Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Mùi chị

Mùi chị

- Trần Chiến — published 01/11/2020 23:21, cập nhật lần cuối 01/11/2020 23:21

Truyện ngắn


Mùi chị


Trần Chiến



Niềm làm cá trên sàn, vẩy sắc đâm vào tay. Máu chảy loang dần qua kẽ ngón, chị đưa lên mồm mút rồi nhăn mặt.

– Em thử với!

Tôi cũng nhăn mặt. Tanh tanh mặn mặn, còn mùi gì nữa đoán không ra. Niềm bảo đấy là mùi nước nậm U. Nậm U là con suối hai chị em vừa tát mớ cá, chảy vòng quanh bản Phiêng Cẩm của chúng tôi, róc rách dưới chân núi Chùn Chụt sau nhà ra sông lớn. Hồi còn sống, bà nội hay kể những chuyện thần tiên ma quỷ dính đến núi Chùn Chụt, nậm U, mãi không hết chuyện. Giờ vào đêm giữa tháng, trăng mọc từ núi lên soi xuống suối rất đẹp, sao tôi muốn ra chỗ mộ bà nghe quá.

Sáng ra là hai chị em dậy sớm, đi vòng qua bụi tre gai xuống chỗ mảng kết bằng bương. Rồi mấy đứa nữa đến, lên mảng chống qua bên kia, leo con dốc là đến. Lớp ba của tôi ngay đỉnh đồi, cô Chiêm dậy. Niềm leo vòng qua trạm xá, mấy ngôi nhà sàn, tới chỗ cắm lá cờ thầy Bảng đang đợi. Buổi trưa tất cả lại lên mảng trở về. Niềm cầm sào tre chống, người vươn thẳng như dóng tre, lúc lả xuống giống ngọn lau trước gió, miệng nhắc “Đói rồi. Nghịch ngã giờ!”. Hôm lũ về, cả bọn bần thần trên bờ, đang thi nhau thia lia xuống dòng nước ngầu bọt thì con rắn bò lên. Tôi sợ cứng người, chị điềm nhiên huơ tay tóm gọn khúc vàng đen. Rồi thầy Bảng cõng từng đứa sang bên kia. Chị đưa con rắn, bảo thầy ra bụi xả nhổ củ xào lên, uống rượu khắc ngon.

Niềm hay gội đầu bằng nước gạo ngâm vài ngày, bảo thế nó mượt tóc. Quả thật tóc chị xanh đen, đánh chanh chách xuống lưng mỗi khi chẻ củi, mùi mồ hôi tỏa ra đậm đà. Ngày Tết mẹ hái lá bưởi lá mùi nấu nước gội cho, chị đứng đầu sàn quay quay mớ tóc nặng trĩu, những hạt thơm nức bay như hoa nước. Mẹ cười: “Tằng cẩu (1) đến nơi rồi”. Tôi bảo “Con không muốn chị Niềm sang nhà khác ở”. “Không muốn cũng không được. Ngày trước bằng này bố đã đến chọc sàn mẹ, có hôm chọc nhầm chỗ ông ngoại nằm chạy bằng chết”.

Ít lâu sau mẹ rời bỏ chúng tôi. Bố lầm lỳ vài tháng rồi trở lại bình thường. Bố là trưởng bản, đi bộ đội về cả bản bầu rất xứng đáng, không buồn bã lâu được. Chú Cầm trên huyện về nằm nhà mấy ngày, nói lâu về chủ trương gì đó, mặt bố hốc hác hẳn. Tôi đi qua nghe giọng bố loáng thoáng “Tức là không đi không được á?” . Chú Cầm kiên nhẫn nhưng rành mạch:

– Tức nà ta phải hy sinh cho sự nghiệp chung. Có điện thì mới nàm ăn nớn được.

– Tôi lo lắm. Ra chỗ mới liệu có sống nổi…

– No thì đã có trên no, chúng ta không cần phải no. Anh nà cái đầu rắn, dân nà khúc thân, đầu do dự thì thân tiến bộ thế nào.

Nhưng bố tôi không muốn “nà” cái đầu rắn. Bố từ chức trưởng bản, nhận kỉ luật của huyện vì không muốn hy sinh cho công nghiệp hóa hiện đại hóa. Chú Tỷ lên thay, đốc thúc mọi người ra khu định cư mới rất hăng, được khen quán triệt tốt chấp hành tốt. Nhiều người bảo bố tôi dại, đằng nào cũng phải ra ngoài kia mà lại được tiền vận động. Đền bù, di chuyển trên cũng cho tiền cơ mà. Bỗng chốc cả trăm triệu rơi huỵch vào đầu, đâu có ít. Bố chả bảo sao, cứ gục gặc hút thuốc lào bên bếp, rồi đeo mõ cổ trâu thả chúng lên rừng, Tết ra vẫn gieo mạ cấy xuống ruộng. Nhưng nhà cửa dỡ xuống, cả chuồng trâu lán thóc lên xe tải chuyển đi, tôi ôm bát hương mẹ ngồi cạnh chú lái là lá la lì lí li.

*

Bản mới, vẫn giữ tên Phiêng Cẩm, nằm đúng nôi gió. Ào ạt, vun vút, bất thường, chả thể nào đoán được chiều. Có nhà lợp dở, đêm nó bốc tấm tôn bay loảng xoảng. Mũi đầy đất, có khi ra máu cam. “Người Mông ăn sương người Thái ăn nước. Nước tắm còn chả đủ làm sao cắm cây lúa xuống”, bố lầu bầu. Nhưng tôi chả nghĩ, đứng xa nhìn bản mới sáng choang ngói “bờ rô” như trong phim, ra đường to nghe tiếng ô tô, đoán nó đã đến núi đãi vàng hay còn dưới lũng, thích chứ. Nhưng đêm lạnh. Gió đùa nhả đùa dai chạy rầm rầm dưới sàn, trên mái, luồn qua vách mà vào. Bố lại bần thần trước tấm chăn mới.

Bố cho tôi xuống huyện, vào ngôi nhà to lôi ra chiếc xe máy mới coóng, lượn vài vòng rồi dừng trước quán. Tôi tẩn bát phở ễnh bụng, hỏi sao bố không ăn, sao có hai triệu được xe máy. “Trả góp. Lúc hết thì hai bốn thành hai sáu triệu. Còn miếng chanh vắt vào, húp hết nước khỏi phí”. Chú Tỷ dẫn cô mặt trứng cá vận động mua bảo hiểm. “Nên nghĩ đến tương lai cho các cháu anh ạ”, cái mồm xinh uốn dẻo như nhai kẹo. Bố bảo “Tôi chả tương lai tương liếc gì”. Chú Tỷ dặn “Tối nay họp nhé”, bố đáp “Không họp. Hứa đầy tai rồi”, rồi phi xe vào bản cũ xem ruộng nương với trâu bò, thủy điện chưa ngập may còn bòn được vài vụ.

Niềm không đi học nữa, mở “quầy” thịt lợn bán mỗi hôm dăm cân, người bản bên cũng sang mua. Chú Tỷ đi qua vọc tay vào miếng mỡ, vuốt má chị. “Con bé này bắt đầu mẩy đây”. Chị tránh được, bảo chú còn nợ cháu cái chân giò đấy. “Hàng xóm thế à. Hôm này cúng bếp mới tao không sang”. Tôi cáu tiết quăng hòn đá rồi chạy, chú chửi “A, con thằng tiêu cực”. Anh Páo xông ra: “Ông chấp đứa trẻ à?”. Người Niềm bắt đầu có mùi thịt ôi, người ta không mua thịt nhà tiêu cực nữa. Nhưng ít hôm chị thơm lắm, anh Páo đứng cuối gió lại gần hỏi sao không bán thịt nữa. Ấy là lúc cô Phài lấy chồng xa trở về, quà cáp mỗi nhà mỗi tý. Cô khen chị xinh, cho gói “xăn xiu” gội đầu thơm rực lên.

Trường chưa xây, phải đi học nhờ rất xa. Bọn trẻ “cũ” ban đầu không chịu nhường chỗ cho chúng tôi, phải thầy hiệu trưởng xuống nói mới xong. Cô Tâm Tâm viết lên bảng dòng chữ “Thế nào là người trí thức?”, chả đứa nào ý kiến được. Cô bảo trí thức là người thấy trước việc người khác không thấy, rồi bắt chiếc chắp hai tay sau đít đi lại nghĩ ngợi, y như chú Cầm. Tôi thấy người trên huyện thế toàn trí thức, đích thị rồi. Bây giờ học rất cao siêu, khó theo hơn nhiều. Nhưng phải thế, chúng tôi cứ ở bản cũ bao giờ thành được trí thức. Dạo này tôi ăn ngủ trong sợ hãi. Niềm đã mặc áo gió đỏ theo cô Phài xuống phố, dặn tôi bảo bố đừng lo không phải đi tìm cho nhọc. Tôi trông theo nghĩ chị xinh thế khéo lấy được chồng dưới ấy. Nhưng mình thì không may, nhà bỗng rộng thênh ra như không có phên vách, gió tha hồ lồng lộn. Tối tôi gầy bếp nấu cơm ra vào tự nhủ “phải gan chứ không được khóc chứ”.

Bố về bảo con trâu mắt đỏ ngã chết rồi, may còn hong được tảng thịt khô. Bố đặt đĩa thịt trâu xào su hào lên trước ảnh mẹ, lầm lỳ. Sao về với tôi mà bố cứ lầm lỳ. “Trợ cấp lương thực mấy tháng hết rồi. Bố không chăm chỗ ruộng trong bản cũ thì chỉ còn nước lên rừng làm lâm tặc”. Nhà bên này bên kia đều phi xe vào chăm ruộng cũ cả, người không thế thì đi buôn thuốc phiện. Nhỡ bố cũng vậy, bị dựa cột “đoàng” cái. Không dám nghĩ nữa.

*

Nhà tôi dần dần khá lên. Mỗi lần Niềm về là lòng tôi thỏa, lúc cho đôi giầy đến trường chúng nó phải tỵ, lúc tặng bố cái máy xát. Pành pành, người trong bản mang gạo đỗ đến xát, khen bố có con gái biết lo xa. Nhưng chị chỉ về lúc có mình tôi ở nhà, bảo bố cứ hay căn vặn rức đầu lắm. Hội Lồng Tồng (2) là lúc náo nức nhất. Mấy bản xa gần đến, chả ai xinh bằng chị. Môi hồng hồng má như cánh hoa đào, lông mày bé tẹo tỉa cong cong, tóc đỏ rực ép thẳng tưng, chị tung quả còn thủng tấm giấy điều trên cột, mùi phấn hay mùi “xăn xiu” chả biết, quyện với mồ hôi, hít mãi vẫn thích. Anh Páo đứng xa không mon men xòe, khắp (3) cùng chị, bảo “Niềm xinh thế thơm thế anh không dám trèo, càng không dám chọc sàn”.

Thôi đừng làm thơ

Cuộc đời bơ thờ

Làm đẹp cái nghèo mà chi

Niềm cầm “mích” đu đưa, đang hát bỗng òa khóc như con dở, xong lại toe toét cười với anh Páo. Tết ấy là Tết vui nhất từ dạo mẹ mất, có lẽ thế. Bao nhiêu gió trên trời bị vít xuống chỉ quẩn quanh váy chị của tôi. Bố thái thịt trâu gác bếp, chú Tỷ sang bảo sướng thế mà anh cứ kêu thủy điện. Cô Phài te te đấy con gái xinh thế mang của về thế mà anh cứ trách em phải ơn em chứ lỵ. Rượu tràn qua mép xuống quả táo dưới cổ bố. Già bản kể “Sống chụ son sao” (4), những sự tích người Thái, bố giục uống đi ông ơi, chúng nó có nghe nào. “Biết thế, nhưng ngồi đầu sàn gió lắm”, già đáp.

Mùa mưa bắt đầu. Hồ thủy điện trong bản cũ dâng lên, ngủm nương lúa mái bếp rồi ngủm cây vả cả ngọn bương rồi con ạ. Nay mai đến mộ mẹ… Bố bần thần, chả còn gì về đấy nữa, đêm hút thuốc lào ho khùng khục, già hẳn mười tuổi. Phiêng Cẩm sáng dậy thêm vài ông lão.

Chị Niềm về hẳn, mới đầu còn đi lại sau nằm một chỗ. Bố tự tay nấu cơm đem vào xúc, không để tôi làm, cũng không cho vào thăm. Đôi lần tôi hé màn gian ngó chỉ thấy mái đầu trụi, tóc nhuộm phai bệch bạc, mùi dầu xoa cứ sực lên. Hôm bố hực lên xách dao đi tìm cô Phài, tôi vào hẳn trong màn, vén chăn lên dù chị không cho. Mùi tanh xộc ra, vừa giống vừa khác mùi máu cá hòa nước nậm U từ hồi còn trong bản cũ. Tôi ra đầu sàn ọe, lấy dầu dấp mũi, xoa khắp người, rồi quay vào: “Anh Páo bảo chỉ cần chị đồng ý…”.

Tết thứ nhì ở chỗ mới, Phiêng Cẩm không làm hội Lồng Tồng nữa. Chưa có ruộng lấy đâu mà xuống đồng, dân vào trong núi xa cắm cây sắn xuống. Hôm đưa Niềm lên đồi gió tanh mùi máu, tôi tự bảo không đi học nữa. Tôi muốn đi xa.

Trần Chiến

  1. Tằng cẩu: đàn bà Thái búi tóc ngược trên đầu sau khi lấy chồng.

  2. Lồng tồng: hội Xuống đồng vùng Tày, Thái

  3. Khắp: ca hát

  4. Sống chụ son sao (Tiễn dặn người yêu): trường ca Thái

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss