qua rằng nó là con đàn bà không ra gì, đó là kẻ làm băng hoại đạo đức, làm ô danh thuần phong mỹ tục, đó là đứa con đổ đốn không có cả thứ phẩm hạnh cuối cùng ít nhất của một con người là đạo làm con. Tất thẩy đó là những lời nói dối.

Người đàn bà ấy không làm đẹp cho mình, không mưu cầu cả lợi nhuận cả danh giá cho mình theo cách nghĩ của số đông, hay của kẻ cầm quyền, mà tự định ra tiêu chí đánh giá, tự nhận chân giá trị, tự hành xử không làm hại ai, tự ôm chặt nỗi đau đời nghiền ngẫm nghĩ suy, cuối cùng sau hàng chục năm trời chọn lựa, chấp nhận mọi cái giá về mình, đã tặng cho đời duy nhất một thứ mà không phải thời nào và ai cũng có thể tặng cho cuộc đời này được: đó là sự thật trên cuộc đời này. Có một trái tim đã yêu và sống, có một người chẳng nhận gì hơn ngoài việc nhận mình là một người đàn bà. Có một sự thật phía trong không ít những ngôi nhà có vỏ bọc hạnh phúc là những kẻ thân yêu đang chịu đựng, đang hành hạ, cắn xé nhau, khinh bỉ và rủa nguyền, thù hận nhau suốt đời. Có một sự thật sau những mũ áo xênh xang, sau cái lớp hào quang mà người đời đua nhau trát lên cho những kẻ đội vương miện một thời ấy là đói và khát, là hèn đớn và bạc nhược, là tay trắng và rỗng tuyếch, không gánh nhận phận sự làm chồng, làm cha. Có một sự thật giả cầy luôn được đánh bóng lên để mưu toan danh lợi. Có một sự thật bớt xén, ăn chặn, hủ hóa và ô uế trong hành trình làm nghệ thuật. Có một sự thật là không ít những kẻ đang gào thét lên lớp về các giá trị trên cuộc đời này lại là những kẻ hư hỏng, bẩn thỉu, tội lội nhất. Có một sự thật nghệ thuật đích thực đỉnh cao như chưa bao giờ có mặt và có lẽ đang còn ở rất xa nơi người đàn bà ấy “xuống tóc” với nghề. Có một con người giấu kín nỗi đau về mẹ cha, có một cô bé dấu kín nỗi đau khi vỡ lẽ ra danh giá đàn ông trên cuộc đời. Có một trái tim giấu kín nỗi đau về một tình yêu nồng nàn, sáng trong nhưng phải chui lủi và tội lỗi. Có một nỗi đau của một thiếu nữ thừa danh giá cùng bao nỗi si mê, đón mời hạnh phúc, nhưng chưa một lần được lên xe hoa và mặc áo cưới, đành tự nhặt lấy hạnh phúc cho mình trong cô quạnh và lạ xa khi bị người mẹ dứt tình và người đời coi là thứ đàn bà bỏ đi. Có một người cứ dần vỡ lẽ ra khi mỗi ngày mở mắt nhìn cuộc đời mới hay người ta cứ bòn rút, bóc lột, vắt kiệt sức lực mình. Có một người nhận ra sự thật rách nát trắng tay không cứu nổi mình, không cứu nổi gia đình mình của kẻ làm nghệ thuật và nỗi đắng cay của đời con hát. Có một người làm nghề giấu kín nối đau phỉnh phờ lừa mị, dối trá giả cầy, không đâu vào đâu, chẳng biết đang ở nơi nào trong cái bầu trời nghệ thuật của nghề mình, của những kẻ nắm nghiệp của mình. Để rồi sau mấy chục năm một mình mình biết một mình mình hay, một thân ái, ố, hỷ, nộ, khi nó chẳng là gì nữa, chẳng làm mất miếng cơm manh áo của ai, chẳng làm ai mất thêm được điều gì nữa, khi mọi người can đảm một chút đã có thể ngồi buồn thú tội chuyện xưa, Lê Vân, ngôi sao điện ảnh năm nào, nữ nghệ sĩ ưu tú của chúng ta, vâng, người đàn bà ấy đã lại một lần nữa không vì một cái gì, không sợ mất mát hy sinh điều gì, đã tặng cho đời không chỉ sự thật về một người đàn bà, mà quan trọng hơn là sự thật về cuộc đời và một nỗi đau đời.

Còn nữa, hình như có một sự thật khác sâu xa ẩn ý cao siêu hơn chăng, dẫu không có một dòng trong suốt 363 trang đời tự lột, tự phơi ấy nói ra và thừa nhận, vâng có lẽ nào chăng đấy là: cuộc đời từng chỉ có vậy thôi, đã chỉ là vậy thôi, ít nhất là trong gia đình ấy, trong ngôi nhà nghệ thuật ấy, đừng bắt nó phải tốt hơn, phải đẹp hơn, phải như hình dung mường tượng, như cách nghĩ của mọi người, như thế nó cũng tốt lắm rồi, và quan trọng hơn rất nhiều là phải nghĩ cách, phải làm cái gì đó mà cứu lấy cuộc đời nếu muốn nó như mình nghĩ, như mình mong hoặc chí ít là thấy cần phải cứu chứ không phải chê trách phán xét một lời sám hối, một cuộc thanh tẩy công khai chính mình. Tấm phông giữa cuộc đời đã được kéo lên. Thánh thiện si mê, cuồng dại đớn đau, nhọc nhằn hạnh phúc, dối lừa giả trá, hèn hạ và cao sang, danh giá và bẩn thỉu, gã chức sắc và kẻ đánh cắp nghệ thuật trong ngôi nhà điện ảnh, sự lừa mị ngọt ngào và đám công chúng sáng trong, mê man, đói khát yêu vì nghệ thuật, chút tự trọng của người đàn bà làm nghệ thuật đích thực, sự hèn nhát, bạc nhược, vào hùa ăn theo nghệ thuật giả trá của đông lắm những con người, sự đớn đau và trả giá khi mang tặng sự thật cho cuộc đời. Người, duy nhất chăng, đủ dũng cảm kéo tấm phông ấy là một người nữ đang chỉ làm đàn bà, đang chỉ lo việc nhà việc cửa, nuôi nấng con cái, và làm mới cảm xúc chờ người đàn ông của mình. Người đàn bà ấy đã rũ bỏ tất cả, từ một Lê Vân ngôi sao điện ảnh Việt Nam ngày nào, bây giờ bằng lòng và hạnh phúc bên người đàn ông Hà Lan, có tên Abraham cùng sinh sống, làm chồng, giúp chị làm đàn bà, giúp chị làm vợ, làm mẹ và sinh ra những thiên thần.

Trang sách thứ 363 khép lại cuốn tự truyện, tôi vẫn quý mến một Lê Mai chân tình, yêu thích một Trần Tiến thú vị, tài ba, nể trọng yêu vì một gia đình nghệ sỹ lớn, nhớ và thích “Dậu- Duyên” và dăm mười tác phẩm điện ảnh đứng được một thời. Bởi thế tôi phải viết dù chẳng biện minh cho ai, bênh vực điều gì, mà chỉ là để nói lên một câu rằng: tôi đã chọn và không thể nói khác, Lê Vân đó là người đàn bà của năm 2006, cho dù LÊ VÂN SỐNG VÀ YÊU không phải là cuốn sách đầu bảng trong cùng năm ấy.

Hà Tĩnh những ngày cuối năm 2006

Linh Nghĩa Kiều

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Đinh Hợi
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss