Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Những mẩu chuyện ngày giãn dân

Những mẩu chuyện ngày giãn dân

- Nguyễn Thị Kim Thoa — published 20/04/2020 15:10, cập nhật lần cuối 20/04/2020 15:12

NHỮNG MẨU CHUYỆN NGÀY GIÃN DÂN


Nguyễn Thị Kim Thoa


1.


Nhà tôi chỉ có hai người già, cổng khép hờ không khóa, những đứa trẻ quanh xóm thường vào chơi hay đọc sách. Cuối hẻm là nhà của ông tổ trưởng dân phố, ông ấy biết tôi là bác sĩ nhi khoa nên thỉnh thoảng đem cháu nội ngoại qua nhờ khám bệnh, tôi không thể từ chối. Ban đầu họ ngỏ ý muốn trả tiền công cho tôi nhưng tôi không nhận. Trước đây, khi còn đi làm tôi thường đi khám cho các trẻ mồ côi, cho các phòng khám từ thiện, do vậy nếu khám thêm một vài em hàng xóm không có gì là phiền phức cho tôi.

Trong xóm còn có hai dãy nhà cho thuê. Cư dân của hai khu nhà trọ này là công nhân từ miền Trung vào, từ miền Tây lên. Họ là công nhân của những khu công nghiệp chế xuất, may mặc, giầy da... ở Bình Dương. Con cháu họ cũng được tôi khám miễn phí mỗi khi đau ốm.

Không có thời khóa biểu khám bệnh, thời gian trong ngày của tôi là làm việc nhà: đi chợ, nấu ăn, vệ sinh lau chùi nhà cửa, giặt dũ, chăm sóc hoa, rau trong mảnh sân nhỏ, thì giờ còn lại dành cho việc đọc sách, viết lách, vẽ vời lai rai... do vậy các anh chị bế con đến lúc nào tôi khám lúc đó, có lúc đang ăn tôi đành bỏ dở bữa vì không thể để các cháu khóc dài được.

Tôi không có gì phải phiền hà về những “cháu khách” không mời mà đến không đúng giờ này: Lòng tôi rộng mở và tôi vui.

Ngoài những “cháu khách” đôi khi cũng có những “ông bà khách” đến nhờ đo dùm huyết áp, xem lại cái khớp đau... tất cả đều miễn phí.

Công việc khám bệnh không nhiều, năm ba bận một tuần mà thôi.

 

Dịch Covid lan rộng, thực hiện chỉ thị 16 của chính phủ, giãn dân, tránh tiếp xúc, nhưng rồi trong xóm các cháu sốt ho, tiêu chảy, ói mửa họ đều đến nhờ tôi như những lần trước.

Không thể coi thường con “vi rút Vũ Hán”. Trang bị áo blouse, mũ nilon, khẩu trang hai lớp (lớp trong khẩu trang y tế, lớp ngoài khẩu trang vải), tôi chỉ có thể làm được như thế để khám bệnh. Do không có sự trợ giúp của cận lâm sàng, tôi phải khám rất kỹ từ ngọn tóc đến móng chân. Phải mất từ 15 phút đến 20 phút cho một trẻ. Xin mở một ngoặc đơn ở đây để nói thêm: từ khi tôi chuyển viện kịp thời cho hai cháu ở khu nhà trọ: một là trường hợp lồng ruột ở một cháu 5 tháng tuổi và một là trường hợp cháu trai 7 tuổi bị ruột thừa viêm, các anh chị ở hai khu nhà trọ tin tưởng và tôi “có thêm việc làm”.

Khám bệnh trong mùa dịch như thế này là một lỗ hổng khá lớn cho việc quản lý dịch bệnh, tôi biết thế, nhưng nếu tôi không khám, các anh chị ấy bế con ra nhà thuốc tây “cắt thuốc” e còn nguy hiểm hơn. Mặc dù khám miễn phí, lại có nguy cơ lây nhiễm nhưng tôi không thể làm khác.

“Cắt thuốc” là một tệ nạn ở Việt Nam không biết bao giờ mới chấm dứt. Người bệnh thường đến khai bệnh ở quầy thuốc tây, một anh hay chị sơ, trung cấp dược nghe khai bệnh và “cắt thuốc” tùy theo số tiền bệnh nhân có. Có năm ngàn bán năm ngàn. Có mười ngàn bán mười ngàn, bán thuốc theo triệu chứng thượng vàng hạ cám gì cũng có. Ngành y tế Việt Nam dư biết chuyện này nhưng không hiểu tại sao không có biện pháp chấn chỉnh.

 

2.

 

Mùa giãn dân, thanh niên thợ thuyền ở đây không có việc làm. Họ rủ nhau ra kênh đào câu cá. Cạnh những gốc dừa nước họ tụm năm tụm ba, phì phà mấy điếu thuốc râm ran nói chuyện. Những con cá rô, cá diếc nhỏ bằng ba ngón tay bị tận diệt. Thỉnh thoảnh họ câu được con lươn to bằng ngón tay cái lại la hét giành giựt nhau. Buổi chiều họ tụ nhau hát ka ra ô kê vang xóm vang làng

Đôi ba bữa họ đem gà ra đá chọi, lại hò hét vang một góc vườn.

Những người phụ nữ bế con dạo chơi trên đường xóm sáng và chiều, những đứa trẻ đạp xe vui chơi cùng nhau. Trên bãi đất hoang trước nhà vài thanh niên cùng mấy đứa trẻ thả diều, chạy lui chạy tới reo hò, trông rất thanh bình.

 

3.

 

– Bà ơi có nước mắm cho con xin một chén.

Tiếng của chị Th gọi tôi trước cổng. Tôi mở cổng và đưa cho chị nửa chai nước mắm còn lại của mình.

– Con chỉ xin tạm một chén sáng mai có tiền con sẽ đi mua.

– Chị cứ cầm về tôi còn một chai dự trữ nữa không lo gì.

– Sáng ni hai vợ chồng con đi Tân Bình, đến ATM gạo rút được mỗi người một ký rưởi, đủ ăn cả nhà ba ngày đó bác, may mà có gạo cứu trợ. – Chị Th nói rồi vội vàng quay bước.

Vợ chồng chị Th là công nhân từ ngoài Trung vào. Vợ làm ở xí nghiệp may mặc, chồng làm công nhân cho xí nghiệp giầy da. Lương hai vợ chồng đủ sống qua ngày.

Khi đứa con đầu vào lớp một, chị nghỉ làm để đưa đón con đi học. Anh chị là dân ngụ cư, không có hộ khẩu cũng không có KT3*, con cái không được chế độ học bán trú** cũng như bảo hiểm y tế, chị nghỉ việc đi rửa chén bát thuê cho một cửa hàng nhậu mỗi tối. Cửa hàng nghỉ bán chị cũng đói theo.

 

4.

 

– Bà ơi, con vào được không?

– Cửa mở con cứ vào

– Bà đang làm gì đó, có rảnh không?

– Con có chuyện gì?

– Con muốn hỏi bà tí việc.

Bé M ở trong xóm, thường hay đến nhà tôi đọc sách. Em được tôi khám bệnh từ khi còn 4 tuổi, năm nay em đang học lớp 12.

Tôi đang nhổ cỏ trong sân, nắng chiều vừa tắt, tôi cũng định nghỉ tay để lo cơm chiều.

– Có gì không, nói ngắn gọn để bà còn đi làm cơm.

– Bé ngồi xuống cạnh tôi trên bệ bồn hoa và thút thít khóc:

– Bà ơi con buồn quá, giãn dân, nghỉ việc dài dài, làm ăn thất bát, ba mẹ con cãi nhau cả ngày, chẳng ai ngó ngàn gì đến chị em con cả.

– Sao thế, nghỉ học ở nhà có thì giờ chị em chơi với nhau càng thích chứ, rảnh quá qua bà đọc sách cũng được.

– Không phải vậy đâu bà. Ba mẹ không ai nhìn ai, bữa cơm nuốt không trôi, mẹ con gầy rộc đi.

– Bà ơi mấy hôm nay con buồn muốn chết, con đã nghĩ đến chuyện nhảy cầu tự tử, con nói với nhỏ bạn, nó ôm con khóc, nó nói chắc con bị trầm cảm và khuyên con đi khám bác sĩ. Con không biết hỏi ai con qua nhờ bà, bà đừng la con.

Tôi ngồi lặng yên để cho M nói tiếp

– Nghỉ học gần hai tháng con định học thêm ở nhà chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp, nhưng không khí gia đình con căng quá, em con nó bỏ đi chơi với bạn suốt ngày đến tối mới về, không biết đi đâu, ba đi phần ba, mẹ lo phần mẹ con chán và muốn chết.

Một đứa bé 17 tuổi, dễ thương, ham đọc sách, dịch bệnh, giãn dân, cha mẹ mất việc, không khí gia đình căng thẳng đã khiến đứa bé rơi vào trầm cảm, muốn tự vẫn, tôi cầm tay bé M và nói:

– Không có gì là không giải quyết được, con cố gắng phấn chấn lên, về nhà nói chuyện với mẹ, giúp mẹ công việc nhà, mọi chuyện rồi sẽ qua.

Tôi nói vậy nhưng trong lòng thấy sợ hãi, thương cảm, lo âu.

Nguyễn Thị Kim Thoa

 

Ghi chú

 

*KT3: chế độ tạm trú dài hạn.

** Học bán trú: học cả ngày, ở lại ăn trưa tại trường.



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss