Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Thêm một bài thơ của cụ Ưng Bình Thúc Giạ

Thêm một bài thơ của cụ Ưng Bình Thúc Giạ

- Chu Sơn — published 19/10/2011 21:42, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20


Thêm một bài thơ của
cụ Ưng Bình Thúc Giạ


Chu Sơn



Người tha phương đến tuổi chiều hôm mà có được một chuyến trở về quê cũ là một sự kiện hạnh phúc. Chuyến trở về mơ ước ấy đối với cá nhân tôi nếu trùng khớp vào dịp mùng 8 tháng 4 lại càng hạnh phúc hơn. Ký ức thú vị về những mùa lễ hội Phật Đản trước 1963 tại Huế khiến tôi nao nức chuẩn bị chuyến đi nhân dịp đại lễ Tam hợp Vesak 2008. Không may do trục trặc tuổi già tôi về không kịp những ngày trọng đại ấy đối với Phật giáo và đất nước. Lễ đài, cổng chào, rước Phật, thả đèn trên sông đêm, thuyết pháp, diễn thuyết và những hoạt động văn hóa truyền thống… tôi chỉ biết được qua bạn bè, báo chí, truyền hình và các phương tiện truyền thông điện tử. Quả là đáng tiếc.

Thế nhưng trong cái rủi lại có cái may.

Khoảng cuối tháng 4 âm lịch, tại nhà Phan Đạm Hiệp ở số 18 Phan Bội Châu ( chân dốc Bến Ngự Huế) tình cờ tôi gặp, tiếp xúc với một người nữ Phật tử kỳ lạ: chị Đinh thị Thêm. Qua chị Thêm tôi nghe và ghi chép được một bài thơ mà theo lời chị: tác giả của nó là cụ Ưng Bình Thúc Giạ - vị chủ soái Hương Bình thi xã một thời vang bóng ở chốn cố đô. Không có câu chuyên tay ba giữa anh bạn chủ nhà Phan Đạm Hiệp, chị Thêm và kẻ viết bài này, e rằng bài thơ của một thi bá cũng sẽ mờ dần cùng với ký ức của người phụ nữ đã qua tuổi bảy mươi.

Trước khi chép lại bài thơ ra đây tôi xin tường thuật lại theo ký ức cuộc trò chuyện của chúng tôi:

 

PĐH : Xin gới thiệu với anh Chu Sơn (PĐH đưa tay về phía người phụ nữ đang ngồi xếp bàn trên sập gỗ. Người chị mập mạp, da ngăm đen, tóc lốm đốm bạc, mặt mày tươi tắn khỏe mạnh. Chị mặc y phục màu nâu, có dáng dấp một người phụ nữ đảm đang, hoạt động nhiều bằng tay chân…), đây là chị Thêm – cháu gọi mẹ tôi bằng dì. Hôm nay kỵ mẹ tôi, chị Thêm nhớ ngày qua thắp hương ( nhà chị Thêm ở trong thành nội, số 119 đường Nhật Lệ). Chị Thêm là một Phật tử chí cốt, thuần thành, đệ tử lâu đời của chùa Từ Hiếu. Chị quan tâm và tham gia tích cực các Phật sự tại Từ Hiếu và tại Huế qua tất cả các biến cố, phong trào Phật giáo những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ trước đến ngày nay.

(PĐH quay về phía tôi nói với chị ĐTTh): Đây là anh Chu Sơn từ thành phố Hồ Chí Minh mới ra mấy ngày. Chu Sơn không là Phật tử nhưng gần gũi với đạo Phật và đặc biệt ngưỡng mộ các lễ hội Phật giáo tại Huế mà anh đã được chiêm ngưỡng trước pháp nạn 1963. Có gì vui qua lễ hội, chị Thêm nói cho anh Chu Sơn nghe cùng.

CS : tôi xin nghe chị nói đây.

Chị ĐTTh : Tôi sẽ nói, nhưng trước hết, đề nghị cậu Sơn nói các suy nghĩ của mình về tình hình Phật giáo mấy năm gần đây và đặc biệt sau khi về lại Huế mấy ngày.

CS : Tôi rất vui và phấn khởi trước sự phát triển ngày một tích cực của Phật giáo trong cả nước và Phật giáo Huế. Hai năm trước đây một hội thảo Phật giáo quốc tế tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh. Năm nay nhà nước và nhà chùa đăng cai tổ chức đại lễ Vesak. Ấn tượng sâu sắc nhất của tôi là hình ảnh một nhà tu hành cao cấp đồng thời là một học giả uy tín (thượng tọa Thích Trí Siêu – Lê Mạnh Thác), nguyên là một người bị nhà nước kêu án tử hình, nay lại ngồi bên cạnh chủ tịch nước tại đại lễ đường diễn ra lễ hội Vesak ở Hà Nội trước hàng triệu đôi mắt kháng thính giả trong và ngoài nước.

Một sự kiện nhỏ khác làm tôi chú ý là cuộc diễn thuyết của một người con ưu tú của Phật giáo (Ts Cao Huy Thuần) trước hàng ngàn cử tọa tại quảng trường Thương Bạc - địa điểm ghi dấu một thời thuộc địa nhục nhã – nay nước nhà độc lập, người Phật tử trí thức ấy nói chuyện với đồng bào mình về đất nước và Phật giáo. Đối với tôi đây cũng là sự kiện đáng để suy nghĩ.

Việc chùa tháp, tu viện thì khỏi phải nói: sửa chữa, xây mới nhiều vô số kể. To cao, lớn rộng, hoành tráng, khang trang…Tôi chưa nói hết thì chị Thêm cướp lời: nguy nga, đồ sộ, sang trọng hơn cả cung vua phủ chúa và có phần nào giống giống các tiệm buôn…Có phải cậu Chu Sơn sẽ nói tiếp những điều đại loại như thế phải không?

CS : Không phải, những điều tôi nói là thật lòng.

Chị ĐTTh : Cậu Chu Sơn là người ở ngoài, cậu cỡi ngựa xem hoa. Hoa lá cậu thấy chưa phải là tất cả sự thực. Chùa chưa hư đã sửa. Chùa nhỏ còn vững chãi đập phá đi để làm chùa to, chùa sang. Chúng ta đang ở giữa một phong trào thi đua: thi đua giữa thầy nọ thầy kia, thi đua giữa chùa ni chùa tê, thi đua với cả người ngoài. Không thiếu chùa tháp trở thành thương hiệu, trụ sở họp hành…Thật khó mà nhận ra một vị thầy tu giữa những người mặc áo thầy chùa… Thôi thì thay vì nói tiếp những điều đầy ắp trong lòng, tôi đọc cậu nghe một bài thơ tôi đã nhập tâm từ năm sáu chục năm nay. Trừ những lúc bận rộn công việc làm ăn, nuôi dạy con cái, bài thơ luôn hiện ra trong tâm trí tôi mỗi khi nhớ nghĩ về đạo Phật và giáo hội của tôi.


Mười người hết chín kẻ tham danh
Thấy nói đi tu cũng chẳng thành
Phật ở trong nhà không tưởng tới
Ngoài đường táo tác chạy loanh quanh

Loanh quanh đi kiếm phật Di Đà
Phật ở trong lòng chẳng ở xa
Trước án phần hương quì tụng niệm
Yêu cầu riêng được phúc cho ta

Riêng ta được hai chữ sang giàu
Mô Phật thấy ai chịu khổ đau
Tật đố sân si đầy một bụng
Từ bi hỷ xả để vào đâu ?

Vào đâu thấy Phật ngài cũng cười
Phật bảo ta nay cũng chán đời
Chứng rõ chúng sinh lòng vị kỷ
In nhau cả chục lẫn mười người


Chị ĐTTh tiếp : Cậu Chu Sơn có biết tác giả bài thơ là ai không ? Tên tuổi danh vọng của tác giả cũng là một lí do khiến tôi không quên được món quà. Đó là cụ Ưng Bình Thúc Giạ.

CS : Chị được tặng bài thơ trong trường hợp nào, làm sao mà chị nhớ lâu đến bây giờ ?

Chị ĐTTh : Tôi là một Phật tử nữ mà hăng say Phật sự không thua nam giới. Tính tình hơi giống con trai hiếu sự tò mò. Tôi có ông cậu là người có vai vế trong giới Phật tử tu tại gia, ông cũng là người năng nổ trong công cuộc vận động thống nhất Phật giáo thời còn Tây. Ông hay đến chùa này, khuông hội nọ, đàm đạo vơi các Thầy và những Phật tử trong hàng nhân sĩ quan lại. Ông thường rủ tôi đi theo trong những dịp như thế. Chỗ cụ Ưng Bình Thúc Giạ là một trong những địa chỉ chúng tôi tới. Một hôm cụ đọc cho chúng tôi nghe bài thơ trên. Cậu tôi nghe, tôi đem giấy bút ra chép, và xin cụ ký tặng. Cụ Ưng Bình sửa chữa đôi chỗ chép sai và vui vẻ nhận lời yêu cầu của người nữ Phật tử trẻ tuổi.

CS : Chị có nhớ bối cảnh xã hội và tình hình Phật giáo Huế vào thời điểm đó như thế nào để cụ Ưng Bình cảm nhận thành thơ không ? Lí do nào chị thuộc bài thơ đến bây giờ ?

Chị ĐTTh : Tôi là nữ, lại không có điều kiện để học hành đến nơi đến chốn. Tôi quan tâm việc đạo việc đời nhiều nhưng vẫn trong tư cách và giới hạn một người nội trợ. Có điều bài thơ của cụ Ưng Bình như soi tận tâm can tôi. Tình hình Phật giáo Huế từ hồi tôi còn trẻ đến bây giờ đã già vẫn như vậy, chỉ thay đổi ở hình danh sắc tướng. Mỗi lần đọc lại bài thơ, tôi vẫn thấy mới mẻ. Cậu Hiệp cùng lứa tuổi tôi, tham gia Phật sự nhiều, năng nổ hơn cả tôi, tù tội vì tham gia đấu tranh, nếu không đã là bác sĩ. Mấy chục năm đọc sách, việc đạo việc đời sáng tỏ hơn tôi. Cậu Hiệp nói cho cậu Chu Sơn rõ tình hình Huế và Phật giáo lúc bấy giờ.

PĐH : Cách mạng tháng tám và những biến động chính trị xã hội tiếp theo là những thử thách lớn đối với Phật giáo Huế và Phật giáo cả nước. Sau gần hai mươi năm đổi mới và chấn hưng, một số nhân vật chủ chốt của phong trào như Thích Trí Độ, Lê Đình Thám, Thích Mật Thể và nhiều người Phật tử tạm thời đình chỉ Phật sự tham gia kháng chiến. Một số thành tựu và kế hoạch dở dang. Phật giáo Huế có những dấu hiệu thoái trào. Nhân sự thiếu, phương tiện thiếu nhưng công cuộc chấn hưng vẫn được âm thầm nuôi dưỡng trong tình thế khó khăn. Quần chúng yêu nước Huế thất vọng khi Bảo Đại phản bội lời thề, phản bội cụ Hồ, phản bội kháng chiến trở về với Tây tiếp tục làm công cụ làm bù nhìn, làm tay sai hay làm quốc trưởng tùy từng người phát biểu. Giải pháp Bảo Đại thực chất ( nói như ngôn ngữ Cộng sản) là mũi tiến công thứ hai (chính trị) sau mấy năm dùng vũ lực điên cuồng đánh phá nhằm tiêu diệt kháng chiến bị thất bại. Bảo Đại về lại với Tây có nghĩa là một bộ phận quần chúng về với Tây. Kháng chiến khó khăn thêm, máu Việt Nam chảy nhiều hơn, đất nước đổ nát nhiều hơn.

