Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Một mùa xuân Tự lực Văn đoàn

Một mùa xuân Tự lực Văn đoàn

- Trần Văn Thọ — published 05/05/2025 17:42, cập nhật lần cuối 05/05/2025 17:42

Một mùa xuân Tự lực Văn đoàn


Trần Văn Thọ


Tại Nhật Bản, theo lịch và theo khí tượng học, mùa xuân kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5, nhưng theo cảm nhận thời tiết thì mùa xuân bắt đầu khi hoa anh đào nở (cuối tháng ba đầu tháng tư ở vùng Tokyo). Khoảng giữa tháng 4 hoa anh đào tàn, nhường chỗ cho hoa đỗ quyên, mẫu đơn, thược dược, hoa đằng, v.v.. Các loại hoa này lần lượt tàn trong tháng 5 và mùa xuân chuyển sang mùa hạ. Như vậy về cảm nhận thì mùa xuân chỉ có độ 2 tháng. Nhưng là người có hai quê hương, mùa xuân của tôi bắt đầu ở Việt Nam (từ Tết Nguyên đán, khoảng đầu tháng 2 dương lịch) và chấm dứt ở Nhật Bản, kéo dài khoảng 4 tháng. Ở Tokyo nhưng vẫn cảm nhận xuân về ở Việt Nam qua các bài báo Tết, qua không khí đón xuân ở quê nhà.

Mùa xuân năm nay đối với tôi rất đặc biệt. Hầu hết thì giờ tập trung vào việc nghiên cứu kinh nghiệm các nước Đông Á, khả năng và chính sách tăng trưởng hai con số của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới. Nhưng còn một chuyện đáng nhớ nữa là ngẫu nhiên trong mấy tháng qua nhiều sự kiện liên quan Tự lực Văn đoàn liên tiếp xuất hiện.

Thứ nhất, bài viết “Tìm lại dấu xưa Tự lực Văn đoàn” đăng trên số Tết của báo Hải Dương (và trên Diễn Đàn, ERCT) không ngờ được độc giả đón nhận tích cực. Bài đã được trang mạng vanvn.vn, cơ quan ngôn luận của hội Nhà văn Việt Nam, đăng lại từ báo Hải Dương và suốt nhiều tuần đây là bài được xem nhiều. Được biết bài nầy cũng được chuyển qua mails giữa những người từng đọc Tự lực văn đoàn ở miền Nam trước 1975.

Thứ hai, tôi gửi bài viết trên cho nhà văn Nguyễn Tường Thiết, con trai út của người sáng lập Tự lực Văn đoàn và là tác giả cuốn hồi ký Nhất Linh cha tôi, đề nhờ cho ý kiến về sự chính xác của nội dung bài viết. Rất vui là anh Thiết trả lời ngay và cho biết “tôi đã đọc và rất thích”, “Bài viết công phu và chính xác”. Đặc biệt anh Thiết giúp bổ sung một nội dung quan trọng và giúp sửa một chi tiết cho chính xác hơn. Chi tiết cần sửa là năm 1950 (không phải năm 1949) Nhất Linh từ Hong Kong về nước và tuyên bố trở lại nghề viết văn, không làm chính trị nữa. Nội dung quan trọng anh Thiết giúp bổ sung liên quan số thành viên của Tự lực Văn đoàn. Tổ chức này có 7 hay 8 thành viên? Cho đến nay có hai ý kiến. Trong bài tôi giới thiệu cả hai ý kiến và chưa có câu trả lời dứt khoát. Anh Thiết đã scan và gửi cho tôi tham khảo thủ bút của Nhất Linh trong đó ghi rõ là 7 thành viên. Như vậy Trần Tiêu không phải là thành viên của Tự lực Văn đoàn.

