Nhớ ba, một ngày cuối năm
Nhớ ba, một ngày cuối năm
Nguyễn Thị Từ Huy
Đến khi ba mất tôi mới nhận ra rằng tôi chẳng hiểu ba bao nhiêu. Rất nhiều điều muốn hỏi mà tôi đã không hỏi khi ba còn sống. Nên bây giờ phải tự suy đoán để hiểu ba.
Đây là một trong những điều cần phải tìm hiểu để nhận biết con người ba : có hai tổ chức mà ba cương quyết không chịu gia nhập, Đảng cộng sản Việt Nam và Hội nhà văn Việt Nam. Tại sao ?
Mặc dù đời ba, xét từ những khía cạnh căn bản nhất, dính líu đến cả hai tổ chức đó.
Trước hết, ba chịu ảnh hưởng bởi đảng cộng sản, như mọi thanh niên ở thời kỳ đó, và ba sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống cách mạng, trong gia đình và họ hàng có nhiều đảng viên từ thời 30-31.
Thời trai trẻ, ba đang làm việc ở ngân hàng, công việc dĩ nhiên ổn định và đảm bảo thu nhập, thì đột ngột quyết định bỏ việc để lên Điện Biên Phủ, theo tiếng gọi của khát vọng chung của hầu hết mọi người Việt Nam thời điểm đó, cái khát vọng được đảng cộng sản nắm bắt và thổi bùng lên trong tâm hồn mọi người, trong tâm hồn ba. Đồng thời theo tiếng gọi của thiên hướng riêng, thiên hướng văn chương của ba. Quả thật ba đã tự do như gió, thổi phương này sang phương kia không cần biết đến trở ngại của mưu sinh. Ba đã khiến ông nội buồn biết bao nhiêu vì cái quyết định bay bổng đó. Bởi vì thể trạng của ba rất yếu, luôn gầy gò, gầy như thế cho đến khi ba mất. Ông nội lo ba không chịu được những hoàn cảnh khắc nghiệt.
Nhưng tại sao ba, con người mang trong mình nhiệt huyết cách mạng, lại không vào đảng ?
Không phải chỉ là về sau, mà ngay từ những năm 1960, thời điểm mà đa phần người miền Bắc tắm trong cảm xúc hào hùng và tin vào đảng, và là thời điểm lãng mạn nhất của đời ba, ba đã không vào đảng. Đó là thời kỳ mà cả xã hội miền Bắc còn ngây ngất trong hào quang của đảng, lúc mà người miền Bắc tràn đầy tin tưởng, cái niềm tin được thẩm mỹ hóa bởi những nhà thơ tuyên truyền cách mạng, đến mức thậm chí những đứa trẻ lớn lên sau chiến tranh như tôi còn cảm nhận đầy đủ sự tự hào vô tận của thời kỳ ấy qua những câu thơ đoại loại như : « Chào 61 đỉnh cao muôn trượng / Ta đứng đây mắt nhìn bốn hướng / Trông lại nghìn xưa trông tới mai sau / Trông Bắc trông Nam trông cả địa cầu » (Tố Hữu).
Dĩ nhiên, sau ngày thống nhất, và kể từ khi tôi có nhận thức và hiểu biết nhất định về môi trường xung quanh, tôi không bao giờ thấy ba nói tới chuyện vào đảng. Trái lại. Những chuyện mà tôi, vào thời thơ ấu, thỉnh thoảng « nghe lỏm » được, là những chuyện liên quan đến Nhân văn Giai phẩm, cải cách ruộng đất, những chuyện về Trần Dần, Phùng Quán, Nguyên Hồng. Sau đó, lớn hơn một chút, thì đó là những diễn tiến về tình hình Liên Xô mà ba nghe được qua đài phát thanh, chuyện về những cuốn sách phải lưu hành bí mật như « Đêm giữa ban ngày », « Hoa xuyên tuyết »…
Ba không vào Hội Nhà văn Việt Nam. Mặc dù ba làm việc ở Hội Văn nghệ Nghệ An. Và thông thường hội viên của các Hội địa phương xem việc được xét vào HNVVN như là một tiêu chí thừa nhận thành công trong nghề nghiệp. Tôi không nhớ đã bao giờ ba có ý định vào Hội Nhà văn Việt Nam. Ký ức tôi không giữ lại một mẩu mảnh nào về chuyện này. Hình như ba chưa bao giờ có ý định làm đơn vào HNVVN. Tôi không biết lý do tại sao.
Về việc ba không vào đảng, tôi có thể phỏng đoán phần nào nguyên nhân. Mặc dù gia đình nội ngoại đều là gia đình cách mạng, nhưng ngay từ đầu, ngay từ thời trai trẻ đầy lãng mạn và lý tưởng, ba đã xác định không vào đảng. Có lẽ ở thời hoa niên, thời thanh niên, bản năng tự do là thứ ngăn cản ba vào đảng. Còn về sau thì sao ? Khi ba sống trong một xã hội, ở một thời kỳ mà việc vào đảng là mơ ước của nhiều người, kể cả những người có bố mẹ là nạn nhân của Cải cách ruộng đất, vì sao ba không vào đảng ? Tôi tìm thấy một phần câu trả lời trong tủ sách gia đình, tủ sách mà ba tôi đã không ngừng bổ sung mỗi tháng, dù rằng tiền lương của ba mẹ chỉ đủ để cả nhà sống một cách chật vật, như hầu hết tất cả mọi người thời đó. Nhưng ba tôi hình như không bao giờ bị áp lực về tiền bạc, không bao giờ bị áp lực vì cái nghèo, bao giờ ba tôi cũng có tiền để mua sách. Ba có thể thiếu thốn vật chất nhưng không thể thiếu thốn tinh thần.
Trong tủ sách nhà tôi có rất nhiều tác phẩm của những nền văn minh khác nhau, đặc biệt nhiều tác phẩm văn học phương Tây. Có lẽ tinh thần nhân văn và tinh thần dân chủ kiểu phương Tây, mà ba thực hành ngay trong lối sống hàng ngày, đã khiến ba lựa chọn một cuộc sống bên ngoài đảng, khiến ba lựa chọn một cuộc sống không liên quan gì đến đảng. Có lẽ ba không vào đảng để có thể làm một người bình thường, để làm người một cách bình thường.
Có lẽ tôi chẳng bao giờ hiểu hết được con người ba.
Sống được như ba thật là khó. Tốt được như ba thật là khó. Cao thượng được như ba thật là khó. Tôi biết tôi sẽ còn phải tiếp tục tìm cách hiểu ba. Ba đã sống như một bí ẩn, bí ẩn trong sự bình thường, bình dị. Nhưng thế nào là « bình thường » ? Đã có ai hiểu hết ý nghĩa của sự bình thường ? Ba không còn biết rằng tôi vẫn đang cố để hiểu ba, để hiếu sự bình thường của ba. Ba cũng không biết rằng tôi đã hiểu ba ít như thế nào. Ba cũng không biết rằng việc hiểu ba giờ đây đã trở thành một phần trong đời sống của tôi. Tại sao việc hiểu một người lại trở nên quan trọng đến như thế ?
Đây đã là cái tết thứ bảy không có ba. Thời gian như dấu chỉ cho sự phù du của những được mất nơi kiếp người. Thời gian vẫn đuổi theo sự vận hành riêng của nó, bất chấp con người ở trong hay ngoài thời gian.
Paris, 31/01/2016
Nguyễn Thị Từ Huy
Các thao tác trên Tài liệu