Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / MỘT CHỖ NGỒI CHO BÉ

MỘT CHỖ NGỒI CHO BÉ

- Hoa Liên — published 31/03/2016 12:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20

MỘT CHỖ NGỒI CHO BÉ


Hoa Liên



Bảo thức giấc. Nắng chói chang hắt vào cửa sổ hướng tây khiến giấc ngủ trưa thêm nặng nề. Con bé Hạnh về chưa nhỉ? Nhớ đến Hạnh khiến Bảo tỉnh hẳn cơn buồn ngủ. Bảo vùng dậy bước ra ngoài hàng hiên. Thằng cu Út, con Bé em cũng không thấy đâu.

‒ Bé ơi! Ơi bé! Bảo cất giọng gọi lớn.

Mãi mới thấy con bé em cõng em về.

‒ Con chạy chi mà thở dữ rứa hả?

‒ Ba kêu cấp cứu làm con phải chạy chớ sao nữa. Út đáp rồi bỏ em xuống, nó thở hào hển. Bảo nhìn khuôn mặt đỏ gay của con bé nói.

‒ Vô nhà chơi đi, giờ chừ mát rồi.

‒ Mát chi mà mát ba, nhà bà Sang mới mát.

Nó thích một căn phòng như căn phòng của bà Sang. Ngoài bộ bàn ghế salon cùng giàn máy video, trưa nào bà Sang cũng chiếu phim và trưa nào bà cũng gọi nó mang em qua. Trước là nó có thể coi ké cùng bọn con nít trong xóm, sau là có chỗ cho em bé ngủ. Thằng Út sau khi ăn là lăn ra trên nền gạch hoa bóng láng ngủ say không biết trời đất. Bà Sang hay mua rau hành của mẹ nó nên thương hai chị em lắm. Hai vợ chồng đều là người bắc, chồng có chức quyền nên cuộc sống của bà tương đối khá giả. Má nó thì không bao giờ ngủ trưa cả. Má nó – chị Lành ‒ dậy từ 3 giờ sáng, có khi còn sớm hơn ra chợ mua rau hành, ớt, trứng, su... từ những bạn hàng buôn sỉ về bán lẻ. Chợ Đông Ba đông từ 1 - 2 giờ sáng. Người ta đi chợ cả đêm. Từ Tây Lộc, Hương Cần, Lai Chữ, Kim Long, Thành Nội, ... những người buôn lẻ tập trung tại đó bán rau hành cho người mua sỉ như cây poiro (một dạo được đóng đi Đà nẵng, đổi lại là những ang gạo trắng), cải, ngò, xà lách. Ba nó từ ngày nghỉ đạp xích lô vì đau cột sống, cũng phụ giúp Lành một tay. Trưa nắng bao giờ mẹ nó cũng cau có. Thường chị Hanh bị la nhiều nhất. Nào là nhà nhớp, nào li tách chưa rửa, nước uống chưa nấu... trăm tội đổ lên đầu con bé mười lăm tuổi. Con Hạnh mãi chưa về, Bảo hết đi ra lại đi vô.

‒ A, chị Hạnh về ba tề!

Một cô bé cao, mảnh mai dựng xe đạp sát tường bước vào. Khuôn mặt trái xoan đỏ ửng, đôi mắt long lanh sáng không che dấu được nỗi buồn.

‒ Sao? Có đậu không?

‒ Dạ, con đậu rồi ba.

‒ Mấy điểm? Bảo hỏi dồn

‒ 31đ5... con bé ngập ngừng. Bảo có cảm tưởng con bé sắp khóc đến nơi.

‒ Thôi, đậu là được rồi.

‒ Nhưng con không được vào trường Nguyễn Huệ! Nó òa khóc.

Lúc đó từ ngoài một người cao dáng dấp khả kính bước vào. Đó là thầy Thanh dạy Toán cấp ba, trên đường đi ăn giỗ đầy năm một người bạn về thầy ghé nhà bà Thanh cho học trò biết thầy nghỉ hai tiết Toán dạy thêm chiều nay. Bảo ngạc nhiên trước sự có mặt bất ngờ của thầy giáo.

‒ Mời thầy ngồi chơi, Hạnh ơi!

Con Hạnh bước lên, mặt đỏ hoe.

‒ Đậu chưa, sao lại khóc thế?

‒ Dạ điểm Địa con có 4đ5, đậu trung bình.

‒ Thầy tính, nó học khá, mà chỉ đậu trung bình, coi có tức không?

Thỉnh thoảng Hạnh lên hỏi bài thầy Thanh, Hạnh và Châu con thầy Thanh là hai đứa học chung một lớp từ cấp I.

‒ Ôi dào! Đậu là được rồi, đừng bắt chước con Châu, đậu khá về khóc om sòm, dỗ mãi mới nín.

‒ Con Châu đậu mấy điểm bác?

‒ 45đ5 mà không được xếp loại giỏi, môn Văn chỉ có 6 điểm. Thế mà cũng mang tiếng đi thi giỏi văn Tỉnh, thi văn Quốc gia! Mà thầy cũng không thích nó theo đuổi nghiệp văn làm gì, nó phải theo con đường Khoa học.Thầy Thanh vừa nói vừa cười. Bảo thở dài.

‒ E con Hạnh vô trường Nguyễn Du học rồi. Không biết có được không.

‒ Trường Nguyền Huệ lấy 34 đ, tôi nghe nói họ chỉ lấy năm trăm em thôi vì không đủ phòng.

Thầy Thanh từ giã ra về. Vừa đi vừa nghĩ đến con gái, thầy vẫn có ý định cho con vào học trường Quốc Học nhưng với số điểm đó nó phải thi vào. Nó lại vừa lãnh phần thưởng danh dự toàn trường mới đau chứ. Nghĩ ngợi lung tung thầy về đến nhà lúc nào không hay. Nguyên thầy thường đi chiếc xe đạp cà tàng trong khu vực thầy ở, chỉ khi nào đi dạy mới dùng honda.

‒ Tí ơi. Thầy gọi con. Bé Tí vừa ngủ dậy tóc tai bù xù.

‒ Con phải chuẩn bị thi vào trường Quốc Học đó. Thầy Thanh nói.

‒ Dạ.

Con bé mặt mũi buồn xo. Những đứa lâu nay vẫn ganh ghét với nó sẽ dè bỉu “Rứa mà cũng gọi là học sinh giỏi văn!” Tại không có ban giáo viên chấm bài những học sinh có tiếng giỏi văn ư? Có người chấm đúng đáp án, có người chấm ý, có người chấm phóng... Con Tí trông uể oải, hầu như nó mất hết nhuệ khi từ ngày có bảng. Bài thơ ấy có dạy trong chương trình, tuy nhiên hai tháng học chuyên văn ở trường chuyên Nguyễn tri Phương lại học chương trình thi văn cổ để đi thi giỏi văn quốc gia. Thằng Du không giỏi văn lại được 9 điểm. Việc nó đi học lớp chuyên văn không phải là ý muốn của cha mẹ nó mà là do ý của trường. Không biết ngày nào thì hết căn bệnh ưa lấy thành tích.

Chiều hôm đó bé Hạnh tới tìm Châu. Một đứa đậu không đủ điểm vào trường Nguyễn Huệ buồn, một đứa đủ điểm vào trường Nguyễn Huệ mà không đủ điểm để xếp loại giỏi cũng buồn. Hai cô bé ra vườn hái đào ăn, mùa này là mùa mận và mùa ổi. Hạnh nói.

‒ Tao buồn quá mẹ tao chửi hoài. Ngày mô cũng la, nói tau học dốt chừ không được vào trường Nguyễn Huệ.

‒ Mi vô học trường gia Gia Hội cũng được, ăn thua mình học thôi. Con Hồng đậu 34 điểm chừ vô Nguyễn Huệ đó.

‒ Châu à, chừ mi có thi vô Quốc Học không?

‒ Ba tau bảo thi thì thi. Bé Châu đáp không chút hào hứng nào.

‒ Thế mi đã thi lấy bằng B Anh văn chưa?

‒ Chưa, một tuần nữa mới thi.

Hai cô bé vừa khèo ổi, hái đào vừa ăn nhâm nhi vừa nói chuyện. Thật ra chúng rất ít thì giờ để gặp nhau tại nhà, gặp trên lớp là chính. Chương trình học chiếm mất thì giờ của chúng. Những đứa trẻ như Châu và Hạnh là những học sinh siêng năng cá biệt, thành ra cái chương trình gọi là phổ thông mà không phổ thông cho những học sinh miền núi miền quê. Những đứa trẻ học và thi quá nhiều kì! Sau khi thi đậu giỏi văn tỉnh, con bé tiếp tục học chương trình chuyên văn để thi giỏi văn quốc gia. Thi xong, nó về trường cũ ôn thi học kì 2, rồi thi tốt nghiệp, bây giờ thi bằng B tiếng Anh. Ba mẹ nó không bằng lòng cho con học nhiều như vậy, cãi qua cãi lại với thầy Hiệu phó, rốt cục vẫn phải để nó đi học lớp chuyên văn đi thi quốc gia để lấy thành tích cho trường. Ba nó nói hồi xưa không có kì thi vào lớp 10 vì nhà nước thấy mỗi lần tổ chức như vậy quá tốn kém nên đã hủy kì thi gọi là Diploma. Chỉ cần cuối năm, cộng hai kì thi lục cá nguyệt đủ điểm trung bình là có thể ung dung được tuyển hẳn vào lớp 10 rồi. Rất khỏe. Học trò được ưu tiên chọn ban mình thích. Có khiếu văn hay ưa văn chương thì chọn ban C. Có khiếu các môn sinh vật, hóa... vào ban A. Có khiếu và thích môn Toán thì chọn ban B. Rất sướng cho học trò lúc đó là được tự do chọn môn học mình thích. Mẹ nó học ban C mà cũng có cho mình riêng một tủ sách tha hồ đọc. Đi học không học thêm vì chương trình nhẹ nhàng. Nó nghe nói vậy chứ còn chương trình nó học nhiều quá. Và mỗi lần có chút thì giờ rảnh Hạnh lại đạp xe lên Châu, rủ nhau ra vườn, khu vườn rộng rãi này đủ cây ăn trái. Đủ các loại rau do thầy Thanh trồng. Mỗi lần tụ tập chừng mười đứa khu vườn lại nhộn hẳn lên, không khác gì đàn chim sà xuống ăn mồi, chúng la hét, giành nhau từng chùm mận chín đỏ, từng trái ổi sẻ chín thơm, hơn nữa vườn thầy Thanh nhiều chim, thành ra cô Thanh có ngày kêu trời. Mỗi gốc cây mận một dĩa muối ớt.

‒ Nè, thời buổi một gói muối i ốt 1200 đồng, ăn vừa thôi, ớt cũng không rẻ, ăn nhiều nổi mụn nghe chưa.

‒ Dạ.

Cô Thanh cười, càng nói chúng càng ăn nhiều, làm như trên đời ngoài mận, ổi, me rốp, không còn món nào hấp dẫn nữa. Mà còn chỗ nào hấp dẫn hơn khu vườn đầy tiếng chim, nơi chỉ có trái cây bốn mùa, nơi không có những tiết kiểm tra xếp loại, không có sự ganh ghét lần giận hờn chỉ có tiếng chim hót và tiếng người cười? Ở nơi này chúng được tự do.

Hai chị em cùng đậu một lúc. Bé lớn đậu tú tài được 43 điểm. Bé Tí đậu vào lớp chuyên văn của trường Quốc Học – trớ trêu thay ‒ đề thi lớp chuyên văn khó hơn thi tốt nghiệp. Thể mà lại được 8d5. Dù sao những đứa ganh ghét hết dè bỉu, con bé bớt buồn. Tuy nhiên thầy Thanh vẫn giữ nguyên ý định cho con vào trường Nguyễn Huệ. Nguyên một lớp học sinh giỏi chuyển vào Nguyễn Huệ. Có lẽ một số phụ huynh cũng ngán việc học trường chuyên nên cho con về Nguyễn Huệ chăng. Một người bạn cô Thanh nói.

‒ Nên cho con vào học trường Quốc Học, sau ni có bạn thành đạt. Học trường Quốc học đa số con cán bộ, con nhà giàu, có bạn thành đạt vẫn hơn.

‒ Mình thì nghĩ khác, không thầy đố mày làm nên. Học Nguyễn Huệ đi cho gần nhà, hơn nữa mùa mưa đỡ vất vả.

Thầy Thanh cứ phàn nàn việc phân chia lớp chọn, lớp chuyên. Trí não chỉ có một mà giáo dục thì chia ra nhiều lớp chọn, lớp chuyên. Giáo viên cũng chia, người dạy trường phổ thông, kẻ dạy trường chuyên. Giáo viên dạy giỏi, giáo viên dạy thường... Buổi trưa thầy Thanh chạy xe về trường Gia Hội, đến chiều lại về. Thấy thầy có dáng nhọc mệt, cô Thanh pha nước mời chồng.

‒ Thế nào rồi?

‒ Chẳng thế nào cả. Phụ huynh nộp đơn vô trường Gia Hội đông. Thầy Tuân hẹn, để coi đã. Trường Nguyễn Huệ lên đến bảy trăm em. Trường thì không có lớp, trường thì dư lớp. Phụ huynh có lẽ cũng ngán trường chuyên nên cho con vô Nguyễn Huệ. Đến năm trăm đứa giỏi.

‒ Học sinh lớp 6 thì không có lớp, học sinh lớp 10 đi tìm trường!

Thầy Thanh bỏ mũ xuống bàn.

‒ Đậu cao cũng mệt, đậu thấp cũng lo. Ngày xưa mình thi đậu là ăn no ngủ kĩ chứ đâu như bây giờ? Mà hồi đó lớp 9 không phải thi nữa, khỏe quá.

Cô Thanh thở dài im lặng. Cháu thầy Thanh thi đậu 25 điểm, học trường tư. Vấn đề ở chỗ nhà nước không chịu mở thêm trường. Những người lam lũ quanh năm như mẹ của Hạnh làm sao hiểu. Và như vậy người nghèo, học sinh vùng sâu vùng xa chịu bao nhiêu thiệt thòi. Trăm thứ tiền đóng cho nhà trường. Tiền học phí, tiền xây dựng, tiền bảo hiểm, tiền sách vở... tiền học thêm. Tiền gửi xe đạp hàng tháng, tiền mua giấy kiểm tra, lệ phí thi... Đó là một cuộc mua bán đổi chác, tri thức ở thời đại này không cho không biếu không. Muốn học phải bỏ tiền ra. Mười ngàn học sinh lớp sáu năm trước thiếu phòng học, phụ huynh học sinh phải rút ruột đóng mỗi người một trăm ngàn để trường xây thêm lớp cho con học. Bao nhiêu phụ huynh bỏ tiền chạy cho con một trường dạy tốt!? Mai đây ai sẽ ngự trị trong những tòa nhà cao ngất ngưởng nếu thiếu hẳn một cái đầu?

Im lặng hồi lâu Thầy Thanh chép miệng.

‒ E con Hạnh phải ra trường Hương Trà, nạp đơn trễ là hết chỗ. Em nhớ dặn con Tí nhắc bạn nghe.

‒ Nhớ rồi.

Buổi chiều cô Thanh đạp xe ra chợ tìm đến hàng má Hạnh.

‒ Bán cho 1000 đ dưa giá.

Mẹ Hạnh lấy lá chuối gói giá chua.

‒ Con Châu đậu cao vô trường Nguyễn Huệ rồi phải không? Con Hạnh học sinh khá, rứa mà thi có 31 điểm. Học trường Nguyễn Tường Tộ cho rồi.

‒ Điên chưa thế? Tiền mô đóng học phí?

‒ Nghỉ học, ở nhà giữ em.

‒ Thôi, con ông đạp xe xích lô còn đậu trường Y, con mình chưa đến nỗi nào mà. Phải làm đơn nhanh xin vô trường Hương Trà, nhà quê cũng được. Đi học còn hơn ở nhà.

‒ Tức mình, tui la hắn hoài.

‒ Hừ! Ai chở rau hành cho mẹ 5 giờ sáng? Ai bồng em, nấu ăn, giặt giũ, lau nhà? Hành con vừa vừa chứ. Thi đậu là được rồi. Nhớ thúc ông Bảo làm đơn mau mau. Trễ là hết chỗ.

‒ Được, rồi tui thúc ông Bảo. Má Hạnh cười.

Bé Hạnh tuần nào cũng ghé nhà. Nó không vui lên được. Nó nói ba nó mới về Gia Hội, nhờ người quen, thầy giáo bảo các lớp chật hết rồi. Thế là phóng xe ra Hương Trà, tới nơi, người ta bảo cũng vừa hết sổ. Biết làm sao?

‒ Má tau ngày mô cũng la, nói tau ngu, má tau không có tiền cho tau học trường Nguyễn Trường Tộ. Bà chửi hoài tau không chịu nổi, tao định về Truồi ở với bà nội.

‒ Thế mi không đi học à?

‒ Chừ tau biết học trường mô?

Hai cô bé lững thững đi bộ ra vườn. Mùa mận chín tháng 4 âm lịch không còn. Vườn bây giờ đang mùa ổi sẻ, nhưng Hạnh từ chối trái ổi chín trắng thơm bạn đưa cho. Nom nó ốm đi. Từ ngày ba nó đau phải nghỉ đạp xe, trăm thứ đổ lên đầu con bé. Em khóc, bị la, cơm cháy, bị la, chở rau hành ra trễ, bị la... Trong khi đó bé Châu chỉ có ăn và học, thậm chí nó không hề phải chùi nhà. Có ngày nó không quét cái nhà.

‒ Không biết thầy Thanh có quen ai ngoài Hương Trà không, ba tau nói có quen ông giáo mô ở trường Gia Hội, ai ngờ chầu chực mãi không được, nạp đơn chỗ khác bị trễ.

‒ Để hồi tau hỏi lại má tau, hồi xưa má tau có cô bạn thân dạy ngoài đó.

Đôi mắt Hạnh sáng lên. Nó ưng đi học, không đơn giản chỉ là chuyện học, mà còn thoát được cảnh mẹ nó la ba nó khi về trưa mà chưa có sẵn cơm canh. Nhiều chuyện lủng củng khác; nó có mẹ, người mẹ nào không thương con, có điều, những hi vọng quá lớn vào đứa con không được đáp ứng, cộng thêm những vất vả mưu sinh đời thường khiến má Hạnh cáu kỉnh. Nó cũng hiểu điều đó. Sáng hôm sau thầy Thanh chở Bảo ra thẳng trường Hương Trà, chẳng biết thầy nói những gì, hôm sau đơn của Hạnh được nhận. Đêm hôm đó, cô Thanh đi ngủ sớm. Trong giấc mơ, cô nhìn thấy một bầy chim trắng đáp xuống trước bãi cỏ xanh trước nhà. Mùa hè rồi cũng trôi qua. Chỉ còn mươi ngày nữa tựu trường. Bé Hạnh về quê chưa lên. Ngày nào có đủ trường cho các chú chim non, ngày nào bớt đi cái gánh nặng chương trình ‒ sách vở ‒ để những cô bé cậu bé non tơ đủ sức bước vào đời không lo âu sợ hãi? Để chúng có một mùa hè tươi mát bình yên? Có phải bây giờ chúng lớn trước tuổi, ưu tư trước tuổi không? Cô Thanh chạnh lòng nhớ đến bầy chim trắng của cô. Ngày nào có trường cho tất cả trẻ, không phân biệt giàu nghèo, đậu cao đậu thấp, học khá hay giỏi, kém hay ngu, để chúng giữ được vẻ hồn nhiên trong sáng của tuổi thơ ngây?


Hoa Liên

Huế mùa thi 97/2009



Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Bính Thân
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss