Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Một Thoáng Paris

Một Thoáng Paris

- Trương Văn Tân — published 18/03/2025 20:15, cập nhật lần cuối 30/03/2025 12:18

Một Thoáng Paris


Trương Văn Tân



Một làn gió lạnh ùa vào cửa ra phi trường Charles de Gaulle làm tôi bừng tỉnh sau chuyến bay mệt mỏi từ Melbourne đến Paris dài gần 24 tiếng đồng hồ. Trời mùa đông Paris có cái lạnh khô và gắt gợi lại những ngày đông khi tôi còn đi học ở Tokyo. Chiếc taxi chở tôi về đến khu Les Halles cạnh dòng sông Seine chảy ngang thành phố Paris mà không ít thơ ca Việt Nam từng lãng mạn mô tả. Từ sân bay hướng về phía nam đến Les Halles, ông tài xế chạy qua những con phố nhỏ rồi đi ra vài con đường lớn. Đặt chân lên đất Pháp lần đầu trong đời, tôi đinh ninh sẽ nhìn thấy một Paris hoa lệ nhộn nhịp và đâu đó là ngọn tháp Eiffel hùng vĩ. Nhưng buổi sáng sớm ngày chủ nhật dưới bầu trời u ám mùa đông những căn phố lầu tiêu điều cửa đóng then gài để lộ ra hàng loạt cánh cửa kéo bị vẽ nguệch ngoạc nhố nhăng (graffiti) dọc một đoạn đường dài vài cây số. Đối nghịch với tầng dưới nhếch nhác là những tầng lầu vẫn còn giữ được sự thanh bạch của những họa tiết điêu khắc trang nhã của vài thế kỷ trước. Chạy thêm một đoạn, một dãy lều sạp bán tạp hóa, trái cây xuất hiện mà chủ nhân phần lớn là người da màu bận rộn khuân vác, sắp xếp hàng hóa chuẩn bị cho một ngày chợ cuối tuần. Tôi đang ở Paris hay trở về khu chợ làng của những thị trấn miền Tây Nam Bộ?!

Cuối cùng chiếc taxi đến khách sạn ở Les Halles, nơi có thể xem như một trung tâm lớn của Paris với ga tàu điện Châtelet tập trung nhiều đường tàu nội thành như ga Shinjuku của Tokyo. Ở đây, những con đường nhỏ, quảng trường nhà ga được lát đá tỉ mỉ bằng những viên đá xanh vuông nhỏ mà tôi hằng yêu thích khiến hình ảnh của khu phố buôn bán bình dân tràn ngập nét vẽ loằn ngoằn bỗng chốc biến thành mây khói. Tôi đã nhìn thấy một Paris đích thực.

Cách khách sạn vài trăm mét là dòng sông Seine xa xa là tháp Eiffel ẩn hiện trong sương mù ban sáng. Nguyên Sa Trần Bích Lan yêu Paris và sông Seine vô cùng. Ông có ít nhất 3 bài thơ viết về sông Seine. "Paris có gì lạ không em? Mai anh về giữa bến sông Seine. Anh về giữa một giòng sông trắng …". Tôi muốn tìm cảm xúc của Nguyên Sa trước dòng sông lãng mạn nên rảo bước tìm đến sông Seine. Dòng sông không êm đềm như sông Sài Gòn hay sông Hương của Huế. Sáng hôm đó nước sông cuồn cuộn chảy, không "trắng" trong như Nguyên Sa diễn tả mà nhang nhác màu bùn phù sa đục ngầu như sông Tiền quê tôi.

Sông Seine là biểu tượng của đời sống xã hội, văn hóa và bản sắc Paris. Sông Seine như người mẹ nuôi dưỡng bao bọc Paris uốn lượn chảy qua những khu giàu có, văn hóa truyền thống. Hay đúng hơn, khu giàu sang, chốn văn vật, các cơ sở và hoạt động văn hóa theo dòng lịch sử mọc lên dọc hai bên bờ sông Seine, bởi các nền văn minh thường xuất hiện từ những dòng sông.

Lang thang các nhà ga là thói quen thường lệ tìm hiểu việc đi lại khi tôi đặt chân đến xứ lạ. Các nhà ga có từng sắc thái riêng, nhất là những nhà ga chính. Tôi ghé qua Ga Lyon để nhìn ánh đèn vàng của Cung Trầm Tưởng nhưng đèn vàng không thấy vì trời chiều chưa tắt nắng. Nhà ga là tòa nhà đẹp như lâu đài với những tượng đá lớn nhỏ được chạm trổ công phu bởi những nhà điêu khắc nổi tiếng đương thời. Cái tháp đồng hồ xinh đẹp vừa đủ cao để vươn lên như một điểm nhấn của nhà ga. Nhà ga Gare du Nord (Ga Bắc) cũng lộng lẫy không kém. Đó là một tòa nhà cổ cao hai tầng có nhiều tượng đá đặt trên mặt trước tòa nhà và tên "Gare du Nord" được trang trọng khắc trên cổng chính. Bên trong nhà ga được nới rộng cho những chuyến tàu lửa cao tốc quốc tế nối kết với các nước xung quanh. Trên sân ga của một tuyến đường trong Gare du Nord, những tấm bảng treo trên bức tường dọc đường ray được trang trí bởi những phương trình toán học. Thoạt nhìn, chúng không quen thuộc như E = mc2 hay F = ma. Chúng có vẻ phức tạp nhưng hơi lạ khiến người hâm mộ toán học phải đứng lại chăm chú nhìn rồi gãi đầu tự vấn phương trình chân hay giả, hay cái học của mình còn nhiều thiếu sót không hiểu hết ý nghĩa của chúng. Nhưng cũng có thể ông thợ vẽ nổi hứng chơi khăm họa lên những con số chữ viết linh tinh rồi thêm thắt vài ký hiệu toán học nhìn cho oai, không chỉn chu lắm nhưng đủ làm thiên hạ giật mình hoảng sợ.

Hinh-1

Một phương trình toán học trong nhà ga (Ảnh TVT)

Ga Lyon hay Gare du Nord và có thể nhiều nhà ga lớn khác ở Paris được xây vào thế kỷ 19. Người Pháp lúc đó xây nhà ga không đơn thuần là một nơi để hành khách lên xuống tàu mà là những tòa nhà hoành tráng phản ánh các tác phẩm mỹ học và nghệ thuật họa tiết của kiến trúc cổ điển phương Tây. Người Pháp thời nay tôn trọng quá khứ bỏ ra nhiều khoản tiền lớn bảo quản những tuyệt tác của cha ông nhưng tiếc thay các ông tiếc tiền không xây được nhà vệ sinh để đáp ứng nhu cầu bài tiết của hành khách. Nếu có thì chỉ là nhà vệ sinh cho một người hoặc là nhà vệ sinh thu phí 1 Euro cho mỗi lần sử dụng. Có nơi còn ưu ái tặng một tấm vé nhỏ khuyến mãi, lần sau có thương mến quay lại thì sẽ được đi giảm giá!

Bước kế tiếp là tìm trường "École Polytechnique", viện đại học bách khoa danh giá của nước Pháp. Những thiên tài khoa học Pháp quốc và thế giới ở thế kỷ 19 từng học tập và tốt nghiệp tại đây. Tôi hỏi cô nhân viên khách sạn làm sao đi đến nơi này. Cô vui vẻ vào Google tìm kiếm một lúc rồi bảo tôi trường ở bên kia sông Seine tọa lạc trên con đường có tên là "rue Descartes" cách khách sạn vài cây số. Quả thật, Les Halles là một trung tâm đi về hướng nào cũng tìm thấy những mảnh đất phì nhiêu văn hóa nghệ thuật. Từ kinh nghiệm sống ở Tokyo, một nơi nổi tiếng với đường sá không tên, nhà không số, giao thông công cộng chằng  khắp nơi nên tôi không thấy khó khăn khi phải tìm đường ở Paris. Tuyến tàu điện RER B chạy qua thánh đường Notre-Dame, vườn Luxembourg, điện Panthéon và cả rue Descartes. Đi tìm "École Polytechnique" lại được nhiều thứ khác, thì không gì vui hơn. Nhưng khi bước đến cổng đại học "École Polytechnique", tôi ngỡ ngàng khi đối diện với một cổng trường thấp và hẹp, thấp hơn rất nhiều so với cổng nhà ga Lyon hay Gare du Nord. Chiều cao quá khiêm tốn so với chiều cao của những vĩ nhân và thiên tài khoa học mà nước Pháp đã sản sinh có nhiều đóng góp khoa học kỹ thuật vĩ đại cho nhân loại. "École Polytechnique" được thành lập sau Cách mạng Pháp năm 1789 là nơi đào tạo và nuôi dưỡng những nhà khoa học lớn như Cauchy, Poincaré trong toán học, Sadi Carnot trong nhiệt động học, Ampère trong điện học, Fresnel trong quang học và ở thế kỷ 20 Benoît Mandelbrot người đã dùng máy tính IBM trong thập niên 1980 khám phá ra một khái niệm mới gọi là "fractal dimensions" trong toán học. Joseph Fourier một nhà toán học và vật lý thiên tài đi trước thời đại nổi tiếng với "chuỗi số Fourier", "chuyển hoán Fourier" cũng đã từng giảng dạy và nghiên cứu tại đây. Thành quả vĩ đại của những nhà khoa học này đã trở thành kinh điển trong sách giáo khoa và cũng là nhân tố quyết định cho những cuộc cách mạng công nghệ kinh thiên động địa mà cho đến ngày nay vài trăm năm sau vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc đến tư duy khoa học hiện đại và thay đổi bộ mặt của xã hội loài người.

H2a

Di tích cổng trường "École Polytechnique" (Ảnh TVT)

Đến đây tôi mới biết trường đã được di dời từ lâu về hướng ngoại ô Paris cùng trên đường tàu RER B. Ở đây chỉ là một di tích đang được hồi phục. Trước cổng trường là một vòng xoay nhỏ nối với rue de l' École Polytechniquerue Descartes dẫn đến những tòa nhà văn hóa và giáo dục hướng về khu La Tinh náo nhiệt nhưng tiếc rằng tôi không tìm ra đại học Sorbonne đâu đó trong khu vực. Kiến trúc mái vòm đặc biệt của điện Panthéon thấp thoáng từ rue Descartes như một thỏi nam châm hấp dẫn tôi đi về hướng đó. Panthéon Paris hao hao giống Panthéon La Mã (Ý) tôi từng thăm viếng nhưng cao hơn nhờ cái mái vòm đặc trưng có thể nhìn thấy từ xa với bức phù điêu đá chạm khắc hình người, những cột đá cao to có nhiều họa tiết tỉ mỉ và cực kỳ sắc sảo. Tôi không khỏi cảm động, đứng rất lâu ngước nhìn dòng chữ được trang trọng khắc trên cổng chính "Aux Grands Hommes La Patrie Reconnaissante" (Gởi đến những con người vĩ đại. Tổ quốc ghi ơn). Tại sao lại phải cảm động, trầm ngâm? Nhiều nước trên thế giới thường dựng bia tháp thậm chí đình thần để tưởng nhớ liệt sĩ vong thân trong những cuộc chiến chính nghĩa lẫn vô nghĩa nhưng tôi chưa từng thấy một tấm bia nào dù rất nhỏ nói lên Tổ quốc biết ơn những người con ưu tú tạo nên sự nghiệp lớn trong văn học, nghệ thuật, khoa học, chính trị để phụng sự con người và đem lại vinh quang cho đất nước. Dòng chữ như một tấm bia vinh danh những con người vĩ đại mà một số nhỏ được chôn cất trong điện Panthéon. Đó là các nhà triết học, văn hào như Voltaire, Jean-Jacques Russeau, Victor Hugo, Emile Zora, những nhà khoa học như Pierre Curie, Marie Curie, Paul Langevin, các chính trị gia, nhà quân sự v.v…

H3a

H3b

Những con đường nổi tiếng (Ảnh TVT)

Điện Panthéon nối kết với vườn Luxembourg bằng con đường ngắn rue Soufflot. Tên đường được đặt theo tên kiến trúc sư xây cất điện Panthéon. Bầu trời hôm đó ảm đạm, lạnh cắt da và lác đác mưa rơi. Cũng như bao con đường tiêu biểu khác của Paris rue Soufflot dù ngắn nhưng vẫn có những tòa nhà cổ san sát dọc theo hai bên phố, nhộn nhịp xe bus, xe hơi, scooters, dập dìu người qua lại nhưng không hối hả như Tokyo, không hỗn loạn như Sài Gòn. Dọc theo con phố là những gian hàng quần áo, cửa hiệu nước hoa, đồ trang điểm phụ nữ, hiệu sách, nhà hàng… Tôi bỗng nhiên yêu thích không khí của con phố nhỏ này. Nó tỏa ra một hình ảnh văn minh, dịu dàng, lịch lãm như phong cách của con người Paris. Nhanh chân tôi ghé vào một hiệu sách. Họ bán các loại sách luật học, sách triết học, văn học thậm chí sách dịch thơ Haiku Nhật Bản sang tiếng Pháp. Hiệu sách còn có một quầy sách cũ giảm giá bên ngoài cửa tiệm. Hàng chục quyển tiểu thuyết của văn hào Balzac, Emile Zola bày nhan nhản trong quầy sách xuất bản ở thập niên 1950. Gọi là sách cũ nhưng là sách mới, bìa cứng, mạ vàng, trình bày rất đẹp dày hàng trăm trang nhưng giá bán chỉ 1 hoặc 2 Euros. Sao lại xem thường Balzac và Zola đến thế? Một cô gái Pháp xinh xinh cầm lên vài quyển đọc rồi bỏ xuống. Tôi không đọc được tiếng Pháp nên không mua chỉ đứng đó thầm mong cô gái mua một vài quyển ủng hộ hai văn hào. Nhưng cô gái bỏ đi, tôi khoanh tay nhìn theo mà thất vọng…

Paris có những đại lộ với nhiều tòa nhà cổ cao tầng rất đẹp dường như là chung cư với chiều cao đồng nhất không hơn 10 tầng san sát dọc theo con đường mà tầng ở mặt đất thường là cửa hiệu hay là văn phòng làm việc. Paris cũng có nhiều con đường nhỏ hay phố đi bộ nhộn nhịp hàng quán. Người Pháp thích ăn uống trên vỉa hè ngoài cửa tiệm dưới tấm bạt đơn sơ hay trong những căn nhà tiền chế bằng nhựa trong. Họ bất chấp cái lạnh mùa đông hay những hạt mưa rỉ rả, thản nhiên phì phà thuốc lá nhâm nhi tách cà phê buổi sáng hay ăn trưa ăn tối với bạn bè.

Paris có những con dốc vắng. Con đường dẫn đến thánh đường Sacré-Cœur đưa tôi đến một con dốc đẹp với những bậc đá và trụ đèn sắt cổ điển. Hai bên là chung cư cao tầng sang trọng có ban công nhỏ nhô ra đồng đều xây dọc theo một sườn đồi tiếp nối với con đường nhỏ lát đá dẫn đến mặt sau của thánh đường  Sacré-Cœur trên đỉnh Montmartre. Ngọn tháp và những mái vòm lớn nhỏ của thánh đường thấp thoáng từ xa. Tất cả tạo nên một khung cảnh lãng mạn chỉ thấy trong chuyện tình của những bộ phim cổ điển Hollywood. Mặt trước thánh đường là con dốc thoai thoải nhìn xuống con phố nhộn nhịp người xe. Thánh đường Sacré-Cœur nổi bật với cấu trúc mái vòm. Nó không đồ sộ như mái vòm ngói đỏ cùa thánh đường Firenze (Ý) nhưng đồi Montmartre đã làm Sacré-Cœur tỏa ra một dáng dấp uy nghi hài hòa có cái view vô giá nhìn toàn cảnh Paris, cái mà thánh đường Firenzia và Notre-Dame không sở hữu.

H-4

Thánh đường Sacré-Cœur (Ảnh TVT)

Hôm đó ngày thứ bảy. Paris bình thường đã náo nhiệt, những con phố nhỏ xung quanh thánh đường hướng về một khu trung tâm buôn bán, ăn uống càng náo nhiệt hơn. Gần đó là quảng trường có bức tường gạch men "Je t'aime" (I love you). Không có một đề tài nào hay hơn chuyện tình yêu. Nó vượt thời gian, không gian, ngôn ngữ, tôn giáo, giàu nghèo, già trẻ và nhiều thứ khác. Và khi tình yêu lên tiếng thì không gì bằng khe khẽ thốt lên câu "Anh yêu em" (và ngược lại). Ai đó có một ý tưởng làm bức tường bằng gạch men màu xanh thu thập hơn 100 ngôn ngữ viết thành câu "I love you". Tiếng Việt "Anh yêu em" được viết lên ở góc trái phía trên nhưng lại thiếu vắng "Em yêu anh". Phải có hai dòng chữ đi đôi cho cân xứng vì đại danh từ gọi nhau trong tiếng Việt hơi phong phú và tình yêu tất nhiên phải hai chiều. Một hàng chữ lạ mắt thuộc loại ngôn ngữ tượng hình nổi bật trên bức tường mà tôi được biết đó là cổ ngữ Babylon của nền văn minh Lưỡng Hà (hiện là Iraq) vài ngàn năm trước. Tiếng Nhật được ân huệ thể hiện bằng ba cách nói khác nhau trên bức tường, vô tình làm phí chỗ trống cho những ngôn ngữ khác. Bởi trên thực tế, khi tỏ tình bằng ngôn ngữ Nhật đôi tình nhân âu yếm nhìn nhau không cần phải lê thê dông dài chỉ trầm giọng nhẹ nhàng thốt lên một chữ "suki" (yêu, thích) là đủ làm tình yêu bay bổng thăng hoa.

Hòa lẫn trong tiếng ồn lao xao của khách nhàn du thỉnh thoảng vọng lại tiếng đàn của người nhạc sĩ luống tuổi đang lắc lư với chiếc đàn accordion cũ. Ông không để cái nón vòi tiền dưới chân như những người ngồi trước nhà ga. Ông đàn vì hứng thú tạo niềm vui cho thiên hạ. Nhạc Pháp khi được diễn đạt bằng accordion thì không gì mượt mà hơn. Trong dòng người qua lại, người nhạc sĩ đường phố chìm đắm trong những nốt nhạc của "La vie en rose" rồi bỗng nhiên ông đổi tông sang "Histoire d'un amour" rồi trở lại nhạc Pháp đàn những bài hát pop của Sylvie Vartan từng là những bài hit của thập niên 1960 vang dội đến tận Sài Gòn.

Trên đường phố người Paris lịch sự, nhã nhặn, thân thiện hơi khác với dân Anglo-Saxon thường có thói quen phớt tỉnh đậm chất Ăng-lê. Dân Paris đa dạng có nhiều sắc dân nhập cư từ các thuộc địa cũ của Pháp ở châu Phi. Ngày nay, con cháu của họ đã hình thành một tầng lớp chuyên nghiệp làm việc ở những cơ sở hạ tầng của xã hội Pháp. Họ chiếm khoảng 20% dân số qua sự phỏng đoán thống kê bằng mắt. Paris nổi tiếng từ xưa với cái tên kinh đô ánh sáng. Nhưng Paris cũng có nhiều góc khuất mà ánh sáng chưa hề vươn tới. Vấn đề an toàn đường phố không được bảo đảm. Việc du khách bị sờ túi hay đồ vật không cánh mà bay là một hiện thực phũ phàng của Paris và hầu hết ở các thành phố châu Âu. Du khách như một đàn cừu hồn nhiên ngơ ngác mà bọn trộm thì nhanh nhẹn như ninja lại thông minh như đàn sói. Có những kẻ hiền lành hơn, vì thời thế nên sa cơ lỡ vận thành người vô gia cư. Một hiện tượng trầm kha trải dài từ châu Âu, châu Mỹ đến đại lục Úc xa xôi. Họ có thể xuất hiện bất cứ mọi nơi có người qua lại đông đúc, trên đường phố, chợ búa, nhà ga. Họ ngồi đó co ro, ngửa tay im lặng hoặc trùm mền nằm ngủ an nhiên giữa phố xá ồn ào. Có những cô gái trẻ da trắng má hồng, không rách rưới, cũng ngồi trên bậc thang nhà ga ngửa tay với đôi mắt khẩn cầu. Nếu cô ta đứng lên bước đi hòa vào đám đông thì cũng giống như ai. Có thể, cô là gái "bán xuân" trá hình đón khách làm cái nghề lâu đời nhất của con người.

Vài ngày ở Paris, thời gian dù ngắn nhưng tôi đã nhìn thấy một nền văn minh tỏa sáng qua nhiều kiến trúc cổ điển ấn tượng, độc đáo với những tòa nhà có mái vòm to, ngọn tháp cao, cửa sổ lớn, ban công truyền thống, những bức tượng to cao bằng người thật đặt trên mái nhà, những bức phù điêu được chạm khắc tinh vi và vô số con đường lát đá được gìn giữ bảo lưu cẩn thận. Tôi đã đi qua những con đường nhỏ theo bước chân vãng lai của các bậc tiền bối thiên tài khoa học. Tôi đặt chân đến "bến sông Seine" của Nguyên Sa, nhìn "ga Lyon đèn vàng" giữa trời mùa đông Paris của Cung Trầm Tưởng. Tôi ngưỡng mộ công trình tháp Eiffel cũng như Khải Hoàn Môn. Hai công trình lịch sử ở hai lĩnh vực khác nhau, một bên là công nghệ xây dựng, bên kia là kiến trúc điêu khắc nhưng có cùng điểm chung là mỹ học. Cả hai đều là những tác phẩm nghệ thuật ở tầm vĩ mô. Có nhìn tận mắt tháp Eiffel tôi mới thấy đó là công trình vĩ đại của Gustave Eiffel, một kỹ sư xây dựng xuất chúng mang tầm vóc quốc tế. Trong thời đại chưa có máy tính, chưa có phần mềm mô phỏng (modelling software) nhưng ông đã tính toán được độ bền vật liệu và độ bền cấu trúc xây nên một tòa tháp bằng sắt có đường cong thon thả cao hơn 300 mét ở cuối thế kỷ 19 và vẫn sừng sững đứng giữa trung tâm Paris, ngạo nghễ thách đố với thời gian. Nhìn từ chân tháp, người ta nhìn thấy sự tinh tế qua cách sắp xếp vô số thanh sắt nhỏ làm nên những cây đà ngang dọc nối các cột sắt to. Những hoa văn và đường cong của chân tháp như làm mềm cái thô cứng sắt thép tạo nên vẻ đẹp trang nhã trong cái uy nghi của toàn thể cấu trúc. Tâm hồn người Pháp dường như là một tập hợp dung hòa giữa văn chương và khoa học; giữa mỹ thuật và kỹ thuật. Tâm hồn biết dung hòa đa chiều thường tạo nên những mosaic độc đáo đan xen vào nhau của hai lĩnh vực tưởng chừng như không có điểm chung. Tháp Eiffel đã biểu hiện điều này. Nó cũng lý giải tại sao ngọn tháp thu hút 6, 7 triệu khách tham quan hằng năm. Họ vui vẻ hào phóng mở hồ bao chi vài chục Euros cho tấm vé vào cửa làm giàu kho bạc thành phố chỉ để leo tháp, dù mỏi gối chồn chân cũng phải trèo cho bằng được đến tầng hai chụp vài bức ảnh sông Seine.

H5a

H5b

Tháp Eiffel và chi tiết chân tháp (Ảnh TVT)

Tôi trở lại phi trường Charles de Gaulle để lên chuyến bay dài trở về Úc. Tôi không có cảm giác của Nguyên Sa, "Mai tôi đi chắc Paris sẽ buồn. Paris sẽ nhìn theo". Paris không nhìn theo tôi và cũng không buồn vì tôi đi. Nhưng tôi ngoảnh lại nhìn Paris như người bạn mới quen với nỗi vui buồn lẫn lộn và "tôi sẽ kể chuyện Paris". Paris như quý ông giàu có, quyền uy và lịch lãm, hào hoa nhưng giờ đây đã đi qua đỉnh cao của cuộc đời, chầm chậm bước vào tuổi bóng xế chiều tà.

Phi trường đầy người mặc dù mới 7 giờ sáng. Tôi dáo dác tìm băng ghế để ngồi ăn sáng với gói thức ăn được mang theo từ khách sạn nhưng không tìm ra một ghế trống. Nhìn quanh thì thấy một băng ghế vừa đủ cho 3 người. Một người ngồi ở góc bên trái, người kia bên phải chừa khoảng trống ở giữa. Cả hai trùm đầu quấn mền ngả người ra ngủ. Họ không làm phiền ai cũng không hấp tấp như những hành khách khác vì họ "homeless". Tôi rón rén ngồi vào giữa vừa ái ngại nhìn trái nhìn phải quan sát hai ông vừa ăn nhanh phần ăn sáng rồi lên máy bay… Thôi nhé Paris, hẹn gặp lại.

Melbourne mùa nắng Hạ, 01/03/2025

Trương Văn Tân



Images

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
Guimet Exposition: Marc Riboud 05/03/2025 - 12/05/2025 — Musée Guimet - Iéna, 6, place d'Iéna - 75116 Paris
Journée d'études du Réseau MAF 26/04/2025 - 26/05/2025
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Sujets et séjournants. Une nouvelle histoire des indochinois en France 15/05/2025 16:30 - 18:00 — via ZOOM
Tiếng Tơ Đồng - GALA 25 ans 31/05/2025 15:00 - 19:00 — Théâtre l'Agoreine - 63B Bld du Maréchal Joffre - 92340 Bourg-la-Reine
France-Vietnam : un portail entre les cultures - Transferts du modèle français à la description de la grammaire vietnamienne 05/06/2025 16:30 - 20:00 — BnF site François-Mitterrand | Salle 70 ou via ZOOM
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us