Mấy ý kiến nhỏ về một tập thơ lớn
Giới thiệu tập Thơ Trần Dần
Mấy ý kiến nhỏ
về một tập thơ lớn
Thanh Thảo
Đây có lẽ chỉ là một phần trong di cảo thơ khá đồ sộ của Trần Dần “đóng chai” gửi lại cho những người đến sau. Những “chai thơ” này trôi nổi trên mặt biển thời gian, và có thể sẽ tấp vào bờ vào hoang đảo một ngày nào đó, theo đúng những quy luật của thuỷ triều, của sóng biển, của nhân thế. Trần Dần nói ông “có thể chờ”, nhưng rồi ông đã không thể chờ, và đã dứt áo ra đi trước khi những “chai thơ” này tới được với người đọc.
Thơ Trần Dần không dễ đọc. Ông là nhà thơ cách tân muốn đi tới tận cùng những giới hạn của ngôn ngữ Việt, muốn “tháo dỡ” và “lắp ráp” ngôn ngữ Việt trong thơ theo nhiều kiểu nhiều cách để ngôn ngữ thi ca Việt có thể nói được nhiều nhất, đa chiều nhất, đa diện nhất và cũng đa thanh nhất. Mà có thể cũng không nói gì cả, vô thanh,vô sắc, vô diện. “Cuộc chơi thơ” này kéo dài hơn 30 năm, là cuộc chơi vãi máu, cuộc chơi đầy thương tích cho chính người chơi. Mặc dù thơ chả bao giờ hại ai, chả hề làm khó ai hay khiến ai phải chết nghẹn bao giờ. Có thơ dễ đọc mà hay. Có thơ khó đọc vẫn hay. Có thơ mới đọc đã hiểu đã cảm thật là hay. Có thơ mới đọc hay đọc vài ba lần cầm bằng như chưa đọc cũng thật hay.
Thơ dân chủ, nó có thể cố tình hoặc tình cờ đến với người đọc, nhưng nó cần người đọc. Người đọc chính là “Thượng đế” của thơ, nhưng không theo kiểu “khách hàng là Thượng đế”. Vì thơ không có khách hàng, chỉ có những người đồng cảm, những tri âm. Tôi không biết một nhà thơ thực sự có được bao nhiêu tri âm trong suốt cuộc đời làm thơ của mình. Với một nhà thơ như Trần Dần càng khó biết điều đó. Nhưng chắc là có. Thơ yêu cầu được đến với người đọc. Nó chả hại ai đâu, đừng lo ngại, đừng quá sợ nó ! Vì lẽ ấy, tôi ủng hộ nhà xuất bản Đà Nẵng – một nhà xuất bản địa phương đã dám “vì Thơ” để in tập thơ di cảo này của Trần Dần.
Về nhân thân chính trị, Trần Dần đã được “giải oan”. Sự nghiệp văn học của ông cũng đã được Nhà nước đánh giá lại đúng mức, và giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đã được trao cho ông như một hình thức truy tặng và vinh danh – dù hơi chậm. Nhưng chậm còn hơn không, không phải là “hơn không” cho Trần Dần, mà “hơn không” cho chính chúng ta, những người biết rất rõ “Rằng tài nên trọng rằng tình nên thương”. Nguyễn Bính hồi trước khi mất nghe nói cũng đã nghẹn ngào đọc câu Kiều này. Cả Nguyễn Bính và Trần Dần đều không thể chờ được sự phục hồi này, nhưng sự phục hồi công bằng cuối cùng rồi cũng tới.
Vậy thì việc nhà xuất bản Đà Nẵng bỏ công bỏ tiền (mà chưa chắc thu lại được đủ vốn, vì ai cũng biết thơ luôn là mặt hàng khó bán và cũng chẳng hy vọng thu lời) để in tập Thơ Trần Dần, thì theo tôi đó là một hành động đáng khâm phục trong hoàn cảnh kinh tế thị trường này. Có thể nhà xuất bản Đà Nẵng sẽ phải in 4 hay 5 quyển sách “thị trường” khác để bù lỗ cho tuyển thơ Trần Dần. Vậy là thêm một lần nữa, Thơ được tôn vinh ! Thơ vốn không mang lại cho nhà thơ và cả nhà xuất bản những lợi lộc vật chất. Nhưng nó lại có thể mang lại không chỉ cho nhà thơ, nhà xuất bản mà cả quê hương của nhà thơ hay của nhà xuất bản ấy những lợi ích vô giá về tinh thần, về tâm hồn, về nguyên khí.
“Anh có dám cả đôi vai, cả cuộc đời, gánh vác một ý kiến, một câu thơ ? một đề xuất chân mây ?” (Trần Dần). Xin nói rõ, chữ “chân mây” ở đây tác giả không viết hoa, không phải là “cảng Chân Mây” nơi được “đề xuất” thành “cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam” chẳng hạn (*). Tôi cũng phải thú thật, tôi đã mất khá nhiều thời gian để đọc tuyển Thơ này của Trần Dần mà không dám chắc mình đã lĩnh hội được gì nhiều. Thơ Trần Dần không dành cho những ai vội vã, những ai thiếu thời gian vì vô vàn những công việc những mục đích khác ngoài thơ. Nhưng hãy thỉnh thoảng “ghé vào” thơ ông, ta chợt như ngộ được một điều gì. Chỉ nhỏ nhẹ thế thôi, cũng đáng để ta “ghé vào” rồi. Với những ai ủng hộ sự công bố tập thơ này, tôi tỏ lòng ngưỡng mộ họ. Với những ai còn dè dặt hay ngần ngại vì lý do “thơ này khó hiểu quá” tôi xin cam kết với họ rằng : “Anh (hay chị) cứ đọc đi, đừng mang theo bất cứ định kiến nào khi đọc, cứ hồn nhiên đọc, hồn nhiên vui hay buồn (buồn nhiều hơn) với từng câu thơ từng bài thơ đi, rồi thơ ấy từ từ sẽ “vào” sẽ “cư trú” trong anh (hay chị). Một cư trú có hộ khẩu, chí ít cũng là có “KT3” (**) hẳn hoi đấy!” Bây giờ ngành công an đã giảm thủ tục phiền hà khi đăng ký hộ khẩu cho công dân, và tôi hy vọng, cho cả Thơ nữa. Vì Thơ Việt cũng là công dân Việt thôi mà ! Mà không phải “công dân hạng hai hay hạng ba” đâu nhé !
Thanh Thảo
Nhà thơ, Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ / Hội Nhà Văn Việt Nam
Chú thích của Diễn Đàn :
(*) Cảng Chân Mây thuộc Thừa Thiên Huế, tranh khách của cảng Đà Nẵng, nhưng không biết đến bao giờ mới thu hồi được vốn đầu tư vì năng suất rất thấp.
(**) KT3 là chế độ hộ khẩu dành cho người "ngoài tỉnh". Trên nguyên tắc, nó được đặt ra để đơn giản hoá thủ tục hộ khẩu, nhưng thật ra "không phải dzậy". Việt Nam hình như là nước duy nhất trên thế giới còn duy trì chế độ hộ khẩu hết sức phong kiến này.
NGUỒN :
Bài này đã được đăng trên báo Nông thôn ngày nay số 272 (ngày 13-11-2007, trang 8). Bản điện tử do tác giả gửi cho Diễn Đàn.
Các thao tác trên Tài liệu