Thứ ba, anh Nguyễn Minh Khanh ở Paris, người dịch sang tiếng Pháp nhiều tác phẩm của Tự lực Văn đoàn, vừa hoàn thành bản dịch Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng, dự định cuối tháng 5 này sẽ phát hành. Giữa tháng 4/2025, anh Khanh nhắn tin nói là anh và nhà xuất bản bàn luận nhiều về việc nên chọn đề sách bằng tiếng Pháp như thế nào cho hay và thích hợp. Anh hỏi ý kiến tôi về ý nghĩa của Hồn bướm mơ tiên và chúng tôi đã có cuộc trao đổi thú vị. Cuối cùng anh Khanh đã chọn tên tiếng Pháp là Deux papillons rêvant d’immortalité.

Thứ tư, mới hai tuần trước, tôi được tặng cuốn sách nghiên cứu về Khái Hưng mới xuất bản bằng tiếng Nhật và có buổi trò chuyện thú vị với cô Tanaka Aki, tác giả cuốn sách. Cuốn sách nầy nguyên là luận án tiến sĩ của tác giả, bảo vệ tại Đại học Ngoại ngữ Tokyo hai năm trước. Tanaka Aki còn rất trẻ nhưng có lẽ là một trong những người nước ngoài nghiên cứu sâu về Tự lực Văn đoàn. Sau khi học xong cao đẳng (đại học đoản kỳ) tại Nhật, Aki muốn sang thăm một nước Đông Nam Á trong vài năm để mở rộng tầm nhìn trước khi tìm việc làm và đã chọn Việt Nam. Trong lúc học tiếng Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh vào đầu thập niên 2000, tình cờ quen với một nhà thơ ở gần chỗ trọ. Nhà thơ khuyên là để học tiếng Việt với sự thích thú và có hiệu quả nên đọc Tự lực Văn đoàn và đã tặng cô cuốn Hồn bướm mơ tiên. Aki cho biết là đã cảm động nhiều lần khi đọc Hồn bướm mơ tiên và từ đó tìm đọc các tác phẩm khác của Tự lực Văn đoàn. Sau đó Aki trở về Nhật quyết định đi học trở lại và nghiên cứu về văn học Việt Nam. Sống ở Việt Nam 13 năm, thu tập tư liệu và gặp rất nhiều nhà nghiên cứu văn học Việt Nam, sang Mỹ tìm gặp và phỏng vấn hầu hết con cháu của Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam và người con nuôi của Khái Hưng. Cuốn sách vừa xuất bản dày 480 trang trong đó hơn 30 trang là danh mục tác phẩm của Khái Hưng và tư liệu tham khảo. Đặc biệt nghiên cứu này xoay quanh giai đoạn sau trong quá trình sáng tác của Khái Hưng để tìm hiểu tư tưởng của Khái Hưng về quan điểm đối với chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa dân tộc qua các tác phẩm và các bài viết trên báo trong giai đoạn từ 1938 đến 1946.

Đúng là tôi vừa có một mùa xuân Tự lực Văn đoàn./.


T.V.T.

Tokyo, cuối Xuân 2025.


Nguồn: Tác giả gửi cho Diễn Đàn.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Guimet Exposition: Marc Riboud 05/03/2025 - 12/05/2025 — Musée Guimet - Iéna, 6, place d'Iéna - 75116 Paris
Journée d'études du Réseau MAF 26/04/2025 - 26/05/2025
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Une histoire de la Bibliothèque nationale de France 16/05/2025 14:30 - 17:15 — François-Mitterand - Petit auditorium - Quai François-Mauriac – Paris 13e
Sân khấu Hồng Hạc - HV Foundation - Ru Nam - Kịch đọc lần thứ 14: THIÊN THIÊN 20/05/2025 19:30 - 22:00 — Cà phê La Rotonde Saigon | 185B Trần Hưng Đạo, Quận 1, TPHCM
Tiếng Tơ Đồng - GALA 25 ans 31/05/2025 15:00 - 19:00 — Théâtre l'Agoreine - 63B Bld du Maréchal Joffre - 92340 Bourg-la-Reine
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 20:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us