Luang Prabang: nghe đời chầm chậm trôi
Luang
Prabang:
nghe
đời chầm chậm trôi
Vương Minh Thu
Diễn Đàn : Các bức ảnh trong bài đều có thể xem với khổ lớn hơn. Bạn đọc cần bấm chuột nút phải lên hình và làm theo chỉ dẫn.
Hôm rồi cô đồng nghiệp cũ nhắn tin hỏi thăm: “Em nghe nói Tết này chị đi Lào. Đã lắm hả chị?”.
Có lẽ ý muốn đi Luang Prabang đã manh nha từ lâu, khi cách đây gần 20 năm nghe vị sếp người Thuỵ Sĩ của mình bảo ở Lào ông thích nhất là cố đô Luang Prabang, đẹp mơ màng và thanh bình. Thế rồi Tết này cơ duyên tình cờ đưa đẩy, không lên kế hoạch từ trước mà mình và cô bạn quyết định xách ba lô lên và... đặt vé bay đi Lào chỉ trong vòng 5 nốt nhạc.
Viết review về Luang Prabang đã có nhiều người trước mình rồi và chắc chắn là có nhiều bài viết hay với thông tin bổ ích. Thực sự thì theo mình dịch vụ du lịch tại Luang Prabang cũng rất tốt và chuyên nghiệp để bạn có thể tự thiết kế tour. Mình chỉ muốn viết về cảm giác bồi hồi lâng lâng khi bỗng nhiên tìm lại được một cái gì đó thân thương trong ký ức. Cảm giác ấy không chỉ là giai điệu quen thuộc từ thời thơ bé “Hoa đẹp Champa”...
Vừa đặt chân đến Luang Prabang, ấn tượng đầu tiên của mình là Ô, trông cũng giống Hội An nhỉ! Cũng những dãy phố nhỏ, những con ngõ nhỏ (mà mình cứ ngỡ như đang đi trên những Gassen ở Zürich, nếu không có cây cỏ nhiệt đới khắp lối). Những ngôi nhà pha trộn giữa kiến trúc bản địa Lào và thuộc địa Pháp với mái ngói, cửa lùa và sử dụng thật nhiều vật liệu gỗ giá tỵ. Ở khu phố cổ Luang Prabang, san sát những ngôi nhà nhỏ nhắn và duyên dáng như vậy do thường kiêm luôn làm guest house hoặc cửa hàng tạp hoá, tiệm bánh ngọt kiểu Pháp và quán ăn, shop bán đồ thủ công mỹ nghệ xinh xắn. Cũng dập dìu du khách Tây Tàu, cũng dãy quán cà phê ven bờ sông để ngắm hoàng hôn (Luang Prabang là địa điểm check in tuyệt vời để ngắm ánh tà dương chầm chậm buông xuống dòng Mekong, dát vàng lấp lánh mặt sông, rồi khuất dần sau núi). Cũng nét rêu phong, cũng những giàn hoa giấy rực rỡ dưới ánh nắng chói chang, dẫu vẫn chưa đến mùa gió Lào, trong khi sáng sớm và buổi tối tiết trời lành lạnh mát mẻ dễ chịu. Đến nỗi gửi cho con trai một tấm ảnh, cậu chàng hỏi “Ủa mẹ và cô K. transit ở Hội An à?”
Thế nhưng đấy mới chỉ là một kiểu ảnh. Vì Luang Prabang tất nhiên là có nhiều điểm khác với Hội An. Theo mình là đẹp hơn, đường phố sạch sẽ hơn và đậm đà bản sắc hơn. Có vô số những khuôn hình “đẹp như tranh”, khiến mình và cô bạn thay phiên nhau “song kiếm hợp bích” pose ảnh. Chỉ tiếc không đưa được vào ảnh hương hoa xoài thơm ngát.
Nhắc đến “bản sắc”, thú thật là mình cũng băn khoăn không biết hình dung một Luang Prabang của hai mươi năm trước thì như thế nào. Có như vẻ đẹp trầm mặc của Hội An trong những bức ảnh chụp phim âm bản đăng trên mạng, vì mình chỉ đến Hội An những năm sau này. Có còn nhiều nguyên sơ tự nhiên như thị trấn Sapa trong ký ức của mình Tết năm 2000? Nói đi thì cũng phải nói lại, mình có một cơ số tuổi nhất định rồi, nên thích đi du lịch “enjoyable”, chứ không hẳn theo nghĩa “phượt”, thế nên luôn ủng hộ cách làm du lịch có bài bản và phát triển bền vững...
Dẫu sao thì mình nghĩ với bản chất hiền hoà của người Lào, nhịp sống khoan thai, nét đẹp văn hoá truyền thống và tín ngưỡng Phật giáo vẫn sinh tồn trên mảnh đất cố đô nay là một “điểm nóng” trên bản đồ du lịch. Là du khách chỉ lưu lại ở Luang Prabang dăm ngày, bạn có thể đặt chuông đồng hồ dậy sớm một bữa từ tinh mơ 5h sáng, để được chứng kiến cảnh đoàn sư sãi đi khất thực lúc trời còn mờ tối. Nhưng tập quán này này không hề chỉ là trình diễn cho du khách xem, mà thực sự những xôi những bánh trái cúng dường ấy là từ những cư dân đôn hậu, thành tâm dậy sớm, sửa soạn và mang đi cúng thực. Trục phố chính Sisavangvong của Luang Prabang cửa hàng cửa hiệu san sát bán lụa, thổ cẩm, đồ bạc, tượng gỗ mỹ nghệ... đẹp và tinh xảo khiến mình mê mẩn, chỉ tiếc là thời gian và túi tiền cộng hành lý 20kg không cho phép.
Sisavangvong được ôm ấp bởi nhánh chính của dòng Mekong và nhánh phụ có tên là sông Nậm Kha nước ánh màu xanh ngọc. Royal Palace - nơi bạn có thể tìm hiểu lịch sử đất nước và hoàng gia Lào - nằm trên con phố này. Đó cũng là con phố tập trung nhiều chùa cổ đẹp nhất ở cố đố của vương quốc Lạn Xạn, có đến 34 chùa, hiện nằm trong danh sách bảo tồn của UNESCO.
“Must see” là chùa Xieng Thong, được dựng năm 1560, với nghệ thuật trang trí mosaic tuyệt mỹ ấn tượng. Mà thôi, từ đầu mình đã bảo là review về chùa chiền ở Luang Prabang- có nghĩa là thành phố của tượng phật vàng- đã có nhiều rồi...
Trường Mầm non và trường Tiểu học Luang Prabang nằm kế nhau, ngay trên con phố chính, đoạn giữa chùa Sene và chùa Xieng Thong. Lại phải lan man tí là mình chưa từng thấy những cây bông trang cổ thụ (ngoài Bắc gọi là hoa mẫu đơn) đẹp như ở chùa Sense.
Đối diện trường là một dãy các shop tấp nập du khách thập phương. Thế nhưng, ngôi trường là một không gian mở từ trong ra ngoài đầy cây xanh, hoa lá tươi tốt. Không thể không nán lại vài phút nơi cổng trường có một sạp nhỏ bán đồ ăn thức uống học trò, nép dưới tán cây me già chi chít trái...để thả hồn về những ngày đi học thơ bé xa xưa...Cửa các lớp học mở toang, vang vang tiếng ê a đọc bài. Bao nhiêu kỷ niệm ùa về. Cũng bảng đen phấn trắng, cũng những em bé nô đùa vui vẻ trên sân đất nện trong giờ ra chơi, cũng đồng phục áo trắng váy xanh, đeo khăn quàng đỏ, có khác chăng là váy Sinh truyền thống của người Lào. Và, cũng cây bàng lá đỏ lặng lẽ đứng nơi góc sân trường. Khác chăng là có cả cây đậu anh đào đang mùa trổ hoa, đẹp mãn nhãn! Bất chợt văng vẳng trong đầu mấy câu trong bài “Khi bắt đầu của những năm ba mươi” của nhà thơ Du Tử Lê:
“Ôi trí
nhớ ta cùn nhụt,
chỉ còn ghi ảnh
hình
chú nhỏ ngây ngô một
mùa đông xưa cũ.
Một chú
nhỏ nhà quê
giữa sân trường
Hàng Vôi lá bàng rất đỏ
mới
thoáng đó
còn đâu đây”
Nghĩ cũng lạ lùng, qua đến Lào để thấy lòng dậy lên nỗi xúc động khi bắt gặp những hình ảnh thân quen thuở nào...Nhưng chẳng phải cái người ta ước ao và khó thành hiện thực nhất là được xem lại cuốn phim dĩ vãng của chính đời mình đó sao?
Và, chắc chắn mình sẽ còn quay trở lại Luang Prabang, vì những trải nghiệm mới. Để leo 328 bậc thềm lên đỉnh núi Phousi thăm chùa Phousi, đây cũng là vị trí cao nhất để ngắm Luang Prabang thơ mộng trong ánh hoàng hôn hay bình minh. Để đi bộ qua cây cầu tre bắc qua sông Nậm Kha, bên kia sông có những làng nghề truyền thống dệt lụa, dệt thổ cẩm, làm gốm và làm tranh giấy dó. Để xuống bến thuyền mua tour đi thác Tad Sea, được mô tả là nổi tiếng vì có làn nước xanh như ngọc bích đẹp tuyệt vời. Lần này mình đi thác Kuang Si mà thấy màu nước xanh trong vắt của con thác có nhiều tầng trải dài cả cây số đã đẹp lắm rồi! Để đi Pak Ou Caves, hang động này cách Luang Prabang 25km, có khoảng 1000 tượng Phật cổ. Để thuê một chiếc xe đạp, lang thang đến những bản (thú vị là những địa danh ở Luang Prabang đều bắt đầu bằng “Ban”- Bản trong tiếng Việt) nằm ở ngoại vi Luang Prabang, trên đường ra sân bay ngang qua đây mình thấy cũng có nhiều ngôi chùa toạ lạc cạnh những nếp nhà sàn Lào đẹp dung dị. Lào có...Lào có...Lào có... Như một cô bạn của mình đã nhiều lần đi Lào đúc kết, thì “Lào chả có gì, chỉ có thanh bình, mà sao đẹp thế!”.
Vương Minh Thu
Các thao tác trên Tài liệu