Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Mảnh đạn

Mảnh đạn

- Kiều Giang — published 21/03/2021 12:30, cập nhật lần cuối 22/03/2021 21:58

Truyện ngắn


MẢNH ĐẠN


Kiều Giang



1. Huy trở lại quán café có tên “Café không ngủ” vào một đêm cuối đông. Đêm cao nguyên đã khuya, giờ này chỉ còn những khách giang hồ lãng tử ở phương xa “không nhà” như Huy, dừng chân để thưởng thức đêm không ngủ nơi phố núi trầm lắng mơ màng trong cái se lạnh. Cách đây đã 30 năm, anh cũng đã từng có “một đêm không ngủ” ở nơi thành phố “rất quen mà rất lạ” này. Ngoài kia mưa bụi phủ mờ ánh đèn cao áp đang cố gắng nhả những giọt vàng xuống con đường chập chờn trong giấc ngủ đông. “Cái thành phố đang thức trong hồn anh, chắc lại đang ngủ quên trong nỗi đa đoan thời cuộc của nó. Đã 30 năm rồi, còn gì!”, Huy thầm nghĩ.

Huy mang theo hơi lạnh của trời đất và trái tim buốt giá của mình bước vào quán. Quán vắng tanh, chỉ có hai cô gái gục ngủ lên cái bục làm bằng nứa ghép, cao quá ngực. Huy chọn chỗ, ngồi vào chiếc ghế mây dạng salon có lót nệm bông, kê bên chiếc quầy, để tìm chút hơi ấm còn rơi rớt lại, của một thời thanh xuân đã mất. Bỗng dưng anh cảm thấy sự trống rỗng cho cuộc sống độc thân ở tuổi năm tư của mình. Nhưng may quá, giọng ca ma quái của Khánh Ly: “nghìn trùng xa cách, người đã đi rồi, còn gì đâu nữa mà khóc với cười…mời người lên xe về miền quá khứ…” dội vào lòng anh, da diết, xa xăm, giúp anh lướt qua cơn mộng…

Anh rít một hơi dài, mùi thuốc lá thơm lan tỏa khắp phòng, bàn tay không còn cóng buốt, anh khẽ gảy vào cái gạt tàn, rồi ngước lên gọi:

‒ “Cô chủ quán ơi!”.

Anh gọi đến 3 lần, cô gái mới giật mình, ngẩng lên, sững sờ nhìn Huy rồi định thần, đáp:

‒ “Xin lỗi ông, tôi ngủ quên. Cảm ơn ông đã gọi. Đêm nay lạnh quá, tôi cứ ngỡ là không có khách”.

Ngừng một lát để quan sát ông khách đặc biệt, cô gái tiếp:

‒ “Thưa ông dùng gì ạ?”.

Huy cho cả hai tay vào trong túi áo mân‒tô, sửa lại tư thế ngồi, rồi đăm đăm nhìn cô gái, dò xét. Hình như cô hao hao giống một người, nhưng anh chưa dám tin vào đôi mắt trong ánh đèn mờ cùng trí nhớ có thể đã hao mòn theo tháng năm của mình. Càng về đêm, cái rét càng đậm, Huy bước ra khép kín cánh cửa ra vào. Trong quán chỉ có 3 người, nhưng cô nhân viên phụ việc vẫn còn say ngủ. Người khách lạ ngắn gọn:

‒ “Cô cho tôi cà phê phin đen”.

Cô gái “dạ” rồi bước lại quầy chế biến. Huy nhìn theo, anh nhẩm trong đầu: “cũng thon thả cao, cũng mái tóc đen mượt, đôi mắt nhung như gợn sóng, đôi vai gầy như níu cả trời cao, mình đã lớn tuổi nhưng không thể nhầm lẫn được!”. Ký ức như đang ùa vào nhảy múa trong đầu anh, vừa sinh động vừa buốt giá. Hạnh phúc và khổ đau cứ quấn chặt vào nhau. Nhưng Huy mừng thầm trong bụng “phải chăng hôm nay ông trời cho ta một cơ hội”.

Cô gái bưng tách cà phê lại đặt xuống bàn, dưới ánh mắt của người đàn ông đang dán chặt lên người cô, rồi định quay đi. Huy vội lên tiếng:

‒ “Cô hãy thong thả, xin mời cô ngồi, tôi có chút việc, muốn hỏi thăm cô”.

Cô gái giữ nếp chủ‒khách,vẫn đứng. Ông khách lạ nói như phân trần:

‒ “Cô cứ ngồi, không sao đâu, dù giữa đêm khuya, trong quán bây giờ chỉ có 2 người, nhưng cô thấy đó, từ đầu, tôi vẫn tôn trọng cô. Câu chuyện của tôi hơi dài, nên cô đứng e không tiện”.

Cô chủ quán ngại ngần, ngồi xuống ghế đối diện với khách.

Huy cầm thìa khuấy nhẹ vào ly, tiếng lanh canh khua vào không gian làm tăng thêm sự tĩnh lặng. Anh thong thả:

‒ “Thú thật với cô, đây là lần thứ hai tôi đến quán này. Vẫn cái tên “Café không ngủ”, nhưng bây giờ khang trang hơn, bài trí lịch sự và hiện đại hơn, nhưng với tôi, cách đây 30 năm và bây giờ, dù vật đổi sao dời, cả cảnh trí và con người, gần như không có gì thay đổi”.

Cô gái chăm chú lắng nghe, hình như cô thoáng cau mày khi nghe Huy nhắc đến từ “30 năm”.

Huy đột ngột khẩn khoản:

‒“Xin lỗi cô, không biết tôi có làm phiền cô nhiều lắm không, nhưng hôm nay tôi không thể giữ mãi một cái dấu chấm hỏi quá lớn, đã khắc khoải trong đầu tôi suốt 30 năm. Và có lẽ chỉ có cô là người có thể giúp tôi lật ngược dấu chấm hỏi đó”.

Người đàn ông đôi mắt rực sáng và hình như cô chủ quán trẻ tên Thảo Nguyên cũng đang ngạc nhiên nuốt từng lời của người khách lạ.

Thời gian cứ chìm sâu vào đêm, không biết người đàn ông đã hỏi những gì, nhưng sau đó người ta chỉ nghe thấy tiếng của họ trộn vào nhau, có khi đều đều, có khi dữ dội trong nước mắt, từng giọt thời gian rơi vào không gian trắng tĩnh lặng, chỉ có hai người…


2. Sau khi thất thủ Buôn Mê Thuột, Pleiku trở thành một chảo lửa chiến tranh, đang nóng lên từng giờ từ khi có lệnh rút bỏ Tây Nguyên của chính phủ Sài Gòn. Trên đường phố, từng đoàn xe tải và xe công‒voa nhà binh nối đuôi nhau, lính đứng trên xe lăm le súng chỉa sang hai bên đường, sau xe còn kéo theo rơ‒mót là những khẩu cối pháo dính đầy bùn đất đỏ. Bên mép đường, cả một đoàn xe gắn máy, xe đạp thồ hàng, thồ người, tranh nhau chạy, đoàn xe nhấn còi inh ỏi. Hai bên vỉa hè người đi bộ gánh gồng đồ đạc thiết thân cùng những đứa bé ngồi trong thúng nang tre hoặc thau nhựa, những đôi mắt thất thần ngơ ngác. Nhiều người mẹ vừa chạy vừa gọi tên con đi lạc, gào khóc thất thanh. Thỉnh thoảng người ta nghe tiếng một trái pháo 122 ly nổ đâu đó, thật gần. Một cảnh tượng bi đát, hoảng loạn, tuyệt vọng.

Vì ngả xuống Qui Nhơn trên quốc lộ 19 đã bị bộ đội Bắc Việt cắt đứt nên đoàn xe và người chỉ còn hướng thị trấn Phú Bổn, về đường số 7, xuống thị xã Tuy Hòa, Phú yên. Bộ tư lệnh quân đoàn 2 quân đội miền Nam cho đoàn quân và người di tản rút chạy theo hướng này là đã rơi vào cái bẩy và ý đồ chiến thuật của phía bên kia, vì đây là con đường đường nhựa hai bên là rừng rậm, nhỏ hẹp bong tróc, từ lâu không được tu sửa, rất khó cho xe cơ giới di chuyển cùng lúc với người bộ hành chen lấn nhau, họ đã liều đi vào chỗ chết để tìm sự sống.


Trong đêm trực chiến, Quang như ngồi trên lửa vì mất liên lạc với vợ. Tờ mờ sáng, vừa hết ca trực, anh nhấc điện thoại gọi lại về nhà như mọi khi, nhưng đầu dây bên kia, chuông cứ reo từng hồi dài, không có ai nhấc máy, chứng tỏ tổng đài dân sự, nhân viên đã không còn ai làm việc. Anh vội vã chạy ra cổng phi trường để về nhà may ra còn kịp đưa vợ đi chuyến bay bằng trực thăng UH60 Blackhawk cuối cùng vào 8 giờ, về sân bay Tuy Hòa do chính anh làm phi công trưởng.

Quang hớt hải chạy ra cổng phi trường, nhưng cổng đã đóng kín bằng mấy lớp rào kẽm gai. Anh tiến lại gần bót gác lên tiếng:

‒ “Thiếu úy cho tôi ra ngoài một lát rồi trở lại ngay”.

‒ “ Đại úy đã biết rồi, lệnh của chính Trung tướng tư lệnh vùng, là nội bất xuất, ngoại bất nhập, ai bất tuân, bắn bỏ!”, viên sĩ quan binh chủng dù lạnh lùng đáp.

‒ “Nhưng vợ tôi bụng mang dạ chửa, từ đầu đêm qua tôi không liên lạc được với nàng, mọi người đã di tản khỏi thành phố, chẳng lẽ anh cam tâm để cho nàng khóc cạn nước mắt trước khi rũ chết một mình với đứa con sắp chào đời, trong cái thành phố hoang lạnh chết chóc này hay sao?”.

Viên sĩ quan chỉ huy toán canh đăm chiêu một lát rồi nói:

‒ “Tình cảnh quá bi thiết, thật sự tôi cũng không cầm lòng. Thôi đại úy đi đi, nhưng nếu cấp trên phát hiện thì chúng ta cùng chết vậy, biết sao!”.

Ra khỏi cổng sân bay, Quang cắm đầu chạy một mạch về nhà cách đó chừng vài cây số. Đến nơi, một cảnh tượng làm cho Quang rùng mình, tất cả mọi cánh cửa trong khu gia binh đều mở toang, trống hoác, không có một bóng người. Anh chạy vội vào nhà, mọi vật trong nhà vẫn còn nguyên, anh lục lọi mọi ngóc ngách, như thể người ta đi tìm kim, nhưng Thu Sương của anh thì biệt tăm. Hàng ngàn dấu chấm hỏi về nàng đang bủa vây anh. Nỗi cay đắng tuyệt vọng chặn ngang cổ, anh không nuốt nổi giọt nước bọt. Ngơ ngẩn hoảng hốt, vô vọng, lạnh lùng như địa ngục. Anh mở tủ, quần áo và đồ dùng của Thu Sương chỉ mất mấy bộ đồ ngủ. “Thật kỳ lạ, không biết nàng đã đi đâu, theo đoàn di tản chăng, ai đưa nàng đi…”, anh lẩm nhẩm rồi buông mình lên chiếc giường ngủ của hai vợ chồng, ngồi gục mặt xuống đôi bàn tay, không khóc nổi, nhưng nước mắt cứ trào ra rơi xuống nỗi đau không tên tuổi, trùm lên hồn mình. Cuối cùng anh đứng lên chiếc ghế, gỡ tấm ảnh chân dung chụp với Thu Sương trong ngày cưới. Rồi không hiểu sao, ôm tấm ảnh, anh vụt ra khỏi nhà, như một cái máy, miệng không ngớt, “Thu Sương ơi…Thu Sương ơi…,Thu Sương… anh đây, em ở đâu… con anh ở đâu…”.

Quang cũng không biết mình đã chạy qua bao nhiêu dãy phố trong một thành phố đang chết dần. Thỉnh thoảng mới có chiếc xe gắn máy vụt qua. Trả lời cho tiếng gọi thất thanh của anh, chỉ còn là những tiếng đạn pháo từ xa vọng vào sự trống vắng đến rợn người … Kiệt sức, cuối cùng, Quang dừng lại, hổn hển ngồi bệt xuống vỉa hè như một đứa trẻ: “Thế là hết, hết thật rồi. Ôi tạo hóa! Bàn tay của tạo hóa thì rất tài hoa, nhưng sao trò chơi của tạo hóa thì lại vô cùng rồ dại mà một trong số đó là tạo ra chiến tranh”. Quang bàng hoàng chua chát: “Đã có lần con chim sắt bị bắn hỏng máy đáp khẩn cấp xuống giữa rừng, phải mò mẫm cả mấy ngày trong đói khát mới thoát ra khỏi rừng, nhưng chưa bao giờ ta thấy tuyệt vọng như hôm nay. Không biết cái địa ngục nơi âm phủ có khủng khiếp bằng cái địa ngục nơi trần gian giữa lúc này không?”. Người sĩ quan Pilot, mới hôm qua còn mang đầy dáng vẻ kiêu hùng, mà lúc này lại thất thểu như một đứa trẻ, một tên lính bại trận trở về, một cái xác di động không hồn. Mặt cúi gằm, anh lê bước về hướng phi trường, trên người vẫn còn dính bộ quần áo phi công bó sát, ướt đẫm mồ hôi. Thỉnh thoảng anh quay nhìn về hướng nhà mình: “anh thật sự mất em rồi, Thu Sương!”.

Màn sương trắng đục phủ một màu tang lên con đường trước mặt Quang.


3. Năm1973, chiến tranh tràn về các vùng quê nghèo. Ở các vùng xôi đậu, không khí chết chóc đè nặng lên từng thôn làng, khi thì anh du kích phơi thây ở bờ ruộng, khi thì thì ông trưởng thôn gục chết ở giữa sân một trường tiểu học, gần như không đêm nào dân làng không phải vùi nông những xác chết nơi gò đống, không cần bia mộ. Ít có cái xác nào được mai táng tử tế.

Để giữ lấy mạng sống, hầu hết các gia đình đều phải gom nhóp chút của cải dành dụm được từ từng giọt mồ hôi trên những cánh đồng cằn khô để đi về thành phố. Nơi ở mới của họ có thể là một trại tạm cư chật chội, tồi tàn, người may mắn hơn, thì được bà con đã định cư lâu ở nơi đó cưu mang. Gia đình Thu Sương cũng thuộc vào hoàn cảnh khó khăn đó.

Sau một năm định cư ở Pleiku, Thu Sương làm đám cưới trong nước mắt với Quang, một sĩ quan không quân, do một người bác họ mai mối, vì cô chưa thể nào quên Huy, một mối tình thơ ngây, thanh khiết như những giọt sương thu trên huyền thoại tên cô.Thu Sương chập chững bước vào cuộc đời làm vợ, nhiều đêm, Quang đi trực, nàng một mình, lưng tròng nước mắt hướng về quê hương, không biết giờ này Huy đang lưu lạc nơi nào, còn nhớ đến nàng không?

Rồi đối diện với một chàng phi công điển trai, lịch lãm, hết sức si mê trước sắc đẹp thu hút, dịu dàng của vợ, Thu Sương cũng đã dành một một phần trái tim không lành lặn của mình cho chồng. Cô được chồng đáp lại tình yêu đó và cô đã tìm được hạnh phúc bên Quang.


Đã 8 giờ tối, không thấy Quang về mà cũng không gọi điện, Thu Sương thấp thỏm trong lo âu tuyệt vọng. Nàng không biết là tại sao anh không về, mà cái điện thoại cũng câm lặng đến lạnh lùng! Cô không dám đi, vì nếu anh về thì biết tìm cô ở đâu! Hơn nữa từ sáng tới giờ bụng cô đã đau âm ỉ, nếu đi theo đoàn người di tản không có ai thân quen, lỡ sinh con giữa đường thì biết làm sao, lòng dạ Thu Sương như tơ vò…Linh tính mình sắp sinh đứa con đầu lòng, vì cơn đau bụng mỗi lúc mỗi nhặt, nàng mở tủ xếp một ít quần áo mặc ngủ và vật dụng cần thiết cho trẻ sơ sinh mà cách đây không lâu cô và Quang cùng đi sắm ở ngoài chợ.

Nửa đêm, cơn đau dữ dội bắt đầu hành hạ Thu Sương. Nhìn ra đường nàng chỉ thấy thỉnh thoảng một vài chiếc xe gắn máy vụt ngang qua nhà, cô quyết định phải cố lết đến bệnh viện, may ra đứa con trong bụng mới được cứu sống.

Lê bước được khoảng vài chục thước, cơn đau bụng làm đôi chân cô run, Thu Sương cắn môi, cố chống lại, nhưng không sao bước thêm được nữa. Cô đặt cái túi xách xuống đất, ngã người lên đó rồi chỉ còn biết ôm bụng lăn lộn.

Thành phố khuya lặng lẽ như một bãi tha ma, trên cao chỉ có tiếng lá cây xào xạc, xa xa là tiếng động cơ của những phi đội trực thăng cuối cùng. Tuy đã giữa mùa xuân nhưng cái lạnh của mùa đông còn len vào hơi thở của một thành phố đang chờ chết. Quá nửa cư dân đã bỏ nhà cửa ra đi bằng bất cứ phương tiện nào kiếm được, những người ở lại đa số là dân nghèo, họ nghĩ, có ra đi cũng không sống nổi khi bom đạn chiến tranh vẫn còn tiếp tục đuổi theo họ.

Một chiếc xích lô lạc lõng giữa đêm khuya chạy ngang qua, thấy người đàn bà đang nằm co quắp rên rỉ bên đường, bác tài già, dáng đen đúa cằn cỗi, râu tóc hoa râm, vội dừng xe, thao tác nhanh nhẹn, đỡ người thiếu phụ dậy, thấy cái bụng bầu, bác chợt hiểu…Thu Sương chỉ kịp nói khẽ “ bác đưa dùm tôi tới bệnh viện gần nhất, kẻo tôi chết mất”. Người đàn ông vội đỡ thai phụ lên chiếc xích lô, cầm tay nàng đặt vào cái cần mui che bằng vải đã rách bươm, rồi hối hả cúi rạp người xuống cần lái, đạp nhanh về phía bệnh viện…

Bệnh viện vắng hoe, hành lang chỉ có vài chiếc bóng đèn tròn nhả ánh vàng thoi thóp. Bác xích lô đỡ thai phụ trên vai, vừa đi vừa gọi: “Cấp cứu…cấp cứu…cấp cứu…”. Nhích thêm khoảng mươi bước, bác nhác thấy ở cuối hành lang hai cô gái mặc áo bơ‒lu trắng từ trong phòng cấp cứu đi ra. “May quá”, bác nói thầm trong bụng.

Sau khi đặt người đàn bà như gần hết hơi thở lên chiếc băng ca, bác xích lô gật đầu chào hai cô nhân viên y tế rồi lặng lẽ xách cái túi quần áo của một cô gái lạ, ra ngồi trên chiếc ghế đá chờ ngoài hành lang, cẩn thận quàng cánh tay vào hai quai túi, gục đầu lên đầu gối lim dim ngủ…

Có tiếng một loạt súng trường đì đùng gần đâu đó, bác giật mình thức giấc, lầu bầu: “ mẹ kiếp, bên này đi cả rồi mà”. Bác nhìn ra ngoài, trời vẫn còn tối mịt, chỉ có mấy bóng đèn uể oải nhả ánh vàng xuống dãy hành lang vắng lặng, càng làm rõ thêm tiếng đàn muỗi đói vo ve. Có lẽ đêm qua chúng cũng no say nhờ tấm thân gầy như củi mục của bác. Nhưng rồi bác thầm nghĩ “không sao, chúng cũng cần phải sống !”. Người xích lô già lần bước về phòng cấp cứu, đẩy nhẹ cánh cửa, thò đầu nhìn vào trong. Cô y tá trực phát hiện người đàn ông đêm qua đưa thai phụ đến, vội đi ra hỏi:

‒ “Bác là người nhà của sản phụ?”.

‒ “Dạ không, tôi đạp xích lô, vô tình đi ngang qua, thấy cô gái bụng bầu đang quằn quại trên lề đường, tôi vội chở cô đến đây. Nửa đêm, cô chỉ có một mình với cái túi quần áo, tôi biết cô không có người thân, nên tôi ngủ lại trên ghế đá ngoài hành lang, để xem cô ấy có cần tôi giúp gì nữa không”.

Ngưng một lát, bác lại hỏi:

‒ “ À, mà cô, mẹ tròn con vuông không?” .

‒ “Tốt đẹp rồi, một bé gái, rất may là còn kịp”. Cô y tá đáp.

Bác xích lô bỗng đưa mắt lên trần nhà như thầm cảm ơn một đấng quyền năng nào đó, bác chỉ sợ dại, rủi cô gái xinh đẹp kia phải ra đi, khi vượt cạn trong đêm lạnh lùng lửa đạn một mình.

‒ “ Cô cho tôi gặp cô ấy một chút được không?”, bác xích lô ngại ngần hỏi.

‒ “Được chứ. Nhưng bác phải rất khẽ, vì cô ta và đứa bé còn rất yếu. Đêm qua khi nhớ lại, cô ta có hỏi cái túi áo quần của mình”, cô y tá trẻ, người nhỏ nhắn trả lời.

Người lái xích lô bỏ dép ngoài cửa, khe khẽ tiến về phía giường sản phụ. Bác lặng nhìn người phụ nữ tuy vừa vượt qua thời khắc thập tử nhất sinh, nhưng nét đẹp hiện lên khuôn mặt như một thiên thần, bất giác, không hiểu sao, bác lại thở dài…Bác quên bẵng lời dặn của cô hộ sinh, gọi khẽ “cô ơi”. Thu Sương mở mắt, nhớ ra bác xích lô đã đưa mình đến bệnh viện đêm qua, ánh mắt như có ý tra vấn. Nhận ra nét bâng khuâng trong đôi mắt cô gái trẻ, bác cầm chiếc túi đưa lên rồi nói:

‒ Túi quần áo của cô, tôi giữ đây”.

