Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Lò vi sóng

Lò vi sóng

- Ninh Kiều — published 18/08/2007 22:41, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
truyện ngắn


Lò vi sóng


Ninh Kiều





Đầu óc để tận đâu đâu, anh ngồi trên cái bàn ăn nầy từ lâu lắm rồi, có lẽ đã hơn nửa thế kỷ. Người ta gắp thức ăn vào dĩa cho anh, người ta thúc dục anh ăn, người ta nâng ly chúc nhau, người ta kêu anh bằng ba, bằng chú, bằng toi, bằng you, bằng ông ngoại, ông nội.


Người ta nói với nhau bằng nhiều thứ tiếng. Song đối với riêng anh thì mọi người cố gắng nói tiếng Việt, ngay đến cái thằng nhỏ, không biết con của đứa nào mà giống hệt anh thuở nhỏ, cũng chu cái mỏ : ông ngoại. Anh cúi xuống vuốt tóc nó mà nghĩ thầm trong bụng : coi vậy mà không dễ đâu nghen con, ông ngoại hồi nhỏ kiếm người vuốt cho một cái không có.

Bỗng bàn ăn vơi người. Con nít chạy theo người lớn ùa vào trong nhà bếp. Người ta đóng kín cửa nhà bếp lại như thể đang làm chuyện gì bí mật. Nhưng tiếng cười nói, tiếng suỵt suỵt của người lớn, tiếng con nít nói tiếng Việt tây con "sinh nhật hả" vẫn lọt qua khe cửa ra tận lỗ tai anh.

Rồi đèn phụt tắt, anh nhíu mày chưa kịp rầy thì cửa nhà bếp mở toang, tiếng hát bay theo người lớn con nít chen chúc sau chiếc bánh to tướng có vô số nến tiến về phía chỗ anh ngồi. Bánh được đặt trịnh trọng ở khoảng trống trước mặt anh, cái khoảng trống không biết được dọn dẹp tự bao giờ, như có chủ ý trước, chu đáo.

Anh ngỡ ngàng nhìn cái bánh, sáng rực rỡ dưới vô số ngọn nến. Sao nhiều nến quá vậy kìa. Thấy anh chăm chú nhìn, có người đứng sau lưng ghé miệng bên lỗ tai anh, nói vừa đủ nghe : Ba thấy gì không ? Tụi con sắp đèn cầy thành hình, ba nhận ra không ? Con số 6 nè, rồi con số kế bên nè, số…, số…, số 9, ba thấy hông ?

Ừ, anh thấy rõ rồi, con số 69 bây giờ nổi cộm trên nền bánh màu vàng, con nầy ngó con kia như giễu cợt. Bỗng anh thoáng nghĩ trong đầu, hơi buồn, ngày nào hai con số nầy đổi chỗ cho nhau chắc mình tiêu…rồi.

Tiếng hát tắt. Có người nhắc anh thổi đèn, một hơi thôi. Anh làm y lời. Nhưng dù có hít vào hết sức mình rồi thổi ra, cũng chỉ đủ gây ngọn gió nhẹ bay phớt ngang đám cháy rừng, làm vài ngọn tắt phụp nhưng đa số vẫn ngẩng cao đầu, thách thức. Anh cảm thấy bị chạm tự ái. Đời anh, anh đã từng dập tới cái gì nữa chớ đâu phải ba cái thứ lẻ tẻ nầy. Người ta cổ vũ anh, người ta mớm ý cho anh, nhưng anh không nghe thấy gì hết, bởi vì anh dồn hết tâm trí vào việc dập tắt mất ngọn nến như bao lần đứng trước một thử thách. Phải chấp nhận, phải đương đầu, không có cách nào khác, không bao giờ chạy trốn. Đã trốn được một lần thì sẽ chạy trốn suốt đời. Nghe quen thuộc quá ! Ai nói ? Và nói với ai ? Anh thoáng nhớ đôi mắt càng già càng ương ngạnh của vợ anh với cái giọng khó thương "em thấy cái gì khó thì lo né trước, để còn rảnh mà sống cho mình nữa chớ". Nói vậy mà nghe được.

Anh hít hơi vào lần thứ nhì, hết sức mình, hít đến tận cùng, đến lồng ngực như muốn bung ra. Bung thì cho bung luôn. Rồi anh cuối xuống cái đám rừng đang rực cháy, hà lên chúng tất cả hơi tồn trữ trong lòng mình. Và lần nầy, ngoài luồng hơi khó khăn thoát ra từ lồng ngực anh, mạnh hơn lần đầu một chút, còn có thêm những luồng khí vụng về mà tươi mát, đầy sức sống từ phía sau, từ bên cạnh anh thổi tới, pha chút nước, như có mưa. 69 ngọn nến tắt ngúm trong tiếng vỗ tay reo hò vang dội cả một góc trời Paris. Trong đám khói bóc lên nghi ngút, người ta bấm máy ảnh, chớp nhoáng lia lịa như cố tình, như hy vọng ghi lại được tấm ảnh trong đó có nụ cười của anh, cái nụ cười đã biến mất trên tất cả ảnh chụp có mặt anh từ mấy chục năm nay rồi. Trong tiếng reo vui, có tiếng ai đó cất lên : ai ăn bánh sinh nhật thì ăn chớ tôi không đụng tới đâu nghen, mấy nhỏ thổi nước miếng văng tùm lum, gớm chết.

Rồi trong phút chốc, trước mặt anh là một núi quà. Người ta đốc thúc anh mở. Lại quần với áo. Quà sinh nhật năm rồi anh còn cất trong tủ, chưa đụng đến. Người ta cứ tưởng đem tiền ra là mua vui được cho anh hay sao ? Những gì anh chờ đợi, mong ước, nơi con anh, nơi cháu anh, nơi vợ anh, và cả cho quê hương đất nước, có ai thèm đếm xỉa đến đâu. Người ta cố tình tăng cường mọi hình thức để lấp liếm. Anh sống cái đời giản dị, chẳng đòi hỏi gì cho chính bản thân mình ấy thế mà có lúc người ta gào thét vào mặt anh : vợ con như vầy, anh còn muốn gì nữa.

Quần áo anh hiện có, mặc tới chết chưa hết, vì anh chẳng bỏ thứ gì. Mấy cái quần xà lỏn vải toteron Nhựt, bằng coton, mỏng, mặc rất mát mà má anh may mấy chục năm về trước, gởi từ Sài gòn qua, hồi chưa chấm dứt chiến tranh, anh vẫn còn mặc. Có một cái rách đít, mất một nửa ống sau, nghe vợ anh bảo đang lúc hai đứa giận nhau, thấy anh ra vô phơi nửa mông đít mà phát… nực.

Chợt nhớ lời vợ thường trách móc kiểu anh mở quà hờ hững, dửng dưng, lần nầy anh cố gắng mở quà hăng hái hơn. Anh ráng làm đầy đủ bổn phận. Người ta giúp anh mở từng món vì lớp dây, lớp giấy, lớp hộp không biết đâu mà mò. Mỗi món quà mở ra, anh nghe tiếng ồ ngỡ ngàng giống y như tiếng của chính mình. Sau tiếng ồ biểu hiện sự hớn hở, anh chìa má cho người ta hôn anh, và ừ một tiếng lớn vì thế nào người ta cũng hỏi anh có bằng lòng không, có vui không ?

Trước mặt anh bây giờ còn sót lại một món quà, không biết cái gì trong đó mà trông đồ sộ quá, một cái thùng hình chữ nhật bề ngang hơn nửa thước. Chừng mở ra thì là cái micro-ondes, lò vi sóng, lò hâm nóng thức ăn. Cái tiến bộ mà bấy lâu nay anh vẫn từ chối. Sống gì mà không còn thấy lửa. Vợ anh bao lần khẩn khoản mua một cái nhưng anh nhất định không là không. Vậy mà ngày nay nó lại đột nhập vào tận nhà anh, nơi ẩn náu cuối cùng của anh, chễm chệ, ngang nhiên qua mặt anh. Anh còn đủ bình tỉnh để không nổi giận nhưng không che giấu nỗi sự thất vọng hiện lên trên nét mặt. Có đứa nào đó thỏ thẻ bên lỗ tai anh : ba ơi, khi nào má về Sài gòn, ba ở một mình, ba hâm đồ ăn, tiện lắm, nghen ba, ba hứa với con là ba dùng nghen ba.

Hóa ra là âm mưu của mấy má con tụi nó.

Khách khứa về hết, nhà vắng tanh.

Cái micro-ondes không đợi nhắc, nhảy lên ngồi trên đầu tủ, nép mình như muốn ẩn trốn trong vô số thùng là thùng.

Bình thường vợ anh tránh nhìn những gì chất chứa muôn đời trong nhà, nay hay nhìn lên đầu tủ về hướng cái thùng đựng cái micro-ondes, có vẻ bồn chồn như sợ muộn màng.

Nhiều năm trôi qua, cái micro-ondes vẫn nằm yên chỗ cũ, không buồn không vui và vợ anh cũng hết ngó lên đầu tủ.

Những ngày vợ anh về Sài gòn, anh vẫn hâm thức ăn trên bếp ga lửa đỏ, nhiều lúc quên cháy khét nghẹt, khói bay mịt mù. Sau mỗi chuyến về thăm nhà trở qua, vợ anh thường hồ hởi kể chuyện tai nghe mắt thấy. Anh nghe giống như nghe chuyện xứ nào, không có chút gì dính líu với cái xứ anh đã ra đi lúc anh mới mười sáu tuổi. Xứ gì không tình không nghĩa, thương yêu mà tính toán, vợ chồng hở chút bỏ nhau. Xứ gì xây dựng cái gì cũng không ra hồn. Tuy không về thăm nhà thường xuyên như vợ anh song anh thấy hết. Chỉ cần nghe sơ qua chương trình xây dựng bên nhà là anh đã vạch ra được ngay các nhược điểm và đề nghị ngay những biện pháp thích nghi, hợp lý.

Anh cảm thấy bực bội, không bằng lòng. Bực bội cái gì và không bằng lòng cái gì ? Anh đã nhiều lần phân tích, giải bày cho cái lưng lúi húi bên bếp lửa kia, như đang nấu cái gì mãi không chín.

Người ta cũng quen dần với cái tính dửng dưng của anh trong những ngày sum họp, con cháu đông vui kéo nhau về.

Đối với anh, mọi sự việc xảy ra chung quanh đều trở nên hình thức, không tình không nghĩa.

Dạo gần đây anh hay nhớ đến ba má anh, mất lâu rồi. Nhớ đời vợ chồng của hai người. Có lúc anh phải thốt lên với vợ anh : anh chưa thấy mối tình nào đẹp bằng mối tình của ba má anh. Vợ anh kêu lên : trời đất, ông già lâu lâu về cho bà già một bụng rồi đi biền biệt, con rơi con rớt khắp nơi, vợ thì không biết bao nhiêu bà, vậy mà đẹp sao !

Anh lại phải bỏ mất cả buổi để giải thích cho cái lưng lúi húi bên bếp lửa ga về cái đẹp trong mối tình nầy để đi đến kết luận : em thấy không, suốt đời má chờ đợi ba, tuy đi biền biệt nhưng rồi cuối đời ba cũng trở về với má, để cùng chết bên nhau, trước sau cách nhau mấy tháng.

Cái lưng đứng lặng thinh. Không nói gì. Hay không còn gì để nói ?

Anh ngừng nói, không khí bỗng lắng xuống, bình yên. Anh lặng lẽ ngắm cái lưng mà chợt thấy nó còn có eo, lẽ ra từng tuổi nầy không thể có eo như thế được. Lạ quá, vậy mà bấy lâu nay anh không để ý.

Ninh Kiều

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Guimet Exposition: Marc Riboud 05/03/2025 - 12/05/2025 — Musée Guimet - Iéna, 6, place d'Iéna - 75116 Paris
Journée d'études du Réseau MAF 26/04/2025 - 26/05/2025
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Tiếng Tơ Đồng - GALA 25 ans 31/05/2025 15:00 - 19:00 — Théâtre l'Agoreine - 63B Bld du Maréchal Joffre - 92340 Bourg-la-Reine
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 20:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us