Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Ngôi nhà thôn dã của Chateaubriand ở Vallée-aux-Loups

Ngôi nhà thôn dã của Chateaubriand ở Vallée-aux-Loups

- Võ Quang Yến — published 15/12/2014 22:57, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
 

NGÔI NHÀ THÔN DÃ CỦA CHATEAUBRIAND

Ở VALLEE-AUX-LOUPS


Bài và ảnh Võ Quang Yến


 

Từ 1803, chán ngấy ‘‘hành chính vô bổ’’, thất vọng trước tình hình chính trị, sau nhiều năm lặn lội bốn phương, chính khách François-René de Chateaubriand từng tỏ bày nguyện vọng chân thành, thiết tha được hưởng thụ hạnh phúc nghỉ ngơi, hưu trí trong ‘‘một lều rạ, cạnh một mảnh vườn tự tay mình chăm lo…’’ Sau một chuyến du hành ở Đông phương về, sau khi cho đăng ở Mercure de France một bài báo đả kích Napoléon, có người bảo cũng vì sợ vua trị tội, ngày 22 tháng tám năm 1807, ông cùng bà vợ Céleste ký mua một ngôi nhà giản dị ở xóm Aulnay. Xóm nầy thuộc khu đạo Châtenay, cạnh thị trấn Sceaux, nằm trong khu rừng nhỏ mang tên Vallée-aux-Loups (Thung lũng Chó sói), miền nam Paris, nay thuộc tỉnh Haut-de-Seine. Giấy bán ghi một căn nhà vững chắc gồm có ở tầng dưới bếp núc, phòng ăn, phòng làm việc, tầng trên bốn phòng, hai vựa lúa, một chỗ phơi trái cây. Ở tầng hầm có chuồng gia cầm, gà vịt, bồ câu, thỏ, bò, xưởng sữa, kho lúa. Ở ngoài có một chuồng gà lôi, một con bò sữa, một con lừa cái với chiếc xe bò, một vườn rau, một cái giếng, một vườn nho, một đồng cỏ, một khu rừng nhỏ nhiều cây… ’’



 

Tranh màu nước James Forbes 1817           Tranh bột hồ khuyết danh, khoảng 1800

Tuy ông Chateaubriand thú thật tiền mua nhà, tiền sửa sang biết sẽ rất nặng cho hai vợ chồng ông nhưng tháng mười 1807, họ vui lòng rời bỏ Paris để dọn về Vallée-aux-Loups trong ngôi nhà ‘‘đầy thợ đang đóng nện, vui đùa, ca hát,… sưởi ấm với những vỏ bào trong ánh sáng các ngọn nến’’. Một trong những cải biến đầu tiên là ông cho cất một cầu thang tàu thủy hai nhánh nhắc nhở những chuyến vượt Đại Tây Dương. Ông cho xây một cánh cửa cung nhọn hai bên có tháp con như một cung điện loại lâu đài Combourg nơi sống thời trẻ. Mặt tiền ngôi nhà nhìn ra công viên xa xăm là cổng vào lúc trước có một cổng sắt mang tên cổng Colbert, Jean-Baptiste Colbert (1619-1683) là chủ nhân thái ấp Sceaux năm 1683 đã mua tiếp thái ấp Aulnay. Để kỷ niệm chuyến đi Hy Lạp, ông cho trang trí mặt tiền nầy một cổng lớn với cột bằng đá hoa đen kèm hai bên hai tượng hình phụ nữ cariatide bằng cẩm thạch trắng. Qua các xây dựng nầy một niềm lưu luyến đã thoáng thấy trong cuốn Les Aventures du dernier Abencérage (Cuộc phiêu lưu của đứa con chót) : Aben-Hamet, hậu duệ cuối cùng dòng dõi, trở về lại nơi quê cha đất tổ, tìm ra chỗ cái chòi gia đình ngày xưa, nay là một ngôi nhà nông thôn hẻo lánh….


 

Cửa vào ở mặt hậu                                    Mặt tiền mở ra công viên

Công viên quanh nhà lúc mới mua chỉ rộng 15 arpent tương đương với 7,5ha. Trong tám năm liền, từ 1809 đến 1817, hai ông bà tậu thêm rừng sồi, rừng dẻ mở rộng diện tích hơn quá 80a. Họ cho cắt ngang một ngọn đồi nhỏ trước nhà để mở rộng đường vào. Ngày nay từ đường cái có hai lối dẫn lên đồi : một đường rải nhựa và một đường đất xuyên rừng. Lần đọc cuốn vở của bà Céleste Chateaubriand ghi chép công việc hằng ngày, sửa sang vườn tược, ta thấy ngay hai ông bà không trồng trọt bất cứ thế nào, Họ áp dụng những nguyên tắc căn bản từ thế kỷ XVII trong các vườn nước Anh. Họ cũng còn theo dõi tiến triển những vườn Pháp và những vườn Anh-Hoa rất thịnh hành cuối thế kỷ XVIII. Ví dụ để công viên có chiều sâu trong không gian, như trong những tấm tranh, họ cho trồng những nhóm cây to đằng trước. Nhưng không phải bất cứ cây gì vì đối với họ cây không phải chỉ để trang trí. Ông Chateaubriand du hành nhiều và muốn trồng những cây đã từng ngắm ở các phương trời xa : cây thông tuyết (cèdre) Liban và Virginie, cây thông Jérusalem, cây đinh tán (catalpa), cây bách (cyprès) sói, cây sồi rừng tía (hêtre pourpre), cây mộc lan (magnolia), cây thắng (laurier) Grenade… Ngoài những cây mua ở các vườn ương Cels hay Noisette, ông nhận được nhiều cây các bạn Natalie de Noailles, Claire de Duras đem lại biếu. Nhà thực vật học Humboldt bỏ công thương lượng với Aimé Bonpland, người làm vườn ở Malmaison để ông có được những mẫu cây quý. Ngay ông cũng thân hành lại Malmaison để nhận từ tay Hoàng hậu một mẫu mộc lan hoa tía mà bà Céleste tin là chỉ họ có, ngoài Joséphine.


 

Trái: Mặt tiền nhìn từ công viên; Phải: Cổng lớn đá hoa và tượng hình cariatide

Tuy ông Chateaubriand thường ví ngôi nhà của ông như một ermitage (ngôi nhà nông thôn hẻo lánh), một thébaide (nơi ẩn dật) hay một chartreuse (tu viện), hai vợ chồng cũng thường có khách, những bạn gần gũi : Clausel de Coussergues, Louis de Fontane, những bà de Vintimille, de Lévis, de Béranger, tu sĩ de Bonnevie,…toàn là dân quý phái. Hằng năm, họ gặp nhau ở đây ngày mồng 4 tháng 10 là ngày lễ Saint-François đồng thời kỷ niệm ngày ông vào thành Jerusalem năm 1806, thưởng thức những món ăn của tay đầu bếp Ménil. Cái mộng của Chateaubriand là hội họp được đông đảo bạn bè dưới mái lều của ông để ‘‘ thưởng thức hạnh phúc qua những câu chuyện lẩm cẩm, những nỗi vui trong cơn buồn bực, những lời đùa phản ảnh các tâm tình,…’’ Bà de Boigne ở thị trấn Châtenay kế cạnh từng kể ông rất vui thích khi có bạn khách đến thình lình ‘‘ Ông thốt lên một tiếng kêu vui mừng khi chợt thấy bạn qua cửa sổ và chạy ngay lại đón, mặt mày hân hoan như cậu học trò lúc bãi trường’’. Tuy nhiên, nhất là về mùa đông, hai ông bà thường hay về Paris để ông lo chuyện xuất bản sách, thương lượng với những tay cuồng tín của vương triều phá phách ông và, từ 1814, chú tâm đến tình hình chính trị, lắm khi ông xem là sở trường của mình. Đọc cuốn Mémoires d’outre-tombe (Ký ức thế giới bên kia), người ta có cảm tưởng như mỗi lần đi xa, ông nuối tiếc nơi nghỉ ngơi yên tĩnh. Thật ra, con người hai mặt, vừa thích lặn lội trong xã hội, vừa thích sống cô độc, ông thường phân vân giữa các vấn đề thời đại, có khi thất vọng và mong muốn rút lui về nơi cô quạnh, trong ưu tư sầu muộn. ‘‘Nếu dòng Bourbon lại lên ngôi, tôi chỉ mong họ cho tôi giàu thêm để thưởng lòng trung thành của tôi. Tôi sẽ tậu thêm vài ria rừng kế cạnh để mở rộng thêm lối đi dạo chơi, vì tuy mang danh du khách lang thang tôi có tác phong giu giú ở nhà như ông thầy tu…Thung lũng Chó sói trở thành một tu viện ! ’’


 

Nhìn từ công viên

Xa xa trong công viên, thấp thoáng trong lùm cây, có một ngôi nhà nhỏ hẹp hai tầng, ông gọi là Tháp Velléda, lấy tên từ truyện một cô trinh nữ tiên tri tộc celte, volva, nghĩa là ‘‘người biết thấy’’. Ông xếp đặt ngôi nhà thành thư viện, trang trí với những đồ vật, ngay cả những mảnh vụn gãy, mang về từ những chuyến du hành quanh Địa Trung Hải. Ông kể trong Itinéraire de Paris à Jérusalem (Hành trình từ Paris qua Jerusalem): ‘‘ Tôi về nhà với một mớ đá Sparte, Athènes, Argos, Corinthe, vài cái đầu người bằng đất nung, một chai nước sông Jourdain, một chai nước Tử Hải, vài nhánh sậy sông Nil, một mảnh cẩm thạch Carthage, một tượng thạch cao Alhambra,… ’’ Người có mắt mỹ thuật trước những vật linh tinh cổ hủ nầy sắp đặt trong một gian nhà sơn tranh thời Gaules diễn đạt mạnh mẽ, chan hòa nhạc Cymodocée trình bày duyên dáng thì không thấy có gì lố lăng, trái lại có phần hứng thú, theo cảm tưởng của bà de Chastenay. Năm 1810, ông có ý định sắp xếp một nhà thờ nhỏ ở tầng trên nhưng phải đợi ba năm sau mới thực hiện được. Hai mùa đông liên tiếp, ông sống biệt lập ở đây. Từ sáu giờ sáng, ông đã thức giậy bắt đầu làm vườn trước khi nhóm lửa đốt sưởi và ngồi vào bàn viết. Cuộc sống đơn độc ở Thung lũng Chó sói thấy ra thuận lợi cho ông để tĩnh tâm, để tự vấn lương tâm, để tự hỏi nên chú trọng đến lãnh vực nào trong số những đề tài ông đã đề cập : sử nghiệp anh hùng, bi kịch kinh thánh, truyện ký trữ tình, nghiên cứu lịch sử, ký ức một thời,…

Cây đinh tán catalpa                              Cây thông tuyết cèdre du Liban

Sinh ra ngày 4 tháng chín 1768 ở Saint-Malo, Chateaubriand lớn lên ở lâu đài Combourg, con út một gia đình mười anh chị em. Chính ở trong ngôi rừng tài sản sở hữu gia đình, qua ảnh hưởng của bà chị Lucile, ông sống lên trong môi trường thơ mộng. Sau khi học ở Dol, Rennes rồi Dinan, ông nhập ngũ vào trung đoàn Navarre (1786) trước khi được tiến cử vào Triều Versailles (1787). Có óc bài xích những phiến động cách mạng đầu tiên, ông tìm cách đi Mỹ (1791-1792), phát giác chính thể cộng hòa đang chớm nở, những ý tưởng có ảnh hưởng sâu đậm lên quan niệm chính trị sau nầy của ông. Về lại Saint-Malo, ông cưới bà Céleste Buisson de La Vigne được gia đình sắp xếp truớc khi nhập Đội ngũ những Vương công (Armée des Princes) (1792) tức là quân đội những kẻ đào vong sau Cách Mạng Pháp và bị thương ở cuộc vây hãm Thionville. Trốn qua Anh (1793-1800), ông cho xuất bản cuốn sách đầu tiên (1797) mang nhiều tham vọng : Essai sur les révolutions anciennes et modernes (Tiểu luận về những cuộc cách mạng xưa và nay). Sách không có nhiều tiếng vang nhưng biểu thị một sự suy nghĩ về thời đại, về lịch sử chủ chốt sau nầy trong các tác phẩm của ông. Năm 1800 ông bắt đầu viết cuốn Génie du Chistianisme (Tinh thần đạo Cơ đốc), xuất bản năm 1802 với giai đoạn René, cùng với cuốn trước, Atala, mở đầu cho con đường công danh cho ông. Để bắt đầu sự nghiệp chính trị ông được phái làm Thư ký tòa Khâm sai Roma (1803-1804) rồi ở Valais nhưng ông xin cáo từ khi được tin công tước Enghien bị xử tử (tháng ba 1804). Năm 1806, tìm kiếm tài liệu cho cuốn sử thi Martyrs de Dioclétien (Những người tuẫn đạo Dioclétien – tên nhà vua romain đã truy hại nhiều người Công giáo), ông đi một vòng qua Đông phương đến Đất Thánh đồng thời soạn thảo Itinéraire de Paris à Jérusalem (xuất bản 1811). Không có gì mới lạ trong cuốn sách hành trình của ông nhưng cuốn nầy được xem như là một cột mốc niên đại đánh dấu bước đầu loại sách hành trình lãng mạn không những về mặt văn chương mà còn về cách cấu trúc gài tác giả vào trong truyện.

Cầu thang tàu thủy hai nhánh

Chính vào lúc nầy (ngày 04 tháng bảy 1807) ông cho đăng ở Mercure de France bài báo lên án chính quyền chuyên chế của Napoléon và sợ liên lụy nên chạy về ở Vallée-aux-Loups. Năm 1814, ông cho đăng hai tập sách mỏng chính trị mở cửa chính trường lại cho ông. Sau khi theo gót vua Louis XVIII qua Gand trong thời gian ‘‘Một Trăm-Ngày’’, ông được phong bộ trưởng và tước Công khanh (1815). Năm 1816 nhân cho xuất bản Monarchie selon Charte (Quân chủ theo Hiến chương) chỉ trích sự giải tán ‘‘Chambre dite introuvable’’ (Viện dân biểu bảo hoàng cực đoan tháng mười 1815 - tháng chín 1816), ông bị cách chức, mất lương. Tiền vay để mua nhà chưa trả hết, ông cho in chín mươi vé để tổ chức một cuộc xổ số bán nhà, chẩng mấy ai mua, ông buộc lòng đem bán đấu giá trước là bộ sách trong thư viện (398 tác phẩm, 1772 cuốn), sau là ngôi nhà. Ông bạn Pierre-Simon Ballanche, người lo việc in sách cho ông, hết sức đau khổ: ‘‘Tôi thấy chuyện nầy không những đáng buồn mà còn là thảm thương. Chắc chắn là ông ghi tên ông vào mảnh đất nhỏ nầy nhưng ông không phải là người mặc cả tiếng tăm của mình’’. Sau đấy là năm tháng trôi giạt từ nhà nầy đến lâu đài kia : Montboissỉer, Lonné, Voré và sau cùng về ở một căn hộ ở Paris (1817).

Phòng khách

Ông đồng sáng lập tờ Le Conservateur (Bảo thủ), cộng tác hai năm (1818-1820) và tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ tự do báo chí đến 1824. Trong thời gian ấy, ông được bổ nhiệm Đại sứ ở Berlin (1821) và London (1822). Trở về Pháp, ông trở thành Bộ trưởng bộ Ngoại giao (1823-1824). Tạm dừng chính trị, năm 1826 ông ký giao kèo với nhà xuât bản Ladvocat để in toàn tập các tác phẩm của ông Œuvres complètes. Năm 1828, ông lại lên đường làm Đại sứ ở Roma (1828-1829) nhưng từ chối gia nhập chính quyền mới sau khi Charles X, ông vua dòng Bourbon cuối cùng sau Cách mạng (1825-1830), bị hạ bệ, ông lại về vườn nhưng lần nầy vĩnh viễn rời bỏ chính quyền. Năm 1834, ông đọc cuốn Mémoires d’outre-tombe tại nhà bà bạn tình lâu năm Juliette Récamier. Cuốn sách được đăng từng kỳ trên báo La Presse, chỉ xuất bản sau khi ông mất trong hai năm 1849-1850. Gồm có 12 tập, sách được trình bày qua bốn chương: tiểu sử, đường văn chương, đường chính trị, cuối đời và suy nghĩ về tương lai nước Pháp. Ông đã có viết trong cuốn Mémoires de ma vie (Kỷ niệm đời tôi) là trước đó ông không có ý nghĩ viết ký ức nhưng nhân một cuộc dạo chơi vào khoảng 1817 trong vườn, tiếng chim sáo hót nhắc ông nhớ lại thời trẻ và thúc đẩy ông viết. Mặc dầu nợ nần đủ thứ, sau khi đọc, báo chi khen ngợi đăng tải nhiều đoạn, ông không chịu cho in thành sách, chỉ vì một nguyên tắc danh dự, quan trọng đến nỗi ông hy sinh tuổi trẻ, cơ nghiệp, chức tước ước mong cả một thời Napoléon. Bạn bè của ông bèn lập hội, quyên tiền mua bản quyền, trả nợ cho ông, trợ cấp cho ông hằng tháng và đợi sau khi ông mất, như đã hứa, mới bán lại bản quyền trước cho nhà sách Delloye, sau cho tờ báo La Presse.



Chateaubriand. Trái: tranh Delphine de Custine 1804 ; phải: tranh Anne-Louis Girodet

Cuốn Mémoires d’outre-tombe, tác phẩm quan trọng nhất của Chateaubriand, được người đương thời đánh giá là kiêu ngạo trong mọi mặt văn chương, chính trị, ái tình, lắm khi làm khó chịu nhất là họ quá biết và phải chịu đựng con người cùng những điểm yếu của ông. ‘‘Một cuốn sách không có đạo đức’’ (George Sand). May cho ông là hậu thế khoan dung bỏ qua những chi tiết nhỏ mọn mà chỉ chiếu cố đến thiên tài của ông vì cuốn sách không chỉ là ký ức của một con người, nhận định của một đời người mà là lịch sử của một thế kỷ. Suốt đời, ông tự hào đóng vai trò hiệp sĩ bảo vệ một sự nghiệp tuyệt vọng, chứng kiến cuộc suy tàn của vương triều. Để bắt đầu là câu chuyện một quân tử nghèo như hàng ngàn người khác thế kỷ XVIII sống ở nước Pháp xưa, trong tập quán, phong tục tỉnh nhỏ đang bị thời gian lôi cuốn bước theo tiến bộ hay rơi vào suy đồi. Chàng quân tử đã khắc sâu vào tâm hồn một lối sống độc đáo tuy giản dị, có phẩm cách. Lối sống nầy theo dõi chàng suốt đời như biết bao người Breton, Malouin khác lao mình vào biển cả đi tìm xứ lạ, phiêu lưu trong hạnh phúc, tự do một cuộc sống hoang dã. Trở về lại Pháp, túi rỗng nhưng óc đầy cảm giác, ấn tượng, chàng lại bị lôi cuốn vào phong trào lưu vong, đem thanh kiếm phục vụ các bậc vương công. Chateaubriand là điển hình cả một xã hội quý tộc lúc ban đầu được thiên tài của Đệ nhất Tổng tài Bonaparte quyến rũ với hy vọng sự phục hưng chính thể quân chủ nhưng rời bỏ hoàn toàn sau vụ xử tử công tước Enghien.


Chateaubriand. Trái: tượng đặt trong nhà; phải: tranh dầu Pierre-Louis Deleval 1828

Cuộc lưu vong chấm dứt, những quý tộc trở về lại Paris, ít chăm chú đến tình hình quân sự, xem thường những tập quán mới dung tục, họp nhau lại vui chơi như lúc trước. Chung đụng với những ông nhã nhặn, những bà duyên dáng, ông Châteaubriand trở nên thuần tính, lắng dịu làm ngạc nhiên mọi người. Đau buồn vì mất bà mẹ và một người em, ông trở về lại với đạo giáo. Ông viết cuốn Atala, kể chuyện cô trinh nữ ở Louianne thà chết hơn là lấy chàng da đỏ Chactas và phải từ bỏ đạo của mình (1801). Rồi ông viết tiếp truyện René, được xem là một kiệt tác văn chương : khi bày tỏ ‘‘tai họa của thế kỷ ’’ vào lúc vương triều sụp đổ, cả một thế hệ thất vọng, mất hướng, rời bỏ mọi hoạt động, ông đặt chân vào phong trào văn chương của phái lãng mạn (1802). Ông bênh vực đạo lý và lý tưởng cao đẹp của đạo Cơ đốc đang bị triết lý ý tưởng Lumières (Ánh Sáng, phong trào trí thức ở châu Âu) và bão táp cách mạng tác động. Trong bối cảnh ấy, ông viết cuốn Génie du Christianisme, từ giữa 1795 đến 1799, xuất bản năm 1802 và trở thành nhà văn của đức tin. Vào dạo ấy ông làm quen với bà Juliette Récamỉer sau nầy trở thành mối tình trọn đời của ông. Trong cuộc du hành ở Đông phương ông lượm lặt tài liệu để khi về thì viết và cho xuất bản năm 1809 cuốn Martyrs (Những người tuẫn đạo) hay là chiến thắng của đạo Cơ đốc. Thời gian ở Vallée-aux-Loups là lúc ông viết Mémoires d’outre-tombe, một cuốn sách nội dung kéo dài gần ba mươi năm, dựa theo hai thời kỳ sự nghiệp của Napoléon : bắt đầu từ Tổng tài (Consulat) qua Đế quốc (Empire), rồi từ đệ nhất Phục hưng (Première Restauration), Một Trăm-Ngày (les Cents Jours) đến Cách mạng 1830. Cả một đoạn dài lịch sử nước Pháp.


Trái : Céleste de Chateaubriand, sơn dầu của Hippolyte B.Adam 1836
Phải: Juliette Récamier, tranh Nam tước Gérard 1802


Trong lần xuất ban đầu, cuốn Génie du Christianisme gồm cả hai truyện Atala René. Sách có một ảnh hưởng sâu đậm vào lịch sử những tư tưởng văn chương và tôn giáo ở Pháp vào thế kỷ XIX. Viết theo phong cách cổ điển nhưng với một năng lực cảm giác tiền lãng mạn, sách biểu dương những nguồn sáng kiến mới tương tự nghệ thuật gôtic hay những sự nghiệp anh hùng trung cổ. Trầm ngâm trước vẻ đẹp những phế tích điêu tàn ám ảnh một nỗi sầu muộn diệt vong, tác giả báo hiệu thị hiếu một phong cách lãng mạn. ‘‘ Làm sao diễn tả được hàng loạt cảm giác thoáng qua tiếp nhận trong những buổi dạo chơi ? Âm thanh những dục vọng vang dội trong khoảng trống một trái tim cô đơn xem như tiếng rì rào của gió và nước trong cõi im lặng một bãi sa mạc, ta hưởng thụ nhưng ta không sao miêu tả được. Thu bất thần đến với tôi vào giữa tâm trạng lưỡng lự ấy : tôi vui thích bước vào những tháng bão táp. Khi thì tôi muốn là một một chiến sĩ lang thang trong gió, trong mây, giữa các hồn ma, khi thì tôi thèm muốn khát khao thấu hiểu thân phận chú mục đồng đang sưởi nóng bàn tay trên đống lửa bụi rậm nhóm ở góc rừng. Tôi lắng nghe những bài hát u sầu của chàng, những bài hát nhắc cho tôi ở mọi nước bản hát tự nhiên của con người bao giờ cũng buồn sầu, ngay cả khi biểu lộ hạnh phúc. Tim ta là một cây đàn thiếu khuyết, một cây đàn lia thiếu dây, nơi chúng ta phải diễn tả nỗi vui trên âm điệu tiếng thở dài.


Tháp Velléda


Có ngày tôi lạc lối giữa những đám thạch thảo mọc đến ven rừng. Giấc mơ của tôi không cần nhiều ! Một ngọn lá khô được gió đẩy lại trước tôi, một túp lều thả khói vươn tỏa lên ngọn cây trụi lá, nhánh rêu trên cây sồi khẽ rung trong làn gió bắc, một khối đá bị tách rời, một mảnh ao có cây bấc tàn héo thì thầm ! Gác chuông nhà thờ đơn chiếc đằng xa trong thung lũng thường lôi cuốn mắt tôi ; cũng lắm khi cặp mắt tôi theo dõi đàn chim bay trên đầu. Tôi tưởng tượng phương trời không tưởng, khí hậu xa xăm nơi chúng đi tới, tôi hằng mong được ngồi trên cánh chúng. Một bản năng âm thầm làm tôi bứt rứt ; tôi cảm thẩy tôi chỉ là một người đi đường, nhưng một lời nói từ trời cao như muốn bảo tôi : Con người nhân chủng, mùa di cư của ngươi chưa đến đâu ; hãy đợi ngọn gió tử thần thổi dậy, lúc đó chàng sẽ giang cánh bay lên những miền không tưởng theo lời đòi hỏi của tim ngươi …’’ Và còn lãng mạn hơn khi Chateaubriand kêu gọi : ‘‘Nổi dậy đi, những cơn dông ước mong để rồi mang René vào những không gian một cuộc sống khác. Vừa nói tôi vừa rảo bước, mặt mày hừng hực, gió rít trong mái tóc, không còn nhận thức mưa bay, sương giá, hớn hở, băn khoăn và tưởng như bị con quỷ tim tôi ma ám. Ban đêm, khi cơn gió bấc làm rung ngôi nhà rạ của tôi, khi mưa rơi như thác trên mái nhà, khi qua song cửa tôi thấy mảnh trăng rạch những đám mây chồng chất như một chiếc tàu nhợt nhạt lướt sóng, tôi thấy tuồng như đời sống dồn dập ở đáy lòng tôi, tôi có đủ sức mạnh để sáng tạo những thế giới mới. Ô ! Giá chi tôi có thể chia sẻ với một cô nàng những rung cảm đang làm tôi đau khổ ! Ôi Chúa ! Giá chi Chúa ban cho tôi một cô gái như tôi ước mong ; giá chi, giống như ông cha thuỷ tổ của chúng ta, Ngài cầm tay dắt đến cho tôi một nàng Eve rút từ thân tôi… Nhan sắc tuyệt vời, tôi sẽ quỳ trước nàng và ôm choàng nàng, tôi sẽ cầu khấn Thượng đế cung hiến cho nàng trọn đời của tôi. ’’(René)


Đàn cừu cuối vườn

Sau khi rời ngôi nhà thôn dã ở Aulnay, sau khi rời bỏ hoàn toàn chính quyền, ông còn cho xuất bản La vie de Rancé (Cuộc đời của Rancé) năm 1844. Bắt đầu từ nay sức khỏe của ông kém dần và ông từ trần ở Paris ngày 04 tháng bảy 1848, thọ 80 tuổi. Thi hài ông được mai táng một mình ngày 19 tháng bảy, theo lời trối trăn, ở hòn Grand-Bé trong vũng tàu Saint-Malo. Từ nay, ngày đêm yên tĩnh trong tiếng sóng rì rào, ông mặc sức hồi tưởng lại những ngày trên biển cả. Bà vợ Céleste mất một năm trước ông, thọ 73 tuổi, và được chôn trong nhà thờ Marie-Thérèse ở Paris là nơi bà đã thiết lập một bệnh xá. Còn bà Récamier thì nối gót ông một năm sau, ngày 11 tháng năm 1849, thọ 72 tuổi, không may mắn được mai táng gần ông mà yên giấc ngàn thu ở nghĩa địa Montmartre tại Paris. Chính bà đã thuê và ở ngôi nhà Vallée-aux-Loups ba năm (1818-1821), trước khi công tước Mathieu de Montmorency mua lại nhà nhưng bà tiếp tục được mời lại ở đến 1826 là năm công tước mất đi. Con gái công tước Elisabeth lấy ông tử tước Sosthène de la Rochefoucauld từ nay trở nên chủ nhân. Con cháu ông nầy tiếp tục hưởng thụ ngôi nhà cho đến 1914 thì bán lại cho bác sĩ Henry Le Savoureux và bạn đồng nghiệp Cesar Hugonin. Họ trang trí nhà thành viện bảo tàng rất đông khách đến viếng cho đến 1967 thì được tỉnh Seine mua lại. Bao lần được mở rộng, trùng tu, công viên, ngôi nhà ngày nay mang tên ‘‘Nhà Chateaubriand’’ và được xếp vào những Di dích lịch sử. Trở thành một trung tâm khảo cứu, ‘‘Nhà Chateaubriand’’ gồm có ngày nay một thư viện (12.000 pho sách) và một vốn sách bảo tàng (tranh vẽ, bản khắc, tượng hình, bản thảo, tác phẩm nghệ thuật) rất phong phú về Chateaubriand, mở cửa cho mọi khảo cứu viên. Khách khứa thăm viếng, sau khi đi bách bộ vòng quanh công viên, ngắm nhìn cây cối lâu đời từng được các chủ nhân săn sóc, đàn cừu yên tĩnh gặm cỏ ở cuối vườn, có thể nghỉ chân ở quán trà bên cạnh để thư thái mặc niệm một nhà chính trị, một nhà văn đã có nhiều ảnh hưởng lên phong trào lãng mạn.


Quán trà ở góc công viên

Thành Xô thu - đông 2014

Võ Quang Yến


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss