Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Nhớ “lãng” Huế nhân đọc bài “ Thôn Vỹ – xao xuyến nhớ” của Nguyễn Thị Kim Thoa

Nhớ “lãng” Huế nhân đọc bài “ Thôn Vỹ – xao xuyến nhớ” của Nguyễn Thị Kim Thoa

- Nguyễn Huỳnh Vũ — published 25/10/2011 16:11, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20


Nhớ “lãng” Huế nhân đọc bài
“ Thôn Vỹ – xao xuyến nhớ”
của Nguyễn Thị Kim Thoa


Nguyễn Huỳnh Vũ



Sở dĩ gọi là nhớ “lãng” vì tôi không phải là người Huế, cũng không học hành hay làm việc ở Huế, ngoại trừ một lần phượt với bạn bè đến Huế vào dịp Tết 2005 và chỉ ở lại đó vỏn vẹn 2 ngày. Tôi nhớ Huế qua nỗi nhớ, qua lời kể của người khác, nhớ Huế trong trí tưởng tượng và thổn thức một cách đặc biệt khi đọc bài viết “ Thôn Vỹ – xao xuyến nhớ”. Tôi đọc bài viết đó 2 lần, lần đầu vào buổi trưa, đọc lại vào ban tối. Khi đi ngủ, Vỹ Dạ tràn ngập trong giấc mơ. Tỉnh dậy, tôi thấy lòng mình xao xuyến lạ. Tôi nhớ Huế một cách “lãng” như vậy.

Tôi sinh ra ở phía Nam đèo Hải Vân, ngày nay cách Huế chỉ nửa ngày tàu xe. Nhưng khi nhỏ, Huế trong tâm thức tôi là một nơi xa xăm, là nơi suốt 6 năm ba tôi đi về khi học Trường Cao Đẳng Nghệ Thuật.

Năm tôi 6 tuổi, chập chững vào lớp một thì ba tôi cũng vác ba lô ra Huế bắt đầu cho 6 năm đằng đẵng xa mẹ con tôi. Huế lúc đó trong tâm trí tôi là sự chia cắt và nỗi nhớ. Nhớ hơi thở của ba, nhớ giọng nói ồn ồn, nhớ từng câu chuyện cổ tích ba hay kể mỗi tối khi ba chưa đi học, và nhớ từng trang giấy thơm phức trong những quyển sách ba mang về mỗi dịp tết hoặc hè. Trong giấc mơ thuở nhỏ, tôi vẫn hình dung có một ngày mẹ sẽ dẫn tôi và em trai tôi ra Huế thăm ba. Tôi hình dung rất rõ, mẹ tôi tay dắt tôi – một chú nhóc hơn 6 tuổi, mặc áo sơ mi mới với quần sọt xanh, đi chân đất, một tay ẵm em tôi, đầu đội nón lá đi bộ trong nắng chiều, bóng nắng trải dài hình 3 mẹ con. Cả ba sẽ đi về phía một con đèo, mà nơi đỉnh đèo là ba tôi đứng đợi. Lúc đó trong trí tưởng tượng của tôi, đèo Hải Vân chỉ giống như con dốc nhỏ trên đường tôi đi học.

Tôi nhớ Huế những ngày hè nóng nực. Ba nghỉ hè, buổi trưa nóng, cả nhà phải dọn cơm ra ngoài hè ăn cho mát. Ba vừa ăn vừa nói “ Huế cũng nóng như ri”. Ba kể về tiếng ve oi bức, về cái không khí nóng nặng trịch, đặc quánh trong Đại Nội Huế – nơi có ký túc xá ba và các chú ở. Kể về những bữa cơm đạm bạc, chỉ có canh bầu và nước muối và kể về cả những buổi rượu trưa trong một khu vườn cũ có vợ chồng già, say đến nhoè mắt, say vì rượu lẫn vì nắng. Tôi lại hình dung một người say, giống như trò chơi trẻ con thường hay chơi: đứng một chỗ xoay vòng tròn đến chóng mặt, mắt nhoè đi, lắc lư, loạng choạng trong một khu vườn xanh mướt, nhạt nhòa xứ Huế.

Tôi cũng nhớ Huế những ngày đông. Tôi hình dung một con đường nào đó, xanh, ẩm ướt, lạnh buốt và vắng lặng vào đêm mùa đông, ba tôi một mình đạp xe đi về sau mỗi lần học thêm Anh văn buổi tối. Và hình dung những người đàn ông co ro, và đói dưới ánh đèn vàng vọt của ký túc xá trong thành nội. Ba kể, ngày đông Huế lạnh và mưa dai, có khi rả rích cả tháng, kèm theo cái lạnh là cái đói. Lúc đó, người dân bình thường còn thiếu ăn, sinh viên như ba thì tính gì. Ba kể, có đêm đói và rét quá ngủ không được, phải dậy xé sách đốt sưởi ấm và mong trời sáng để là người chạy xuống nhà ăn đầu tiên. Tôi nhớ Huế như vậy, qua lời kể, khi nằm cuộn mình trong người ba vào những đêm lạnh cuối đông ba về nghỉ Tết.


Sau này, tuổi sinh viên, biết yêu, biết nghe nhạc. Hình ảnh Huế, hình ảnh người con gái gầy guộc mỏng manh – một người yêu tưởng tượng, lại bàn bạc ẩn hiện chập chờn trong tôi khi nghe nhạc Trịnh. Tôi mặc định tất cả các bài hát của Trịnh đều viết ở Huế, đều mang âm hưởng buồn, cô tịch của Huế. Lúc đó Huế trong tôi hoang vu, phảng phất mùi thuốc súng chiến tranh, buồn rẹo rã như giọng ca khàn đục của Khánh Ly lẫn trong tiếng ghi-ta bập bùng. Ở đó có những gã thanh niên buồn, tựa lưng vào bờ tường cũ nát, mắt mờ theo khói thuốc mà nghĩ về một tương lai vô định, bất an.

Tuổi sinh viên tôi cũng quen một gã Huế – anh Thục chủ quán cà phê Thủy Trúc, một quán cũng rất Huế. Quán nằm trong một vườn nhỏ, với hành lang dài ngay ngắn bàn ghế và một ngôi nhà xây theo kiểu cũ, kín đáo với cây kiểng bao quanh. Khi trời chạng vạng, đôi khi cũng thấp thoáng hình ảnh cô con gái chủ quán, gợi nhớ đến bài thơ của Hàn Mặc Tử. Thỉnh thoảng tôi cũng đến đây, bên ly café, ngồi mơ màng, thả hồn theo nhạc Trịnh và mơ về Huế – cái nơi mà tôi không hề có mối liên hệ nhau rốn nào.

Sau này, tôi tự nhủ, mình sẽ đến Huế sống một thời gian. Một thời gian đủ dài để kiểm nghiệm và chứng thực cho những tưởng tượng miên man của tuổi thơ. Nhưng tôi sợ lúc đó mình đã già và khi đã già thì cảm nhận của mình sẽ không con nguyên sơ như trong tưởng tượng nữa. Còn với cái tuổi ngoài 30 như bây giờ tôi cũng sợ, sợ Huế xô bồ, sợ Huế đã khác, như anh chàng kia sợ người yêu mặc “áo dài khuy bấm”. Hoặc là sợ nó níu kéo mà không rời xa được. Thôi thì cứ để Huế ở yên trong tưởng tượng – như người trong mộng khi nào cũng đẹp.

Đến đây, tôi chợt nhớ đến câu nói ẩn ý của thầy Nguyễn Tri Phương Đông: người Huế muốn thành đạt thì phải đi xa Huế, tôi hỏi tại sao? Thầy chỉ cười, vì thầy cũng là người Huế nhưng xa Huế từ rất lâu và nghe đâu đã xa Huế để sống ở tận trời Tây nào rồi.


Nguyễn Huỳnh Vũ
22/10/ 2011


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss