Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Ý nghĩa một bài thơ cổ

Ý nghĩa một bài thơ cổ

- Lữ — published 11/09/2007 23:11, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19


Ý nghĩa một bài thơ cổ


Lữ


Tôi là người sống lang bạt, nay chỗ này, mai chỗ khác. Cả năm mới về thăm chị tôi một lần. Lần nào, chị em gặp nhau cũng đều vui vẻ, trân quí từng giây phút bên nhau. Càng sống nhiều, tôi càng hiểu rõ hơn là không có gì so sánh được với tình chị em cả. Người chị là một bà mẹ trẻ. Mà chị cũng là một người bạn.

Tôi có hai đứa cháu gái. Chúng nó hay cãi nhau. Tôi muốn hai cháu hiểu tình chị em đẹp như thế nào, nhưng cũng không giúp nhiều được. Tôi chỉ nói với cháu em: “Hai con hay hiểu lầm nhau quá.” Cháu em khóc: “Đâu có hiểu lầm. Chúng con khác nhau nhiều lắm.” Tôi hỏi: “Con có thương chị con không?” Cháu em đắn đo một chút rồi trả lời: “Con không biết.” Tôi thở dài: “Có thương chị cho nên con mới khổ, mới khóc. Còn không thương thì khóc làm gì cho mệt.” Cháu em im lặng. Tôi thắng. Cháu em chấp nhận là cháu có thương chị mình. Tôi vỗ về: “Con cố gắng hiểu chị con hơn.” Cháu gật đầu.

Rồi cháu chị mét: “Em con nó hỗn lắm, cậu ơi.” Tôi an ủi: “Em con còn nhỏ. Nó dại. Làm chị thì con phải rộng lượng với em.” Cháu chị nói: “Em con đâu có nhỏ nữa.” Nhưng cháu cũng cố gắng đến gần em hơn chút. Tôi có uy với hai cháu là cũng nhờ tình chị em giữa tôi và chị tôi. Chúng nó thấy chị em tôi vui với nhau.

Tôi đi nhiều lắm. Nhiều khi chị không biết tôi đang ở đâu. Rồi đột nhiên tôi lại xuất hiện qua một cú điện thoại. Hoặc bất ngờ hơn nữa, nửa đêm tôi bấm chuông, chị mở cửa ra thì thấy tôi lù lù trước cửa. Chị la lên: “Sao em về mà không cho chị biết trước.” Tôi hỏi: “Biết trước làm gì?” Chị trả lời: “Để mua đồ ăn, cất sẵn.” Tôi cười: “Ngày mai em chở chị đi chợ, mua đồ ăn. Chị em mình sẽ nấu món gì?” Rồi chúng tôi vui vẻ bàn về những món ăn của mấy ngày sắp tới.

Tôi về thăm chị lâu nhất là một tuần. Một tuần là bảy ngày. Có khi tôi chỉ về hai ngày. Hai ngày cũng đủ cho chị em tôi vui bên nhau. Sống xa chị, nhưng mỗi lần nghĩ đến chị là tôi hạnh phúc. Tôi hạnh phúc và cảm thấy thật bình an. Bình an là gì? Bình an là thiên đàng. Bình an làm ra không gian trong lòng mình. Bình an giúp cho tôi buông bỏ được những khổ đau vụn vặt, vướng víu trong tâm. Hai cháu của tôi rồi sẽ tìm ra giá trị chân thật của bình an. Lúc đó, các cháu sẽ thấy khổ đau toàn được làm bằng những cái nho nhỏ, không đáng để cho mình đánh mất một thiên đàng.

Một hôm đọc sách, tôi bắt gặp bài thơ cổ. Bài thơ được viết vào đầu thế kỷ 12. Một tu sĩ, trong khi thử cây bút mới trên tấm da thuộc, đã chép một bài thơ như vầy:

hebban olla vogala nestas hagunnan
hinase hic enda thu
uuat unbidan uue nu.

Đây là một thứ cổ ngữ của người Hòa Lan. Tác giả cuốn sách dịch bài thơ ra tiếng Hòa Lan ngày nay như sau:

Alle vogels zijn met hun nesten begonnen,
Behalve ik en jij.
Waar wachten we nog op?

Thoạt đầu, tôi dịch ra tiếng Việt hơi sai. Tôi dịch:

Bầy chim đã bắt đầu xây tổ ấm,
Chỉ còn anh với em.
Chúng ta còn chờ đợi gì nữa?

Tôi thắc mắc là khi thử bút, tại sao nhà tu hành lại viết một bài thơ tình? Nhưng rồi sáng nay đọc lại bài thơ, tôi giật mình. Thấy mình đã hiểu lầm hai chữ: “ik” và “jij”. Hai chữ này có nghĩa là anh và em, nhưng cũng có thể là chị và em, ba và con, má và con... Tức là ta và người ta thương. Tại sao chúng ta thương nhau mà không cùng nhau xây dựng một tổ ấm? Tại sao chúng ta không bỏ qua những vụng về của nhau? Chúng ta còn chờ đợi gì nữa? Thời gian sẽ đi nhanh như một mũi tên. Và chớp mắt, ta mất nhau.

Năm năm trước, tôi có đi chơi đảo Ibiza thuộc xứ Tây Ban Nha. Người đưa tôi đi là Micheal. Micheal nói: “Tôi sẽ đưa anh đi thăm một người. Người này sống một mình trên núi. Có khi cả năm không nói với ai một câu nào.” Tôi cười, và nói: “Vậy là đi gặp một ông đạo.” Micheal nói: “Đúng rồi, một ông đạo. Một ông đạo Tây.”

Gặp Micheal, ông đạo mừng rỡ. Micheal giới thiệu tôi. Ông đạo hỏi: “Ăn gì không? Tôi có một ít thức ăn. Tôi nấu cho hai người ăn nha?” Ông đạo nói ú ớ khó nghe. Ông mở miệng, khép miệng một cách khó khăn. Sống một mình lâu ngày, ông đạo quên đi tiếng nói. Nhưng lời mời của ông sao mà ngọt ngào, ấm áp quá. Tôi nghĩ ngay đến chị tôi. Gặp tôi, mừng rỡ nói với nhau vài câu rồi thì thế nào chị cũng đề cập tới chuyện ăn uống. Suốt thời gian ở nhà chị, tôi sẽ phải thường xuyên nghe chị nói: “Chị nấu món này cho em ăn nha?” Rồi bây giờ leo lên đỉnh núi cao chót vót, tìm gặp một ông đạo ẩn tu, câu đầu tiên ông đạo nói nghe y hệt như đến từ miệng của chị.

Ông đạo dẫn chúng tôi đi chơi quanh núi. Gương mặt của ông thật rạng rỡ. Thỉnh thoảng ông ngừng lại, nhìn Micheal hoặc nhìn tôi, cố gắng nói ra một câu gì đó rồi ông cười. Một nụ cười thật hạnh phúc. Y như nụ cười của một người chị gặp em mình. Và bây giờ thì tôi càng hiểu rõ thêm: đó là nụ cười của một con người gặp được một con người.

May thay, trong đời sống, rất nhiều người vẫn còn biết trân quí những cuộc gặp gỡ giữa con người và con người như vậy. Mới tuần trước đây thôi, tôi đi chơi với một vài người bạn. Trời nắng chang chang, và chúng tôi đi bộ trên mười mấy cây số rồi. Chúng tôi đi chơi, thưởng thức không khí thanh bình, yên tĩnh của đồng quê. Tuy mồ hôi chảy ướt áo, nhưng chúng tôi thấy vui và khỏe. Những chai nước lạnh mang theo đã uống hết. Tôi quyết định vào nhà một người nông dân xin nước. Bà cụ vui vẻ cầm hai chai không đi lấy nước cho tôi, nhưng rồi bà trở ra, hỏi kỹ: “Vậy cậu cần nước ướp lạnh hay chỉ là nước thường?” Tôi nói: “Cụ cho cháu nước ướp lạnh.” Còn cô em thì lại càng tự nhiên hơn: “Còn cháu thì nước thường thôi.” Cụ lẩm bẩm ghi nhớ trong đầu lời hai lời yêu cầu, và một lúc sau trở ra, vui vẻ nói: “Đây là chai nước ướp lạnh của cậu. Còn phần cô đây, chai nước thường.”

Tôi thấy là mình phải dịch lại bài thơ trên. Đây là một bài thơ đạo. Ta có thể nói thơ tình cũng là một thứ thơ đạo, hoặc thơ đạo cũng là một thứ thơ tình. Nhưng chữ tình ở đây cần phải hiểu rộng hơn. Đó là tình người. Hoặc tôi sẽ nói với hai cháu rằng đó là tình chị em. Tôi sẽ đưa cho hai cháu xem một bài thơ có hai chỗ trống:

Bầy chim đã bắt đầu xây tổ ấm,
Chỉ còn ..... với .....
Chúng ta còn chờ đợi gì nữa?

Và mong rằng hai cháu sẽ điền tên mình vào.

Bài thơ này được một giáo sư người Anh tìm ra vào năm 1932. Người ta xem nó là bài thơ xưa nhất được viết bằng một thứ tiếng Hòa Lan cổ.


Lữ

Puyguilhem, 6-9-2007

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us