Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Những dải khăn tang trên đèo Mụ Dạ

Những dải khăn tang trên đèo Mụ Dạ

- Phan Thuý Hà — published 28/03/2020 21:01, cập nhật lần cuối 28/03/2020 21:01



Những dải khăn tang trên đèo Mụ Dạ


Phan Thuý Hà



biadktt



Ngày đi bộ đội tôi 38 kg. Bốn năm sau tôi tăng thêm 15 kg, đẹp trai và khỏe mạnh.

Ở nhà tôi bị bệnh thấp khớp mẹ bắt ăn kiêng đủ thứ. Vào chiến trường thứ gì cũng ăn bệnh thấp khớp biến mất.

Chuyện tôi nhẹ cân quá mức mà đăng ký đi bộ đội trở thành chuyện cá cược của cả lớp. Bọn tao đố mày trúng được đấy. Mày trúng chiều đi học về con Định phải cõng mày qua suối.

Tôi đi học cấp ba ở Hương Vĩnh, ở trọ nhà anh y sĩ. Chính anh là người khám sức khỏe.

Anh ghi cho em 45 kg nhé.

Anh nói, tao ghi cho mày 48 kg luôn.

Chào các bạn tôi đi. Ba lô mang theo ba cuốn sách Toán, Lý, Hóa. Tôi sẽ vừa đánh giặc vừa học để khi trở về kịp thi tốt nghiệp cùng các bạn.

Thầy giáo dạy môn Vật lý gặp riêng tôi. Em sức khỏe yếu, đừng đi. Em học giỏi vậy ở nhà học tiếp để đi Liên Xô. Thưa thầy, em đã quyết định rồi.

Anh trai tôi làm công nhân nghe tin em trai đã bỏ học đi lính thì mắng. Sao mày dại vậy.  Đi đánh giặc là chết đấy.

Anh mắng tôi dại nhưng vài năm sau anh cũng xung phong đi bộ đội.

Lý do gì khiến cho anh tôi thay đổi vậy.

Những người con trai hàng ngày nghe đài phát tin đánh trận ngoài tiền phương lòng nôn nao. Hai chân này phải đi ngay. Không đi không còn giặc nữa mà đánh.

Hai năm trước cha không cho tôi đi học cấp ba. Lý do là tôi nhỏ quá đi học xa phải lội qua nhiều khe suối ông lo lắng. Một năm ở nhà sau mỗi trận bom có kẻng báo động là tôi lại chạy đi cáng người bị thương cấp cứu, cáng người chết đi chôn.

Con trai đi học xa cha không yên tâm nhưng lên đường ra trận lòng cha vinh dự.

*

Trung Lào. Đại đội 38 pháo cao xạ 85mm. Nhiệm vụ bảo vệ phía tây đường 12.

Mười tám chàng trai tuổi đời mười tám và mười chín. Chưa có đứa nào hai mươi tuổi. Mười tám chàng trai cùng đại đội, quê Hương Khê và Thạch Hà.

Hai khẩu pháo cạnh nhau. Mỗi đứa một nhiệm vụ trực chiến suốt ngày đêm. Ngắm máy bay. Nạp đạn. Quay máy.

Buổi chiều anh y tá gọi tôi sang. Tôi rời khỏi trận địa.

B52 gầm rú. Bom ném trúng vào hai khẩu pháo.

Mười sáu người bạn của tôi đã chết như vậy.

Còn lại tôi và Toản. Toản thoát được vì bấy giờ đang đi chặt lá ngụy trang.

Cả đại đội cùng đi nhặt xác. Không còn thân xác nào nguyên vẹn. Những mảng thịt da tay chân tan tác vung vãi chúng tôi cố khớp nối cho ra hình một con người.

Quan tài là những hòm đựng đạn. Mười sáu hòm đựng đạn xếp thành hàng.

Chúng tôi khiêng những chiếc hòm vào hang đá.


tangsach
Phan Thuý Hà tặng sách cho nhân vật

 

Hang đá. Rừng Lào nhiều hang đá. Lương thực vũ khí cất trong hang đá. Người ẩn nấp trong hang đá. Và đêm nay tôi và Toản đứng trước hang đá canh xác các bạn.

Rừng đêm u tịch. Bóng tối mênh mông. Xa kia đại đội vẫn trực chiến. Còn đây tôi và Toản. Hai đứa nhóm lửa. Ngọn lửa vừa đủ sáng mặt nhau. Những con chuột to tướng gớm ghiếc lạo xạo bò dưới chân.

Toản, mày sao vậy. Mày sợ tới mức vậy sao. Tôi nghe rõ tiếng thở hắn không bình thường.

– Mày gác nhé. Tao sang chỗ bên kia xin miếng nước.

Cách đó hai cây số có trạm thông tin. Trạm thông tin có nhiều cô gái tính tình vui vẻ. Không cần biết tôi phản ứng sao Toản đi luôn.

Tôi một mình đây. Những con chó Lào đói ăn đánh mùi tìm đến. Chúng gầm gừ. Người Lào nuôi rất nhiều chó. Đêm đêm những con chó đi sục sạo. Toản ơi sao mày bỏ lại tao thế này. Tôi hét to xua đuổi đàn chó. Đàn chó không chịu đi. Tôi quất gậy đuổi từng con vọt ra xa. Tôi quay lại cửa hang. Ánh lửa leo lét. Tôi nhìn những chiếc hòm đạn các bạn tôi nằm trong đó. Tôi khóc nức nở.

Những con chó hoang lại mò tới. Tôi lại dùng gậy lao vào chúng. Tao không thể nào bảo vệ được bạn khi còn sống. Nhưng lúc này đây lũ chó hoang kia đừng hòng vào được nơi các bạn tao đang chờ về quê hương.

Ngày hôm sau Toản vẫn chưa quay lại. Ngày hôm sau vẫn chưa có người bên Việt Nam sang chở xác về. Các bạn lại ở đây với tôi thêm một ngày. Tiếp tục một đêm tôi chiến đấu với lũ chó hoang đất Lào.

Sang ngày thứ ba xe trung đoàn sang. Ni lông bọc xác. Đường ướp xác.

– Đồng chí Toản đâu?

– Báo cáo. Sáng nay đồng chí Toản đau bụng vừa chạy sang bên trạm thông tin xin thuốc.

Đường dây gọi sang trạm thông tin bên kia. Đồng chí Toản về bàn giao xác.

Kết quả hai đêm bỏ trốn là Toản có mối tình với cô lính thông tin người Thái Bình.

 

Một buổi chiều khác Toản đi chặt lá ngụy trang. Mọi bận Toản đi chừng hai tiếng đồng hồ nhưng hôm nay tối mịt rồi vẫn chưa về. Đơn vị đi tìm nhưng không thấy. Họ gọi tôi lên.

– Theo đồng chí Hiền thì đồng chí Toản có đào ngũ không ?

Toản là một thằng nhát nhưng tôi chắc chắn không có chuyện đào ngũ.

Đơn vị cho người về quê điều tra.

Không tin tức gì về Toản. Cô bộ đội bên trạm thông tin đã có bầu. Cô được chuyển về Bắc sinh con. Chúng tôi tin đó là đứa con với Toản.

Bây giờ là mùa mưa. Mùa mưa chúng tôi lui về Việt Nam chờ mùa khô sang.

Một năm sau đơn vị thông tin rải đường dây phát hiện ra bộ xương cách trận địa pháo của Toản một trăm mét. Bên cạnh đó là cái dao chặt cây và súng. Đây là súng của đại đội phó. Trước lúc đi chặt lá ngụy trang Toản được đại đội phó cho mượn súng. Dựa vào các tình tiết có thể phán đoán Toản đã giẫm phải bom từ trường.

Còn lại một mình tôi.

Nó trẻ quá. Không được để cho nó chết. Phải cho nó đi làm việc khác. Chủ nhiệm chính trị nhìn tôi xót xa. Ông nhận tôi là con nuôi. Tôi được cho lên trung đoàn quản lý bếp ăn.

*

Thuấn và Ngọc đi lấy mì chính từ Hà Tĩnh sang Lào. Đi qua trung đoàn hai đứa vào thăm tôi.

Xe dừng bên kia khe suối, đi bộ hơn cây số là vào tới nơi tôi đang làm bếp.

Ba đứa bạn thân trước cùng đại đội gặp nhau mừng rỡ. Tôi mải chuyện làm khê nồi cơm. Thuấn không ăn bữa tối. Hắn nói cơm khê là điềm gở. Ngọc gạt đi, chúng mày đừng có mê tín vớ vẩn. Nấu cơm khê là điềm xấu từ trước tới giờ chúng tôi được nghe kể nhiều. Đi lính một thời gian chúng tôi thành người mê tín. Cái chết lởn vởn quanh mình. Mê tín để có thể xoa dịu khi số phận không may.

Chuyện trò tới tận khuya Thuấn ra xe ngủ. Vì hàng là mì chính phải trông chừng kẻ gian phát hiện ra lấy bớt. Thuấn đi một lúc thì Ngọc cũng chia tay tôi. Tao phải ra ngủ với Thuấn kẻo nó một mình buồn.

Ngọc ra tới nơi thì Thuấn đã ngủ say trong buồng lái. Không muốn làm bạn thức giấc Ngọc leo lên thùng xe, chui vào trong bạt. Thuấn tỉnh giấc, theo phản xạ người lính, mở cửa đi một vòng kiểm tra xem có động tĩnh gì không. Thấy bóng người cựa quậy trong bạt Thuấn chạy vào ca bin lấy súng. Ai – xuống ngay. Không nghe tiếng trả lời. Ai – xuống ngay. Vẫn không nghe trả lời. Sao mày bắn tao, Ngọc kêu lên thảng thốt.

Hiền ơi tao bắn thằng Ngọc rồi ? Thuấn vác Ngọc quay lại chỗ tôi. Nó không còn nói ra lời. Cả trung đoàn nhốn nháo. Nghĩa trang ở rất gần. Chúng tôi làm lễ tiễn đưa một đồng chí trong buổi sáng mai. Ba năm sau tôi về quê Ngọc thăm mẹ. Mẹ hỏi tôi Ngọc đã chết như thế nào con.

*

Mảnh dù pháo sáng bay lửng lơ. Từ xa trông giống như những dải khăn tang.

Những dải khăn tang thả trên đầu người mẹ người em người vợ. Những dải khăn trang phủ trên cánh rừng. Chiến tranh ác liệt quá hy sinh nhiều quá. Thanh niên xung phong, bộ đội, người dân vô tội. Con người mất mát và đất trời vạn vật cũng mất mát khôn nguôi. Máy bay đánh bom. Người chết. Và cây cũng chết. Rừng trơ trụi. Rừng đeo khăn tang. Cây quấn khăn tang. Đèo núi khăn tang. Và tôi cũng đang buộc khăn cho người bạn vừa chết đêm qua.

Tôi làm bài thơ cuối cùng trên đèo Mụ Dạ. Tôi đọc cho anh em nghe. Anh em vỗ tay. Chính trị viên cũng vỗ tay. Đột nhiên chính trị viên thay đổi sắc mặt.

– Đồng chí lên gặp tôi ngay.

– “ Những dải khăn tang trên đèo Mụ Dạ ”. Tại sao đồng chí viết như vậy. Tuyên truyền cho địch à ?

Viết bản kiểm điểm. Kỷ luật. Kiểm tra ba lô. Cuốn sổ bị mang ra. Đốt. Đốt hết. Lửa cháy bùng.

Thơ tôi không tiếc. Tôi tiếc những trang nhật ký về những năm tuổi trẻ đời tôi. Tôi ức chế đến độ không còn nhớ gì mình đã viết.

Phan Thuý Hà


NGUỒN : trích từ Đừng kể tên tôi, Nhà xuất bản Phụ Nữ, 2017,
tr. 200-227
bản điện tử do tác giả cung cấp

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss