Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Nơi Bờm cắt rốn

Nơi Bờm cắt rốn

- Hải Anh — published 22/10/2013 12:52, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20



Nơi Bờm cắt rốn



Hải Anh



Mẹ vốn định sinh Bờm ở bệnh viện tư H., chỗ đó gần nhà, các cô y tá hộ lý mặc áo hồng, nói ngọt như kẹo. Nhất là nó có phòng sinh VIP ba mặt kính, nhìn ra hồ Tây. Mẹ đã tưởng tượng sau này nhỡ Bờm thành vĩ nhân, người ta có thể gật gù giải thích, ừ, hồi ấy ông Bờm chào đời, cụ bà thân sinh vừa cho con bú vừa ngắm sóng nước hồ Tây và đường Thanh Niên rực rỡ phượng vĩ, bằng lăng, thế nên tâm hồn ông mới đẹp nhường ấy.


Thế nhưng tin sét đánh, Bờm được 32 tuần thì bác sĩ bảo thai chậm phát triển, chỉ có 2,3 kg, lại 3 vòng dây rốn cuốn cổ, muốn an toàn phải vào bệnh viện lớn mà sinh. Mẹ đành ngậm ngùi giã từ giấc mơ VIP, đợi đến khi Bờm 38 tuần thì vào bệnh viện nhà nước. Gần 9 giờ sáng, mẹ được đưa xuống khu mổ, gồm có nhiều phòng mở toang thông nhau. Một người ra lệnh với mẹ « Tụt váy ra ». Mẹ tụt. Người đó lại bảo « Trèo lên bàn mổ đi. » Mẹ trèo. Có ai đó đến, túm cổ áo, giật phanh nốt cái áo mẹ đang mặc. Thế là mẹ nằm đó, tênh hênh phơi bụng trên bàn mà chờ, cửa mở toang, ngoài kia mọi người đi lại xôn xao.


Ca mổ diễn ra chỉ chừng hơn 20 phút. Êkip mổ đi khỏi, người ta đẩy một băng ca tới. Một người giơ lên trước mắt mẹ hai cái chân lủng lẳng, mẹ tự hỏi, chân ai nhỉ, rồi chợt nhận ra đấy là chân mình, thật kỳ lạ khi mất cảm giác, cơ thể mình tự nhiên xa lạ. Nhưng mẹ chẳng có thời gian triết lý sâu xa. Có người lại túm hai vạt áo đang phanh ra của mẹ, nhấc lên khỏi bàn mổ. Một người nắm chân, một người nắm cổ, họ hè nhau lăng mẹ xuống băng ca. Rầm một tiếng, mẹ rơi phịch xuống như cái bao gạo, nghe họ mắng nhau « Lẳng mạnh thế, long cả ốc ra rồi đây này ». Mẹ đâm ghen tị với cái băng ca, ít ra thì nó còn được chú ý hơn người đàn bà vừa sinh, vết mổ đang đẫm máu là mẹ. Vì thuốc tê vẫn còn nên mẹ không đau, chỉ thầm cầu mong đừng có cái gì trong người mình long ra như con ốc kia thôi. Họ đẩy mẹ tới một bàn mổ khác, lại một sản phụ nữa được quăng xuống băng ca, lăn sát cạnh mẹ, nhưng lần này nghe tiếng rơi nhẹ hơn một tí. Người ta đưa băng ca vào phòng hậu phẫu. Sản phụ sẽ phải nằm cách ly ở đây trong 6 tiếng để theo dõi trước khi về phòng với con.


Hôm Bờm sinh là ngày tốt nên riêng buổi sáng đã có tới gần 40 ca mổ. Phòng hậu phẫu san sát cả dãy băng ca các bà đẻ nằm thiêm thiếp. Mẹ bị lạnh run cầm cập như sốt rét, cô nằm cạnh cùng băng ca thì bị ngứa, còn cô bên kia lại nôn. Y tá thản nhiên thông báo đấy là phản ứng phụ bình thường của thuốc tê. Thế là mẹ cứ việc run bắn lên, cô bên trái gãi sồn sột, cô bên phải oẹ đến mật xanh mật vàng, và tất cả cùng khát nước khô cả cổ, chẳng ai hỏi han gì. Buổi sáng vào sinh không ai được ăn uống, đẻ xong bụng càng rỗng tuếch, lại mất máu, miệng khô ran, cứ nằm ao ước giá mà chỉ được một thìa nước nhấp nhấp thôi. Mẹ nhìn sang cô bên cạnh, đôi môi khô đến bật cả máu. Trong khi đó, các nhân viên phòng hậu phẫu đi lại cười nói oang oang, bàn tán trưa nay ăn gà, cá, tôm to hay bún chả, gọi nước mía đi, cả chè khúc bạch nữa... Cô nằm bên thì thào với mẹ « Nghe thèm quá chị nhỉ ! » Giấc mơ sinh nở kiểu VIP có hồ Tây và hoa phượng của mẹ giờ co rúm lại chỉ là một ngụm nước mía mà cũng xa vời. Cứ nằm thiêm thiếp như thế, đếm từng phút để qua 6 tiếng, chợt mẹ nghe cô bên cạnh cười hích lên một tiếng, ngạc nhiên chưa ! Cô ấy bảo « Chị ơi, em buồn cười quá. Từ sáng nằm đây, em cứ nhìn mãi tủ thuốc kia, thấy nó ghi ‘Tủ thuốc Thú y’. Sao ở đây lại dùng thuốc thú y nhỉ. Bây giờ nhìn mãi mới ra chữ B ở sau, hoá ra là ‘Tủ thuốc Thuỷ B’..." Mẹ cũng bật cười. Mà có lẽ thuốc thú y cũng đúng thôi, vì ở đây mẹ thấy thân phận mình chẳng khác gì súc vật, trần trùi trụi không dám ho he, nhìn lên hộ lý y tá đầy khiếp hãi.


Sau 5 tiếng nằm « theo dõi » như thế, mẹ được đưa về phòng mình, gặp lại Bờm, ăn cháo móng giò bà nấu, cảm giác như sống lại. Bà khoe Bờm phong cách nam nhi, đi tiêm viêm gan B, bọn con gái khóc ngằn ngặt, riêng Bờm chỉ é lên một tiếng rồi thôi. Mẹ bảo, bà đừng vội tưởng bở, hay là cháu bà đần quá, đau cũng không biết kêu.


Bắt đầu từ lúc này, họ hàng, bạn bè mẹ tấp nập vào thăm đến tối mịt. Bờm vẫn giữ phong cách nam nhi, không khóc, mắt mở thao láo nhìn mọi người nói cười hỉ hả xung quanh. Nhưng đêm đầu tiên ấy, Bờm phát sốt lên, bác sĩ bảo không rõ nguyên nhân, phải mang đi theo dõi. Lại theo dõi, làm mẹ sợ phát khiếp, gọi điện khắp nơi cầu cứu. Bờm còn bị vàng da sinh lý nữa nên tổng cộng lưu lại bệnh viện 5 ngày. Mỗi sáng, người ta đến gom Bờm đi tắm một lần. Lần nào mẹ cũng nhét một tờ 20 nghìn vào tã để Bờm được chăm sóc tử tế hơn, ở đây hình như ai cũng làm thế cả. Mẹ đã nhìn thấy cái xe gom bé đi tắm, chừng mười bé được quấn kín như cái kén xanh, nằm ngoan thin thít, chỉ hở cái đầu bé bỏng và từ nách là những tờ tiền thòi ra lấp ló...


Mẹ phải thú thật rằng mẹ từng mong Bờm là con gái, như thế, mẹ có thể truyền cho con hết những kinh nghiệm đời mình. Nhưng giờ thì mẹ hiểu Bờm sinh ra không phải để thành bản sao (dù tốt đẹp hơn) của mẹ. Bờm chào đời để dạy cho mẹ bài học mới về thế giới này, về sự đau khổ và nhẫn nhục, về tình yêu vô điều kiện mà mẹ chưa từng biết. Trong tiểu sử của Bờm sau này, nơi Bờm cắt rốn cũng giống như hàng triệu đứa trẻ bình dân khác, tàn nhẫn lắm, mà yêu thương cũng rất nhiều. Và mẹ không còn tiếc giấc mơ VIP kia nữa.


HẢI ANH

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss