Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Lớn lên từ những ngộ nhận

Lớn lên từ những ngộ nhận

- Nguyễn Ngọc Tư — published 12/10/2007 00:31, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Phát biểu của Nguyễn Ngọc Tư tại Hàn Quốc vào đầu tháng 10/2007, nhân dịp ra mắt “Cánh đồng bất tận” lần đầu được dịch ra Hàn ngữ.


Lớn lên từ những ngộ nhận

 


 

Nguyễn Ngọc Tư

 

 

Làm sao giải thoát được sự cô đơn, làm sao nói với nhiều hơn một người, tôi tự hỏi mình câu hỏi đó khi bắt đầu tuổi mười tám trên một mảnh vườn thênh thang vắng rợn bóng người. Những năm sau đó thật là dài, như vô tận, với một đứa trẻ luôn cần sự sôi động. Và tôi viết văn. Câu hỏi mà những người thân đặt ra khi nhìn thấy những trang viết đầu tiên của tôi là “ tại sao con viết văn ? ”. Tôi bảo rằng, tại con buồn.

bianntu

Bìa tập truyện Cánh đồng bất tận (bản dịch Hàn ngữ của Ha Jae-hong) vừa xuất bản tại Hàn Quốc

Đó là ngộ nhận đầu tiên của tôi về nghề viết, tôi tưởng viết là sẽ không cô đơn nữa. Nhưng cô đơn là sự tối cần của người viết, nó là một điều kiện hàng đầu của nhà văn. Không một người viết hay nào tôi biết mà không cô đơn, không một thần tượng văn chương nào của tôi mà không bị cô đơn giày vò. Và để chạy trốn nỗi cô đơn trong giao tiếp đơn thuần mặt nhìn mặt, tay nắm tay, việc viết văn đã dẫn tôi đến sự cô đơn khác, đó là ở giữa đám đông mà họ không thấy tôi, hoặc họ thấy một cái gì đó giống tôi, họ tưởng là tôi, nhưng tôi đang đứng ở một chỗ khác, một mình, chờ một bàn tay chạm. Khi người ta bằng mọi cách chạy trốn sự cô đơn thì tôi, và những đồng nghiệp của tôi lại nuôi cô đơn, cho nó ăn để duy trì sự cô đơn tồn tại trong người mình cho cái gọi là sáng tạo văn chương.

Với lý do đó, tôi bắt đầu một ngộ nhận khác, rằng văn chương là công việc đơn độc, đó là công việc thuần tuý cá nhân, ít ảnh hưởng đến những người chung quanh. Nhưng khả năng tác động của văn học với mỗi độc giả đã dạy tôi rằng, một khi tác phẩm đến với bạn đọc, nó không còn là của tôi, và tư duy theo cách của tôi nữa. Mỗi người đọc có một cách nghĩ khác nhau. Nhà văn luôn ở trong tâm thế của một người mẹ phải đưa đứa con ra đường, và để cho nó tự sống, được nâng niu hay ruồng rẫy, được chăm sóc hay chà đạp, bà mẹ không thể làm gì, bởi đứa con đã vượt ra khỏi tầm tay bà. Một người viết dấn thân luôn gặp phải va chạm giữa những tư tưởng, những kiểu hiểu và hành xử khác nhau. Đó là công việc không an toàn chút nào, nó đầy rủi ro, bất trắc. Người viết cũng là một người lính. Tôi hoàn toàn thích cách ví von này, nó làm cho tôi có được một lý do để yêu nghề.

Bởi tôi đã tưởng mình không yêu thích, không đam mê viết. Tôi chỉ nghĩ, đó là một nghề sống được, như người thợ máy, như người thầy giáo, như một viên chức mẫn cán... Tôi sẽ rời bỏ công việc này khi nào tôi không thích nữa. Nhưng văn chương đã ở bên tôi vào những lúc mệt mỏi và kiệt sức nhất, những lúc tôi hạnh phúc, thăng hoa nhất. Và giữa lúc này đây, ở giữa các bạn, những người thuộc một quốc gia khác, với một văn hoá chính trị khác với đất nước tôi, tôi thấy mình yêu công việc sáng tạo văn chương hơn bao giờ hết, yêu vì ngạc nhiên trước khả năng chia sẻ của văn học, đã vượt qua khỏi những biên giới địa lý, những rào cản ngôn ngữ, những khác biệt của lối sống. Tôi vốn là người hay xây những bức tường quanh mình, bỗng một ngày nhận mình cũng có khả năng bắc một nhịp cầu. Và tôi có thể đến với người, nếu muốn.

