Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Máy giặt và thuỷ triều

Máy giặt và thuỷ triều

- Ninh Kiều — published 21/03/2016 12:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20

Máy giặt và thuỷ triều


Ninh Kiều



Biết bao chuyện đau thương xảy ra trên trái đất này nhưng mỗi khi có dính dáng đến trẻ em, hình như người ta dễ xúc động, nhất là trước cái chết của con nít do tội lỗi của người lớn.

Bastien, một bé trai đi mẫu giáo năm đầu tiên, bị bố nổi giận lột trần truồng bỏ vô máy giặt rồi cho chạy chương trình vắt khô chỉ vì ở trường em vứt tranh vẽ của bạn vào cầu tiêu. Bất tỉnh sau vài phút nhưng phải đợi nửa tiếng, bố mới moi em ra mềm nhũn, tơi tả. Chị của em, lớn hơn vài tuổi đã kể cho nhân viên cảnh sát điều tra “Người ta nói với Bastien, chừng nào thì mày hết nghịch ngợm, người ta đá nó một cái và bỏ nó vào máy giặt”. “Người ta, là ai”. “Là bố?”. “Mẹ em làm gì?”. “Chơi trò ghép hình với em trên bàn”.

Bé gái ngồi một mình trước biển lúc thuỷ triều lên. Mới biết đi lẫm đẫm, em được mẹ đẩy xe ra đây và bỏ em ở lại một mình. Đơn độc trong gió lạnh và bóng đêm, không ai nghe em khóc. Chỉ có sóng vỗ bờ và dâng cao từ từ. Em tên là Adélaïde. Xác em được tìm thấy trên bãi cát lúc hừng đông. Nhờ có vidéo nhà ga tàu hoả, người ta tìm ra tung tích mẹ Adélaïde, vì thấy đẩy xe em đi nhưng chẳng thấy đem em trở về. Cả nước Pháp chấn động, ngoại trừ bố em, dửng dưng, chẳng cần biết con mình ở đâu.

Chỉ có chị của Bastien lắng nghe tiếng em trai trong máy giặt để kể lại “Em nó nói. Nó khóc. Sau đó, không nghe thấy gì nữa. Em nó ngủ”.

Còn Adélaïde, lọt thỏm trong chiếc xe đẩy, bị dây an toàn buộc chặt vào định mệnh nghiệt ngã, ngồi chờ thuỷ triều lên. Không ai nghe tiếng em kêu, nhìn thấy em sợ vì lúc ấy đã cuối thu, trời sụp tối sớm nên bờ biển vắng vẻ, không một bóng người.

Bố, mẹ Bastien bị tù nhiều năm. Chị Bastien được bố trí sống với một gia đình khác và cứ hay nói “Máy vắt khô rau” thành “Máy nghiền nát rau”.

Chỉ có mẹ Adélaïde bị lên án trong khi bố nó được tha bởi không trực tiếp nhìn thấy con mình ngợp nước.

Người ta bảo sở dĩ Bastien và Adélaïde bị ngược đãi từ thuở mới ra đời mà không ai hay, chính là vì mọi người thờ ơ, trong nhà và ngoài đường, lạnh lùng với những gì không trực tiếp dính dáng đến bản thân. Cho nên nhiều thảm kịch xảy ra hàng ngày trong sự lãnh đạm chung. Như vậy là nếu luật pháp coi đó như một tội hình sự, có lẽ tất cả nhà tù trên thế giới sẽ thiếu chỗ!

Mà không dửng dưng thì làm sao sống bình thường với thời sự hàng ngày trên thế giới: chiến tranh, thiên tai, án mạng, tai nạn, khủng bố... Người ta theo dõi tin tức trên đài truyền hình như khán giả xem phim, bàng quan và bất lực. Thế nhưng không phải lúc nào cũng có thể, chắc tại vậy mà tôi hay nhớ Bastien và Adélaïde. Mỗi lần dồn quần áo vào thùng trống, tôi tự hỏi làm thế nào có thể nhét thằng nhỏ mười bảy ký vô máy giặt chật hẹp. Nửa đêm nghe tiếng quay vù vù trong giai đoạn vắt khô lại có cảm giác là nó nằm ngay trong đầu. Rồi cậu bé Bastien bụ bẫm, mắt to tròn, tóc vàng, môi dầy chúm chím cười trở thành đứa nhỏ co rúm trong mấy phút hãi hùng dài vô tận. Sao không ai nhìn thấy hai đứa bé này bị bạc đãi để kịp thời ngăn chặn tội ác?

Khổ nỗi, thảm kịch đau khổ nhất thường xảy ra ngay trong gia đình, nơi nạn nhân yếu đuối luôn yêu thương và che chở kẻ sát nhân tiềm năng. Như bố Bastien, cửa nhà mở ra là người cha tốt nhưng đóng lại thì thành bạo chúa, nắm quyền sinh sát trong tay. Mẹ nó như người tàn tật, mù vì không thấy con mình đang nằm trong máy giặt, điếc vì chẳng nghe con khóc và câm vì không một lời can gián. Chỉ có chị Bastien, còn nhìn, còn nghe và còn nói bởi vì còn là con nít. Chẳng lẽ không ai thấy những vết bầm trên người Bastien và tại sao mẹ nó không bộc lộ với người chung quanh cuộc sống lệ thuộc tồi tệ của mình để được cứu giúp ? Nghĩ đến đây tự nhiên tôi nhớ đến chuyện gia đình em gái ở Paris, thật ra là em của một chị bạn thân, mà tôi coi như ruột thịt.

“Em muốn li hôn”. Tưởng em tôi nói đùa nhưng hoá ra là thật! Nó lại nhất định chọn cách khó khăn nhất là tại lỗi chồng. Do vậy cần có nhiều nhân chứng để chứng minh tại sao nó chịu hết nổi cuộc sống chung. Thế nhưng, người ngoài nhìn vào thấy vợ chồng nó đẹp đôi, sống có vẻ hạnh phúc, không nghe chúng nó to tiếng với nhau… trừ một lần duy nhất, xảy ra đã lâu lắm rồi, có tôi cùng một số bà con và vài bạn bè chứng kiến tại phòng khách của chúng nó. Hôm ấy, vì một lý do gì không nhớ rõ, tôi nghe ông chủ nhà, mặt mày tái ngắt, mắng vợ là “Đồ chó đẻ” và buông nhiều lời nặng nề trước mặt khách khứa. Sau khi cửa chính mở ra và đóng lại cái rầm làm rung rinh nhà cửa như có động đất, em gái tôi mới mở miệng nói một câu làm tôi nhớ tới bây giờ “Giận nói vậy chớ trong bụng không có gì” rồi mời khách ngồi vào bàn tiệc để tiếp tục mừng sinh nhật năm mươi tuổi của chồng nó như đã dự tính. Bị nhục mạ mà vẫn bênh vực chồng, thật tôi hết hiểu nổi con em mình! Thường khi mọi người vừa thưởng thức các món ăn do em tôi làm rất khéo tay vừa nghe ông chủ nhà độc thoại, lôi cuốn, thuyết phục, nhảy từ chủ đề này sang chủ đề kia một cách lưu loát như muốn giải đáp thắc mắc chưa kịp có của người nghe. Lần này vắng diễn giả chính nên ai nấy thi nhau nói, tập trung vào một mục tiêu duy nhất và toàn nói tốt. Trong mười tám đức tính thường được kê khai, nhân vật trung tâm có hầu hết ngoại trừ vài cái có vẻ không đáng kể đối với một số người Việt mình như «u-mua», mặc dù người phương Tây cho nó đứng hạng nhì sau «tình thương». Cởi mở, rộng rãi, bặt thiệp, mau mắn, dễ nhờ…đó là các tính từ được sử dụng nhiều nhất hôm ấy cho người vừa mới nổi giận. Giá nằm trong sáu mảnh ván mà được ca ngợi như thế này thì dù có phải chết đi sống lại nhiều lần, tôi cũng sẵn lòng! Tuy nhiên, mọi người không khỏi bối rối trước sự mất bình tĩnh của ông chủ nhà, nói năng hung hăng, bất cần lời khuyên can, làm khách khứa khó chịu và mang tội với đất trời vì động chạm đến ông bà cha mẹ… nhưng liền đó có người đưa ra nhận xét là có kẻ ăn nói còn tàn tệ gấp vạn lần “Đồ chó đẻ”. Thế là hộp Pandore(1) được mở ra để những chuyện tưởng chừng như muôn đời chôn dấu giữa bốn bức tường tuôn ra ồ ạt như nước lũ trên núi đổ xuống, không có gì ngăn cản nổi. Hầu như tất cả nhân vật nữ có mặt hôm ấy đều lên tiếng khiến bàn tiệc có lúc mang dáng vẻ một toà án gia đình trong khi các ông trở nên hiền lành, ít nói, chống chế yếu ớt trước các lời buộc tội. Tôi nhớ chuyện một bà bị ông chồng đè xuống lấy dao lam cạo cặp lông mày mới phun ở Sài Gòn vì ông không bằng lòng bà sửa sắc đẹp! Một bà khác than phiền bị chồng dằn vật nhưng tôi cứ thắc mắc không biết thật sự ai làm khổ ai. Trong đám nạn nhân lộn xộn này, làm thế nào thấu được thực hư? Tôi ngờ ngợ dường như nạn nhân chân chính hay lúng túng, không diễn tả nổi tâm trạng lo âu, thấp thỏm, tủi nhục hàng ngày của mình, thậm chí chẳng biết mình là nạn nhân, chỉ thấy mình là nguyên nhân, có lỗi. Tội đã đẻ ra Bastien, Adélaïde, khó chối bỏ như mắc bệnh hủi, hàng ngày thân thể, tâm hồn bị gậm nhấm, xấu hổ, không còn yêu chính bản thân mình nữa. Vậy là bạo lực thể xác và lời nói đều hội tụ đầy đủ trên bàn tiệc này nhưng chẳng thấy họ bỏ nhau. Cho nên em tôi không thể là một trường hợp ngoại lệ, vì vậy hơn chục người có mặt trưa hôm ấy mà nhiều năm sau, em tôi lần lượt tiếp xúc, yêu cầu giúp đỡ, nhưng không một ai chịu làm chứng, viết ra điều mắt thấy tai nghe, trong đó có tôi. Hồ sơ li hôn của em tôi thế là vĩnh viễn đóng lại do thiếu bằng cớ vì chúng tôi là những nhân chứng duy nhất. Hết chuyện em mình, tôi miên man nhớ vài cảnh ngộ khác...

Nhớ tiếng chát, chát, chát…đều đều bên nhà ông anh họ như có ai bửa củi. “Nó đánh đám con nó đó”, dì tôi giải thích. Hỏi tại sao không nghe khóc. “Khóc nó đánh thêm”. Hỏi sao không ai ngăn. “Cản, nó càng đánh hung”. Và dì tôi thở ra “Mấy nhỏ năn nỉ nội đừng bênh tụi con, ba con đánh đau hơn nữa”. Hỏi vậy chớ má mấy nhỏ đâu, dì tôi thở dài “Nó cũng bó tay”. Rồi từ đó, đêm nào không nghe tiếng bửa củi, tôi có ý chờ, lo lo không biết chuyện gì đang xảy ra bên ấy. Mấy lần gặp anh tôi, thấy mắt anh đỏ ngầu, tôi sợ. Chỉ có bà ngoại tôi, hai chân bại liệt, ngồi xe lăn, hôm nào gió đưa tiếng chát, chát, chát… lọt vào tai, bà gượng ngồi dậy, nghe ngóng rồi la làng nhưng yếu xìu “Bớ công an, hắn giết con hắn, bớ công an…”. Lạ một điều là bố có bửa củi hay không, sáng dậy vẫn thấy mấy nhỏ ríu rít leo cây vú sữa, đùa nghịch, cãi vã, quậy phá, lơ đễnh việc nhà. Không thể biết đêm qua đứa nào bị đòn? Lại chẳng nghe ai than phiền, lúc nào nói về bố cũng “ba của con”. Không có gì ăn, không có gì chơi, trường đóng cửa nghỉ hè, cảnh ngộ mấy đứa nhỏ còn muốn tệ hơn ở tù. Khi từ giã chúng để về Paris, tôi dặn dò “Tụi con ráng đừng để bị đòn” và nghe chúng nó vui vẻ dạ rân.

Lần khác ở bến xe Cần Thơ, tôi nghe tiếng mẹ rủa con “Từ ngày đẻ ra mày, tau mạt…”. Chỗ chật, người đông, lỗ tai mọi người bị tra tấn nhưng không thấy ai phản ứng và dì tôi khuyên “Đừng can dự vô, mang hoạ”. Con bé tóc bum bê rất xinh bị mẹ lấy ngón tay xỉa vào đầu “Mặt mày như cứt mắc mưa” khiến nó cuối gầm xuống, ôm chặt túi vải to phình vào lòng như bấu víu tấm ván ngoài khơi!

Rồi mấy tuần ở Sài gòn trong một chuyến về thăm gia đình, thấy tôi hay rêm mình, em dâu tôi rước một cô còn trẻ về tận nhà để đấm bóp, mỗi ngày hai tiếng. Vừa nằm thư giãn trên giường nệm, tôi vừa nghe nó kể chuyện hồi nhỏ bị đòn: mẹ đánh con như võ sĩ đánh bốc thoi bịch gạo, dùng gậy gộc như trong phim chưởng, tàn nhẫn như tra tấn tù binh. Nó còn kéo áo, xắn quần cho tôi xem các vết thẹo như khoe chiến công của kẻ hành hạ mình, vậy mà lớn lên vẫn đủ mười ngón, tận tình nắn nót từng lóng tay, đốt xương nghe rôm rốp để tôi đỡ đau nhức. Lạ thật, nó như cây chuối, bị vùi dập cách mấy rồi cũng cứ vươn lên tươi tốt, xanh um! Từ Qui Nhơn vô Sài Gòn làm ôsin, chỉ vài năm sau trở thành chuyên viên mátxa được chủ lẫn khách hàng ưa chuộng. Kể chuyện khổ mà nghe tức cười, biến kẻ ác độc thành nạn nhân đáng thương, hung dữ tại rượu. Rồi lạc quan phác hoạ tương lai, ráng làm thêm ngoài giờ để có dư tiền, mua căn nhà đặng đem mẹ vô trong này chữa bịnh, dù gì cũng là người đẻ ra mình. Em tôi thường khen con nhỏ này nói chuyện khổ mà hấp dẫn trong khi ông sếp nó, nghe buồn ngủ muốn chết!

Tôi nhớ cả mặt mày sưng vù của thằng nhỏ hàng xóm ở Paris, mắt tím bầm như bị đấm nhưng nó lại bảo tại té. Hỏi té ở đâu thì nó làm thinh. Gặp bố nó, cũng người Việt, mấy lần tôi dợm nói, nhưng thiếu can đảm vì sợ mất lòng!

Chẳng biết có phải nhờ tôi dửng dưng, không bao giờ can thiệp vào chuyện thiên hạ mà mọi sự suôn sẻ vì trong số những người tôi quen biết, không ai lâm nạn cực kỳ bi thảm như Bastien và Adélaïde.

Đám con ông anh họ, nghe phong thanh chúng bình thường, dường như chẳng có đứa nào bửa củi ban đêm. Còn chị tôi li hôn, không phải vì anh tôi hay đánh con mà do anh có quá nhiều bồ nhí.

Thằng nhỏ hàng xóm bị bố đánh mà cứ một mực khai té, cho dù nhà trường tra hỏi nó nhiều lần, lớn lên làm người mẫu. Bố nó có lần hãnh diện đưa cho tôi xem tạp chí đăng nhiều ảnh của nó, cao lớn, đẹp trai, mặt mày lành lặn.

Phải chi Adélaïde và Bastien có được người bà giống như bà Ngoại tôi hồi chưa bại liệt thì không ai có thể đẩy Adélaïde ra bãi biển và nhét Bastien vô máy giặt. Thật vậy, chẳng rõ Ngoại cao một thước mấy mà cứ đứng sừng sững trước con người giận dữ đang dứ dứ cây roi đầy hăm doạ, lại còn bình tĩnh đối phó tình hình hiểm nguy này một cách hết sức mềm mỏng, ngoại giao và tâm lý “Thôi tha cho hắn lần ni” và hứa hẹn “Lần sau đánh chết hắn cũng được”. Rồi trong khi kẻ nắm bạo lực trong tay chưa kịp xiêu lòng, Ngoại quay qua nạt đứa núp sau lưng “Khoanh tay xin lỗi rồi ra lu nước rửa mặt cho mau”. Gặp lúc cây roi giận run, lỡ chạm phải Ngoại thì bà hô hoán “Chừ tính đánh tới tau nữa hử”. Tới nước này, cây roi bị vất xuống đất một cách hờn dỗi và liền được một bàn tay nào đó cúi xuống mang đi biệt tăm biệt tích để trong tương lai, khi cần phải mất nhiều thời giờ vác rựa ra vót cái khác ở bụi trúc giữa sân. Tuy Ngoại từ chối hình phạt thể xác nhưng Ngoại lại nói lời hung dữ “Tau vả mi một cái rụng hai hàm răng”, “Tau đánh mi mềm xương”, “Tau chém đầu mi lăn long lốc”, “Tau lột da mi”. “Tau bửa đầu mi phọt óc” Ngoại hăm he mà con cháu không đứa nào sợ, còn tức cười thấy Ngoại có nhiều sáng kiến độc đáo. Nhưng thế nào cũng có người lớn trong nhà càu nhàu “Hàng xóm nghe được chắc thất kinh!”. Có lẽ Ngoại chịu ảnh hưởng truyện Tàu được bọn nhỏ chúng tôi thay phiên đọc mỗi đêm vì Ngoại không biết chữ. Tôi vẫn nhớ chuyện vua nhà Tống cho độn rơm xác một viên quan tham nhũng để bêu trước công đường nhằm bài trừ tệ nạn hối lộ. Lạ một điều, đứa núp sau lưng Ngoại, được che chở nhiều nhất thuở nhỏ, lại chính là người hay bửa củi về đêm sau này. Không biết phải lý giải như thế nào về mặt phân tích tâm lý!

Tôi và hơn chục người chứng kiến cảnh “Đồ chó đẻ” hôm ấy đã cố tình vĩnh viễn đóng hồ sơ xin li hôn của em tôi mà không buồn tìm hiểu chút gì thêm. Tôi bằng lòng với cách xử sự khôn ngoan của mình cho đến khi biết chuyện Bastien kèm theo một chi tiết làm tôi xốn xang, đó là nỗi ân hận khôn nguôi của bà hiệu trưởng trường mẫu giáo vì đã lỡ mách với mẹ nó là nó vứt tranh vẽ của bạn vô cầu tiêu. Nếu bà có nhìn thấy các dấu bầm tím trên người Bastien và biết thêm chút tính tình bố nó thì không chừng Bastien vẫn còn sống tới bây giờ. Tuy không thể nhìn thấy những vết thương trên người Bastien nhưng tôi hình dung được bố nó nổi giận khủng khiếp như thế nào. Bỗng dưng tôi tự hỏi không biết gia đình em gái tôi ra sao?

Đã lâu tôi không ghé thăm vợ chồng chúng nó, vì tôi không muốn dính líu gì tới đời sống riêng tư có vấn đề của bất cứ ai để khỏi phải lấy thái độ. Rồi khi bước vô nhà lần này, cảnh cũ còn đó nhưng người xưa có nhiều thay đổi. Dù đã được biết trước nhưng tôi không khỏi bối rối nhìn thấy em rể tôi ngồi xe lăn, nói ú ớ. Bị bại liệt nửa người bên phải do tai biến mạch máu não nhưng bản tính thích chỉ huy của nó vẫn còn vì khi cần ra lệnh, nó vừa gầm gừ trong cổ họng vừa đập bàn tay trái xuống tay vịn xe cho đến khi em tôi làm đúng ý nó muốn: sửa vị trí xe lăn, lấy ly nước, đưa cái khăn… Khi người ta chăm sóc một đứa bé, từ đỏ hỏn không hiểu gì cho đến khi biết đi đứng, thấy được nụ cười, nghe tiếng reo vui và có hy vọng ngày nào đó nó tự lập chứ vợ nuôi chồng tàn phế, chỉ thấy miệng méo xệch và chồng càng ngày càng nặng vì vợ càng già càng yếu. Rồi trong khi tôi có nhiều suy diễn bi quan, tôi lại thấy em tôi lạc quan. Nó kiên nhẫn dỗ dành chồng tập nói, nói “anh yêu em” và vỗ tay reo khi có ba âm thanh thoát ra từ cửa miệng thiếu hai hàm răng giả đang nhểu nước miếng. Ngày xưa có bằng lái xe mà chồng không cho phép sử dụng, bây giờ em tôi đưa đón chồng hàng ngày bằng ô tô. Nó còn bảo tôi đừng nhắc chuyện cũ nữa, nó không sao cả, từ ngày chồng tàn tật, nó sống thoải mái, tự do, muốn đi đâu thì đi tuy không đi đâu lâu, mọi sự tự nó quyết định, thích làm gì thì làm, tập yoga, thăm bà con bạn bè... tuy có chút nuối tiếc là không thuyết phục được chồng, đã cứng lưỡi nói ngọng mà không chịu đi nhà thương liền. Dần dà, qua nhiều chuyến viếng thăm, lắng nghe em tôi nói, tôi có được hình ảnh thằng em rể rõ nét hơn, chiếm hầu hết mười tám đức tính trừ u-mua, thêm một chút gia trưởng, mặc cảm, tự cao, cộc cằn, ích kỷ... Vậy là, trong bao nhiêu năm, em gái tôi đã sống với hai nhân vật, chính diện và phản diện, đối chọi và tồn tại bên nhau, quyện lẫn vào nhau, khi thế này khi thế khác mà không ai hay biết, cứ đinh ninh nó sống hạnh phúc. Có lúc nó tính tới con đường tự giải thoát nhưng không thành vì mọi người đều thờ ơ, dửng dưng ngay cả khi chính mắt nhìn thấy nhân vật phản diện xuất hiện, dù chỉ một lần duy nhất. Nhưng em tôi không tàn tật như mẹ Bastien để cuối đời sống thanh thản với người chồng câm lặng, tự do với người chồng bại liệt và còn kiên nhẫn khơi dậy tình yêu từ lâu đã héo hắt để nó đừng hoàn toàn tàn lụi. Đúng là nghịch lý của cuộc đời!

Mỗi khi ôm em vào lòng để tạm biệt, tôi biết mình đã được nạn nhân tha thứ và cảm thấy hạnh phúc. Chút hạnh phúc mà bố Bastien sẽ không bao giờ được hưởng vì cứ thử tưởng tượng bố nó dừng tay, không cho máy chạy, bồng nó ra, chắc Bastien sẽ khóc thút thít và không chừng đến dụi đầu vào lòng bố. Trẻ con có thể hờn giận nhưng chưa biết hận thù và tin bố mẹ còn hơn con người tin Thượng Đế. Như Adélaïde.

Người ta bắt đầu nhận thấy, đã đành là có thể mất mạng vì súng đạn, dao búa nhưng cũng có thể chết vì một lời nói, chết lần mòn hay sống mà như chết vì mình do chó đẻ ra, mặt mày mình như bãi phân bị nước mưa làm rỗ mặt! Tuy biết vậy nhưng loại bạo lực này vẫn chưa có thuốc chữa trị và ngăn ngừa. Chẳng lẽ cách hiệu quả nhất là đừng cho nó phát sinh? Như tên trộm cướp đã cắn vào gò má và trách mẹ mình trước khi bước lên máy chém “Tại sao mẹ không mắng con khi con ăn cắp quả trứng đầu tiên!”. Không khác gì “Tại sao mẹ không mắng con khi con nói lời độc ác đầu tiên!”. Bởi bạo lực lời nói chưa có thuốc ngừa nên nạn nhân của nó phải tự bảo vệ, như em tôi với lá bùa hộ mệnh “Khẩu xà tâm phật”, chồng ăn nói hung dữ mà có tấm lòng vàng. Nó như nữ kiếm khách song toàn, trong hàng chục năm, múa tay gạt phăng tất cả các mũi tên tẩm độc, để tránh trúng thương, cho đến khi người bắn cung bị bại liệt…

Ngẫm nghĩ tôi thấy mình thật may mắn vì tất cả nạn nhân tiềm tàng đã đi qua trong đời tôi đều tự lo. Nhưng nhiều trẻ con kể cả người lớn không tự lo được nên hàng năm vẫn có vài chục đức nhỏ và hàng trăm phụ nữ thiệt mạng vì bạo lực gia đình. Đó là chỉ ở Pháp, không rõ bên nước mình thì sao? Khổ nỗi trẻ con thì hồn nhiên, phụ nữ thì cả tin, sống khổ sở với nhân vật phản diện thứ thiệt mà cứ ngỡ mình sống sung sướng với nhân vật chính diện. Thêm vào bệnh dửng dưng phổ biến kiểu như tôi, tuy có chút thay đổi vì dù có muốn thờ ơ cũng không thể, bởi hàng ngày vẫn phải bỏ quần áo vào máy giặt để nghe tiếng thùng trống quay mấy nghìn vòng trong một phút và hàng năm, ra biển hóng gió, nhìn thấy thuỷ triều lên.


Ninh Kiều

Paris, Giáp Tết Bính Thân 2016




(1) Pandore: Nàng Pandore, vì tò mò quên lời căn dặn của Thượng đế Zeus, đã mở hộp quà khiến mọi bất hạnh, đau khổ tràn ra khắp thế gian (theo thần thoại Hy Lạp).



Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Bính Thân
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss