Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Người hùng thầm lặng

Người hùng thầm lặng

- Vũ Thư Hiên — published 30/06/2020 12:28, cập nhật lần cuối 30/06/2020 12:28

Người hùng thầm lặng


Vũ Thư Hiên



Tôi yêu những người anh hùng.

Trong mắt tôi, anh hùng có nhiều loại. Có anh hùng trong một việc. Có anh hùng một thời. Có anh hùng một đời. Cách nhìn này làm cho những người tôi gặp hiển hiện dưới một ánh sáng khác, đẹp hơn.

Tôi có anh bạn là tiểu đoàn trưởng trong kháng chiến chống Pháp. Tiểu đoàn phó, bạn anh, bị địch bắn hạ trong một trận công đồn.

- Tao có một đứa con chưa biết mặt – nắm tay tiểu đoàn trưởng, anh thều thào - Vợ tao là một người đàn bà tốt. Tao chết, vợ tao sẽ phải lấy chồng. Giá người đó là mày thì tao yên tâm.

Tiểu đoàn trưởng ghé vào tai bạn:

- Mày chưa chết được. Chúng tao đang gắng đây. Nhưng nếu mày đi đoong[1]thì tao sẽ làm theo di nguyện của mày.

Người bạn gặng:

- Mày hứa chứ?

Tiểu đoàn trưởng nói:

- Tao hứa.

Người bạn nở một nụ cười, trút hơi cuối cùng.

Kết thúc chiến dịch, anh xin nghỉ phép, tìm đến nhà bạn:

- Trước khi mất, anh dặn tôi tìm chị – anh ấp úng kể lại lời trăng trối của bạn - Chị bằng lòng thì nếu tôi trở về, chúng ta sẽ là một gia đình.

Thời chiến, các sĩ quan rất có giá.

Như lời một bài hát của Việt Lang:

“ Đoàn quân đi giữa sóng mến thương xuân về mùa thắm.

Tôi thấy những nàng, khăn hồng lệ thắm.

Hẹn ngày mai chiến thắng chớ quên đường về làng cũ.

Em vẫn mong chờ… “

Anh tiểu đoàn trưởng là trai tân, dáng Từ Hải, chị là gái goá, không sắc nước hương trời, anh lấy ai chẳng được, nhưng anh đã giữ lời.

Chiến tranh rồi qua. Anh còn sống.

Tôi thường đến chơi nhà anh. Môt gia đình êm ấm, hạnh phúc

Trong mắt tôi, anh là anh hùng. Chứ lại không à?

Nhưng anh chỉ là anh hùng trong một việc ấy thôi. Ngoại giả, anh là người bình thường.

Cuộc sống thời bao cấp đã biến người anh hùng của tôi thành một tên láu cá. Anh biết rõ đâu có hàng hiếm, làm sao mua được nó, bán lại sẽ được lãi bao nhiêu. Anh chạy như đèn cù trong thành phố trống rỗng, mọi nhu yếu phẩm tối thiểu chỉ mua được với tem phiếu. Bạn bè biết tài anh, thường nhờ vả. Với bạn, anh có giá đặc biệt. Họ chỉ còn biết lắc đầu:

- Nó thánh lắm!

Thôi cầm súng, anh cầm bút, là nhà báo. Anh còn viết văn nữa. Có lần biết tôi có hợp đồng với nhà xuất bản Lao Động cho một tập truyện ngắn, anh bảo tôi:

- Cậu caser (nhét vào) cho tớ một truyện.

Khi nhận tạm ứng, anh nằn nì:

- Cho tớ lấy trước khoản này. Tớ có việc cần; phải có chút quà gọi là bôi trơn cho thằng con vào VOSCO.

VOSCO là đội tàu đại dương, thuỷ thủ có thể kiếm tiền dễ dàng bằng cách mua đồ phế thải ở các cảng Nhật mang về bán với giá gấp đôi, gấp ba hoặc cao hơn.

Thằng con mà anh nói chính là con người bạn chết trận. Anh lo cho con bạn như con mình.

Anh là người yêu bạn bè. Với tôi, anh tự coi mình là người bảo trợ, có trách nhiệm dìu dắt tôi vì tôi khờ, tôi không thức thời.

Một hôm, anh bảo:

- Nghe này: thời bây giờ nhất thân nhì thế. Không biết mở rộng quan hệ là thiệt đấy. Cậu quen biết hẹp lắm. Đi với tớ.

*      *

*

Người mà anh muốn tôi làm quen là một thư sinh đứng tuổi trong bộ quần áo thùng thình.

- Anh chàng này là trưởng phòng biên tập nhà xuất bản Văn Hoá – anh nói – Mọi sách được in hay không là trong tay cậu ta.

Bạn bè tôi trải qua chiến tranh đều cục mịch, không rắn rỏi thì cũng bỗ bã lỗ miệng. Người này giống một thầy ký ga xép, với hai cánh tay lòng khòng.

Anh ta bắt tay tôi rất chặt:

- Lý Hải Châu.

Lý Hải Châu

Lý Hải Châu (1927-2016), ảnh : báo Thanh Niên

Sau vài lần gặp, chúng tôi mau chóng thân nhau, theo cách nói thời bấy giờ là hợp “cạ”. “Cạ” là cái gì, tôi không cắt nghiã được. Hợp là hợp, vậy thôi. Chúng tôi chơi với nhau như hai con người, không phải hai cán bộ, càng không phải hai đồng chí. Anh là đảng viên, chắc chắn thế. Trong hệ thống chính trị, người ở cương vị anh không thể không là đảng viên. Tôi là người ngoài, là Bạch vệ, theo cách nói dân dã.

Thế đấy, lúc đầu tôi quen Lý Hải Châu theo lời khuyên của bạn, chứ tôi chẳng định nhờ vả gì anh này.

Biết tôi học ở Liên Xô, lại là dân viết lách, Lý Hải Châu bảo tôi:

- Ông thấy văn học Nga có cái gì hay thì dịch cho chúng tôi.

Tôi ngần ngừ:

- Cái tôi thích thì không hợp thời. Cái hợp thời thì tôi lại không thích. Ông làm xuất bản, ông thừa biết các nhà xuất bản chỉ chọn sách cách mạng, có tính chiến đấu. Nhà xuất bản của ông cũng không ngoại lệ.

Anh cười hì hì:

- Chiến đấu đủ rồi. Chiến đấu mãi không chán à? Ông có chuyện gì không quá cứng không?

Tôi lắc.

- Thì một cái gì hay hay, không giống sách của các nhà xuất bản khác.

Tôi nghĩ.

- Có một cuốn viết về tình yêu văn chương của một tác giả Nga không giống ai. Một cuốn sách viết về nghề văn, tôi rất thích. Có điều không biết nó có hợp với đại chúng hay không? Đọc nó, người viết được dẫn vào những nẻo đường không có lối mòn, không lần theo sự chỉ dẫn của các thứ bản đồ và la bàn được chế tạo hàng loạt.

Mắt Lý Hải Châu sáng lên:

- Hay nhỉ? Thế thì còn đợi gì nữa, ông dịch đi. Và nhanh lên.

Bản dịch cuốn Bông Hồng Vàng của Konstantin Paustovsky đã ra đời như thế, có bàn tay bà đỡ của anh.

Lý Hải Châu làm việc cẩn trọng. Nhận một bản dịch, anh còn đưa cho một hoặc hai cộng tác viên xem lại, rà soát, thẩm định, đánh giá. Có thể nói những bản dịch của nhà xuất bản Văn Học thời kỳ này là những cuốn sách có độ tin cậy cực cao

Với cuốn Bông Hồng Vàng tôi có một kỷ niệm vui. Số là khi dịch câu “Những luồng sáng (lutchi) quờ quạng trên mặt biển đen” ở một đoạn nào đó, do lãng trí tôi đã dịch thành “Những cánh tay ánh sáng quờ quạng trên mặt biển đen” (nhầm “lutchi-luồng sáng” ra “ruki-cánh tay”).

Nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo, cũng là bạn tôi, đã soi ra lỗi ấy.

Lý Hải Châu tiếc rẻ:

- Này, ông ạ, tôi thấy trong văn cảnh ấy “những cánh tay ánh sáng” xem ra có khi còn thi vị hơn “những luồng sáng”.


*      *

*

Để đối phó với những thiếu thốn trong đời sống Lý Hải Châu là người cực kỳ khờ khạo. Vợ anh còn khờ khạo hơn.

Nhìn thằng cu đầu lòng khóc ngằn ngặt trong nôi vì thiếu sữa, tôi vỗ vai anh:

- Không lo, đâu sẽ có đó.

Tôi đến mấy anh bạn thạo chợ đen.

- Của hiếm. Hàng Liên Xô dạo này ít về.

Tôi chạy tới Badridze ở khu chuyên gia. Anh đang ngồi lom khom, hai tay ôm đầu, mặt buồn rượi.

- Chuyện gì vậy? – tôi ngạc nhiên.

Badridze là ca sĩ nổi tiếng trong Thế chiến II. Từ chiến hào, những người lính viết thư về đài phát thanh yêu cầu Badridze hát cho họ nghe vào những giờ im tiếng súng. Anh được cử sang Việt Nam dạy thanh nhạc.

Badridze hất mái tóc bù xù, giơ hai tay lên trời:

- Chúng giết tôi!

- Ai? Ai giết anh?

Badidze rền rĩ:

- Hai đứa học trò yêu của tôi. Hai giọng soprano tuyệt vời. Cả hai đứa phễnh bụng ra rồi. Cùng một lúc, ông ạ.

Tôi trình bày khó khăn của tôi để lôi Badridze ra khỏi nỗi tuyệt vọng. Tôi chưa bao giờ nhờ anh chuyện tương tự. Badridze hiểu. Anh đứng lên, quên bẵng nỗi phiền muộn, đưa tôi đến ngay cửa hàng cung cấp dành riêng cho chuyên gia và cán bộ cao cấp.

- Chỉ mua được hai hộp thôi. Họ hạn chế

Hai gương chảy dài bừng sáng trước hai hộp Moloko. Người xô-viết thực thà: Moloko nghĩa là sữa. Không có nhãn hiệu Con Chim hay Ông Thọ gì ráo.

Kể chuyện tôi nhờ Badridze, vợ tôi bảo:

- Anh nhanh nhảu đoảng. Nhà còn phiếu sữa cho cu Chính kìa, chưa dùng đến. Nó đã có sữa mẹ. Anh mang cho cháu.

*      *

*

Cái sự nhớ lại chẳng bao giờ chính xác. Chỉ có những chi tiết hằn sâu là có thể tin được – chúng có tên là ấn tượng.

Chúng tôi không có với nhau một bữa rượu nào. Đến với Lý Hải Châu, tôi chỉ được uống trà, mà trà nhạt thếch, khác hẳn thứ trà đặc đến mức có thể cắm đứng que tăm vào chén trà, gọi phóng đại là trà cắm tăm. Thời buổi người khôn của khó, trà cắm tăm là thú tiêu khiển thời thượng.

Lý Hải Châu không rượu đã đành, nhưng cách uống trà của anh cũng chẳng giống ai. Chén trà của anh thường không thong dong đi từ bàn trà tới nơi nó phải đến, mà chỉ được nửa đường rồi dừng lại. Ấy là nó bị một ý nghĩ chợt nảy ra cản trở.

Bây giờ thì tôi đã có chữ dùng cho hành vi ấy – anh ủ mưu.

Một hôm, anh tự dưng ngồi ngẩn, quên bẵng câu chuyện đang nói, rồi bần thần tâm sự:

- Ông nghĩ thế nào về cái nền văn học hiện tại của ta? Cứ nhìn các quầy sách thì thấy, rặt một thứ. Người đọc phải đi theo một độc đạo, không có, không được lựa chọn, đọc độc một thứ. Ngán thấy mồ.

Anh người Bắc, nhưng là cán bộ miền Nam tập kết, còn quen dùng nhiều phương ngữ Nam Bộ.

- Dễ hiểu mà. Tự ta thiến ta – tôi nói – Ta chặt đứt ta với quá khứ. Cứ như thể mọi cái không dính tới cách mạng đều xấu.

- Ông đúng. Văn học ta nghèo là tại ta. Chẳng tại cái gì khác.

Cái mưu anh ủ rồi sau cũng thành, không phải ngay lập tức.

Trên các quầy sách dần dần xuất hiện những tác phẩm chẳng dính dáng gì tới cách mạng của những cây viết được gọi là tiền chiến: Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng...

Nguyễn Tuân có hẳn một tuyển tập.

- Cũng là sự lạ, anh ạ - Nguyễn Tuân chỉ cho thấy tôi tập sách để ngay ngắn trên kệ, ở vị trí trang trọng - “Các ông ấy”[2]có coi tôi ra cái quái gì đâu. Trọng người khác thì khó, khinh người thì dễ. Cái anh giám đốc này lì lắm. Đã quyết là làm. Mà còn lịch sự nữa chứ, xin phép tôi hẳn hoi. Cứ như thể tôi không thích, tôi không cho phép ấy.

Lý Hải Châu không kể, nhưng nhà văn Hoàng Lại Giang cho tôi biết chủ trương in những tác phẩm trước cách mạng của anh gặp không ít trở ngại. Những cây đa cây đề trong làng văn như Hoài Thanh, Hoàng Trung Thông... chống ra mặt.

Chức vụ giám đốc cho anh nhiều thuận lợi trong việc đấu tranh với những quan điểm thủ cựu hoặc ra cái điều chân chính cách mạng.

Thơ Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử được xuất bản lại là trong thời kỳ này.

- Ông ạ - Lý Hải Châu cười khúc khích, bao giờ cũng khe khẽ, bao giờ cũng hiền lành – Thơ Nguyễn Bính người ta mua ào ào. Chả bù cho thơ Sóng Hồng đầy bụi bám trên các quầy sách.

Sóng Hồng là thơ của lãnh tụ Trường Chinh.

*      *

*

Khi tôi bị bắt, cuốn Năm Người Im Lặng của Miguel Otero Silva, người Venezuela, còn nằm ở nhà xuất bản Văn Hóa. Nhà văn Hoàng Lại Giang, người phụ trách cuốn ấy, cho biết có chủ trương không in nữa, vì người dịch là một tên “phản động” đã bị bắt. Một mình Lý Hải Châu kiên quyết cho in.

Nghe nói vì bênh vực tôi, nói người như tôi không thể là “phản động”, Lý Hải Châu được cho đi nằm bệnh viện Việt-Xô, thực chất là ngồi chơi xơi nước.

Lại cũng nghe nói, một phái đoàn cán bộ miền Nam thấy tình trạng đối xử với anh như thế, đã kiến nghị trả anh về miền Nam, sau một thời gian người ta cho anh nhận một chức vụ khác, cao hơn, là vụ phó Vụ Báo chí và Xuất bản của đảng.

Lý Hải Châu là một cán bộ giỏi trong cuộc kháng chiến chống Pháp ở miền Nam. Lý lịch của anh được tóm tắt như sau:

“Lý Hải Châu, bí danh Xuân Sơn, sinh ngày 1.4.1927, tại huyện Thường Tín, Hà Nội. Tốt nghiệp tú tài 2 trường Bưởi, Hà Nội; tốt nghiệp Viện Văn học Gorky, Moskva.

Tham gia cách mạng từ 1945, hoạt động công khai trong lòng địch với tư cách nhà báo, sát cánh cùng những nhà báo cách mạng như Hải Triều, Nam Quốc Cang… Bị Pháp bắt giam 2 lần, bị kết án tử hình năm 1949, sau giảm xuống chung thân, bị đày đi Côn Đảo và sau Hiệp định Geneve được trả về miền Bắc năm 1954…”

Cái lý lịch ấy mãi sau này tôi mới biết. Nó là lý lịch danh giá, là cái đáng để khoe, nhiều người vỗ ngực khoe nó suốt đời, nhưng chưa khi nào Lý Hải Châu kể cho tôi nghe những gì anh đã làm, đã trải qua.

Chỉ riêng một lần tôi đến chơi thì thấy anh nằm liệt. Hỏi thăm thì anh cầm tay tôi đưa lên đỉnh đầu mình. Tôi sờ thì thấy có một chỗ mềm xèo - đó là mảng xương sọ bị vỡ.

- Kỷ niệm Côn Đảo. Chúng nó đánh bằng dùi cui cao su đặc. Thế mà vỡ đấy.

Không phải anh chỉ làm công việc phục hồi những tác phẩm giá trị trước cách mạng bị coi rẻ. Anh còn quan tâm việc đưa người đọc đến với văn học thế giới. Nhiều tác phẩm kinh điển của các tác giả nước ngoài do các nhà văn rành ngoại ngữ dịch là sáng kiến của anh. Bằng cách đó anh nâng đỡ anh em bị cấm xuất hiện trên văn đàn có công ăn việc làm.

Dịch giả Dương Tường nói về Lý Hải Châu:

- Tôi với anh Châu quen nhau từ những năm 1960. Chúng tôi gắn bó với nhau, vừa là cộng tác viên vừa là bạn bè. Những cộng tác viên thuộc loại người không được chính quyền sử dụng nhờ thế mới có tiền để sống. Các anh Trần Dần, Lê Đạt cũng được anh ấy thu xếp cho có việc làm, dù vẫn phải ký tên khác. Cuốn Những người chân đất do Trần Dần dịch đã ra đời trong hoàn cảnh như thế.

Xét cho cùng, trong hoàn cảnh gò bó, xét nét, về cái gọi là “tính tư tưởng” của nền văn nghệ quan phương mà làm được như Lý Hải Châu đã tốt lắm. So với việc ra sách ở miền Nam thời Việt Nam Cộng hòa thì công việc anh làm chẳng thấm tháp vào đâu.

Từ Sài Gòn ra, tôi đến thăm anh, kể chuyện sách xuất bản trong ấy đa dạng thế nào, Lý Hải Châu thở dài:

- Tôi biết chứ. Tôi từng ở đấy mà…

Anh bỏ lửng, không nói tiếp.

*      *

*

Khi tôi ra tù, Lý Hải Châu tức tốc đến thăm tôi, mang cho tôi đường, sữa, thuốc bổ, và cả tiền. Tiền, tôi không nhận. Lương cán bộ, tôi biết, chẳng nhiều nhặn gì.

- Tôi chắc ông hiểu – tôi nói khi đến thăm Lý Hải Châu - Tôi không phải người cổ, nhưng tôi giữ lề xưa. Ông đến tôi ba lần, người trên ông có thể trách ông, nhưng ông không ngại họ, vẫn giữ tình bằng hữu trước sau như một. Sau ba lần ông đến, thì bây giờ tôi đến. Không ai có thể nói tôi vừa ra tù đã chạy đến các quan chức.

Lý Hải Châu cười:

- Ông vẫn là ông mà tôi biết.

Anh mất khi tôi ở xa. Nhờ một bạn facebook, tôi gửi được một vòng hoa viếng bạn. Tôi yêu Facebook thêm một chút vì chuyện này.

Anh ra đi như một người không tên tuổi.

Với tôi, Lý Hải Châu là một người hùng.

Anh đã làm công việc anh thấy phải làm, không thể không làm, trong giới hạn của thời thế.

Tuy không làm được nhiều như anh mong muốn, nhưng không buông tay, anh đã làm, không phải vì mình, mà vì mọi người.

Có một người bạn như anh, tôi hạnh phúc.


Paris, tháng 6. 2020

Vũ Thư Hiên


___________________________________________________

[1] Tiếng lóng: chết, hỏng hẳn.

[2] “Các ông ấy” là chỉ các vị lãnh tụ đảng, những người nắm toàn quyền với mọi sản phẩm văn chương, cấm hoặc cho phép.

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss