Bạn đang ở: Trang chủ / Sáng tác / Tôi không coi cuốn sách này là sự kiện của mươi ngày

Tôi không coi cuốn sách này là sự kiện của mươi ngày

- Lê Minh Hà — published 25/04/2013 22:30, cập nhật lần cuối 12/04/2016 22:20
Tôi coi việc được đọc Bên Thắng Cuộc là một cơ may. Và tôi đã đọc hai lần. Với một osin trong nhà như tôi, thế là giỏi lắm rồi.


Tôi không coi cuốn sách này là
sự kiện của mươi ngày


Lê Minh Hà


Viết về chính trị không trong tư cách nhà chính trị. Viết về lịch sử không trong tư cách sử gia. Viết và buộc người ta phải ào ạt viết về, Huy Đức, trong tư cách một nhà báo đã làm nên kì tích trong lịch sử nền báo chí Việt Nam đương đại. Chỉ chưa biết, đến bao giờ kì tích này mới được ghi nhận từ phía báo chí chính thống.

Sẽ không có chuyện tác phẩm này của Huy Đức phát hành được ở Việt Nam trong thời gian gần, khi bất cứ người viết nào cũng phải tự kiểm duyệt trước khi bị kiểm duyệt. Chủ của nhiều blog và nhiều người đọc khác không thích nội dung cuốn sách (hay không thích người viết ra nó?) đã không sòng phẳng hạ giá công sức của Huy Đức khi nói tới khả năng này. Khó khăn – theo họ - chỉ là ở công việc thẩm định cứ liệu vì nhiều người được tác giả nói tới đã không còn sống. Thật ư?


btc


Tôi coi việc được đọc Bên Thắng Cuộc là một cơ may. Và tôi đã đọc hai lần. Với một osin trong nhà như tôi, thế là giỏi lắm rồi. Nhưng đó không phải là lý do tôi bất lực không cách nào sắp xếp lại được trong cái đầu của mình trọn vẹn toàn bộ thông tin mà cuốn sách mang lại.

Tội ở cuốn sách in ra thì gãy cổ tay: Thông tin ăm ắp, ngồn ngộn. Và mỗi thông tin đều có nguồn rõ ràng. Có chính xác hoàn toàn không? Ai có thể đòi hỏi điều đó từ bất kì một tác phẩm có quy mô lớn đến thế này. Chính tác giả khi cho xuất bản tác phẩm của mình dưới dạng sách in đã có chỉnh lí. Đấy là đạo của nghề, cái đạo mà người viết đã chứng tỏ ý thức rất rõ ràng khi công bố nguồn của các cứ liệu.

Vì thế, tôi vừa không hiểu vừa như hiểu tại sao tác giả Bên Thắng Cuộc lại bị nhiều đồng nghiệp của mình phê phán. Dù sao, tôi cũng là người sinh ra lớn lên dưới mái trường xã hội chủ nghĩa như họ, và chắc chắn là chúng tôi không khác nhau, luôn là cháu ngoan Bác Hồ.

Vâng, tôi đã đọc tác phẩm của Huy Đức với tâm thế của một người từng như thế, vô tư và vô tâm như thế, không muốn biết rằng mình không vô can trong tư cách người Việt Nam, đối với lịch sử Việt Nam mình sống trong và sống qua.

Phải nói ngay, tôi có tác phẩm lớn này của Huy Đức không trên tinh thần ủng hộ tác giả như nhiều bạn đọc tuyên bố. Tôi đọc nhờ bạn bè trên FB tặng, không mua, không dám nói thế. Tôi đọc vì nhu cầu muốn bớt ngu ngốc của chính tôi. Tôi đọc và kính phục. Không biết gì về Huy Đức ngoài biệt danh Osin và cùng tuổi với tôi, nhờ những dòng đầu tiên kể chuyện ngày 30.4.1975 của một thằng bé nhà quê mười ba tuổi. Đang chơi trò đánh vật trước giờ học, thằng bé và đám bạn nhận tin Sài Gòn giải phóng, chúng buông nhau ra.

Cả hai cuộc đánh trận thật (của cả dân tộc) và đánh trận giả (của một lũ trẻ con) cùng chấm dứt một cách đầy ý nghĩa qua cách kể giản dị như gạch lên đất sét. Rồi sau đó…

Lứa tuổi chúng tôi sinh ra, lớn lên trọn vẹn trong thời kì lịch sử mà tập 1 - Giải Phóng - tìm cách bao quát. Dù thân thế gia đình như thế nào, quần áo rách lành khác nhau nhưng tất cả muốn hay không cũng phải mặc đồng phục ý thức như nhau. Nói như một nhà thơ hiện sống ở Mỹ - Lê Bi – chúng tôi thật sự là  “những đứa trẻ hát đồng ca đi tới – đi chưa hết những cơn mưa hoang đường”.

Chúng tôi sống qua thời kì đó, sống trong nó, với tất cả những bần hàn vật chất và tinh thần, duy nhất một thứ thời bao cấp được cấp phát thừa thãi: tinh thần lạc quan, nhưng ở những mức độ khác nhau, nỗi hoài nghi lớn dần cùng tuổi trẻ, một tuổi trẻ sách vở lọt thỏm trong lòng thời hậu chiến cực kì khốn cùng, ở miền Bắc. Tuy nhiên, những gì xảy ra hàng ngày ở bên ngoài vòng quay tem phiếu, lại tồn tại chủ yếu như tin đồn. Phản ứng của xã hội trước một nền thông tin cảm tính gồm những tin đồn, hiển nhiên, cũng đầy cảm tính. Gọi cho đúng tên, thì đó là tinh thần a dua, dù theo bất kể chiều hướng nào. Hoàn thiện mình bằng tinh thần đó chẳng khác gì dùng vi lượng đồng căn, con người quen dần với những phản ứng nhất thời của chính mình, hài lòng với chính mình trong sự bực bõ nửa vời với thực tế, và thích nghi với nó. Giờ đây, tới ngưỡng tri thiên mệnh, ai khốn khổ thì đã bị đời sống đè cho bẹp, chột hết khát vọng, và có lẽ cả năng lực riêng rồi, (và đó là số đông), ai có chút học thức, may mắn, thấu cái lẽ ống ở bầu, thì cũng nhoi được lên, giật được từ đời chút danh chút lợi, và không ít người trong số này thấy đó là đủ để hiểu rằng khôn ngoan thì nên làm cho teo nốt khả năng li khai (vốn đã mòn lắm ở mình) khỏi tinh thần xã hội hóa. Nói cho ngay, tuổi của chúng ta là tuổi của những kẻ cơ hội (có khi chỉ kém mấy ông lưu manh xưng danh bần cố thuở nào) trước khi vỡ ra bên kia bờ là tưởng bở. Tôi, hay chị, hay anh mà không thành không đạt theo ước lệ xã hội đời này là vì mình dốt và dát, thế thôi nhé!

Thế nên tôi có phần nào bùi ngùi và kiêu hãnh, vì có một Osin, bằng tuổi tôi, âm thầm với cuốn sách này. Dù cho anh ta thuận lợi khi chuẩn bị tư liệu cho tác phẩm, chắc chắn là để đời của mình, vì có nghề báo, thì cũng không thể không thừa nhận một thực tế là công việc đó trấn mất rất nhiều thời gian. Nhưng quan trọng hơn cả thời gian đã mất là cái ý tưởng nền móng để bắt đầu việc đó. Thì đấy, Việt Nam có bao nhiêu là nhà báo được đào tạo, đã có ai làm được cái việc Osin làm. Tôi ngờ khối người thân người quen đã không thông cảm được với tác giả, có khi còn ngờ vực, e ngại, chính ở cái việc tự hiến cho cuốn sách này của Osin.

Nhưng Osin ạ, nếu một tác phẩm thành công là một tác phẩm buộc người ta phải nghĩ, dù không nhất thiết nghĩ theo tác giả, thì anh đã là tác giả của một tác phẩm như thế.

Tôi đồng ý với một nhà thơ mà tôi vốn rất ngưỡng mộ thơ + thái độ chính trị đầy văn hóa của ông, rằng Bên Thắng Cuộc là lịch sử nhìn qua con mắt của một cá nhân. Phải, cuốn sách không phải là một chuyên luận sử học, cũng không phải là một chuyên luận chính trị học, viết bởi một sử gia hay một chính trị gia. Bên Thắng Cuộc mang tầm vóc một tác phẩm báo chí của một nhà báo tầm vóc không chỉ của Việt Nam. Chúng ta có thể tìm thấy ở đó các cứ liệu cho phép cắt nghĩa đời sống chính trị Việt Nam qua một khoảng thời gian lịch sử chi phối toàn thể số phận Việt, nhưng cuối cùng, tác phẩm vẫn là một cách nhìn lịch sử của một cá nhân người Việt, một nhà báo Việt…
… Cố gắng khách quan hóa đến cùng lịch sử mà mình bao quát trong tác phẩm. Hệ thống nguồn được liệt kê cho thấy thái độ làm việc nghiêm túc của người viết. Nhưng người viết khách quan được tới đâu là chuyện khác. Bản thân cấu trúc tác phẩm kéo cả ngàn trang này đã cho thấy ý thức cắt nghĩa lịch sử từ tác giả. Và cách trình bày sự kiện, hay cách khắc họa các nhân vật lịch sử cũng thế. Đơn cử một câu mô tả vô cùng điềm đạm nhưng khi đọc thì khó mà tránh được một mỉm cười: “Đóng góp lớn nhất của ông Nông Đức Mạnh nằm ở chỗ ông không đủ sức để cản trở các sáng kiến cải cách”. Với riêng tôi, một phần cơ bản làm nên sức cuốn hút của Bên Thắng Cuộc là ở cách tiếp cận hiện thực này của tác giả.

Chưa từng có một tác phẩm nào viết về Việt Nam bao quát trong cả chiều rộng, chiều sâu lịch sử đương đại đất nước này như cuốn sách của Huy Đức. Không thể tránh được những nhầm lẫn khi sưu tầm tư liệu, đừng nói tới sự đánh giá tư liệu một cách vô thức từ người viết. Cái chúng ta phải ghi nhận, mà tôi, (thôi thì cứ thú thẳng thú thật), qúy phục, là thái độ của người viết. Tôi muốn nói ở đây là tư thái chính trị đầy văn hoá. Nói thật, nếu không cảm ra điều đó ngay từ những trang đầu, tội quái gì mà đọc tiếp.

Là vì nhiều năm qua, ngẫu nhiên thôi, tôi có cơ hội tiếp cận, kiểm nghiệm rất nhiều những thực tế lịch sử xảy ra ở Việt Nam trong giai đoạn Bên Thắng Cuộc bao quát, qua sách vở và qua cả nhiều mối quan hệ, những điều về nhau mà nhiều người Việt từ hai phía Bắc Nam, trong ngoài không được biết. Mà có khi cũng chẳng muốn biết về nhau?

Cuốn sách của Huy Đức không cải chính thông tin rỉ tai hay tin đồn mà tôi đã thu thập kể từ khi biết nhớ, về đất nước mình sinh ra trong thời chờ sông Cái trả lời xem Tổ Quốc đẹp thế này chăng hay Tổ Quốc nhục thế này chăng. Cuốn sách giúp tôi khẳng định lại những thông tin đó, hệ thống lại nó. Để từ đó hiểu rằng sinh ra là người Việt của hai thế kỉ không phải là một rủi ro định mệnh, cũng như những nỗi nhọc nhằn, nhục nhã của người Việt ngày xưa hay hôm nay không phải là chuyện may rủi của đôi ba đời người.

Phần hai của cuốn sách, phần Quyền Bính định hướng người đọc tự cắt nghĩa bi kịch làm người Việt của cả dân tộc Việt thời hiện đại. Vẫn biết chuyện đấu đá trong mọi bộ máy quyền lực là thường, nhưng, với cái kiểu đấu đá vừa đầy vẻ sát phạt, vừa cảm tính trẻ con của những nhân vật cực quyền ở nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hay Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, thì dân sướng mới thành chuyện cần phải nói?. Không thể nói họ chơi trò lý tưởng, vì trong số họ không ít người đã sống chết vì những điều tìm thấy và tin, nhưng sự thật là dân tộc Việt, trong đó có tôi đây này, đã trở thành vật thí nghiệm của lý tưởng mà nếu đầu óc được tự do chưa chắc người ta theo ngày xưa hay giả vờ theo hôm nay.

Trên mạng, ngoài đời, người ta có thể tìm được không ít thông tin về thực tế xã hội chính trị Việt Nam hiện nay. Đổi mới. Chống đối. Tận cùng khổ và tột cùng sướng… Có tuốt tuột. Nhưng, khi một nhà văn mới ngoài tuổi 30 hiện sống ở Hà Nội, người Hà Nội, người viết những cuốn sách đáng đọc bậc nhất về Hà Nội hôm nay, người tôi rất kính trọng vì sự lịch lãm, hỏi rằng những sự kiện có trong phần 1 cuốn sách - Giải Phóng - có thật không, thì tôi giật mình.

Bỗng dưng, tôi nhớ một nhà văn già khác, đã khuất. Nguyễn Mộng Giác. Ông từng kể tôi hay ngày mang một đứa con một đứa cháu vượt biên, lúc tàu ra khỏi hải phận Việt Nam, ngoảnh mặt vào đêm về hướng vừa từ đó ra đi, ông khóc. Không phải vì một ngày mai theo nghĩa đen chưa biết trôi dạt tới đâu, sống hay chết, không phải vì có thể vĩnh viễn không gặp lại vợ và những đứa con ở lại. Ông khóc, tuyệt vọng nghĩ mình vĩnh viễn mất Việt Nam.

Bỗng dưng, tôi nhớ một người đúng bằng tuổi tôi và Huy Đức, sống ở Sài Gòn trước 1975, đã buộc phải bước từ cổng trường Tây ra với những con đường thành phố quê hương lúc đó đổi tên, để rồi theo sự thu xếp của gia đình một mình lên một con tàu. Vượt biển. Ba lần. Khi đó bạn mười bảy tuổi.


Vì những câu chuyện và câu hỏi được nghe, tôi mong tấm gương osin là tôi đọc Bên Thắng Cuộc sẽ được noi theo. Mong nhất: những người tuổi 50 như tôi và những người tuổi 30 sẽ đọc. Đọc, không phải để tin, để ồ à ta ưu thời mẫn thế, mà để hiểu hơn số phận mình trong tư cách là người Việt. Và sau đó…

Việc của osin trong nhà không phải là viết sách, mà là cơm nước đúng giờ. Chiều muộn quá rồi. Xin dừng ở lời cuối này: Osin Huy Đức ạ, tôi, một người đọc, cảm ơn ông.

Berlin 25. 4. 2013

Lê Minh Hà

Các thao tác trên Tài liệu

Các số đặc biệt
Các sự kiến sắp đến
MCFV: Lettre d’information – Newsletter Rentrée 2024 08/09/2024 - 29/11/2024
Galerie BAQ: Lêna Bùi 12/09/2024 - 02/11/2024 — 15 Rue Beautreillis, 75004 Paris
Thiên Thiên - Sân Khấu Hồng Hạc 17/09/2024 19:30 - 21:00 — Café La Rotonde - 185B Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM
YDA: Viet and Nam 22/09/2024 13:00 - 16:00 — MK2 Bibliothèque - 128 avenue de France, 75013 Paris
Các sự kiện sắp đến...
Ủng hộ chúng tôi - Support Us