Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Ngày Burma của tôi

Ngày Burma của tôi

- Đỗ Kh. — published 26/03/2016 09:42, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20



Ngày Burma của tôi


Đỗ Kh.



Ngày 25/3 là ngày thị trường chứng khoán ở Yangon khai mạc, hình như thế và tôi cũng không rõ, nếu không thì cũng nội đâu đó tuần này tuần sau. Anh tài taxi từ phi trường cũng không nói với tôi về chuyện đó  mà chỉ vỗ khẽ lên tay lái và hát theo lẩm nhẩm đĩa CD của nhà soạn nhạc K.A.T. Anh không biết, anh chưa biết, ba năm sau anh sẽ xếp hàng mua cổ phiếu OTC thay vì đánh đề.

Anh hát rất hay, tôi khen thật, nhờ tập karaoke?

Không, thưa ông, tôi không có tiền mua cái KTV.

Chiếc xe của anh sạch sẽ và thơm phức, nhưng anh bảo là nhập từ Thái Lan, đời cũ. Thái Lan là gương để chạy theo và bắt kịp của Myanmar, là mức chuẩn về mọi mặt, có lẽ là chỉ trừ mặt chính quyền. Trong khi bà Aung San Suu Kyi chấp chính thì bà Yingluck lại biến mất và về mặt chính trị này Myanmar đang đi ngược con đường của Thái Lan. Ngay tại cảng đến tôi cũng không thấy nhiều du khách Trung Quốc như là tại Thái, tuy là cũng có thể tìm thấy thuốc lá thơm Hongtashan. Anh tài bảo, mấy năm trước họ nhiều lắm và hát đứt quãng theo nhạc K.A.T. Tôi hỏi, đây có phải là những bài ca về cuộc sống vì tôi không đánh hơi được trong nhịp những ướt át ái tình. Anh ta gật, vâng về cuộc sống. Như là ban nhạc Thái Carabao (1) ? Đúng thế, anh ta bảo, như là Carabao “Songs for life”. Carabao, anh ta cũng biết, thì ở xứ sở này, đã bảo là Thái Lan làm chuẩn.

Đêm nhập nhòe những con lộ sáng, Myanmar vì đi chậm một bước nên bỏ qua giai đoạn xe máy dầu mà lên thẳng xe con. Yangon phố cổ trung tâm tắc nghẹt Toyota nhưng vẫn còn những xe lô ba bánh và tất cả đang rục rịch một niềm tin sắt thép vào tương lai. Một nửa thành phố đang trùng tu và xây dựng, nửa còn lại chắc chẳng bao lâu sẽ lấy lại cái mùi thuộc địa của Singapore. Anh tài của tôi đầy hy vọng khiến tôi đâm ra ngại. Tôi đến đây vào dúng dịp quốc gia này trải qua một thay đổi lừng chừng, nhiều trình diễn hơn là một cuộc cách mạng, kiểu ông Obama lên làm tổng thống Mỹ 7 năm về trước. Đêm bầu cử đó, những người trong khách sạn tôi đang ngụ tại Ethiopia thức đến sáng để chờ kết quả, đến chị quét sàn còn ôm chổi trắng mắt ra mà trông, làm như là 1 ông da đen vào Tòa Nhà trắng chị sẽ được lên lương tại Addis Ababa. Sự thực ra sao thì 7 năm sau đã có trả lời, nhưng hôm nay ở đây tôi cũng chẳng muốn làm người tiên tri xấu.

Tôi đến đây tưởng là thăm một chỗ mới nhưng thật ra là trở về chốn cũ. Tuy không thắt váy đàn ông quanh bụng, đằng sau lưng nhét cái ví tiền dài và ngang hông đeo lủng lẳng cái túi smartphone ở cạnh sườn nhưng tôi là người Myanmar, và đây là nơi tôi trở lại. Tránh những chỗ gập ghềnh nước bẩn, như là 40 năm về trước, tôi ngồi ăn trên 1 chiếc ghế đẩu nhựa khập khễnh. Giờ thì là đèn LED dùng pin chứ không phải đèn dầu, đèn măng-sông, nhưng vẫn tù mù và ở xóm Ấn Độ này tôi ăn byriani cạnh 1 đền Hồi (chết chửa không) chứ không phải là tại quầy xe cháo lòng Bảy Viễn. Dưới ánh sáng tù mù này, thỉnh thoảng chớp đèn pha của những xe qua lại, tôi thấy hiện ra người bạn của đầu năm 1975. Anh này oắt con, tôi biết mặt nhưng không quen thân, binh nhì vừa được mấy tháng và bộ đồ bông cáu cạnh, trên ngực hai bên đeo cánh dù cả Việt lẫn Mỹ loại bằng đồng màu ngụy trang đen. Nó bảnh hơn tôi, trúng tuyển Liên đoàn 81 Biệt cách Nhảy dù (câu này tương tự với “nó bảnh hơn tôi, trúng tuyển vào Cao đẳng Sư phạm đường Ulm”). Hắn nói gần như khóc, mày biết không, tao buồn quá, Liên đoàn đi luôn đời 2 đại đội xung kích ở Phước Long (2). 

Chẳng hiểu sao, về đêm, mùi cống rãnh ở Yangon khiến đường 32 gần chùa Sula gì đó giống như mùi cống rãnh ở gần cầu Bình Lợi.

Trước cửa chùa Sula là 1 công viên vào buổi trưa ngợp nắng. Lát nữa chiều sẽ có thủy tinh vàng lung linh trong mắt các thiếu nữ cầm ô.  Giờ thì có hàng nước mía vắt quất với 1 gói Ruby đỏ (3) bán từng điếu lẻ. Lần chót tôi uống nước mía vắt, có đá cục giao bằng xe đạp đến, là ở Zanzibar đày rãy đền Hồi (chết chửa thật). Tôi ngồi dưới tàn me ở 1 đại lộ công sở, định bụng lát nữa sẽ trở lại vỉa hè chỗ thấy có bán 1 bản cũ của Orwell Burmese Days đã nát nhàu đề giá 4.500 kyat (3,5 USD). Cuốn này tôi quên mất, tuy đã đọc và có đọc cả một quyển nhà báo Anh nào đó từng lần mò theo vết của nhà văn này tại đây. Cảnh này tôi nghĩ vài ba năm nữa là mất, các cây me này biết đâu sẽ bị đốn đi (chứ sao) để làm tuyến tàu điện thành phố và cạnh nhà hàng Tony Roma (4) mới mở sẽ mọc ra như ở Thái những vườn bia. Định mệnh đã an bài là sẽ phải như thế. Tàn me bên kia là một ông thày bói và dưới tàn cây cách 10 mét là một bà bán nước đá dạo nhìn tôi nhe răng sún cười. Đằng sau bà là một cô gái mảnh khảnh mắc quốc phục truyền thống ngồi bó gối, tuổi ngoài 20 và mặt khó đăm đăm. Ba năm nữa, sẽ có 5, 7 cô cộc cỡn quần đùi xúm lại chĩa vào mặt tôi mươi hay là 14 cái đầu vú (5x2 là 10, 7x2 là 14). 

Khi tôi đi ngang, bà vẫy tôi lại, cười vẫn tươi và tay chỉ về phía cô này đang thả hồn thơ để nhìn trời chứ không phải nhìn tôi.

You want lady? Bà hỏi, sao thì tôi cũng dáng du khách lạc loài.

Thì ra cô này đến sớm ba năm trước để giữ chỗ, ba năm sau cô sẽ mặc áo thun Bebe và cạo lông nách đứng trên quầy rượu nhảy coyote. Giờ thì cô còn nón quai thao nhưng cô đã sẵn sàng cởi ! Tôi sững sờ trước chuyện không ngờ này. Tự dưng tôi nhớ đến cái câng câng của con Thu bán xăng nhà ngoài quốc lộ, nhưng tôi không ở Hậu Nghĩa. Giờ tôi không còn bá súng để sốc lại trên vai. “Tôi lại gặp anh, người anh nơi chiến tuyến, súng trên vai bước ngang qua hè phố” (5). Với lại đây làm gì còn có voi, bao nhiêu con thì Orwell đã bắn rồi (6). Tôi sốc lại túi đeo thôi, đi về khách sạn nghỉ trưa một mình, nắng trưa độc hành. Tôi mới từ Thái sang, mới đây còn có mấy cô Nga xúm xít ở hộp đêm Rasputin tại Pattaya đọc cho tôi nghe Lermontov bằng nguyên tác khi nhà thơ được tôi nhắc đến, rất xa vời với cô Myanmar chân quê này đang ngồi ở dưới một gốc me.

Nhớ ai không nhớ, lại nhớ con Thu bán xăng, ba cái chai lỏng chỏng kerosene máy bay pha nhớt, “Hàng của em chai lọ xác xơ nghèo” (7).

Thu ơi, giờ này em ở đâu ?

Đỗ Kh.




(1)    Ban nhạc Thái thuộc phong trào SV và dân chủ, “Carabao” tiếng tagalog (Philipin) có nghĩa là con trâu. Bài nổi tiếng nhất của ban nhạc là Made in Thailand (1984) vào thủa Thái Lan đang tập tễnh thành cọp thành rồng.

(2)    Đầu 1975, Phước Long là tỉnh lị đầu tiên của miền Nam thất thủ. LĐ 81 BCND là đơn vị ưu tú nhất của VNCH (từng giải cứu An Lộc 1972) đổ 2 đại đội vào giờ chót vào thị xã nhưng bị tận diệt.

(3)    Ruby là nhãn thuốc lá thông dụng tại miền Nam trước kia và là hàng Quân tiếp vụ của quân đội.

(4)    Tập đoàn quán ăn Italy ở Mỹ tầm trung.

(5)    Ca từ của Phạm Thế Mỹ, Trăng tàn trên hè phố

(6)    Bài viết của G. Orwell về sự cố khi ông làm công an tại Burma.

(7)    Thơ Quang Dũng, “Quán bên đường”.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss