Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Người tài

Người tài

- Vũ Khoan (1937-2023) — published 23/06/2023 14:25, cập nhật lần cuối 24/06/2023 17:29
Kèm theo đôi dòng của nhà báo Vũ Kim Hạnh



NGƯỜI TÀI


Vũ Khoan


LTS. Nhà ngoại giao Vũ Khoan (1937-2023) vừa từ trần ngày 21.6.2023. Ông đã lần lượt làm phiên dịch, vụ trưởng rồi thứ trường Bộ ngoại giao, Phó thủ tướng và Bộ trưởng bộ Thương Mại, ủy viên ban Bí thư Trung ương (xem tiểu sử ở Wikipedia). Ông có công lớn trong quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại Việt Mỹ, quá trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Ông để lại nhiều bài viết, trong đó bài Người tài cho thấy hành trình và nhân cách của một nhà ngoại giao xuất chúng.


vk1


Tôi không phải người tài nhưng được người tài sử dụng. Là phiên dịch, tôi được tiếp xúc và học hỏi nhiều ở các tiền bối như Bác Hồ, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp…

Tôi đã lăn lộn trong ngành ngoại giao 45 năm trời, từ năm 1955 đến năm 2000. Nếu kể cả thời gian sang Bộ Thương Mại (một phần cũng làm ngoại giao kinh tế) và tham gia lãnh đạo Đảng, Nhà nước (được phân công phụ trách công tác đối ngoại) thì trọn cả đời làm ngoại giao.

Tôi khởi đầu ở phòng phiên dịch tại Bộ Ngoại giao, đi dịch cho lãnh đạo bộ và các vụ, phục vụ các đoàn. Lúc đầu tôi dịch cho tùy tùng, kể cả đầu bếp của các đoàn, sau dịch cho các đoàn viên rồi mới tới các lãnh đạo. Dưới thời Pháp thuộc, người ta gọi phiên dịch là "ông thông ngôn", chuyên bám gót ông tây bà đầm, do đó người dân coi là tay sai của thực dân và rất khinh rẻ. Dưới chế độ ta, tuy nhiều người không còn nghĩ như vậy song thực ra cũng chẳng coi trọng lắm. Có người còn cho rằng nghề này khó gì đâu, người ta nói sao cứ dịch ra làm vậy là được. Phiên dịch chỉ ăn theo nói leo, nhiều khi chỗ ăn chẳng có, chỗ ở cũng không, khi khách ăn mình phải dịch, giờ nghỉ có khi ngồi ngoài gốc cây, bờ biển, đường thăng tiến chẳng có.

Nhưng tôi tâm niệm cái nghề này rất quan trọng. Phiên dịch viên là cầu nối với các nước khác. Nếu cái cầu ấy ọp ẹp, bấp bênh, ván lát rơi ra thì quan hệ quốc tế có thể "thụt chân" chứ chẳng chơi. Cái cầu ấy mà vững chắc, qua lại thông thoáng thì sự giao lưu giữa các dân tộc tốt đẹp hơn. Đấy là đối với xã hội, còn đối với bản thân, nghề này cũng rất hay. Một là, anh có được công cụ rất quan trọng để tiếp cận với văn hóa, văn minh của các dân tộc khác. Hai là, anh có điều kiện tiếp xúc với rất nhiều giới, tiếp cận nhiều vấn đề khác nhau. Ba là, anh có dịp đi thăm nhiều nơi, nhiều nước, mở rộng tầm nhìn, được "gặp nhiều VIP" theo cách nói bây giờ.

Bản thân tôi đã có dịp phục vụ và quen biết với tất cả các nhà lãnh đạo đất nước thuộc "thế hệ lập quốc" và học hỏi được nhiều điều. Có thể nói không ngoa rằng, sở dĩ tôi tiến bộ được một phần quan trọng là do được "gặp mặt, bắt tay" với nhiều nhân vật như tất cả các tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên xô, từ Khrushchev cho tới Brezhnev, Andropov, Chernenko, Gorbachov. Tuy không dịch tiếng Trung nhưng do đi theo các đoàn cấp cao nên tôi đã từng gặp mặt Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Đức, Chu Ân Lai và cả "bè lũ bốn tên" nữa. Rồi Kim Nhật Thành, Fidel, Che, Raoul của Cuba, các nhà lãnh đạo Đông Âu và phong trào cộng sản công nhân quốc tế.

Rồi tôi trưởng thành lên được vì đã được giao những công việc khó và đòi hỏi cao. Vào cuối những năm 1980 thế kỷ trước, khi là vụ trưởng rồi trợ lý bộ trưởng, tôi đã được ông Nguyễn Cơ Thạch lúc đó là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao giao cho nhiều việc "trái khoáy" buộc tôi phải vượt qua chính mình. Những thử thách ấy buộc tôi phải học tập, nghiên cứu, đi vào cuộc sống, từ đó trưởng thành. Kiến thức và kinh nghiệm thâu lượm được đã giúp tôi đỡ lúng túng khi giữ các cương vị trái nghề như khi được bổ nhiệm vị trí Bộ trưởng Bộ Thương Mại.

Sau này, nghĩ về việc dùng người, theo tôi có thể nhìn từ bốn góc độ.

Thứ nhất, phải trả lời được câu hỏi: ta có thật lòng cần họ không và cần những loại nhân tài nào? Có người nói, khi đã cầu hiền tức là thừa nhận mình dốt, vậy điều trước hết là phải chấp nhận người ta giỏi hơn mình cái đã.

Thứ hai, đã cầu hiền thì phải tạo môi trường, điều kiện cho người ta cống hiến bằng cách giao cho họ những công việc có giá trị đích thực, đòi hỏi gay gắt và đánh giá đúng công việc họ làm vì người tài thích được đòi hỏi, thậm chí đòi hỏi khắt khe.

Thứ ba, cần có sự đãi ngộ thỏa đáng. Người tài thường không đòi hỏi vật chất nhiều đâu mà điều quan trọng hơn với họ là sự tôn trọng, công bằng.

Thứ tư, phải rộng lượng vì người tài hay có tật. Nếu vì tật nhỏ mà rũ bỏ thì thật hoài phí - những tật không ảnh hưởng tới công việc, không trái với nhân cách làm người, chẳng hạn tật hay cãi. Các cuộc họp mà không có người cãi thì chán lắm, đã dám dùng người tài thì phải chịu nghe họ.

Một khía cạnh nữa về nhân tài còn ít được đề cập đúng mức. Đó là bản thân nhân tài phải có hoài bão, phải dấn thân, ham mê học hỏi, tìm tòi, sáng tạo, sống lương thiện chứ không nên chỉ đòi hỏi một chiều ở xã hội. Ai cũng thế thì lấy đâu ra nhân tài để làm cho đất nước giàu mạnh, từ đó có khả năng đãi ngộ xứng đáng nhân tài?

Tôi cứ ngẫm nghĩ mãi. Ta cứ nói ta "là lương tri của thời đại", nhưng sự thật thì nhiều việc, nhiều người chưa thể hiện được điều đó. Nhiều người đã đánh mất "gene xấu hổ". Làm hỏng việc không xin lỗi, không từ chức, ra đường thì chen chúc, phóng uế bậy bạ, thấy hoa đẹp thì vặt bẻ không thương tiếc, người ta gặp tai nạn thì xông vào hôi của, quan chức thì tham nhũng vơ vét, "văn hoá phong bì" tràn lan, tệ "chạy" lây lan sang mọi lĩnh vực. Do đó, không nên nói quá nhiều những chuyện cao xa mà hãy học làm người tử tế đã. Tôi hay khuyên các cháu thanh niên rằng, trước hết hãy cố nói chứ đừng chửi thề, nhặt rác chứ đừng vứt rác, trồng cây chứ đừng chặt cây, đi chứ đừng chen lấn. Không làm người lương thiện thì khoan nói đến chuyện lý tưởng, hoài bão.

Giá trị sống thay đổi theo thời gian, hoàn cảnh, giai tầng, nhưng có những giá trị vĩnh cửu được gọi chung là cái thiện, cái tử tế, cái con người, trong đó tôi trân trọng nhất là lòng tự trọng. Tôi sợ nhất, thậm chí ghê tởm nhất những người không biết tự trọng, quỵ lụy, cúi mình nịnh nọt, chạy chọt và tệ hơn nữa là làm hại đồng loại để mưu lợi cho mình. Thật đau buồn thấy bây giờ sao lòng tự trọng bị đánh mất nhiều thế. Ai đời Đại hội Đảng cũng phải thốt lên trước tình trạng chạy tràn lan: chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, huân chương. Thực ra danh mục "chạy" còn dài hơn nhiều, kể cả chạy nghi thức và đất mai táng nữa. Đáng buồn nhất là cái cơ chế sinh ra nạn "chạy" vẫn tồn tại và đáng trách nhất là những người đáp ứng sự chạy chọt đó. Chính những người ấy cũng đã để mất lòng tự trọng một khi hạ mình sánh vai cùng với những kẻ chạy.

Có người hỏi tôi rằng, khi về nghỉ hưu, ông hối tiếc điều gì nhất. Tôi nghĩ điều hối tiếc nhất là có những chuyện sai trái rõ mười mươi mà mình không làm gì được để đẩy lùi nó, như vậy là mình thiếu dũng khí, thậm chí còn hèn.

Nhìn bề ngoài hoặc xem lý lịch thì có vẻ đời tôi thuận buồm xuôi gió, nhưng thật ra không phải vậy. Tôi cũng đã từng trải qua biết bao thử thách, thậm chí bị trù úm, gièm pha đủ điều chứ đâu có sóng yên biển lặng. Nay nhìn lại thấy rợn tóc gáy, nhiều khi tưởng như không thể vượt qua nổi. Còn sức mạnh nào đã giúp tôi vượt qua thì tôi đã nói rồi: bất luận thế nào "mình vẫn là mình", tự trọng, không quỵ lụy luồn cúi.

Chữ tài đi với chữ tâm là vì thế. Dù anh là ai, tài đến đâu cũng phải biết lượng sức, đừng bao giờ nghĩ mình là người không thay thế được. Tôi luôn tâm niệm: "Không nên biết cách lên", nhưng nhất định phải "biết cách xuống" đúng lúc và đúng cách.

Vũ Khoan


PS

Vũ Kim Hạnh


Dù bài đã dài, cho phép tôi được viết thêm đôi câu.

Ông có người vợ tâm đầu ý hợp. Bà là Hồ Thể Lan, “ người phát ngôn Bộ ngoại giao ” trong 9 năm từ 1987 đến 1996. Những năm ông bà đã về hưu, tôi thỉnh thoảng đến nhà thăm. Có  lần, bà kể vui. “ Hồi ấy, mình bị viên chức ngoại giao Bắc Triều Tiên làm căng đến cùng về bài của Kim Hạnh trên báo Tuổi Trẻ (năm 1989, mình kể chuyện cuộc sống ở nước này khi đi tham dự Festival Thanh Niên tổ chức tại Bình Nhưỡng). Về nhà, mình hỏi anh Vũ Khoan, cô ấy là ai ? Rồi sau này gặp cô ấy đây. Nhớ hồi đó, mình với anh Vũ Khoan đọc bài, cùng cười ghê lắm nhé. Mình kêu, cái cô nhà báo Sài Gòn này. Sao mà ...viết đúng thế, haha ”.


vk2
Ông Vũ Khoan và bà Hồ Thể Lan (con gái bác sĩ Hồ Đắc Di)


Tuy tuổi anh cao hơn tôi nhiều, nhưng anh quen biết ông xã tôi, anh Nguyễn Kiến Phước (có lúc anh Vũ Khoan nói đùa, những lần đi công tác nước ngoài cùng nhau, cái ông báo Nhân Dân ấy hay cho tôi thuốc lá lắm đấy) nên anh yêu cầu tôi gọi bằng anh.

Báo chí kể chuyện là, ông từng nói vui rằng trong những trang của đời mình, ông gặp nhiều “ dấu phẩy ”, chỉ là dấu phẩy thôi mà có khi đưa ông sang bước ngoặt mới. “ Dấu phẩy ” đầu tiên là trở thành nhà ngoại giao do được phân công, trong khi ông luôn mong muốn trở thành một kiến trúc sư.

Dấu phẩy thứ hai là đang làm ngành ngoại giao, ông lại được cử làm Bộ trưởng Bộ Thương Mại. Khi ấy, bà bảo : “ Ông đi chợ cho gia đình còn chả biết mà giờ lại đi chợ cho cả nước thì chết à ? ”.

Một câu tương tự như vậy, tôi có nghe thật.  Vài ngày sau khi ông  trở thành Bộ trưởng Bộ Thương Mại (từ ngày 28/1/2000), tôi đến thăm, chủ yếu để chia sẻ nỗi buồn tôi đoán là ông đang trải qua. Tôi chào mà chẳng dám hỏi han gì. Nét mặt ông buồn khó tả. Ông nói, mình đang làm ngoại giao nay lại sang làm thương mại. Nào có biết mua bán gì đâu ?...

Vũ Kim Hạnh


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss