Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Ngày mùa xuân đến Genève

Ngày mùa xuân đến Genève

- Đỗ Tuyết Khanh — published 23/03/2016 12:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20

Ngày mùa xuân đến Genève


Đỗ Tuyết Khanh



Mùa xuân, định nghĩa thế nào nhỉ. Ai cũng biết, đấy là khoảng thời gian chuyển tiếp từ mùa đông sang mùa hạ. Thời tiết lý tưởng, vừa ấm áp hơn cái lạnh giá của mùa đông, vừa mát mẻ dễ chịu hơn cái nóng của mùa hè. Hình ảnh sáo ngữ của mùa xuân là cây cối đâm chồi nẩy lộc, hoa lá mơn mởn, vạn vật tưng bừng sống lại, lòng người phơi phới, v.v. Nhưng ở nơi không có xuân hạ thu đông, chỉ có hai mùa mưa nắng, quanh năm oi bức, như Sài Gòn, xuân đồng nghĩa với Tết Nguyên Đán, tuy là lúc ấy cỏ cây hoa lá vạn vật cũng y như trước, chả có thay đổi gì. Ở xứ có bốn mùa, ngày đầu năm, dương lịch hay âm lịch, đều rơi giữa mùa đông cùng lúc với mưa tuyết, bão bùng. Tết tây, tết ta ở Nam bán cầu lại vào mùa hạ, xuân đã qua rồi. Vậy có lẽ chỉ ở Việt Nam mới vui vẻ mừng xuân khi đón Tết.

Không nói đến Tết nhất, xuân bắt đầu và chấm dứt lúc nào cũng là vấn đề. Muốn chính xác phải phân biệt tới ba mùa xuân khác nhau. Các nhà thiên văn học ấn định các mùa theo vị trí của mặt trời và độ nghiêng của trục xoay trái đất, do đó mùa xuân kéo dài từ mồng 7 tháng 2 đến 7 tháng 5, với trung điểm là ngày xuân phân (équinoxe de printemps), khi ngày và đêm dài bằng nhau: 20 tháng 3 ở Bắc bán cầu và 21 tháng 9 ở Nam bán cầu. Theo khí tượng học thì khác, xuân, cũng như thu, được định nghĩa là « nửa mùa » (demi-saison) không nóng mà cũng không lạnh, nên tiếng Việt gọi là mùa mát. Xuân khí tượng (printemps météorologique), theo qui ước quốc tế, đi từ mồng 1 tháng 3 đến 31 tháng 5 (cho Bắc bán cầu) . Đối với đại đa số bàn dân thiên hạ ở Âu Mỹ, không rành thiên văn và cũng không là chuyên gia khí tượng, chỉ quen nhìn lịch, xuân đến ngày xuân phân, 20 tháng 3, và ra đi ngày hạ chí (solstice d’été), 21 tháng 6, là ngày dài nhất trước khi trước khi bắt đầu ngắn lại, lùi bước trước ban đêm. Mùa hè là « mùa đẹp » (belle saison) ai cũng mong đợi nhưng tiễn xuân đi cũng có chút bồi hồi, trời còn sáng lâu nhưng mỗi ngày đã mất đi vài phút, đêm còn ngắn nhưng đã nhích dần đến lúc sẽ ngự trị cả mười mấy tiếng mỗi ngày. Un seul ennui, les jours raccourcissent: đúng thế, chỉ phiển một nỗi, ngày ngắn đi, như nhà văn Pháp Flora Groult viết trong tên tác phẩm xuất bản năm 1978.

Có tới ba ngày lập xuân khác nhau như thế vẫn chưa đủ phức tạp hay sao mà bang Genève ở Thuỵ Sĩ còn có thêm một ngày đầu xuân thứ tư của riêng mình, thay đổi mỗi năm tuỳ theo một cây dẻ (marronnier) hứng chí cho ra cái lá đầu tiên lúc nào. Nghe lạ tai thế nhưng đây là một truyền thống từ hai trăm năm, được ghi chép nghiêm chỉnh trong các văn kiện chính thức của nhà nước hẳn hoi.

hinh-3

hinh-4

Promenade de la Treille với ghế băng gỗ dài 120,21 mét.

Một trong những thắng cảnh của Genève là công viên Promenade de la Treille, cửa ngõ vào khu phố cổ toạ lạc trên ngọn đồi, nơi qui tụ các cơ quan, bộ phận nhà nước và dinh cơ của những gia đình thượng lưu, giai cấp quí tộc lâu đời của thành phố. Dọc suốt công viên xây cất năm 1708 là hai hàng cây dẻ cổ thụ trồng từ năm 1720, mùa hè toả bóng râm mát nên tấp nập du khách cũng như người địa phương. Trong hàng cây này có một cây dẻ chính thức (marronnier officiel) của Genève, mang tên là Marronnier de la Treille và được giao trọng trách báo hiệu mùa xuân. Hàng năm, khi những chồi non bắt đầu xuất hiện trên cây này, một viên chức cao cấp của thành phố mang tên là sautier, tổng thư ký hội đồng Grand Conseil, là nghị viện của bang Genève, ngoài những công việc quan trọng khác còn có nhiệm vụ chăm chú theo dõi để khi chiếc lá đầu tiên vừa hé nụ là ghi ngay vào sổ sách và thông báo đến dân chúng: hôm nay, mùa xuân đã đến Genève. Báo chí và truyền hình hoan hỉ báo tin vui, mọi người gật gù thích thú, dù là nhiều tuần sau đó « mùa xuân » vẫn còn lạnh lắm, thậm chí có thể có bão tuyết.

hinh-5
Tấm bảng đặt trước cây dẻ
chính thức nay đã về hưu

Mọi chuyện bắt đầu vào những năm đầu của thế kỷ 19 khi ông Marc-Louis Rigaud, chủ nhân căn nhà số 16, rue des Granges, con đường đắt giá nhất trong khu phố cổ, có thói quen nhìn ngắm cây dẻ trong công viên đối diện ngay nhà ông, quan sát bước đi của thời gian qua những thay đổi của vòm lá. Thứ sáu 15.4.1803: chiếc lá đầu tiên xuất hiện trên cây dẻ được ông ghi lại trong nhật ký. Và từ đó, hàng năm, cho đến năm 1831, ông đều ghi lại ngày trông thấy chiếc lá đầu tiên báo hiệu mùa xuân. Thói quen riêng trở thành tập quán chung khi hội đồng nhà nước Conseil d’État, chính quyền bang Genève, thấy ý hay hay cũng làm theo. Phải nói trong quyết định này cũng có ảnh hưởng của một gia đình quyền quí. Jean-Jacques Rigaud, con trai ông Marc-Louis, là một chính trị gia lỗi lạc, nắm nhiều chức vụ quan trọng như chủ tịch Hội đồng lập hiến và thị trưởng đầu tiên của thành phố, được bầu lại 11 nhiệm kỳ. Truyền thống ghi lại ngày đầu xuân với cây dẻ chính thức của thành phố được duy trì như thế suốt từ năm 1818 cho đến nay.

hinh-6
Cây dẻ đã chống gậy về hưu

Tất nhiên cây Marronnier de la Treille ngày nay không còn là cây dẻ của ông Rigaud đầu thế kỷ 19 mà là thế hệ thứ ba cùng dòng dõi, chiết từ đời này sang đời sau và được trồng năm 1929. Song ngay cả anh « cháu nội » này cũng đã già yếu và bị sâu mọt trầm trọng, không còn có thể cứu chữa dù đã được chăm sóc, nâng đỡ bằng kèo cột những năm gần đây. Tháng 9.2015, văn phòng tổng thư ký Grand Conseil ra thông cáo buộc lòng phải đốn và cho cây dẻ về hưu sau 86 năm phục vụ mẫn cán. Vì các cây con của thế hệ thứ tư còn quá nhỏ nên một cây dẻ « nhiếp chính » được chỉ định tiếp tục phận sự trong vài năm cho đến khi một cây con đủ lớn mạnh để thay thế cha ông. Trong buổi lễ giới thiệu trọng thể cây dẻ mới, với sự hiện diện của chính quyền thành phố, bà sautier Maria Anna Hutter cảm động: « Cũng buồn chứ. Sau 16 năm làm nhiệm vụ thông báo mùa xuân, tôi gắn bó với cái anh dẻ này. Có khi tôi nói chuyện với nó. Nhưng tôi chúc cây mới sống lâu ». Cây dẻ mới được chọn vì to khoẻ và đứng ngay trước trụ sở chính quyền bang Genève. Nó cũng ở cạnh « cây dẻ điên » (marronnier fou) được gọi như thế vì tuy không được bổ nhiệm, vẫn láo lếu tự tiện ra lá trước ông anh nhà nước một hai hôm.

hinh-1

Promenade de la Treille với cây dẻ chính thức mới ở phía trước.

Ngoài khía cạnh vui vui, truyền thống này không phải là vô bổ vì có ích lợi thực tiễn, cho phép đo lường sự biến đổi của một tham số khí hậu. Trong thế kỷ 19, ngày cây dẻ ra chiếc lá đầu tiên xê dịch từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4. Từ thế kỷ 20, cây dẻ ra lá ngày càng sớm hơn, nhất là từ những năm 1950 trở đi, thường xuyên hé nụ trong tháng 2 và có năm trong cả tháng giêng. Hè 2003 châu Âu phải chịu một trận nóng kỷ lục chưa từng thấy, trước đó cây dẻ ở La Treille cũng phá kỷ lục của mình, ra chiếc lá « mùa xuân » ngày 29.12.2002 ! Đúng hai trăm năm về trước, ông Marc-Louis Rigaud có ngờ đâu thú vui nho nhỏ của mình sẽ sinh ra một nhân chứng khác của sự biến đổi khí hậu toàn cầu !

hinh-2
Cours de la Reine, Paris

Không biết ở nơi nào khác có những tập quán như thế không. Ở Pháp trong một thời cũng đã có một tục lệ hơi giống thế. Ở quận 8 Paris, Cours de la Reine là một đại lộ rộng mênh mông có hai hàng cây dẻ chạy dài từ Place de la Concorde đến Place du Canada, ở giữa hai hàng cây là một thảm cỏ xanh biếc. Khoảng giữa thế kỷ 19, một số người hoài niệm triều đại của hoàng đế Napoléon có thói quen hàng năm chào đón lúc ra hoa của hàng cây dẻ trên Cours de la Reine để tưởng niệm ngày trở về chiếm lại ngai vàng của Napoléon sau khi đã phải thoái vị và sang sống ở đảo Elbe. Họ chào mừng mùa ra hoa chứ không phải lúc ra lá vì đâu có ai túc trực canh chừng được cả hai hàng cây cao trên đại lộ, và lúc ấy cũng là thời điểm Napoléon chiếm lại Paris và oai hùng bước vào điện Tuileries ngày 20.5.1815. Cũng không có cây dẻ nào được vinh hạnh là « cây dẻ của hoàng đế » mà chỉ có một cây được gọi là « cây dẻ 20 tháng 3 » để tưởng niệm ngày sinh, 20.3.1811, của người con duy nhất của Napoléon với hoàng hậu Marie-Louise de Habsbourg-Lorraine, được phong chức vua « Roi de Rome » ngay khi sanh và cũng chỉ trị vì nước Pháp trong 20 ngày khi Napoléon thoái vị cho con để tìm cách giữ ngôi báu. Cây này đã bị đốn năm 1911 và ngày nay số người còn tiếc nuối thời đại Napoléon chắc cũng chẳng còn bao nhiêu.

Ấn dấu duy nhất của tục lệ một thời này là từ « marronnier » còn có thêm nghĩa là một bài báo viết về một sự kiện trở lại hàng năm, cứ « đến hẹn lại đăng » : chẳng hạn, gần đến Giáng Sinh, thế nào cũng có sự tích ông già Nô-En, gần đến ngày 14.2, khó mà thoát khỏi chuyện ông thánh Valentin là ai và trở thành quí nhân của các cặp uyên ương ra sao. Có báo Tết Việt Nam nào mà không nhắc nhở đến cây nêu, tràng pháo bánh chưng xanh, ông đồ già câu đối đỏ, v.v.

Không được tô vẽ màu mè linh thiêng giả tạo như cụ Rùa hồ Hoàn Kiếm nhưng các cây dẻ chính thức ở Genève hạnh phúc hơn nhiều vì được chăm lo tử tế như đối với con người, và khi phải chịu qui luật Tạo hoá cũng vẫn còn được sống mãi qua các hậu duệ. Nhìn các cây xanh được chăm sóc kỹ lưỡng, gìn giữ bảo tồn khắp nơi ở Genève không khỏi đau lòng nghĩ đến những cây xanh bị đốn sạch ở Hà Nội, Sài Gòn chủ yếu vì những mưu cầu lợi ích cá nhân thiển cận, tác hại cho môi trường sống của mọi người, kể cả bản thân những kẻ lấy quyết định. Truyền thống cây dẻ ở La Treille không phải là trò chơi phú quí sinh lễ nghĩa của một nước giàu có mà phản ánh một triết lý sống - không ăn xổi ở thì – và những giá trị văn hoá. Để biết mình đi về đâu con người phải nhớ mình từ đâu đến. Nếp sống văn minh, sự thịnh vượng của một xã hội là kết quả của một quá trình lâu dài vươn lên từ những bài học của lịch sử. Không ai thắc mắc sẽ còn ghi đến bao giờ ngày mùa xuân chính thức đến Genève qua chiếc lá mong manh trong cơn gió lạnh, sẽ còn bao nhiêu cây dẻ được phong chức chính thức. Hẳn nhiên là thế, như từ hai trăm năm, đời người và đời cây sẽ tiếp nối nhau làm một công việc tưởng ra vớ vẩn nhưng mang nhiều ý nghĩa. Âu đó cũng là hạnh phúc của một xã hội vững tin ở sự tồn tại và thăng tiến của mình vì lấy những giá trị nhân bản và văn hoá đã được hun đúc trong quá khứ làm nền tảng cho tương lai.


Đỗ Tuyết Khanh

14.2.2016

Xuân Bính Thân



Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Xuân Bính Thân
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss