Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Một bài thơ như tiếng chim báo bão

Một bài thơ như tiếng chim báo bão

- Hồ Bạch Thảo — published 22/02/2015 22:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20



Một bài thơ như tiếng chim báo bão


Hồ Bạch Thảo


Bài thơ Cơm tập thể tôi muốn giới thiệu, được đăng trên tạp chí Văn Nghệ Liên khu 4 năm 1951, do thân phụ tôi ông Hồ Lê Phồn sáng tác. Để tìm hiểu rõ, xin được trình bày qua về tác giả và xuất xứ bài thơ.

Thân phụ tôi viết văn trước năm 1945, từng có một số bài đăng trên tạp chí Ngày Nay của Tự Lực Văn Đoàn, và tuần báo Phụ Nữ Tân Văn, Sông Hương của cụ Phan Khôi. Hiện nay các nhà khảo cứu trong nước sưu tầm tư liệu về hoạt động văn hoá của cụ Phan Khôi, đã cho đăng 2 bài của thân phụ tôi, nhan đề : Một Khuyết Điểm Lớn Trong Lịch Sử Việt Nam, Tuần Báo Sông Hương số 8, ra ngày 19 Septembre 1936 ; và Quận Vạn Thành hay là Con Voi Già Của Vua Hàm Nghi, Tuần Báo Sông Hương số 12, ra ngày 17 Octobre 1936 [đăng lại trên Diễn Đàn, Hai bài báo, ngày 25/10/2010]

Thời kháng chiến chống Pháp, thân phụ tôi được mời vào dạy học tại trường Thiếu Sinh Quân Liên Khu 4, trường này do Thiếu tướng Nguyễn Sơn lập ra. Trường thu nhận các con em của cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện, con em bộ đội cấp tiểu đoàn trưởng trở lên, và các cựu liên lạc viên tại Bình Trị Thiên ; riêng tôi được cho vào học lớp 6 theo chế độ tự phí [tự đóng học phí]. Học sinh và ban giảng huấn trong trường đều được biên chế thành trung đội, đại đội. Chỉ huy trường là Đại tá Võ Trí Sơn [lúc bấy giờ không đeo quân hàm, nhưng có người cho biết cấp bực là Đại tá], Trưởng ban giáo dục là thầy Nguyễn Tiến Lãng, từng là Chủ nhiệm báo Nam Phong và Bí thư của Nam Phương Hoàng hậu.

Cán bộ giảng huấn nhà trường rất đông, thầy Mai Đệ từng làm bài thơ trường thiên vịnh từng người, rất dí dỏm. Như thầy Trần Quốc Nghệ, lúc đi ăn cơm thường mang theo lọ ruốc tôm để bồi dưỡng thêm, nên thầy Đệ mô tả như sau :

Trần Quốc Nghệ mày râu nhẵn thín,
Hẳn ngày xưa bạch diện thư sinh.
Ruốc tôm một hộp bên mình
Lẳng lơ con mắt coi khinh cuộc đời.

Riêng thân phụ tôi ít nói, lại mang kính cận thị, nên cũng có 4 câu :

Hồ tiên sinh vẻ người u uất,
Tình bên trong che khuất núi sông.
Nỗi lòng riêng biệt nỗi lòng,
Họ Hồ, mắt chậm, quí ông Lê Phồn.

Về mặt hình thức trường Thiếu Sinh Quân tổ chức tương tự như trường võ bị Hoàng Phố, Trung Quốc, hoặc trường Bộ Binh Thủ Đức sau này tôi học ; với đặc điểm mỗi sáng thứ bảy đều có diễn hành. Học sinh và nhân viên nhà trường từng trung đội, đại đội, đi đều theo cơ bản thao diễn từ các thôn xóm trú ngụ, diễn hành đến sân vận động ; các đơn vị bước chân đi rầm rập, hoà nhịp với bài hát Thiếu Sinh Quân của Nhạc sĩ Phạm Duy :

….Thiếu Sinh Quân như hoa mùa xuân đang tắm nắng xuân,
Thiếu Sinh Quân, thiên thu còn ghi anh hùng tuổi xanh….

Sau lúc tề tựu tại sân vận động ; bắt đầu chào cờ, các đơn vị lần lượt báo cáo, rồi nghe huấn lệnh của Chỉ huy trưởng.

Nói về ăn, ban giáo huấn và học sinh đều tập hợp đi ăn theo từng trung đội ; mỗi người phải mang theo một chiếc ca có quai, thường đeo vào ba lô ; và một đôi đũa. Đũa qui định dùng hai đầu, đầu nhỏ cho cơm vào miệng, đầu lớn dùng để gắp thức ăn. Bàn ăn là một dàn nứa dài khoàng 10 m, rộng khoảng 60 cm cao vừa tầm người đứng. Toàn trung đội chia làm hai, quay mặt vào nhau, ăn đứng. Viết về cảnh này, thân phụ tôi có bài Cơm Tập Thể như sau :

Cơm Tập Thể


Ta với người,
Cùng một thời.
Người với ta,
Cùng một nhà ;
Nhà : cả một cơ quan rộng rãi,
Thời : những ngày bảo vệ quốc gia.
Tháng năm ghì chặt không gian lại,
Sắp mấy con tim một điệu hoà.

*

Ngày hai buổi,
Bát đũa xách qua.
Đến bên dàn nứa,
Ăn uống thật thà.
Bát đũa và nét mặt,
Nhiều kiểu khác nhau xa.
Nhưng ai từng đã nếm qua,
Mùi hương kháng chiến, món gia vị nồng ;
Rồi cùng nhau sẽ cảm thông,
Mọi người sung sướng ở trong từng người.

*

Thịt cá cầm hơi,
Mười ngày xơi một bận.
Thế lại còn tốt vận,
Hơn canh rau trường kỳ.
Nhưng thà canh rau đi,
Còn hơn toàn cơm muối.
Cơm muối ai chịu đổi,
Lấy độc vị cơm chăng ?
Nhưng mà ai hẳn biết rằng,
Cơm không, nào đã bi bằng không cơm !
Cần gì mâm cỗ cao đơm,
Ở trong đói rét thấy thơm ngon liền.
Cần gì ninh, nướng, hầm, chiên,
Khi trên mặt dễ thông truyền vui tươi.
Ta ăn, nhắm với nụ cười,
Với tình thân mật của người cùng mâm.
Những cái liếc thầm,
Nhường nhau từng đầu cá,
Từng cọng rau cuống giá.
Rồi những cái gật đầu,
Nhường cho kẻ ăn sau.
Xới bát cơm đáy rá
Ôi sao mà đẹp quá,
Bức tranh vẽ truyền thần.

*

Những ai vui vẻ hoà thân,
Vào trong đời sống nhân dân hiện thời.
Hoà thân qua một chuỗi cười,
Cười rồi lại thấy không người, không ta.

Bài thơ làm theo lối văn chương hiện thực, một lối văn thông dụng trong thời kháng chiến ; nhưng nội dung hàm chứa một luận đề. Câu thơ cuối đoạn hai :

Mọi người sung sướng ở trong từng người

Ngầm nói lên mục tiêu của thiên đường Cộng sản ; sau này một khẩu hiệu tương tự “ Mình vì mọi người, mọi người vì mình ” đã được nhà nước nêu lên.

Trên con đường thực hiện, có hai yếu tố quan trọng mà Cộng Sản từ Âu, sang Á, không thể đi chệch được ; đó là “Chuyên chính vô sản” và “Tập thể hoá tư liệu sản xuất”.

Câu thơ cuối đoạn một :

Sắp mấy con tim một điệu hoà

Báo cho biết hiện tượng chuyên chính vô sản sắp xảy ra, chính thân phụ tôi cũng phải cẩn thận đề phòng, nên được thầy Đệ ghi :

Hồ tiên sinh vẻ người u uất,
Tình bên trong che khuất núi sông…

Mãi cho đến năm 1956, sau khi đã nếm mùi đàn áp, nhà thơ Lê Đạt phải phẫn nộ viết :

Nhưng đem bục công an đặt giữa trái tim người
Bắt tình cảm ngược xuôi
Theo luật lệ đi đường nhà nước

Hoặc câu cuối :

Cười rồi lại thấy không người, không ta

thì rõ ràng, không còn “ cái tôi ” nữa, không còn suy tư cá nhân nữa !



Thảm hoạ về việc tập thể hoá tư liệu sản xuất, có thể mượn câu Kiều “ Đống xương Vô Định đã cao bằng đầu ” để tạm hình dung. Báo chí Tây phương cho biết trong hội nghị Yalta năm 1945, Stalin tiết lộ cho Churchill biết tại Nga số người chết đến 10 triệu người. Tại Trung Quốc thực hiện nhiều lần, năm 1947-1952 từ 1 triệu đến 4,5 người chết, năm 1958 trong “ Bước tiến nhảy vọt ” số người chết từ 30-45 triệu ; riêng Việt Nam thì chưa có thống kê.

Những câu thơ trong Cơm tập thể đã mô tả rõ con đường nghèo đói sẽ xảy ra trong tương lai gần ; sinh mệnh người dân bên bờ vực :

Thịt cá cầm hơi,
Mười ngày xơi một bận.
Thế lại còn tốt vận,
Hơn canh rau trường kỳ.
Nhưng thà canh rau đi,
Còn hơn toàn cơm muối.
Cơm muối ai chịu đổi,
Lấy độc vị cơm chăng?
Nhưng mà ai hẳn biết rằng,
Cơm không, nào đã bi bằng không cơm !

Qua bài thơ, thiết tưởng thân phụ tôi có công báo động về xã hội tương lai, chứ không có tội ; tại Việt Nam sau này đã có những người thấy được nỗi khổ của dân, tìm cách cho khoán chui để dân dân được sống còn ; nhưng riêng ông bị kết án phản động, rồi bị giam cho đến chết. Người ta kết tội ông giúp cho thầy Nguyễn Tiến Lãng “ dinh tê ” vào Hà Nội. Thực ra thầy Lãng, và thân phụ tôi đều được Chỉ huy trưởng trường Thiếu Sinh Quân Đinh Nho Đang [thay Võ Trí Sơn] cấp giấy phép đi Thanh Hoá, thầy Lãng đi thăm bà con tại Thanh, riêng thân phụ tôi đi mua kính cận thị. Thầy Lãng đến chơi nhà tôi một hôm, rồi hai người cùng từ Hà Tĩnh đi Thanh Hoá. Tôi nghĩ rằng thầy Lãng “ dinh tê ” là việc riêng, chắc cũng chẳng nói với thân phụ tôi làm gì.

Việc thứ hai bị kết tội tổ chức “ Liên tôn chống Cộng ” [liên kết Công giáo, Phật giáo], tôi không thấy bằng cớ. Riêng thân phụ tôi có tham gia Phật giáo Liên khu 4, do Thượng toạ Thích Mật Thể, Đại biểu quốc hội lúc bấy giờ lãnh đạo ; nói cho cùng chỉ có chính kiến khác mà thôi.

Lúc bấy giờ Liên khu 4 chịu ảnh hưởng của Thiếu tướng Nguyễn Sơn rất lớn, nên có phần cởi mở. Ngoài bài thơ Cơm tập thể, thân phụ tôi còn có bài thơ Người Cán Bộ Xã cũng được giải nhất văn nghệ, nhân tiện tôi xin sao lục dưới đây :


Hôm kia hành chánh họp,
Hôm qua tuyển tân binh,
Nay các xóm mít tinh,
Mai Liên Việt hội nghi,
Mốt tập các đơn vị,
Dân quân và nữ quân.
Thế là xong cả một tuần,
Mưa mà bỏ ruộng không phân không bừa.
Trước nhà mạ úa vàng trưa 1,
Luống rau ngập cỏ, đám nưa 2 thối bèn.

*

Trời tối đen,
Gió heo vun vút,
Mưa dầm mạnh vụt,
Từng roi vào người.
Rét lắm trời ơi,
Rét thấu từng đoạn ruột,
Run lên từng đoạn ruột.
Dù mũ kè 3 đã dột,
Dù quần áo mong manh,
Người ấy vẫn tiến nhanh,
Trên con đường lầy lội,
Rồi khi vào dự hội,
Người chật ních cả sân,
Người ấy lại dần dần,
Thấy cõi lòng ấm lại.

*

Cơm nhà việc xã,
Suốt từ ngày độc lập đến nay,
Một mình liền mắt liền tay,
Càng hay chăm việc, càng hay được bầu.
Nhiều khi cũng phải lắc đầu,
Nhìn vào công việc từ lâu bỏ hoài.
Nhưng rồi lại ngó ra ngoài,
Thấy người và việc, bước dài tiến lên.
Tưng bừng xóm dưới làng trên,
Thấy đồng bào sướng mà quên gia đình.
Thế là cán bộ gieo mình,
Một ngày một nặng mối tình nhân dân.



Hồ Bạch Thảo








1 Trưa : đám ruộng dùng để gieo mạ, trước khi cấy.

2 Nưa : một loại khoai, củ lớn hơn khoai sọ, nhưng ăn có phần ngứa.

3 Mũ kè : một loại nón làm bằng lá kè, còn có tên là lá cọ, thông dụng trong thời kháng chiến.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss