Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Nửa năm trước...

Nửa năm trước...

- Mạch Nha — published 10/04/2017 22:50, cập nhật lần cuối 10/04/2017 22:48

Nửa năm trước...


Mạch Nha



Đầu năm, bạn thâm giao cho cái ô kê, đến hạ sẽ qua thăm nhau. Ta hớn hở bày trò du thuyền. Sau một hồi lướt oép tìm kiếm thông tin, ta vươn vai đứng lên tìm điện thoại để gọi thử một công ty du lịch xem sao, lòng hưng phấn bắt đầu thả trí tưởng tượng đi rông, thấy mình làm nàng Kate lượn qua lượn lại trên boong thuyền bên chàng Jack đẹp trai không có gì là sai ... ngang qua ti vi, nàng dừng chân trước thuyền nhân Syrie lớp vẫy lớp gọi, lớp bế bồng, lớp thoi thóp trên bờ dưới bãi, thấy người tị nạn quang gánh lũ lượt nối đuôi nhau tìm mọi cách vượt biên giới, thấy lều trại ngổn ngang màn trời chiếu đất, bốc điện thoại lên rồi cầm đó mãi chẳng bấm lấy được một con số, tự dưng văng vẳng trong đầu giai điệu Tôi đã thấy, tôi đã thấy trên con đường, người ta bồng bế nhau chạy trốn...

Ngày ấy, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thấy gì? Ở đâu? Người ta ấy là ai? Tại sao bồng bế nhau chạy trốn? Thắc mắc, ta lại lướt oép một vòng. Thì ra đây là một trong những câu đầu của bài Hát Trên Những Xác Người, thuộc Ca Khúc Da Vàng Trịnh Công Sơn viết ca khúc này cuối tháng hai năm 1968, sau khi tận mắt chứng kiến cuộc thảm sát giết hại hàng ngàn thường dân vô tội vào ngay những ngày Tết (Mậu Thân) tại Huế, nơi chôn nhau cắt rốn của ông. Người vỗ tay xa dần ăn năn là câu kết của bài hát. Ta đang sống năm 2016, tức 48 năm sau, ta đang thấy cảnh tượng người tị nạn vượt biên bằng đường biển lẫn đường bộ trên màn ảnh ti vi. Syrie và Việt Nam, nơi chốn, thời điểm, hoàn cảnh chính trị chẳng ăn nhập gì với nhau nhưng cảnh tượng một người mẹ ôm xác đứa con, người cha già ôm con lạnh giá, những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em thì kinh hoàng và bi đát như nhau. Nhân và Quả cũng thế, không khác gì nhau. Nhân là chủ thuyết và một đống “nhân danh” mà những kẻ u mê ôm lấy, vin vào để tự sát và sát nhân rồi vỗ tay cho thêm thù hận. Quả là những gì Trịnh Công Sơn đã thấy 48 năm trước, ta đang thấy hôm nay.

Tháng ba. Thứ ba, ngày hai mươi hai, nghỉ phép ở Maroc về, I. đem chút quà quê vào hãng. Quà lần này là Corne de Gazelle, đặc sản bánh hạnh nhân hoa cam. Tám giờ rưỡi sáng, mọi người lai rai vào phòng, ai nấy mặt mày kém tươi vì thiếu cà phê. Chín giờ, chờ đông đủ, I. mở hộp bánh và tự tay pha cà phê. Ta nhón lấy một chiếc bánh xinh. Ôi ngọt! Ôi bùi! Ta mần đây!  Đồng lúc răng lưỡi háo hức hành sự, S., nãy giờ quẹt quẹt cái smartphone, bất thần rú lên: “Khủng bố đánh bom ở Bruxelles! Mấy chục mạng người ngã xuống rồi!” Miếng bánh nổ tung trong miệng. Ta mắc nghẹn.


Tháng tư. Sinh nhật. Quà là cái máy uốn chải tóc Babyliss. Hí ha hí hửng, khấp khởi hy vọng món đồ chơi mới này sẽ giúp đầu tóc như ý. Đang định bụng chiều đi làm về sẽ bày ra chơi với con gái thì chợt thấy cái meo bay vô hộp thư. Mở ra coi bạn nói gì sau khi gửi cho bạn mấy tấm ảnh chụp hoa xuân bên trời Tây. Bạn nói hoa đẹp lắm, bạn cảm ơn và xin lỗi không thể hồi âm sớm hơn vì ở nhà vừa phát hiện vợ bạn bị ung thư ác tính tuyến nước bọt, cục bướu to 2x3 phân, chuẩn bị hóa trị. Ta không còn gì  khác trong đầu ngoài gương mặt diễm lệ của người mẹ trẻ ấy. Thấy mái tóc như thác đổ chuẩn bị đối đầu với hóa chất. Thấy sức sống cuồn cuộn bỗng chốc hư hao. Cái Babyliss tự dưng vô duyên.

Tháng năm. Trời đẹp lên, anh em trong nhà rủ nhau đi câu. Chiến lợi phẩm trình làng trên facebook là những con cá ú nu ú nần nằm xếp lớp nhem thèm. Ta thích đến độ quên tuốt lời hứa thầm không sát sinh và không cổ vũ sát sinh, thò tay Like cho một phát. Chưa đủ, nhìn cá mới giật lên từ sông tươi mạnh thiếu điều muốn nhảy ra khỏi màn hình, lòng tham khởi trận, ta mơ tưởng mắm nêm cùng  bánh tráng. Nước miếng sân si trào chưa kịp ực thì bỗng đâu biển động. Nước biển quê nhà chuốc tai ương vì bị chất thải cực độc của cái nhà máy sản xuất thép khỏi nhắc tên ai cũng biết đầu độc man rợ. Xác cá đột tử đàn đàn đống đống dạt vào bờ. Thối rữa, chương sình, chỉ nhìn qua màn hình cũng muốn bệnh nói chi nhìn tại chỗ, ngửi tại chỗ và nếm tại chỗ! Nước miếng ta đông lạnh.


Đầu tháng sáu. Con gái hỏi: «Mẹ có nhớ thứ ba tuần sau, ngày 7 tháng 6 có chuyện gì không?» Ta giật mình: «Chuyện đó dính dáng gì tới con?» Con bé trợn mắt: «Hôm đó lớp con sẽ đi dã ngoại mà, sao lại không dính ạ?» «À, à, mẹ nhớ rồi! Mẹ sẽ chuẩn bị túi thức ăn cho con, tất nhiên rồi.» Con phụng phịu: «Vậy sao vừa rồi mẹ nói chẳng dính gì?!» «À, à... Vì mẹ tưởng con nhắc chuyện bác Trần Huỳnh Duy Thức sẽ ngưng tuyệt thực...» Con thộn mặt: «Bác này là ai? Tuyệt thực là gì?» Ta thốn nhớ một người. Một người, từ trong tù, đã từng viết cho con gái những câu này:


Con sẽ hiểu nhiều khi lớn thêm
Vàng bay như lá rụng bên thềm
Lúc trang sử máu không còn máu
Là lúc hiện chân sáng ngời lên


Người ấy phải chịu biệt giam 10 tháng trong khám Chí Hòa vì đã lên tiếng kêu đòi cho các bạn tù cải tạo được quyền hát thánh ca và thắp nến trong đêm Giáng sinh. Mười tháng cùm chân trong bóng tối xà lim cho cái tội... xin hát. Ta nhìn con gái... Muốn nói «Con sẽ hiểu nhiều khi lớn thêm.» như người ấy đã nói với ta, 38 năm trước.

Giữa tháng sáu, mùi hạ quanh quẩn dù trời vẫn dấm dẳn mưa gió. Ta muốn bỏ quên ủ dột tháng giêng, âm u tháng ba, buồn bã tháng tư, ưu tư tháng năm, hầm hầm tháng sáu để vui cùng mùa bóng Châu Âu tổ chức ngay tại Pháp. Chẳng biết gì về bóng đá nhưng ta vẫn to mồm «Allez, les Bleus! Cố lên nào, màu áo xanh!» (màu áo của đội tuyển Pháp - ít nhất, ta biết chuyện này). Phá lệ sinh hoạt riêng để coi nguyên trận Pháp-Roumanie với anh và con trai. Khi trái banh bay vô lưới cho mình cơ hội hét lên một tiếng đã nư, ta thấy vui và chạnh nhớ ngày nào năm xưa ta còn bé tí teo… thức trắng đêm cùng cả nhà, cả xóm coi giải bóng đá thế giới... Thời Platini còn đáng yêu trong chiếc áo tuyển thủ sáng giá của đội Pháp chứ có đâu phì lũ cả bo đì lẫn nhân cách như bây giờ... Cái không khí vui như Tết ấy nó lôi cuốn ta thức tới hai ba giờ sáng để rình rập giây phút tuyệt đỉnh khi muôn người có cùng một rung cảm, nói cùng một thứ tiếng mặc dù chỉ vừa trong ngày đấy thôi còn là hàng xóm thù nghịch, chỉ muốn nhà bên kia chết quách đi cho mình nhờ. Tiếng đó: «DÔ!»


Pháp-Roumanie xong, ta muốn xem tiếp trận Anh-Nga vì lại muốn cùng «Dô» với anh và con trai. Lần này, ta lôi kéo cả con gái cùng xem. Con bé không thích nhưng vẫn cố ngồi xuống vì mẹ nó bảo sẽ có lúc rất vui, coi cho có kỷ niệm. Kỷ niệm, rút cuộc là những cuộc ẩu đả chết người ở Marseille, nơi diễn ra trận đấu. Nơi mà những con người của thế kỷ 21 phanh ngực, bày ra trần trụi, cầm chai, vớ ghế phạng lên đầu nhau phọt máu tươi chết bỏ chỉ vì một trái bóng. Trái bóng là cái cớ để người ta trút bã hung tàn lên nhau.

Trông người lại nghĩ đến ta, cũng đám đông, cũng đường phố, cũng ẩu đả tơi bời hoa lá, nhưng bên nhà từ hai ba tháng nay là những cuộc biểu tình tức nước vỡ bờ trước quốc nạn nguy cấp của biển, của đảo, của đất, của nước, của sống còn, tồn tại. Ẩu đả, nói đúng hơn là đàn áp bằng vũ lực, hoặc công khai hoặc ném đá dấu tay không đơn thuần xuất phát từ bản năng côn đồ mà là bản năng côn đồ được sử dụng để phục vụ cho quyền lực. Người bị đánh hoàn toàn bất cân sức với người đánh. Nạn nhân là người già thường dân, phụ nữ thường dân, thanh thiếu niên thường dân, trẻ em thường dân, và cả người tàn tật thường dân, tất nhiên không vũ khí. Họ chẳng giành giật được thua ấu trĩ gì ngoài việc xin được… nói. Nói gì? Nói về nhu cầu cơ bản nhất của con người là được sống tức là có cơm ăn, đất ở. Và, tối thiểu, cơm ăn ấy phải lành, đất ở ấy phải sạch. Đánh đấm như thế, đem so với bọn hooligan chỉ biết ngô nghê, ngang ngửa thoi nhau thì cả tính côn đồ lẫn mức vô lại đều đích thực là Người vỗ tay xa dần ăn năn.

Con bé chù ụ: «Vậy mà mẹ nói vui!» Ta chỉ còn biết thở điệu Abba Oh, yes, man is a fool. And he thinks he´ll be okay, dragging on, feet of clay, never knowing he's astrayed, keeps on going anyway... » Ầu ơ, con người điên thiệt nghen bay, lầm chết mà cứ tưởng hay, đi hoài. Chân dẫm bùn chân dẫm lầy...


Mạch Nha

Đầu 2017



*** Những chữ in nghiêng, đậm là ca từ của bài Hát Trên Những Xác Người -

Ca Khúc Ca Vàng - Trịnh Công Sơn



Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
CONFÉRENCE DÉBAT 24/05/2024 19:00 - 23:00 — la Médiathèque JP Melville (Paris 13e)
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss