Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Những miền qua

Những miền qua

- Nguyễn Thị Hậu — published 05/01/2009 01:00, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19




NHỮNG MIỀN QUA…
(Chùm tạp bút ngắn, gửi bạn xa quê)


Nguyễn Thị Hậu




1. NGOẠI Ô


Ngày giáp Tết có dịp đi khỏi thành phố về vùng ngoại ô, nơi mà cách đây không lâu vẫn còn là một thị trấn náo nhiệt đêm ngày...

Khi ấy cả thị trấn nhỏ này là một ga xe lửa lớn của các tuyến đường sắt phía Bắc. Mỗi ngày hàng chục chuyến tàu qua đây. Tàu nhanh, tàu chợ, tàu hàng... ầm ào sình sịch kéo theo sau nó cột khói than đen sì lẫn trong bụi hơi nước mờ mịt phun ra từ chiếc còi lớn trên đầu tàu. Thị trấn xanh màu áo công nhân đường sắt bởi nơi đây còn có một nhà máy lớn đóng và sửa chữa xe lửa. Những dãy nhà trệt mái tôn, mái phibro xi măng trải dài theo những con phố nhỏ có hàng cây bàng, cây xà cừ mát rượi. Cư dân trong thị trấn phần lớn là công nhân, nhân viên đường sắt, một số là công chức, còn lại buôn bán nhỏ và bán hàng rong trên những chuyến tàu.

Bây giờ, khi cây cầu cổ xưa nối liền thành phố và thị trấn không còn là con đường huyết mạch nữa vì đã có cầu mới thay thế, đi qua thị trấn chỉ còn vài chuyến xe lửa, thị trấn cũng mất đi sự náo nhiệt ngày nào. Nơi có đường lộ lớn nối liền với quốc lộ 5 trở nên sầm uất với nhà cao tầng, nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ... Phần còn lại của thị trấn dường như bị bỏ quên, thị trấn như lặng lẽ hơn tuy những ngôi nhà, cửa hàng, chợ búa đã mang bộ mặt mới khang trang hơn trước. Thế nhưng trên những con phố nhỏ hàng cây bàng, cây xà cừ vẫn thế. Qua giá lạnh mùa đông cành khẳng khiu giao nhau dù chỉ còn lơ thơ vài chiếc lá… gợi nỗi nhớ mơ hồ đến những gì tốt đẹp đã qua...

Dọc đường đê những người phụ nữ ngồi bên những rổ đầy khế, quả lớn năm cánh căng mọng nước, màu xanh ngọc của hơi se lạnh mùa đông, màu chớm vàng của ngày heo may, màu vàng mật của nắng chiều như nhuộm cả vào trái chín...

Ngày đang qua, và ngày cũng sẽ trở thành quá khứ...

Bao giờ ta có cơ may: ăn khế… được trả lại thời gian ta ở bên nhau...?



2. HOÀI NIỆM XỨ ĐOÀI


duonglam Hẹn hò mãi cuối cùng tôi cũng đã trở lại xứ Đoài Hà Tây khi cái nóng đầu hạ tạm lui nhường cho khí trời mát mẻ của đợt không khí lạnh muộn màng tràn về vào một ngày cuối tháng Năm.

Khi sơ tán về Hà Tây tôi mới 6 tuổi, theo trại trẻ lang thang từ Phú Xuyên sang Đường Lâm mỗi nơi vài tuần, rồi cuối cùng lên tận Quảng Oai đóng đô trong ngôi đình Chu Quyến…. Còn nhớ, ngày ấy cứ tối đến là các cô bảo mẫu đi về nhà với con mình, bỏ mặc lũ trẻ cho đứa lớn trông đứa bé. Mấy gian đình mênh mông chỉ le lói ánh đèn dầu. Các cột đình như to hơn, mái đình như sà xuống thấp hơn, sạp đình như rộng hơn, và bóng tối như dày đặc hơn… Tôi lại như già dặn hơn khi cứ nằm thao thức giữa bạn bè là lũ nhóc 5,6 tuổi như tôi. Lúc đó đâu đã biết sau này theo nghề khảo cổ, vậy mà cứ nhắm mắt là tôi nhìn thấy rõ ràng những đường nét chạm khắc mềm mại mà phóng khoáng, những đầu đao cong vút nhẹ nhàng mà cứng cáp ở đình Mông Phụ, đình Chu Quyến…

Lớn hơn một chút, mỗi sớm mùa đông lạnh giá tôi cùng mấy đứa bạn ra bãi ngô ngoài đê, len lỏi vào những hàng ngô cao quá đầu còn ướt đẫm sương đêm, nhổ từng bụi rau muối nhỏ li ti… Cây rau muối thân mềm như rau sam, lá nhỏ lấm tấm trắng như những hạt muối li li, loại rau này nấu canh ngọt lừ, không cần mì chính. Lớn thêm chút nữa, theo các anh chị tôi đi lên đồi cắt ráng – loại cây dương xỉ - về phơi khô để đun bếp. Từ sáng đến chiều khi trở về mỗi đứa gánh hai bó ráng thật lớn, phải dùng đòn xóc, tuy cồng kềnh nhưng không nặng lắm… Đêm ngồi trên bờ đê ngóng về Hà Nội vẫn thấy pháo sáng máy bay địch thả từng chùm sáng rực phía phà Trung Hà… Ngày hè nước lũ lên cuồn cuộn vẫn ra bến sông trông theo những chiếc thuyền nhỏ như chiếc lá bập bềnh trên sóng. Trong mắt con bé Hà Nội 6, 7 tuổi như tôi, lạ nhất là thấy người ta ngồi và dùng hai chân chèo thuyền, hai tay vơ củi rều trôi trên sông hay dùng lưới bắt cá mòi. Chiều về bến sông thơm mùi khói nướng cá mòi, cứ 2,3 con kẹp bằng một nẹp tre, trở qua trở lại trên củi than cho cá vửa vàng sém. Cá mòi nướng có thể ăn ngay, nhưng thường thì người ta mua về kho khô với riềng, ăn với cơm chan nước rau muống luộc vắt chanh thì không có gì ngon bằng!

Tôi ở Đường Lâm hình như có vài tuần. Trong ký ức thời thơ ấu, Đường Lâm làng cổ là con đường đất nhỏ len lỏi giữa những bờ tường đá ong nâu đỏ, là thấp thoáng dàn mướp hoa vàng trước sân ngôi nhà năm gian cột gỗ nâu bóng vệt mồ hôi, là mạch nước giếng ngọt ngào giữa trưa hè oi bức, là cánh đồng ngô gió heo may xào xạc ngày đông… Ngôi miếu nhỏ trên đường dẫn vào cổng làng là nơi tôi đứng lại mỗi khi tiễn ba má lên thăm tôi rồi quay về Hà Nội. Có lần khi ba má về rồi, tôi cứ ngồi đó đến tận tối, xung quanh gió xào xạc lúa, cổng làng tối thẫm, bóng cây đa trùm kín một khoảng trời, con bé 6 tuổi không thấy sợ hãi, chỉ thấy cô đơn và tủi thân kinh khủng… Từ ngày ấy cái cảm giác này cứ đeo đẳng mãi, như là số phận của tôi…

Nay trở lại Đường Lâm, vẫn bờ tường đá ong, vẫn nhà ngói năm gian, vẫn sân đình rơm phơi thơm ngái, vẫn giếng cổ vẫn miếu hoang giữa cánh đồng… nhưng hồn vía của cái làng ngày xưa thì dường như không còn nữa…

Ấy là con đường bê tông rộng rãi sạch sẽ đến lạ lùng, ấy là bờ tường đá ong lộ rõ mạch vữa không còn chút rêu xanh, ấy là những ngôi nhà gỗ hàng trăm năm tuổi nhưng gian bếp nhà ngang đã thấp thoáng gạch men bếp gaz mà nhạt mùi khói rơm khói rạ… Ngôi đình làng được chăm sóc tốt thành ra chỉn chu quá, lại lạc giữa những ngôi nhà ngói mới, mái bằng đổ bê tông nên trông giống như một cụ già gương mặt phong trần nhưng vì đứng giữa bọn trẻ nên cũng phải áo bỏ trong quần thắt lưng nghiêm ngắn… Em đưa tôi về quê, nhưng chắc em không biết những ký ức của tôi với vùng quê của em. Ngày tôi ở đó hình như em còn chưa sinh ra đời… Tôi mong trở lại vì sợ rằng ngày gần đây làng cổ quê em sẽ biến thành một nơi dở phố dở làng khi Đường Lâm trở thành đơn vị hành chính là “quận” hay “phường” gì đó… Bây giờ Làng cổ Đường Lâm là di sản văn hóa, là làng du lịch, đời sống dân làng đã sung túc hơn nhiều. Như vậy đời sống vật chất hiện tại cũng tốt, mà giá trị tinh thần của quá khứ cũng được giữ gìn… Vậy mà sao tôi vẫn thấy gờn gợn một điều gì đó…?

Mà thôi, chắc tại tôi cả nghĩ… Bên bờ tường đất hiếm hoi còn lại trong làng cổ vẫn xanh dàn bầu dàn mướp đó thôi…



3. PHÙ LÃNG LÀNG CŨ GỐM MỚI


Ngày cuối thu tôi trở lại làng gốm Phù Lãng. Thăm xưởng Gốm Nhung. Cơ ngơi đàng hoàng, nhà xưởng khang trang, sản phẩm hiện đại nhưng vẫn lưu giữ nét dân dã...
Độc đáo nhất là những đồ sành mộc không vẽ men màu, không nhiều chi tiết... Chỉ màu nâu sành đã bao nhiêu sắc độ khác nhau, những giọt men sành đọng lại đầy ngẫu hứng... Tài năng người làm gốm ở đây, mà sự độc đáo khác biệt của mỗi lần nung gốm cũng ỡ đây. Thích thú với những sản phẩm mỹ nghệ, trang trí của ông chủ lò gốm Nhung bao nhiêu, tôi càng chia sẻ những trăn trở giữa việc cần sản xuất những gì để bán được, để sống được với khát vọng sáng tác những tác phẩm để đời của người nghệ sĩ trong ông chủ doanh nghiệp Gốm Nhung bấy nhiêu...
Chợt nhớ câu chuyện đã đọc trong một cuốn sách về gốm cổ Trung Hoa, loại men rạn đặc biệt có được bắt đầu từ lỗi của lò nung... Bạn hỏi sao cứ thích thú với những sản phẩm bị hư hỏng? À, đó là những phế phẩm do lỗi kỹ thuật, quan sát chúng sẽ biết kỹ thuật sản xuất, từ công đoạn tạo dáng, đến sửa sang, chồng lò, nung, và hoàn chỉnh sản phẩm...

Ông chủ Nhung cười khi biết tôi là dân chuyên đi đào bới: Vài trăm năm nữa đào ở đây lên thì khối hiện vật! - Chứ sao, làng gốm Chu Đậu cũng thế. Nhưng tại sao lại cần vài trăm năm nữa khai quật lại, khi mà bây giờ có thể giữ gìn lò gốm này, lưu giữ những sản phẩm này cho đời sau? sao Gốm Nhung không hình thành ngay một bảo tàng đi nhỉ? Trên thế giới đâu thiếu những bảo tàng như thế!
Trên bức tường rêu treo những phù điêu, tượng nhỏ... Trông chúng có hồn hơn, khi là những sản phẩm lưu niệm trong các cửa hàng mỹ nghệ.
Làng vẫn cổ với những bức tường xếp bằng chum vại phế phẩm phủ dây mướp mềm mại thấp thoáng hoa vàng... Làng vẫn xưa với con đường ngoằn ngoèo, những chú chó, chú gà vẫn ngơ ngác chạy qua chạy lại, đàn bò vẫn thủng thỉnh giữa đường, chẳng cần biết đến chiếc xe ô tô dừng trên đường làng cũng đang ngơ ngác nhớ...

Dù chưa rời khỏi Phù Lãng...



4. NHỚ HUẾ


hueNửa đêm, bạn điện thoại: ra Huế chơi đi, mọi người đang nhắc đây nè! Trời ạ, mãi mới ngủ được (dạo này mất ngủ triền miên), cú điện thoại của bạn sẽ làm mình thức suốt đêm cho mà coi…

Ừ, Huế… lâu quá rồi mình chưa ghé Huế. Bạn đừng vội tự ái khi mình bảo: chưa GHÉ Huế mà không phải là đến/ trở về/ ra với Huế! Bạn còn lạ gì nghề của mình, cái nghề đi suốt nhưng chả ở đâu lâu được quá vài tuần, có khi chỉ vài ngày… Mỗi nơi mình đã đến nói cho cùng cũng chỉ là ghé qua, liệu mình có đủ “tư cách” để có thể gọi là “trở về” dù không ít những kỷ niệm, nhưng cũng không thể chỉ là “đến” một cách lạnh lùng như một người khách lạ. Huế với mình cũng vậy. Xuôi ngược dải đất miền Trung không dưới mươi lần bằng xe hơi (chưa kể những lần đi bằng xe lửa, hay… bay ngang qua trời miền Trung), hầu như lần nào mình cũng ghé Huế. Có lần vì công việc, nhưng cũng nhiều lần chỉ ghé vào chơi với bạn bè, ngồi với nhau một ly cà phê hay vài li rượu, rồi mình lại tiếp tục ra Bắc hay vào Nam…

Mình biết Huế lần đầu vào một đêm tháng Năm năm 1975. Theo đoàn xe đi từ Hà Nội vào Sài Gòn ngay sau những ngày mới giải phóng, mình đến Huế sau … 4 ngày đi đường vô cùng vất vả! Sẩm tối xe vào đến thành phố, mọi người ồ lên khi nhận ra cây cầu Tràng Tiền vắt ngang hai bờ sông Hương ngày ấy còn rất vắng lặng. Đêm ấy đoàn xe nghỉ lại ngay bên bờ sông, mọi người tản ra mắc võng nghỉ rải rác quanh xe… còn mình, mình cứ loanh quanh dọc bờ sông, nhìn mấy con đò neo lại gần bờ, nghe giọng Huế nhẹ nhàng nửa lạ nửa quen, cố tìm trong đêm xem núi Ngự đang ngự nơi nào… Đêm qua mau, sáng sớm đoàn xe tiếp tục hành trình về Nam.

Lần đầu Huế để lại trong mình một cảm giác buồn…

Không hiểu sao những lần sau cũng vậy… Dù mình luôn có những kỷ niệm vui ở Huế. Ví như, mình đố bạn tìm ra một quán “Bún bò Huế” tại Huế, bạn bảo dễ ợt! Nhưng rồi bạn phải mất với mình một chầu cà phê hoành tráng (vì mình lôi theo cả đống bạn mình từ bảo tàng, từ trường đại học…), vì quả thật chỉ có những quán “Bún bò” mà không có quán nào kèm thêm chữ “Huế”! Hay, sau khi tấm tắc khen các loại bánh của Huế quá ngon, mình hỏi, bạn có biết tại sao các loại bánh Huế ngon không? Bạn lập tức thuyết trình như một chuyên gia ẩm thực lành nghề… Nhưng mình đã tỉnh bơ giải thích: bánh Huế ngon vì… quá ít! Chả lẽ ăn nhiều thì… xấu hổ quá (vì trước mặt đã là một đống lá, một chồng chén, hũ nước mắm vơi đi thấy rõ), mà ăn ít thì cứ thòm thèm mãi… vậy là bánh Huế lúc nào cũng ngon!!! “Đồ đểu” - nhiều lần mình đã khiến bạn mắng yêu mình như thế… Bạn vẫn luôn nhớ mình không ăn cay được, đi ăn gì bạn cũng dặn 1 tô không ớt. Thế mà nhìn mình vừa ăn vừa sụt sịt bạn cứ xót xa, lại tự “chê” món Huế của mình “cay hổng giống ai!”…

Bạn biết mình không thích đến những lễ hội kiểu “quốc doanh” mà, nhất là dịp festival ở Huế (đấy, mình lại làm cho bạn… bực mình rồi!). Nhưng bạn cũng biết mình luôn yêu Huế, vì ở đó mình có bạn, bạn ơi…



5. ĐÔI BỜ THẠCH HÃN


Đúng ngày rằm tháng Bảy tôi đến Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Hơn 10.000 ngôi mộ liệt sĩ được quy tập về đây, hơn mười ngàn chàng trai tuổi đôi mươi, quê từ 64 tỉnh thành đang quây quần tại đây… Đi qua nơi yên nghỉ của những chàng trai Hà Nội, của các tỉnh phía Nam, của Hà Bắc, Hà Tây, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… chỉ kịp thắp vội vài nén nhang, lòng cầu mong các anh thông cảm vì không thể đến với từng người… Lướt qua những dòng bia mộ, có anh nhập ngũ được vài năm, có anh nhập ngũ chỉ mới vài tháng, nhiều anh còn chưa tìm thấy tên tuổi… Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn giờ đã khang trang hơn xưa, nhưng vẫn nắng Quảng Trị, vẫn gió miền Trung, vẫn xào xạc lá rừng Trường Sơn, vẫn những tên tuổi năm tháng ấy, thời gian ở đây như ngập ngừng không muốn trôi qua để giữ mãi tuổi thanh xuân của những người đã yên bình nơi đây…

Thành cổ Quảng Trị, 81 ngày đêm đỏ lửa. Nắng hôm nay có dội lửa như những ngày năm ấy? Gió hôm nay có thiêu đốt như những ngày năm ấy? Sông Thạch Hãn, 81 ngày đêm đỏ máu… “đáy sông còn đó bạn tôi nằm”… Sông ơi, sông hôm nay có quặn dòng như những ngày năm ấy…?

Trên đất nước này còn biết bao nghĩa trang chưa được chăm nom như thế?

Trên đất nước này còn biết bao con người chưa tìm được sự bình yên như thế?

Bên này, bên kia… như hai bờ của dòng sông quê mẹ, lỡ chia đôi nhưng một chuyến đò ngang cũng đủ nối liền. Sao hơn 30 năm rồi mà vết cắt vẫn còn đau…?



6. GẶP LẠI DÃ QUỲ


daquyCuối tháng 10 mà Đà Lạt mưa tầm tã như tháng 6 trời mưa không dứt ở Sài Gòn. Khi máy bay chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Liên Khương, nhìn bầu trời nặng trĩu nước, mặt đất mờ mịt mưa, cứ nghĩ, có khi không hạ cánh được mà bay ngược về Sài Gòn cũng nên… Nhưng rồi đường băng dài mới được mở rộng đã hiện ra dưới cánh quạt máy bay, bên ô cửa nhỏ đã thấp thoáng vạt dã quỳ vàng rực…

Con đường cao tốc từ sân bay Liên Khương về Đà Lạt mới hoàn thành. Hai bên đường những vạt đồi bị xẻ ngang còn tươi màu đất đỏ, thế nhưng những vạt dã quỳ đã kịp bén rễ mọc lên tươi rói. Những bụi dã quỳ chưa kịp kết lại với nhau rậm rạp, chưa kịp vươn cao quá đầu người, chưa kịp nảy những chiếc gai nhọn dày đặc trên thân, những bông dã quỳ cũng chưa kịp xòe cánh hết mình… Cơn mưa làm cho vạt dã quỳ mới càng non xanh tươi rói, thật lạ thật khác những bụi dã quỳ phơi mình trong nắng và phủ đầy bụi đỏ trên con đường cũ trước đây.

Một ngày nào đó có người đã rất yêu dã quỳ bụi bặm…

Một ngày nào đó có người đã từ bỏ dã quỳ ngơ ngác…

Qua một mùa nắng gắt tưởng như đã cháy khô đến tận gốc, qua một mùa mưa trôi đất tưởng như không còn chỗ để rễ nảy mầm, chớm đông về dã quỳ lại hồi sinh, tươi mới, hồn nhiên, duyên dáng… Dù vậy, vẫn là dã quỳ cứng cỏi, và cô đơn...

Bạn ạ, lên Đà Lạt mùa này đi, dã quỳ vẫn luôn chờ đón đấy…


Nguyễn Thị Hậu


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss