Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Miên miên kỷ niệm

Miên miên kỷ niệm

- Lưu Thuỷ Hương — published 01/03/2008 00:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Bút ký
 
 

Miên miên kỷ niệm
 


Lưu Thuỷ Hương

 

Khi gia đình tôi dời về cư trú ở vùng ven ngoại thành, chỉ có bốn mẹ con dưới một mái nhà tranh nhỏ bé, trên một mảnh đất hoang vu mịt mùng cỏ dại. Ba tôi là sĩ quan chế độ cũ vừa mãn hạn tù đày, một đối tượng đang được chính quyền địa phương giám sát. Lá đơn của ba xin đăng ký tạm trú, xin được về sống chung với vợ con, ngay từ đầu đã bị chính quyền bác bỏ. Vì, đây là khu xóm đạo của người Bắc di cư, một địa bàn khó quản lý, khó theo dõi và khó đưa vào khuôn khổ. Ba chỉ được đến thăm mấy mẹ con vào ban ngày, ban đêm phải về ngủ ở nhà ông bà ngoại trong thành phố, nơi ba đăng ký hộ khẩu. Nơi, từng đêm công an địa phương vẫn xộc vào gọi ba dậy để… hỏi tên.

Chuyện viếng thăm cũng không đều đặn. Mỗi ngày ba phải đi làm ở lò rèn cuốc xẻng. Buổi chiều nào về sớm, ba đạp xe lọc cọc ghé thăm. Khuôn mặt đen thui vì tro than. Đôi mắt đỏ ngầu vì bụi kim loại. Cũng đôi mắt đỏ hoe đó, nhìn cuộc sống côi cút thiếu thốn của vợ con mà bất lực.

Buổi chiều đầu tiên phải chia tay chúng tôi về lại thành phố, ba cứ lần lữa mãi, hết sửa lại cánh cửa tre, rồi chằm lại vách lá bên hông nhà. Mẹ sợ cơn mưa chiều đang sầm sập kéo đến, hối thúc hoài, ba mới dắt xe ra cửa. Ba xoa đầu tôi, tần ngần nhìn mái nhà tranh nhỏ xíu, cô độc giữa chiều giông. Hai cha con không nói với nhau lời nào, nhưng vẫn thấy hiểu nhau. Ba đi rồi, cơn mưa chiều kéo đến dồn dập, trời đất tối sầm mờ mịt.

Buổi tối đầu tiên, tôi nằm thao thức giữa những âm thanh mới mẻ hỗn độn. Tiếng mưa xào xạc trên mái lá. Tiếng nước chảy róc rách bên chân giường. Tiếng côn trùng rên rỉ bất tận trong góc nhà. Những tàn lá dừa vươn đôi cánh tay dài thao thao vẫy gọi ngoài hiên. Chị tôi nằm co ro bên cạnh, tưởng như đã ngủ từ lâu, sẽ sẽ nắm tay tôi thì thầm:

– Em có sợ không?

– Không! Em không sợ. Chị vào nằm trong vách đi, đổi em ra ngoài.

Chị lại nằm yên không nhúc nhích, chắc chị cũng không xác định được, nằm gần vách lá liệu có đỡ sợ hơn không. Mẹ ở giường bên bất chợt thở dài:

– Cánh cửa ba buộc ban chiều sao lỏng lẻo quá.

– Để con ra nằm cạnh cửa.

Tôi lồm cồm bò dậy. Mẹ lúng túng đốt lại ngọn đèn dầu . Diêm quẹt thấm hơi ẩm từ chiều, xoèn xoẹt tắt lụi giữa màn đêm. Trong ánh sáng lập lòe của những tia chớp, tôi kéo chiếc ghế bố ra chắn ngang cửa nhà. Cây rựa bửa củi của ba nằm ngay ngắn bên cạnh. Mãi sau này, mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn thấy thương hại cho những con người trong đêm mưa gió bão bùng ấy. Căn nhà ọp ẹp, bốn vách tường lá mỏng manh xiêu vẹo. Ai muốn vào, cứ ngang nhiên vạch lá bước qua. Họ cần gì phải đi qua cửa chính, nơi có một đứa bé ốm tong teo nằm trấn giữ. Có lẽ, lúc ấy, mẹ là người duy nhất hiểu rõ tình cảnh bi đát, nhưng mẹ chỉ im lặng nuốt tiếng thở dài.

Trong bóng đêm, tôi nghe tiếng đứa em gái nhỏ thở khò khè từng cơn đứt quãng , khó nhọc. Mẹ xoay người qua xoa lưng cho em. Tôi cũng muốn sang nằm kế nó. Công việc xoa lưng cho em, mỗi khi nó lên cơn suyễn, vẫn là việc của tôi. Nhưng đêm nay, tôi phải nằm đây gác cửa, để gia đình có một giấc ngủ bình yên. Tôi vén mùng thò tay ra khỏi ghế bố, bàn tay chạm vào cái mõm mềm mại ướt át. Con chó xù vùi đầu vào tay tôi như một người bạn trung thành. Tôi thiếp đi, giấc ngủ êm đềm không mộng mị.

Buổi sáng sau cơn mưa, màn trời trong xanh ẩm ướt, cây cỏ loang loang nắng. Hơi đất thơm nồng mùi lá mục, mùi của thiên nhiên hoang dại. Con Sư Nha chui lách qua những bụi cỏ tranh mênh mông ngút ngàn. Thi thoảng, cái đuôi xù vàng hoe ló ra phe phẩy trên gò đất. Mẹ tôi đặt tên nó là Sư Nha, dent–de–lion, tên một loài hoa dại ở châu Âu. Khi ấy tôi không hề biết rằng, rồi sẽ có một ngày tôi xa quê, xa biệt biệt. Sẽ có những mùa thu tha phương tôi đặt môi mình lên cánh hoa khô, thổi đi kỷ niệm. Thả gió… “thả gió bay đi mịt mù“… Mảnh tình hoài hương cuốn bay vào trời điệp điệp thương nhớ.

Tôi tập bổ những nhát cuốc đầu tiên xuống đất, tập gieo hạt và tập yêu thương những mầm xanh mong manh. Hoa mướp đốt nắng cháy vàng trên sân. Vườn cà treo những giọt mực tím long lanh. Tôi gò lưng đẩy xe rau theo mẹ ra chợ, tập nuốt nước mắt, cúi nhặt những đồng tiền thấm mồ hôi nhàu nát trên đất.

Một chiều cuối năm, ba ghé qua thăm, vai vác chiếc bao tải thật to. Ba cười cười bí ẩn:

– Đố mấy đứa biết, hôm nay là ngày gì?

– Ủa, ngày gì? – Cả ba đứa con gái đứng ngơ ngác.

– Hôm nay là ngày Chúa giáng sinh. Ngày ông già Noel mang quà đến cho trẻ em.

Ngày Chúa giáng sinh, ông già Noel, những khái niệm này đã lâu rồi không còn được nghe đến. Nó thuộc về một vùng ký ức đẹp đẽ dở dang, mà mỗi khi nhắc đến chị em tôi đều bắt đầu bằng hai chữ tiếc nuối: “Hồi đó…“

Hồi đó, là hồi trước 75, hồi ba còn chưa phải đi cải tạo, hồi gia đình mình còn được sống chung trong căn nhà ấm cúng ở trong phố. Đêm giáng sinh nào cũng rực rỡ đèn hoa, náo nức quà bánh, rộn rã tiếng đàn hát của các chủng viện sinh dòng Don Bosco đến chúc lễ thầy cô giáo. Những kỷ niệm đẹp đẽ đó nằm im lìm trong một góc tâm hồn của những đứa trẻ, lung linh xa vời, như vầng trăng cổ tích. Cuộc sống thô bạo cuốn gia đình tôi đi, không một người nào trong gia đình còn dám nhắc đến ngày lễ giáng sinh, như sợ chạm vào nỗi đau của những người khác. Mà, ở xóm đạo này, người giáo dân cũng chỉ dám đóng cửa lén lút đón Chúa hài đồng, trong một nỗi hoang mang sợ hãi của những công dân phạm pháp. Từ chiều ngày 23, con đường vòng quanh giáo đường đã vẩn vơ màu áo công an. Những ngôi nhà trong xóm như nép sát vào nhau âm thầm, những cánh cửa khép kín lo âu, bầu không khí đe dọa buông phủ. Mùa Thiên Chúa nhân từ giáng sinh, mẹ lo sợ thì thào: “Tuần này anh đừng sang, phiền hà, nguy hiểm lắm.“

Vậy mà, chiều nay ba lại mang quà của ông Noel đến. Cái bao tải cũ mèm, vá víu lem nhem. Cái bao to, nhúc nhích phập phồng.

– Mở ra, ba ơi, mở quà ra

Con em út hét lên như không chịu nổi niềm vui tràn đến bất ngờ. Một niềm vui từ lâu tưởng đã ngủ yên. Ba chậm rãi mở miệng túi, kéo dài sự căng thẳng. Bàn tay ba lôi ra một hình thể bù xù, vàng hoe. Con vật giương đôi mắt tròn xoe nhỏ xíu, ngơ ngác nhìn đám người hiếu kỳ.

– Trời ơi, một con gà – Chị Hai kêu lên phấn khích, sau khi đã đủ thời gian quan sát con vật – Con gà mái hoa mơ.

Em gái tôi ngồi thụp xuống đất, ôm ngực thở khò khè. Niềm vui choáng ngợp vừa đến cũng làm nó đột ngột lên cơn suyễn. Con gà mái hoa mơ lông vàng rực rỡ, có điểm những chấm trắng như bông tuyết. Ba đặt tên nó là Bạch Điểm.

Con gà thứ nhì, lông vàng đuôi đen, tên là Huyền Vĩ. Con gà lông sậm, chân dài lênh khênh, tên là Trường Túc. Một chàng gà trống oai phong lẫm liệt, vừa ra khỏi bao đã lúc cúc tha thiết gọi mấy nàng gà. Ba phì cười, gọi nó là lãng tử Trương Vô Kỵ. Con gà cuối cùng là một đứa hung dữ. Vừa thoát ra khỏi chiếc bao chật hẹp, nó phóng đến đứng cạnh chàng Trương, xù lông đe dọa bọn lau nhau. Nó là người đẹp Chu Chỉ Nhược.

– Vậy con gà mái cũ gọi là gì? Nó đâu có tên.

Chị tôi lên tiếng hỏi, vừa lúc con gà mái già nghe tiếng bè bạn chạy le te về nhập bọn. Từ bao lâu nay nó vẫn quanh quẩn trong vườn, chỉ được gọi đơn giản là con gà, mà không hề có cái tên tử tế. Cũng không ai nghĩ rằng, một con gà như nó cần có tên. Ba có vẻ hối hận vì đã bất công, khi mỗi ngày nó vẫn vui vẻ tặng em út tôi một quả trứng.

– Mình gọi nó là Lễ Cao. Lễ Cao nói lái là Lão Kê. Lão Kê là con gà già.

Vậy là con gà mái lông nâu lùi xùi, dáng vóc quê mùa tất tả, trở thành một lão nương trong làng gà, với cái tên Hán-Việt thanh nhã, Lễ Cao bà bà.

Vài tuần sau, ba lại mang thêm về một đàn vịt. Mười con vịt chẳng hề có tên, vì chúng giống nhau như đúc, và vì một lẽ thiên vị khác. Trên đời này, chắc không có giống vật nuôi nào thô thiển, ngu dốt như bọn vịt. Trong khi bọn gà chỉ dám khép nép quanh quẩn ngoài vườn, bọn vịt này nghênh ngang, vênh váo dạo bước khắp nơi. Chúng kéo nhau vào giữa nhà, cạc cạc chê bai gia cảnh đạm bạc của nhà chủ, nhặng xị đủ điều. Nếu một con hỗn xược đánh phẹt một bãi giữa nhà, những con sau đều hớn hở bắt chước, rồi lại xem xét, ngật ngưởng bình phẩm báu vật của nhau. Trong khi bọn gà một mực tôn trọng con Sư Nha, bọn vịt lại thường xuyên hành xử vô lễ với bậc đàn anh. Trên đường đi dạo vênh váo, nếu bắt gặp con Sư Nha đang nằm khoanh đâu đó thì một con vịt sẽ mổ đốp vào đầu kẻ ngủ ngày, những con còn lại ngoác miệng cười khèn khẹt. Con sư Nha hoảng hốt kêu ăng ẳng. Rượt đuổi nhau, cười đùa, mắng chửi… ầm ĩ cả một góc vườn. Xôn xao.

Cuộc sống không mãi là những tháng ngày vô tư. Cơn dịch cúm gia cầm đến thăm bạn bè tôi vào một ngày cuối mùa nắng. Đối với những gia đình quen nuôi gà vịt thả rông, dịch cúm gia cầm là một điều bình thường của tự nhiên. Nó đến đều đặn hai lần trong năm, khi thời tiết chuyển từ mùa mưa sang nắng, hay từ mùa nắng sang mưa. Nhưng đối với tôi, mùa dịch cúm đầu tiên là đòn tàn nhẫn của tạo hóa đánh vào những người bạn bé bỏng của mình.

Buổi trưa tháng tư oi nồng. Con Chu Chỉ Nhược đứng bên hè, đầu nó nghẹo sang bên, hai mắt kéo màng trắng, đôi cánh rũ xuôi. Tôi đến gần, nó không bỏ chạy. Tôi rón rén ôm chầm nó, ngạc nhiên nhận ra, con vật thường ngày hung dữ chỉ yếu ớt kháng cự.

– Ôi Chu Chỉ Nhược ! Chu chỉ Nhược bé bỏng tội nghiệp của chị.

Tôi ôm chặt nó, cuống cuồng chạy băng qua đồng cỏ. Bà cụ già hàng xóm, đầu chít khăn mỏ quạ, hàm răng đen nhánh bỏm bẻm nhai trầu. Bà mặc yếm trắng, nằm đong đưa trên võng.

– Nó bị cúm, cháu ạ. Mùa này nên nhốt gà vịt lại. Mỗi ngày giã tỏi tươi nhét vào miệng. Con nào ốm phải nhốt riêng ra, cho ăn tỏi nhiều vào.

Con Chu Chỉ Nhược bị nhốt riêng trong chuồng hai hôm, con Bạch Điểm cũng bị vào nằm chung. Con Bạch Điểm đỏm dáng, yếu đuối không vượt qua nổi cơn bệnh hiểm nghèo. Một buổi sáng, nó nằm duỗi chân thẳng cứng trên sàn. Lần đầu tiên trong đời, tôi kinh hãi chạm vào cái chết. Lạnh lẽo, dửng dưng! Con Chu Chỉ Nhược vẫn tiếp tục vật vã, kháng cự lại số phận. Nó không còn đứng nổi mà đổ vật ra sàn, cái đầu buông thõng, hai mắt mờ đục. Mỗi ngày tôi nhét tỏi vào miệng nó, sờ vào tấm thân gầy còm hâm hấp ấm, biết là nó vẫn sống.

Bệnh cúm tràn qua đàn vịt tàn khốc. Người ta chỉ gọi “gà rù“ mà không gọi “vịt rù“. Vịt nhiễm cúm không rù mà bại liệt. Khi căn bệnh mới bắt đầu , con vật khuỵ hai chân xuống quỳ gối lết đi lạch bạch. Rồi nó bại cả hai chân, ngồi bệt trên sàn, nước mắt nước mũi tuôn ra ràn rụa. Tôi nhìn chúng khóc, chạnh lòng nghĩ, loài vịt không ngu xuẩn như mình tưởng. Trong những thân thể bệnh tật nhỏ nhoi kia, chắc cũng có một linh hồn đang thoi thóp. Tôi hối hận làm sao, thầm cầu mong những ngày ồn ào vô tư quay lại. Những cố gắng chạy chữa của tôi chỉ là vô vọng. Không gian ngập ngụa mùi tử khí, hăng hắc, chua lè. Những đôi mắt đẫm ướt, dại khờ mỗi ngày nhìn tôi van vỉ, mong được chấm dứt nỗi đau. Rồi chúng lần lượt ra đi. Tôi lặng lẽ chôn xác từng đứa… từng đứa… bên mộ con Bạch Điểm. Ở một thế giới nào đó chắc chắn chúng sẽ lại vui vẻ chơi chung với nhau.

Con Bạch Điểm ở thế giới bên kia chờ mãi con Chu Chỉ Nhược. Nhưng đứa bạn kiên cường của nó không hổ danh là một cao thủ võ lâm. Chu Chỉ Nhược cuối cùng rồi cũng vượt qua được căn bệnh ngặt nghèo. Một buổi chiều, nó lảo đảo tìm cách đứng dậy trên đôi chân khẳng khiu, yếu ớt. Nó thoát khỏi tà áo đen của thần chết, để đánh đổi một cái giá tàn nhẫn. Trở thành kẻ điên loạn.

Ngày đầu tiên sau cơn bệnh, nó được thả ra ngoài, đứng đó ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Đầu nó lắc lư muốn tìm đến tiếng gọi của đồng loại. Đầu hướng về bên này, chân bước về bên kia. Nó lảo đảo xoay vòng như người say, ngã lăn ra đất, đôi chân yếu ớt đạp hoảng loạn. Tôi nâng nó lên, đổ cho một nắm khoai mì khô bên cạnh. Con vật mổ hoài không trúng được mảnh khoai mì, cái mỏ nó chúi xuống lóc cóc quanh miếng ăn, chỉ mổ hụt. Tôi lại phải nhét thức ăn cho nó. Nó tiếp tục phiêu phiêu sống, cố gắng để thích nghi, dần dà đã chậm rãi ăn được một mình. Nhưng nó sợ đi xa, chỉ quanh quẩn góc sân. Người yêu Trương Vô Kỵ của nó từ lâu đã quên tình xưa, vỗ cánh bay xa (thỉnh thoảng còn khoái chí gáy vang vang đầu hè).

Cơn bão nhỏ trên mảnh vườn tuổi thơ trôi qua lặng lẽ, cơn bão lớn bên ngoài mái nhà tôi lại khốc liệt hơn. Công an đổ về bố ráp xóm đạo, bao vây các chủng viện. Đêm, người ta đẩy những linh mục lên xe, chở đi biệt biệt. Đêm, những người giáo dân quỳ lạy trong nghĩa địa rì rầm nguyện cầu bất tận. Những mái đầu bạc trắng chít khăn mỏ quạ, những tấm lưng còng cúi gục bên thềm nhà nguyện lặng lẽ đêm thâu. Lệnh cấm tụ tập ban hành. Hương khói tỏa mênh mông trên bãi tha ma. Những chủng viện trang nghiêm thanh tịnh qua mùa bão chỉ còn là những đống gạch đổ nát hoang vu. Lặng câm không bóng người. Tôi sợ lắm, chẳng còn dám chạy chơi xa, chỉ quanh quẩn trong vườn. Mấy tuần rồi ba cũng không sang, công an địa phương gọi ba lên thẩm tra liên tục.

Một chiều sau cơn bão, ba sang thăm, mệt mỏi hốc hác. Tôi kể cho ba nghe chuyện nhà vườn, chuyện vịt gà vừa qua mùa dịch.

– Ba ơi, ba nhìn con Chu Chỉ Nhược nè, nó như người say rượu.

Con Chu Chỉ Nhược dao dao, vật vờ đi lại trong sân. Ba lắc đầu thương hại.

– Như vậy thì không gọi là Chu Chỉ Nhược được, mình gọi nó là Tuý Bội.

– Úi, tên gì đẹp vậy, ba?

– Tuý là say, say mãi thành ghiền. Bội là nhân lên, nhân lên thành đa. “Ghiền đa“ nói lái là “gà điên“. Tuý Bội là gà điên.*

Mẹ tôi bên trong nhà nghe ba giải thích lằng nhằng cũng phải bật cười. Vậy là con Chu Chỉ Nhược sau cơn bạo bệnh đã có tên mới. Ba với mẹ xách nước tưới rau. Mẹ nhìn bàn chân trần nứt nẻ của ba dẫm lạch bạch qua những luống dưa, luống cải cười bảo:

– Qua điền bất nạp lý.

Trời chiều nắng hanh hao, ba nhìn mái đầu trần không nón mũ của mẹ, hóm hỉnh đáp:

– Lý hạ bất chỉnh quan.**

Hai câu cổ thi này tuần rồi mẹ đã viết lên cửa bắt mấy đứa học thuộc, chẳng biết để làm gì mấy thứ rối rắm. Vách lá tuềnh toàng, cánh cửa xiêu vẹo giăng đầy thơ.

Tôi bò trong đám cỏ mần trầu cao lút, nín thở lần mò. Bàn tay tôi lùa qua lớp cỏ ấu mịn màng dày đặc phía bên dưới. Chỗ này, tối qua, tôi nghe có tiếng dế gáy, không biết là dế than hay dế lửa. Ôi, mùi cỏ thơm.

 

2008

Lưu Thuỷ Hương

 

* Cách giải thích từ ngữ Hán–Việt ở đây chỉ nhằm đặt tên gà.

**   Qua điền bất nạp lý
       Lý hạ bất chỉnh quan

Ngang ruộng dưa không mang lại giày
Dưới cây mận không sửa lại mũ

Ngụ ý, dù lòng mình ngay thẳng cũng nên tránh những hành động gieo sự nghi ngờ.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss