Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / NHỚ TẾ HANH

NHỚ TẾ HANH

- Cao Huy Thuần — published 13/01/2011 11:20, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20


NHỚ TẾ HANH


Cao Huy Thuần

 

Năm ngoái, khi Tế Hanh mất, tôi định viết chút tưởng nhớ của tôi như thắp một nén nhang cho anh nhưng không viết được vì bài viết về anh đã nhiều quá rồi, mà ai viết cũng hay. Năm nay, ngày giỗ đầu, tôi lại định viết, nhưng nghĩ đi nghĩ lại, kỷ niệm của tôi về anh có bao nhiêu đâu, viết e vô duyên.

Nhưng không viết thì lòng không yên. Giữa anh và tôi, dù sao cũng có chung với nhau một con sông ấy, con đường ấy, nhà ga ấy, trường học ấy, người cũ ấy, tuy chẳng bao nhiêu nhưng cũng đã từng như nhau vương vấn một đời. Bởi vậy, đọc thơ anh từ thuở "Nghẹn Ngào" cho đến những bài cuối, tôi cứ có hoài những cảm xúc cũ, tuồng như cái nghẹn ngào ngày trước cứ theo tôi đi suốt thơ anh. Nếu tôi có chủ quan ở đây thì cũng mặc kệ, anh Tế Hanh nhé, tôi cứ đọc thơ anh như vậy, bởi vì "cánh buồm giương to như mảnh hồn làng" trong tôi không giống bất cứ cánh buồm nào trong lòng ai khác. Nhà ga cũng vậy. Tế Hanh cũng vậy. Anh cho phép người em nhỏ này đọc những bài thơ bình dị của anh nhé, những bài thơ nổi tiếng của anh đã được bao nhiêu người trích dẫn rồi.

Nhà ga… Thế hệ tôi, thế hệ sau tôi, ai mà chẳng thuộc lòng "Những ngày nghỉ học"? Nhưng có ai tiếc với tôi chăng cái nhan đề nguyên thủy của bài thơ thân thương ấy: "Vu vơ"? Có ai nghẹn ngào với tôi vì cái chi tiết này không: ga của Tế Hanh chỉ có tàu đi, không có tàu đến:

Những ngày nghỉ học tôi hay tới
Đón chuyến tàu đi đến những ga
Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt
Lòng buồn đau xót nỗi chia xa

Anh có đi đón thật, nhưng anh đón những chuyến tàu đi. Nhà ga của anh không phải là chỗ đến, chỉ là chỗ đi. Chỗ để anh xem tiễn biệt. Chỗ bơ vơ. Nhà ga Châu Ổ -Bình Sơn của tôi quả là vậy. Mà nhà ga Huế cũng vậy. Chỉ có những chuyến tàu đi. Và tàu đi rồi thì ga trống trơn, nằm buồn thiu nghe gió thổi mông lung trên mấy bông cỏ may hiu hắt. Nhà ga ấy sinh ra chỉ để tiễn biệt con tàu. Con tàu sinh ra chỉ để tiễn biệt linh hồn Tế Hanh. Sau này, dù đi khắp cùng các nhà ga lớn trên thế giới, dù mỗi tuần hai lần phải lấy xe lửa đi dạy, nhà ga, đối với tôi, dù tấp nập mấy đi nữa, vẫn vương vương buồn, cái buồn ga xép của hồn Tế Hanh. Chẳng phải vu vơ sao?

Ngày tôi bắt đầu đi học, Tế Hanh đã rời con đường ấy rồi, con đường dẫn từ cầu Châu Ổ đến trường huyện Bình Sơn. Mấy ai đọc "Có những con đường" mà thấy trước mắt như tôi cái "nhà người yêu mến" ấy và đôi má quá có duyên của chị? Tế Hanh hồi trẻ rất đẹp trai, nhưng ai dám nói đẹp trai thì không thất tình? Cho nên tôi lại thấy rõ trước mắt cái "trung tâm điểm" mà anh chàng si tình kia đi qua đi lại, mắt chỉ liếc ngang mà không dám liếc vô:

Ta gửi tình ta ở khoảng đường
Bước này tưởng nhớ, bước này thương
Tay đưa ngượng nghịu, hàng mi chớp
Ngực đánh dồn thêm, chân vấn vương

Đi mãi không hề biết mỏi xa
Đi suông không dám ngó vô nhà
Đường thường bỗng hóa trung tâm điểm
Lắm cớ xui mình phải bước qua

Con đường, nhà ga, cánh buồm… từ cái hồn mà anh gửi vào trong đó, tôi bắt chợt được hồn anh trong những vật rất tầm thường mà tôi cũng có chung với anh lúc nhỏ. Ôi, cái rỗ may! Sao anh thấy được thơ trên cái rỗ may hèn mọn ấy? Có phải vì anh đi học xa nhà từ nhỏ như tôi? Có phải vì anh cũng nên người từ trên cái rỗ may ấy, từ sợi chỉ cây kim tằn tiện của các bà mẹ Đông Yên, Bình Sơn?

Lơ thơ chỉ rối sợi con con
Những cái kim hư, hột nút mòn
Tằn tiện để dành trong lọ nhỏ
Vải lành gói ghém mấy khoanh tròn

Già rồi, đọc lại bài thơ vẫn mủi lòng như thường. Nhớ mẹ, như anh từng nhớ:

Mẹ ơi! chiếc áo con đã rách
Con biết làm sao trở lại nhà
Để mẹ vá gìùm? Con thấy lạnh
Gió lùa nỗi nhớ thấm vào da

Tầm thường hơn nữa là quyển vở nháp của học trò trường huyện. Anh yêu ai, tôi không dám chắc, tuy biết với mắt trẻ thơ. Nhưng yêu quyển vở nháp thì chắc chắn là có cha tôi trong đó. Tôi là con ông giáo nên thấy hiện ra ngay quyển vở soạn bài của cha tôi và quyển vở nháp của anh:

Những vở soạn bài hay toán, luận
Địa dư, cách trí… dáng lo âu
Chỉnh tề, đầy đủ như ông giáo,
Vở nháp lôi thôi giống học trò

Tôi thấy lại cha tôi cặm cụi gạch viết ngay hàng thẳng lối mỗi buổi sáng tinh sương, dưới ánh đèn dầu ở Bình Sơn, soạn bài với tất cả lòng yêu nghề, đến nỗi bao nhiêu thế hệ học trò đi qua đều thương quý thầy như cha ruột. Bây giờ, lắm người thấy cái hồn trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư; mấy ai thấy cái hồn trong quyển vở soạn bài của cha tôi hay quyển vở nháp của Tế Hanh? Tầm thường mấy câu chữ học trò vậy thôi, nhưng đó là cái tầm thường của mấy quả táo vặt, đặt trên bàn thì vô tri, đặt vào tranh tĩnh vật thì toát ra hồn.

Hồn: đó là thi tứ của Tế Hanh. Bao giờ anh cũng muốn làm bật ra cái hồn trong mỗi tĩnh vật. Lắm khi anh phải gọi tên nó ra. "Những buổi mai trưa nắng chói xa / Hồn tôi lóng lánh ánh dương sa", ấy là anh nhìn con đường quê. "Đốt cháy bao la sánh mặt trời / Linh hồn mùa hạ hiện thân ơi", ấy là anh nhìn hoa phượng. Không gọi, hồn vẫn kín đáo rộn rã. Con đường si tình của anh chẳng hạn, thương quá, nó đang "sầu tủi" cùng anh:

Ấy lúc lòng ta hết với người
Hay là yêu mến đổi dời nơi
Con đường bị bỏ trong quên lãng
Sầu tủi nằm thương dưới bụi đời

Sau này cũng vậy, dù là đi đánh Tây, đánh Mỹ, xây dựng chủ nghĩa, chế độ, thơ của anh bao giờ cũng chú trọng đến cái hồn, lắm khi giữa một bài khô rốc, tôi cũng vẫn có thể giật mình vì một câu khêu gợi cái hồn cũ. Hoa phượng thì tôi đã nói rồi, nhưng vẫn nhắc lại, vì cái hồn của phượng Huế không rời anh:

Không một cành riêng hay một khóm
Mà như tất cả sáng trên đầu
Hồn trưa rạo rực trong ai đó?
Suối đỏ lan tràn đến tận đâu?

Hoàng hôn là cái buồn muôn thuở trong thơ, nhưng mấy thơ bắt chợt được cái hồn của hoàng hôn trong tiếng gà con lạc bầy kêu mẹ:

Một con gà nhỏ lạc trong thôn
Mất mẹ bi thương gọi đứt hồn
Có phải lòng tôi đau quạnh quẽ
Kêu tìm lòng bạn giữa hoàng hôn?

Vật càng nhỏ, cái hồn càng lớn. Một sợi cỏ may của anh chứa cả mùa thu:

Tôi đi để mặc cỏ may
Hai hàng bờ biếc ghim dày quần tôi
Dừng chân dưới một quả đồi
Gỡ từng sợi cỏ, tôi ngồi nhìn thu

Tôi ngồi nhìn thu… Mấy sợi cỏ may chắc bỗng giật mình. Không có hồn thì thơ anh không yên, cho nên đôi khi anh phải đóng vai ông Tạo Hóa thổi hồn vào cảnh. Cô dân quân vai đeo súng tập lái máy cày giữa nông trường kia, cô oai dũng quá, khiến thơ tôi cũng oai dũng theo. Tôi gửi thêm chút hồn vào cô nhé. Thế là có môt vết bùn trên má cô, khiến cô có duyên mà thơ cũng bỗng có duyên: Trông cô càng đẹp bên tay lái / Một vết bùn in giữa má duyên. Cũng vậy, anh đi sơ tán về, gặp lúc vợ đang thổi cơm, củi không có, chỉ có rơm với khói, anh gửi yêu thương tràn đầy vào đâu? Vào một vết nhọ đen trên má vợ:

Anh ngẩn ngơ nhìn vết nhọ đen
In trên gò má ửng thêm duyên
Đôi môi thắm mọng khi em nếm
Canh cá cần gia muối ớt thêm

Cảnh thực đơn sơ tình vợ chồng. Rất thực. Nhưng mấy ai dám bỏ muối ớt vào thơ như thế? Mà ai dám nói câu thơ ấy thật thà? Có lẽ chỉ có ai vô phước không được vợ nấu canh cá cho ăn mới không rung động trước câu thơ vừa thực vừa tình như vậy.

Nhưng thực và thơ, thực và mộng, thực và linh hồn… đâu phải dễ gì cho ông Tạo kiếm được chút bùn hay chút nhọ đen? Hiện thực chủ nghĩa là ngọn đuốc soi đường đi cho thơ Tế Hanh sau buổi hoa niên, nhưng đuốc cũng phải cần lửa như xác cần hồn. Nếu không thì chỉ như thế này:

Củ cải dài hơn tấc
Lợn nặng một tạ ba

Anh giải thích: "Tôi muốn viết những bài thơ dễ hiểu / Như những lời mộc mạc trong ca dao". Nhưng ca dao mộc mạc mà thơ mộng quá chừng. Thơ anh cũng vậy. "Bài thơ tình ở Hàng Châu" là tuyệt tác. "Vườn xưa" là tuyệt tác. "Những con sông quê hương" cũng vậy. Khi đàng sau cái dễ hiểu chỉ có cái dễ hiểu thì thơ thành củ cải. Khi đàng sau cái dễ hiểu loé lên thi tứ thì Tế Hanh hiện hồn. Chẳng hạn khi anh về thăm lại vườn cũ:

Hai mươi năm trở lại
Mảnh vườn cũ gia đình
Toàn những loại cây mới
Như bỡ ngỡ nhìn mình

Cái "bỡ ngỡ" ấy là thi tứ truyền qua người đọc. Cây như biến thành người. Chúng lạ với anh mà anh cũng lạ với chúng. Chúng không biết anh về lại miền Nam thân thương của anh sao? Cây vú sữa, cây trứng gà, cây mãng cầu xiêm, cây lạ mà tên tuổi gì cũng lạ hoắc; đâu rồi cây mít, đâu rồi cây ổi, đâu rồi cây chanh? Ồ, may quá, đây rồi, cái hồn của vườn cũ hiện ra:

Chỉ còn cây lựu già
Từ thời ông để lại
Đỏ chói một chùm hoa
Tuy từ lâu không trái

Ôi chung thủy! Người cũ vẫn dai dẳng đợi chờ! Ai dám nói anh chỉ tả cảnh thực? Ai không thấy anh đang mộng? Mộng hương thơm cây mít. Mộng tay ai hái ổi. Mộng tóc mẹ thơm chanh. Nếu thực không đi đôi với mộng thì còn gì là thơ?

Mà chính anh, anh cũng thú nhận lẫn lộn giữa mộng và thực. Biển, mà anh nhớ như nhớ người yêu, là thực hay mộng? Cái chấm xanh trên Thái Bình Dương ấy, cát trắng, nắng vàng, trời biếc ấy, tiếng sóng vỗ hoài trong giấc ngủ của anh đó, mộng hay thực?

Nơi rất thực mà cũng là rất mộng
Của đời tôi yêu biển tự bao giờ

Tình yêu cũng vậy, nếu không có mộng trong thực, làm sao anh yêu được?

Ta đã yêu em
Như yêu sự sống
Ngày hiện trong đêm
Thực hòa với mộng

Bởi vậy, anh cần gì phải lý thuyết nhiêu khê với liễu trong thơ Đường, liễu trong tranh Tống, hỏi làm gì chúng nó thực hay mộng? Nếu chúng là thực, chẳng lẽ lá liễu nơi mắt người yêu cũng là thực chăng? Ôi thôi, còn gì là mắt em tôi! Còn gì là thơ khi thiếu chiêm bao?

Nhưng nếu chẳng thơ Đường
Nếu không màu tranh Tống
Không huyền ảo chiêm bao
Chắc gì trong cuộc sống
Liễu đã mang thơ vào
Chắc gì mắt em như lá liễu
Đã cắt lòng anh một nét dao?

Biết vậy, sao lòng anh vẫn không yên? Cứ hỏi lui hỏi tới:

Sao không làm cho
Nghệ thuật phải giống cuộc đời
Mà lại làm cho
Cuộc đời phải giống như nghệ thuật?

Cuộc đời phải giống như lý tưởng của nghệ thuật chứ! Phải Đẹp hơn chứ! Phải Tốt hơn chứ! Phải Chân Thật hơn chứ! Phải đem lá liễu vào con mắt chứ! Và phải đem cả chiêm bao vào nữa thì thơ mới thực và mới bay lên. Như khi anh về Huế, Huế hoa niên của anh, sau mấy chục năm xa cách: đêm đầu tiên chăn gối với Huế, anh đâu có ngủ với con lợn tạ ba, anh vỗ cánh như bướm Trang Chu, bất biết anh là chàng trẻ ngày xưa đang mộng hay đôi lứa thực nào đó ngoài đời đang mượn mộng của anh để trùng phùng với nhau:

Trở lại Huế đêm đầu tiên
Chiêm bao lại thấy gặp em thế này
Mười lăm, mười tám thơ ngây
Mắt đầy cả nắng, hồn đầy cả trăng

Con đường đi học sương giăng
Lung linh hoa phượng kết bằng lưu ly
Lòng như tiếng sóng rầm rì
Câu thơ trong giấy nói gì yêu thương

Diệu kỳ thay giấc mộng xuân
Bốn mươi năm lẻ đã ngừng không trôi?
Hay đôi bạn trẻ ngoài đời
Gặp nhau trong giấc mộng tôi, tình cờ?

Thực và mộng cứ vậy mà gặp nhau, hỏi han nhau, sóng đôi với nhau, đôi lúc gây nhau. Cũng như buồn và vui, im và nói, chúng ẩn rồi hiện như một nỗi lòng khắc khoải không nguôi. Tuồng như khi anh thực là anh phải thực. Khi anh vui là anh phải vui. Khi anh hùng hồn là anh phải hùng hồn. Không phải anh dối lòng đâu! Có ai thật với thơ như anh! Thật đến não lòng. Nhưng rồi cũng tuồng như khi anh buồn thì anh rất sâu, khi anh im là anh rất thực. Buồn, anh không cần biện minh. Vui, anh phải tuyên bố. Nói, anh phải tìm chữ. Im, ấy là lúc anh sống với mình.

Đây, buồn vui, đậm đà trong câu thứ nhất, nghe sao sao ấy trong câu thứ hai:

Đôi lúc lòng tôi cũng ngậm ngùi
Nhưng mà cái chính vẫn là vui

Yêu thơ anh, ai cũng tin anh thật lòng tuyệt đối. Nhưng anh vẫn thấy cần nói thêm, xác quyết hơn:

Trong thơ tôi có câu đầy nước mắt
Nhưng tôi không chán nản đâu anh

Nói vậy thì nói vậy, chứ anh lại lý sự, tuồng như anh chưa được hài lòng lắm với sức nặng tương đối của buồn và vui trên hai lá cân hiện thực của anh. Cân lui cân tới, tuồng như anh bực mình, vứt cái cân đi, vùng vằng triết lý:

Đời tôi thực hay mộng
Đời tôi buồn hay vui?
Đời tôi là sự sống
Đời tôi là đời tôi

Nếu là sự sống thì đời ai lại chẳng có buồn vui? Ý anh muốn nói: sự sống thì cũng có buồn, cho nên tôi cũng có buồn? Đương nhiên là thế, nói làm gì? Đời ai chẳng thế, đâu phải chỉ anh? Hay là ý anh muốn nói: mặc tôi sống thật với tôi? Vui, thì tôi nói tôi vui; buồn, thì tôi nói tôi buồn?

Có một cách thứ ba nữa mà, lạ quá, dù ở ngoài đời hay ở trong thơ, Tế Hanh làm ai cũng chú ý, dường như đây mới là nét đặc biệt của riêng anh, cá tính của anh: anh ít nói, nói nửa chừng, nói nhát gừng, chưa nói đã im, miệng nói mà đầu để ở đâu đâu, như tuồng không phải đang nói với người đối diện mà nói với cái ý nghĩ vừa hiện ra nửa chừng trong đầu. Đó là những lúc mà thơ anh quyến rũ lạ lùng, như chợt bắt gặp lại cái hồn muôn năm cũ trong anh:

Tiễn em trong cảnh thu này
Lòng ta muôn tiếng sao đầy lặng im?

Tiễn nhau, im đã đành. Gặp nhau cũng im:

Gặp em câu cuối cùng chưa nói
Buổi sớm qua rồi, sắp hết trưa
Góc sân, ánh nắng như lưu luyến
Dừng lại trên chùm hoa báo mưa

Tiễn nhau, im. Gặp nhau, im. Đi bên cạnh nhau, cũng im:

Phố này đêm ấy có trăng
Cùng đi một quãng nói bằng lặng im

Đi bên cạnh nhau, im. Sống cả đời với nhau, cũng im:

Em biết không? Giữa anh và em
Không nói được nhiều hơn là nói được

Vậy thì thực-mộng, buồn-vui, im-nói, đừng bắt thơ phải mất công lý luận. Anh có lý luận đâu với cái nghẹn ngào ngày trước? Anh cứ để nguyên cái cảm xúc thanh xuân rất thực ấy và trân quý đặt nó trên bìa tập thơ đầu tiên của anh. Chủ quan, rất chủ quan, tôi muốn thầm thì với anh: anh biết không, thơ anh nghẹn ngào từ đầu đến cuối. Buồn nghẹn ngào với vui. Im nghẹn ngào với nói. Thực nghẹn ngào với mộng. Vô lý nghẹn ngào với vô lý, càng vô lý càng đúng với sự sống. Như khi anh thủ thỉ:

Những ngày buồn nghĩ đến thấy vui vui
Những ngày vui sao lại thấy ngùi ngùi

Rồi lại thủ thỉ nữa - khi nào Tế Hanh thủ thỉ sao anh dễ thương thế:

Giống như, em nhỉ, tình yêu vậy
Nước mắt song song với nụ cười
...

Tôi gọi Tế Hanh bằng anh trong mấy lời nhớ nhung này, như một người em nhỏ, vì anh là học trò cũ của cha tôi ở trường huyện Bình Sơn. Khi tôi lớn lên ở Quảng Ngãi thì anh đã ra Huế học, chưa bao giờ tôi gặp anh. Nhưng cha tôi - và cả mẹ tôi nữa - đều nhắc đến anh hoài, khiến tôi cứ tưởng như có lần đã gặp mà quên. Vì con đường ấy chăng? Vì "nhà người yêu mến" ấy chăng? Trẻ thơ tưởng tượng những chuyện trai gái mà người lớn không ngờ được đâu. Tôi cứ nghĩ "người yêu mến" đó phải là chị ấy, chỉ vì anh Hanh đẹp trai và chị ấy có đôi má quá có duyên. Mà không chừng tôi có cơ sở thực. Anh Hanh là học trò của cha tôi mà gia đình chị ấy lại quá thân với gia đình tôi. Mẹ tôi có con mắt rất tinh; không chừng lúc nhỏ mắt tôi cũng tinh như thế. Cho nên, khi đọc bài "Dễ thương" trong Nghẹn Ngào, tôi cứ bắt tôi phải nghĩ rằng người trong thơ phải là người cũ của tôi, rất thực mà cũng rất mộng:

Người khách vu vơ ngóng đợi thầm
Dịu dàng thấp thoáng bóng giai nhân
Thói nhà khép nép trong cây lá
Thổn thức thầm xem truyện Tố Tâm

thu Chị ấy có thổn thức không với Tố Tâm thì tôi không biết. Nhưng tôi biết: chị thầm xem Tự Lực Văn Đoàn và thường lén cha xem trộm ở nhà tôi. Chỉ chừng đó thôi, bài thơ thơm cả lòng tôi từ nhỏ cho đến bây giờ.

Lần đầu tiên tôi gặp anh Hanh là đầu năm 1990 khi anh qua Pháp. Anh Nguyễn Xuân Sanh phải dắt anh đi vì cả hai mắt của anh lúc đó không thấy đường nữa. Tôi bắt chợt hỏi anh: "Anh Hanh, anh có nhớ một ông thầy cũ của anh có họ giống tôi không?" Không một chút nghĩ ngợi, anh thốt: "Thầy Cao Huy Hy hả?"

Sau đó, anh Hanh và anh Sanh đến ở nhà tôi một buổi chiều, một buổi tối, một buổi sáng. Tôi đắc thắng với chính tôi vì tôi ngầm thất vọng về anh từ sau 1975. Anh quý cha tôi như thế, cha tôi thương anh như thế, vậy mà sao anh chẳng ghé thăm thầy cũ một lần? Bao nhiêu học trò cũ của cha tôi từ Bắc vào Nam đều tìm đến thăm cha tôi, chỉ thiếu anh. Anh thương nhớ quê hương suốt đời thơ của anh, thương nhớ con sông, thương nhớ miền Nam, "nhớ cả những người không quen biết", vậy mà anh quên thầy cũ được sao? Tôi hận anh như bị tình phụ. Rồi tôi tìm cách biện hộ cho anh. Hai mươi năm xa cách, anh về thăm mẹ chỉ được hai ngày, rồi "lại xin đi". Rồi cũng vì công tác, lần đầu anh đi ngang qua Huế mà không dừng chân, tội nghiệp, anh phải nài nỉ chiếc xe:

Nếu vì việc gấp không dừng được
Xin đi chậm chậm hỡi xe ơi!

Trời, sao anh không hỡi thầy cũ một tiếng? Cha tôi biến mất trong mộng của anh? Cha tôi biến mất trong thực của anh?

Thế là tôi đắc thắng! Cha tôi ngủ yên trong đầu anh. Gọi một tiếng là kỷ niệm bật dậy. Như nghẹn ngào oà ra.

Còn một nghẹn ngào này nữa mà tôi cứ tiếc chưa có dịp đánh thức trong kỷ niệm của anh. Trước nhà xưa của tôi, ở bên kia sông Trà Bồng, xa xa trên một quả đồi nhỏ, thấp thoáng bóng ngôi chùa, ngôi chùa mà tôi cứ nghĩ là đã nằm trong những bài thơ đầu của anh. Sau này, khi anh đã được "trang bị" lại cho anh "một cách nhìn khác" về mọi sự mọi vật, anh tuyên bố từ giã "tấm lòng" của anh ngày trước, khi vu vơ say đắm trong những học thuyết của trường xưa.

Ôi cái thuở bao nhiêu học thuyết
Dắt ta đi vào cõi mơ hồ
Ngoảnh lưng thực tại đầy mâu thuẫn
Đi tìm ý nghĩa của hư vô

Trong những hư vô mà anh từ giã, có ngôi chùa của anh ngày xưa chăng? Tôi đọc lại bài "Chùa" và muốn nghĩ rằng không. Thứ nhất, không, vì nếu anh từ giã, sao bài thơ lại nằm vinh quang như thế trong Tuyển Tập? Thứ hai, không, vì anh thương chùa không thua gì thương những con đường quê hay sông nước của anh. Thứ ba, không, vì anh nói rõ: chùa là nơi anh đã quay về sau khi chán nản với "gió lãng mạn""thuyết hoài nghi", nghĩa là những gì đã ám ảnh anh dưới mái trường thuộc địa. Vậy thì, giá như tôi có dịp nhắc lại chùa với anh, biết đâu anh cũng mừng rỡ như khi tôi nhắc lại cha tôi. Tôi nhắc lại cả bài nhé:

In rõ rệt chân trời quá khứ,
Chùa không thôi tình tự thuở xa xăm
Tuổi thơ tôi là cả một đêm rằm
Trăng tỏ rạng sáng chầu quanh đức Phật
Hồn thanh thoát chưa hề vương vật chất
Đồng vọng xa cùng nhịp tiếng chuông bay

Này hai cây bạch lạp ánh hai tay
Đôi mắt chói này rung trong ngọn nến
Niềm tín cẩn tượng hình nên trái chín
Phút tâm thành ngào ngạt tỏa hương hoa

Ôi buổi lớn khôn! Ơi buổi xa nhà
Tôi đâu biết cách xa chùa đến thế
Gió lãng mạn thổi qua buồn thế hệ
Sóng thị thành tan rã cả lòng tin
Thuyết hoài nghi mờ xóa những kinh nguyền
Buồn số kiếp đưa về cơn gió lạnh

Bước chán nản trên những đường hiu quạnh
Chiều hôm nay tôi chạnh nhớ chùa xa
Tiếng chuông kêu như mẹ gọi chan hòa
Tôi ôm ngực tưởng chừng tim sắp vỡ
Bóng đêm xuống bao trùm trong tín mộ
Đường sương ơi! người chạy đến thời xưa?
Dắt ta đi trở lại viếng thăm chùa

Cho đến cả bây giờ, mấy thơ thắm thiết với chùa đến thế như thơ Tế Hanh? Chẳng ai nhắc đến bài thơ này, chỉ hai anh em thôi nhé. Anh định nghĩa:

Một bài thơ hay như một tấm gương trong
Mình thấy mình trong đó

Anh thấy anh trong đó. Tôi thấy cả anh lẫn tôi trong đó. Bao nhiêu người đang đọc chắc cũng thấy cả họ lẫn anh.

Đất nước chiến tranh, chia cắt, cách mạng, xây dựng, thơ của anh đã mang sức sống cống hiến to lớn cho hiện thực vinh quang. Một chút quên trong bao nhiêu nỗi nhớ, có sao đâu, chùa và thầy cũ của anh cũng vui vẻ sống "hiện thực" cùng anh. Mà quá hiện thực đi chứ! Xem nào:

Giặc phá hết nhà trường
Các em không chỗ học
Thầy giáo bàn với sư
Vào trong chùa mở lớp

Dưới gốc đa cổ thụ
Tiếng các em đọc bài
Xen tiếng kinh tiếng mõ
Nghe thật là vui tai

Trên tòa sen đức Phật
Nhìn bầy trẻ thơ ngây
Mĩm cười: - Nơi cực lạc
Có lẽ là nơi đây?

Đúng thế! Khỏi cần chấm dấu hỏi! Mà chùa còn hiện thực với anh cả trong triết lý nữa. Từ tim ai anh thốt lên câu này, tim của anh hay tim của chùa:

Ta không phải người đi tìm khổ đau
Nhưng đau khổ vẫn là sự thật

Và từ mắt anh hay mắt của chùa, ai nhận ra luân hồi trong tĩnh vật trái cây:

Cho một ngày kia lúc rụng rơi
Hân hoan trái chín biệt ly đời
Vào trong tất cả, vào trong chết
Mang nặng mầm sinh buổi Phục Hồi

Cây cối mà còn như vậy, huống hồ con người. Nhắm mắt rồi, sự sống vẫn còn. Sự sống đi tìm sự sống. Đâu phải chùa nói; anh nói đấy:

Khi ta vào trong vũ trụ mênh mông
Những nguyên tử đời ta còn hoạt động
Ta vẫn tin mãi nằm bên sự sống
Như đất trời như núi như sông

Anh Tế Hanh, anh đang sống hay chết? Mở tập thơ ra, ha ha, anh đã đầu thai! Anh sống mãi trong thơ tình của anh. Ha ha, sự sống đi tìm sự sống.


Cao Huy Thuần




Chú thích


Về con người của Tế Hanh, cá tính "nói nửa chừng" của anh, Vương Trí Nhàn kể lại rất hay: "Tế Hanh, Lời con đường quê"

Từ nói nửa chừng đến làm thinh, Nguyễn Trọng Tạo thuật lại hai "câu thơ" lý thú của Tế Hanh trong "Rớm lệ Tế Hanh :

Người ta hỏi tôi làm gì
Tôi làm thinh.

tho Trong nét chữ quờ quạng của Tế Hanh tặng tôi, anh có nhắc đến Tường Đông, cũng là học trò cũ của cha tôi ở Bình Sơn. Tế Hanh có tặng Tường Đông một bài thơ rất hay, đầy tình cảm, bài "Vườn cũ", in trong Hoa Niên, đăng lại trong Tuyển Tập.

Nói là từ giã, nhưng sự thực, nếu không có ngọn "gió lãng mạn", văn học Việt Nam sẽ không có những Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh… Dịp qua Pháp, năm 1990, tuy hai mắt đã không thấy gì, Tế Hanh vẫn tìm đến thăm cho được mồ Lamartine, ông tổ của dòng thơ lãng mạn Pháp, tác giả bài thơ cực kỳ lãng mạn "Le lac" (Hồ nước) mà cả thế hệ của anh đều thuộc lòng hơn cả thuộc Kiều. Anh nhắc đến Tường Đông khi đi thăm mồ Lamartine, trong trang thư nguệch ngoạc chữ được chữ mất gửi tôi:

Tường Đông người bạn tuổi thơ
Anh em con cậu con cô với mình
Từng yêu thơ La-mac-tin
Cái hồ lãng mạn mối tình El-via…

Ai mà từ giã được cái hồn của mình? Ai từ giã được chính mình? Tế Hanh có bài thơ "Qua quê hương Lamartine" đăng trong báo Đoàn Kết ở Pháp vào dịp 1990.


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss