Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / O Ngơ

O Ngơ

- Phạm Hồng Thắm — published 22/11/2008 15:48, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:19
Truyện ngắn


O Ngơ


Phạm Hồng Thắm



Ngày nào cũng vậy, sau một chặng dài rong ruổi khắp hang cùng ngõ hẻm, trên đường về nhà, o Ngơ lại dừng chân tại chỗ này. Ngày nào cũng vậy, khi về đến chỗ này, o Ngơ lại ngồi bệt xuống thềm xi măng lồi lõm và lở lói, rồi thở dốc. Ngày nào cũng vậy, khi hơi thở đã trở lại đều đều, o Ngơ lại ngước trông lên tượng đài. Ngày nào cũng vậy, lúc ngước trông lên tượng đài cao vút, o lại nhớ về cái thuở mười tám đôi mươi ấy…

Tên thật của o không phải là Ngơ. Người ta bắt đầu gọi o bằng cái tên Ngơ sau lần o lên cơn động kinh, ngã lăn đùng ra đất, miệng sùi đầy bọt. O dãy dụa hồi lâu, đè lên cả những con cá bé tẹo vừa xin được, rơi vãi vung trên cát. Còn cái mẹt đựng cá thì văng rất xa chỗ o nằm. Đàn bà con trẻ vây quanh o lo lắng. Còn đám đàn ông chẳng cần hay biết gì, bởi họ đang mải miết khuân cá lên bờ. Mấy bà xúm lại, người nắm chân, kẻ nắm tay o. Chút sau, cơn đau dịu dần, chân tay o mềm mại trở lại, nhưng cặp mắt vẫn mệt mỏi đờ đẫn. Một bà đỡ o ngồi dậy, chép miệng: “Tội chi mà tội rứa. Răng đến nông nỗi ni”. Bà khác chêm vào: “Còn răng nữa? Mấy ngày ni có bán được tí cá mô. Xin được mấy con bằng cái xẹo, ai người ta mua. Chắc do đói nữa hè”. O ngó quanh, mắt rơm rớm nước. Bà con thương o vậy, nhưng o biết họ cũng chẳng hơn gì mình. Người ta bảo, lá lành đùm lá rách. Nhưng tất cả các lá đều rách nát thì ai đùm được cho ai đây? Có tối o đi bán hàng về, gặp một bà cùng xóm. Bà thấy cái mẹt của o vẫn còn nguyên những con cá xin được từ sáng, bị ươn đến nhão nhoẹt, bèn gọi o vào nhà đưa cho bát cơm độn sắn. Đúng hơn là mấy lát sắn cõng vài hạt cơm. O giơ tay nhận mà lòng quặn thắt. Sau lần bị lên cơn động kinh, đầu của o cứ nghiêng nghiêng về một phía. Vậy là cái tên Ngơ gắn với o từ đó.

O ở một mình lâu lắm rồi. Từ cái năm nào o cũng chẳng nhớ nữa. Chồng con đã lần lượt bỏ o mà đi. Họ chê o nghèo đấy mà. O buồn cho đời mình nên thi thoảng nói với mọi người vậy. Trước tiên là thằng bé. Hai vợ chồng o chỉ có nó. Sinh ra giữa gió và cát, nó cũng khoẻ mạnh, lanh lợi như những đứa bé khác trong làng. Mà ăn uống nào có chi. Khi củ sắn, lúc củ khoai. Hiếm hoi lắm mới được lưng cơm trắng. Suốt ngày chân trần chạy trên cát nóng. Vậy mà nó đâu có ốm đau. Năm nó lên tám, o thèm cho nó đến trường quá. O nghĩ, phải cho con biết cái chữ, may ra đời nó khá hơn. Nhưng trường của xã không có. Muốn đến trường xã bên phải đi xa tới hàng chục cây số, làm sao đây? Hơn nữa, lo cho con ăn còn không đủ. Cái mặc thì nhôm nhoam, vá chằng vá đụp, lấy đâu tiền mua sách vở. Vậy là o bó tay. Chỉ tiếc, nó thông minh lắm, cái gì cũng vặn vẹo o: “Răng lại rứa?”. Riết rồi o cũng chẳng thể trả lời cho nó được. Hễ o đi khỏi nhà thì thôi, về đến nơi là nó quấn lấy o. Thế mà sau bận lên cơn sốt ấy, nó đã rời bỏ o rất nhanh. Người nó cứ lả dần trong vòng tay ôm cuống quýt của mẹ. Đêm ấy, một đêm bão cát. Gió quật ngoài khơi. Gió quất lên bờ. Gió cuốn theo cát, thổi thốc vào mái lều xiêu vẹo của o. Bố thằng bé thì còn biền biệt nơi chân trời nào đó. Chắc thấy biển động, tranh thủ làm thêm vài mẻ lưới. Trong phút chót, khi thằng bé đã mềm oặt, o áp xuống khuôn mặt vô hồn đầy cát của nó, rú lên: “Con tôi ơi!”.

Ba ngày sau đó, thuyền đánh cá chồng o cập bến. Cái chết của đứa con trai duy nhất đã đánh gục người đàn ông của biển. Anh nằm bẹp trên chiếc chõng tre cũ, đã gãy nhiều nan. Căn bệnh chiến tranh lúc này mới lộ diện. Da anh vàng ệch. Cơ bắp của thân hình một thời săn chắc, nhanh chóng tóp teo chỉ trong có mấy ngày anh ngã bệnh. Tiền bán cái thuyền rách nát chẳng đủ cứu mạng anh. Ngày đưa chồng ra cồn nằm với con, o Ngơ lê lết, tạo nên một vệt kéo dài trên con đường cát trắng. Sau đó, đêm cũng như ngày, o như một bóng ma, thường luẩn quẩn nơi cồn cát, chỗ chồng con nằm. O luôn miệng lẩm bẩm: Rứa là hết! Rứa là hết! Hai hốc mắt o khô khốc, thâm sì. Với o, đúng là hết thật. Bởi ở cái làng mưu sinh thuần bằng nghề chài lưới này, gia đình nào không có đàn ông, khác chi tận cùng đường sống. Khi không lang thang nơi cồn cát, o lại nằm bệt trong nhà, mặc cho gió biển đong đưa mái lều nghiêng ngả. Thế rồi, một sáng người ta lại thấy o ngoài bến cá. O cắp theo một cái mẹt con con. Chỉ cái mẹt con thôi, chứ không phải cả đôi quang gánh, như những sáng nào đi đón chồng ra khơi trở về. Ừ, phải rồi, còn sống thì còn phải ăn. Mà muốn có ăn thì phải có cách kiếm ra cái để ăn chứ. Cứ nằm hoài nằm huỷ ở nhà, cũng có chết được đâu. Vậy là o vừa đi nhặt vừa đi xin cá. Đôi khi có người thương tình, cho thêm o mấy con nhinh nhỉnh để dễ bán.


*


Vào đúng cái ngày o Ngơ lên cơn động kinh, người ta ùn ùn chở những tảng đá thật to, một đống tướng xi măng và các loại vật liệu xây dựng khác đổ xuống khu bãi rộng đầu làng. Chỉ một thời gian ngắn, một tượng đài lừng lững mọc lên. Hôm khánh thành tượng đài, o cũng náo nức theo mọi người đến xem. Sau lời khai mạc thật dài và lâm ly của một ông rất to béo, tấm vải trùm tượng đài được kéo tung ra, mọi người ồ cả lên. Một khẩu pháo với cái nòng vươn cao. Ba o du kích người đứng, người quỳ quanh khẩu pháo, trong tư thế thật hiên ngang. Một o đã rất già buông câu nói: “Răng mà mặt ai cũng đằng đằng sát khí như ri?”. Một ông đốp lại: “Rứa mới cầm súng được chớ. Không rứa, răng mà bóp cò được?”. Mọi người quanh đó cười rân rân. Chợt có tiếng thốt lên: “Chao, răng mà cái o đang quỳ tê tề, y trang o Ngơ vậy”. O Ngơ nghe thấy, cố chạy về phía tượng có o du kích quỳ để ngó. Có người nhìn thấy o, trêu: “O Ngơ đây rồi. Đưa o Ngơ lên tượng đài xem có giống không nào?”. O Ngơ xấu hổ quá, chúi vào đám đông.

Thì ra họ xây tượng đài để kỷ niệm đại đội nữ pháo binh của o. Cái đại đội với những chiến công đánh chìm tàu chiến địch, tiếng tăm lẫy lừng thế giới hơn ba chục năm trước. Trong diễn văn đọc khánh thành tượng đài, ông to béo kể lể nhiều lắm về tinh thần quả cảm, gương chiến đấu quên mình của mấy chục nữ pháo thủ vùng biển anh hùng này. Ừ đúng rồi, nghe ông ấy nhắc, giờ o cũng mới nhớ lại. Chứ nhiều năm qua, o đâu có được rinh rang để mà hồi tưởng đến cái đận hồ hởi, vô tư hết mình vì quê hương đất nước ấy. Hồi đó, o chưa đầy tuổi mười tám. Mạ cứ giục o lấy chồng. Con gái quê o, lấy chồng từ mười lăm mười sáu tuổi. Đến tuổi đôi mươi mà chưa có người ngó mặt, coi như ế. Khi mạ rỉ rả chuyện chồng con, o dụi đầu vào ngực mạ nhõng nhẽo: “Khi nào hết tàu chiến giặc, tui lấy liền liền mấy chồng cho mạ coi”. Mạ cốc nhẹ vào đầu con gái, mắng yêu: “Vậy thì chết mạ, con ơi!”.

Tối hôm trước ngồi trêu mạ vậy, sáng hôm sau, o đã không còn được nhìn thấy mạ mình. Ngay đêm đó, năm chiếc tàu chiến giặc lảng vảng ngoài khơi, rồi bất ngờ, chúng lừng lững tiến thẳng vào phía bờ. Vừa tiến chúng vừa câu pháo vào làng. Nhà của mạ con o biến thành một cái ao sâu hoắm sau đợt tấn công ấy. Đại đội nữ pháo binh của o ra sức bắn chặn, ngăn không cho tàu giặc tiến vào gần bờ. Ba nữ pháo thủ đã hy sinh. Đại đội trưởng bị thương nặng, gãy một chân. Cả một vùng rộng lớn, từ bờ biển vào đến làng bị cày xới tan hoang, đổ nát. Mấy chục người dân chết và bị thương. Nhiều chị cùng đại đội cũng mất người thân như o. Ngay sáng hôm sau, chị em pháo thủ vừa ôm nhau khóc, vừa giơ cao nắm tay, thề quyết tâm trả thù cho đồng đội, cho người thân.

Từ đó, o gần như ăn ngủ ngoài trận địa. Nhà chỉ có hai mạ con. Chừ, nhà mất, mạ cũng không còn. Lấy đâu nơi chốn mà đi về. Nhiều o khác cũng vậy, gắn luôn mọi sinh hoạt đời thường của mình bên trận địa pháo. Cả một đại đội, hầu hết là con gái tuổi mười tám đôi mươi. Ăn chẳng đủ no. Mặc chẳng đủ kín thân. Vậy mà cứ vô tư, cứ phơi phới hết mình, trong khi cái chết rình rập ở bên. Chỉ có một điều quan tâm chung duy nhất là, làm sao bắn hạ được nhiều tàu chiến địch, không cho chúng xâm phạm vào vùng biển quê hương. Các o còn rỉ tai nhau, về cách làm sao cho vòng kinh nguyệt chậm lại, để khỏi vướng víu, bận bịu, làm trở ngại lúc chiến đấu. Sau chiến tranh nhiều o trong đại đội nữ pháo binh lấy chồng mãi không đẻ được con. Có o bị liệt nửa người do vác đạn quá sức, hoặc bị sụt một bên lưng. Rồi, còn có cả những ông chồng bỏ đi theo gái.

Chu cha, lâu lắm rồi, những đồng đội thân thiết của ba chục năm trước, tự nhiên cứ lần lượt hiện về trong đầu o, rõ mồn một. Vậy mà, thời gian qua, mải kiếm miếng cơm manh áo, o chẳng hề nhớ đến. Thế mà họ ở tận đẩu tận đâu, nay về đây kể lại chuyện xưa vanh vách. Trong diễn văn, o có nghe loáng thoáng tiền chi để làm tượng đài tri ân đại đội nữ pháo binh những hơn mấy tỷ. Một tỷ là bao nhiêu nhỉ? Chắc o không đếm xuể. Trong túi o chỉ toàn những đồng hào rách, những đồng xu rỉ hoèn. Ấy là khi o có tiền do bán mấy con cá xin được ngoài bến. Còn thường xuyên, túi o rỗng không.


*


Lễ khánh thành tượng đài kết thúc. Dân làng ai về nhà nấy. Các ông đến dự lễ, trang trọng trong những bộ complet đắt tiền, nặng nề chui vào mấy chiếc xe con. Tiếp đó, đoàn xe nối đuôi nhau diễu theo bờ cát trắng, để ngắm lại nơi đã từng diễn ra những trận đánh như đổ lửa ra biển cả của đại đội nữ pháo binh. Lúc này, mặt trời đang chiếu đúng đỉnh đầu. Triền cát trắng nóng bỏng, phẳng lặng, mênh mông, bỗng hằn sâu những vệt bánh xe lăn.

Bên tượng đài lúc này, chỉ còn mỗi o Ngơ thơ thẩn. Hôm nay theo mọi người đến đây, o đã không ra bến xin cá. Vì thế cũng chẳng có cá để bán. Ừ, không có cá bán, thì o nhặt mấy cái lon sắt, mấy cái vỏ nhựa để bán vậy. Cũng được mấy hào cho qua bữa. Ba thứ đồ này, mấy ông to béo bụng phệ quẳng lại đây mà. Nào, xem nào. Có cái lon nào còn tí nước không. Ui chao, cái này còn chút xíu, lắc nghe có tiếng nước óc ách ở trong. O ngửa đầu, dốc ngược cái lon vào miệng, lắc lắc. Một chút nước ngòn ngọt rỏ vào đầu lưỡi. Ngọt quá. Thơm quá. Lâu lắm rồi, o không còn nhớ vị ngọt của đường. Cả vị thơm của cam của táo, mấy thứ quả mà trước kia, thi thoảng có chút tiền bán cá chồng đánh được, o thường mua về làm quà cho con trai. Cũng chỉ có được vài giọt nước ngọt ở một cái lon. Còn tất cả đều cạn ráo. Nắng nóng quá đấy mà, có lẽ các ông ấy khát lắm. Đến đây bằng mấy cái ô tô có máy lạnh mát rượi, phải ngồi phơi dưới nắng gần hai tiếng đồng hồ, chắc cực lắm. Thật tội. Họ đâu có như o cùng những người làng này, quanh năm đầu đội nắng cháy, chân đạp cát bỏng, quen rồi!

Trước khi rời bước về nhà, một lần nữa o Ngơ lại ngước trông lên tượng đài. Ờ, mà ai đó phát hiện cái o đang quỳ tiếp đạn bên nòng pháo, trông giống mình. Đúng là giống thật. O bật cười, cúi đầu chầm chậm bước.

Những ngày sau đó, cứ mỗi chiều đi bán cá dạo về, o Ngơ lại đi qua tượng đài. Nhiều hôm o dừng lại, đứng ngó những vết nứt toang hoác khắp nơi trên tượng những nữ pháo thủ, rồi ngả lưng thật lâu xuống thềm xi măng đã xuất hiện nhiều chỗ sụt lún, đến tối sẫm mà chưa chịu đứng dậy. O thầm nghĩ, về nhà cũng một mình. Ở đây cũng một mình. Vậy về làm gì? Về nằm ngó lên trần nhà qua những mảng thủng lỗ chỗ là thấy sao trời chi chít. Nằm trên thềm tượng đài, ngó lên còn thấy được nhiều hơn, cả một bầu trời bao la. À, mà nằm đây ngắm tượng đài còn có cớ nhớ về một thời con gái... hồn nhiên và vô tư quá đỗi!

…Rồi, một sáng đầu đông, người ta phát hiện có xác chết còng queo nằm dưới chân tượng đài, ngay sát một vết nứt vừa to vừa dài của thềm xi măng. Một bên vạt áo người này rách đến nách, làm hở ra cái bụng tóp teo, nom rõ mảng thịt nhăn nheo, thâm xì. Xác chết nằm gối lên chiếc mẹt con con, đầu nghiêng xẹo đi. Nhưng, cặp mắt vẫn he hé ngước nhìn lên bức tượng đài cao sừng sững...


Phạm Hồng Thắm


Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
VIETNAM, DEUX DOCUMENTAIRES sur France 2 et France 5 05/03/2024 - 01/06/2024 — France 2 et France 5
Repas solidaire du Comité de soutien à Tran To Nga 22/03/2024 - 26/04/2024 — Foyer Vietnam, 80 rue Monge, 75005 Paris, Métro Place Monge
Nouvel Obs, soirée Indochine, la colonisation oubliée 25/04/2024 18:30 - 22:00 — 67 av. Pierre Mendès France, 75013 Paris
France-Vietnam : un portail entre les cultures 17/05/2024 10:00 - 11:30 — via Zoom
Ciné-club YDA: Bố già / Papa, pardon. 25/05/2024 16:00 - 18:15 — cinéma le Grand Action, 5 rue des Ecoles, 75005 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us
Kênh RSS
Giới thiệu Diễn Đàn Forum  

Để bạn đọc tiện theo dõi các tin mới, Diễn Đàn Forum cung cấp danh mục tin RSS :

www.diendan.org/DDF-cac-bai-moi/rss