Đối với Phật giáo, một mặt thực dân Pháp bắt ép Bảo Đại ký dụ số 10 xem Phật giáo là một hiệp hội như hội đá banh, thả diều, cầu ngư, đua trải…, một mặt cung cấp đủ tiền cho Bảo Đại ăn chơi và cho một số bộ phận của cựu trào tế lễ, tiến hành mê tín dị đoan, thờ phụng « phật thần ma quỉ ». Nội bộ Phật giáo Huế cũng có những dấu hiệu tiêu cực và phân liệt. Một số theo bà Từ Cung và các đại gia (vừa mới phục hồi tiền bạc nhờ giải pháp Bảo Đại) sửa chùa cũ xây chùa mới (Chùa Khải Đoan ở Ban mê Thuột, được xây mới, chùa Linh Sơn ở Đà Lạt cải tạo khang trang trong dịp này…). Một số thầy cúng thợ tụng sau mấy năm bỏ nghề lại phục hồi nghiệp cũ ? Tuy nhiên đa số còn lại như hòa thượng Thích Tịnh Khiết, sư bà Diệu Không, các thầy Đôn Hậu, Trí Thủ, Trí Quang, Thiện Minh, Minh Châu, Thiện Siêu, Đức Tâm, Nhất Hạnh nương theo tình thế tiến hành công cuộc thống nhất, đổi mới, và dấn thân…Không qua quá trình đó, Phật giáo miền Trung Huế sẽ không trở thành chủ lực cho cuộc vận động chống chế độ độc tài gia đình và Thiên Chúa giáo toàn trị Ngô Đình Diệm năm 1963.

Ưng Bình Thúc Giạ Thị là một ông hoàng, một nhà nho, một quan lại, một thi sĩ chủ soái Tao Đàn. Ông đi về phía cửa Phật khi tuổi đã xế chiều. Cảm nhận của ông là cảm nhận của một Thi - Nho sĩ , ông nhìn đạo Phật với một nhãn quan lí tưởng và nghiêm khắc. Chừng mực nào đó đối với phong trào vận động chấn hưng Phật giáo, ông còn là người ngoài. Cảm nhận của ông sâu sắc, có tỉ trọng chính xác không nhỏ và rất chân thành. Chị Thêm là người trong cuộc, một nữ Phật tử thủy chung luôn coi mình là thành viên không thể tách rời của phật giáo, tuy nhiên chị cũng là người lí tưởng, trong sáng. Ngọn lửa ban đầu của người phật tử thời chấn hưng mãi âm ỉ cháy trong tâm can chị. Chị lấy bài thơ của cụ Ưng Bình làm tuyên ngôn của chính mình. Có một điều Chu Sơn nên lưu ý là ngoài đạo Phật, không có tôn giáo nào từ cổ chí kim, từ đông qua tây chấp nhận một người nữ tín đồ vô danh nhỏ bé như chị bày tỏ và bảo lưu trách nhiệm và ý kiến của mình trước giáo hội hiện hữu như là guồng máy…

 

Cuộc trò chuyện của chúng tôi vẫn còn tiếp tục, nhưng bài viết nhỏ này xin tạm ngưng với lời cảm ơn gởi đến chị Đinh Thị Thêm, người phụ nữ (sau này tôi mới nghe nói) nổi tiếng ở Huế với tài nấu cơm chay và làm bánh chưng. Chị Thêm không có dịp tặng tôi một cái bánh chưng hay mời tôi một bữa cơm chay, lời cám ơn của tôi gởi đến chị về món quà tâm hồn tình cờ chị tặng tôi nhân một mùa Phật Đản : bài thơ của Ưng Bình Thúc Giạ.


Chu Sơn

Phật Đản 2010


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us