Tôi sinh sống ở vùng đất Nam Bộ, và những tác phẩm của tôi đều viết về đất và người Nam Bộ. Mảnh đất cuối cùng của đất nước tôi hay mang một cảm giác nhược tiểu của vùng đất mới khai phá, không có cái nền văn hoá dày và sâu, nằm xa những trung tâm văn hoá kinh tế lớn, giáo dục, đặc biệt là văn học ít có thành tựu, không được đánh giá cao trong giới cầm bút, trong những tổng kết của văn học Việt Nam. Bất cứ người viết văn nào xuất hiện ở vùng đất này đều được sự đón nhận nồng nhiệt, tôi cũng vậy. Được xem như một đặc sản của miền Nam, một người viết Nam Bộ thuần tuý, nhận nhiều kỳ vọng của mọi người, đặc biệt là đồng nghiệp, tôi sung sướng, và thấy hài lòng, mình đã làm việc đó cho quê hương, cho mảnh đất này. 

Nhưng sự trải nghiệm của tuổi tác, của thời gian đã làm tôi nhận ra, những gì tôi viết là không gian của riêng tôi, của sự tưởng tượng và sáng tạo. Những đất ấy, người ấy, tôi chỉ mượn cái hồn cốt, giai điệu của Nam Bộ để chuyển tải. Thổ ngữ địa phương chỉ là phương tiện thể hiện ý tưởng và câu chuyện của người viết. Chúng được mọi người xem là phong cách riêng của văn tôi. Nhưng thực chất đó chỉ là một lớp vỏ, tôi muốn bỏ qua cả lớp vỏ đó, để tận mắt thấy trên mảnh đất này, người đời đang lạnh hay ấm, vui hay đau qua làn da, qua từng vết tím, từng cái se lại của lỗ chân lông, thấu thị tận tâm hồn, như một người hành hương về chốn tâm linh không cần bất cứ phương tiện hiện đại nào, chỉ bằng đôi chân trần. Những gì tôi viết, tình yêu, sự dối trá, thù hận, sự tha thứ, hay trả thù, tôi tin rằng chúng xảy ra ở bất cứ vùng miền nào trên trái đất này. Bởi đâu đâu cũng những thân phận, những số phận con người.

Nghề viết, văn chương vốn gây nhiều ngộ nhận, ngộ nhận liên tiếp ngộ nhận. Ngộ nhận ngay từ trên tác phẩm, tưởng chỉ là con chữ nhưng bỗng đâu nhân vật với đầy đủ xương thịt sống động mỉm cười. Tỉnh ra là sự thất vọng bàng hoàng giữa ý tưởng và thể hiện thực tế; giữa cuộc sống bề bộn nóng hổi và sự xa lạ lạnh lẽo của trang viết; giữa thực tài và mơ ước, khát vọng văn chương; giữa cái cảm giác của một người viết ra tác phẩm và của một người đọc để nhìn nhận nó theo cách khách quan.

Tôi luôn tự hỏi, mình đã đủ tỉnh táo chưa, đầu mình đã đủ lạnh chưa cho một trái tim quá nóng ? Những trang viết này có làm mình xấu hổ không, có đi vào lòng người không, có khiến người ta nhớ không ? Những câu hỏi đặt ra chỉ là cách để tôi không phải vướng vào một ngộ nhận sơ đẳng nhất, nhưng dễ giết chết người viết văn nhất, đó là ảo tưởng về mình. Tôi sợ mất mình, sợ lạc mình ở một nơi mà cả đời không tìm lại được vì tưởng mình đã ở quá cao. Thực tế, trong văn học không hề có đỉnh cao nào, và tôi chỉ là người viết cô đơn ngơ ngác bên chân núi.

Chỉ cần giữ được mình, dù thời gian tiếp nối, những ngộ nhận cũng tiếp nối, lên một bậc thang, ngoái nhìn bên dưới, tôi sẽ nhìn rõ hơn con đường mình từng đi. Nó in hằn những bước chân lúc thẳng, cương quyết, lúc chuệch choạc, ngập ngừng.

Ngày mai, khi nghĩ về những gì tôi phát biểu trong cuộc gặp gỡ này, rất có thể tôi sẽ tự cười mình. Bản thân tác phẩm của mỗi người viết văn đã nói lên nỗi buồn, nỗi cô đơn, tư duy sáng tạo, cách nhìn cuộc sống… diễn giải bản thân ngoại phạm vi tác phẩm, mong nhận được sự đồng cảm của các bạn, có thể sẽ là một ngộ nhận khác.

Sự quyền biến sâu thẳm của công việc viết văn khiến tôi có những giấc mơ dại dột của riêng mình và khi tỉnh dậy, tôi luôn thấy mình lớn lên.

 

 

NGUỒN : toàn văn của tác giả gửi đăng trên Viet-Studies

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss