Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Những cuộc chạy trốn tình yêu

Những cuộc chạy trốn tình yêu

- Vương Minh Thu — published 23/03/2019 11:56, cập nhật lần cuối 23/03/2019 11:56


Lời bạt (muộn) cho cuốn sách
"Những cuộc chạy trốn tình yêu" (*)


Vương Minh Thu




Nhã Nam đang có cuộc thi “Ảnh đẹp, Quote hay” từ độc giả với sách và trích dẫn hay từ sách. Không rõ là dịch giả thì có được tham gia không và nếu có, giá như đang ở Đức lúc này tôi sẽ chụp nhiều ảnh với tập truyện ngắn “Những cuộc chạy trốn tình yêu” của Bernhard Schlink để dự thi. Cái tên Bernhard Schlink hẳn không xa lạ với độc giả ở tầm quốc tế. Bernhard Schlink (sinh năm 1944) là Luật Sư, Giáo sư ngành Luật học và bắt đầu viết văn từ năm 1987, với tiểu thuyết hình sự "Tự phán xử" viết chung cùng người bạn có chung đam mê truyện trinh thám là Walter Popp. Sau thành công của tác phẩm đầu tay này, Schlink tiếp tục ra mắt các tiểu thuyết hình sự do ông độc lập sáng tác và nhận được nhiều giải thưởng văn học của Đức. "Người đọc" (Der Vorleser/The reader) của ông, xuất bản năm 1995 là cuốn tiểu thuyết phi trinh thám/hình sự đầu tiên. Schlink đã gặt hái thành công vang dội với tiểu thuyết này: cuốn sách đã được dịch ra hơn 50 ngôn ngữ, nhận được nhiều giải thưởng văn học ở Đức, Mỹ, Ý và Pháp; và được Hollywood chuyển thể thành bộ phim cùng tên (2008).

Nhớ hồi cuối tháng 4 năm ngoái tôi có chuyến đi Đức, lúc đó bản dịch cuốn sách “Những cuộc chạy trốn tình yêu” - đang ở giai đoạn biên tập. Đây là tập truyện ngắn đầu tiên của Schlink và ngay trong năm xuất bản đã lọt vào danh sách Bestseller năm 2000 của tạp chí uy tín Der Spiegel (Tấm Gương), xếp thứ 5 ở hạng mục Sách văn học. Tập truyện ngắn này cũng trở thành bestseller ở tầm quôc tế. Berlin làm tôi liên tưởng nhiều nhất đến những truyện ngắn trong tập truyện. Lẽ đương nhiên, Berlin cũng là nguồn cảm hứng cho tôi khi dịch sách, bởi đã gắn bó với thành phố này cả thời sinh viên, đã chứng kiến sự kiện Bước Ngoặt (die Wende) - là bối cảnh chính cho truyện ngắn "Ngoại tình". Schlink đã theo học ngành Luật tại trường ĐH Tự Do (FU) năm 1968, lúc ấy được tính là West Berlin, vô cùng đặc biệt bởi là một phương Tây thu nhỏ trong lòng nước CHDC Đức. Sau này khi nước Đức tái thống nhất, ông có thời gian sống tại thủ đô Berlin-là GS. ngành Luật Học tại trường ĐH Humboldt, năm 1992.


Một góc Berlin nhìn từ Nhà thờ Chánh toà (Berliner Dom)


Schlink đã mang hơi thở lịch sử xã hội Đức đương đại vào trong những truyện ngắn của ông. Tới giờ này, Berlin vẫn là một công trường xây dựng, như Andi và Sarah đã nhìn thấy trong truyện ngắn "Cắt da quy đầu". Cũng với "Cắt da quy đầu", ta có thể thấy rõ rệt chất Đức ở văn phong và văn phạm cuả Schlink - vốn được giới phê bình văn học Đức ngữ khen ngợi là "bậc thầy của con chữ đương đại": trau chuốt và chính xác, khô lạnh mà giàu hình ảnh, đa tầng đa nghĩa, mạch truyện logic mà vẫn đủ lãng mạn và hài hước. Câu chuyện tình yêu của Andi và Sarah, một người Đức và một người Mỹ gốc Do Thái, rất cá thể hoá với những cao trào kịch tính mà cũng mang tính triết lý, khái quát rất nhiều vấn đề xoay quanh tình yêu và thân phận con người.

Khi dịch truyện này, tôi đã rất nhớ "ánh tà dương muộn dịu dàng" khi bước lên từ ga tàu điện ngầm Stadtmitte ngay quảng trường Gendarmenmarkt, cũng một buổi chiều đầu hạ, mấy năm trước khi đọc "Những cuộc chạy trốn tình yêu". Có phải đấy là những cái mà người ta gọi là cơ duyên?

Ngày cuối cùng ghé Bonn, tôi tranh thủ đến xem triển lãm “Những huyền thoại Đức kể từ năm 1945” tại bảo tàng Lịch sử nước CHLB Đức. Có nhiều hiện vật giai đoạn 1945 sau Thế chiến thứ II đến 1990 tái thống nhất nước Đức được trưng bày. Trong đó có bức tranh áp phích vẽ năm 1948, lại khiến tôi nhớ đến đoạn về Andi đã cảm thấy thế nào trước cái nhìn định kiến dân tộc từ Sarah, người thân và bạn bè của cô trong “Cắt da quy đầu”.


Bức áp phích có tên  "Có tội?  Đâu là giới hạn của sự kết tội cá nhân?".
Hoạ sĩ Stury, 1948, Trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử nước CHLB Đức, Bonn

“Anh chợt nhớ đến những bộ phim về chiến tranh của Anh và Mỹ mà anh đã xem hồi nhỏ. Anh đã biết là người Đức đáng được miêu tả là kẻ ác, và mặc dù vậy vẫn cảm thấy bị giằng xé.


.      .


“Phức tạp như thế nào hả? Quá khứ phải được ghi nhớ để không lặp lại; nó phải được tưởng nhớ, vì nó đòi hỏi sự trân trọng với những nạn nhân và con cái của họ. Holocaust cũng như chiến tranh đã cách đây năm chục năm; những thế hệ cha ông đã nhận lãnh tội lỗi này, thế hệ cháu chắt không để cho mình phải nợ nần gì nữa. Ai nói rằng mình đến từ Oranienburg khi ra nước ngoài, người ấy tự dưng phải chịu điều tiếng xấu. Những thanh niên trở thành Neonazis (phát xít mới), vì họ thấy quá đủ với việc xoá bỏ quá khứ. Anh cho rằng không đơn giản để lĩnh hội và cư xử đúng đắn với tất cả những điều đó.”

Những suy tư đó của người Đức, ở một khái quát rộng hơn và sâu xa hơn cũng có thể là của những dân tộc đã trải qua chiến tranh, đau thương mất mát và định kiến như Việt Nam chúng ta.

Rồi chặng đi tàu từ Bonn đến Frankfurt để bay về Sài Gòn, tôi đã mê mải ngắm nhìn cảnh sắc dọc hai bên sông Rhein. Cung đường đẹp tuyệt, hệt như Schlink mô tả trong truyện:

Cung đường tàu chạy dọc bờ sông Rhein

“Tàu chạy ngang Cologne, băng qua sông Rhein đúng lúc mặt trời lên và chiếu sáng lấp lánh nhà thờ Chánh toà và bảo tàng.

“Kìa”, Sarah nói, “đẹp nhỉ.”

“Ừ, và sẽ còn đẹp hơn thế nữa”. Anh yêu cung đường tàu chạy dọc sông Rhein, dòng sông với những khúc quanh uốn lượn, bờ sông lúc thì hiền hoà lúc thì dốc đứng hiểm trở, những ruộng vang nho và rừng cây mọc trên vách núi, những toà lâu đài và những vùng quê nhỏ bé, những con tàu chở hàng đi nhanh lúc xuôi dòng và chậm chạp nhọc nhằn lúc ngược dòng. Anh yêu chặng đường trong mùa đông, nước sông toả làn không khí giá lạnh lúc sáng sớm và mặt trời chật vật nhô lên khỏi lớp sương mù. Vào mùa hè, những lâu đài, những vùng đất, những đoàn tàu và xe cộ ở phía bên kia sông trông như một thế giới đồ chơi xác thực trải mình trong ánh nắng mặt trời. Mùa xuân anh vui thích với hoa nở và mùa thu với những chiếc lá nhuộm sắc vàng đỏ.

Vào cái ngày anh đi trên cung đường này cùng với Sarah, trời không mây, và nước Đức hiển hiện xinh xắn như đồ chơi dưới bầu trời xanh và không khí trong lành. Andi chỉ cho cô tất cả với một niềm hăm hở trẻ thơ: đại lộ với rặng cây hai bên của lâu đài ở Brühl, đảo Nonnenwerth, núi đá phiến Loreley và lâu đài thời trung cổ ở Kaub. Khi tàu lượn vào vùng đồng bằng sông Rhein, cảm giác quê nhà bâng khuâng nhói tim anh. Miền đồng bằng rộng lớn, những ngọn núi ở phía đông và phía tây, những vết nứt gãy đá cát đỏ đoạn tàu chạy từ Mannheim đến Heidelberg - anh xuất thân từ nơi đây, anh thuộc về chốn này. Bây giờ anh dẫn Sarah về đây."

Tất nhiên, đó là cảm xúc dạt dào của một Andi đang yêu về quê hương mình. Còn tôi, ấy là niềm vui được chứng thực với tư cách là dịch giả. Từ lâu tôi đã mong muốn đến Heidelberg, một thành phố nổi tiếng trên bản đồ du lịch của nước Đức với vẻ đẹp cổ kính lãng mạn và trường Đại học có lịch sử lâu đời nhất nước Đức (1386). Tôi cũng nghiệm ra rằng, khi viết về một thành phố - là một góc nhìn cá nhân, soi chiếu tâm hồn và tình cảm của người viết với nơi chốn ấy. Schlink viết hay như vậy, bởi ông xuất thân từ Heidelberg. Và cũng có thể nghề nghiệp “tay phải” là Luật gia và Giáo sư Luật đã góp phần làm nên lối kể chuyện đặc sắc. Luôn cần độc giả đọc chậm, đọc kỹ, luôn có một kết truyện bất ngờ và luôn để lại một dư âm khi đọc xong mỗi truyện trong tổng cộng 7 truyện ngắn. Đồng thời bạn đọc cũng sẽ nhận ra tác giả biết được bao nhiêu về đàn ông và đàn bà. Trên trang mạng LESELUST (Thú đọc sách) của Đức, độc giả Daniela Brezing đã viết bình luận như sau về tập truyện ngắn này: “Có lẽ một nhà văn lớn là người cũng có thể viết hay về những cái mà mình không biết rõ. Nhưng có thể kể chuyện hay đến thế về một lĩnh vực mà mình am hiểu tận tường như Bernhard Schlink thì mới là đáng nể vì trong mắt tôi. Những truyện ngăn trong tập sách này hoàn toàn thuyết phục được tôi – Một cuốn sách đặc biệt!”.


Vương Minh Thu
(bài và ảnh)


(*) Những cuộc chạy trốn tình yêu – do Vương Minh Thu dịch từ nguyên bản tiếng Đức Liebesfluchten của Bernhard Schlink.
Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam/ nhà xuất bản Hội Nhà Văn liên kết xuất bản tháng 12/2018. Sách dày 350 trang. 

Các thao tác trên Tài liệu

được sắp xếp dưới: Giai phẩm Xuân 2019, Sách
Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss