Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Người khách xuống ga Tháp Chàm

Người khách xuống ga Tháp Chàm

- Nguyễn Thị Kim Thoa — published 29/08/2018 09:26, cập nhật lần cuối 29/08/2018 09:26

NGƯỜI KHÁCH XUỐNG GA THÁP CHÀM.


Nguyễn Thị Kim Thoa

Tôi gọi cậu ta như thế, bởi vì không biết cậu tên gì. Tôi gặp cậu tình cờ trên một chuyến tàu suốt Hà Nội - Sài Gòn. Tôi lên ga Đà Nẵng. Khoang số 6, giường nằm số 2 tầng giữa, cậu ta đã ở đó, giường số đối diện. Cậu xuống ga Tháp Chàm, chúng tôi là bạn đồng hành trên một đoạn đường chừng bảy trăm cấy số, trong một khoảng thời gian chừng mười bảy tiếng đồng hồ. Cậu xuống ga lúc nào tôi không biết, nhưng từ đó đến nay – chừng 25 năm, hình ảnh người thanh niên xấu trai nhưng đôi mắt tinh anh, kiên nghị mà hiền từ thỉnh thoảng trở lại trong ký ức tôi với tình cảm tốt đẹp.

Vào những năm 1993-1997 tôi thường vào ra, ra vào Đà Nẵng - Sài Gòn, Sài Gòn - Đà Nẵng do đang theo học một lớp chuyên khoa ở đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh. Phương tiện đi lại của tôi lúc bấy giờ là tàu hỏa (xe lửa).

Gần mười năm sau thời mở cửa (1985) nhưng phương tiện giao thông đường sắt còn rất phức tạp. Thông thường tôi phải mua vé trước nửa tháng; vào dịp tết hay dịp lễ phải đặt mua vé trước cả một hoặc hai tháng. Đối với tôi là như thế. Nhưng đối với người khác thì không như thế: đến ga là có vé ngay vì có đường dây mua lậu.

Trong một chuyến đi từ Đà Nẵng vào Sài Gòn, khoảng cuối tháng sáu, thời điểm của mùa thi đại học, hành khách đi tàu rất đông. Tôi mua vé giường nằm, tầng hai trong một khoang có sáu giường, giờ khởi hành là 8 giờ sáng. Ra ga mới biết tàu trễ chuyến, chuyến tàu SE1 từ Hà Nội vào chậm hai tiếng. Dưới thời tiết nóng bức ngày hè, ngồi lại tại ga tàu với cảnh người người qua lại và bao âm thanh hỗn độn không thoải mái chút nào. Giở tập sách đem theo để đọc cho qua thời gian nhưng không làm sao nhét vào đầu một chữ. Người mẹ trẻ và đứa con ba tuổi ngồi cạnh tôi cứ loay hoay với hai chiếc túi sách mang theo, hết mở ra rồi khóa lại, đứa trẻ liên tục ho và ói. Qua thăm hỏi tôi được biết hai mẹ con vào Sài Gòn để chữa bệnh cho cháu nhỏ. Từ Điện Hồng, một vùng quê của Quảng Nam, họ ra ga từ chiều hôm trước để sáng nay kịp lên chuyến tàu 8 giờ sáng, hai mẹ con đã qua đêm trên chiếc ghế dài. Tôi hỏi sao không vào bệnh viện Đà Nẵng để điều trị mà phải vào tận Sài Gòn. Chị ấy bảo bệnh viện Đà Nẵng đã điều trị 15 ngày, định bệnh là có khối u ở đáy mắt trái, nguy cơ gây mù cả hai mắt nên chuyển vào Viện Mắt Sài Gòn. Một thoáng màu vàng chất độc da cam hiện về trong tầm mắt của tôi.

Tàu đến lúc 10 giờ 10 phút. Tìm được số khoang và số giường của mình, tôi vội thu xếp hành lý ở góc trong cùng của chiếc giường tầng hai. Đúng là khoang giường nằm. Vì hành khách không thể ngồi trong khoảng cách từ tầng dưới đến tầng trên chừng 6 tấc. Người nằm ở tầng ba còn tệ hơn. Khoảng cách từ giường đến trần khoảng 5 tấc.

Trong khoang số 6 của tôi có 6 hành khách, hai giường tầng một là hai thanh niên độ chừng 30 - 35 tuổi, cả hai ăn mặc theo cách của thanh niên miền Bắc lúc bấy giờ: quần tây dài màu xanh bộ đội, áo sơ mi dài tay màu xanh nước biển đậm bỏ ra ngoài. Tầng hai bên kia, một thanh niên trạc chừng 25 - 27 tuổi mặc quần tây dài màu xám đậm, áo sơ mi màu lam tay dài bỏ vô quần và gài nịt da to bản, cậu ta có dáng vẻ người Miền Nam. Phía trên hai tầng áp mái (tầng ba) là hai thanh niên độ chừng 35 tuổi, mặc áo quần bộ đội màu xanh lá cây rừng, áo bỏ thụng ra ngoài. Cả bốn thanh niên ở hai giường áp mái và hai giường tầng một là một nhóm với nhau, họ chuyện trò, cười cợt thoải mái như chỗ dành riêng. Họ không có ý thức công cộng là gì. Bốn người như bốn pháo thủ, và hai ống điếu thuốc lào (điếu cày) mang theo trông như hai khẩu đại bác.

Đắp chiếc chăn mỏng, nằm quay đầu về hướng cửa sổ, đọc tập thơ Bùi Giáng đem theo để tìm giấc ngủ ngắn, nhưng tiếng máy tàu xình xịch, tiếng cười nói quá tự nhiên như không có ai của bốn anh thanh niên miền Bắc* cộng với những làn khói thuốc lào phun ra liên tục khiến tôi đau đầu và buồn nôn.

– “ Cô đưa cho cháu chiếc khăn mặt, cháu sẽ đi thấm ướt cho cô che mũi, tránh khói thuốc”. 

Cậu thanh niên ở giường tầng hai bên kia nói với qua phía tôi. Cậu bước xuống sàn, lấy khăn tôi đưa và đi ra ngoài. Tôi cảm thấy an lòng khi trong khoang có một thanh niên tử tế.

Khăn ướt giúp tôi bớt choáng váng, nhưng phần cơm trưa tôi không thể nhai nuốt được. Mùi thuốc lào vẫn đặc quánh trong bốn mét khối của khoang tàu với sáu con người.

Ăn cơm xong, bốn thanh niên miền Bắc trải tấm nylon lên sàn tàu, họ chơi bài tiến lên và hút thuốc lào. Hai ống điếu để hai bên như hai khẩu đại bác. Họ vừa đánh bài vừa thay nhau hít phả liên tục. Họ hét to khi thắng. Họ văng tục khi thua. Họ phun khói mù mịt. Họ vỗ đùi đôm đốp... Quả là họ rất sảng khoái. Còn tôi thì không thể tiếp tục chịu đựng, tôi bước xuống khỏi giường, đi ra hành lang để thở. Cậu thanh niên ở giường đối diện cũng ra hành lang với tôi. Cậu ái ngại nhìn tôi: 

– “Cô không sao chứ? Cô đưa khăn để cháu đi giặt và nhúng nước”.

Khi người trai trẻ trở lại, tôi cầm lấy khăn chà xát mặt mày, tóc tai và cả hai tay, chà đi chà lại như một kẻ tâm thần. Người thanh niên rời đi một lúc; mấy phút sau cậu đem về cho tôi một chai nước khoáng, Cậu nói: 

– “Cô uống đi, sẽ khỏe thôi”. 

Tôi uống nước. Quả nhiên mấy phút sau tôi bình tĩnh trở lại.

Tôi xấu hổ và tò mò nhìn rất sâu vào đôi mắt lấp lánh sáng và đầy tự tin của người trai trẻ. Tôi hỏi cậu có thể cho tôi biết đôi chút về bản thân được không? Người thanh niên trả lời cậu là người Ninh Thuận, có nhà ở sát cạnh ga Tháp Chàm, ông nội đã từng làm sếp ga thời Ngô Đình Diệm. Cậu đã từng học sử ở đại học sư phạm. Không có tiền đút lót nên không được đi dạy. Hiện cậu là nhân viên đường sắt. Nhà ngoại ở thành phố Hồ Chí Minh, quê nội ở Huế; làm công nhân đường sắt cũng có cái tiện là có thể đi lại đó đây mà không tốn kém lắm. Nghe người thanh niên nói nhiều về đường sắt, tôi sực nhớ đến một vấn đề đang làm xôn xao dư luận và làm tôi bận lòng: Tổng cục Đường sắt bán đầu máy xe lửa hơi nước để tại ga Đà Lạt theo giá sắt vụn. Tôi hỏi cậu có biết gì về tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt, và cậu có ý kiến gì về việc nhà nước bán đầu máy theo giá sắt vụn?

Như có dịp để giải tỏa bức xúc, người thanh niên nói một mạch:

– “Tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt là một trong hai tuyến đường sắt đặc biệt trên thế giới, một ở Việt Nam, và một ở Thụy Sĩ. Tuyến đường ở Việt Nam dài hơn, đi qua nhiều đèo dốc hiểm trở hơn. Tuyến đường sắt này được Công ty Đường sắt Đông Dương (Chemin de Fer de L’indochine) đặt mua bên Thụy sĩ. Công ty cũng thuê chuyên viên Thụy Sĩ qua điều khiển thi công. Tuyến đường sắt này dài 84km trong đó có 34km đường răng cưa, được xây dựng trong vòng 30 năm. Khởi công dưới thời toàn quyền Doumer năm 1902, đến năm 1932 mới hoàn thành. Lễ khánh thành tuyến đường này có vua Bảo Đại và Toàn quyền Pháp tạị Đông Dương tham dự. Ngoài chức năng vận chuyển du khách, tuyến đường sắt này còn là phương tiện chính chuyên chở rau quả từ Đà Lạt về ga Tháp Chàm, rồi từ ga Tháp Chàm phân phối đi Sài Gòn, Nha Trang, Đà Nẳng, Huế, Hà Nội... Nó hoạt động liên tục từ 1932 cho đến những năm 1967-1968 thì cầm chừng, và dừng hẳn vào năm 1972 do chiến tranh lan rộng”.

“Sau 1975, chính xác là vào tháng 8.1975, trong khi trùng tu đường sắt thống nhất Bắc - Nam, Tổng cục đường sắt Việt Nam tháo gỡ các đường ray răng cưa bán sắt vụn, đầu máy hơi nước tiếp tục bỏ hoang phế ở ga Đà Lạt. Đến năm 1990 công ty DFB (Dampfbahn - Furk - Bergstrecke) của Thụy Sĩ đi tìm đầu máy và các chi tiết đường sắt răng cưa mà Thụy sĩ đã chế tạo. Việt Nam đã bán cho công ty trên toàn bộ đầu máy hơi nước và các chi tiết đường sắt răng cưa còn lại với giá sắt phế thải. Toàn bộ tuyến đường sắt có một không hai này biến mất khỏi Việt Nam. Phía Thụy Sĩ đem số “sắt vụn” này về sửa chữa, lắp ghép thành tuyến du lịch đường sắt răng cưa xưa cổ Fufka - Bergstrecke, nơi thu hút nhiều khách tham quan du lịch của châu Âu”.

“Chắc cô cũng đồng ý với cháu là không nên bán đầu máy xe lửa răng cưa. Chính quyền chỉ nghĩ đến việc thống nhất Hà Nội - Sài Gòn mà không có Đà Lạt. Chính quyền cũng chỉ chú ý cái lợi trước mắt mà không nghĩ tới lợi ích lâu dài. Và vấn đề không chỉ có kinh tế mà còn cả văn hóa”.

Thấy người thanh niên có khuynh hướng mở rộng đề tài, tôi hỏi tiếp:

– “Chú ý đến lợi ích lâu dài và mục tiêu văn hóa, phải chăng cháu nghĩ đến phạm vi tổng quát là đường lối cai trị và xây dựng đất nước của đảng Cộng sản?”

Người thanh niên nhìn tôi với một chút thăm dò. Lúc sau anh nói nhỏ và kiêm định:

– “Đúng như thế, thưa cô. Người Cộng sản chỉ nghĩ đến mục tiêu trước mắt là lợi ích cho cá nhân và đảng của mình. Cô thấy đó, bốn người khách cùng khoang với chúng ta là kết quả đào tạo của chế độ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa. Không ai ở với họ được cả. Phải chăng nãy giờ đứng ở đây là chúng ta đang di tản?”

Tôi giật mình khi nghe người thanh niên nói lên một sự thật mà tôi chưa từng nghĩ tới. Tôi nói với cậu ta rằng là nếu cả dân tộc mà di tản hết thì còn ai để thay đổi chế độ, bảo vệ và phục hưng đất nước?

Người thanh niên với giọng chắc nịch đầy tự tín nói tiếp với tôi rằng là: “Cô đừng lo, ông nội cháu đã khẳng định rằng dân tộc Việt Nam như một lũy tre, gió bão có thể làm nó ngả nghiêng trong một thời đoạn, nhưng khi có thời cơ đến nó chắc chắn sẽ bật dậy vươn mình cùng trời xanh. Cháu không bao giờ di tản”.

Tôi bật cười, cùng cậu ta đi vào khoang, nơi bốn người thanh niên miền Bắc đang ăn bữa cơm chiều. Mùi khói thuốc và sự huyên náo nhố nhăng có dịu đi đôi chút. Tôi trèo lên tầng với lòng bớt nặng nề. Con tàu tiếp tục xuôi Nam với câu chuyện “lũy tre bật dậy vươn mình cùng trời xanh sau cơn bão” của người trai trẻ đồng hành đã giúp tôi qua cơn bức xúc. Hơn thế nữa, tôi cảm thấy niềm tin và hy vọng nhen nhóm lại trong tôi...

Vào khoảng ba giờ sáng, cậu thanh niên Tháp Chàm lục đục thu dọn hành lý, bước xuống đi khỏi khoang, chừng 20 phút sau trở lại với một người đàn ông trung niên. Cậu nói với tôi:

– “Cô ơi, cháu đã thu xếp để cô đổi chỗ với bác trai này ở khoang số 4. Đến ga Tháp Chàm cháu phải xuống. Từ đấy vào đến Sài Gòn còn gần 350 km và đến hơn 5 hoặc 6 tiếng đồng hồ nữa. Cô một mình ở đây e không tiện”.

Người đàn ông trung niên vui vẻ nói với tôi bằng cái giọng Quảng nguyên xi:

– “Đòan bòa” con “goái” về một nơi với “nhao” tiện “sinh hoẹc” hơn”.

Sau khi giúp tôi chuyển chỗ, người thanh niên Tháp Chàm và người đàn ông xứ Quảng cười từ giã tôi và trở về khoang của mình.

Khoang số 4 nơi tôi được đổi chỗ chỉ toàn là phụ nữ, tôi gặp lại hai mẹ con người phụ nữ Điện Hồng đi chữa bệnh cho con, hai cô gái miền Trung đi thi cùng với hai bà mẹ đi theo. Tôi nhẹ nhàng đi vào giấc ngủ bù. Tàu đến ga Tháp Chàm lúc nào tôi không biết. Tôi không có dịp để nói lời cám ơn và lời chào tạm biệt người trai trẻ tôi không biết tên, nhưng thái độ, lời nói, tư tưởng của cậu ta đối với cá nhân tôi và đối với đất nước đã trở thành một phần tâm trí của tôi đến tận lúc này.

Những dòng ký ức này tôi muốn gởi đến người khách xuống ga Tháp Chàm để nối lại cuộc hội ngộ 25 năm trước. Tôi cũng muốn gởi đến những người trẻ tuổi trên khắp mọi miền đất nước để bày tỏ niềm tin và sự đồng tình ủng hộ cuộc đấu tranh chống bạo quyền của guồng máy cai trị chỉ biết cái lợi của cá nhân và băng đảng bất chấp quyền lợi tối cao và thiêng liêng của cả dân tộc.


Nguyễn Thị Kim Thoa




(*) Từ Miền Bắc tôi dùng ở đây phát xuất từ một thành kiến. Đến lúc này (2018) tôi vẫn chưa hết thành kiến đó.

Những người miền Bắc tôi gặp và tiếp xúc từ 1975 đến nay đa phần (tôi nói đa phần, tôi không nói tất cả) được đào tạo trong chế độ Xã hội Chủ nghĩa. Tôi nói đào tạo, tôi không nói giáo dục. Miền Bắc trong những năm chiến tranh và trong hơn 40 năm thực thi chế độ Xã hội chủ nghĩa trên toàn đất nước chỉ đào tạo công cụ chứ không giáo dục Con Người. Những công cụ này trung thành với chế độ, bám chế độ để sống, để vinh thân phì gia. Họ chỉ biết có đảng Cộng sản và cái bụng tham lam vô đáy của mình. Họ không màng đến đất nước dân tộc. Họ không biết giá trị làm Người là Tự do, Công bình và Nhân ái. Họ xem người Miền Nam là kẻ đáng ngờ và là đối tượng khai thác, lợi dụng. Những người Cộng sản này đối xử với nhau như kẻ thù trước bất cứ mục tiêu quyền lợi cạnh tranh lớn nhỏ nào. Họ xem thường công lợi và ý thức công cộng. Đích thực họ là sản phẩm của chế độ Xã hội Chủ nghĩa.

Hồi 1954 có khoảng gần một triệu người Miền Bắc di cư vào Nam, đa phần là tín đồ Thiên Chúa giáo. Những người Miền Bắc này không để lại trong lòng người Miền Nam lúc bấy giờ những thành kiến nặng nề như kinh nghiệm của người Miền Nam sau 1975.

Sự khác biệt này phải chăng là do ý thức hệ Cộng sản được thể hiện qua sách lược đào tạo công cụ của chế độ Xã hội chủ nghĩa?


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss