Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Những ngày cuối năm

Những ngày cuối năm

- Nguyễn Thị Hậu — published 10/12/2018 22:18, cập nhật lần cuối 10/12/2018 22:18

Tạp bút


Những ngày cuối năm


Nguyễn Thị Hậu



Cỏ sẽ lên xanh


Văn phòng của tôi trên lầu cao nhìn ra con đường có hai hàng cây dầu cao vút lúc nào cũng tấp nập xe cộ, trên vòm cao thi thoảng vút lên một bóng chim nhỏ nhoi… Ngày nắng gắt mà gió vẫn rạo rực. Có những buổi lu bu công việc ngồi lỳ trong phòng, đến trưa hay chiều mới bước chân ra ngoài. Ở đầu hành lang có kê một chiếc bàn với hai băng ghế dài màu trắng nổi bật trên nền lá xanh ngăn ngắt. Ngồi đây nhìn ra ngoài kia khi thì thấy bóng nắng lốm đốm trên những chiếc lá, lúc chợt nhận ra một vệt nắng vàng rực trên bãi cỏ nho nhỏ ở góc sân vườn.

Góc nhỏ này vô cùng thân thuộc với tôi. Mỗi sáng ngồi đây với ly cà phê cho sự tỉnh táo một ngày mới, mỗi chiều ngồi đây với bình trà đậm tôi có thể tạm quên đi mệt mỏi, đôi khi là sự bức bối, là tâm trạng không mấy tích cực nảy sinh trong công việc. Chỉ cần nhìn bầu trời xanh qua từng kẽ lá, ngắm những cánh hoa dầu xoay xoay trong gió như đang bay bổng điệu luân vũ, lòng bỗng bình yên nhẹ nhõm lạ thường.

Mấy bữa nay đường phố dưới kia đông hơn, xe hơi xe máy nối đuôi nhau từ sáng đến tối. Những giỏ quà nhiều màu sắc trên xe máy, trong xe hơi báo hiệu tết đang đến gần. Qua rằm tháng chạp, chị tạp vụ trong cơ quan chăm chú tỉa tót mấy chậu bông rồi lặt lá cây mai lão trong vườn… mỗi sáng se lạnh hơi gió chướng đang về…

Cuối năm họp hành liên miên. Sáng nay nhìn xuống sân vườn dường như thấy thiếu vắng gì đó…A, cỏ, vạt cỏ xanh bên hồ nước đâu rồi sao còn trơ đất? Hỏi chị tạp vụ, chị hồn nhiên kể, mấy bữa trước công nhân tới cắt cành mé nhánh hàng cây ngoài đường, sẵn nhờ họ cắt tỉa cây đa trong sân cho gọn gàng, bỏ những rễ khô cành chết để cây đa ra mầm lá mới, họ tới lui cưa kéo cành cây làm sao mà đám cỏ giập nát héo queo, em phải xới đất nhổ đi hết...

Bần thần.Người ta biết chăm sóc gìn giữ một cây lớn mà sao lại dẫm đạp lên đám cỏ nhỏ nhoi. Có ai biết cỏ cũng đau không… Chưa kịp nói gì thì chị tạp vụ xởi lởi, em tính chiều đi mua mấy vạt cỏ về trồng lại, đất em xới kỹ rồi, mùa này mát chắc cỏ sẽ lên nhanh lắm. Qua Tết chị vô làm là cỏ lại xanh thôi mà.

Ừ. Xuân đang về. Cỏ sẽ lên xanh …


Nhớ Sài Gòn


Một lần ngồi quán cà phê với bạn. Hai đứa sinh ra ở Hà Nội nhưng sống ở Sài Gòn đến nay đã hơn nửa đời người. Cùng học đại học, cùng lấy chồng trong một năm, năm sau cùng sinh con gái đầu lòng, hai đứa vẫn gắn bó với nhau dù có thời gian đến vài năm không gặp mặt. Bây giờ con cái lớn rồi, không còn vất vả kiếm tiền nuôi con. Thi thoảng hai đứa hẹn nhau ở quán cà phê nào đấy, ăn sáng, trò chuyện trên trời dưới biển… Có khi hai đứa hai cái điện thoại, dán mắt vào đó, rồi miệng nói tay lướt tiếp tục câu chuyện dở dang hoặc cùng bàn luận về gì đó vừa hiện trên màn hình facebook.

Sài Gòn, chụp từ trên cao (ảnh tác giả)


Ngày cuối năm đường phố nhộn nhịp tất bật. Không khí se lạnh mang lại cho người ta cảm giác nôn nao như sắp mất đi một điều gì đó, mà cũng như một điều gì mới mẻ đang đến. Quán vắng, miên man nhạc Ngô Thụy Miên “Em có bao giờ còn nhớ mùa xuân…”. Bạn chợt thốt lên, Nhớ Sài Gòn quá, cậu có cảm giác đấy không?

Ừ, mình cũng nhớ Sài Gòn dù đang ở giữa Sài Gòn, lạ không?

Nhớ Sài Gòn cuối năm 1975, gần Noel bỗng có một “mùa đông” mát mẻ, thậm chí buổi tối còn nghe gió lạnh tràn về. Người Sài Gòn đùa vui “vĩ tuyến 17 mở rồi, gió mùa đông bắc không dừng ở bên kia đèo Hải Vân nữa”. Những chiếc áo lạnh không chỉ làm quà theo các anh bộ đội về quê xứ Bắc mà còn được dịp khoe màu sắc trên khắp ngả đường. Những chiếc áo dài trắng tinh khôi được dịp khoác ra bên ngoài áo len áo gió, mỗi sáng đến trường nhìn phố ngỡ như mình đang ở Đà Lạt mộng mơ.

Nhớ Sài Gòn sau mùa hè năm ấy, vô lớp học bạn bè chỉ còn non một nửa. Hỏi thăm nhau đứa theo gia đình đi kinh tế mới, đứa vượt biên, đứa bỏ học lấy chồng đứa về quê… Chẳng kịp chia tay, vậy mà khi gặp lại vẫn nhớ tên nhau, trò chuyện thân thiết, không ngờ mấy chục năm bặt tin mà ký ức về bạn chưa hề quên lãng.

Nhớ Sài Gòn ngày có kết quả thi đậu đại học. Một nhóm bạn rủ nhau đạp xe qua vùng Khánh Hội quận Tư, lúc đó là khu nhà lá kênh đen, chiều xuống đèn đường nhập nhoạng, những tay anh chị cởi trần hình xăm chằng chịt, ung dung ngồi nhậu vỉa hè, chiếc xe Honda 67 dựng hờ hững ở lòng đường. Vậy mà chỉ chớp mắt đã thấy chiếc xe lao đi trong tiếng nổ ống pô xoáy nòng làm cả con phố giật mình thảng thốt.

Nhớ Sài Gòn tháng Chạp. Trên lề đường Trương Định từ vài năm nay, cứ đến khoảng thời gian này là xuất hiện mấy ông đồ trẻ tuổi quần jeans áo thun với mực tàu bút lông, cũng giấy điều giấy dó, ngồi đó viết những bức Thư pháp bằng chữ Hán, cả thư pháp chữ Việt, Người đến xin chữ giờ ít xin câu đối, mà thường xin những chữ tỏ lòng mong ước hay là điều mình tâm niệm, như chữ Tâm, chữ Nhẫn, chữ Phúc chữ Lộc…Cũng có khi là một câu thơ, một lời hát mà mình tâm đắc, như “sống trên đời cần có một tấm lòng”… Cuộc sống đô thị vội vã gấp gáp, chữ nghĩa cũng theo đó ngắn gọn, dễ hiểu. May mắn gặp được người tâm đầu ý hợp thì truyện trò vui vẻ. Người xin chữ thoả mãn vì được bức thư pháp chữ như rồng bay phượng múa, lại đúng điều minh mong muốn! Còn người cho chữ cũng thoả mãn cái thú được phô bày vẻ đẹp tinh túy của nghệ thuật viết chữ. Không thấy ai “trả giá” cho những bức thư pháp này. Cũng chưa thấy “ông đồ” nào giàu có nhờ viết thư pháp. Bởi vì người viết và người xin chữ đều hiểu giá trị tinh thần mà những con chữ mang lại cho mình.

Sài Gòn, quán cơm Nụ cười (ảnh Internet)

Nhớ Sài Gòn ngày tháng Giêng, mùa nắng đang kỳ cao điểm, đường mềm ra như nung. Trùm đầu che mặt kín mít mà vẫn không che được cái nóng ban trưa. Một thùng nước với chiếc ca nhựa treo tong teng, dòng chữ “trà đá miễn phí” bỗng làm mát cả đoạn đường. Bác xích lô bà vé số em nhỏ đánh giày chị gánh hàng rong… ghé qua từ tốn uống từng ngụm nước “còn để dành cho người khác”. Mà sao thùng nước chẳng bao giờ hết, chàng Thạch Sanh sống lại cũng phải ngạc nhiên bởi chàng chỉ có một nồi cơm nhưng Sài Gòn thì có hàng ngàn “thùng nước Thạch Sanh” hàng chục quán ăn “hai ngàn” dành cho những người cơ nhỡ.

Đấy, nỗi nhớ Sài Gòn bình dị thế thôi. “Em còn nhớ hay em đã quên…”, với Sài Gòn câu hát đó không chỉ dành cho những người đi xa.


Từng bước đến hạnh phúc


Năm nay Sài Gòn không có mùa Đông.

Đúng ra có được một hai ngày trời mù sương, nhiệt độ không thấp nhưng nhờ đó không khí lạnh hơn một chút. Sài Gòn vội vã khoác lên mình những chiếc áo lạnh đủ màu rực rỡ, đôi chân dài của những cô gái Sài Gòn kín đáo và khêu gợi hơn khi phủ đôi vớ sẫm màu, gương mặt người Sài Gòn tươi tắn hơn, như rừng cây đang mùa nắng gắt bỗng có cơn mưa rào mát mẻ.

Sau Noel lại là những ngày nắng nóng, Sài Gòn tự an ủi “Hà Nội, miền Bắc vẫn còn chưa lạnh như mọi năm mà”. Như một quy luật, chừng nào Hà Nội qua đợt giá rét thì mới tới Sài Gòn, không khí lạnh cũng phải vượt qua chặng đường dài bao nhiêu đèo dốc để vào phương Nam, giống như mùa đông 1975 lần đầu tiên sau gần trăm năm Sài Gòn mới có nhiệt độ xuống dưới 20 độ C, “vĩ tuyến 17 đã mở” hai miền thông thương nên thời tiết cũng mừng rỡ giao lưu!

Nghĩ cũng lạ, con người luôn mong muốn thèm khát những gì mình không có, ít khi bằng lòng với những gì mình đã có. “Thiên thư định phận” nhưng con người thì luôn muốn thay đổi số phận của mình, và của người khác.

Số phận là gì? Là những ngẫu nhiên nối tiếp nhau theo một trật tự hợp lý nào đó? Hay là một vài sự kiện con người sắp xếp tính toán thúc đẩy để nó xảy ra? Liệu có tránh được những toan tính bên ngoài đẩy ta vào một “số phận” mình không mong muốn? Vì sao khi lựa chọn những thiệt thòi ta cũng đồng thời biết đó là hạnh phúc?

***

Tình cờ đọc lại hai truyện ngắn của nhà văn Nga nổi tiếng Pautopxki, Chuyến xe đêmBình minh mưa là hai câu chuyện tình yêu thuần khiết và trang nhã, đầy ắp cảm xúc nuối tiếc… dường như phần nào giải đáp cho tôi những câu hỏi trên.

Chuyến xe đêm là câu chuyện (tưởng tượng) của Pautopxki về nhà văn viết truyện cổ tích nổi tiếng Andersen, về sự lựa chọn số phận cô đơn để được là người mang đến cho trẻ em, và cả người lớn, những câu chuyện cổ tích thấm đẫm lòng nhân ái và vẻ đẹp giản dị của cuộc sống.

Verona (ảnh Internet)

Trên chuyến xe từ Venice đến Verona, trong bóng đêm “đồng lõa” với trí tưởng tượng, Andersen đã mang đến cho những người phụ nữ đồng hành với ông niềm vui vì lời tiên đoán về số phận của họ. Dù “an phận” với một anh chồng nông dân và bầy con đông đúc có những đôi má hồng hào khỏe mạnh và cặp mắt long lanh tinh nghịch, hay phải vượt qua mọi trở ngại “trèo đèo lội suối” đến với người yêu, hay là mang lại “hoặc rất hạnh phúc hoặc rất bất hạnh” cho người mình yêu… Những người phụ nữ bình dân hay thượng lưu này đều rất đáng được trân trọng, bởi họ sống và dám sống với sự lựa chọn của mình. Chấp nhận thử thách để “hoàn thà"chuyến xe đêm"nh” số phận cô đơn của mình, Christian Andersen, nhà thơ và người viết truyện cổ tích danh tiếng nhưng trong cuộc đời ông lại sợ truyện cổ tích, đến nỗi ông cũng chẳng có đủ nghị lực và can đảm, thậm chí cho một cuộc tình ngắn ngủi. Ông đã để cho những người đàn bà yêu quý ông đi qua cuộc đời như một khung cảnh đẹp thoáng qua ô cửa nhỏ của chiếc xe lữ hành, còn chăng chỉ là sự tiếc nuối tình yêu trong tim, như một chiếc lá đẫm mùi thơm sương ban mai mà ông bứt được và giữ lại bên mình rất lâu…

Cuối đời Andersen từng tâm sự Tôi đã trả bằng một giá đắt, có thể nói vô cùng đắt cho những truyện cổ tích của tôi. Vì chúng, tôi đã chối bỏ hạnh phúc mà lẽ ra tôi được hưởng... Nhưng số phận đã mang lại cho ông niềm hạnh phúc không ai có được, những câu truyện cổ của ông sẽ sống mãi cùng con người!

Có lẽ ít có truyện ngắn nào làm người ta bồi hồi rất lâu vì vẻ đẹp của nỗi buồn đã vượt lên trên cả luyến tiếc của sự chia ly, như Bình minh mưa. Người lính về phép, mang theo bức thư của đồng đội gửi về cho người vợ mà anh ta đã chia tay. Cuộc gặp gỡ vào một đêm mưa ẩm ướt ở một tỉnh lẻ bên sông, ngôi nhà với ánh nến và ngọn lửa tí tách trong lò sưởi, người đàn bà thanh lịch dịu dàng toả hương thơm phảng phất nỗi buồn trong đêm khuya. Và ý nghĩ về sự qua đi không thể nào lấy lại mỗi khoảnh khắc nhỏ nhất của thời gian, cái ý nghĩ dằn vặt con người thế kỷ này qua thế kỷ khác, đã đến với chính chàng lúc này, ban đêm, trong ngôi nhà xa lạ, và từ ngôi nhà ấy, một phút nữa thôi, chàng sẽ ra đi và không bao giờ trở lại.

Người lính “hoàn thành nhiệm vụ” rồi ra đi, vì anh hiểu, điều tốt lành hầu như bao giờ cũng chỉ đi lướt bên ta, chỉ trong khoảnh khắc dù ta chờ đợi chúng suốt đời, nhưng nếu gặp thì đó là hạnh phúc. Chính khoảng thời gian ngắn ngủi trong ngôi nhà trên bờ sông dốc đứng này, anh đã bắt gặp hạnh phúc của mình.

Bắt gặp để rồi chia tay sau một phút im lặng ngồi bên nhau như tục lệ xưa. Có ai ngăn anh ở lại đâu nhưng người lính vẫn ra đi, tiếp tục số phận của mình như con tàu trong buổi bình minh ẩm ướt, với hành trình lang thang của nó trong những ngày mưa và trong những buổi sương mù. Tàu rời bến nhưng những làn sóng khi nó lướt đi thì còn vỗ mãi vào bờ. Tình yêu, hay cảm giác về tình yêu cũng như những con sóng kia, sẽ làm cho trái tim hai người không thôi xao động khi nhớ về nhau…

Sự lựa chọn nào cũng là một bước đi đến số phận.

***

Sài Gòn trở lại những ngày mùa nắng. Trái đất đang nóng lên từng ngày do biến đổi khí hậu và còn do sự tàn phá của con người. Đừng tiếc vì mùa đông Sài Gòn nóng bức, vì ở đâu đó sẽ là những ngày ấm áp cho trẻ nhỏ đang thiếu đôi giày, chiếc áo ấm, cho những người cơ nhỡ không có một vòng tay người thân, cho cây cối ủ nụ mầm non chờ ngày xuân tới.

Mùa xuân sẽ mang lộc xanh đến mọi nơi, dù nơi đó là ngày nắng gắt hay mùa đông lạnh giá. Cũng như hạnh phúc sẽ đến khi ta không lấy nó từ nỗi bất hạnh hay sự thiệt thòi của người khác.


Nguyễn Thị Hậu

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss