Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Miền Hư Ảo / Oan hồn blog – Lời quan tổng đốc

Oan hồn blog – Lời quan tổng đốc

- Lưu Thuỷ Hương — published 16/01/2012 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
Tiểu thuyết Miền Hư Ảo, chương 9


Phần 1 – Miền hư ảo


Lưu Thuỷ Hương


Chương 9


Oan hồn blog – Lời quan tổng đốc



Tư Trung đây.

Thằng Tốt đấy à? Làm quan mà không biết thí tốt thì làm quan cái quái gì?

Thằng bán gà đấy à? Mày đang là thằng tình nghi giết người số một đấy, liệu hồn. Đừng giở trò khai quật nhân chứng lên mà hù doạ quan lớn.

Hai đứa mày và đám con ranh nghe đây, chúng mày là ai trong cái xã hội này? Thằng nào, con nào dám đòi xét lại lịch sử? Dám đòi đặt lại vấn đề? Thế hệ chúng tao là những người viết nên lịch sử. Những trang sử oai hùng những chiến công hiển hách làm rúng động toàn cầu bằng vào chiến thắng chủ nghĩa thực dân chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa bành trướng bá quyền đưa dân tộc vượt lên tầm cỡ thế giới xứng đáng nhận sứ mệnh tiên phong của nhân loại và cũng vinh danh trở thành lương tâm của thời đại. Những biểu hiện sáng ngời chói lọi về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người đã đi vào lịch sử thế giới như một chiến tích vĩ đại của thế kỷ 20 như một sự kiện đứng đầu mang tầm quan trọng quốc tế to lớn và tính thời đại vô cùng sâu sắc.

Chúng mày là ai? Thằng nào, con nào dám đòi đặt lại tên cuộc chiến? Để biện giải cho những lập luận lệch lạc phi lịch sử hay còn nhằm mục đích nào khác? Chúng mày hãy đọc những dòng trích dưới đây của một đồng chí cán bộ nằm vùng lão thành và trung kiên để thấy rõ sự chính nghĩa tính nhất quán của cuộc chiến tranh anh hùng chống bọn xâm lược và đô hộ giải phóng dân tộc khỏi vòng áp bức thống trị của ngoại bang. "Hầu như vẫn còn những người tách biệt hẳn hai cuộc chiến – chống Pháp, chống Mỹ – và không thấy rằng sau khi dân tộc Việt Nam vùng lên, từ cuộc Cách mạng tháng Tám – vào năm 1945 – để giành lấy nền độc lập từ tay bọn phát xít Nhật vừa cướp được quyền thống trị của thực dân Pháp thì sự việc Pháp quay lại tìm cách tái chiếm trong một cuộc chiến kéo dài 9 năm, là một hành động nằm trong ý đồ của Mỹ với sự tài trợ, hậu thuẫn của đế quốc này. Trong Bí mật Lầu Năm Góc, cuộc chiến kéo dài 9 năm dẫn đến hội nghị Genève, tạm thời chia đôi đất nước trong vòng 2 năm, kể từ 1954 – được gọi là cuộc chiến tranh Pháp Mỹ xâm lược Việt Nam. Và khi kẻ được trợ giúp vũ khí, bạc tiền – là Pháp – đã chịu thất bại thì bị chủ nợ là Mỹ hất cẳng để chiếm đoạt lấy miền Nam Việt Nam với cái tham vọng chiếm luôn toàn cõi Việt Nam. Và tham vọng ấy là động lực chính của cuộc xâm lược – gọi là toàn Mỹ – kéo dài suốt 21 năm, kết thúc vào ngày 30-4-1975”

Đúng thế! Các đồng chí ạ. Viết tốt lắm. Tôi đồng ý với các đồng chí khó khăn chính là chỗ ấy, cho đến nay khi công cuộc giải phóng đất nước đã hoàn toàn thắng lợi đem lại hoà bình cho cả dân tộc thì chúng ta lại phải đối diện với những tư tưởng lệch lạc phá thối những thứ tàn dư của Mỹ Nguỵ những loại văn hoá phản động đi ngược lại nguyện vọng độc lập và khao khát tự do của dân tộc. Bởi thế cho nên chúng ta vẫn phải tiếp tục đi tiên phong trên mặt trận tư tưởng văn hoá trong tiến trình đổi mới và hội nhập vừa xây dựng vừa hoàn thiện thể chế chính trị kinh tế văn hóa xã hội vừa đảm bảo phát triển quốc phòng xây dựng hệ thống an ninh vững mạnh mang bản sắc văn hóa dân tộc và vì nhân dân phục vụ. Cần phải nâng cao nền tảng đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân phát huy thấu triệt sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần cách mạng hy sinh cao cả của lớp lớp cán bộ ưu tú từ đấy xây dựng vững chắc một nhà nước pháp quyền thống nhất của dân do dân và vì dân phục vụ nhằm định hướng tính tuyên truyền của tư tưởng chỉ đạo cội nguồn nhà nước là ở nhân dân để bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân trong đấy nhà nước là của nhân dân chứ không phải nhân dân là của nhà nước. Điều đấy đòi hỏi mỗi chúng ta phải có đầy đủ phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng không ngại hy sinh gian khổ phải nắm bắt và phân tích sâu sắc sự vận động của những điều kiện lịch sử dân tộc và thời đại để làm sáng tỏ và xử lý đúng đắn mối quan hệ dân tộc - giai cấp. Và chính trong lúc này đây sự nhận dạng kẻ thù của giai cấp đòi hỏi phải tỉnh táo sáng suốt và quán triệt cũng như phải kịp thời phê phán ngăn chặn những ảnh hưởng của văn hoá nghệ thuật phản động đồi truỵ của giai cấp địa chủ tư sản cũ và những hoạt động phi pháp của bọn văn nghệ sĩ mới cũng như phải cảnh giác cách mạng cao độ đối với âm mưu phá hoại tiềm ẩn phía sau của các phần tử cơ hội và lực lượng thù địch gọi là "diễn biến hoà bình".

Các đồng chí ạ! Đừng quên chúng ta là một thế hệ anh hùng đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc để làm nên những chiến công hiển hách những kỳ tích phi thường bằng bản lĩnh kiên cường trí tuệ tuyệt vời và sự hy sinh xương máu oai hùng quyết tâm quyết chiến quyết thắng mọi kẻ thù xâm lược mọi thế lực thù nghịch cho dù đấy là các thế lực thực dân hung hãn nhất đế quốc sừng sỏ nhất trên hành tinh để viết nên những sự kiện lịch sử to lớn lừng lẫy với những chiến công kỳ vĩ vượt qua tầm vóc nhân loại. Một thế hệ đã phát huy truyền thống yêu nước và ý chí cách mạng của dân tộc để hăng hái đoàn kết tương thân tương ái phấn đấu năng động tri thức sáng tạo cần cù vượt qua mọi khó khăn để đạt được những thành tựu to lớn tối trọng tạo ra những biến đổi sâu rộng bền vững trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội hoàn thành toàn diện các mục tiêu chỉ tiêu kinh tế. Một thế hệ tiên phong gương mẫu có phẩm chất đạo đức cách mạng có ý thức tổ chức kỷ luật và năng lực hoàn thành nhiệm vụ luôn phục vụ tu dưỡng rèn luyện đạo đức tạo được niềm tin trong nhân dân kết hợp hun đúc sức mạnh vô tận của dân tộc.

Các đồng chí thấy thế nào, đã đủ dạy cho chúng một bài học chưa? Còn đứa nào dám thắc mắc sống như thế nào mới đáng được gọi là anh hùng?

Mà chết như thế nào mới vẻ vang không tiếc nuối?

Ôi, đau thương là đây chỗ nhạy cảm là đây. Đã chết rồi thì vẻ vang hay không vẻ vang cũng chẳng còn quan trọng gì – nhưng – tiếc nuối thì cứ tràn ra đấy. Cái này là tôi nói thật các đồng chí ạ, bởi cái chết nằm ngoài mọi mong muốn tính toán và lý tưởng cộng sản của chúng ta. Cái chết là thứ chẳng do mình quyết định nó đến khi nó muốn chẳng từ kẻ anh hùng hay đứa tiểu nhân. Trong chiến tranh gian khổ từng ngày chịu đựng bom đạn từng ngày bị ruồng bố từng ngày ở rừng ăn rú lại sống nhăn ra đấy, hoà bình no đủ bao nhiêu thứ để... bù đắp bỗng lăn đùng ra chết ngang. Bố khỉ, cái chết chỉ đến một lần mà không cho ai quyền lựa chọn.

Tôi là một oan hồn. Thật đấy.

Tôi đã là một oan hồn.

Chết lúc nào cũng chẳng còn quan trọng chỉ ấm ức một nỗi cái đứa giết mình vẫn cứ sống nhởn nhơ ra đấy. Cho đến thời điểm này hay bất cứ thời điểm nào trong câu chuyện đau lòng của tôi, tên giết người khốn khiếp ấy vẫn sống ung dung ngoài vòng pháp luật. Vâng, ung dung gương mẫu đạo đức.

Tôi sẽ là một oan hồn. Cái chết sẽ đến ngay bây giờ, đột ngột từ phía sau.

Tôi nằm xấp như thế này, cái chết ập đến từ phía sau trong cơn khoái cảm. Khi nhục dục bắn tóe ra bên dưới hạ bộ, linh hồn tôi bay vọt qua vết chém trên đầu. Những dồn nén căng cứng trong cơ thể bỗng đột ngột được giải thoát về hai cực mang lại cảm giác thăng hoa tột đỉnh. Linh hồn tôi phóng thẳng lên trần nhà va phải chùm đèn thuỷ tinh treo lơ lửng, những đoá hoa trong suốt rung lên sắc lạnh. Tôi hoảng hốt rơi ngược xuống tấm thân đang run rẩy đẩy nó thêm vài nhịp co giật hối hả đẩy niềm hoan lạc lên những cung bậc chót ngót mà cả đời tôi chưa bao giờ đạt đến. Rồi tôi nằm gục trên thân xác mình trong sự thoả mãn giải thoát mang niềm hân hoan toại nguyện của kẻ chiến thắng. Đánh cược? Bọn người sống đến trăm tuổi cũng không thể biết đến khoái cảm đấy.

Tôi không hề biết là mình đã chết chỉ thấy thân thể lâng lâng nhẹ nhõm khác thường, khác với cảm giác chùng chân mỏi gối rã rượi sau những lần quá sức. Tôi đứng dậy kéo quần lên, bao giờ cũng thế, xong việc với Hận là tôi vội vã đứng dậy kéo quần và điều này luôn làm Hận phẫn uất. Tôi nhìn thấy sự phẫn uất trong mắt Hận, tình yêu vừa nhường chỗ cho hận thù. Có thể nào làm khác được không nhỉ? Quan hệ giữa tôi và Hận chỉ mãi mãi là thứ quan hệ vụng trộm bên lề trái nhẽ ra nó đã phải chấm dứt từ rất lâu, nhẽ ra nó phải thành một quá khứ đẹp đẽ để tôn thờ. Khi đấy Hận mười chín tuổi đẹp đẽ no trò chứ không phải là cái xác ve đang sắp mòn nhão kia. Nhưng Hận không giác ngộ được điều đấy cô ấy bám theo tôi dai như đỉa.

Hận là thứ thất sủng.

Và tôi, là kẻ ban ơn.

Tôi đứng dậy kéo quần lên chấm dứt một lần dan díu, hay một màn từ thiện, hay một vở kịch tìm về quá khứ. Bàn tay tôi nắm lấy cái lưng quần. Bỗng. Hụt hẫng níu vào khoảng không. Ơ hay, cái quần đâu nhỉ? Cái quần đâu rồi? Thân thể tôi cũng biến đi đâu sao bên dưới trống rỗng thế này. Tôi chụp tay vào phần dưới, cái phần nam giới cường tráng, niềm tự hào, vinh quang và chiến thắng của tôi đâu. Cái phần đấy sao chỉ còn là một khoảng không. Rỗng không! Tôi rú lên kinh hãi hoảng hốt mò tìm nó. Hai tay tôi túm như điên vào chỗ đấy, chính chỗ đấy, vừa ham muốn, vừa sung sướng, vừa khoái cảm, vừa oai hùng, vừa đưa lên 68 đỉnh cao muôn trượng. Chẳng thấy gì cả, chẳng còn gì cả. Tôi khóc thét lên lao vào tấm gương. Thằng người trong tấm gương cũng biến mất. Tôi nghẹn ngào đưa tay lên mó mẫm sờ soạn tìm gương mặt mình. Rỗng không. Trong suốt. Giời ơi.

Tôi là ai đây?

Con đàn bà loã lồ choàng dậy. Nó vội vàng lập cập đẩy thân thể tôi lăn qua bên. Tôi nằm bật ngửa trên đệm ra trắng. Bàn tay Hận run rẩy chặn ngang miệng để đừng thoát ra tiếng kêu. Lần đầu tiên trong đôi mắt cô ấy không chứa đựng hận thù, không đè nén yêu thương mà cũng không đau đớn mất mát. Sao lại thế, Hận đứng đấy nhìn tôi xa lạ và... dường như là... là thất vọng. Tại sao lại như thế? Đừng Hận! Tôi nhìn gã đàn ông trên giường già nua bệu rệu nằm dang chân tếch hếch, con đỉa già ở giữa nhầy nhụa nhăn nhúm tím tái. Máu chảy từ vết thương phía sau đầu loang đỏ cả chiếc gối trắng. Tấm màn nhung trên cửa sổ cũng đỏ thẫm đổ bóng xuống bộ mặt béo đẫy đang dần trắng nhợt. Tôi kinh hãi la lên.

"Cầm máu. Cầm máu ngay."

Hận đưa tay chùi vệt máu dính trên mặt, đi giật lùi về phía chân tường. Tôi biết cô ta sắp rời bỏ chỗ này. Tôi hét lên hoảng sợ.

"Đừng đi. Anh van em. Vì tình yêu của một thời lý tưởng cao đẹp, hãy cứu anh. Gọi cấp cứu. Nhanh lên! Nghe chưa? Đồ đần! Nhanh lên!"

Ánh mắt Hận nhìn lên thân thể tôi lần cuối nhưng tôi không hiểu được cô ấy nghĩ gì, hoá ra chưa bao giờ tôi hiểu những suy nghĩ của Hận. Cô ấy kéo tấm khăn quàng quấn quanh cổ mà không một giọt nước mắt xót thương hay sợ hãi. Hận chưa bao giờ biết sợ và cũng không phải lần đầu cô ấy nhìn thấy xác chết, đếm xác chết còn là niềm vui của Hận. "Súng cầm tay em đếm xác thù". Hận và bọn con ranh tí tởn hay hát thế. Đồ ngu! Đấy là những thứ xác chết vô nghĩa, mày không thể nhìn dửng dưng như thế rồi bỏ ông nằm lại một mình. Hận đặt tay lên tấm vách. Tấm vách chậm chạp chuyển động. Cô ta sẽ biến vào con đường hầm bí mật dẫn ra sau đầm lầy. Sẽ không ai biết Hận vào đây. Sẽ không ai biết Hận bỏ mặc tôi nằm chết ở đây. Khốn nạn cho thân ông.

"Đừng Hận! Hãy cứu anh! Anh sẽ li dị vợ, sẽ bỏ tất cả danh vọng, tước quyền để lấy em. Sẽ như xưa. Tất cả rồi sẽ như xưa, sẽ đẹp đẽ như những ngày mình chia nhau gian khổ."

Con mẹ nó. Gian khổ đã qua rồi sao cứ muốn quay lại. Nó đi đấy. Giời cao đất dày, nó đi vào đường hầm không hề quay lại. Tôi nhào đến nắm áo Hận, bàn tay tôi trượt vào khoảng không. Cả thân hình tôi nhẹ bỗng xuyên qua tấm vách tuột vào chốn tối tăm. Bóng Hận và ánh đèn pin khuất dần bên dưới những bậc thang sâu thăm thẳm. Tôi thét lên nguyền rủa Hận, ông mà sống lại thì đến phiên mày chết. Tôi chạy lộn ngược lên phòng. Máu vẫn rỉ ra loang ướt cả chiếc gối thấm dần ra đệm. Nhiều máu thế sao? Một người có nhiều máu như thế sao? Tôi... Giời ơi. Quân bây đâu! Mau vào cầm máu. Phải rồi, mấy thằng bảo vệ chó chết.

Tôi phóng xuyên qua cửa, bay ào ào xuống cầu thang. Thằng Sò, thằng Đa, thằng Trường, thằng Kỳ, thằng Chiến, năm thằng ngồi giữa đại sảnh đánh bài. Tôi nhào đến giật mớ bài trên tay thằng Sò, bàn tay tôi đâm thẳng tới xuyên qua ngực nó rồi cả người tôi cũng đâm luôn tới. Thắng Sò chẳng việc gì còn tôi ngã chúi nhủi trên thềm gạch ngay sau lưng ghế. Thằng Sò cười khì khì.

"Tới phiên thằng Đa, đánh con bài tẩy xuống đi mày."

"Thủng thẳng. Cha già làm gì trong đấy lâu dữ vậy ta? Uống toàn sâm sung sức dữ."

Tôi điên tiết hét lên dù đã cạn cả tiết.

"Bọn ăn hại. Vào cứu bố mày, nhanh lên!"

Tôi lay thằng Kỳ, đánh thằng Sò, tát tai thằng Đa. Bọn nó xáo bài nhâng nháo cười. Ông trả lương chúng mày thế chưa đủ hay sao? Ông ban bao nhiêu bổng lộc để bây giờ chúng mày ngồi chơi bài bỏ mặc ông chết dần mòn trong kia.

"Đứng dậy!"

Thôi chết tôi rồi. Máu chảy đến đâu rồi. Tôi chạy ra sân định sang Đường Sơn quán tìm người cấp cứu nhưng chẳng biết làm sao lại phóng ngược lên cửa sổ tầng trên, bay xuyên qua tấm màn cửa màu đỏ. Hình như máu đã ngưng chảy đang thẫm dần lại. Tôi lại phóng qua cửa sổ chạy ra nhà xe, hai chiếc xe hơi bóng lưỡng còn nằm đấy. Ờ, thằng lái xe đâu nhỉ? Tôi hớt hải chạy ra bên ngoài hồ tìm thằng Khả. Trăng lặn đằng nào chỉ còn hơi nước dâng lên mịt mùng trên những đầm nước đen ngòm. Thằng Khả ngồi như khối đất đen dưới chân trạm canh bên cạnh cây súng. Tôi lạ lùng nghe tiếng nó khóc tức tưởi nên vội vàng men theo con đê nhỏ đi đến rồi bực dọc cất tiếng gọi.

"Thằng Khả đấy à? Mày làm gì ra đây khóc như cha chết thế kia?"

Thằng Khả ngẩng mặt lên nhìn tôi trong bóng đêm đôi mắt trắng dã của nó mở to kinh hoàng.

"Thủ trưởng… thủ trưởng cũng chết rồi sao?"

Tôi giận dữ quát lên.

"Thằng bố láo. Mày vào đưa tao đi cấp cứu, nhanh lên."

Nó ngồi đấy run lẩy bẩy như thằng con nít khuôn mặt đầy sẹo của nó co rúm lại. Thế là thế nào? Tôi lại quát lên.

"Mày định đùa với tao hay sao đấy? Vào nhà nhanh lên."

Nó không đứng dậy chỉ đưa cánh tay gân guốc vạm vỡ lên ngón tay run rẩy trỏ xuống giữa hồ. Tôi chẳng hiểu chuyện gì nên bước gần đến xem. Cái xác người nằm nhấp nhô trên mặt nước đỉa bám đen nghịt. Đỉa nhiều vô kể đang bơi nhung nhúc đặc lềnh, chúng xông vô ào ạt đẩy cái xác trồi lên ngụp xuống. Đỉa bò vào miệng, vào mắt, vào mũi tử thi, đen kịt chẳng còn nhận ra hình dạng. Những con đỉa hai đầu căng phềnh máu. Tôi bủn rủn lùi lại muốn gập người mà nôn, muốn té lăn trên bờ đê đành ngồi xụp xuống bám vào mặt đất mà rên.

"Cẩn thận, không khéo lại ngã xuống hồ." Tôi thều thào hỏi thằng Khả. "Đứa nào ở dưới đấy?"

Thằng Khả khóc rống lên.

"Thủ trưởng không nhận ra em hay sao? Chết không nguyên vẹn như thế đau đớn lắm. Mà em có chết ngay đâu, vùng vẫy mãi trong nước nghe bọn đỉa ngọ ngoạy rúc rỉa chui vào thân thể mình. Em chết dần trong đau đớn kinh hãi."

"Mày bảo ai chết?"

Thằng Khả rỗ nhìn tôi sững sờ rồi đổi giọng.

"Này, ông béo kia. Sao ông cứ hỏi những câu đần độn ngu ngơ thế? Tôi với ông chết cả rồi, bây giờ chỉ là hồn ma vất vưởng thôi. Cái thằng người nhung nhúc đỉa đeo kia là cái xác của tôi đấy."

Tôi giận dữ đứng dậy.

"Mày lảm nhảm cái gì thế?"

Thằng Khả cười sặc sụa.

"Khá khen cho ông, vẫn ngoan cố đến giờ tận mạng. Ông nhìn phía trước mà xem."

Tôi nhìn vào bóng đêm cây cầu hiện ra mờ ảo trong sương nhưng chẳng hiểu là cây cầu nào. Cầu Sài Gòn? Cầu Biên Hoà? Hay cầu Bình Triệu? Thằng Khả nhìn cái xác dưới hồ đang chìm dần xuống, nó dụi nước mắt bảo.

"Cầu Đoạn đấy. Tôi phải đi đây, thế là xong cái kiếp nghiệp này. Bấy lâu nay theo ông chỉ làm toàn việc thất nhân thất đức, bây giờ tôi phải qua cầu để trả hết tội nợ."

Nó bước lên mặt hồ thoáng chốc cái bóng và cây cầu biến mất. Nửa vầng trăng ló dạng sau lớp mây đen giữa lúc đấy tôi nhìn thấy thằng bán gà vác cuốc đi bên kia hồ. Con gà trống cụt thằng Khả qua nhà nó bắt về khi chiều còn nhốt trong bếp. Ba thang thuốc tráng dương cường lực còn nằm trong cốp xe. Tôi tiếc nuối nghĩ đến nguồn dương khí hừng hực sẽ mang lại bao nhiêu khoái lạc. Con gà sau bếp bỗng cất tiếng gáy eo ót kỳ quặc, cái bóng thằng bán gà chao đảo rồi biến mất.

Sương xuống dày đặc rờn rợn cái xác thằng Khả chìm đâu mất mấy con đỉa cũng biến đâu mất, mặt hồ phẳng lặng loang loáng bóng trăng. Tôi rùng mình trở bước quay vào nhà đi lên căn phòng có treo màn nhung đỏ. Cái xác vẫn nằm ngửa tênh hênh trên đệm máu đã ngừng chảy. Chùm đèn pha lê trên cao bỗng rung lên lanh canh. Có tiếng ai cười kỳ dị phía sau lưng. Tôi giật mình quay lại. Hoá ra là Đường Sơn Tấn Phong mang bộ mặt chết treo tím bầm, trong bóng tối gã nhìn tôi cười hả hê.

Nhưng Đường Sơn Tấn Phong tự tử chết lâu rồi. Đứa nào đứng đấy cười? Dạo nó chết đi giấy tờ sổ sách tài sản quý giá cũng biến đi đắng nào. Đấy là kiểu trả đũa của một thằng tư sản thâm độc ăn miếng trả miếng. Nó biết hoà bình rồi vàng bạc của cải quý hơn động lực cách mạng. Nó biết hoà bình rồi người ta không giết nhau vì lý tưởng mà giết nhau vì lợi lộc. Ôi lợi lộc, tôi đau lòng nghĩ đến số tài sản khổng lồ mà Đường Sơn đã tẩu tán đi đằng nào. Không biết nó chôn giấu ở đâu mà chẳng lòi ra một đồng cắc. Khi nó chết tôi đã phải nghẹn ngào tuyên bố chiến dịch đánh tư sản thành công tốt đẹp. Khuôn mặt tím bầm của xác chết khi ấy nở nụ cười hả hê. Bây giờ nó lại nhìn cái xác chết của tôi cười hả hê.

Bất giác tôi cũng nhìn lại khuôn mặt của mình bỗng bàng hoàng, sao bộ mặt thằng nằm trên giường xa lạ thế. Nó béo phị thừa mứa đến độ kệch cỡm. Nhưng điều gì đã xảy ra chứ, đến bây giờ tôi vẫn không hiểu nổi điều gì xảy ra. Rồi không nén được nữa tôi lặn xuống bên dưới gầm giường sợ sệt nhìn vào vết chém phía sau gáy. Nó bổ đôi xương sọ trượt từ tai trái kéo xuống vai phải rồi đâm sâu trên bả vai thành một lỗ thủng. Vết xẻ bén ngót không mở to miệng nhưng vết mổ cuối đường chém sâu hoắm như mũi dao đâm. Tôi ghê rợn nhìn vào vết thương kỳ dị đấy vẫn không sao đoán được. Vũ khí gì mà kinh thế nhỉ? Hung khí phải là một vật rất nhọn rất bén. Hung khí? Đứa nào vừa nói hung khí? Có hung khí thì phải có hung thủ. Ôi giời ơi, có hung thủ! Báo động. Khẩn cấp.

"Thằng Đa, thằng Sò! Mau lên vây bắt hung thủ. Tiên sư bọn mày."

Tiên sư nó. Rối rắm bao việc thành ra quên béng đi mất. Hung thủ là đứa nào? Làm sao lẻn được vào đây? Ba thằng canh cổng trước. Bốn thằng gác vùng đầm lầy phía sau. Một thằng trên chòi bảo vệ. Đúng rồi. Có con đường hầm bí mật dẫn vào nhà sau, nhưng quái lạ, làm thế nào băng qua được hồ nuôi đỉa? Cái này chỉ có Hận biết. Tiên sư con đàn bà! Đúng là nó đấy. Nó lập mưu dẫn mình trở lại đây để thanh toán.

Mấy hôm trước Hận còn gọi điện khóc lóc bảo tôi.

"Em muốn gặp anh lần cuối, để dứt hết nợ nần."

Hận dẫn tôi vào đây, vào đúng căn phòng xưa có tên trùm tư sản Đường Sơn Tấn Phong treo cổ chết. Cũng căn phòng này một thời đầy ắp hoan lạc, niềm vui bất tận ngày toàn thắng. Dạo đấy Hận đẹp lắm, đẹp nhất vùng Thủ Đức. Hận không còn là cô nữ sinh ngây thơ ngơ ngác ngày nào vào chiến khu mà là gái thành phố một con, cái đẹp vừa chín mọng tươm ra mật đường. Dạo đấy cán bộ lãnh đạo cũng gương mẫu đạo đức hơn bây giờ vì những chỗ ăn chơi gái bao gái bóp cũng chưa có. Tôi chiếm lại được Hận sau bao ngày xa cách sau bao nhiêu cay đắng phải hy sinh tình yêu của mình cho lý tưởng cách mạng cho sự nghiệp chung của toàn Đảng toàn dân. Mỗi lần đến vụng trộm với Hận là mỗi lần dào dạt đam mê. Tôi bước chân vào căn phòng này gặp lại người yêu xưa vẫn còn vương vấn chút nhan sắc của thời lý tưởng tuy so với mấy em choai choai ở Đường Sơn quán thì Hận đã tả tơi héo hon lắm, nhưng kỷ niệm xưa là cái thứ gì như keo hồ khó gỡ khó lau sạch. Bởi thế mà, tiên sư Hận, tiên sư con đàn bà thông dâm gian trá, bởi thế mà anh hùng sa vào bẫy hồ ly tinh.

Rõ ràng là con tiện nhân dàn cảnh ám sát quan lớn. Xem này, cái vết chém. Tên hung thủ đấy thuận tay trái. Cú đánh của nó từ trái qua phải.

"Thằng Chiến đâu? Mày báo ngay bên công an lập biên bản, giám định hiện trường. Thằng này thuận tay trái. Nó chém… "

Tôi chui ra khỏi gầm giường đưa tay lên làm động tác chém nhưng cứ rối rắm ngọng nghịu rõ ràng là không hợp tư thế chém. Nó đứng đâu mà chém tôi từ tai trái xuống vai phải rồi vết chém lại cày sâu thế này. Tôi leo hẳn lên giường chăm chú nhìn xuống thân thể bất động của mình. Này nhé, vào thời điểm xảy ra án mạng tôi nằm xấp. Chúng mày cười gì, bọn rách việc. Dĩ nhiên là tôi nằm xấp như những thằng đàn ông khác nằm xấp. Ôi, làng nước ơi! Cái hung khí ấy… không, nhất định không phải là dao hay rựa. Ôi giời cao đất dày. Chỉ có… giời ơi, chỉ có mỏ cuốc chim mới bổ thế này. Bảo vệ đâu? Báo ngay cho bên công an. Tiên sư chúng mày, mau tìm cho ra tên hung thủ cầm cuốc. Văn phòng thành uỷ, uỷ ban nhân nhân thành phố, khẩn trương ra ngay thông báo, cấm sử dụng và lưu hành mọi loại cuốc xẻng. Đốt hết, tiêu huỷ hết! Đứa nào tàng trữ vũ khí, bắt giam ngay lập tức. Đấy. Thằng sát nhân đứng ngay trên giường đưa cuốc lên thế này rồi bổ xuống đầu tôi. Hận nằm bên dưới, nằm ngửa. Nhất định cô ta nhìn thấy mặt thằng sát nhân. Chỉ trừ khi Hận nhắm mắt. Nhưng Hận không là loại đàn bà khi ân ái nhắm tịt hai mắt. Cả khi yêu, Hận cũng đầy tính toán và chủ động. Đôi lúc mắt nó cứ mở thao láo ra. Kinh thật. Thế mà mình ăn nằm với nó cho ra nông nỗi này.

Nhưng tên sát nhân này là ai, thù oán gì tôi mà ra tay tàn ác như thế này? Hay là… con bé dạo nọ vác cuốc chim đột nhập vào tận đây. Thằng Khả bảo vệ từng báo cáo với tôi có đứa con gái làm cách nào vượt qua hồ đỉa vác cuốc vào tận căn phòng này. Lúc ấy tôi giật mình hét váng lên trong điện thoại. "Tiên sư mày. Tìm xem nó ở đâu. Khử nó đi." Không, không thể là nó được. Xe tải đá do chính thằng Khả rỗ lái cán ngang người nó thì sống thế nào được. Chính mắt thằng Khả nhìn thấy con bé đầy máu me tắt thở nằm dưới gầm xe. Chiếc xe đạp của nó cùng cái cuốc chim cũng bị nghiền bẹp dúm. Không phải nó. Thế thì đứa nào? Hay là thằng bán gà? Hay là thằng Khả? Hay oan hồn Bảy Tốt? Hay oan hồn Đường Sơn Tấn Phong. Hay là… đúng rồi, âm mưu bọn phản động.

"Các thế lực thù địch hiện đang ra sức thực hiện âm mưu ´diễn biến hòa bình´ nhằm chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước từ nhiều phía." Ơ, ai nói thế nhỉ?

Ôi ông giời ơi! Ông bà ông vãi ơi! Nó đấy! Không, không phải thằng nói. Thằng phản động! Thằng thù địch! Thằng diễn biến hoà bình! Ơ, nhưng mà, bọn chúng nó giết tôi để làm gì chứ? Tôi có nguy hiểm, có gây phiền phức gì cho chúng nó đâu. Giết thế là oan đấy, các đồng chí phản động ạ. Việc này cần phải truy cứu trách nhiệm cụ thể. Nhưng nếu các thế lực phản động không giết tôi, thì là ai? Hay là… Tôi bỗng rụng rời nghĩ tới một người. Hay là… Anh Cả? Vừa nghĩ đến đấy là tôi sợ nhũn ra. Chỉ nghe đến tên thôi là sợ, là rúm ró cả người, là khúm na khúm núm, là hai chân chực quỳ xuống van xin. Nhưng… ngay lúc ấy, một suy nghĩ kỳ lạ loé lên trong đầu như mìn nổ. Mình chết rồi thì việc đéo gì phải sợ nữa.

