Những lá thư từ Panduranga
Những lá thư Panduranga
Lê Minh Hà
Những lá thư Panduranga. Những lá thư không phải từ Ấn Độ. Của một người có tên Việt thuần.
Tôi đã xem, đã nghe, từ Berlin.
Ngoài kia gió lạnh và
người du lịch đi nườm nượp.
Trong này, phòng chiếu phim quây màn
dày và tối, ánh sáng duy nhất
là ánh sáng hắt từ màn hình
đang gần như đứng lại ở cảnh
một cánh đồng cổ mộ, không
có những nấm mồ và bia mộ, chỉ
là đá tảng tự nhiên quần
tụ bên nhau chạy về chân trời,
dưới đó, nghe lời thư kể, có
khi là cả chục bộ xương nằm
trên ngực nhau. Có ngôi mộ đá
tảng nào bằn bặt từ những cơn
chiến chinh chống xâm lăng và nội
chiến, lập nước rồi mất nước
của dân tộc ấy.
Những khuôn hình động
và không động, những tiểu cảnh
tưởng chừng rời rạc, như là
tập hợp của những video clip và ảnh,
một kiểu ảnh thật đặc biệt,
trong đó người được chụp
bất động trong một tư thế, ở
duy nhất một không gian dường như
rất thiếu nghệ thuật, có phần
nhem nhuốc, là mảnh sân nhà, nơi
gà qué được tự do. Máy
quay gần như không lia, bám chặt từng
nếp từng rãnh thời gian cày xới
trên gương mặt người, nếu
phóng to lên thì sẽ giống gì
nhỉ? Hạn hán chờ cơn mưa? Trên
gương mặt đó, đàn ông,
đàn bà, duy nhất chuyển động
là ánh mắt.
Đây là phim tư liệu?
Hiểu theo nghĩa phim tư liệu quen thuộc
với người Việt mà tối nào
nếu muốn tôi cũng có thể xem qua
VTV4 nơi này thì hiển nhiên là
không phải. Đây là thử nghiệm
nghệ thuật của các phương tiện
kĩ thuật thị giác? Cũng không!
Người xem bị cuốn vào bị đẩy
ra khỏi tác phẩm trong suốt buổi trình
chiếu vì những ý nghĩ này. Và
phải nói rằng tôi hài lòng vì
thế. Tưởng chừng như đang được
lần trở lại quá trình viết cuốn
sách ưng ý của riêng mình, một
cuốn sách không đề thể loại
và được coi là tiểu thuyết.
“Những lá thư Panduranga” cho thấy
sự gặp gỡ của nghệ thuật đương
đại, ở đó, loại hình bị
xoá nhòa, mọi đặc trưng thể
loại đều có thể và đã
trở thành phương tiện của người
nghệ sĩ để làm nên tác
phẩm.
Nhưng tôi có cần phải
nói rằng tôi dị ứng với vô
số thử nghiệm nghệ thuật đã
thành quá phổ cập ở đất
này và đang phổ biến ở Việt
Nam. Trong một nghĩa khó bác bỏ, những
quẫy đạp trong nghệ thuật thể hiện
sự cùng quẫn của người sáng
tạo, và sáng tạo thật sự đôi
khi vô cùng giản dị. Những lá
thư Panduranga là một diễn đạt đẹp
về điều này.
Không phải là phim tư
liệu. Thật. Vì không nhiều thông
tin hơn Wikipedia về đúng đề tài
này. Song người xem dường như hiểu
được về một nửa tộc người
Chăm đặc biệt của nước Việt
hôm nay hơn khi xem phim. Qua những trầm ngâm
ngẫm nghĩ giữa hai “mình”
ở phim. Phải, phim này không hẳn là
phim tư liệu, vì ở đó có
nhân vật trữ tình, hai nhân vật,
mà dường như là hai nửa gương
mặt của một người duy nhất - người
nghệ sĩ, trên hành trình đi tìm
ý nghĩa đời sống qua việc tìm
hiểu một tộc người vẻn vẹn
có hơn trăm nghìn hậu duệ, đồng
thời xác lập lại những chủ đích
nghệ thuật của mình. Tôi rất
thích những đối thoại qua thư của
hai người nghệ sĩ không rõ mặt
này, không có cái hớn hở của
những người trẻ chưa nhiều trải
nghiệm, cũng không có cái chán
chường biết rồi khổ lắm của
những người tự cho mình già rồi
không cần biết hơn. Những khuôn
hình ngưng kết, chảy trôi, kết
lại với nhau trên mạch tâm tình
đam mê và trầm tĩnh, được
diễn đạt rất đẹp qua hai giọng
đọc nam và nữ. Nữ, thì đó
chính là giọng của đạo diễn,
một phụ nữ, đi qua năm tháng đời
người đời nghề đã nhận
ra giờ mình không còn thích những
khuôn hình ghi lại mặt người
chính diện, mà chỉ còn là
những lưng người, những góc
nghiêng chênh chao như cuộc đời.
Từng khuôn hình, từng
bức ảnh, tách riêng ra thì đến
tôi cũng có thể chụp hay quay. Nhưng
tất cả được cắt dựng theo một
cách mà khi xem chỉ có thể ngạc
nhiên vì cách nhìn của người
làm phim. Phải, cách nhìn, cái duy
nhất và quan trọng nhất phân biệt
một tác phẩm nghệ thuật với kết
quả của một thú chơi nghiệp dư.
Cách nhìn ấy xuyên suốt nhịp
điệu nhỏ nhẹ mà cứng cỏi
của bộ phim, hay, tôi muốn nghĩ thế
này hơn: nhịp điệu nhỏ nhẹ,
cứng cỏi rất đáng chú ý
của bộ phim xuất phát từ cách
nhìn ấy.
Ít thấy cách nhìn
này qua các phim tư liệu của các
nhà làm phim trong nước. Và tôi
tự hỏi vậy có thể coi “Những
lá thư Panduranga” là phim của Việt
Nam không. Có, và không. Điều
này không thể và không nên giải
thích chỉ bằng những chuyến đi xa
gần của người làm ra nó. Tôi
nghĩ và tin chỉ khi nào sống thật
sự trong cả hai nền văn hóa người
ta mới có thể có cách nhìn
vừa thẩm thấu vừa gián cách như
thế này.
Bộ phim chiếu ở
Berlin. Nếu bạn có mặt ở đó,
bạn sẽ có thể như tôi: Khi đứng
trong khán phòng, tôi đã lúng
túng tưởng mình đứng giữa
một triển lãm sắp đặt. Màn
hình đang dừng ở một khuôn hình:
cánh đồng cổ mộ, chạy tới
chân trời là những tảng đá
dằn trên vô vàn bộ cốt. Còn
nơi tôi đặt chân: những tấm
nệm hệt cái ruột chăn lớn thay
cho ghế ngồi trông cũng chả khác
gì những tảng đá thay bia mộ ấy,
chỗ lồi chỗ lõm, do dấu người
nằm trước. Đặt mình xuống và
nhìn lên màn hình trong cảm giác
đang tham dự và trở thành một
phần của tác phẩm, lắng nghe và
đối thoại ngầm với người nghệ
sĩ đang ẩn mình nói với ta bằng
tiếng ta về một câu chuyện của
đất nước chúng ta trên phim là
một trải nghiệm thật khó mô tả,
như thể là…
Bạn phải xem! Thế thôi!

Học báo chí và nhiếp ảnh tại Trường đại học Iowa và Quan hệ quôc tế và Phim Nhân học tại Trường đại học California, San Diego, làm phim và video độc lập ở Hà Nội, với nhiều tác phẩm liên hệ tới ký ức và lịch sử, sử dụng nhiều dạng chất liệu cho phim và video – từ video tự quay tới ảnh và tư liệu tìm được từ nhiều nguồn (như phim kinh điển cũ, video sự kiện, ảnh báo chí…); và thử nghiệm pha trộn các yếu tố của phim và video nghệ thuật, sắp đặt và trình diễn, Nguyễn Trinh Thi quan tâm tới khả năng của các không gian ở giữa các ranh giới: giữa tài liệu và hư cấu, tự sự và trừu tượng, kiểm soát và ngẫu nhiên, tiền cảnh và hậu cảnh.
Các tác phẩm đã được trình chiếu và triển lãm tại nhiều triển lãm và bảo tang ở châu Âu và châu Á, trong đó có Jeu de Paume Paris; Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Bordeaux (CAPC); Liên hoan phim quốc tế Oberhausen; Singapore Biennale 2013; Fukuoka Triennale 2014; Asian Art Biennial Taiwan 2015; Lyon Biennale 2015.
Bài liên quan (cũng trên mặt báo này) : Nguyễn Trinh Thi tại Jeu de Paume, Paris
Lê Minh Hà
Berlin 20. 3. 2016
Các thao tác trên Tài liệu