Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Miền Hư Ảo / Tử hình blog – Lời kẻ bị xử bắn

Tử hình blog – Lời kẻ bị xử bắn

- Lưu Thuỷ Hương — published 08/01/2012 22:55, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
Tiểu thuyết Miền Hư Ảo, chương 8


Phần 1 – Miền hư ảo


Lưu Thuỷ Hương


Chương 8


Tử hình blog – Lời kẻ bị xử bắn



Cô Năm à! Cám ơn cô đã dành thời gian quý báu, tấm thân ngà ngọc, để cho kẻ hèn này một cơ hội quay về dương thế.

Cám ơn mấy đứa nhỏ đã dành cho bác một góc trong thế giới ảo để giãi bày tâm sự. Bác xin một khoảng nhỏ thôi, cho nỗi đau riêng, cho hai người thân yêu của bác còn ở lại trên cõi trần. Đúng hay sai gì cứ để người đời sau khách quan phán xét. Cứ để lịch sử nhìn nhận sự thật và gọi chính danh sự việc. Khi đó thế hệ này đã hóa thành tro bụi, mang theo cả lý tưởng, vinh quang, chiến thắng, hận thù, lầm lỡ, đau thương.

Xin ban biên tập giữ nguyên tên bài này là “Lời kẻ bị xử bắn”. Để cho kẻ bị đồng đội hành quyết oan ức còn có được cơ hội nói một lời. Một lời gửi lại dương thế.

Kính thưa đồng bào.

Kính thưa độc giả.

Tui tên là Tốt, Nguyễn Văn Tốt, bị chính đồng chí của mình kết án tử hình vì tội tham nhũng, chiếm đoạt của công. Tui là Nguyễn Văn Tốt, bị chính cấp trên của mình kết án tử hình để cướp nhà, cướp tài sản, cướp vợ, giết con.

Giới thiệu như vậy đủ chưa, cô Năm? Hay còn phải nói thêm, tui là Nguyễn Văn Tốt, khi chết oan vừa tròn bốn mươi lăm tuổi đời, hai mươi lăm tuổi Đảng.

Dạ, thôi. Tui ngồi ngoài hè được rồi, cô Năm à. Ngồi đây cho có chút gió đồi, đỡ oi. Mấy bụi trang vàng của cô Năm tốt quá he. Dạo này sao không thấy cô Năm vác cuốc qua chỗ tui đào hà thủ ô? Bên đó ai cũng sợ lưỡi cuốc của cô Năm. Mấy thằng vừa chết xuống đây đã vội te te bỏ đi thì không nói làm gì, đi là xong, dứt hết nợ trần, thân xác nằm đó chỉ là cát bụi vô tri. Chỉ có những đứa nặng nợ đời như tui, vất vưởng ở lại chốn hồng trần, mỗi lần nghe tiếng cuốc của cô Năm là lo thoi thóp. Nó dộng thình thình muốn phá nát nơi ở tạm bợ cuối cùng, nó đuổi mình đi mà mình không còn biết đi đâu. Ở như vậy khổ lắm, cô Năm à, một mái nhà trú ẩn cũng không có, lạnh lẽo cô đơn lắm. Hồn mình như con ốc sên bị lột vỏ, trần trụi yếu ớt, không có cái gì che giữ mình lại. Sợ hãi vô cùng. Phía trước kia là cầu Đoạn, bước lên đó để đối diện với sự thật, để nhìn nhận nghiệp chướng của mình. Không phải ai cũng đủ can đảm, đủ thành tâm mà bước qua kiếp nghiệp. Nhất là những kẻ lầm lỡ đưa thân vô đây.

Dạ, không sao đâu cô Năm, khách sáo làm gì. Tui ngồi ở thềm nhà của cô Năm, hưởng một chút hơi ấm đồng loại là lòng đỡ cô quạnh rồi. Thứ cô hồn như tui, vất vưởng ngoài bờ ngoài bụi, lang thang đói rách ngày này qua tháng khác còn dám đòi hỏi gì nữa đâu. Mà đòi hỏi gì chớ, cuộc đời đẹp đẽ với bao nhiêu yêu thương mình huỷ hoại nó đi rồi. Oan nghiệp của mình đó. Chỉ ngại cô Năm phải ra đây hầu đồng ngồi chung. Có tiện cho cô không, cô Năm?

Tui đi không đành, cô Năm à. Qua cầu là cắt mất đường về dương thế. Còn nhiều điều tui không đành lòng bỏ lại. Cô Năm làm ơn giúp tui một lần, chỉ một lời hứa của cô là tui an tâm ra đi. Tui quỳ xuống lạy cô ba lạy ơn nghĩa, xin cô nhận dùm. Tui lẽo đẽo đi theo cô bao lâu nay vì tui biết cô là người nhân đức. Những nỗi đau ngày trước, cô bỏ qua hết, lòng chẳng oán thù ai. Tui phục cô chỗ đó.

Cô hỏi sao tui biết chuyện xưa? Cô không biết tui, chứ tui biết cô. Chuyện này đau lòng quá, nó ám ảnh tui suốt cả một đời làm người. Cả khi nhắm mắt xuôi tay rồi mà Trời Đất vẫn buộc tui đối diện với cô, tới nhà cô quỳ lạy cầu sự giúp đỡ. Chẳng qua đó là kiếp nghiệp của mình, dẫu chết rồi cũng chưa thể tan. Gặp lại cô một lần như vầy, có khi lại nhẹ lòng để đủ sức qua cầu. Chuyện này để nói sau được không cô? Không phải tui cố ý loanh quanh gian lận gì đâu, ngay cả khi tui giãi bày hết tâm sự của mình, cô vẫn có quyền nhận lời giúp tui hay gạt bỏ nó đi, mắng chửi tui tàn tệ, nguyền rủa linh hồn tui không bao giờ siêu thoát.

Cô Năm à. Con nhỏ hôm trước vô trường bắn tìm mộ tui, là con Hoài Bắc. Tui đi để nó lại không người dạy dỗ, đau lòng lắm. Nó mang dòng máu ác độc trong người, cái tâm không lớn thì khó tránh được tội lỗi. Tui nuôi nó lớn lên, tui biết mà. Cái thiện cái ác trong người nó lẫn lộn, phải cố gắng lắm để giữ mình. Nếu những lời nguyền rủa của tui mà ứng vô nó, thì tội nghiệp kiếp này của tui nặng lắm. Lời mình nguyền có Trời Đất chứng giám, làm sao lấy lại được hả cô. Người ta hối hận cỡ nào cũng không sao lấy lại được lời độc địa mình thốt ra. Khi cái chết lăm lăm hiện ra trước mắt, bao nhiêu hận thù oan ức nổi dậy trong lòng, gào thét đòi quyền được sống. Sống để trả thù, sống để giải oan. Đó là giờ phút cái ác giết chết cái thiện, để rồi cả hai chết hết. Cái thiện chết trước, cái ác chết sau. Cái thiện do cái ác giết. Cái ác do con người giết. Cô Năm, bao giờ cô gặp ông Ba nhờ cô nói lại dùm. Cái ác chỉ sợ con người.

Cô Năm ơi. Tui lạy cô ba lạy, khẩn cầu cô, theo lo cho con Bắc dùm tui. Xin cuộc đời đừng bắt nó mang vác hận thù, đừng để nó sống với một tâm hồn tật nguyền. Tui chết là do nghiệp chướng mình gây ra, nó nhào vô gánh làm gì. “Lấy oán trả oán, oán ấy chồng chất.” Oán thù tới kiếp nào, tới thế hệ nào mới rửa hết. Cô Năm theo bảo bọc nó dùm tui. Làm sao khuyên nó quên hết chuyện ân oán đi để làm người bình thường, sống một cuộc đời bình thường. Cái thằng đi theo nó, tui thấy được. Nó lo cho con Hoài Bắc tử tế lắm. Có chuyện bất trắc là nó lao ra án ngữ cho con nhỏ. Tui nhìn tụi nó mà cảm động, nhớ chuyện của mình ngày xưa. Tui cũng từng sẵn sàng lao ra đón nhận bất trắc cho người mình yêu. Tui gánh hết phần thiệt thòi về mình, nhưng tui không được như thằng này. Tui mù lòa, nhắm mắt mà theo Hận. Bỏ hết, huỷ hoại hết.

Tình yêu, danh vọng, tài sản, sinh mạng tui không tiếc gì, không mang theo cái gì. Vậy mà còn chưa dám bước qua cầu. Lên cầu rồi phải cúi đầu nhìn xuống, nhìn cho hết tội lỗi của mình trôi trên dòng nước thì mới qua được. Có sự thật mà khi còn sống mình cố tình không thấy, bây giờ buộc phải đối diện với nó để siêu thoát, thì lại sợ hãi.

Tui biết cô Năm nghĩ gì rồi. Ờ, người đàn bà đuổi theo con Bắc hôm đó là Sáu Hận. Tui phục cặp mắt tinh tường của cô lắm nghen. Nhưng cô đừng tưởng lừa được Hận vô đầm Trai. Con người Hận gian ngoan trí trá khôn lường, không bao giờ tin ai. Cả đứa con ruột của mình mà Hận cũng không tin, săn đuổi nó tới tận cùng. Tội nghiệp con nhỏ. Nó ra thăm tui mà cũng trốn má nó mà đi. Nó muốn gặp tui một mình. Nó nhớ tui. Trên đời này có còn ai yêu thương nó như tui đâu. Hôm đó, bậy quá, tui theo sương chiều đuổi theo con, muốn ôm con một lần cuối, vuốt tóc con một cái mà làm hai đứa hoảng sợ. Từ lúc bị bắt cho tới lúc tử hình chưa một lần nào tui được gặp lại nó, ở tù chờ án mà từng ngày nhớ thương con đứt ruột đứt gan. Tệ bạc! Suốt một năm, hai tháng, tám ngày tui ở tù, chưa một lần Hận dẫn con ghé vô thăm. Bây giờ con tui đã lớn như vậy rồi, đẹp đẽ duyên dáng như vậy rồi. Nhờ ơn Trời mà nó còn nhớ tới tui, đi tìm thăm tui.

Cô Năm nói, con Bắc không giống Hận. Phước bảy đời nhà nó. May mà không giống con mẹ nó.

Hận đẹp lắm, trên đời này ít ai đẹp như Hận. Ít ai bì được với Hận. Một người đẹp như vậy, tàn ác như vậy, dâm tà xảo quyệt như vậy trên đời này hiếm có, ít ai bì được. Ngay cái hôm Hận ra trường bắn, giả dạng xấu xí không giống ai, vậy mà bao nhiêu tình cảm yêu thương trong lòng tui vẫn trỗi dậy như ngày xưa. Tui yêu Hận ngay từ cái nhìn đầu tiên, yêu lặng thầm mà không hề dám mơ sẽ có ngày mình lấy được Hận. Một thằng không cha không mẹ như tui, một thằng xấu trai, một thằng ở mướn, một thằng làm công... sao dám mơ cao. Sau này, tui mới biết, Hận lấy chồng là do tổ chức sắp đặt. Hận lấy tui là để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Mặt Trận, để xây dựng cơ sở trong lòng địch, để cài lực lượng biệt động vô nhà trùm tư sản mại bản. Khi đó Hận đã có bầu với người khác. Khi đó tui càng thương Hận nhiều hơn. Thương Hận, làm tất cả những điều Hận đòi hỏi để mong bù đắp thiệt thòi cho Hận. Ngay cả bây giờ, nếu được làm thêm bất cứ điều gì cho Hận, tui cũng sẽ cố. Cho dù điều Hận muốn tồi tệ tới đâu, cho dù oan nghiệp sẽ lại chồng chất đày đọa linh hồn tui đời đời kiếp kiếp. Đặt thuốc nổ, đắp mô, chôn mìn, giết người vô tội, tham ô, tham nhũng, lũng đoạn thị trường… Em còn muốn gì nữa hả Hận? Những thứ anh mang lại cho em không bao giờ đủ. Cả sinh mạng của anh, đặt dưới chân em cũng là vô nghĩa.

Vậy đó, cô Năm à, Hận không cần tui nữa đâu. Tui chỉ là một cây cầu mục nát mà Hận bước qua. Qua rồi là chặt cầu. Phụp. Tính Hận là vậy.

Cô Năm nói Hận giống ai? Ờ, hôm trước nghe cô Năm nói một lần rồi. Đàn bà độc ác cỡ đó tuồng tích mình không có. Không phải vì người mình lương thiện, mà vì người mình hèn, không dám nhìn thẳng vô cái ác và gọi đúng tên nó. Cô Năm so sánh Hận với Tiểu Khanh – Mã phu nhân trong truyện Lục Mạch Thần Kiếm – thì được, chứ so sánh tui với Mã trưởng lão e khó coi. Mã Đại Nguyên là người có danh phận trên giang hồ nên mới lấy được nàng Tiểu Khang, cứu nàng ra khỏi cuộc sống đói nghèo. Khi tui lấy Hận, tui chỉ là thằng tứ cố vô thân ăn nhờ ở đậu nhà Đường Sơn. Con người Hận bên ngoài ôn nhu thanh nhã vậy chứ trong lòng dâm ác gian tham lắm. Hễ thích cái gì của ai là tìm cách chiếm cho bằng được, nếu không lấy được thì cũng tìm cách huỷ hoại nó đi. Khi còn cơ hàn thì mơ ước tầm thường nhỏ nhoi, khi có chức quyền thì tham vọng nhục vọng không còn giới hạn. Tâm tính như vậy mà không sánh với Mã phu nhân sao được. Đàn bà Tàu chẳng ác gì hơn đàn bà mình đâu, nhưng nhà văn Tàu dám nói ra cái ác, còn nhà văn mình thì giấu nó đi. Có nói ra cũng chỉ ấm ớ nói về cái ác của kẻ thù, cái ác của kẻ bên kia chiến tuyến. Anh hùng bất khuất trung hậu đảm đang, ta là vậy. Cái con người mà Hận yêu thương kia, kẻ bần tiện khoác áo bào hào nhoáng kia, kẻ thâm độc mang bộ mặt chính nhân quân tử kia, cô Năm ví nó là Đoàn Chính Thuần e có xứng không? Tâm địa hai con người khác nhau, cùng gian dâm nhưng không cùng mục đích. Ghép chuyện này vô chuyện kia, nó lệch lạc lung tung. Nhưng tui biết rồi, cái bệnh người đời là cái bệnh gán ghép rồi so sánh.

Bực mình, nhắc tới kẻ tử thù là mất bình tĩnh. Chết rồi mà vẫn vọng động.

Ủa, mà hoá ra cô Năm cũng thích coi tuồng, đọc kiếm hiệp. Hôm nay mà gặp cô Năm, tâm sự hả hê một lần như vầy, coi là gặp người tri kỷ. Cả đời tui cô đơn không cha, không mẹ, không anh chị em nên cũng không biết tâm sự là gì. Bởi vậy mà có nhiều điều lầm lỡ không giãi bày được.

Cô Năm mê bộ “Lục Mạch Thần Kiếm” lắm sao? Trời, đâu phải một mình cô Năm mê truyện đó, nhiều người mê mà mỗi người mê một cách khác. Hồi đó nhật trình đăng truyện ông Kim Dung từng ngày, kéo dài hơn bốn năm, ờ, khoảng đó. Cái tuổi trưởng thành bắt đầu có nhận thức của tui cũng nằm trong khoảng đó.

Cô Năm, nhìn mấy bụi trang vàng của cô Năm rồi nhớ tới Mạn Đà sơn trang trong Lục Mạch Thần Kiếm, hoa sắc tuyệt vời, hồ nước thênh thang. Tui mà tới được đó, nhìn xem phong cảnh một lần rồi bị chôn xác dưới bụi hoa mạn đà cũng thoả chí bình sinh. Cô Năm nói sao, mạn đà la xứ mình kêu là cà độc dược. Trời ơi, thiệt vậy sao cô Năm? Ví đàn bà đẹp với hoa mạn đà la thì còn gì đúng bằng. Đẹp đẽ mà tàn độc vô song.

Ờ, ờ, được nói chuyện với cô Năm quả là gặp tri kỷ. Tui còn nhớ, nhớ rõ lắm, tui gặp nàng Tiểu Khanh – sau này lấy Mã trưởng lão thì được gọi là Mã phu nhân – năm tui mười sáu tuổi. Cái tuổi bồng bột chỉ mê những loại con gái đẹp đẽ trong trắng như Vương Ngọc Yến, chỉ khoái loại người hùng trọng nghĩa khinh tài như Kiều Phong. Khi đó, Mã phu nhân chỉ là cái bóng mờ thoáng qua, lại được tác giả viết như là nhân vật phản diện, để người đời căm ghét, để người đời nguyền rủa. Khi đó, cái sự ác độc giấu đằng sau một dung nhan đẹp đẽ chỉ nhằm làm người đọc ghê sợ.

Tới năm mười tám tuổi, lần đầu tui nghe Mã phu nhân nói với Đoàn Chính Thuần: “Chàng được trời cho giàu sang từ tấm bé, đâu biết cái khổ của con nhà nghèo.” Câu nói đó không làm xúc động ông vua Đại Lý, không làm xúc động những độc giả khác, nhưng nó đánh thẳng vô trái tim tui. Đánh một cái đau tới chết người. Đánh một cái choáng váng sụp đổ. Hoá ra tiếng gọi của giai cấp vô sản từ trong vô thức đã thấm đẫm tâm hồn con người cùng khổ.

Cô Năm là con gái nhà giàu về Sài Gòn học, chắc không biết tới cái nỗi khổ sinh ra làm người nghèo khó. Tui là thằng mồ côi ăn nhờ ở đậu trong dinh thự của Đường Sơn Tấn Phong, mỗi ngày nhìn tận mắt sự giàu sang của kẻ khác mà ý thức hơn cảnh côi cút bần hàn của mình. Tui ăn một miếng cá, nuốt một miếng cơm cũng nghẹn ngào nhớ, đó là cơm là cá của kẻ khác bố thí cho mình. Xin lỗi cô Năm. Chỉ có những người nghèo mới hiểu được nhau, mới đau đáu một nỗi đau vô sản cơ hàn.

Đừng. Đừng nóng, cô Năm. Để cho tui nói.

Ờ, lại nói tiếp chuyện Tiểu Khanh. Từ khi nghe lời tâm sự đau thương của Tiểu Khanh, tui chỉ theo dõi những phần liên quan tới nàng. Không ngờ kết cuộc lại quá bi thảm. Tui vừa đọc vừa khóc ròng ròng, vừa xót xa cho nàng, vừa oán trách tác giả sao nỡ viết ra những điều tàn nhẫn, sao không cho nàng một cơ hội để hướng thiện. Tại sao cuộc đời đẩy những đứa con gái như Tiểu Khanh vô cảnh nghèo khổ bần hàn rồi huỷ hoại nhân cách người ta.

Năm đó tui mười tám tuổi, gặp Hận mà ngỡ Tiểu Khanh. Yêu Hận rồi thề đem cả cuộc đời mình ra đánh đổi cho Hận một cơ hội làm người hạnh phúc. Năm hai mươi tuổi, tui được Hận đưa vô chiến khu, được giác ngộ tư tưởng, được định hướng giai cấp, để hiểu được nguồn gốc của bất công. Chỉ có giai cấp vô sản đoàn kết mới chống lại được bọn tư sản bóc lột hút máu dân nghèo, bọn bán nước liếm gót ngoại bang, bọn làm giàu trục lợi chiến tranh. Chỉ có giai cấp vô sản mới trả lời được câu hỏi đau lòng, tại sao cuộc sống này đầy những bất công, tại sao cuộc đời này có những kẻ bất hạnh, không mái nhà nương thân, không tấm áo lành lặn, không bữa cơm no.

Những thảm cảnh đó, chế độ phân chia giai cấp đó phải bị tiêu diệt.

Khoan. Khoan. Cô Năm! Bỏ cây cuốc xuống đi. Đừng nóng. Người ta không chết được hai lần đâu. Cô đừng nóng giận làm gì, cô có lấy cuốc bửa đầu tui thì tui cũng vẫn nói vậy thôi. Đó là lý tưởng niềm tin của tui. Vì nó mà tui hy sinh tuổi trẻ của mình.

Ở đây không ai thích nghe chuyện chính trị hả? Hay diễn đàn này cấm nói chuyện chính trị?

Được. Để tui nói qua chuyện khác. Cô Năm gọi đồng là muốn hỏi chuyện gì? Chuyện chết oan? Chuyện tham nhũng?

Cô Năm ơi, tui làm gì xứng đáng nhận lãnh tội danh tham nhũng. Cấp trên ghép tội gì thì chịu tội đó, kêu oan ở đâu? Thằng ăn cướp xử án thằng trộm vặt, lý lẽ gì mà nói. Chuyện này cứ để người đời sau xét xử. Những thằng nghèo đói xả thân cho đất nước như tui, vào sinh ra tử không tiếc gì mạng sống, ngày hoà bình chỉ vì chút lòng tham vặt mà phải gánh tội cho cả chế độ, cho cả một tập đoàn thống trị. Ai cũng mừng hỷ hả, ai cũng nói luật pháp nghiêm minh. Chuyện này cứ để hai mươi năm sau nhìn lại, khi đó người ta mới biết tội nghiệp cho những con tốt thí, cho những viên đá lót đường để cả một đoàn quân tội ác bước qua. Cứ để ngày sau xét lại. Hãy nhớ lấy lời tui.

Cô Năm à, tui chịu câu nói này của cô. “Cũng tham tàn cướp của, cũng hãm hại người lương, nhưng có kẻ sảy chân đổ máu – có kẻ bước lên đỉnh vinh quang.” Cuộc đời này khốn nạn chó má vậy đó.

Bây giờ thì cô Năm biết rõ tui là ai rồi. Đúng. Tui là Bảy Tốt, kẻ từng sống hơn sáu năm yên lành trong căn nhà thuỷ tạ dưới chân đồi Thủ Đức, cho tới ngày Tư Trung vì lòng tham mà đẩy tui vào chỗ chết. Căn nhà thuỷ tạ này sau đó thuộc về Tư Trung. Vợ tui sau đó lại tằng tịu với Tư Trung. Con gái tui bị Tư Trung cho xe tải đá cán ngang. Khoan, chuyện con Bắc bị xe cán từ từ rồi kể. Cô Năm, cái thằng mà cô Năm ví với Đoàn Chính Thuần đó là thằng bất nhơn bất nghĩa bất tín. Nếu có dịp cho nó một lưỡi cuốc thì tui làm liền.

Đúng. Tư Trung là thằng ác nhơn mà cô gọi là quan tổng đốc.

Lẽ ra, ngay từ đầu, khi Tư Trung dòm ngó căn nhà đó, dòm ngó số tài sản của Đường Sơn Tấn Phong chôn giấu trong đó thì cứ để cho Tư Trung chiếm đoạt. Nhưng lòng tham đẩy Hận vô chỗ tranh dành với Tư Trung. Tui khuyên can hết lời mà Hận không nghe, căn nhà đó là căn nhà ma quỷ, ai vô đó ở rồi cũng chết thảm thương. Đường Sơn Tấn Phong bị Tư Trung bức tử mà treo cổ chết trong đó. Tui lái xe bao lâu cho Đường Sơn đại huynh, tui biết tính đại huynh, tình nghĩa sâu nặng mà oán thù cũng dữ dội lắm. Oan hồn của Đường Sơn đại huynh biến thành ma thành quỷ trong đầm lầy, ngày đêm canh giữ của cải, không cho ai đụng tới. Mấy cán bộ gộc ngoài Bắc vô vì lòng tham mà cố chiếm căn nhà đó, ở chưa đầy ba tháng là chết bất đắc kỳ tử. Toàn những cái chết kinh hoàng thảm khốc, không toàn thây.