Trăng xuyên qua tấm màn cửa soi đỏ cả gian phòng ngủ. Trong gian đại sảnh mấy thằng bảo vệ vẫn sát phạt nhau bên sòng bài. Tôi ngán ngẩm nghĩ, mình chết rồi thì chẳng sai bảo được chúng nó đành cuốc bộ về Sài Gòn vậy. Tôi theo con đường chính rời nhà thuỷ tạ. Chiếc xe hơi đậu trong bóng tối bên kia đường vừa nổ máy. Ánh đèn xe sáng loá soi sáng cả một khoảng đồng. Tôi giật mình lùi lại nép bên thân cây tràm nhìn ra. Chiếc xe mang bảng số của bộ nội vụ, những khi vào Nam, Anh Cả đều sử dụng loại xe này. Xe lăn bánh tiến ra đường nhựa vừa lúc ấy tôi nhìn thấy Hận ngồi trong xe áo quần xộc xệch mặt mày xơ xác. Tôi sững người, cả đời tôi chưa bao giờ có lúc thất vọng đến thế nhục nhã đến thế, đó là cảm giác bị phản bội bị lừa dối. Tôi nghiến răng nguyền rủa, được rồi, tao sẽ trả thù. Chết rồi thì không phải sợ hãi nữa.

Bây giờ tôi phải tìm đường về nhà, nghỉ ngơi một tí. Chuyện trả thù Anh Cả cứ thong thả rồi tính.

Tôi quay lại hướng đầm lầy băng qua mấy cánh đồng, từ đây tôi sẽ ra cầu Sài Gòn đâm về thành phố. Hơi sương lạnh làm nguôi ngoai nỗi đau đớn hận thù. Gà eo ót gáy dưới thôn xa.

Đàn quạ đen kéo sương mù băng qua cánh rừng cao su. Tôi nheo mắt. Đoàng. Đoàng. Ông mà có súng thì ông tỉa sạch chúng mày.

Chiếc bóng đen lùi lũi bỗng hiện ra trên bờ ruộng rau muống. Tôi giật mình hét lên. Ai? Kẻ gian! Bắt lấy nó. Lão già đi bên cạnh vai mang cuốc. Thằng này có cuốc. Tôi la lên giận dữ. Hung thủ đây rồi. Tôi lao vào lão. Cái cán cuốc xuyên thẳng qua đầu, tôi ngã vật lên mặt ruộng rau muống ngập nước sình. Lại đứng lên lao vào lão, lại ngã xuống nước. Lão già dừng lại ho khọt khẹt rồi nhổ ra một bụm đờm rơi ngay vào mặt tôi. Ghê tởm, tôi rú lên. Tôi khoát vội miếng nước rửa mặt nhưng nước sình lại tanh tưởi muốn nôn mửa. Lão già lầm lũi bước đi tấm lưng còng thảm hại. Sao lão ta xấu xí bẩn thỉu đến thế, cả thân hình da bọc xương, áo thì ố đen rách loang lổ. Cơn gió đêm tốc đến mang theo sương lạnh, lão co rúm người lại ho rũ rượi. Đáng kiếp thằng mọi khu đen. Tôi chợt nhớ chiếc áo da thuộc mua trong cửa hàng An-đếch-sần ở Paris vẫn còn nằm trong căn phòng màu đỏ. Hận cởi nó ra, bàn tay Hận chà xát thân thể tôi. Trước khi tôi kịp có cảm xúc Hận đã rên rỉ đẩy tôi đổ vật ra giường. Tôi vẫn ngồi trên mặt ruộng sũng nước lơ ngơ không rõ mình nhớ Hận hay nhớ cái áo của cửa hàng Paris.

Mụ già đi ngang qua dáo dác nhìn quanh. Tôi nhổm dậy. Con mụ tay vác cuốc, tay xắn quần. Đứng lại, tôi ra lệnh. Tại sao chúng mày chưa nghe lệnh. Đốt hết cuốc xẻng cho tao. Mụ già dừng lại nhìn dáo dác. Rất khả nghi. Hung thủ đây rồi. Tôi theo mụ băng qua cánh đồng rau cải. Mấy cái bắp cải lô nhô trong sương sớm như những cái đầu người bị chôn đứng. Phải gọi bảo vệ bắt con mụ già này lại. Mụ già lại nhìn quanh dáo dác rồi chui vào bụi tụt quần ngồi thụp xuống bộ mặt bỗng dưng nở ra khoan khoái. Hơi nóng từ bên dưới bốc thành sương trắng bay lên.

Tôi đứng giữa ruộng rau căm ghét nhìn bản mặt hả hê của con mụ. Tôi thét lên, quân thối tha, quân trộm cắp, cả nước đang vận động chiến dịch "toàn dân tiết kiệm để xây dựng chủ nghĩa xã hội" mà mày lại lãng phí như thế kia. Ruộng rau cạnh bên sao không tưới mà chui vào trong bụi ngồi đấy hả hê? Ở quê tôi dẫu mót cỡ nào cũng ráng lết về đến ruộng mình mà tưới bón chứ không ai lãng phí tài sản hữu cơ như thế bao giờ. Bọn cùng đinh mạt rệp miền Nam này vẫn còn cố giữ thói xa xỉ trưởng giả phồn vinh giả tạo tàn dư Mỹ Nguỵ. Cho chúng mày đói rã họng thì mới may ra mà học được bài học tiết kiệm của nhân dân miền Bắc.

Những cái bóng đen còm cõi rách rưới kéo nhau đi trên đồng, lưng chúng nó oằn xuống theo những tiếng ho những tiếng khạc nhổ những tiếng đái xè xè. Những cây cuốc nhấp nhô trong sương xám. Phía đông trời ửng tím. Gió sớm chui qua vết chém phía sau chui vào tim phổi xoáy ngược từng đợt lên đầu làm nhức nhối toàn thân. Tôi ôm đầu rên rỉ tìm đường về nhà. Sao sương mù nhiều thế, sương xoá hết cả đường lối. Tôi lần ra đến bờ sông. Cây cầu gãy gục hoang tàn trong gió lạnh. Tin thắng lợi bay vào chiến khu. Hận báo cáo, gói thuốc nổ chôn ở góc phải chân cầu đã phát nổ vào đúng giờ giao thông cao điểm. Trận đánh sập cầu Ông Kè, sập cầu Tiên Phước, sập cầu Gềnh Mã đã chận đứng cuộc hành quân quy mô của địch tấn công vào khu uỷ. Tôi đứng bên cây cầu gãy. Thây người trôi nổi bập bềnh trên sông. Đám bần cùng rách rưới ngập ngụa trong dòng nước, họ kêu gào đưa tay gọi tôi. Tôi bâng khuâng bảo, bánh xe lịch sử vĩ đại cán nhằm đứa nào thì đứa đấy bỏ mạng thôi, có cuộc chiến nào mà không có thương vong tổn thất.

Con Hoài, con Vận bụng to lùm lùm đu đưa trên nhánh đa. Đám người chết cháy trong mấy chiếc xe đò đang bò ra. Họ trườn về phía tôi, những cái đầu cháy đen trọc lóc, những cái miệng đỏ hỏn trên bộ mặt dúm dó biến dạng thều thào gọi "nước" "nước". Nước. Tôi lùi lại. Gió lạnh thổi tốc đến. Chúng mày muốn gì?

Tôi quay đầu bỏ chạy, mình lạc vào cõi u mê nào đây. Mấy chiếc xe ba gác đẩy hàng kĩu kịt trên những con đường mờ tối hướng về phía chợ Nguyễn Văn Trỗi. Cổng biệt thự nhà tôi mờ trong sương sớm. Mấy con chó săn vạm vỡ đeo xích sắt nằm gác mỏ nhìn tôi thản nhiên. Thằng lính gác cũng nhấp nháy cặp mắt ngái ngủ nhìn tôi đéo thấy chào hỏi gì. Láo thật. Tôi quát thằng bảo vệ. Chảnh đâu? Hôm qua mày đã cho chó ăn thịt thỏ tươi chưa? Thằng Chảnh trốn ở đâu không thấy trả lời. Tôi đi qua mấy chậu sứ Thái Lan, đi qua khoảng sân gạch treo hoa phong lan. Tôi vào phòng khách ngồi phịch lên mặt bàn kính ngơ ngẩn nhìn căn phòng quen thuộc. Cái ghế bành của tôi kia. Bộ xa lông bọc da của tôi đây. Mấy chum rượu rắn bìm bịp của tôi. Cái truyền hình màu của tôi. Tôi nhìn xuống khoảng vách tường loang loang những vệt ố vàng bỗng bật cười khoái trá. Dấu vết của tôi kia. Con Vận bò trong góc đấy lau chùi mỗi ngày, chùi đéo sạch. Sạch thế nào được. Tôi nhìn cái mông con gái mới lớn tròn căng của nó, cười khạch khạch. Cái mông con bé cứ nhổng lên mồ hôi bết dính vào lớp vải hoa mỏng, tôi thấy thèm hít mùi mồ hôi của nó. Hai bàn tay nó đỏ dừ vì thuốc tẩy. Thách mày đấy, chùi sạch được thì ông thua tiền. Sáng nào tôi cũng ngồi đây cố uống cạn tách thuốc bắc đắng nghét. Nhấp một ngụm trà súc miệng. Súc soàn soạt thật to, thật sướng, sướng đến từng kẽ răng, nhổ toạt ngụm trà súc miệng pha thuốc bắc vào vách. Nhổ "toạt" như thế mới sảng khoái, mới khí phách, các cụ nghè cụ cống ngày xưa đều thế cả. Tôi rung đùi ngâm "ao thu ối a lạnh lẽo ì à nước trong veo". Mấy con nhỏ trong Đường Sơn quán õng ẹo nói, tởm quá, anh sang nước ngoài cũng khạc nhổ lung tung vậy sao, người ta khinh cho. Mấy con điếm thối này, bọn miền Nam học đòi thói hợm hĩnh của phương Tây này, nghèo cùng kiết phải bán mình cho quan rồi còn vờ vịt thể diện. Tôi bao dung xoa đầu bọn nó bảo, khinh thế nào được, họ mời mình sang là cũng muốn cầu cạnh đánh bạn, là cũng vì nể sợ truyền thống anh hùng của dân tộc ta. Không sảng khoái khí phách thế này thì đéo đánh thắng được thằng đế quốc đầu sỏ. Con áo xanh, chẳng rõ tên gì, cũng bắt chước tôi ngậm một ngụm thuốc nóng súc soàn soạt nhưng không nhổ vào chân tường. Cái miệng nóng bỏng nước thuốc của con đĩ cứ thế mà ngậm cứng lấy tôi. Cái nóng kỳ lạ đột ngột lan toả khắp cơ thể, tôi rú lên, căng cứng điên đảo. Ôi mẹ ơi, hoá ra thuốc uống không công hiệu bằng thuốc ngậm. Người tôi lại nóng ran lên.

Bàn tay tôi phấn khích sờ xuống bên dưới, lại đau đớn nhận ra phần bên dưới trống rỗng. Ơ, mình đang mơ hay sao. Cuộc sống yêu thương của tôi. Nước mắt tôi trào ra nuối tiếc. Bàn tay tôi mò mẫm cố tìm lại phần thân thể vừa được nung nóng rạo rực, bàn tay đụng phải cái siêu thuốc bắc tròn trịa. Khổ thế, tôi xớn xác thế nào mà vừa vào nhà là ngồi trên siêu thuốc bắc đang còn nóng hừng hực. Sáng nào bà Lé cũng phải sắc sẵn một siêu thuốc để sẵn trên bàn cho tôi. Ừ nhỉ, sáng nào cũng thế, một cữ thuốc đầu ngày, cứ khoảng giờ này. Cứ khoảng giờ này là xe đưa tôi về, một ngày mới bình thường sẽ bắt đầu trong căn biệt thự này trong thành phố thân quen này.

Tôi chán nản nằm vật trên ghế bành định chợp mắt đánh một giấc. Muôn vàn âm thanh từ đâu đâu bỗng tràn qua vết chém chui vào đầu hỗn loạn kỳ dị. Tiếng mụ Lé nấu bếp khua xoong nồi loảng xoảng. Tiếng ấm nước sôi trong phòng lão làm vườn. Tiếng thằng Chảnh lái xe đang tập thể dục huỳnh huỵch sân sau. Tiếng con Hoà duỗi chân trên phản. Tôi nhớ hai cái chân tròn lẳng của nó đêm nào ánh trăng xuyên qua ô cửa hẹp dọi lên tấm thân con gái vừa mới lớn đang co rúm run rẩy sợ hãi. Tôi đặt xấp tiền lên mép giường. Nó lùi về phía sau đua hai bàn tay lên che mặt. Tôi dúi xấp tiền vào lòng nó. Con bé ngồi bật dậy lọng cọng đẩy xấp tiền ra, tiền xổ trên phản xanh xao dưới ánh trăng. Tôi dúi xấp tiền vào giữa hai đùi nó. Con bé kêu lên một tiếng nghèn nghẹn. Bàn tay tôi để đấy. Cái đùi ấm áp mềm dần. Tôi nhét thêm một xấp tiền vào đúng cái chỗ đang nóng lên hâm hấp. Thân hình non tơ của nó rũ xuống. Nó làm tôi rạo rực nhớ đến con Hoài, con Vận. Tôi bảo nó ngậm thuốc nóng. Nó quỳ xuống khóc nức nở.

"Ông tha cho con về quê với má."

Con rởm, mày mà trốn đi thì tao cho công an cắt hết hộ khẩu cả nhà mày. Nó ngậm miếng thuốc vào, chưa ra mùi mẽ gì đã nôn mửa lênh láng.

Tôi chán nản nằm vật ra ghế. Tiếng ngáy của mụ già trên lầu vọng xuống tồ tồ. Tôi căm ghét nghĩ. Đểu thế. Chồng vừa chết mà ngáy to nhỉ? Tôi định lên lầu xổ toẹt vào mặt đồng chí cán bộ công an nhân dân, bọn mày làm việc như cứt. Ngủ ngáy cho lắm vào, thằng chồng chết thẳng cẳng ra đấy mà chẳng đứa nào hay. Chẳng mong gì bọn này. Tôi bỗng nghĩ đến thằng Khánh, thằng con nối dõi tông đường sẽ trả thù cho tôi. Khánh, con nhớ trả thù cho bố, tìm cho ra đứa sát nhân treo cổ lột da nó. Tôi nghĩ đến thằng quý tử bao nhiêu cảm giác yêu thương bỗng dội về. Nó là niềm hy vọng của tôi, cái thằng thừa hưởng của tôi sự thông minh trí dũng hơn người. Hôm qua nó ngồi hút thuốc cả đêm ngoài ban công, tôi mắng nó.

"Mày không lo học hành lại dính vào chuyện yêu đương vớ vẩn hay sao. Cứ ngồi đấy phì phèo thuốc cả đêm như thế?"

Nó lắc đầu.

"Bố ạ, chuyện học là chuyện xoàng. Ngay cả chuyện trở thành người giàu nhất thành phố này cũng không phải là điều con không làm nổi."

Tôi cười nở từng khúc ruột, đời tôi chẳng được học hành tử tế mà đã thành đạt giàu có quyền cao chức trọng thế này. Thằng con tôi mỗi tháng đổ bao nhiêu tiền vào cho việc học, dĩ nhiên phải hơn bố chứ. Giàu nhất thành phố là thế nào hở con, sao lại tự giới hạn mình như thế, phải nhìn ra toàn quốc, nhìn ra thế giới chứ. Đánh thắng cả thằng Tây lẫn thằng Mỹ thì khó gì chuyện giàu nhất thế giới. Thằng Khánh nhìn đâu đâu vào bóng đêm, nó thở dài.

"Nhưng để trở thành một người bình thường có một giá trị đạo đức bình thường, con lại không biết bắt đầu như thế nào."

Tôi choáng cả người thất vọng nhìn nó, rồi không kiềm chế được, tôi quát tướng lên.

"Mày lảm nhảm cái gì thế hả, cứ làm ra tiền đi đã. Cứ có nhiều tiền là ngồi xổm lên đạo đức."

Tôi chán nản vào phòng ngủ nằm vật ra giường. Những âm thanh hỗn loạn kỳ dị vẫn không buông tha tôi cứ chui tòn tọt qua cái vết chém sau tai trái. Tiếng máy xe rú trên đường. Tiếng chổi quét xoèn xoẹt. Quái lạ, xe đạp của thằng nào xích dãn toàn toạt, nó đạp đi kọt kà kọt kẹt. Líp xe cũng hỏng. Con chó cũng mòn. Bàn đạp thỉnh thoảng trợt đi đánh cộc vào chân nó. Sao nó không đau? Sao nó không khóc? Sao nó không chửi váng lên? Địt mẹ, xe tồi thế sao không vất mẹ nó đi? Ai rao bánh mì nóng. Thằng nào bảo, xe hàng không lọt qua trạm thuế. Thằng nào bảo, đêm qua trực máy suýt nữa bị lưỡi tiện cắt cụt tay. Con chó bên biệt thự hàng xóm giật mình sủa váng. Mấy con chó săn nhà tôi ồm ồm mắng át giọng. Tôi cười khoái trá, bọn bây khiếp chưa, chó săn của tao nhập từ Đông Đức về đấy. Chiếc xe lam cuối đường nổ máy lịch bịch mãi sao chưa chạy. Sao quanh đây có nhiều âm thanh thế nhỉ, những cái loại âm thanh tầm thường chẳng khi nào tôi màng đến. Giờ đây chúng cứ thay nhau chui vào đầu tôi quậy phá đau đớn không thể tưởng.

"Bánh khúc đây... Ai xơi bánh khúc nóng nào..."

Tiếng rao như vọng lại từ cõi xa xăm quen thuộc nào đấy. Bà cụ tóc bạc trắng ngồi bên lề đường đang thong thả đơm bánh khúc cho mấy tay đẩy xe ba gác. Tấm bánh xanh non đính những hạt nếp trắng mềm. Tôi bước ra đường hỏi, cụ là người quê tôi đấy phỏng, sao lại lưu lạc vào tận đây vất vả thế này. Bà cụ cười móm mém đưa bàn tay nứt nẻ vuốt cẩn thận những tờ tiền cũ rách. Tôi nhìn sững. Nụ cười của mẹ tôi. Mẹ vẫn cười với thằng cu con như thế. Tôi rúc vào lòng mẹ. Chõ xôi bốc khói thơm nồng giữa mùa đông rét đậm. Rau khúc tôi hái bên bờ sông Hồng tỏa mùi hăng hăng. Mẹ bảo, ăn chậm nhé, bỏng đấy. Tôi cắn một miếng rõ to, nước mắt trào ra. Miệng đầy xôi nóng, thở ra cả khói thơm, tôi cười với mẹ. Hương đỗ xanh, thịt mỡ, hạt tiêu, lá khúc quyện trên đầu lưỡi.

Tôi ngồi đấy, nhìn bọn kéo xe ăn ngồm ngoàm hối hả, bỗng thấy tiếc. Bọn cùng đinh phàm phu tục tử này chẳng biết thưởng thức miếng ăn. Tôi thèm được cắn một miếng bánh thèm một lần cuồi trong đời được thưởng thức hương vị bánh khúc nóng, nhưng phải là bánh làm từ rau khúc bãi sông Hồng kia. Mụ già lưng còng mắt toét này chắc là làm bánh rởm từ lá su hào. Ừ, bánh rởm từ lá su hào cũng được. Làm sao cắn được một miếng. Tôi đói lắm.

Tôi đói.

Không, tôi không thể nào ra đi đói khát như thế này mà để lại cả cơ ngơi đồ sộ hàng hàng lớp lớp. Hình ảnh thằng bán gà bỗng hiện ra khuấy động suy nghĩ tôi. Mấy con nhỏ trong Đường Sơn quán hay thì thầm kể, thằng bán gà này lên đồng thần sầu quỷ khốc. Người chết mà nhập vào người nó là hơn hớn nói cười y như lúc còn sống, kể vanh vách chuyện xưa chuyện nay. Tôi sẽ quay lại đồi Nông Lâm tìm cho ra thằng bán gà. Cơ ngơi tài sản của tôi, phải tìm cách lấy lại.

Và rồi, cho Anh Cả một bài học xương máu.



Comments (0 total)


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us