Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Ngôn ngữ quê nhà hay là “tiếng mẹ đẻ cha sanh”...

Ngôn ngữ quê nhà hay là “tiếng mẹ đẻ cha sanh”...

- Nguyễn Thị Hậu — published 23/08/2022 10:35, cập nhật lần cuối 24/08/2022 21:58


Tạp bút

Ngôn ngữ quê nhà hay là “tiếng mẹ đẻ cha sanh”…


Nguyễn Thị Hậu


1.

Trước 1975, hồi còn ở HN có thời gian rất dài nhà tôi ở khu tập thể của Đoàn Cải lương Nam Bộ, nơi ba tôi làm việc. Lúc nhỏ tôi thường theo ba đến phòng tập xem các cô chú tập mấy vở cải lương. Phòng tập ở giữa khu tập thể, là một gian phòng rất lớn, trống trải, sát tường có những cây đà gác ngang (giống phòng tập múa, nhưng không có gương) để tập vũ đạo (những động tác cải lương) do ông Tám Danh (nghệ sĩ Nguyễn Phương Danh) hướng dẫn. Những vở cải lương thời ấy tôi xem tập đến thuộc lòng, như Cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, Mẫu đơn tiên, Thạch Sanh, Người con gái đất đỏ, và Kiều Nguyệt Nga… Diễn viên khi ấy phần lớn là các cô chú anh chị Nam Bộ tập kết ra Bắc, về sau khoảng 1964, 1965 có thêm các anh chị học từ trường Nghệ thuật về đoàn, là người Bắc nên được tập nói tiếng Nam Bộ và không bao lâu thì nói rất thuần thục, như người Nam Bộ.

Cả thời thơ ấu gia đình tôi sống trong môi trường của lối sống, ngôn ngữ Nam Bộ. Nhưng tôi bắt đầu đi nhà trẻ từ khi mới 2, 3 tháng tuổi, rồi đi mẫu giáo đến 4,5 tuổi, một thời gian dài đi sơ tán về vùng nông thôn, rồi về HN đến 1975 thì cùng gia đình trở về Sài Gòn… môi trường học tập và sinh hoạt của tôi là ngôn ngữ miền Bắc. Thế là trong tôi hình thành hai “vùng ngôn ngữ” và qua đó là hai “vùng văn hóa”. Cả hai hòa hợp với nhau và trở thành nguồn vốn văn hóa đa dạng, phong phú, cho tôi nhiều cảm xúc và sự hiểu biết văn hóa các vùng miền khác nhau. Quan trọng hơn nó cho tôi cách nhìn nhận khá cởi mở về sự “khác biệt văn hóa”, sau này khi đi theo con đường nghiên cứu, giảng dạy, tôi cũng phần nào tránh được tư duy “trung ương tập quyền/độc quyền” về văn hóa.

Dài dòng vậy để thấy rằng, ngôn ngữ Nam Bộ luôn là tiếng nói quen thuộc, thân thuộc với tôi từ thời thơ ấu đến bây giờ, nhưng không hề cản trở tôi nói tiếng Hà Nội (và khi viết có phần cũng giống bạn bè Hà Hội), dù đã gần 50 năm tôi sống ở Sài Gòn.

2.

Năm học cấp 3, trong chương trình của môn văn bắt đầu học về tác giả Nguyễn Đình Chiểu với hai tác phẩm tiêu biểu là Lục Vân Tiên (trích đoạn) và Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Từ nhỏ tôi đã thuộc lòng vở cải lương Kiều Nguyệt Nga nên không xa lạ với hình tượng “Lục Vân Tiên đánh cướp” một cách xả thân quên mình:

Vân Tiên ghé lại bên đàng
Bẻ cây làm gậy nhằm làng xông vô
Kêu rằng bớ đảng hung đồ
Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân

Nhưng cũng rất ý tứ tế nhị với Kiều Nguyệt Nga:

Khoan khoan ngồi đó chớ ra
Nàng là phận gái ta là phận trai

Năm sau tôi học tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Tôi còn nhớ thầy giáo khi giảng về bài này đã đọc tác phẩm đúng theo kiểu văn tế ngày xưa, nghe rất lạ nhưng đầy hào hùng và thương cảm. Bình thường mà nghe kiểu đọc ấy chắc bọn nhóc sẽ cười bò lăn – thời ấy tất cả những gì thuộc về “phong kiến” đều là xấu xa, là đáng chê, chưa kể một tâm lý văn hóa “cứ khác mình là… không hay!”. Nhưng bữa đó, có lẽ chính chất mộc mạc, giản dị và thẳng thắn nhưng không gay gắt của ngôn ngữ Nam Bộ đã mang lại một cảm xúc văn chương mạnh mẽ bên cạnh “tinh thần yêu nước” luôn được nhắc đến của tác giả và tác phẩm này. Ngôn ngữ biểu cảm, lời ăn tiếng nói nôm na giản dị là yếu tố thuyết phục nhiều người còn xa lạ với văn chương Nam Bộ.

Với riêng tôi, bài Văn tế... là tác phẩm văn học tôi thuộc lòng ngay từ lần đầu được học, và lần nào đọc lại cũng tràn đầy cảm xúc. Đặc biệt ngôn ngữ và hình ảnh gần gũi thân thuộc như chính bà con anh em tôi ở miền Tây. “Tiếng mẹ đẻ cha sanh” nên tôi luôn yêu thích văn chương của Nguyễn Đình Chiểu, vì gốc gác gia đình cũng là “dân ấp dân lân” ở miền sông nước Cù lao Giêng, Chợ Mới, An Giang. Mỗi lần về Bến Tre tôi đều tới viếng mộ cụ Nguyễn Đình Chiểu, mộ cụ Phan Thanh Giản, mộ cụ Võ Trường Toản, những trí thức danh nhân được người Nam bộ trân trọng và tôn kính!

Nhiều người so sánh văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu và Nguyễn Du và có ý kiến hơn kém này khác. Với tôi, dù cả hai Nhà thơ đều thấm đẫm tinh thần nhân văn nhưng sự so sánh này khá khập khiễng, bởi xuất thân, bởi môi trường xã hội, và cũng bởi “hoàn cảnh ngôn ngữ” tiếng Việt của hai Cụ quá khác nhau. Một bên quan chức, hàn lâm, chau chuốt, bóng bẩy, “tinh vi”; một bên thầy đồ, bình dân, mộc mạc, có sao nói vậy… Văn chương hay nghệ thuật, với cá nhân người đọc binh thường như tôi, yếu tố quan trọng là hợp hay không hợp, thích hay không thích. Có những tác phẩm hay, tác giả nổi tiếng nhưng có thể không thích/hợp, vậy thôi.Và có lẽ không thể phủ nhận yếu tố “nguồn gốc” có tác động lớn đến cảm nhận văn chương, ngôn ngữ.

3.

Sau này, đọc nhiều hơn về văn chương Nam Bộ, tôi đã nhận xét:

Công trình, tác phẩm của các nhà văn hóa, nhà văn Nam Bộ thường được viết và diễn đạt bằng ngôn ngữ trong sáng, giản dị, bình dân, không theo phong cách “hàn lâm” dù đó là những tri thức khoa học từ phương Tây hay công trình khảo cứu thực tế công phu. Tác phẩm của nhiều nhà văn như Ca Văn Thỉnh, Sơn Nam, Vương Hồng Sển, Trang Thế Hy, Trần Kim Trắc… hay trước đó là Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc… và sau đó như Đoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng hay bây giờ là Nguyễn Ngọc Tư… đều mang lại cho người đọc cảm nhận đầu tiên: họ viết vì tình yêu quê hương sâu đậm, tình yêu cụ thể dành cho từng con người thân quen, từng cảnh vật gần gũi… Họ viết như để nói lên lòng biết ơn với những bậc Tiên hiền, Hậu hiền – những con người bình thường nhưng có công khai hoang lập làng nên được nhân dân tôn thờ trong các đình làng Nam Bộ, cùng với vị Thần được sắc phong của nhà vua. Họ viết như để đền ơn đáp nghĩa với quê hương mà cũng như để chuyện trò với bạn bè gần xa.

Trong tạp bút Dạo chơi của nhà văn Sơn Nam có một câu “lưu niệm” ngắn ngủi của một bạn trẻ Việt kiều về thăm quê:

Ba cho về thăm đình cũ. Con rất cảm động, thương bà con anh em.
Quê hương buồn quá. Con chúc tất cả bình yên.

Chỉ vậy thôi mà chạm vào trái tim, lần nào đọc lại cũng rưng rưng…

Vì sao khi viết về vùng đất này người ta hay dùng “đất và người Nam Bộ”? Phải chăng vì “đất mới” Nam Bộ thì xa xôi cách trở về địa lý, miền ngoài nhìn người Nam Bộ thì “lạ” về lối sống, ứng xử, phong tục tập quán? Sự xa – lạ ấy mang lại cho người vùng miền khác không ít cái nhìn phiến diện, thậm chí thiên lệch khi tìm hiểu, đánh giá về văn hóa, về lịch sử, về con người Nam Bộ. Cho nên, đọc những tác phẩm của tác giả Nam Bộ nếu tinh ý ta sẽ nhận thấy ẩn hiện trong đó câu trả lời cho những thiên kiến không đúng, chưa trúng. Người Nam Bộ không đao to búa lớn, không đối một đáp hai để cố chứng minh mình là ai, mình là thế nào, văn phong cứ nhẹ nhàng có khi tưng tửng với những câu chuyện đời thường, và người đọc tự hiểu ra rằng “đất Nam Bộ, người Nam Bộ coi dậy mà hổng phải dậy! Đừng có nhìn ba chớp ba nháng… ”. Sự thâm thúy mà hóm hỉnh làm cho ai đó lỡ phán bậy phán bạ phải nhận ra cái nông cạn sai sót của mình mà không bị “quê độ”, vẫn có thể cùng ngồi với nhau trong bữa nhậu, cụng một ly để “bỏ qua” chuyện cũ.

Mấy năm trước nhiều bạn hỏi tôi “Sao những tập tùy bút của chị có rất nhiều bài về Sài Gòn, Nam Bộ nhưng tựa sách thì không cuốn nào có chữ Sài Gòn?”. Bạn à, người Nam Bộ yêu dữ lắm cũng chỉ dùng một chữ “thương”. Khi bạn thương một người đến mức chỉ cần tên người đó thoáng qua cũng làm cho tim bạn nghẹn lại vì lỡ nhịp… có cần gì phải luôn gọi tên người ấy, phải không?

Ngôn ngữ văn thơ Nguyễn Đình Chiểu về “tinh thần yêu nước” hay về nét đẹp “trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”, với người Nam Bộ cũng không phải bóng bẩy cao siêu mà vẫn đi vào lòng người, là vậy.


Nguyễn Thị Hậu

Sài Gòn, tháng 7 – 8/2022

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Ủng hộ chúng tôi - Support Us