Thu Sương mừng ra mặt rồi nói:

‒ “Cháu cảm ơn bác đã cứu sống mẹ con cháu, ơn này cháu xin ghi trong dạ suốt đời”.

Nàng thầm nghĩ bác xích lô già đã thay ông trời, mở ra một cánh cửa dẫn đến con đường sống cho mẹ con nàng đúng vào lúc nàng đang rơi vào tay tử thần. Bác xích lô xua tay:

‒ “ Xin cô chớ nói đến chuyện nghĩa nhân, gặp tình cảnh của cô đêm qua, thì bất cứ ai cũng làm như tôi”.

Thu Sương như sực nhớ ra:

‒ “Ủa, mà nhà bác ở đâu, đêm qua bác không về, người nhà không lo lắng cho bác sao?”.

‒ “Tôi làm gì có nhà, cũng chẳng còn ai là người thân trong thị xã này nữa”. Ông cúi xuống im lặng. Người thiếu phụ nhìn ông, ánh mắt tra vấn xa xăm. Người xích lô hiểu ý, nói tiếp:

‒ “Một quả đạn pháo đã giết chết cả nhà tôi, vợ và 3 đứa con, trong khi tôi ra đồng, cách đây 2 năm trong một ngôi là tranh nghèo nàn ở một vùng quê Phú Yên”. Mắt ông rơm rớm đỏ, tiếng nói nghẹn lại. “Không hiểu sao, tôi chỉ nghe một tiếng nổ của quả pháo, không biết từ bên nào, mà có đến 4 mạng người, thân xác đã phân thành từng mảnh. Tôi hoảng loạn. Hàng xóm bỏ đi hết. Sau khi chôn cất vội vã, nhà cũng không còn, tôi như người mất hồn, một gã khờ không còn hướng đi cho đời mình, chạy sảng lên đây định nương náu với người em họ. Nhưng cũng không ngờ, cậu em đã bán nhà đi Sài Gòn cách đó không lâu, tôi trở thành kẻ lang thang bất đắc dĩ…”, ông già kết luận.

‒ “Vậy bây giờ bác ở đâu?”, Thu Sương trở nguời, xót xa.

Người xích lô phân trần tiếp:

‒ “Tôi mua chiếc xích lô cũ, ban ngày đạp kiếm cơm, ban đêm làm cái giường lưu động đặt dưới các mái hiên rộng dọc đường. Một hôm, tình cờ tôi cứu cậu con trai của ông hiệu trưởng một trường trung học, bị tai nạn xe, thương tình, ông gọi cho ở tạm trong nhà kho chứa dụng cụ lao động của trường. Trong cái kho đó, tôi không có gì đáng giá, nên cửa bỏ thuông luông, đêm tôi có về hay không về cũng không có ai để ý.”.


Ra khỏi bệnh viện, mặt trời đã lên cao, đường phố im ắng, lác đác chỉ còn mấy chiếc xe đạp thoáng qua, cảnh tượng thành phố như đang lột xác. Ở các ngả tư, ngả ba, trước đây lính cộng hòa canh gác, bây giờ thay vào những cái lô cốt dựng bằng bao cát, là các toán lính phía cách mạng, áo màu xanh lá, mũ cối hoặc tai bèo, súng vác vai, chăm chăm vào người qua lại, vẻ nghi ngờ, dò xét. Bác Tư xích lô không đi thẳng về nhà Thu Sương như lời cô dặn, mà ngoặc về cái “nhà kho” để tắm rửa thay bộ đồ lâu ngày đã bốc mùi, và giải quyết cái bộ râu sầu đời chết tiệt của bác. “Đành rằng rồi cô gái sẽ cho mình một nơi tươm tất hơn để gửi thân, trong những ngày còn lại của cái mạng già, nhưng cái kho đó đã che mưa nắng cho ta gần 2 năm. Dù nó chỉ là một vật vô tri, nhưng ta không được hắt hủi”, bác nghĩ.


4. Thu Sương nằm viện đã được nửa tháng, thiết bị y tế của bệnh viện cũng cạn dần vì phải lấy để chi viện cho chiến trường. Hôm nay, dù người mẹ và đứa bé vẫn còn yếu, nhưng lãnh đạo mới của bệnh viện quyết định cho nàng về. “Bản năng sinh tồn dạy cho ta được nhiều điều”, nàng nghĩ. “Từ nhỏ giờ, đâu có ai dạy mình cách nuôi con, thế mà chỉ cần bác Tư chỉ cho mình đôi động tác, nay thì cũng bớt lóng ngóng rồi”.

Sáng nay, sau khi sắp xếp lại vật dụng trong nhà cho nó ngăn nắp, phù hợp với một căn nhà có người nằm cữ , bác Tư khóa trái cửa, dẫn chiếc xích lô đã được lợp lại cái mui, đạp thẳng tới bệnh viện. Không hiểu sao, trong lòng bác thấy vui, bác cười thầm, triết lý: “ Bom đạn đôi khi cũng có cái hay, miễn là nó không tàn phá. Nếu như ngày thường, trong cái đêm người thiếu phụ trẻ bỏ trống nhà, trong cơn đau, cho đến trưa hôm sau ta mới về khóa cửa, kẻ trộm đã không tha cho một cái rác nào”.

Quá nửa buổi, bác Tư hớn hở dắt chiếc xích lô lên lề đường, trên xe là mẹ con Thu Sương, thẳng vào căn nhà trong trại gia binh. Bác bỗng khựng lại, vì thật lạ, trên cái ổ khóa lại có dán thêm một tờ giấy, chữ to nguệch ngoạc: “nhà này thuộc diện nhà nước quản lý, không phận sự, cấm vào”. Cuối tờ giấy là con dấu đỏ chót với chữ ký của chủ tịch phường 10, Lâm Văn Thắng.

‒ “Bây giờ chỉ còn cách bác chạy lên phường gặp cho được ông chủ tịch tên Thắng, trình bày hoàn cảnh bi đát của tôi, may ra ổng thương tình cho người xuống mở cửa”, Thu Sương ôm con, dáng ủ rũ, ngồi bệt xuống nền xi‒măng, tựa vào cánh cửa, nhìn bác Tư, mệt mỏi nói.

Mặt trời gần đứng bóng, một người tuổi trung niên trong bộ quân phục xanh lá rừng, đeo bên hông một khẩu K54, đội mũ cối, trông khá oai vệ, gương mặt khắc khổ, cằm hơi lệch bỡi một mảnh đạn cối để lại vết sẹo vừa mới lành da, theo bên là một cậu lính trẻ, vai đeo khẩu AK. Cả hai lặng lẽ tiến về phía sản phụ đang cúi mặt che nắng cho đứa con bọc trong chiếc khăn lông trắng. Sau khi liếc nhìn dò xét, người cán bộ hất hàm hỏi:

‒ “Này cô gái kia, cô có yêu cầu gì với tôi?”. Người thiếu phụ trẻ giật mình ngẩng lên ngơ ngác nhìn người cán bộ phường, bất ngờ, lạ lẫm. Trong khi đó, người sĩ quan quân quản là chủ tịch phường cũng khựng lại vì cái vẻ đẹp đầy thu hút của cô gái “một con” vừa tròn đôi mươi. Hình như cả hai đều trải qua một thoáng suy nghĩ rất ấn tượng mà cũng rất mơ hồ. Cuối cùng cô gái rụt rè đáp:

‒ “ Thưa cán bộ, đây là nhà của em. Nay em sinh con mới được nửa tháng, nếu nhà bị tịch thu, em bị đuổi, mẹ con em biết đi đâu!”.

‒ “Chồng và người thân của cô đâu?” ông cán bộ hỏi.

Cô gái rơm rớp, nghẹn ngào:

‒ “ Chồng em chết trận Dakto cách đây 6 tháng, người thân của em cũng theo dòng người di tản cả rồi, em cận kề ngày sinh nên không đi được”.

‒ “Chồng cô khi chết, cấp bậc gì trong quân đội ngụy?”.

‒ “Dạ thưa cán bộ, hạ sĩ”.

Đắn đo một lúc, rồi không biết vì thương cảm hoàn cảnh, hay vì sắc đẹp của thiếu phụ, người sĩ quan trẻ kéo anh lính ra chỗ khác, nói: “Đồng chí xé niêm phong cửa đi, trong hoàn cảnh này, vì lý do nhân đạo, ta chưa thể đuổi cô ta đi được”.

Với lý do là không thể đuổi một sản phụ cùng đứa bé sơ sinh ra khỏi nhà khi tiếng đạn bom còn lẩn khuất đâu đó trong cái thành phố đang cạn kiệt từng ngày, người sĩ quan chủ tịch phường trẻ tuổi tuần nào cũng đến thăm và “làm việc” với Thu Sương về nhân thân của cô, vừa ra vẻ thương cảm, ve vãn, vừa đe dọa, kể công.

Thế rồi ngày tháng cũng mặc nhiên đè lên thân phận con người. Một năm trôi qua, ông chủ tịch phường ngày càng đắm đuối vẻ đẹp của Thu Sương, đồng thời cô cũng dần rơi vào cảnh khốn cùng vì chút ít tiền dành dụm đã hết sạch cho việc nuôi con. Khi đôi mắt của người sương phụ càng đen buồn sâu thẳm, thì nó cũng càng hốt hồn người thanh niên đã từng lăn mình vào khói lửa chiến tranh gần hai mươi năm mà chưa biết hưởng chút hơi hám của một người đàn bà đài các như nàng. Ông đại úy chủ tịch phường bỗng chơi vơi trong cái hố tình không đáy do chính mình tạo ra. Từ đấy ông đẩy người xích lô già lâu nay vẫn cơm nước hầu hạ người thai phụ non yếu ra khỏi nhà và biệt phái một người lính thân tín đến giúp đỡ Thu Sương. Ông cắt một nửa tem phiếu của mình để nuôi sống mẹ con nàng.

Chuyện ông Thắng “hủ hóa” với vợ “lính ngụy” được ông khéo léo giữ kín như vật trong lu. Việc ông lui tới nhà Thu Sương chỉ diễn ra vào ban đêm và cũng đã có người lính thân tín kia che tiếng cho ông. Sau một năm, ông được thăng chức lên làm phó chủ tịch thị xã, phụ trách nhà đất, nhờ đó ông lại càng có điều kiện để thực hiện ý định chiếm đoạt trái tim và cuộc đời Thu Sương cho mình. Nhiều lúc ông thầm nghĩ: “Phải chăng đời mình đã hy sinh quá nhiều cho cuộc cách mạng này, thậm chí trong đầu ta còn mấy mảnh đạn pháo chưa được gắp ra, cuộc sống của ta có thể bị di chứng của chiến tranh cướp đi lúc nào không biết. Hôm nay ông trời ban tặng Thu Sương cho mình thì đó cũng là lẽ công bằng, và tổ chức cũng có thể thông cảm được”.


Thế rồi chuyện gì đến, cũng phải đến. Sau khi tổ chức thôi nôi cho bé Thảo Nguyên, đêm đã khuya, nhưng ông Thắng không chịu ra về. Thu Sương nài nỉ:

‒“ Mẹ con em đội ơn anh nhiều lắm. Dù anh không phải là bố đẻ của Thảo Nguyên, nhưng gần một năm nay, nó đã sống dưới sự che chở của anh…”. Cô ngập ngừng:

‒“ Em là thân phận gái có chồng, đã trải qua đôi lần rách nát con tim…, còn anh là trai mới lớn, lại có chức quyền, ta gặp nhau trong nỗi trớ trêu của con tạo, em nào có xứng với anh, xin anh suy nghĩ lại. Anh về đi, đừng gây khó cho nhau nữa …”.

Ông Thắng chìm vào nỗi suy tư đầy chất đắng trong đầu: “Ta sinh ra và lớn lên từ một làng quê nghèo với mái lá, con trâu, củ khoai và giông bão. Khi miền Nam có truyền hình thì quê ta cũng chỉ nghe tin tức từ những loa phóng thanh gắn trên trụ điện bằng tre cuối xóm. Nhưng hôm nay ta là kẻ chiến thắng, cái xã hội gọi là văn minh kia lại phải trốn chạy. Thế mới hiểu vì sao một dân tộc du mục, sống trong các chiếc lều bằng da thú và trên yên ngựa, cả mùa đông lẫn mùa hè, của nước Mông Cổ lạc hậu đó, lại chinh phục được nửa châu Âu văn minh và san phẳng đế chế của triều đại nhà Minh Trung Hoa. Té ra chân lý của chiến tranh lại rất ngộ nghĩnh. Xã hội nào thì thích hợp với hình thức chiến tranh đó, ai biết cách vận dụng nó sẽ chiến thắng. Vừa qua bên ta biết cách quản lý cái dạ dày của dân và thổi lý tưởng vào đầu của họ để cho họ không còn con đường chạy lui khi xung trận, thì ta đã chiến thắng”, ông phó chủ tịch quận cười trong bụng vì cái triết lý chiến tranh “thượng đẳng” của mình. “Còn sự nghiệt ngã và sự bừng tỉnh của buổi sáng hôm ấy thì sao? Một sản phụ, vợ của một tên lính ngụy tử trận sao lại có cái vẻ đẹp hút hồn như thế. May mà ta đã khéo che đậy. Nhưng chưa biết bao giờ cái kim trong bọc sẽ lòi ra, và 20 năm lăn vào bom đạn của ta sẽ đổ vào cái hầm cống nào trong cái thành phố cao nguyên này? Tình yêu lãng mạn trong cái xã hội này là một tội lỗi, một thứ sản phẩm của tư duy tư sản băng hoại, phù phiếm. Tình yêu chỉ có trên nương rẫy, trên đồng ruộng, trong nhà máy, trên chiến hào và người đang yêu chỉ có quyền nói, khi họ đang cầm cuốc và cầm súng. Tình yêu làm gì có giữa hai con người ở hai bên chiến tuyến? Ta đã dám tiến lên trước họng súng của kẻ thù, nhưng hôm nay lại phải quỳ gối trước con tim đang thổn thức của mình”. Ông Thắng mỉm cười, vừa chua chát, vừa tự bỡn cợt. Rồi ông quay sang Thu Sương:

‒ “ Có lẽ, hôm nay, anh không nên tiếp tục lừa dối chính mình và với em nữa”.

Ông ngồi sát lại, đưa tay nắm lấy tay người thiếu phụ tuổi mới đôi mươi:

‒ “Thu Sương ơi, anh đã si mê em ngay từ giây phút đầu gặp em vào cái buổi sáng định mệnh ấy. Hình bóng em cứ quấn chặt lấy anh như một một hình tượng liêu trai, dù có súng đạn cũng khó mà đuổi nó đi. Em đã làm cho anh nhận rõ ra sự phi lý của cuộc đời và nỗi cô đơn cùng cực mà anh đã gánh chịu trong suốt 20 năm, dưới làn bom đạn, cơm vắt và ngủ rừng. Sự xung đột không khoan nhượng giữa quyền uy với sắc đẹp và tình yêu”.

Thu Sương cúi mặt, hai hàng nước mắt bỗng dưng lăn dài xuống đôi gò má ửng hồng non tơ. Một nỗi dày vò xuyên qua trái tim nàng:“Tình yêu không thể là sự đổi chác, ta chưa hề yêu Thắng, ta hiểu rõ trái tim ta. Trong cơn khốn cùng, Thắng đã nhẫn nại bao vây, bắt ta, một sương phụ chưa tới tuổi nửa chừng xuân phải chịu ơn anh. Ta ôm đứa con thơ còn đỏ hỏn trên tay, đời đã buộc ta phải lựa chọn giữa cái sống và chết. Nhưng ta cũng không thể từ chối quá khứ. Hình bóng của Quang luôn hiện về, đêm đêm ôm chặt lấy ta, thơ mộng và kiêu hùng. Quang đã để lại trên thân xác trinh trắng của ta những dấu ấn thật ấm áp dịu dàng, có khi hừng hực lửa, những phút giây mà ta biết mình đang hiện hữu giữa trần gian, không thể phai mờ trên từng phần da thịt”.

Nàng nói như rên rỉ:

‒ “ Anh ạ, em không hiểu trong tình yêu của anh có xem lẫn quyền uy hay không! Nếu có, thì anh đã tự ngộ nhận và tự lừa dối mình, còn em chỉ là sự khuất phục, chứ không phải là tình yêu.Tình yêu của em chỉ có thể để đổi lấy tình yêu, chứ em không đổi lấy áo cơm và quyền lực”.

‒ “ Anh không hề dùng quyền lực để đổi lấy tình yêu của em”.

‒ “Vậy thì anh hãy chờ đợi. Chờ đợi cho đến khi nào trái tim em mách bảo rằng, anh thực sự yêu em chứ không phải là dùng quyền lực để ban ơn. Hãy chờ đợi, vì đàng sau bóng đêm là bình minh chứ ko phải là hoàng hôn”.

‒“ Vâng, anh sẽ chờ đợi. Anh cảm ơn cuộc đời đã trao cho anh một thiên thần mà anh nghĩ đời anh không bao giờ có được”.

Đêm chìm vào khuya. Bé Thảo Nguyên đang ngủ say, Thắng ngồi sát bên Thu Sương trên chiếc giường gỗ, anh buông tay nàng ra rồi cúi gục đầu lên hai bàn tay mình… Ngoài kia, thành phố cũng lặng lẽ trở mình trên sự đổ vỡ, hoang mang.


5. Hai năm, sau khi đã dò biết Quang cùng đồng đội bay qua Thái Lan trong những ngày cuối của chế độ miền Nam, còn Huy thì như đã lùi xa vào dĩ vãng, vệt máu đã hằn khô trong tim nàng, một tình yêu tuổi trăng tròn, Thu Sương an phận với cái quán nước nhỏ mở tại nhà, kiếm sống qua ngày. Dù cuộc sống đã ổn định hơn, nhưng khi có thời gian để lắng nghe nỗi lòng, cô lại thấy nó lạc lõng, trống không. Trong khi đó ông phó chủ tịch Thắng vẫn kiên trì chờ đợi…

Cho đến một ngày ông Thắng phát hiện ra có nhiều người quyền chức đến quán cà phê của Thu Sương trồng cây si tới nửa đêm mới chịu về, ông vội báo cáo với tổ chức và cơ quan, xin cưới Thu Sương làm vợ. Từ đó không ít lời ra tiếng vào: “Một nhà cách mạng thứ thiệt, ông thiếu tá phó chủ tịch thị xã mê cô vợ của một anh lính ngụy tử trận, có sắc đẹp mê hồn”, nhưng ông đã bất chấp. Trong tổ chức cũng có người khuyên ông nên nghĩ đến con đường hoạn lộ đang thênh thang trước mặt mà từ bỏ mối tình ngang trái ấy đi, nhưng ông nhất quyết đi theo lý lẽ của con tim mà lâu nay ông đã bỏ quên, nó vẫn kiên trì đập trong lồng ngực. Ông không muốn chạy theo cái bã hư vinh mà không biết ngày nào trận cuồng phong tranh giành quyền lực sẽ cuốn nó đi. Có những lúc hoang mang, ông nhớ lại cái triết lý của thằng bạn nhà quê thời trung học: “ Tình yêu là vĩnh cửu, còn quyền lực là phù vân, đôi khi còn là thứ đáng nguyền rủa”. “Hắn nói đúng, nàng là hơi thở, là lẽ sống của cả cuộc đời ta. Ta thà bỏ tất cả chứ không thể bỏ nàng vì giờ đây nàng đã là của ta”, ông thiếu tá cán bộ thành phố nghĩ thầm. Hai mảnh đạn pháo vẫn còn nằm im trong đầu ông, lâu nay là cái bùa hộ mệnh cho sự nghiệp chính trị của ông, nhưng nay, muốn đẩy ông xuống hố, người đồng chí của ông cũng có thể chỉ ra hai cái bùa mê mà Thu Sương đặt vào tim ông, để rồi kết luận ông là kẻ hủ hóa, biến chất. Lường trước những rủi ro có thể xảy ra, phòng khi ông bị đá văng ta khỏi tổ chức Đảng, ông đã chỉ đạo cho đàn em hợp thức hóa cho nàng căn nhà trong khu gia binh cũ và cấp cho ông một căn khác mặt tiền đường LTK, nhà của một quan chức chế độ cộng hòa bỏ chạy.


Trong 5 năm trăng mật với ông thiếu tá phó chủ tịch thị xã, dù hình ảnh của Huy và Quang vẫn không mờ nhạt trong lòng Thu Sương, nhưng nàng luôn tỏ ra rằng mình rất hạnh phúc trước mặt mọi người. Nàng trở thành ngôi sao sáng chói trong hàng ngũ vợ của cán bộ trong cả thành phố. Ông Thắng biết rất rõ điều đó. Theo lời dặn của ông, nàng không dám son phấn chưng diện gì trong các buổi lễ tiệc, nhưng nàng cũng vẫn làm cho hàng quan chức thành phố phải ngoái đầu nhìn theo, một cách thèm thuồng, kinh ngạc, rồi họ ghé vào tai nhau xầm xì ganh ghét. “Vợ của một tên ngụy quân”, câu cửa miệng của họ là vậy, và sau đó là những ngọn giáo chỉa vào lưng ông Thắng. Nhưng nghiệt nỗi ông lại là một sĩ quan thương binh có nhiều huân huy chương, vừa là con liệt sĩ, nên họ chưa thể làm gì được.

Năm nay, bé Lâm Trường Sơn, đứa con chung của Thu Sương và ông Thắng lên 6, phe ông chủ tịch thị xã thắng thế trong thị ủy, lại có kẻ phát hiện Thu Sương không phải là vợ của một hạ sĩ lính cộng hòa tử trận mà là vợ của một đại úy phi công trốn chạy trong ngày 17‒3. Ông bị các đồng chí của ông kiểm điểm sói trán, gán cho ông cái tội bao che cho vợ kẻ thù, lập trường quan điểm thiên hữu, phản động. Ông bị đẩy xuống làm một chân cán bộ quèn trong phòng Thương Binh Xã Hội, chẳng còn chút quyền hành gì. Ông Thắng chua chát: “Kẻ thù thì đã bỏ đi hàng chục năm rồi, nhưng chúng gửi lại cái bóng trong đầu của các đồng chí của ta, bây giờ ta là kẻ thù của họ, còn ai là kẻ thù của ta?”. Rồi ông ngậm ngùi: “ Thương cho Thu Sương, một cánh hoa trang đài hiền thục, mới đôi mươi đã bơ vơ trước làn tên mũi đạn. Nàng như giọt “sương thu” buổi sớm mai trên cành, không có tội lỗi gì. Giá như hôm đó ta đuổi nàng ra khỏi nhà với đứa trẻ sơ sinh trên tay thì không biết dòng đời sẽ đưa nàng về đâu ? Vậy là bàn tay nghiệt ngã của tạo hóa, đôi khi cũng phải có điểm dừng”.

Rồi chỉ ba năm sau, ông Thắng có quyết định về hưu non do thành tích chiến đấu và là thương binh. Ông cảm thấy hụt hẫng, biết mình bị “đẩy”, nhưng đó là quyết định của thị ủy, một thói quen của tổ chức, không ai có quyền khiếu nại.

Ngày về vườn của một người từng có quyền thế của thành phố mà không có lấy một bữa tiệc chia tay, ông Thắng cảm thấy vừa đau buồn, vừa uất ức vì sự bạc bẽo đến bỉ ổi của quan trường. Dù được Thu Sương ân cần chia sẻ, nhưng ông Thắng chưa thể quên đi phong cách của một kẻ quyền thế, được người khác khom lưng cúi đầu. Trước đây Thu Sương là cái bóng của ông, bây giờ thì ngược lại. Hàng ngày ông chỉ quanh quẩn bên vợ, bạn bè thưa dần, không còn ai mời mọc, săn đón.

Nổi tiếng là một bà chủ cà phê có sắc đẹp mặn mà nhất thành phố, quán nàng ngày một đông khách. Điều đó không những làm cho ông Thắng không vui mà còn thêm lo lắng, nhất là khi thời gian đã điểm bạc mái tóc ông và mảnh đạn trong đầu càng làm cho cái cằm của ông thêm méo lệch. Nhiều lúc chứng kiến cảnh những chàng trai non tơ lịch lãm nói chào tâng bốc Thu Sương, ông đã nhíu mày khó chịu, dù ông thấy vợ ông ứng xử rất đúng mực với phong cách của một người đàn bà có chồng. Từ đó ông đâm ra trầm ngâm tư lự.

Thế rồi ông bắt đầu mượn rượu để giải sầu, bước ngoặc cuộc đời của một người đã từng thét ra lửa, là mẫu mực, là biểu tượng của chế độ mới. Nhưng đó lại là nỗi ám ảnh thường trực cả cuộc đời còn lại của Thu Sương. Gần như đêm nào cũng vậy, sau giờ đóng quán, là nàng phải giải quyết căn phòng nồng nặc mùi rượu thịt từ con ma men thải ra. Nàng ôm ngực, vừa ràn rụa nước mắt, vừa đè nén cơn nôn đang cuồn cuộn trong ngực nàng.

Dần dà, căn phòng ngọt ngào hạnh phúc ngày nào bây giờ bỗng biến thành địa ngục không có diêm vương. “Có ngờ đâu, ngày ấy chính Thắng đã ra lệnh cho tên lính mở cho ta cánh cửa của sự sống, bây giờ cũng chính một mình anh đang dần khép nó lại”, nhiều lúc nàng nhủ thầm chua chát.

Không khí trong nhà dần trở nên tẻ nhạt. Ngoài kia người ta vẫn chỉ bàn đến chủ nghĩa, nghèo đói và chiến tranh. Một sự hối hả thầm lặng lướt qua khuôn mặt của xã hội mất máu trắng bệch. Bo bo, củ khoai, vượt biên và cuộc chiến biên giới phía Tây Nam và phía Bắc bỗng thành đề tài ăn khách trong các trang báo. Thu Sương mất phương hướng. Ba người đàn ông đã bỏ nàng ra đi bằng những cách khác nhau, một người đi tìm lối để thoát ra ngoài cuộc chiến, từ khi nàng mới tuổi trăng tròn, một người đang trong cơn binh lửa, và một người nữa dù sống trong cùng một ngôi nhà nhưng đã như không còn hiện diện trong cuộc đời nàng. Người đàn bà chưa tới nửa chừng xuân bỗng thấy mình vô gia đình, trong hồn nàng chỉ còn nỗi cô đơn, một cái hố đen không đáy. Phải chăng nàng đang trốn chạy!


6. Thu Sương lần theo thư mục “Thơ văn trong nước” trên giá sách của thư viện phố núi, nàng dừng lại “mục thơ” và rút ra một quyển. Tựa tập thơ “Dấu chân trên sa mạc”. Thấy tựa lạ, cô liếc nhanh tác giả, Nguyễn Ngọc Huy. Cô hơi sững: “chẳng lẽ trùng tên?”. Cô lật sang bìa 2, hình và sơ lược tiểu sử tác giả. “Ôi, đúng rồi, anh còn sống! Bây giờ là một nhà thơ”. Cô áp đôi bàn tay cùng tập thơ lên ngực, mặt ngước lên trời, như người ta đang cầu nguyện. Phút giây kỳ diệu lướt qua cuộc đời . “Người về từ cõi mộng trăm năm”, một chút mật ngọt chảy qua tâm trí nàng. Thu Sương cố tìm nơi đang ở của Huy, nhưng chỉ biết địa chỉ của nhà xuất bản. Cô ra về, trong lòng ngổn ngang những nỗi đời. “Rồi ta cũng sẽ tìm ra…”, cô nhẩm trong đầu.

Từ đó, đêm nào, sau giờ đóng cửa quán, Thu Sương cũng nằm say mê nuốt từng lời thơ của Huy.Thắng đi nhậu về với điệu bộ chệnh choạng, say mèm, nôn ói và lảm nhảm. Cô bất đắc dĩ phải dụ cho anh uống những viên thuốc an thần. Cuộc sống của nàng bắt đầu lơ lửng, nhức nhối giữa địa ngục của hơi men và thiên đường của những bài thơ tình cháy tim cháy ruột.

Sau từng đêm vật lộn với rượu và thuốc ngủ, sáng nào thức dậy ông Thắng cũng ôm đầu vật vã trong cơn đau. Lần hội chẩn đầu tiên, bệnh viện cho biết ông bị hai mảnh đạn trong đầu kết hợp với rượu đã gây nên những cơn đau ác tính, nếu phẩu thuật thì tỉ lệ thành công là rất thấp, bệnh nhân khó giữ được mạng sống hoặc phải nằm liệt suốt đời. Giải pháp tối ưu là bệnh nhân phải bỏ rượu và dùng thuốc an thần. Mỗi lần ông Thắng lên cơn, Thu Sương rất hãi hùng, nhưng nàng không dám quyết định có nên giải phẩu hay không. Nàng chỉ biết van xin chồng đừng uống rượu nữa. Nhưng thật vô ích, con ma men đã mỉm cười chế giễu nàng.

Kể từ khi ông Thắng phát hiện Thu Sương say sưa đọc tập thơ “Dấu chân trên sa mạc”, ông đã tìm ra người yêu của nàng từ tuổi học trò là Huy, bây giờ là nhà thơ đang còn sống và khá nổi tiếng, có nhiều bài thơ phổ nhạc, hát trên đài. Vậy là ngoài cái di chứng của chiến tranh và những cơn ngất ngư của Lưu Linh truyền lại, ông còn mang thêm cái máu Hoạn Thư vào người. Không đêm nào ông không lè nhè tra vấn những câu vô nghĩa: “hồi đó cô quen thằng nhà thơ đó như thế nào, hai người đã có gì với nhau chưa, thơ của hắn chỉ toàn rên rỉ vì nhớ người yêu cũ”. Rồi ông tưởng tượng xa hơn “ Chắc là cô đã gặp lại hắn, gần đây tôi thấy cô ngơ ngẩn, chết lặng hàng giờ”. Thu Sương thầm nghĩ: “anh ta càng gợi cho mình nhớ Huy hơn, rất da diết !”. Những câu thơ như “Bây giờ anh xa em/ Một nỗi đau thầm lặng/ Anh viết lên vầng trăng/ Huyền ngôn đời thăm thẳm…” đã làm rờn rợn trên da thịt cô, và nỗi đau thắt ruột. “Huy ơi, dòng sông đã chia hai ngả tự bao giờ? Anh bây giờ ra sao, ở đâu? Trong tập thơ đó, anh chỉ viết cho tình yêu của chúng ta, và từ đây anh lại dạy cho em thứ ngôn ngữ không lời để nói về tình yêu của em. Nỗi nhớ đang hành hạ em và em hoang mang đến cùng cực”.


Hôm nay, đã quá 11 giờ đêm, ông Thắng mới về nhà. Ông cố bò lên gác, hai tay ôm đầu nhưng không lảm nhảm như trước. Thu Sương vẫn ngồi đọc sách như thường lệ, Trường Sơn ngồi bên cạnh học bài. Ông Thắng gầm lên:

‒ “Vẫn là thơ, vẫn là thằng khốn kiếp đó. Nó trở về cướp cô khỏi tay tôi”.

Thu Sương hốt hoảng:

‒ “ Không anh ơi! Chỉ là thơ thôi mà. Em vẫn là vợ của anh. Hàng ngày em vẫn lo chu đáo cho anh!”

‒ “ Cô chỉ còn cái xác, mỗi ngày cơm nước cho tôi, còn cái hồn, cô đã giao cho hắn. Cô khinh tôi là một thằng thương binh nát rượu, bây giờ trở thành gánh nặng, cái bóng ma trong đời cô !”.

‒ “ Không đâu anh ơi, hồn xác em vẫn là của anh”.

‒ “ Láo…láo… cô tưởng cô lừa được tôi hay sao? Mảnh đạn trong đầu đã gắn liền với số mệnh của đời tôi. Hôm nay tôi không muốn sống trong trái tim trống rỗng của cô nữa, và tôi cũng không muốn trao cô cho hắn, cô phải đi theo tôi đời đời kiếp kiếp, vì sao cô biết không, vì tôi mãi mãi yêu cô, dù sang bên kia thế giới, tôi vẫn cần có cô”.

Trong cơn điên loạn vì ghen, đầu lại đau như búa bổ, ông Thắng chạy lại giật tung cánh cửa hộc tủ nhỏ ở đầu giường, lấy ra khẩu súng ngắn chỉa thẳng vào Thu Sương. Nàng quỳ xuống đất, vái lia lịa “Anh ơi hãy để em sống nuôi con, em van anh…”. Bé Trường Sơn nhào tới ôm cha, nhưng súng đã nổ, bé ngã ngược lại phía sau, còn Thu sương gục xuống ôm ngực ràn rụa máu.

Ông Thắng chỉa họng súng vào đầu, nhưng có lẽ vì tay run, viên đạn trượt, bay thẳng lên trần nhà, làm sướt da đầu, máu tuôn xối xả. Ông còn bấm cò lần cuối nhưng súng đã hết đạn.

Vở bi kịch đã kết thúc với sự ra đi tức tưởi của hai mẹ con người thục nữ mệnh bạc, sau 20 năm đất nước hòa bình. Người cán bộ, người thương binh, điên loạn trong trại tâm thần cũng đi theo đồng đội về bên kia thế giới không lâu sau đó. Người ta không biết phải tiễn ông theo nghi thức nào, nghi thức của một anh hùng quân đội hay của một tên tội phạm giết người? Sự nghich lý của cuộc đời vẫn không buông tha cho loài có sẵn nụ cười và tiếng khóc…

Bằng đôi bàn tay xòe, Huy đưa 3 nén nhang lên tầm trán, thì thầm trong đầu: “Thu Sương ơi, hôm nay anh gặp lại em cũng là lúc âm dương vĩnh viễn chia cắt đôi ta. Anh chưa bao giờ tưởng tượng nổi điều này. Những hy vọng và ước mơ của anh trong suốt 30 năm, giờ đây thực sự đang quằn quại dưới dấu chấm hết. Những vần thơ anh viết cho em từ bây giờ cũng chỉ lơ lửng cùng mây trời quanh quẩn nơi nghĩa trang hoang lạnh này. Có lẽ không còn ai dám đổ cho số mệnh đâu em, tất cả đều có từ một hiện hữu rất khắc nghiệt, chiến tranh. Những bi kịch trong xã hội ngày nay cũng là do những mảnh đạn sót lại trong từng ngõ ngách của cuộc đời mà có lẽ còn lâu dân tộc này mới gắp ra hết. Thôi em nhé, xin hãy chờ anh”. Sau lời nguyện, anh nhìn sâu vào đôi mắt đen thăm thẳm trong tấm hình trên bia mộ, và có cảm giác như Thu Sương đang đứng cạnh anh, chứ không phải là đứa con gái của nàng.

Huy nắm tay Thảo Nguyên lặng lẽ bước đi dưới hai hàng thông âm thầm vi vu trong gió. Ra khỏi nghĩa trang, hai người hướng về phía Biền Hồ, nơi mà cách đây không lâu, trong một đêm thu, một mình trên chiếc thuyền nang, anh linh cảm đôi mắt nàng nơi đáy hồ trong xanh thăm thẳm.


Mặt trời chạm xuống đồi núi phía tây, những dải nắng cuối cùng lướt trên mặt hồ như những thanh kiếm bạc lung linh huyền hoặc, cố níu một vẻ đẹp hoang sơ mà tạo hóa đã dành ban tặng cho một vùng cao nguyên kỳ vĩ, như một bức bích họa mà Thượng Đế đã vẽ trên nền trời xanh.

Màn đêm đang phủ lên vùng sơn thủy u tịch đầy tính lãng mạn của thiên nhiên ở nơi này, người ta lại thấy một thiếu nữ thướt tha xinh đẹp trong chiếc váy đầm dài phủ chân, đôi mắt sâu đen như chứa cả bầu trời vùng cao nguyên thơ mộng, bước xuống một chiếc thuyền nang, rồi chèo ra giữa lòng hồ. Không ai hiểu được mục đích của cô gái, người ta chỉ thấy bóng của nàng in trên nền trời đêm như nữ thần tình yêu Aphrodite trong bức tranh thần thoại Hy Lạp. Có khi nàng lại nằm úp mặt lên mặt nước hồ tựa như một tấm gương đêm, chi chít những vì sao xa tít, ngắm mãi đôi mắt của người đàn ông huyền thoại ở dưới đáy hồ, giống câu chuyện nàng tiên đi tìm đôi mắt chàng Narziss của Oscar Wilde.

Kiều Giang

16‒3‒2021.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us