Hận không nghe lời tui, chỉ cười khẩy rồi khăn gói bỏ nhà đi suốt hai tuần. Khi Hận trở về má đỏ hây hây, mắt cười lúng liếng. Hận nói.

“Ngày mai chuyển nhà vô đầm.”

Tim tui đau thắt lại, tui giận dữ hỏi.

“Ai cấp giấy phép?”

Hận cười đắc thắng, nói rõ từng tiếng.

“Anh Cả.”

Tui nghe tới cái tên đó thì sợ tới sững người, đứng xuội lơ, hết dám phản kháng gì. Chỉ cái tên thôi là đủ làm cho người ta sợ tới mức câm họng. Đủ biết con người này ghê gớm ra sao, nguy hiểm ra sao. Không biết Hận làm cách nào nhờ vả được Anh Cả để chơi qua mặt Tư Trung. Chuyện này chắc Tư Trung không biết. Cho tới lúc chết cũng không biết. Không ai biết Hận nghĩ gì, suy tính gì, nhưng Hận đã suy nghĩ gì rồi thì không ai cản nổi.

Khi Hận dọn vô nhà thuỷ tạ, chọn căn phòng ngủ của Đường Sơn Tấn Phong làm phòng ngủ của chính mình, thì sức chịu đựng của tui đã đi tới giới hạn cuối cùng. Trong căn phòng đó, Đường Sơn đại huynh treo cổ tự tử chết. Tui nói với Hận, tui khuyên can Hận, Đường Sơn với tui là chỗ quen biết, ân tình. Nay Đường Sơn thác oan trong phòng này, vong hồn không siêu thoát được, mình không giải oan được cho người ta thì cũng nên tránh xa ra. Hận nghe tui nói thì cười khinh khỉnh. Vậy là tui dọn đồ đạc xuống ở căn phòng sau bếp, từ đó không một lần bước chân vô căn phòng có treo màn đỏ, nhờ vậy mà giữ được tánh mạng tới hơn sáu năm. Thiệt ra, hồi còn làm lái xe cho Đường Sơn đại huynh, mỗi khi về đây tui cũng vẫn ở trong căn phòng cạnh nhà bếp này. Cuộc đời qua bao biến động mà dường như lại vẫn không thay đổi gì, cho tới lúc phải vĩnh viễn ra đi.

Chỉ thương con Bắc, nó không thoát đi đâu được. Một đứa nhỏ bị mẹ mình lừa dối như vậy, bị cha mình ngược đãi bỏ rơi như vậy, nếu biết được sự thật thì cuộc đời nó sẽ mất hết niềm tin, sẽ sa ngã không sao gượng dậy nổi. Tui lỡ ra đi quá sớm nên không theo chăm sóc bảo bọc cho con được. Vì thương nó còn lại lẻ loi trên đời giữa dối trá, giữa thù hận, giữa lòng tham, giữa sự độc ác và dâm ô, mà tui không nỡ ra đi. Cũng may, hôm con Bắc bị xe đụng ngoài ngã ba, tui đang lởn quởn ngoài đó, thấy chiếc xe tải tuột dốc lao ào ào vô con, tui hoảng quá phóng đại vô mặt thằng lái xe. Nhờ đó mà tay lái của nó mới lệch đi. Nhờ đó mà con tui mới thoát chết.

Thiệt lạ, cô Năm à, hồn ma như sương khói làm gì có xung lượng. Làm sao thằng lái xe bị tui nhảy vô mặt mà choáng váng lệch tay lái. Sau chuyện đó tui thử đi thử lại nhiều lần mà không kết quả, không làm rung nổi một cọng cỏ. Tui đi hỏi mấy hồn ma lâu năm khác, họ nói, chỉ những kẻ chết bất đắc kỳ tử, sinh khí mới không bị tiêu huỷ hết. Lúc nguy nan hoảng hốt sinh khí bỗng tập trung lại hoá thành xung lượng, nhưng bình thường thì nó cứ tản mạn đi. Hơn nữa, sinh khí người chết là thứ không được bồi đắp, nó sẽ mất dần dần chứ không thêm ra. Thành ra chuyện này sẽ không lâu dài mà cũng rất mông lung. Tui biết vậy nhưng từ hôm đó tui cứ cố tập luyện, mai mốt tui đủ sức thì sẽ cầm cây cuốc lên bổ xuống đầu thằng Tư Trung. Cô coi nè, bây giờ tui đã làm rung được cọng cỏ, xê dịch được cái lá khô. Đó đó. Hay chưa. Không… bao lâu nữa, Tư… Trung sẽ… bỏ mạng.

Khoan… tui hết sức. Tui hết sức rồi. Phải… phải… nghỉ chút đã.

Trời ơi…

Cảm giác này… kinh khủng lắm. Nó giống như khi mình bị hành quyết, mười viên đạn xoáy vô thân thể, dương khí của mình ào ào thoát ra từ mười cái lỗ trống hoác. Người mình hụt hẫng, lả đi, tan biến đi... không sao gượng lại được... thật là khủng khiếp. Nhưng hồi đó, tui không chết liền đâu, cô Năm. Loại biệt động thành từng vào sinh ra tử như tui, chí khí quật cường đâu dễ chết liền. Phải tới khi viên đạn ân huệ của đồng chí bắn vô đầu tui mới chịu xuôi tay. Tụi cô hồn trường bắn, đứa nào có mặt hôm đó cũng thất kinh, cũng ngán Bảy Tốt.

Không, tui không chịu thua đâu. Ngày nào còn chưa giết được Tư Trung để trả thù là tui còn chưa thanh thản ra đi.

Cô Năm hỏi, Tư Trung có liên quan gì tới tai nạn của con Bắc. Trời đất, cô không biết thiệt sao? Thằng lái xe tải đâm vô con Bắc là thằng Khả rỗ, tay sai thân tín của Tư Trung. Con Bắc bất cẩn, đột nhập trại đỉa để tụi bảo vệ phát hiện và theo dõi. Tụi nó được lịnh Tư Trung thủ tiêu con Bắc. Thằng Tư muốn lấy cho được tài sản của Đường Sơn, nó sẵn sàng hạ độc thủ, sẵn sàng tiêu diệt những kẻ nhăm nhe kho tàng trong nhà thuỷ tạ. Cô Năm, nhờ cô khuyên can con Bắc dùm tui. Nó đừng tiếp tục ra vô trại đỉa nữa, nó không phải là đối thủ của Tư Trung. Tụi tay sai của Tư Trung là tụi giết người không gớm tay, đồng chí với nhau tụi nó còn khử cái rẹt, nói gì người ngoài, nói gì loại con gái liễu yếu đào tơ. Cô nói con Bắc mau rút lui đi, trả lại hết oán thù mà sống một cuộc đời bình thường. Chuyện khử thằng Tư, để đó cho tui. Chuyện đời có vay có trả, nó không thoát nổi đâu.

Cô Năm hỏi, làm sao tui biết cô Năm mà tới nhờ cậy gửi gắm con Bắc. Tui biết cô từ lâu lắm rồi. Cô cho phép thì tui mới dám kể.

Hồi đó, cô mới mười chín tuổi, sinh viên Triết năm thứ hai tại đại học Văn Khoa. Có mấy lần tui đi cùng chuyến xe đò Sài Gòn - Cao Nguyên với cô Năm. Có lần, tui ngồi ngay băng ghế sau lưng cô Năm với người yêu của cô Năm. Người yêu của cô, hồi đó... Cô Năm. Đừng khóc.

Chuyện đau lòng, tui biết, nhưng tui xin cô cho tui một dịp được nói ra, nói để xin cô tha tội cho mà bước qua cầu.

Đừng khóc, cô Năm.

Tui còn nhớ cái lần đầu gặp cô. Mười chín tuổi, cô đẹp như đoá hoa đào hàm tiếu. Nếu nói về nhan sắc, thiệt tình, cô Năm đẹp hơn Hậu một nước. Nhưng cái đẹp của cô là cái đẹp thuỳ mị nết na, nó chỉ làm người ta yêu mến ngưỡng mộ như ngắm một đoá hoa thanh khiết chứ không ham muốn chiếm đoạt. Cái đẹp của Hận là cái đẹp gian tà, nó làm người đàn ông rạo rực, khao khát chỉ muốn vồ vập cởi bỏ hết ràng buộc, rừng rực xé bỏ hết áo quần. Nó làm run rẩy từng thớ thịt, rìn rịn mồ hôi từng lỗ chân lông. Trời ơi... xin lỗi cô Năm.

Cho tới bây giờ, mấy mươi năm trôi qua, mà một nửa khuôn mặt còn lại của cô vẫn đẹp vời vợi như trăng như ngọc. Khi gặp lại cô, bao nhiêu năm từ lúc nổ mìn ở chân đèo Bảo Lộc, tui vẫn bàng hoàng nhận ra một nửa khuôn mặt của cô sinh viên mỹ miều ngày đó. Đêm về, tui không sao ngủ được, hình ảnh kinh hoàng xưa cũ lại hiện về. Chiếc xe đò bị trúng mìn đứt lìa nằm bên chân đèo. Xác người cháy trong xe, xác người nổ banh ruột bên đường. Xác của người yêu cô Năm, mất đầu, mất tay. Cô Năm, hôm đó, khi tui được tổ chức phân công giả dạng thường dân tới đèo kiểm tra kết quả trận đánh, tui thấy cô cũng ngồi bên đường như vầy, cái áo dài trắng của cô cháy loang lổ, rách be bét, nhuộm đầy máu. Cô không khóc, chỉ loay hoay tìm cách gắn lại cái đầu của người yêu vô cái xác, loay hoay gắn tới gắn lui như con nít chơi búp bê. Tới chừng cô Năm liệng cái đầu vô tri xuống đất mà ngẩng mặt lên trời gào la thất thanh, thì tui quỳ xụp xuống bên rừng, xin Trời Phật tha thứ tội lỗi cho tui. Thiệt tình tui không biết cô Năm đi chuyến xe đó. Thiệt tình tui không ngờ tai nạn lại kinh hoàng như vậy. Khuôn mặt đẹp đẽ như trăng rằm, như hoa, như ngọc của cô đã bị cháy đen hết một nửa.

Để tui lau nước mắt cho cô. Đừng khóc nữa. Bao nhiêu năm tui mang nỗi ân hận vô bờ bến này trong lòng. Vì nó mà tui không dám bước chân qua cầu Đoạn, vì nó mà tui không đủ can đảm nhìn lại quá khứ của mình trên dòng sông oan nghiệp. Chiến tích tàn khốc trên thân xác những người đồng bào vô tội là chiến công của tui, là những bậc thang bằng xương bằng thịt, là tấm thảm máu đỏ da vàng, cho tui bước lên.

Tui xin lỗi cô Năm, tui nhắc lại chuyện xưa làm cho cô đau lòng. Tui gửi lại đây một lạy xin cô tha thứ cho rồi tui rời xa chỗ này. Lẽ ra, với chừng đó tội nghiệp tui không nên quay lại xin xỏ cô điều gì. Tui... tui tưởng... bao nhiêu năm vết thương trong lòng cô đã liền lạc.

Thôi, xin phép cô, tui về lại cõi âm hàn.

Cô Năm còn muốn hỏi gì nữa sao? Cô cứ hỏi đi, hỏi bất cứ chuyện gì tui cũng trả lời thành thật.

Cô muốn biết, ai là người lên kế hoạch chôn mìn khủng bố ở chân đèo Bảo Lộc. Sao cô Năm lại dùng chữ “chôn mìn khủng bố”? Chữ đó... Mà... thôi, lúc này tranh luận chuyện chữ nghĩa cũng vô ích, cứ để người đời sau suy xét.

Cô Năm... giờ phút cuối cùng còn lại ở dương gian... tui xin cô mở lòng từ tâm mà tha thứ cho. Cô hỏi tui, người chỉ đạo công tác đắp mô chôn mìn trên tuyến đường Sài Gòn - Cao Nguyên khi đó là ai. Chuyện này thiệt ra không liên quan tới Tư Trung, cô Năm à. Thời gian đó, Tư Trung bị đẩy qua chiến trường Bình Long. Một lãnh đạo khác được đưa từ miền ngoài vô để tổ chức chiến dịch đánh phá và cô lập Cao Nguyên, chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công. Không ai rõ con người bí mật này là ai, có lẽ trừ Sáu Hận ra. Hắn chỉ xuất hiện khoảng vài năm trong căn cứ Đà Lâm ở Cao Nguyên, tới đầu năm 74 thì đột ngột biến mất. Đó là người mang bí danh là Anh Cả.

Cô Năm, tui trả lời vậy là hết nước hết cái rồi. Thiệt tình tui cũng không biết Anh Cả là ai, nhưng thời đó cái tên của hắn gây ra một nỗi sợ hãi khủng khiếp lắm. Hắn chỉ ở Cao Nguyên vài năm mà thủ tiêu hết một phần ba số cán bộ nằm vùng có khuynh hướng ly khai đàng ngoài. Bản lãnh như Tư Trung mà còn chịu thua một nước, nói gì tới loại cắc ké như tui. Sao chớ? Cô Năm vẫn còn muốn hỏi chuyện đó nữa sao? Cô Năm cứ muốn biết người trực tiếp chỉ đạo công tác đắp mô chôn mìn chân đèo Bảo Lộc khi đó là ai? Chuyện này... do cấp trên ra lệnh... cấp dưới đâu có sự lựa chọn. Thôi đành vậy... âu cũng là oan nghiệp.

Đành trả lời cô, người đó là Sáu Hận.



Comments (1 total)


Phú

Thịt da này dành cho thù hận
Cho bạo cường
Cho tham vọng
Của một lũ điên”


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Indochine: 70 ans après les Accords de Genève 21/11/2024 16:00 - 18:00 — BnF site François-Mitterrand, Quai François Mauriac, 75706 Paris Cedex 13
Les Accords de Genève, espoirs et désillusions au cœur de la guerre froide. De l’indépendance à la division du Vietnam 11/12/2024 16:30 - 18:00 — Bibliothèque François-Mitterrand, Quai François Mauriac - 75706 Paris Cedex 13
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us