Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Miền Hư Ảo / Ngã blog – Lời chào của Âm Binh Tả Sứ

Ngã blog – Lời chào của Âm Binh Tả Sứ

- Lưu Thuỷ Hương — published 23/07/2012 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
Tiểu thuyết Miền Hư Ảo, chương 36


Phần 2 – Miền Miên Ảo


Lưu Thuỷ Hương


Chương 36


Ngã blog – Lời chào của Âm Binh Tả Sứ



Tiếng đàn bát nhị lãng đãng từ mé tây vọng sang, càng lúc càng rõ dần, càng lúc càng ai oán.

Con sói to lớn trước mặt ngã bỗng cụp đuôi lùi lại. Hai tai nó dỏng lên nghe ngóng, cái mũi hốt hoảng đánh hơi bốn phía. Tiếng tru trên ghềnh đá vang lên như khóc gào. Mấy con sói trên đồng bỗng khuỵu chân xuống ngước lên nhìn trăng rồi cất tiếng tru dài thê lương.

Ngã chưa kịp rõ sự tình, một đám mây đen đã xuất hiện phía đằng tây. Đám mây kéo ào ạt về phía cánh đồng. Ánh trăng vàng bùng cháy từng hồi man di. Bọn Người Gió đều tuột xuống khỏi lưng ngựa, cùng đám Người Nấm co cụm lại thành một nhóm. Trên khuôn mặt những người đứng quanh ngã hiện ra sự kinh hãi tột độ. Mùi tử khí ghê rợn lan đi trên cánh đồng đầy xác chết. Đám mây đen thấp dần xuống ngang ngọn cây rồi ào tới bên vòng tròn sói đỏ đang bao vây lòng chảo. Tiếng tru kinh hoàng chết chóc vang lên đột ngột bị cắt đứt nửa chừng. Một đoạn đỏ trên vòng tròn bị đám mây đen ngốn mất. Đám mây biến thành đàn quạ trắng khổng lồ xoè những cái móng nhọn còn đẫm máu xà dần xuống cánh đồng. Tiếng tru kinh khiếp của bọn sói đỏ lại tiếp tục vang lên. Con sói trước mặt ngã dựng đứng lông cổ, nó không đứng nữa mà ngồi bệt trên đất run rẩy thủ thế. Con quạ bay trước to lớn gấp đôi những con bay sau, cái mỏ vàng khè dữ tợn há ra. Nó xoè cánh bay ào ào về phía ngã. Tiếng kêu rùng rợn từ trên cao bất chợt vọng xuống làm ngã choáng váng, nhộn nhạo té quỵ xuống.

Bộ móng vạm vỡ như mỏ neo nhằm về phía ngã, thình lình chúc xuống, nhè ngay đầu con sói đỏ bửa tới. Cả thân hình to lớn của con sói bị mấy cái móng quạ bốc lên cao, vặc qua vặc lại liên hồi. Khi nó rớt xuống đất thì chỉ còn là một đống thịt bầy nhầy.

Con quạ đầu đàn đảo cánh bay ngược lại. Tiếng kêu the thé của nó lại làm ruột gan ngã đau cuộn như sắp đứt ra từng đoạn. Ngã quỳ gối trên đồng bịt chặt tai lại nhưng nhưng tiếng kêu kinh dị vẫn đục thủng màn nhĩ xuyên vô tận óc. Huyệt đạo ngã lúc này đã tê liệt, không sao vận được nội công chống đỡ.

Trên mình quạ bỗng chập chờn hiện ra bóng người mặc áo sô trắng, bịt khăn sô trắng. Cái bóng thấp dần xuống, tiếng ai cười hỗn xược xuyên qua tai ngã:

– Bỉ nhân không thể tới sớm hơn, thật là đắc tội với cô nương.

Ngã kinh ngạc chưa kịp đáp trả cho rõ sự tình, bóng quạ đã lao vút về phía vầng trăng cháy. Mấy con quạ khác trên đồng cất tiếng kêu ghê rợn rồi vỗ cánh bay theo. Ngã quay sang nhìn bọn Người Gió. Họ đang ngồi bệt trên đất bịt kín hai tai, sự hoang mang khủng khiếp lên trong mắt. Rõ ràng bọn người này cũng như Nặc tử, không nhìn thấy đàn quạ và những sự việc diễn ra, chỉ nghe được những âm thanh kinh dị và thấy sương mù vây kín bọn sói đỏ. Lúc đó ngã mới đau lòng nhớ tới Nặc tử, không biết nó còn sống hay chết.

Khi đàn quạ bay qua hết thì bọn sói đỏ trên đồng đã bị bằm nát. Bọn Hắc Kỳ và Sùng binh còn sống sót lổm nhổm bò dậy hớt hải tìm đường rút lui. Các chiến binh Người Gió và Người Nấm không tỏ thái độ gì muốn truy kích. Cuộc chiến thảm khốc chấm dứt ở đây, cứ để cho tàn binh tháo chạy như một ân huệ cho cả hai bên.

Tiếng đàn bát nhị lặng im dần, bầu không khí ma quỷ trên đồng còn chưa kịp tan đi, phía đằng tây đã lại đã rực lên ánh lửa và những tiếng reo hò hăm hở. Một đoàn kị binh cầm đuốc cỡi ngựa đen ào ào xông xuống lòng chảo. Chúng vừa giật cương cho ngựa hí vang vừa la hét kinh động. Đó là những chiến binh rất trẻ, mặc áo quần sọc ngang đen trắng rất kỳ cục. Bọn này xông vô đám tàn binh Hắc Kỳ chém giết điên loạn. Tiếng hai ba đứa con nít la lên lanh lảnh:

– Phạm Binh Hữu Sứ rửa hận.

Ngã giật mình hiểu ra, đàn bạch ô vừa mở đường cho Phạm Binh Hữu Sứ đưa quân xuống. Bọn Trừng Giới Trại nhằm vô Hắc Kỳ và Sùng binh tàn sát, chiêu thế mười phần man rợ tàn ác. Một tên Phạm Binh còn rất trẻ, tuổi chưa đầy mười sáu vừa rút kiếm khỏi bụng đối thủ đã lia mũi kiếm lên giật tung tấm khăn che mặt của kẻ xấu số. Nó từ trên lưng ngựa cúi xuống nhìn cho rõ mặt người chết rồi cười ha hả, lấy kiếm bằm nát bộ mặt kẻ nằm trên đất. Ngã kinh hãi quay mặt đi không dám nhìn tiếp những cảnh thảm sát ghê rợn của của bọn Phạm Binh Hữu Sứ. Đám Người Gió và Người Nấm cũng lộ vẻ ghê sợ nhưng không tỏ thái độ gì mà chỉ lặng lẽ quay sang trị thương cho đồng đội. Ngã cũng lo đi tìm Nặc tử, chừng nghe bên Phạm Binh có tiếng người la hét thì mới quay sang. Có đứa nào lại lớn giọng la lên:

– Phạm Binh Hữu Sứ muốn nói chuyện với bà Năm.

Ngã nghe kiểu nói sỗ sàng của tụi con nít thì đã không muốn trả lời. Nhưng giọng cười quen thuộc của Âm Binh Tả Sứ cứ văng vẳng bên tai như một lời chào kỳ quái. Bất đắc dĩ, ngã phải chống cuốc bước về phía đám Hắc Mã, dõng dạc lên tiếng:

– Lão nương là người mang nickname Bà Năm, dám hỏi Phạm Binh Hữu Sứ có điều gì muốn chỉ giáo.

Có tiếng con gái cười thanh thoát. Từ trong hàng Hắc Mã một bóng ngựa phóng ra. Đứa con gái ngồi trên lưng ngựa không mặc áo phạm binh mà mặc bộ đồ tơ mỏng màu đen tuyền. Dưới ánh đuốc bập bùng, khuôn mặt trắng ngần của nó hiện ra mười phần diễm tuyệt. Hai hán tử trung niên cũng phóng ngựa ra, kèm sát hai bên Hắc Y thiếu nữ. Ngã nhìn hào quang lộ ra trong cặp mắt của hai người giám hộ thì giật mình. Bọn này rõ ràng là những đại cao thủ, công lực siêu phàm.

Hắc Y thiếu nữ nhìn ngã nhoẻ miệng cười:

– Bổn cô nương là Phạm Binh Hữu Sứ.

Ngã nghe nó huênh hoang giới thiệu như vậy thì liền ra vẻ dửng dưng:

– Chuyện này có liên quan gì tới ta?

Phạm Binh Hữu Sứ phật ý bĩu môi:

– Chủ nhân Trừng Giới Trại gửi lời thăm bà Năm.

Ngã lạnh lùng hỏi:

– Chủ nhân Trừng Giới Trại là ai? Ta với hắn liệu có quen biết gì nhau?

Phạm Binh Hữu Sứ vung roi ngựa quất vô khoảng không, nóng nảy lên tiếng:

– Sống trong Chốn Manh Động mà không biết danh chủ nhân Trừng Giới Trại, thì khó mà sống thọ.

Ngã nhớ tới cảnh thảm sát bạo tàn của tụi nó, cầm lòng không được, liền sẵng giọng hỏi:

– Còn nhà ngươi thực sự là ai? Dính dấp gì tới mấy chuyện ân oán này mà ra tay tàn ác như vậy?

Đứa con gái cao giọng bực tức:

– Bổn cô nương là trưởng nữ của blogger Trần Thanh Giang.

Ngã nghe tới đó thì giật mình, lặng đi giây lát rồi chạnh lòng nhớ tới lần gặp cha nó sau nghĩa địa trường bắn với con nhỏ Hoài Bắc. Không ngờ dòng đời sóng gió dữ dằn, đánh dạt mỗi đứa đi một nơi. Ngã thở dài, dịu giọng nói:

– Chuyện thân phụ của cô nương quả thật đau buồn. Nhưng cô nương không nên vì oán thù mà giết người dã man bừa bãi như vậy.

Khuôn mặt đứa con gái lạnh tanh:

– Tưởng bà Năm là người sòng phẳng chuyện ân oán. Hoá ra chỉ là loại đạo đức giả, vừa gặp mặt đã lên giọng dạy đời.

Ngã tức giận bước tới, không ngờ hai trung niên hán tử cũng vỗ ngựa xông lên. Ngã đành khoanh tay đứng im lìm không nói gì thêm. Đứa con gái thúc ngựa quay ngoắt lại rồi khoát tay la lớn:

– Giải tù nhân về Trừng Giới Trại.

Khi đó ngã mới biết, tụi này bắt sống một đám Hắc Kỳ khoảng hơn mười đứa, đa phần là những thằng con trai trẻ tuổi mặt mày sạch sẽ dễ coi. Tù nhân bị trói hai tay cột thành hàng dài, bước theo sau chân ngựa. Một tên Hắc Kỳ còn rất trẻ vùng vằng không chịu bước. Nó cũng mặc áo đen như những đứa khác trong môn phái, nhưng lại đeo nhiều trang sức lấp lánh, hình dong chải chuốt cao ngạo ra dáng công tử con nhà quan lớn. Nó tìm cách giằng sợi dây trói trên tay ra, hậm hực la lên vài tiếng. Ngọn roi trong tay Phạm Binh Hữu Sứ bất chợt vung ra. Tên Hắc Kỳ ôm mặt rú lên ghê rợn. Máu đen chảy từng dòng qua kẽ tay nó. Chưa đầy nửa phút, tên Hắc Kỳ té lăn ra đất. Nó giãy giụa vài cái rồi co quắp lại bất động. Bọn tù nhân thấy vậy liền cúi đầu im phăng phắc.

Đám Phạm Binh thúc ngựa lên dốc, đồng thanh cất giọng reo hò ca hát, vui vẻ như không có chuyện gì xảy ra. Ngã đứng giữa chiến trường đẫm máu nhìn theo bầy con nít lòng kinh sợ nghĩ, bọn giết người trẻ tuổi này liệu có còn chút nhân tính nào không. Chủ nhân Trừng Giới Trại là ai? Chưa chắc hắn vì hảo tâm mà tương trợ cho ngã, mà biết đâu, vì một mưu đồ nào đó.

Khi tụi Phạm Binh bỏ đi hết rồi, ngã chống cuốc khập khểnh đi tìm Nặc tử. Mấy người trong các bộ lạc cũng đang đốt đuốc tìm kẻ bị thương. Sau trận binh đao, tiếng khóc đau đớn vang lên khắp chiến trường, thật là bi thảm. Một người thiếu nữ phái Toái Chỉ đang thất thểu đi tìm đồng môn. Cả năm người trong môn phái, có lẽ chỉ còn một mình cô này sống sót.

Xác người xác thú nằm ngổn ngang lẫn vô đám người bị thương đang quằn quại đau đớn. Ngã đành bỏ chuyện đi tìm Nặc tử để băng bó cứu chữa cho các thương binh. Mấy vết thương do bọn sói đỏ gây ra thật ghê rợn, gần như xé toạc cả một phần thân thể. Nạn nhân chết trong cơn kinh hoàng không kịp nhắm mắt. Ngã chỉ còn biết kéo thi thể tử sĩ lại cho thẳng thớm rồi vuốt mắt cầu siêu.

Những người bị trúng hàn băng chưởng của Sùng binh lâm vô cảnh hiểm nghèo. Họ nằm lạnh lẽo mê man trên đồng, sống không được chết không xong. Ngã kêu gọi mấy môn phái thử lấy máu sói đổ vô miệng nạn nhân. Không ngờ nhờ đó mà cơ thể nhiều người ấm dần lại.

Bộ lạc Người Nấm chia nước uống cho ngã, đưa cho ngã mấy hũ thuốc bột trị thương để chạy chữa dùm cho đám thương binh. Không biết thuốc của họ làm từ loại thần dược gì mà hiệu nghiệm hơn cả tơ mộc miên.

Khi trời sáng, ngã tình cờ tìm được Nặc tử. Nó nằm bất tỉnh trên đất bị hai tên Sùng binh to lớn đè lên, chỉ thò có cái tay áo xanh rách rưới ra ngoài. Ngã nhận ra cánh tay đầy thẹo của nó, suýt nữa thì bật khóc, sờ lên mạch thì thấy còn đập thoi thóp. Ngã loay hoay mãi mà không sao lôi được Nặc tử ra, vết thương trên đùi và vai ngã vì cố gắng quá sức lại chảy máu ràn rụa. Cũng may có hai chàng trai Người Gió xông vô đẩy cái xác Sùng binh nặng chịch qua bên.

Nặc tử chỉ bị vài vết chém ngoài da, nhưng do bị đè nặng mà tức thở tới ngất xỉu. Nó cũng không nhớ nổi tại sao bị hai thằng Sùng binh chết queo nằm đè lên người, chỉ rên rỉ than khát nước. Ngã cho nó uống nước rồi kể cho nó nghe chuyện bọn Trừng Giới Trại xuất hiện. Vừa nghe tới chữ "đàn quạ trắng", Nặc tử lật đật bò dậy, dáo dác nhìn quanh, nói:

– Hai bà cháu mình phải rời khỏi đây ngay lập tức. Chuyện đánh nhau này diễn ra trong Chốn Manh Động liên hồi kỳ trận, chẳng biết bao giờ mới chấm dứt. Bây giờ có thêm tụi Âm Binh Tả Sứ tham chiến thì rắc rối không biết kể sao cho xiết.

Hai bà cháu đành lặng lẽ rời bỏ chiến trường, trở lên ghềnh đá tìm chỗ giấu hành lý. Xác Sùng binh, Hắc Kỳ và Sói đỏ nằm ngổn ngang trên ghềnh, đều bị xé nát hay băm vằm ra rất ghê rợn. Ruồi bọ bắt đầu bu tới vo ve. Ngã bỗng thấy sợ không còn dám nhìn quanh. Giờ đây, qua cơn chinh chiến, sát khí trong lòng đã nguội lạnh, chuyện chém giết nhìn lại thiệt là ghê tởm. Nặc tử đưa tay đuổi ruồi, lại nhởn nhơ nói:

– May mà tao không chết. Chứ không thì tụi bây tha hồ xông vô rúc rỉa.

Ngã rùng mình muốn ói, nhưng từ trưa hôm qua tới nay không có thứ gì trong bụng.

Hành lý trong bụi cây vẫn còn nguyên vẹn nhưng chẳng thấy Tiểu Cáp Mô đâu. Ngã đoán nó đã chết khi một thân một mình lên tấn công bọn thổi tù và. Nghĩ tới đó mà lòng đau vô hạn. Vết thương trên đùi ngã do di chuyển mà trở đau dữ dội. Nặc tử đứng bên đống hành lý lo lắng nói:

– Bà Năm đau vậy thì làm sao mà đi tiếp đây?

Ngã tựa mình lên cán cuốc, lấy giọng đau đớn nói:

– Ngươi mau xuống dưới kia hỏi xin đám Người Gió con ngựa. Chắc họ không hẹp hòi gì mà từ chối.

Nặc tử nhìn lại đoạn đường dài chạy xuống lòng chảo, lười biếng nói:

– Bà Năm có biết cỡi ngựa không mà xin?

Ngã bực mình thằng ích kỷ nên sẵng giọng:

– Ta là kẻ bán gà ở chợ Xuân Hiệp thì làm gì mà biết cỡi ngựa. Nhưng có con gì gánh đỡ hành lý thì vẫn hơn.

– Nếu chỉ để thồ hành lý thì bắt heo cũng được, cần gì ngựa chiến.

Nó vừa nói vừa chỉ về phía con heo to lớn lông nâu đỏ đang quanh quẩn gần đó tìm thức ăn. Ngã ghê tởm nghĩ tới con heo chiến của bọn Hắc Kỳ, đã định lắc đầu nhưng Nặc tử đã quay qua lục lọi trong đống hành lý. Nó ôm cái gì đen đen trong tay, bẻ một túm lá cây rồi rón rén đi về phía con heo. Nặc tử vừa kêu ột ột vừa dứ túm lá về trước, con heo đang chăm chú nhìn túm lá đã bị Nặc tử xông tới phủ cái bao vải bố lên đầu. Không thấy con vật hung hãn vùng vẫy hay chống cự gì, nó đứng im thin thít cho Nặc tử cột dây vô cổ. Nặc tử kéo con heo to lớn về phía đống hành lý, nó ngoan ngoãn vẫy đuôi đi theo. Ngã ngạc nhiên hỏi:

– Nhà ngươi giở trò gì phù phép gì đó?

Nặc tử nghiêm nghị đáp:

– Giống tay sai này bị bịt mắt thì đâm ra nhút nhát sợ hãi lắm, nói gì cũng nghe theo. Mình cứ trùm kín đầu nó như vầy mà sai khiến.

Ngã định phụ Nặc tử chất hành lý lên nhưng vết thương mở miệng đau không chịu nổi. Nặc tử nói:

– Bà Năm đau như vầy làm sao đi quá mười mét, hay bà leo lên lưng heo mà cỡi.

Ngã nghĩ tới hình ảnh bọn Hắc Kỳ cỡi heo chém giết thì lòng ghê tởm vô hạn, nhưng rồi nghĩ đi nghĩ lại, không còn cách nào khác nên cũng đành thử leo lên. Không ngờ cái giống heo chiến của bọn Hắc Kỳ to lớn dị thường, thân hình lại trơn tuột. Nặc tử phải dắt con heo tới bên bờ đá, rồi phụ đỡ ngã leo qua. Ngã lên ngồi trên mình heo cao nghễu nghện hai chân không sao chống tới đất, lại đâm ra sợ té.

Nặc tử biết ý nên dắt heo đi thiệt chậm. Dọc đường Nặc tử hỏi lại chuyện tối hôm qua, ngã cũng nén đau kể cho nó nghe. Nặc tử suýt xoa:

– Tiếc quá, nếu tối qua đừng ngoẻo sớm thì đã có dịp chém giết bọn Hắc Kỳ cho sướng tay.

Ngã giật mình lo sợ, hình như tụi trẻ này có ham muốn bạo động và tính cách trả thù rất lớn. Ngã liền nói:

– Chuyện chém giết chỉ nên xem là chuyện bất đắc dĩ.

Nặc tử kéo mạnh dây cột heo rồi cười hô hố:

– Bà Năm mới vô game nên mới nói vậy. Chơi lâu, nghiện rồi sẽ nói khác.

Ngã thấy đầu óc lùng bùng mệt mỏi, chỉ muốn thiếp đi. Một lúc sau lại nghe Nặc tử hối thúc:

– Bà Năm kể tiếp đi.

Ngã lại kể, tới đoạn Phạm Binh Hữu Sứ xưng là trưởng nữ của Trần Thanh Giang thì Nặc tử ngắt lời:

– Chuyện này quả là kỳ dị. Trần Thanh Giang là nhân vật hiếm hoi có thật của Miền Hư Ảo. Theo chỗ tiểu bối biết, ông ta thành hôn với con gái một cán bộ cao cấp trong bộ nội vụ. Người này có khả năng chính là nhân vật Anh Cả, hay còn gọi là Sùng gia, kẻ thù số một của các blogger. Mà, theo như entry "Tình người là cái phao lủng", đó cũng chính là kẻ giết chết cha của ông Giang. Cuộc hôn nhân oái oăm này không hề có kẻ nối dõi. Như vậy, Phạm Binh Hữu Sứ phải là đứa con ngoài giá thú của ông Giang với một người phụ nữ khác.

Ngã giật mình hỏi:

– Ai?

– Chủ nhân Trừng Giới Trại.

Ngã nghe Nặc tử nói tới chủ nhân Trừng Giới Trại thì toát mồ hôi lạnh.

– Căn cứ vô đâu mà ngươi nói chuyện động trời vậy chớ?

– Con nhỏ đó hỉ mũi còn chưa sạch, tài cán gì mà làm tới chức Hữu Sứ. Ra quân còn được Tả Sứ đi trước mở đường, lại có hai đại cao thủ kè kè theo giám hộ. Chẳng phải con cưng con chiều của Trại Chủ thì là gì?

Ngã ngẫm nghĩ rồi gật đầu:

– Cũng có lý. Nhưng nhà ngươi có đoán được chủ nhân Trừng Giới Trại là ai không?

– Là nickname Đặng Thị Sầu. Nguyên giám đốc nông trường cải tạo phạm nhân Lạc An.

Ngã lại thêm một lần choáng váng, phải cố đắn đo suy tính:

– Chuyện này nếu lộ ra thì sẽ gây nhiều khó khăn cho người khác. Ta nghĩ, mình nên giấu mối nghi ngờ này thì hơn.

Nặc tử khăng khăng lắc đầu:

– Nữ trại chủ đã ra mặt ly khai với nhà cầm quyền, lập chiến trường quy mô nhằm mục đích rửa hận, chuyện giữ kín quá khứ chắc không còn là điều quan trọng nữa. Trần Thanh Giang khi ở cương vị giám đốc viện khoa học và đầu tư miền đông đã đổ bao công sức và tiền của vào việc bí mật tổ chức xây dựng trại Trừng Giới, cho nên tình cảm gắn bó của ông Giang với nông trường rất sâu đậm. Khi ông Giang bị hạ sát, chính Trại Chủ đã công khai lên tiếng trên diễn đàn đòi trả nợ máu cho tình nhân. Với thực lực hùng mạnh và ma quái như hiện nay, Trừng Giới Trại không sợ bất kỳ một sự tấn công hay đàn áp nào. Họ ngang nhiên khiêu chiến với binh lực của Sùng gia và sẵn sàng thôn tính những môn phái khác để giành quyền thống trị Chốn Manh Động. Kiếp nạn chia rẽ phân tranh của Ảo Giới tuỳ thuộc một phần nào vào sự kiềm chế và cân nhắc của nữ trại chủ.

Ngã thở dài:

– Ta còn nhớ cái phản hồi trong bài viết cuối cùng của Trần Thanh Giang. "Thù này phải trả bằng máu". Bởi vậy mà lòng ta vẫn cứ áy náy một điều. Đặng Thị Sầu vốn là người hiền lành không mang nặng oán thù, nay lại vướng vào vòng oán hận để xảy ra quá nhiều chuyện tàn ác.

– Một người hiền lành nếu cả cuộc đời bị lừa dối thì sẽ phản ứng ra sao? Một người không mang oán hận nếu cả cuộc đời cứ bị buộc vào oán hận thì sẽ hành xử ra sao?

Ngã buồn bã nói:

– Đó là oan nghiệt. Nếu có dịp, ta sẽ ghé qua trại Trừng Giới thăm nó, an ủi vài câu. Nhân dịp hỏi luôn chuyện, tại sao gã họ Mã đã chết rồi lại thành Tả Sứ của Đặng Thị Sầu.

Nặc tử giật mình quay phắt lại, suýt nữa thì bị con heo dấn tới húc luôn cái mõm vô bụng.

– Bà Năm nói ai là Tả Sứ?

– Đó chính là kẻ cỡi trên lưng con bạch ô đầu đàn. Giọng nói tiếng cười khinh mạn của gã rất quen, không lầm lẫn vô đâu được.

– Là ai mới được?

– Đó là Mã Tiền, kẻ đã chết cách đây hơn một năm, theo như lời nói của Đường Sơn Tấn Pháp.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us