Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Nhớ bạn Lê Hiếu Đằng

Nhớ bạn Lê Hiếu Đằng

- Nguyễn Tùng — published 20/12/2017 12:00, cập nhật lần cuối 21/03/2018 10:26



Nhớ bạn Lê Hiếu Đằng


Nguyễn Tùng



LTS : Bài này đã được đăng trong cuốn Trường xưa 2, do nhóm cựu học sinh khoá 1956-1963 của trường trung học Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) thực hiện và do Nxb Đà Nẵng xuất bản vào đầu năm 2018. Tác giả đã bổ sung vài chi tiết.


Càng về già, ngày tháng càng trôi qua rất nhanh. Và các kỷ niệm xưa ngày càng phai mờ, nên khi ôn lại chúng chẳng còn được mấy. Rốt cuộc, rồi ra mọi người đều đạt đến một sự lãng quên hoàn toàn, như trong một giấc ngủ say vĩnh cửu. Và trong số các bạn đã « an giấc nghìn thu » như ông bà chúng ta khi xưa hay nói, Lê Hiếu Đằng là một trong vài người mà tôi chơi thân, nhưng chỉ từ sau hè 1976 trở đi.

Tôi học ở trường Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) cả thảy năm năm : từ đệ lục đến đệ nhị (1957-1962). Bây giờ hồi tưởng lại, tôi thấy ba năm đệ lục, đệ ngũ và đệ tứ là những năm êm đềm, nên ít có sự cố gì đáng nhớ. Tất cả các bạn chơi với tôi trong ba năm này đều là học trò ngoan. Và cả tôi cũng thế ! Ba kỷ niệm mà tôi còn nhớ là lần tôi cùng một nhóm bạn (trong đó có Lê Văn Tương – đã qua đời từ lâu – thì phải) đạp xe vào Cửa Đại tắm biển cả ngày, nên da bị cháy nắng đau đến mấy tuần, và hai lần cùng trường đi cắm trại rất vui ở Mỹ Khê và Lăng Cô.

Nhưng năm tôi học đệ tam C (1960-1961) thì khác hẳn : dường như có chút chi giống như sự nổi loạn đang nhen nhúm, chủ yếu là do sự nhập học của một số học sinh rất năng động mới từ các trường tư vào : Đằng, Nguyễn Phú Hào (hoạ sĩ Nguyên Hạo), Trịnh Khắc Hồng (nhà văn đã qua đời), Nguyễn Vạn Hồng (nhà báo Cung Văn), Võ Văn Lượng, Nguyễn Phan Thịnh (nhà thơ đã qua đời)… Tôi liền chơi thân với các bạn ấy, nên mỗi ngày một bớt « ngoan » đi.

Với tư cách là trưởng lớp, tôi đã cùng Nguyễn Đăng Trừng (tức Huy Giang, làm thơ rất sớm, tôi quen thân từ năm đệ lục) và các các bạn mới vào làm tờ báo (viết tay) có tên là Mười ngón tay với trang bìa vẽ hai bàn tay xoè ra do Nguyên Hạo thực hiện. Tên tờ báo và hình bìa dường như có chút hơi hớm « tranh đấu ». Còn hoạt cảnh thơ do Huy Giang sáng tác và do Nguyễn Thông ngâm khá hùng hồn trong đêm văn nghệ Tết 1962 có lắm câu rất « rực lửa » ! Thực ra, vào thời đó, chúng tôi cũng chẳng có ý đồ « chính chị chính anh » gì.

Nói chung, trong hai năm cùng học ở Phan Châu Trinh, tôi không thân lắm với Lê Hiếu Đằng so với nhiều bạn khác như Trừng, Nguyên Hạo…

Trong niên khoá 1962-1963, vì trường Phan Châu Trinh không có lớp đệ nhất C, tôi đã cùng Hào, Cung Văn, Lượng, Phan Văn Hoàng, Hoàng Sơn Phụng… vào học ở trường Trần Quý Cáp (Hội An). Tôi đã ở trọ chung với Phụng và Hoàng, rồi với Hào. Dường như Đằng ra Huế học ở trường Quốc Học. Trong năm này, thỉnh thoảng tôi bị các bạn Hồng, Lượng và Hào rủ đánh bài nhiều khi thâu đêm, đến mức trong giấc ngủ đôi khi tôi thấy những con bài nhảy múa loạn xạ trong đầu, khiến tôi phát ngán, nên từ đó về sau không hề bài bạc nữa! Phải nói là trong năm « du học » ở Hội An, bọn tôi chơi nhiều hơn học !

Năm 1963, khi ra Huế học đại học sư phạm Pháp văn, tôi có đến thăm Đằng đang ở nhà người chị gần cầu An Cựu.

Cho đến khi đi Pháp vào hạ tuần tháng 10.1063, tôi ít quan tâm đến chính trị. Và dường như hầu hết các bạn mà tôi chơi thân ở trường Phan Châu Trinh đều như thế cả (có thể trừ Đằng ra).

Nếu tôi không lầm, trận bão lụt lớn vào tháng 10 năm Giáp Thìn (1964) (với hơn năm ngàn người chết riêng ở Quảng Nam) đã là một bước ngoặt đối nhiều bạn của tôi ở trong nước như Hào đã tham gia đoàn sinh viên Sài Gòn về tỉnh nhà cứu trợ.

Thông qua các thư của Hào và Trừng, tôi được biết đôi chút về các hoạt động của hai bạn này và của Đằng trong phong trào sinh viên ở Sài Gòn trong mấy năm trước tết Mậu Thân (1968). Để vận động tranh cử vào Ban chấp hành của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, các bạn này đã nhờ tôi dịch cuốn Droit constitutionnel et institutions politiques (Luật hiến pháp và các đinh chế chính trị) (dày hơn 600 trang) của Maurice Duverger để các bạn in ronéo phát cho sinh viên luật. Và tôi đã ra sức dịch ngày đêm, nên trong vòng vài tuần đã dịch xong, dù chỉ có cuốn Từ điển Pháp-Việt để tra cứu : đúng là còn trẻ nên sung sức và cũng đúng là « điếc không sợ súng » ! Nhưng tôi không biết là bản dịch (bừa!) đó có in được không. Tôi cũng đã dịch vở kịch Maître Puntila et son valet Matti (Chủ Puntilla và tớ Matti) của Bertolt Brecht để đăng trong tạp chí Đất Mới của nhóm. Trong giai đoạn này, Đằng có làm thơ ký tên là Lê Uyên Nguyên.

Có thể nói Việt Nam là cuộc chiến tranh đầu tiên được trực tiếp truyền hình ; và những hình ảnh bi thảm của nó đã gây xúc động cho cả thế giới. Riêng ở Paris, không tuần nào là không có các cuộc biểu tình của sinh viên đòi hoà bình cho Việt Nam. Phong trào này ngày càng lôi cuốn cả tôi sâu vào trong đó đến mức nhiều khi tôi bỏ cả chuyện học hành.

Sau tết Mậu Thân, Đằng và Trừng vào bưng. Hai bạn đã bắt liên lạc với tôi thông qua thư từ thỉnh thoảng gửi từ Phnom Penh.

Hè 1976, trong chuyến về thăm quê hương lần đầu tiên sau gần mười ba năm, tôi đã gặp lại ở Sài Gòn Đằng, Hào, Trừng, Cung Văn, Trịnh Khắc Hồng… và bù khú với nhau rất vui. Và từ đó, cứ một, hai năm tôi lại gặp nhóm bạn này, khi thì ở nhà Hào hay Cung Văn, khi thì ở các quán nhậu ven đường. Khi gặp nhau ở nhà riêng, Đằng thường đệm đàn ghita và cùng chúng tôi nghêu ngao hát những bài tiền chiến lãng mạn (Gửi gió cho mấy ngàn bay…) hay những bài nhại «nhảm nhí » như « Ai đang đi, qua cầu bông, té xuống sông ướt cái quần ni-lông… », vừa nhấm nháp vài ly rượu Ararat của Nga, lắm khi đến khuya mới chia tay nhau lên xe đạp hay xe máy về nhà. Đằng uống rượu rất ít so với tôi vốn không thích ly đầy mà cũng chẳng thích ly vơi khi đã vào cuộc nhấm nháp : anh vốn rất điều độ và siêng năng tập thể dục (tập tạ), nên trông người vặm vỡ hơn tôi nhiều.

Càng về sau, tôi càng thân với Đằng. Mỗi lần tôi về Sài Gòn, anh đều hú bạn bè đồng điệu đến nhà anh ở đường Nguyễn Trọng Tuyển (Phú Nhuận) cùng tôi vừa nhậu nhẹt vừa hàn huyên rồi ca hát lung tung, dù nhiều người tóc mỗi ngày càng bạc nhanh. Đôi khi tôi nghĩ bọn tôi nói chung là những « nhà » lãng mạn có phần mộc mạc, dân dã, thậm chí « quê mùa » !

Qua gần bốn mươi năm chơi thân với Đằng từ sau khi hoà bình lập lại ở quê nhà, tôi thấy Đằng là người thâm trầm, mực thước, trung thực, có tâm huyết và nhất là rất chí tình với bạn bè : thực không gì quý hơn một người bạn mà mình mến phục. Và như thế chẳng vui sao !

Nguyễn Tùng

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Giai phẩm Xuân 2018
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss