Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Những đôi mắt

Những đôi mắt

- Nguyễn thị Kim Thoa — published 23/11/2011 13:57, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
Bút ký


Những đôi mắt


Nguyễn thị Kim Thoa



Cháu gái nhỏ lên năm, tên Hợp, là bệnh nhân của tôi. Cháu vào viện đã nửa tháng nay. Da cháu tái xanh, vàng ệch. Mắt cháu thất thần, đờ đẫn. Cháu ốm o, tiều tụy, hiu hắt như một cây sậy héo. Hợp bị tim bẩm sinh. Suốt mười lăm ngày qua trong lòng tôi thường dấy lên một hy vọng mơ hồ là chẩn đoán của mình không chính xác ở trường hợp này. Từ nhiều năm nay những trẻ em nông thôn bị tim bẩm sinh chiếm một tỷ lệ cao không bình thường tại phòng nhi tim mạch do tôi phụ trách. Cái gì, do đâu... và cách nào tốt nhất để bứt ra khỏi bàn tay tàn ác, bỡn cợt của tử thần – một lô những câu hỏi khiến chúng tôi mệt nhoài, quay quắt. Hồi nhỏ vì lý do này nọ tôi đã đứng ngoài cuộc chiến tranh mà gia đình, trường học bảo rằng không phải của tôi. Lớn lên học y, rồi làm thầy thuốc chữa bệnh cho trẻ em, từng bước tôi đã tiếp cận với cuộc chiến mà nhiều người bảo nó đã chấm dứt từ lâu rồi? Nghề nghiệp đã làm thay đổi cách nhìn, cách nghĩ, cách ứng xử mà hồi nhỏ tôi chưa bao giờ hình dung sẽ như thế này. Đối với tôi chiến tranh chưa thật sự chấm dứt. Chiến tranh vẫn còn đó, vẫn ám ảnh tôi, đối diện với tôi không phải chỉ tại phòng nhi tim mạch này. Chiến tranh còn theo tôi đến nhà xác, thư viện, phòng xét nghiệm. Chiến tranh còn theo tôi về tận nhà len lỏi trong giấc ngủ.

Ánh mắt của những cháu nhỏ bị tim bẩm sinh thường rất dại, như van lơn, như cầu khẩn, đã theo tôi khắp nơi và qua từng bước đi, ánh mắt đó như một mệnh lệnh bảo tôi rằng: “Dù mi đã sống quá nửa đời người trên đất nước mình, mi đã chẳng hiểu được bao nhiêu về nó. Mi hãy bước tiếp đi, ta sẽ là ngọn đèn...”

Mẹ cháu Hợp là một người phụ nữ không có tuổi – Chị nói là đã gần ba mươi. Người chị nhỏ thó, khô đét, gầy còm, nhăn nhúm như một trái mướp khô. Bất cứ lúc nào nhìn chị cũng chỉ thấy hiện hiển một nỗi đau. Suốt hai tuần lễ ở bệnh viện, chị quanh quẩn bên đứa con duy nhất mà chị rất mực thương yêu. Tóc chị rối bù xám xịt, mắt chị thâm quầng, sâu thẳm. Vai chị nặng trĩu như mang một trái núi. Chị cũng chiến đấu từng giờ từng phút với con chị suốt những đêm những ngày trong bốn bức tường trắng đục của bệnh viện. Rã rời, mệt mỏi, cô đơn, chị ngồi bên con hết đêm này qua đêm khác. Bất cứ lúc nào thăm bệnh trong đêm, tôi cũng thấy chị ngồi đó với đôi mắt ráo hoảnh. Tôi có cảm tưởng chị chỉ còn hiện hữu với chỉ đôi mắt ấy. Có lẽ chẳng còn gì trên đời để đôi mắt ấy hướng về, nhìn đến, ngoại trừ cái mầm xanh đang quằn quại, héo hắt, đang khô cạn dần sức sống. Và chị chỉ còn một sở hữu duy nhất giữa cái cõi ta bà này là nỗi tuyệt vọng. Nỗi tuyệt vọng đang lớn dần và chiếm cứ lấy chị. Gần như chị đã thật sự là sở hữu của nó rồi.

Sáng nay, buổi sáng thứ mười lăm cháu Hợp vào viện. Tôi bắt đầu buổi làm việc của mình với trường hợp làm tôi bận lòng hơn hết suốt hai tuần qua: Cháu Hợp. Buồn rầu, ray rức, quay quắt, tôi tự hỏi với mình là cháu Hợp không qua được. Và vô tình, tôi hỏi chị: “Ba cháu đâu sao chẳng thấy anh ấy đến thăm cháu hả chị?” Thay vì trả lời tôi, chị nhìn tôi cười buồn như sắp khóc. Đôi mắt lờ đờ của cháu Hợp bỗng dưng mở to và ánh lên một thứ ánh sáng kỳ lạ mà suốt hai tuần qua tôi chưa hề thấy bao giờ. Cháu hỏi tôi: “Bác ơi, bác cũng biết ba cháu hả bác? Ba cháu đâu hả bác?”

Tôi giật mình chửng hửng. Tôi không ngờ mình lại khờ khạo đến thế. Sao tôi lại láu táu lanh chanh đến thế. Chút lòng trắc ẩn bèo bọt của tôi làm sao bù đắp được những gì trước một tình thế tồi tệ do sự hời hợt, ngu dốt tôi gây nên? Tôi bối rối nhìn cầu cứu người mẹ khốn khổ, bất lực. Cháu Hợp hết nhìn tôi, quay nhìn về phía mẹ và hỏi không kịp thở:

– Ba đâu hở mẹ? Sao ba không về thăm con hở mẹ? Ba ghét con phải không mẹ?

– Con ơi, con nằm yên đi nào. Ba rất thương con, thương con nhiều lắm. Không thương sao tết nào ba cũng gởi quà về cho con? Ba bận đi làm ăn xa chưa về kịp đó thôi

Chiều qua chị đã nhờ bà y công Hiền đi mua cho cháu áo mới và búp bê. Chiếc áo mới cháu đang mặc và búp bê cháu đang ôm trong tay. Mắt mũi tôi cay xè, tôi đi vội ra khỏi phòng để giấu đi những dòng nước mắt. Đã mấy cái Tết bố Hợp đã gởi quà cho con mình như thế nhỉ? Ôi! tấm lòng của người mẹ! Tôi cũng là một người mẹ. Chị là người mẹ khác. Có bao nhiêu người mẹ Việt Nam là có bấy nhiêu cách biểu hiện tình yêu đối với con cái của mình!

Chiều hôm ấy cháu Hợp ra đi. Chị vừa lau rửa mặt mũi chân tay, thay áo mới cho con, vừa khóc rưng rức, tỉ tê, cô độc. Tôi lấy hộp phấn và thỏi son bôi lên má, lên môi cháu Hợp – bấy giờ đã nằm yên, hai tay buông dài, con búp bê nằm bên cạnh. Cháu mặc áo mới, má và môi phớt hồng, mắt nhắm như đang ngủ, đang mơ màng. Có lẽ cháu đang nghĩ về người cha xa xôi chưa bao giờ gặp mặt, người cha thường gởi áo mới, búp bê và quà bánh cho cháu mỗi dịp Tết. Có lẽ cháu cũng đã mơ về một cái Tết gần nhất cha cháu đi làm ăn xa trở về, ôm cháu trong vòng tay và cha - con sẽ hôn nhau nhiều cho bù lại khát khao của bao năm tháng.

“ Hợp là con của chị với một thanh niên cùng làng. Cả hai đều không có bố mẹ, anh chị em, vì họ đã chết hết trong chiến tranh. Chị và anh ấy thương yêu nhau thật mặn nồng, đã cùng nhau ấp ủ bao nhiêu là mơ ước: Một mái nhà, một mảnh đất và những ngày tháng thanh bình với con cái thật nhiều để gây dựng lại một giòng họ gần như đã tuyệt tự vì chiến tranh. Nhưng rồi anh ấy đã chết vì một trái mìn trong một sáng đi làm rẫy...”

Chị nói với tôi điều này trong nước mắt. Ôi chiến tranh! Ai bảo chiến tranh không còn nữa? Ai bảo đất nước này chỉ có hòa bình? Chiến tranh đã chấm dứt, hòa bình đã lập lại mà sao mìn và chất độc màu da cam vẫn còn hiện hữu nơi này – trong cái phòng nhi tim mạch khốn khổ của chúng tôi?

Buổi chiều. Một buổi chiều thật ảm đảm. Lạnh. Mưa lâm thâm. Qua khung cửa sổ phòng làm việc, tôi ngắm nhìn bước đi lầm lũi, xiêu vẹo về phía cuối sân. Trong tay chị là bé Hợp – đứa con đã chết của chị, bệnh nhân của tôi – nỗi đau thất bại của tôi. Tôi nghẹn ngào tự hỏi: “Chị đi về đâu? Ước mơ đi về đâu? Nấm mồ hay mái ấm? Làm sao có được mái ấm khi chị mang đi chôn ước mơ duy nhất của mình?”

Còn tôi nữa. Căn phòng lúc này trống hoác. Các đồng nghiệp tôi tranh thủ đi lo Tết. Tôi ngồi lại một mình với những đôi mắt lúc này không dại, không van lơn, không cầu khẩn... mà là những đôi mắt đang giễu cợt, trách mắng tôi!


Đà Nẵng cuối năm Đinh Sửu.

Nguyễn thị Kim Thoa


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss