Ngã blog – Đồ đệ Trư Bát Giới và khoá học cỡi heo
Phần 2 – Miền Miên Ảo
Lưu Thuỷ Hương
Chương 37
Ngã blog – Đồ đệ Trư Bát Giới và khoá học cỡi heo
Ngã nói tới tên Mã Tiền thì tự dưng nghe bắp đùi nhói đau như có ai đâm trúng. Ngã la lên một tiếng, vừa định nhích chân lên thì bàn chân đụng trúng vô bụng con heo. Con vật bỗng nhảy lồng lên rồi phóng bạt mạng về phía trước. Ngã hoảng hốt ra lệnh:
– Đứng lại. Đứng lại.
Con heo vẫn cúi đầu phóng đi ào ào. Ngã buộc phải nằm rạp xuống ôm cứng cái cổ lông lá xù xì của nó mà không biết làm cách nào cho con quái vật đứng lại.
Tiếng Nặc tử la thảng thốt phía sau, nhỏ dần rồi mất hẳn.
Con heo rừng phóng cuống cuồng như ma đuổi. Cái bao tải đen bịt kín hai mắt nên nó cứ bươn đại về phía trước bất kể lùm cây hay dốc đá. Mặt ngã đau rát vì cây quẹt, phải úp luôn xuống gáy con heo nên chẳng còn nhìn thấy gì, đành phó mặc mạng mình cho ác quỷ. Hai đầu gối ngã thỉnh thoảng lại va trúng chướng ngại vật đau nhói từng cơn.
Mặc kệ ngã năn nỉ chửi rủa tới khan giọng, con heo vẫn giả điếc phóng ào ào về phía trước. Chừng khi hết chịu nổi, ngã mò tay lên đầu nó, nắm hai cái lỗ tai vừa xoắn vừa giật mạnh ra sau. Con heo hộc lên vài tiếng rồi chạy chậm dần. Ngã mừng thầm lại xoắn mạnh lỗ tai con quái vật thêm mấy cái nữa, nó dừng lại nằm bẹp trên đất. Ngã lật đật tuột khỏi lưng heo. Khi ngẩng đầu lên ngã mới thấy, phía trước là dòng sông.
Sương mù dâng mịt mùng trên mặt nước u uẩn.
Ngã lo cột con heo vô bụi tre, cởi cái bao trùm đầu cho nó đào măng ăn. Con heo gườm gườm cặp mắt ti hí nhìn ngã rồi lại dỏng tai dáo dác lắng nghe. Tiếng gió thổi qua rừng từng cơn u u. Tiếng sóng nước vỗ qua bờ lau rì rầm. Ngã bỗng ớn lạnh, liền tìm cách dùng phép truyền âm liên lạc với Nặc tử, nhưng khoảng cách quá xa nên không nghe nó trả lời.
Chừng hai giờ đồng hồ sau, bên tai ngã mới loáng thoáng tiếng la léo nhéo. Phải chờ Nặc tử tới gần hơn nữa, ngã mới nghe nó nguyền rủa:
"Bà Năm ới. Bà ở đâu. Bà phi heo như phi ngựa, thiệt sướng thân bà. Mặc kệ người khác cuốc bộ què chân…"
Ngã vừa tức cười, vừa tội nghiệp thằng nhỏ, đành vận tám thành công lực truyền tin đi:
"Nặc tử. Bà đang ở cạnh bờ sông."
Tiếng Nặc tử la lên hoảng hốt trong tiếng gió u u:
"Lại sông U Tịch nữa chứ gì? Bà lo nấp kín chỗ nào, chờ tiểu bối tới. Không được vọng động."
Lúc này ngã đã bớt sợ. Con heo cũng thong thả bươi húc trong bụi tre tìm măng. Ngã không thèm để ý mấy lời dạy khôn của Nặc tử, quay sang kiếm chỗ nấu ăn. Tới trưa đứng bóng thì nó mò tới, vừa thấy ngã đã hít hà kêu đói. Từ hơn một ngày nhịn ăn, ngã cũng đói meo. Nặc tử vừa ăn vừa dáo dác dòm chừng ra bờ sông. Nó lo lắng nói:
– Ăn xong là lên đường liền. Ở gần con sông này thế nào cũng có chuyện nguy hiểm.
Ngã hỏi:
– Tại sao mình đã cố tình tránh nó mà vẫn gặp?
– Có kẻ nào lén lút lên chương trình ghép bà cháu mình vô đường dẫn U Tịch.
– Nhà ngươi không phá chương trình của nó để thoát ra được hay sao?
– Tiểu bối không đủ khả năng làm chuyện đó.
Ngã nghe vậy thì làm gan cười lớn, vận nội công nói sang sảng ra tới bờ sông:
– Nếu họ đã cố tình ép buộc thì bà cháu mình cũng khó cưỡng lại. Chi bằng cứ xuôi theo dòng xem chuyện gì xảy ra.
Nặc tử tái mặt:
– Bọn này không đùa giỡn được đâu. Bà Năm đừng khích họ.
– Bộ nhà ngươi tưởng, tự dưng con heo phóng được tới đây hay sao? Nó bị bịt mắt mà băng băng chạy thẳng một lèo tới bờ sông, không lọt xuống vực đá hay đâm đầu vô gốc cây mà chết. Rõ ràng có kẻ dẫn đường cho nó, hay kéo nó đi. Bà cháu mình không còn cách nào khác, dù có đổi hướng kiểu nào thì cũng bị lôi về sông U Tịch, vừa mất thời gian vừa lâm vô hoàn cảnh kinh hoàng. Chiều nay bà cháu mình cứ chặt cây đóng bè rồi theo đường thuỷ về Long Hồ.
Nặc tử há hốc mồm nhìn ngã:
– Không tránh được thì đi mon men theo trên bờ thôi, xuống sông làm gì?
Ngã kiên quyết gạt bỏ nỗi sợ qua bên:
– Họ muốn giết mình thì đã ra tay. Tụi này chắc chỉ bám theo tụi mình để tìm tung tích Anh Cả. Ngày nào Anh Cả còn chưa lộ diện thì chưa ai giết chết hai bà cháu.
Nặc tử nghệt mặt ra nhìn ngã rồi mếu máo nói:
– Nhưng nếu họ chỉ cần một người dẫn đường thôi thì họ giết ai trước?
Ngã tức mình thằng cục súc chỉ nghĩ chuyện gở, nhưng thấy nó sợ quá đành phải nhỏ giọng an ủi:
– Nhà ngươi đừng lo hoảng. Họ cần cả hai. Chỉ một mình ta hay ngươi đều không thể làm được gì.
Nặc tử im lặng một lúc lâu, chừng thấm ý mới nói:
– Bà Năm cũng nghĩ sông U Tịch chảy về Long Hồ thật sao?
– Không chảy về đó thì chảy về đâu. Mọi chuyện đã có sắp đặt. Lành dữ ra sao, ta chẳng biết, nhưng nó như cái lưới thép bao phủ mọi con đường của mình.
Nặc tử gật đầu:
– Trên bản đồ của anh Bàn Cào, sông U Tịch chỉ chảy tới chân bình nguyên thì chấm dứt, không ngờ nó đổ dài xuống tận miền Nam. Chuyện này quả là kỳ dị.
Ngã gạt ngang:
– Từ khi ta bước chân vô đây, chuyện gì ta cũng thấy kỳ dị.
Nặc tử gượng gạo cười:
– Nhưng bà Năm thích ứng rất nhanh, lúc này đã hành xử và phân tích dữ kiện như một chiến binh blogger thật sự.
Ngã cũng muốn cười cho đỡ căng thẳng nhưng bầu không khí u uẩn làm tim ngã muốn nghẹn lại. Nặc tử cũng im lặng thu dọn chén dĩa và hành lý. Hai bà cháu lần mò dẫn nhau ra bờ sông xem thử tình hình.
Nước sông chảy lững lờ, sương phủ mù mịt không thấy bờ bên kia. Nặc tử nói:
– Đoạn này chảy qua vùng bằng phẳng nên chắc sông không sâu lắm. Nhưng phía cuối nguồn biết đâu đầy ghềnh thác.
– Thì cũng phải liều thôi, không còn cách nào khác. Mình chặt tre làm bè, chắc khoảng hai ngày thì xong.
Nặc tử hoảng hốt nói:
– Trời Đất còn thêm chuyện này nữa. Bà Năm có làm bè tre bao giờ chưa?
Ngã gật đầu:
– Có một thời gian ta qua Cao Miên buôn bán, theo bè tre trôi nổi đây đó.
Hai bà cháu vừa định quay lên, Nặc tử bỗng trợn mắt nhìn vô bụi lau rồi nói:
– Quái lạ. Bà Năm nhìn thử coi.
Chiếc thuyền nan nằm trong đám sậy ló cái mũi dài mốc trắng ra. Ngã ớn lạnh xương sống đảo mắt nhìn quanh. Không gian hoang vu vắng lặng như tờ, chỉ có tiếng cá quẫy dưới sông vọng lên, tiếng chim rừng kêu buồn bã lẻ loi. Nặc tử cũng xanh mặt, lắp bắp:
– Vùng này đồng không mông quạnh. Làm gì có người cư ngụ mà có thuyền neo ở đây.
Gió thổi sương mù trôi đi chập trùng, đẩy mũi thuyền bập bềnh trong đám sậy. Ngã vạch lau, bươn về phía bờ nước. Nặc tử hớt hải nắm áo ngã bám theo.
Đó là chiếc thuyền nan bề ngoài cũ kỹ nhưng tình trạng còn rất hoàn hảo. Lòng thuyền rộng rãi khô ráo, có hai mái chèo gỗ và một cái sào chống. Nặc tử chỉ tay xuống lòng thuyền, run run nói:
– Tại sao nó khô ráo sạch sẽ như vầy? Nếu để dầm sương dãi nắng bên bờ sông thì lòng thuyền phải chứa đầy nước đọng, lâu ngày đóng rong rêu mục nát ra. Bà Năm, chiếc thuyền ma quỷ này không dùng được đâu. Tiểu bối quay lại theo đường bộ đây.
Nó nói tới đó thì đi thụt lùi lại rồi quay đầu rảo bước chạy lên bờ đất. Ngã đứng một mình trên bờ sông vắng lặng mù mịt bỗng nhiên cũng đâm hoảng, lật đật chạy theo Nặc tử. Sương lạnh đuổi theo sau lưng như tốc vô cổ áo, chảy xuống sống lưng. Ngã hét lên, nghe tiếng mình u rền từ trong rừng vọng ra. Nặc tử nhảy nhổm lên la hoảng:
– Có chuyện gì vậy?
Hai con mắt nó nhìn ngã như sắp vọt luôn ra ngoài. Con heo cột bên gốc cây bỗng kêu ột ột rồi lại ột ột hiền lành, như đòi ăn. Ngã lắc đầu hai cái, tự thấy nỗi sợ của mình cũng không bình thường.
– Nặc tử, ở chốn này chẳng có cái gì bình thường. Mọi thứ đều hỗn loạn chẳng theo một quy luật nào. Chuyện hai bà cháu mình sợ hãi mông lung rồi bỏ chạy cũng hoàn toàn vô lý. Bọn Âm Binh Tả Sứ này là quân của Mã Tiền, dẫu là ma quỷ ác nhơn nhưng cũng có Mã Tiền ngăn cản, chắc cũng không được phép mổ bụng xé xác tụi mình như bọn Hắc Kỳ và Sói Đỏ. Nếu ta không lầm, con sông U Tịch này và cả vùng châu thổ bao quanh đều đã thuộc quyền kiểm soát của Tả Sứ. Bà cháu mình là khách mời thì cứ đường hoàng mà bước xuống thuyền.
– Rủi tụi nó thèm quá, giết rồi mới báo cho cha họ Mã biết rồi sao?
– Thằng ôn dịch, nhà ngươi có ngưng nói nhảm được không? Mã Tiền cần ta, quyết không để xảy ra chuyện bất trắc.
Nặc tử lắp bắp phun ra một tiếng chửi bậy bạ, rồi lại im re. Chừng khi tỉnh táo ra nó mới nói:
– May mà tụi nó không đưa thuyền ván hòm tới đón.
Ngã gật đầu, thấy trong lòng cũng đã bình tĩnh bội phần:
– Mình đưa hành lý xuống thuyền, rồi lên đường.
Nặc tử quay qua con heo, hỏi:
– Còn con quái vật này thì sao?
– Đem nó theo. Khi phải lên bộ thì cũng có nó đỡ đần.
Nặc tử chắc đã hết sợ nên đổi giọng gượng gạo giả vui:
– Chưa thấy ai đi chinh chiến mà hành lý lủng củng như bà cháu mình. Thiệt tình, tiểu bối sung sướng từ nhỏ đã quen, sống thiếu thốn chịu không nổi.
Hai bà cháu dẫn con heo ra bờ sông, chuyển hết hành lý qua thuyền. Con heo bị bịt mắt dẫn lên thuyền nên cũng không phản đối gì. Ngã với Nặc tử suy nghĩ rồi quyết định, không cột con heo vô thuyền. Nặc tử nói:
– Cứ để nó đi tới đi lui trên thuyền lỡ có té xuống thì cũng kệ cha nó. Cột nó dính vô đây, lỡ có chuyện gì nó kéo lật thuyền thì chết cả lũ.
Ngã gật đầu, cầm sào chống đẩy thuyền ra giữa sông. Bên ngoài này sương mù mịt, nhìn xa năm mét là không thấy gì.
Trời càng về chiều vùng sương mù trên sông càng đặc quánh lại. Hai bà cháu ngồi bó gối trên thuyền không chèo chống gì, để mặc thuyền lừng lững trôi tới. Đêm tới cùng nỗi sợ và ám ảnh. Một tiếng cá quẫy, một tiếng gió hú cũng làm hai bà cháu giật mình dõi mắt vô bóng đêm tăm tối.
Tới chừng trời hửng sáng, hai bà cháu mới mệt mỏi thiếp đi. Ngã tỉnh dậy khi nắng chói chang đổ xuống lòng thuyền. Con heo nằm cuối thuyền trố mắt nhìn ngã, hai cái răng nanh chỏi lên hung dữ vô cùng. Ngã giật mình la lên:
– Trời Đất. Ai cởi cái bao trên đầu con heo ra.
Nặc tử nằm bên ngủ khò khò bên con heo, nhảy nhổm lên:
– Cái gì? Cái gì? Ai giết con heo?
Ngã chỉ tay vô con heo nhắc lại:
– Có kẻ nào lên thuyền cởi cái bao trên đầu nó ra.
Nặc tử nhìn quanh rồi lắc đầu:
– Ai thương con heo tới mức đó? Kẻ nào có chuyện ân oán với bà cháu mình thì mới mò lên thuyền hạ thủ chứ ai mà lên giúp con heo. Chắc là nó khát nước tự loay hoay mở được miệng bao thôi. Bà Năm đừng bị ám ảnh quá mà hoá hoang tưởng.
Ngã thấy bực, thằng này còn hoang tưởng hơn ngã mà dám lên giọng dạy đời. Nhưng ngã cũng thôi không sợ hãi nữa mà đưa mắt nhìn quanh. Lúc này sương đã tan, cảnh vật hai bên bờ hiện ra bát ngát êm đềm. Mọi thứ trở nên bình thường một cách bất bình thường và khó chấp nhận. Nhưng rồi cũng không biết làm sao mà phản đối, ngã quay sang Nặc tử, nói:
– Ta thử bắt vài con cá nấu ăn. Tối hôm qua nghe tụi nó quẫy liên hồi. Sông này chắc nhiều cá lắm.
Nặc tử ráng rặn ra nụ cười, nhưng nụ cười của nó méo mó kinh khủng:
– Lỡ mấy con cá này chuyên ăn thịt người thì sao?
Ngã nóng ruột nạt ngang:
– Nhà ngươi thôi nói nhảm được không? Thịt người ở đâu đây mà ăn?
Nặc tử lì lợm nói:
– Mình cập thuyền vô bờ hái rau nấu ăn rồi đi tiếp.
Ngã không trả lời nó mà định thần phóng mũi kiếm xuống nước. Thử qua vài lần là đâm được hai con cá lớn. Nặc tử nhìn máu cá loang đỏ trên sông thì tái mặt. Nó gào lên như thấy ma quỷ, hối thúc ngã thuyền tấp vô bờ.
Lúc này ngã chỉ chăm chăm nghĩ tới chuyện ăn. Con cá mập mạp còn giãy đành đạch trên sàn thuyền sẽ biến thành món cá nướng rau hảo hạng. Ngã tự tìm hái rau, tự nhóm lửa nướng cá. Thà ăn no mà chết còn hơn làm con ma đói.
Chừng khi Nặc tử hửi được mùi mỡ cá cháy thì nó cũng không chịu nổi. Nó xà vô bên bếp lửa, hai con mắt lom lom nhìn mấy giọt mỡ đang chảy xuống than đỏ cháy xèo xèo:
– Ăn xong con cá này rồi chết cũng cam lòng.
Qua bữa ăn bữa trưa ngon lành, hai bà cháu lại xuống thuyền. Nặc tử không đeo bao tải lên đầu con heo nữa, để nó thấy đường mà uống nước. Ngã nhìn nó nằm hiền lành ở góc thuyền thì nói vu vơ cho đỡ nghĩ quẩn sang chuyện khác:
– Loài súc vật không có nhiều suy nghĩ, chỉ do bọn bất lương huấn luyện mà trở thành giống ác nhơn. Nó đi theo ta trừ gian diệt bạo biết đâu mà đỡ được kiếp nghiệp.
Không ngờ Nặc tử đang uống nước, bỗng dưng phun ra ào ào, cười sặc sụa:
– Chắc bà Năm tưởng mình là thầy Đường Tăng. Con heo là Trư Bát Giới. Coi chừng tối nay nó lên cơn đói ăn thịt luôn Tam tạng với Ngộ Không.
Suýt nữa thì ngã cũng phì cười nhưng cố nghiêm mặt không nói gì để thằng tiểu quỷ này đừng giỡn hớt bậy bạ. Nặc tử quay qua nói chuyện nhảm một hồi với con heo rồi lăn quay ra ngủ. Ngã cũng nhắm mắt một lát, vì biết rằng đêm nay khó lòng mà ngủ được.
Đêm trôi qua yên bình kỳ quặc. Ròng rã năm ngày xuôi sông U Tịch, vẫn không có chuyện gì xảy ra. Con thuyền trôi trên dòng sông mùa thu yên tĩnh lạ lùng. Lá cây hai bên bờ ngả sang màu vàng rực rỡ. Lẽ ra cảnh đẹp chuyển mùa này phải làm lòng người lay động nhưng màu vàng chói chang chỉ làm ngã thêm sợ hãi.
Nhờ những ngày ít cử động trên thuyền, cũng như nhờ có thuốc trị thương của Người Nấm mà vết thương trên vai và đùi ngã lành lặn tới chín phần. Đêm thứ tám, giữa lúc ngã quen giấc ngủ say thì có ai đánh mạnh lên vai.
Tiếng Nặc tử thét la inh ỏi:
– Bà Năm. Cho thuyền cập bờ. Mau.
Ngã tỉnh dậy giữa những tiếng động ầm ầm hung hãn. Nặc tử đang cố chống sào đẩy thuyền quay ngang. Ngã tỉnh ngủ tức thì, chụp lấy mái chèo, tì vô hòn đá nổi giữa dòng. Nặc tử gào lên:
– Phía trước là thác lớn.
Con heo ột ột nhìn quanh rồi phóng cái ào xuống nước, bơi luôn vô bờ, bỏ mặc hai bà cháu ở lại vật lộn với sức nước cuốn dữ dội. Từng chút, từng chút ngã với Nặc tử nương thuyền qua những ngạch đá tiến dần vô bờ. Có mấy lúc mái chèo của ngã hay tay chống của Nặc tử trật đi, con thuyền xoay vòng trong nước xoáy rồi lao ào ào về phía trước. Tiếng thác nước càng lúc cành gần, âm thanh cuồng nộ dữ tợn. Lòng sông đã bắt đầu đổ dốc, nước chảy ào ào về phía trước, nổi bọt trắng xoá. Lúc này chuyện nhảy xuống nước bơi vô bờ đã trở thành khó khăn.
Nặc tử lại hét lên. Từ trên đầu nguồn, ba bốn thân cây to đang lao ào ào xuống. Con thuyền bị thân cây quét qua như trúng đạn pháo. "Bùm". Ngã trật tay chèo xuýt nữa lao đầu vô tảng đá. Con thuyền sau cú va chạm dữ dội tưởng như bể nát, vậy mà chỉ bể một bên mạn. Nước liền theo chỗ ván bể tràn vô khoang. Mấy thân cây táng trúng thân thuyền thì quay ngang, mắc kẹt giữa hai tảng đá. Từng dề lá vàng trên thượng nguồn trôi xuống, tấp vô chướng ngại vật, dồn thành mảng lá lớn cản ngang dòng nước chảy. Nước đột ngột dâng cao ào ạt. Con thuyền bị nước ứ đẩy lên cao thật là kinh khủng. Ngã chưa kịp hiểu rõ sự tình thì con thuyền đã bị dòng nước dâng đẩy lên khỏi mặt đá, dạt qua phía bờ. Nặc tử hét lên:
– Chèo. Chèo tới.
Ngã kè mái chèo lên mặt đá bên dưới, đẩy như điên về phía bờ. Con thuyền theo nước dâng bươn qua ngạch đá, trôi tuột đi. Tiếng ầm ầm dữ dội vang lên. Mấy thân cây bị sức nước đánh bật về phía đầu thác. Nước bỗng hạ xuống đột ngột, con thuyền nát nhờ vậy mà vướng được vô ngạch đá lớn. Từ chỗ này ra tới bờ chỉ vài bước nhảy. Hai bà cháu lật đật chuyển hành lý ra khỏi thuyền.
Ngã lên được mặt đất rồi mà còn chưa hoàn hồn, người cứ chao đảo bập bềnh, hai chân run lập cập. Phía thác nước từng cột bọt trắng xoá bốc cao dữ dội. Ngã ớn lạnh nghĩ, thác lớn cỡ này mà rớt xuống là toi mạng.
Con heo ở đâu đủng đỉnh mò tới bên ngã kêu ột ột. Nặc tử đang nằm sóng soài trên đất, nghe tiếng heo kêu thì nhảy nhổm dậy. Nó cầm mái chèo đập luôn một phát trời giáng lên đầu con heo:
– Thằng heo thúi, còn mò tới đây làm gì.
Con heo bị bất ngờ, hoảng hốt nhảy lồng lên. Ngã lật đật chụp sợi dây cột cổ con heo lại, vì sợ nó chạy mất. Nặc tử đập được một cú thì hết giận, nó bĩu môi nói:
– Sức bà Năm làm gì mà giữ được con bất nghĩa đó. Nó mà bỏ chạy thì nó lôi bà Năm theo luôn.
Ngã không thèm nói gì, chỉ lo cột con heo vô gốc cây. Nặc tử cũng lo ì ạch lôi đống hành lý ướt nhẹp ra chỗ khô. Khi đó, ngã mới nhớ tới cuốn sổ ghi chép cuộc hành trình. Ngã hoảng hốt xông vô đống hành lý. May quá, cuốn sổ lúc nào cũng được bọc bao nilon kỹ càng nên vẫn nằm khô ráo giữa đống áo quần ướt sũng nước.
Nặc tử thấy ngã chăm chút cuốn sổ tay thì khịt mũi quay sang con heo:
– Khịt khịt. Bà Năm hoá thành ảo nhân thứ thiệt rồi, chỉ lo chăm chút mấy dòng tư tưởng. Trư Bát Giới, mau lại đây gánh hành lý cho sư phụ. Nếu sư phụ với sư huynh tới được Tây Phương thì sẽ hoá kiếp mày thành Thiên Bồng Nguyên Soái – heo rừng nướng sả.
Ngã nghe nó nói nhảm vậy thì định la cho nhưng lòng cũng đang vui vẻ vì mới vừa thoát chết mà tài liệu cũng còn nguyên vẹn, nên ngã chỉ quay sang Nặc tử giả bộ rầy rà:
– Nặc tử, nói vui chơi thì được nhưng không nên đánh đập súc vật hồ đồ. Mau chất hành lý lên lưng Ngộ Năng.
Nặc tử tưng tửng nói:
– Còn gọi con heo xấu xí này là Ngộ Năng. Bà Năm. Chắc là bà sắp đắc đạo tới nơi rồi.
Ngã đoán nó xỏ xiên mình nhưng không trả lời, vì mới thoát chết nên ngã đâm dễ dãi với thằng tiểu quỷ này như vậy.
Từ Thác Nước Lớn (tên này do ngã đặt) hai bà cháu theo đường bộ về Long Hồ. Qua hai ngày nghiên cứu và tập luyện thì ngã cỡi heo thuần thục lắm. Thúc vô bụng là biểu heo đi tới. Nắm lỗ tai giật ngược là biểu heo đứng lại. Gãi vô cổ là biểu heo quỳ xuống. Trư Bát Giới tỏ ra rất quyến luyến với ngã, dù là cái mặt hung ác của nó đôi lúc cũng làm ngã e dè. Ngược lại, họ Trư rất ghét Nặc tử, từ hôm bị Nặc tử phang cho một phát chí tử, nó không cho Nặc tử tới gần nữa. Cứ thấy Nặc tử lởn vởn vòng quanh là mắt nó long lên sòng sọc, hai cái răng nanh vểnh ngược lên. Nặc tử đâm sợ con heo nên thường tìm cách xoa dịu:
– Đừng có hung hăng. Tao thà ăn đậu hũ chứ không ăn thịt bạn đồng hành bao giờ.
Trư Bát Giới vẫn hằm hè dữ tợn. Buổi tối khi đi ngủ Nặc tử cứ phải nhắc ngã. "Bà Năm nhớ cột chặt con quái vật vô gốc cây." Ngã đang buồn ngủ lảm nhảm trả lời:
– Ta đã trói Ngộ Năng bằng dây kim cô.
Nặc tử cười ré lên làm ngã giật mình tỉnh ngủ, lật đật hỏi:
– Có chuyện gì?
– Bà Năm đã thật sự trở thành ảo nhân.
– Là sao chớ?
– Là mắc bệnh siêu vi HT.
Ngã bực mình hỏi lại:
– Siêu vi HT là bệnh gì?
– Siêu HT là siêu hoang tưởng. Bọn sống lâu trong Ảo Giới đều mắc bệnh này, chẳng còn biết mình thực sự là ai. Nhiễm trúng bệnh virus hoang tưởng là hết thuốc chữa, chỉ còn cách sống luôn trong Ảo Giới.
Ngã chẳng hiểu nó lại nói xiên xỏ cái gì, nên nhắm mắt ngủ tiếp. Bên gốc cây, đồ đệ Ngộ Năng cũng cất tiếng ngáy phì phò.
*
Đường về Long Hồ rừng già trùng điệp, núi đồi liên miên, định hướng về nam rất khó. Bởi vậy hai bà cháu đành men theo sông U Tịch mà đi. Nhưng rồi cũng phải bẻ qua đường khác vì sông U Tịch bắt đầu chảy vô vùng đầm lầy, mặt đất đầy bùn nhão vô cùng nguy hiểm.
Sau nửa tháng leo núi vượt rừng, hai bà cháu và con heo tới được Long Hồ. Bây giờ là cuối mùa lá vàng, từ trên núi cao nhìn xuống, cảnh vật thiên nhiên hùng vĩ hoang sơ, đẹp lạ lùng. Năm nhánh sông đổ về lòng hồ rộng bao la, vàng rực như mật ong. Mặt hồ hướng tây hẹp dần hình phễu, nước qua đoạn hẹp đổi màu trắng xoá, hơi dâng mịt mùng đổ xuống một hồ nhỏ mang dáng dấp cái bình rượu. Mặt trời lặn dần sau đỉnh núi. Nước trong bình rượu đỏ rực màu hổ phách.
Ngã với Nặc tử quanh quẩn suốt mấy tuần quanh vùng Long Hồ mà không sao tìm ra dấu vết của Địa Phủ. Vùng này núi rừng hoang sơ trùng trùng điệp điệp, việc tìm kiếm như mò kim đáy bể. Một buổi chiều, hai bà cháu đứng trên sườn núi nhìn xuống lòng hồ, tuyệt vọng chẳng biết đâu là phương hướng. Ngã than thở:
– Đã bỏ bao công sức tới được chỗ này chẳng lẽ bỏ cuộc.
Nặc tử buồn bã nói:
– Tiếc là không hỏi qua Viên lão thêm vài câu.
Ngã ngạc nhiên hỏi:
– Chẳng lẽ lão ta biết đường vô Địa Phủ?
– Lão ta chưa tới đây bao giờ, chắc chắn là không biết đường vô. Nhưng bọn Tiên Tri Giả này có thể dựa vào những câu sấm kỳ bí của môn phái họ mà tìm ra được tia sáng dẫn đường. Ông tổ của môn phái này là Viện lão, nghe đâu rất giỏi thuật tướng số, phong thuỷ, chiêm tinh, thông hiểu nhiều câu sấm truyền, nhưng sở học truyền tới đời sau – Viễn lão, Viền lão, Viên lão – đã mai một dần.
Ngã nhìn về phía Tiểu Hồ, bỗng giật mình nhớ lại lời nói của Viên lão lúc chia tay:
– Nặc tử, Viên lão có nói rằng: "Nước đọng ở miệng phễu trước sau gì rồi cũng phải chảy xuống. Cứ theo đó mà tìm tới." Nếu lão ta chưa tới đây bao giờ mà buột miệng nói ra điều đó thì thật là kỳ lạ.
Nặc tử sững người nhìn ngã rồi quay sang hướng lòng hồ:
– Nhất định phải có điều bí ẩn nơi đoạn Chân Phễu đổ sang Tiểu Hồ.
Các thao tác trên Tài liệu