Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Nguyễn Hưng Quốc và những vấn đề quanh bài thơ CON CÓC

Nguyễn Hưng Quốc và những vấn đề quanh bài thơ CON CÓC

- Nguyễn Trọng Văn — published 22/11/2007 15:57, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19


 

 NGUYỄN HƯNG QUỐC, 
và những vấn đề quanh bài thơ “CON CÓC”

                                                                          



                                                                                                    Nguyễn Trọng Văn



 

Con cóc đối với tôi có nhiều kỷ niệm và cũng gây không ít thắc mắc. Hoài niệm trước tiên về cóc liên hệ tới câu “Cóc khô !” mà thám tử Kỳ Phát hay nói trong trong khi điều tra một vụ án; liên tưởng lan man làm tôi nhớ tới Gói thuốc lá, Hổ nhớ rừng, tới Thế Lữ, tới phong trào thơ mới... Con cóc cũng làm tôi suy nghĩ vì đôi khi gặp xác cóc chết ngoài đường, tôi tự hỏi bị xe cán hay bị người ta đánh chết, loài người ghét cóc như thế sao ? Bị ghét bỏ, coi là vô tích sự như thế nhưng lại có những thứ thuốc, thứ cháo gọi là bột cóc cháo cóc mà tôi có dịp “thử nghiệm”..v..v.. Nhiều thắc mắc vơ vẩn cứ ẩn hiện trong óc. Liên tưởng tự do lôi kéo tôi (kiểu tâm viên ý mã) đi khắp nơi cho tới khi một vấn đề nẩy sinh, một vấn đề như mọi vấn đề nay bỗng trở thành vấn đề “gốc”, “quan trọng” không giải quyết không được.

Bài này gồm hai phần, phần một là một giới thiệu ngắn gọn có tính phương pháp luận nhằm làm sáng tỏ “vấn đề” là gì, xử lý vấn đề, đánh giá một vấn đề như thế nào...Phần hai gồm những vấn đề được đặt ra và chờ giải đáp từ bài thơ con cóc của Nguyễn Hưng Quốc.

   

PHẦN MỘT

1.Thế nào là một vấn đề ? 

Tôi hiểu vấn đề (problème) theo hai nghĩa : a) vấn đề là một đề tài, một lãnh vực (vấn đề giáo dục, vấn đề doping trong thể thao, vấn đề tham nhũng...), b) một bài toán, một sự cố, một chướng ngại, lù lù xuất hiện cần được giải quyết thì mới tiếp tục đoạn đường được (xe đang chạy ngon trớn trên đường đi Vũng Tầu bỗng chậm lại rồi dừng hẳn. Vấn đề gì đây ? Cán đinh ? Hết xăng ? Bugi đóng chấu ?) Vấn đề theo nghĩa (b) chỉ là một khía cạnh cụ thể của vấn đề theo nghĩa (a). Hai khía cạnh khác nhau nhưng có liên hệ với nhau : trong khi đọc vấn đề giáo dục (theo nghĩa a) tôi thấy một số vấn đề như thi trắc nghiệm, dậy lôgích học bằng máy tính (theo nghĩa b) Ngược lại trong khi nghiên cứu vấn đề phá thai trong giới trẻ dưới 20 tuổi (theo nghĩa b) tôi lại phải đặt nó trong bối cảnh vấn đề giáo dục giới tính, yêu cầu mới của đời sống hiện đại, cái bình thường và bất bình thường trong lối sống...(theo nghĩa a). 

2.Thành ra, phân tích vấn đề là thế nào ? (vấn đề theo nghĩa thông thường nói trên hay trong sáng tạo văn học nghệ thuật) 

Đó là : 

a) Phân tích những tiền giả định (điều kiện) để công việc chạy tốt, P=P.

b) Phát hiện ra (những) mâu thuẫn khiến công việc không chạy, P= -P (À, hoá ra tại bugi đóng chấu !).

c) Tìm giải đáp cho vấn đề khiến P=P như trước, sau khi chùi hoặc thay bugi xe lại chạy ngon lành..[Trong ba khâu thì khâu (b) quan trọng hơn cả, nó đòi hỏi sự lựa chọn, quyết định còn các khâu kia chỉ là sự so sánh, đối chiếu, đặt giả thuyết..]

3. Khâu cuối cùng, xử lý vấn đề.

Dù vấn đề được hiểu theo nghĩa nào, có tính trừu tượng hay cụ thể, đơn giản hay phức tạp thì đầu óc, tư duy lôgích cũng hoạt động theo “lộ trình” như sau :

a) Vấn đề, bài toán đặt ra cho chủ thể (có thể là một người, một nhóm người, hoặc cả một dân tộc, một hay nhiều lục địa...) 

b) Thông tin về vấn đề. Sưu tầm, thu thập những thông tin liên quan tới vấn đề (người, sự việc, văn bản, người chứng, hình ảnh, báo chí, nhật ký ...)

c) Xử lý tin. Phân tích, tổng hợp, so sánh đối chiếu, xử lý những giả thuyết , những thông tin nhận được

d) Giải pháp. Tới đây có hai vấn đề nhỏ, nếu giả thuyết đúng, tìm ra giải pháp cho vấn đề.

Nếu sai thi phải loại bỏ và bắt đầu lại từ bước (a), bước (b), bước (c)....

 

PHẦN HAI 

 

1. Bài thơ con cóc của Nguyễn Hưng Quốc được đăng trong quyển Thơ v..v..và v..v..,, Văn nghệ, California, Hoa Kỳ, 1996, “Thơ Con Cóc” : Một bài thơ hay, tt. 39-53 : 

Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra
Con cóc nhảy ra 
Con cóc ngồi đó
Con cóc ngồi đó
Con cóc nhảy đi

Nguyễn Hưng Quốc viết “..dần dần tôi khám phá ra một điều là, trái hẳn những định kiến quen thuộc của chúng ta lâu nay, bài thơ Con cóc không chừng là một bài thơ hay ” (tr.41) 

Không chừng là một bài thơ hay hàm ý rằng cũng có thể là bài thơ không hay. Hay vì sao? Vì ngắn , dễ nhớ, gần với truyện tiếu lâm . Sau người đọc nhận ra bài thơ con cóc không phải là thơ hay cũng không phải là thơ dở nhưng, theo cách nói của Nguyễn Hưng Quốc, là bài thơ hay nhất trong việc mô tả cái dở. Điều thứ hai Nguyễn Hưng Quốc phát hiện ra cái hay không phải là mô tả con cóc mà là nói về con người, thái độ trịnh trọng chẳng đi tới đâu (trong hang, nhẩy ra, ngồi đó, nhẩy đi) Điều thứ ba, rất quan trọng, Nguyễn Hưng Quốc khái quát được công thức của cái khôi hài như sau : cái vô nghĩa + cái trịnh trọng = cái khôi hài. Cái khôi hài là một đề tài rất hay, trong đời thường, trong sex, trong văn học, trong triết học... nhưng chúng ta tạm thời “cho vào trong ngoặc đơn”(mượn chữ của Husserl) để nói về con cóc. 

2. Vậy là với ba phát hiện quan trọng Nguyễn Hưng Quốc hân hoan và vững tin ra đi thông báo tin vui cho mọi ngưới. Tuy nhiên lẫn trong sự hân hoan, tin tưởng là tính vội vàng, hay quên (mà toàn là những cái quên “rất ý nghĩa”). 

a) Anh nói rất đầy đủ, chi tiết về bài thơ dở (nhất) nhưng quên nói về bài thơ hay (nhất), anh em yêu thơ tại Việt Nam cũng đang bàn luận sôi nổi về vấn đề này, thế nào là một bài thơ hay (chưa nói hay “nhất”) ? Tôi linh cảm có cái gì không ổn trong quan niệm của anh về cái hay nhất và dở nhất. 

b) Phát hiện thứ hai của anh, mượn con cóc để nói về con người xem chừng là một phát hiện / khám phá mới mẻ, điều này làm tôi nghi ngờ. Chính Nguyễn Hưng Quốc cũng mượn con cóc để nói về con người, “những người muốn khoác lên cho mình những hào quang, muốn diễn dịch về cuộc đời thay vì dám sống thực cuộc đời...”. Biết bao văn nhân, thi sĩ – trong đó có Nguyễn Hưng Quốc – từng mượn cảnh, vật, người để gửi gấm lòng mình, chưa thấy ai tự cho mình đã phát hiện ra điều mới mẻ ! 

c) Về phát hiện thứ ba của Nguyễn Hưng Quốc, đúc kết sự khôi hài thành công thức xem chừng đây quả thực là một đóng góp rất đáng nể tuy nhiên, với tư cách một người biết lõm bõm vế triết học, tôi thấy công thức trên tuy không phải là “tầm thường” nhưng cũng chưa có gì là mới lạ, đáng nghiêng mình cúi chào như lối chào của người Nhật cả. Cái hạn chế lớn nhất khi áp dụng công thức trên là thiếu cái nhìn biện chứng : Nguyễn Hưng Quốc nói về nhân vật A, sự kiện B và ngay cả chính mình, như thể tất cả đều im lìm, không thay đổi. Sự thực mọi sự vật liên hệ lẫn nhau và đều trong quá trình chuyển biến. Về mối liên hệ phổ quát, phải nói rằng có những sự vật cố ý hoặc vô tình tách khỏi vùng phủ sóng của quy luật chung đó. Về sự chuyển biến cũng vậy. Điều đáng buồn / khôi hài / bi thảm là chính những người tưởng mình là tiên phong, tiền vệ, ngoại hạng không chừng lại là những đèn đỏ sáng chói.

3. Đang chạy ngon trớn bỗng lại gặp nhiều chướng ngại vật lù lù xuất hiện trước mặt, vấn đề gì đây ? Lần này coi bộ phức tạp hơn nhưng, xét cho cùng, vẫn xoay quanh vấn đề cũ.

 
 Vấn đề phương pháp

Điều rất bất ngờ là người đọc tưởng Nguyễn Hưng Quốc chỉ chủ yếu nói về văn học và những người làm văn học trong nước. Không, anh cũng nói về mình, về hoàn cảnh những người làm văn học ở hải ngoại, người đọc có càm tưởng anh đang khai thác tính hàm hồ (ambiguité) của chữ nghĩa :

Và cả chúng ta nữa, liệu chúng ta có thoát khỏi sự diễn dịch từ hành động bỏ nước ra đi của chúng ta để nhìn thẳng vào thực tế của cuộc đời ? Bài thơ con cóc nhắc nhở chúng ta một sự thật : cuộc đời là cái nó là chứ không phải là cái nó được nghĩ là. Bỏ hết những tính từ lộng lẫy, những diễn dịch đầy chủ quan, và do đó đầy ảo tưởng, cuộc đời nào cũng chỉ còn vài động tác căn bản, đại khái nhẩy vào, nhẩy ra. Ừ, thì cuối cùng cũng chẳng ra làm sao cả. Ở trong nước nhẩy vọt qua Indonésia, từ Indonésia nhẩy vọt qua Pháp, rồi từ Pháp lại nhẩy vọt qua Úc, tưởng làm được điều gì ghê gớm lắm, té ra, không, chỉ ngồi yên một chỗ với cơm áo, với nợ nần, với mộng tưởng, với nhớ nhung lan man, chờ một ngày lại nhẩy đi nữa (...) Ở câu cuối bài thơ đóng lại bằng một động từ không phương hướng để mở ra một không gian vô định : nhẩy đi. Đi đâu ? Ai mà biết. Chỉ nhẩy đi. Vậy thôi. Bể vô thường xá gì phương hướng nữa (Vũ Hoàng Chương)”, tt.47-48

Trước nhất cái “chúng ta” mà anh nói tới là chúng ta nào, chúng ta trong nước hay hải ngoại ; chúng ta thường dân, khuynh tả hay bất đồng chính kiến..,VIP, những người đang sống, đã chết, sắp chết, những người “phản chiến”, những “boatmen” ? Trong đó lại chia ra nhiều tiểu loại khác nữa... Vậy chúng ta nào ? 

Thứ hai, câu cuộc đời là cái nó chứ không phải là cái nó được nghĩ là, đúng là rất cao siêu trong mô tả... cái lẩm cẩm. Câu của Nguyễn Hưng Quốc khiến ta nhớ câu nói nổi tiếng của Hegel và Shakespeare. Hegel cho rằng cái gì có lý thì có thực, cái gì có thực thì có lý. Hay, cao siêu làm sao! Sự thật một người bình thường cũng thừa biết có nhiều cái có lý (những giá trị đạo đức, tôn giáo, chân thiện mỹ, hạnh phúc..) không hẳn có thực; và ngược lại, nhiều cái có thực rất vô lý, phi lý, đáng nguyền rủa (tội ác, xâm lược, nước tự nhận là văn minh nhưng mỗi người vẫn phải tự vệ bằng súng..) Shakespeare còn nổi tiếng hơn với câu : hiện hữu hay không hiện hữu, đó là vấn đề. Ông thi sĩ người Anh này cũng hay quên, hay lẫn lộn : hiện hữu hay không hiện hữu không phải là vấn đề (như con chó, con mèo, bông hoa ), chỉ hiện hữu hay không hiện hữu có ý nghĩa mới đáng là vấn đề. Vì, có những người sống mà như chết rồi, có người chết mà như còn sống, vì vậy điều quan trọng không phải là hiện hữu hay không hiện hữu mà là hiện hữu có ý nghĩa. Câu của Nguyễn Hưng Quốc đặc biệt hơn vì nó là một lối chơi chữ lộn ngược, “sáo, rỗng tuếch”: cuộc đời là cái nó là chứ không phải là cái nó được nghĩ là. Như vậy, theo Nguyễn Hưng Quốc, phải nhìn cuộc đời như nó là chứ không như cái nó phải là, được nghĩ là. Không biết tôi có đọc lộn, đọc sai ? Theo chỗ tôi biết, không ai có thể nhìn cuộc đời như cuộc đời, như là cái nó là, chúng ta chỉ có thể nhìn cuộc đời như cái nó phải là, được nghĩ là. Nếu có, chỉ có thể là ông Trời, người có thể thấy được cuộc đời ngay từ trước khi nó được đặt tên, có tên gọi nghĩa là có chữ viết, có ký hiệu, có văn bản. Chúng ta lại không phải là ông Trời nên chúng ta không có diễm phúc đó, chúng ta chỉ thấy cuộc đời qua cái nhìn, mơ ước, khát vọng... của con người (đời đáng chán hay không đáng chán, cuộc đời như thể lá đa, đời là phi lý, đời là bể khổ, đời là bể sướng, đời không khổ không sướng..v..v.. [Tôi mới được tặng một cuốn sách rất hay (dưới dạng bản thảo) có tựa : ĐỜI, trang trọng với những hàng mở đầu “Đời, c’est la vie, Tình, c’est l’amour, Tù, c’est la taule, L’histoire, c’est... l’histoire. Đời, c’est l’amour, Tình, c’est la vie, Tù, c’est l’histoire, Lịch sử, c’est sur la tôle.”] Với những người cho mình là ông Trời con không chừng có ngoại lệ. 

Thứ ba, đoạn này cũng là lạ : 

Ở câu cuối bài thơ đóng lại bằng một động từ không phương hướng để mở ra một không gian vô định : nhẩy đi. Đi đâu ? Ai mà biết. Chỉ nhẩy đi. Vậy thôi. Bể vô thường xá gì phương hướng nữa (Vũ Hoàng Chương)”, tt.47-48. 

Không biết con cóc hay Nguyễn Hưng Quốc đi đâu lại xớ rớ đứng giữa bùng binh vô thường coi chừng xe cán chết ! Thế mới biết nổi tiếng cũng có năm bẩy đường, Hegel và Shakespeare nổi tiếng vì mấy câu nói có tính triết lý lẩm cẩm còn Nguyễn Hưng Quốc nổi tiếng vì, nghe thiên hạ đồn, anh có khả năng nghe, nói, đọc, viết tiếng cóc rất thông thạo. Vì vậy mới có những tiền giả định (présupposition) quái gở như sau :

- Một con cóc. Nó ở trong hang, nó nhẩy ra, nó ngồi đó, nó nhẩy đi. Tuyệt đại đa số thiên hạ hiểu theo nghĩa này. Tôi nghi ngờ. Trên văn bản hoặc liên văn bản không có gì minh nhiên khẳng định có một hay nhiều con cóc ?

- Bốn con cóc. Một con ngồi trong hang, một con nhẩy ra, một con ngồi đó, một con nhẩy đi. Tôi cũng nghi ngờ. Không có gì khẳng định (hay phủ định) có phải 4 con hay không ?

- Tám con cóc. Một con ngồi trong hang (con thứ 5), một con nhẩy ra (6), một con ngồi ngồi đó (7), một con nhẩy đi (8). Điều này cũng đáng nghi ngờ, trên văn bản không thấy chứng minh là có tám con, dù rằng có thể là 8 con. Chúng ta dò dẫm như tác giả Discours de la méthode vậy.

- Một đàn cóc. Có thể cả một vương quốc cóc sống kỷ luật, trật tự, biết đoàn kết, thương yêu nhau như loài kiến, loài ong... Mới đầu tôi cũng nghĩ vậy sau tôi cực lực phản đối : óc của loài ong, loài kiến làm sao so với bộ óc loài người được. Có điều gì bí mật, khác thường ?

Một yếu tố bất thường, rất mới mà chúng ta không để ý tới là thời gian. Có con cóc nhẩy đi ; có con cóc rẽ phải, rẽ trái ; có con cóc nhẩy về hang ; có con ngồi nghỉ mệt rồi sau đó lại nhẩy đi, nhẩy về, rẽ phải rẽ trái... theo tự do của cóc. Nghe nói cóc cũng biết đọc Sein und Zeit, L’Etre et le Temps...

Tóm lại, bài thơ con cóc độc đáo không phải vì nó hay hoặc dở như Nguyễn Hưng Quốc phân tích, mà vì: 

   a) nó nhắc tới yếu tố thời gian, nói cách khác tới tính biện chứng và hệ luận của nó.

   b) ý nghĩa của bài thơ, oái oăm thay, lại chính là điều Nguyễn Hưng Quốc cố ý hay vô tình gạt bỏ, coi là khôi hài, vô nghĩa, trịnh trọng dỏm. Nói cho rõ : ý nghĩa thơ con cóc không tìm thấy nơi bản thân con cóc mà trong mối quan với thực tại bao quanh, thực tại này có thể có thực (thí dụ trận Điện Biên Phủ, đồi A1..) hoặc trong đầu óc, hoài niệm, chữ nghĩa... của nhà thơ, nhà văn (lá diêu bông, quê hương là chùm khế ngọt, bài thơ con cóc...) Vô nghĩa, khôi hài, trịnh trọng dỏm... đó là theo Nguyễn Hưng Quốc nhưng có thể có nhiều ý kiến khác, tuỳ không gian, thời gian khác như hệt những giả định về 4 con cóc nêu trên ? Những điều Nguyễn Hưng Quốc nêu ra chỉ là giả-vấnđề. Điều bi thảm với người trí thức là dù thành tâm vẫn không phân biệt được thực và ảo, thực tại ngoài đời và nhất là trong tâm trí mình. 

 *

 

Sau cùng có một vấn đề làm tôi suy nghĩ dù không liên hệ trực tiếp tới bài thơ con cóc, đơn giản chỉ là hai câu thơ lục bát bình thường “Con cóc là cậu ông Trời, hễ ai đánh nó thì Trời đánh cho”. Một ông bạn nói : luận về cóc mà thiếu chi tiết đó là có “vấn đề”. Tôi cãi lại : các nhà khoa học (nước ngoài) khảo sát nhiều loài cóc, nói về tập tính sinh hoạt, yêu đương, tỏ tình... của cóc mà không nhắc tới chi tiết / niềm tin đó không lẽ cũng thiếu sót, có vấn đề ? Tuy nói cứng vậy nhưng trong lòng cũng hơi nghi hoặc, tự trấn an : Nguyễn Hưng Quốc và tôi có bàn luận, có viết về cóc, thậm chí có ăn thịt cóc, nhưng cam đoan hai chúng tôi không hề đánh cóc. Về mặt văn bản, không câu chữ nào chứng tỏ có đánh hoặc không đánh. Tự nhiên liên tưởng đưa tôi từ con cóc nhẩy sang Shakespeare.  

                                                   Nguyễn Trọng Văn

                                                       11/2007


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss