Ngày Tết « Hớp Nguyệt Nghiêng Chén »
Ngày Tết « Hớp Nguyệt Nghiêng Chén »
Hậu Hiền
La beauté sauvera
le
monde
(Dostoievski, L’Idiot)
« Hớp Nguyệt Nghiêng Chén », thư pháp của Hậu Hiền, Xuân Mậu Tuất 2018
Ngày Tết đúng kỳ nghỉ của học sinh nên cũng nghỉ ở nhà theo không phải đi học.
Dù trời còn lạnh, lúc thì mưa ngập sông Seine lúc tuyết phủ đồi Montmartre nhưng đã có ngày nắng đẹp báo hiệu Đông sắp tàn, mùa Xuân sắp tới.
Mấy hôm trước phải lo dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, bầy cành đào, mua bánh chưng, trái cây bầy bàn thờ, rồi mặc quần áo tử tế lạy ông bà cha mẹ, chụp ảnh gia đình. Như hồi nhỏ cả nhà bố mẹ sáu anh em mỗi dịp Tết đến tiệm chụp ảnh Minh Châu đường Trần Hưng Đạo, có khác bây giờ là nhà có ít người hơn.
Hôm sau có bạn bè đến ăn Tết “đứng” kiểu buffet, nào bánh chưng rán, bánh tét, thịt kho cá kho, dưa giá, củ kiệu, những món ăn không thể thiếu ngày Tết. Lại còn bún thang chắc bụng cho ai ngán bánh chưng. Rồi có bánh da lợn, bánh lá dứa dessert, nhất là da lợn, vừa ngon, không quá ngọt.
Quá đầy đủ.
Tiếc mỗi một cái là có ít phái nữ … uống rượu cho nên … chai nào cũng còn đầy. May là có ba gã đực rựa, mới đầu còn khách sáo mời nhau “tí cognac thôi”, “tí thôi nhá”. Rồi sau đó câu chuyện nóng dần lên, không còn “tí” nữa mà đã sang đến chén tạc chén thù rồi, nói hết chuyện này qua chuyện khác, Sài gòn bây giờ xe hơi ô nhiễm nhiều quá, …về Hà nội ăn Tết đường phố vắng tanh…, Washington nhiều museum …., Bắc Kinh, Thượng Hải nhà cao cửa rộng còn hơn Âu Mỹ, ….Tokyo đông dân như vậy mà đường xá quá sạch, không thấy ăn mày, ….còn Kyoto thì vườn nào …. trong chùa cũng đẹp, hoa anh đào …. cười nói khắp …. nơi với ……khách …
*
Thôi, mình ra vườn dạo một tí nhé !
Vườn đầy hoa.
Ngày Tết phải xem đào hoa trước :
Một đoá đào hoa khéo tốt tươi,
蔑 朶 桃 花 窖 卒 鮮
Cách xuân mơn mởn thấy xuân cười.
隔 春 暪 滿 体 春 唭
Ðông phong ắt có tình hay nữa,
東 風 乙 固 情 咍 女
Kín tiễn mùi hương dễ động người
建
羨 味 香 易 動 𠊚
(Bài 227 Đào Hoa)
Hoa đào với gió Đông (gió Xuân thổi từ phía Đông) không thể lìa nhau được từ thời Thôi Hộ đời Đường cho đến Nguyễn Du :
Đào hoa y cựu tiếu đông phong,
Hoa đào năm ngoái còn cười gió Đông.
Hoa cười khi gió tới, gió kín đáo đưa hương của hoa “động người”, cho người thưởng thức, động lòng.
(Ảnh Hậu Hiền – Xuân Mậu Tuất 2018)
Đi mấy bước nữa đã thoáng mùi thơm của hoa nhài giống hoa dạ lai hương chỉ thơm ngát về đêm.
Đêm nguyệt đưa xuân một nguyệt hay
店 月 迻 春 蔑 月 咍
Hoa lại có :
Môi son bén phấn dây dây
Hoa nhài tựa cô gái giang hồ phấn son nhởn nhơ, « dây dây », sống kiếp nàng Kiều từ bao đời :
Mấy kẻ hồng nhan thời bạc phận,
貝 几 紅 顔 时 泊 分
Hồng nhan kia chớ cậy mình thay
紅 顔 箕 啫 忌 錯 台
(Bài 242)
Hoa đẹp thế kia mà không ai để ý ? Giai nhân mà còn bị đeo đuổi “tới bến” huống chi hoa thơm ? Hoa thơm thì phải có đàn ong, đàn bướm (điệp trận) lượn.
Làm sứ đi thăm tin tức xuân,
Lay thay cánh nhẹ mười phân.
Nội hoa tớp tớp vây đòi hỏi,
Doanh liễu khoan khoan khéo lữa lần.
Thục-đế để thành giéo giắt,
Phong-vương đắp lũy khóc lăn.
Chúa xuân giáo tập dư ba tháng,
Mang cầm ve, mới đỗ quân.
(Điệp Trận – Bài 250)
Lúc đầu bướm bay tà tà, “lay thay”, “tớp tớp”, chập chờn. Rồi ong xuất hiện, ong bướm tranh nhau lượn quanh hoa, ong chúa (Phong vương) phải làm dữ (« khóc lăn » hay « khóc rân », nghĩa là « đập cánh kêu vu vu rầm cả bộng ») bướm (Thục đế) mới sợ. Đến lúc ve ve đàn hát báo hiệu mùa hè (mang cầm ve), ong bướm mới chịu nghỉ bay (đỗ quân).
*
Xem hoa rồi phải ngắm trăng, nói chuyện với trăng. Trăng là người bạn tri âm của nhà thơ trong lúc công thành danh toại cũng như lúc hoạn nạn, thất thế. Nhà thơ lúc nào cũng tìm đến trăng, đến nguyệt để “trút bầu tâm sự”, giãi bày nỗi niềm, tâm tư.
Trà mai đêm nguyệt dậy xem bóng,
Phiến sách
ngày
xuân ngồi chấm câu
Trì tham nguyệt hiện chăng buông cá,
Rừng tiếc chim về ngại phát cây.
(Bài 28)
Muốn gặp trăng quá không dám câu cá để ao lặng trăng mới in bóng.
Khách đến, vườn còn hoa lác,
Thơ nên, cửa thấy nguyệt vào.
(Bài 35)
Hoa còn lác đác, lốm đốm, thơ vừa làm xong, trăng đã lộ diện.
Thấy nguyệt tròn, thì kể tháng,
Nhìn hoa nở mới hay xuân.
(Bài 102)
Ðêm thanh nguyệt bạc, khách lên lầu.
(Bài 153)
Nguyệt trong đáy nước, nguyệt trên không,
Xem ắt lầm một thức cùng.
(Bài 212)
Nhà thơ như bị trăng hút hồn, nhập làm một với trăng, nhìn trăng nâng chén tưởng như mình ….
Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén
店 清 吸 月 迎 戦
Ngày vắng xem hoa bợ cây
(Bài 11)
Hai tiếng “Nghiêng chén” 迎戦 lấy từ hai chữ Hán 迎 “Nghênh” (như trong hoan nghênh) và chữ 戦 chiến. Đọc theo lối Nôm là “Nghiêng Chén” chứ không đọc theo lối Hán Việt là “Nghênh Chiến” (!), trong một đêm Xuân trăng thanh gió mát, ít ai nghĩ đến chuyện “nghênh chiến”.
*
Đi thăm vườn hoa không thể bỏ qua cây chuối cuối vườn được. Tại sao cây chuối ? Cây chuối không phải chỉ cho quả chuối mình ăn, cây chuối có nhiều cái lạ lắm ít người biết. Mình xem bài thơ Cây Chuối sau (Ba Tiêu theo chữ Hán) :
Từ bén hơi xuân tốt lại thêm
Đầy buồng lạ mầu thâu đêm
Tình thư một bức phong còn kín
Gió nơi đâu gượng mở xem
Mùa Xuân nắng ấm đến, làm cho cây chuối nảy nở, tốt tươi làm cho những buồng chuối trông thật lạ mắt (« đầy buồng lạ »), thơm lừng (« mầu » cũng như « mùi ») suốt đêm. Còn những đọt chuối non đang cuộn tròn trông như những lá thư tình lúc xưa viết bằng giấy dó mực Tàu “một bức phong còn kín” chỉ chờ một làn gió nhẹ là mở ra.
Hay là … buồng có thể hiểu là phòng, phòng ngủ (chữ Nôm 蓬 vừa chỉ buồng chuối, buồng cau, vừa chỉ phòng ngủ). « Đầy buồng, lạ mầu, thâu đêm », cả đêm trong phòng ngủ có “chuyện” gì xảy ra thật lạ, thật mầu nhiệm – mầu còn có nghĩa là sinh lực - , có người còn «phong kín » đợi chờ, chờ gió, chờ người mở bức phong ra nhẹ nhàng. Mùa Xuân không chỉ có cỏ cây mới biết rạo rực.
Hay nhà thơ có tư tưởng thoát tục. Trong thơ phái Thiền, cây chuối thân rỗng không biểu tượng cho cái “tâm không” của người tham thiền, cả đêm chờ tâm được giác ngộ giống như như lá chuối còn phong kín (« Vị triển ba tiêu ») chờ được gió khai mở.
Cây chuối đâu phải vật tầm thường, vô tri vô giác như ta tưởng !
*
Ôi ! Mọi người về hết rồi hả ?
… Thì ta vừa mơ một giấc mơ ngược thời gian. Ta mơ được Nguyễn Trãi mời về quê Côn Sơn Chí Linh đi thăm vườn hoa của Cụ và đọc cho ta nghe bao nhiêu bài thơ Nôm Cụ làm về thiên nhiên, phong cảnh, hoa bướm, tình tự…
Nguyễn Trãi sống vào đầu thế kỷ 15, ông là người sớm nhất sáng tác một số lượng lớn thơ bằng chữ Nôm có giá trị (254 bài). Ông đươc biết nhiều hơn qua “thiên cổ hùng văn” nổi tiếng Bình Ngô Đại Cáo (“Lấy đại nghĩa thắng hung tàn, Lấy chí nhân thay cường bạo”) sau khi đánh đuổi quân Minh năm 1427.
Cám ơn mùa Xuân
năm nay cho tôi được sống những giây phút thần tiên
trong thế giới ảo đầy trăng sao và gió hoa của Nguyễn
Trãi. Ước mơ sao sẽ có nhiều giấc mơ nữa.
Hậu Hiền
Paris Tết Mậu Tuất 2018
___________________________________________________________________
Tất cả những bài thơ trong bài này trích trong Quốc Âm Thi Tập của Nguyễn Trãi. Bạn đọc nào muốn tìm hiểu đầy đủ hơn thơ Nôm (có dẫn chữ Nôm) của Nguyễn Trãi, có thể tham khảo những cuốn sách sau đây :
-
Nguyễn Trãi Toàn Tập, Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt nam, Viện Sử Học, Hà Nội, 1976
-
Quốc Âm Thi Tập, Trần Văn Giáp, Phạm Trọng Điềm, NXB Văn Sử Địa, 1956
-
Tự Điển Chữ Nôm Dẫn Giải on line, Nguyễn Quang Hồng, trên mạng
-
Nguyễn Trãi Về Tác Gia và Tác Phẩm – NXB 1999 (trong đó có bài viết về Cây Chuối của Xuân Diệu và Nguyễn Đình Chú)
-
Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển – Trần Trọng Dương – NXB Từ Điển Bách Khoa 2014
Phụ chú của người biên tập : Tác giả
đã bỏ công ghi thêm bằng chữ nôm phần lớn những cậu thơ trích dẫn.
Chúng tôi rất tiếc không thể đưa toàn bộ lên mặt báo vì một số kí tự
Nôm (của Nôm
Foundation) không tương thích với ứng dụng dan trang mà chúng tôi
sử dụng. Xin cáo lỗi cùng tác giả và độc giả.
Các thao tác trên Tài liệu